Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Anh Chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Hồi ký "CUỘC BÁO THÙ" của nhà văn thân hữu Nhã Giang Thu Tâm, tác giả kể lại một câu chuyện thương tâm có thật.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
(Chuyện
có thật)
Cơn ác mộng kinh hoàng nửa đêm khiến Tú muốn
nghẹn thở, chòang tỉnh dậy khi mồ hôi toát ra đầm đìa như tắm làm Tú không tài
nào nằm tiếp được dù trời vẫn còn lâu mới sáng. Chàng ra bàn lấy nước uống,
ngồi suy nghĩ mông lung, giấc mơ làm chàng hồi tưởng lại một quá khứ đã qua từ
mấy mươi năm trước tưởng chừng đã gột bỏ khỏi tâm trí theo thời gian...Một quá
khứ đầy biến động kinh hoàng nhưng không kém phần ly kỳ. Nhất là Tú lại là
người có tâm hồn vô cùng nhạy cảm nên càng bị ám ảnh. Tú dần dần đưa mình trở ngược
về thời thơ dại…
Đời sống khó khăn
Cuối Thu năm 1957 khi gia đình Tú dọn về sinh
sống thì thị xã nhỏ Pleiku vẫn còn là một nơi hoang dã lạc hậu. Bố Tú là quân
nhân, hơn nữa tánh tình ông rất cương trực và luôn binh vực cũng như yêu thương
lính dưới quyền. Ông thường đòi hỏi sự công bằng cho họ nên phải tranh cãi với
cấp trên nhiều lần, vì thế thường bị đưa đi tác chiến khắp nơi tùy theo tình
hình chiến sự. Mẹ con Tú cứ lếch thếch theo ông hết từ vùng heo hút này qua nơi
đồi núi khác. Thưở ấy còn bé chưa đủ tuổi đi học, nên bây giờ trong tâm trí lờ
mờ của Tú chỉ còn nhớ đại khái được mấy nơi. Từ Đà Nẵng, Mỹ Khê , Quảng Ngãi,
Rừng Lăng, rồi về đến Pleiku thì mẹ của Tú bàn với chồng là bà muốn
dừng chân lại nơi này không đi theo ông nữa. Năm đó người chị lớn hơn hai tuổi
tên Mai Anh của Tú đã bắt đầu tuổi đến trường, hơn nữa mới có chương trình chia
đất cho gia đình quân nhân sinh sống. Cha của Tú bằng lòng, và thế là cả một
nhóm người nhận nơi rừng núi Cao Nguyên này làm quê hương thứ hai.
Vì số gia đình binh sĩ quá đông khó có thể một
lúc lo chỗ ở cho tất cả nên thoạt tiên mọi người được đưa về nơi này. Giữa vùng
cỏ tranh cao lút đầu người, chung quanh cây cối rậm rạp tối tăm, có sẵn từ bao
giờ một khu nhà mái lợp tranh chia ra từng căn, vách đất liền nhau, cũ nát và
sơ sài như trại lính cũ bỏ hoang. Mỗi gia đình được cấp một căn, rộng khoảng 30
m2. Dù không vui nhưng đành chịu, mọi người ra sức chia nhau dọn cỏ mọc hoang
khắp nơi ngay cả trong lòng căn nhà, rồi sửa sang lại vách có chỗ đã bị xiêu vẹo
và làm từng cánh cửa ra vào cho chắc chắn. Tuy mang tiếng là cỏ nhưng có lẽ đã
lâu đời không có bàn tay con người đụng đến nên có chỗ mọc cao tới cả gần hai
thước, cỏ tranh có lá nhỏ dài và sắc bén như dao, vô tình nắm phải là đứt tay
liền. Rễ của nó ăn rất sâu trong lòng đất rất khó bứng tận gốc. Chúng mọc dày
chi chít chen chúc nhau nên công việc càng thêm khó nhọc. Lũ trẻ con cùng ra
phụ nhưng nghịch ngợm thì nhiều hơn, chúng nó mặt mày đỏ gay, nhễ nhại mồ hôi
cứ la chí chóe làm người lớn thêm mệt mỏi. Nghe nói rễ cỏ tranh ngọt
không thua gì mía, lại rất mát nữa nên mấy bà cụ mang về rửa sạch để nấu nước
cho mọi người uống. Phải mất mấy ngày trời mọi việc mới tạm ổn định, hơn ba
chục gia đình sống quây quần với nhau trong dãy nhà thiết kế theo hình chữ U.
Mảnh đất giữa sân là nơi cho trẻ con chơi đùa, và một bên dưới mái che duy nhất
được lợp bằng tôn, phía trong đặt những chiếc lò đất nung. Đây là khu nhà bếp
để nấu nướng chung, cạnh đó là một cái giếng tuy lâu không sử dụng nhưng nước
vẫn rất trong. Tất cả sinh hoạt thân thiện như trong một gia đình, hầu hết là
người già, đàn bà và trẻ con. Những người đàn ông là chủ gia đình, sau mấy ngày
lo chỗ ăn ở cho vợ con lại lên đường đi làm nhiệm vụ hay ra trận mạc đây đó.
Căn của cha mẹ Tú bốc thăm được là căn thứ mười lăm, gần như chính giữa nên mẹ
bảo là may mắn, nhà có ba mẹ con ở giữa sẽ đỡ sợ hơn. Người ở một bên đầu dãy
nhà là chú thím Bảy, người miền Trung có giọng nói rất lạ, và đầu kia là nhà
chú thím Rậu người Bắc di cư như cha mẹ của Tú.
Tuy được cấp phát gọi là đầy đủ, nhưng mọi đồ
dùng cho sinh hoạt hàng ngày đều nghèo nàn thiếu thốn. Vì cuộc sống
khó khăn của gia đình lính tráng đã quen nên không ai phàn nàn gì, chỉ đáng sợ
là cái rét căm căm đến nhức nhối thịt da, trong khi chưa ai biết gì về vùng đất
này mà chuẩn bị kịp cho quần áo của mùa Đông thành ra càng thêm khó chịu. Tú
nghe mẹ và các bác nói chuyện với nhau, mới đầu tháng Mười thôi sao đã lạnh
thế, không biết mùa Đông nơi đây ra sao! Những người lớn tuổi luôn
miệng xuýt xoa, trẻ con không cảm thấy cái lạnh hay do chạy nhảy nhiều mà quên
mất, chỉ một thời gian ngắn thôi mà hai gò má bọn trẻ đỏ hồng đến nứt nẻ.
Phương tiện duy nhất để xua bớt sự băng giá là đốt lò than ngay giữa nhà, mọi
người quây quần chung quanh làm việc hay nói chuyện. Tiếng tí tách của than nổ
như hòa theo tiếng nói cười của đám trẻ làm tan bớt đi sự lo lắng của người
lớn.
Trời vừa tắt nắng, hơi lạnh của núi rừng càng về
khuya càng lan tỏa, từng làn sương mỏng bay tràn khắp nơi, len lỏi trong từng
xó xỉnh đến nỗi lò than đặt giữa nhà luôn hừng hực cháy đỏ vẫn không thể làm
không khí đủ ấm lên, khiến ai nấy đều chỉ mong được mau mau quấn mình trong
chiếc mền nhà binh dầy cộm. Mặc dù từ nơi gia đình Tú ở ra đến con đường chính
trải nhựa của thị xã chỉ có một quãng đường ngắn, nhưng trong vùng này lại
hoang sơ chưa có điện, mới 6 giờ chiều trời đã tối om, ánh sáng của những ngọn
đèn dầu vàng vọt nhảy lung linh mờ tỏ càng làm cho không gian thêm âm u đáng
sợ. Tiếng cóc nhái, ễnh ương dai dẳng suốt đêm, thỉnh thoảng lại chen vào tiếng
kắc kè tặc lưỡi, cú rừng kêu đến là ghê rợn. Đủ thứ âm thanh hỗn tạp khua động
không gian và đe dọa tinh thần người yếu bóng vía. Tú dù mê ngủ vẫn thỉnh
thoảng thức giấc nằm co rúm người lại không dám nhúc nhích. Mấy mẹ con nằm sát
nhau trên cùng một chiếc giường tre, Tú quay mình ôm chặt cánh tay
mẹ tìm sự che chở rồi lại thiếp đi. Mới năm tuổi, Tú chưa nghĩ tới được chuyện
gì xa xôi và khó khăn của cuộc sống nên vẫn thoải mái vui tươi trong hoàn cảnh
nghèo khổ, thiếu thốn.
Tờ mờ sáng một ngày nọ có mưa về, cơn mưa cuối
mùa của vùng Cao Nguyên nhưng cũng đủ lớn đến rúng động cả đất trời. Tiếng ầm
ầm của gió đánh bạt cây rừng như giận dỗi, mưa xối xả và những mảng nước từ đâu
đổ về ngập tràn len vào cả nền nhà tuy đã được đắp cao hơn phía ngoài sân đến
mấy tấc. Mẹ con Tú thức giấc trong lạnh run vì lò than đã tắt ngấm từ lúc nào.
Mưa dội trên mái nhà rầm rập, kèm theo gió cuốn muốn tung cả nóc. Nước ào ạt
tuôn xuống qua lỗ hở mái tranh khiến mẹ cuống cuồng không biết làm gì, lạnh run
cầm cập ngồi lo sợ ôm chặt hai đứa con trên giường, chỗ may mắn trong nhà không
bị dột ướt. Sáng đó mẹ phải đội mưa ướt ra ngoài sân nấu vội tô mì gói cho hai
chị em Tú ăn đỡ, vì cơn mưa chỉ tạnh vào buổi trưa sau mấy tiếng đồng hồ thị uy
đám người tội nghiệp. Tuy thế nước vẫn còn lênh láng khắp nơi chưa
rút kịp theo sau cơn mưa. Đám trẻ con thừa dịp bì bõm đuổi bắt nhau trong những
vũng ngập quên cả cơm trưa trễ nãi. Bùn sình đỏ quạch nhơ nhớp vương vãi mọi
chỗ, và mặt đất trơn trượt làm người người ngã sấp ngã ngửa. Nhìn nhau cười ra
nước mắt! Người lớn bận rộn lo tu sửa những nơi bị dột và hư hỏng, vì đã kinh
nghiệm hơn nên họ dùng những cây nẹp lớn đè trên mái nhà và cột chặt lại cho
gió khỏi làm bay mất lớp tranh lợp. Sau trận mưa rừng như thác lũ ấy, còn thêm
vài trận nữa nhưng không đáng kể, rồi dứt hẳn để đón chào mùa băng giá đến. Nền
nhà cũng đã được đổ đất lên cho cao hơn nữa để tránh mùa sau bị ngập nước.
Bận rộn cho đến cuối tháng thì đâu đã vào đấy.
Thời tiết lạnh hơn nữa nhưng không khí thì trong lành đến dễ chịu. Sau một
tháng ở nơi xa lạ, mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường. Mẹ Tú chuẩn bị mọi thứ
cho mùa Đông, bà dùng những chiếc que vót nhỏ bằng tre dạy cho chị Mai Anh của
Tú đan mũ và găng tay bằng len, dù chị chỉ mới bảy tuổi đầu với hai bàn tay bé
xíu. Còn mẹ thì đan áo lạnh hay ngồi bên bàn máy, may quần áo mới cho hai chị
em. Mẹ còn nhận may và đan áo cho mọi người để kiếm thêm thu nhập
nên luôn bận rộn. Tú được dịp nhõng nhẽo vòi vĩnh đủ thứ, nhưng mẹ chiều nên
luôn đáp ứng. Và Tú thấy mình là đứa con sung sướng nhất trong đám trẻ cùng xóm
dù luôn thiếu vắng cha. Tú lang thang suốt ngày với bọn con nít để đánh đinh
đánh đáo quên cả lạnh buốt. Trong tiếng cười ròn tan vô tư của đàn trẻ thì
người lớn chụm lại chia sẻ đủ mọi thứ . Sau chuyến hành quân dài ngày, cha
của Tú được về phép cả tuần lễ trước khi sang nhiệm vụ mới, mẹ vui lắm nhưng
chắc chị em Tú thì vui hơn vì được chiều chuộng sau thời gian cha xa nhà.
Nguy hiểm rình rập
Khoảng 3 giờ sáng đêm hôm đó, tất cả mọi người
đang mê mệt chìm trong giấc mộng thì bị đánh thức dây bởi tiếng chó sủa ồn ào
dồn dập, nghe cha thì thào nói với mẹ, hình như có sự gì lạ đang diễn ra ở
chung quanh. Cha dặn mẹ con cứ nằm yên trong nhà không được ra ngoài, cha nhẹ
mở hé cửa rồi vớ lấy khẩu súng lách mình qua. Mấy mẹ con hồi hộp ngồi bật lên
nhìn theo trong lo âu. Tiếng chó tự nhiên im bặt trả lại sự im lặng đáng sợ cho
màn đêm. Có tiếng súng nổ thật lớn làm giật mình. Một lúc sau cha về cho biết
không có gì. Nhưng cha mẹ Tú lại thì thào nói thầm chuyện gì đó. Tú co tròn nằm
trong lòng cha và ngủ thiếp đến sáng bạch mới thức giấc. Dụi mắt nhìn quanh và
hoảng sợ khi thấy chỉ còn một mình mình trong nhà, Tú chạy vụt ra, chen vào đám
đông đang tụ lại ở một góc sân bàn tán xôn xao. Tú điếng hồn khi nhìn thấy
xác con chó cưng berger to lớn nhà ông Năm bị mất một nửa người phía dưới nằm
chết, mình mẩy be bét máu. Đám trẻ con sợ hãi xanh mặt, nhìn nhau ngầm hỏi
không biết chuyện gì. Cha của Tú và các chú bác trong xóm đang ở một góc sân
hình như đang họp bàn chuyện gì quan trọng lắm mà trên nét mặt ai nấy đều
nghiêm trang. Ngay chiều hôm đó Tú đã thấy có một hàng dây giăng ngang bít lối
ra của hai đầu dãy nhà hình chữ U, những ống lon đủ màu sắc cột lủng lẳng trên
đó không biết để làm gì, chúng kêu leng keng khi có gió hay ai đụng
vào.
Yên tĩnh được hai hôm, cũng nửa đêm bỗng mọi
người lại bị thức giấc khi nghe tiếng ồn gì thật lớn đâu đó rất ghê rợn, tiếng
gầm rền vang như tiếng trống xoáy trong tim. Tú thấy cha nó và những người lớn
gọi nhau rồi chụm lại thầm thì. Có chú lính Thượng tên Y Ksor cho biết là vùng
này ngày xưa là nơi “Ông Ba Mươi’ (hổ) sinh sống, mọi người phải cẩn thận. Dạo
này vùng đất hoang, lãnh thổ của mãnh thú như cọp đã bị loài người xâm chiếm
dần nên chúng rất thiếu thốn thức ăn, có thể bất thần đến gần khu nhà dân ở để
tìm kiếm thực phẩm nên rất nguy hiểm. Tin này càng khiến cho cả đàn
bà và bọn trẻ được dặn dò kỹ lưỡng đừng ra ngoài ban đêm, nhất là đi một mình.
Nhưng khổ nỗi thuở đó mỗi lần cần thiết là phải đi tít thật xa khuất khu nhà ở,
sát bên bìa rừng cây trong bụi rậm. Đêm đến, bọn trẻ con hay bị chột bụng bất
thường là nỗi khổ tâm nhất của người lớn. Sáng hôm sau,
một dãy nhà vệ sinh được làm cẩn thận ở ngay sau khu nhà ở, nhưng muốn đi phải
có hai người cùng kèm trong đó có một là đàn ông mang theo súng chứ đàn bà trẻ
con không dám tự đi một mình.
- Bà con ơi,
ra lãnh thịt săn về ăn nè.
Tiếng gọi nhau
vang cả xóm khiến không khí náo động. Không biết là thịt gì nhưng
nghe nói rất là bổ dưỡng, từng nhà đều được chia phần hưởng chung. Chảo thịt
rừng thật to được nấu sẵn bốc khói dậy mùi đặc biệt đặt ngoài sân, cha mẹ của
Tú cũng được một tô lớn mang về nhà, riêng chị em Tú không thích ăn vì thấy có
mùi vị gì là lạ, cuối cùng đổ đi vì không ai động đến miếng nào. Có hỏi nhưng
cha mẹ không nói nên hai chị em cũng quên đi. (Sau này mới vỡ lẽ ra đó là thịt
con cọp mấy chú người Thượng vừa săn được, họ lóc thịt làm thức ăn
còn xương đem đi hầm làm ra loại cao nên có tên gọi là “Cao hổ Cốt”).
Liên tiếp mấy đêm
liền, ngay cả lũ trẻ con cũng khó ai ngủ yên được vì tiếng cọp gầm mỗi lúc một
gần và nhiều hơn. Không gian yên tĩnh không còn nữa, từng gương mặt
hằn nét căng thẳng lo âu. Những chú bác lính chưa có lệnh
hành quân được cắt cử giữ an ninh cho toàn khu nhà. Cha của Tú lại phải lên
đường đi hành quân khiến mẹ càng tỏ vẻ sợ hãi, cứ chiều xuống là lùa hai chị em
vào trong nhà đóng cửa lại. Cũng may là trước khi xa nhà cha Tú đã kịp thời làm
một buồng vệ sinh ngay trong căn nhà nhỏ, có ống cống luồn qua vách thông ra
ngoài sau. Ông lại đem ở đâu về 2 thùng phuy thật lớn có làm sẵn vòi vặn, rồi
mấy ngày múc nước giếng mang về đổ đầy ắp, trên có nắp đậy đàng hoàng. Tuy
diện tích ở bị thu hẹp đôi chút, bù lại rất nhiều tiện lợi, dù sao đồ đạc cũng
chẳng có gì nhiều nên mấy mẹ con vẫn có đủ chỗ sinh hoạt. Ông cũng hướng dẫn
cho cả xóm cách làm nhưng chỉ có mấy gia đình là thực hiện theo.
Thảm kịch bắt đầu
Tiếng súng và lựu
đạn nổ ầm ầm sát bên dãy nhà, tiếng cọp gầm vang rồi tiếng chân chạy và tiếng
hét la chói tai liên hồi làm kinh động cả bầu không gian. Mẹ con Tú co rúm
người sợ hãi, thắc mắc nhưng cũng không dám mở cửa ra xem. Trời vẫn còn chưa
sáng hẳn dù đồng hồ đã chỉ năm giờ hơn. Tú tỉnh ngủ hẳn ngồi trong lòng mẹ thập
thò nhìn ra phía cánh cửa đóng kín, Mai Anh thì ngồi bên cạnh ôm chặt cánh tay
mẹ. Sáng bạch rồi, tiếng ồn ào từ bên ngoài khiến mẹ con Tú mạnh dạn mở cửa ra
xem. Hồn vía Tú như bay mất khi lần đầu tiên nhìn thấy xác một con hổ to lớn
như ngọn núi nhỏ, chiếc bụng phệ ước chừng chứa cả con bê đang nằm giữa sân,
vết máu nơi cổ vẫn còn đang rỉ ra từng giòng. Thì ra hồi đêm khi cùng hai chú
nữa trong phiên canh gác, chính ông Năm là người có con chó cưng bị
chết hôm nào đã hạ được con hổ này khi nó mon men đến gần khu nhà. Chắc là nó
đói lắm nên cứ chồm đến ông dù đã nghe bắn mấy phát súng đe dọa. Trong đường tơ
kẽ tóc, ông gần như bị nằm phía dưới bốn chân nó và đã kịp thời nổ phát súng tự
cứu mạng mình. Tuy là người rất giỏi võ nhưng mặt và người ông cũng bị rách
xước do trúng móng vuốt của hổ khi nó bị ngã ập lên người ông vì trúng đạn nơi
chỗ hiểm. Nhìn cái xác to lớn của con hổ, ai nấy đều rùng mình ớn
lạnh. Phải mấy người lớn lực lưỡng cùng kéo mới lôi được ông Năm ra khỏi xác
con thú dữ, cả đầu tóc mặt mũi ông Năm dính đầy máu trông thật dễ sợ. Con
hổ vừa bị hạ sát đang mang thai, khi mổ xác ra mọi người mới biết.
Tưởng rằng chuyến
này lũ hổ sẽ biết sợ mà tránh xa, nhưng không ngờ một chuyện đáng tiếc lại xảy
ra chỉ cách đó có một tuần lễ sau. Lúc đó trời vẫn còn sáng tỏ, mặt
trời vừa mới bị che khuất sau núi nhưng vẫn còn le lói xa xa. Mấy người đàn bà
cùng ra chỗ nhà vệ sinh, khi trở về thì đột nhiên một tiếng gầm rợn người xé
toang không gian, rồi con hổ núp sẵn từ lúc nào trong bụi cỏ hoang phóng ra
chụp trúng bà Năm đi ngoài bìa, ngay tức thì xác bà bị xé nát không kịp kêu
tiếng nào. Con hổ ngoạm một phần thân dưới của bà Năm tha đi bỏ lại nửa cái xác
người nằm đó trước những khuôn mặt hoảng sợ đến trắng bệt như không còn máu của
hai bà khác, trong nháy mắt nó chạy vút vào rừng mất hút. Tất cả chứng kiến sự
việc đều đứng trợn mắt như bị trời trồng, khi hoàn hồn lại, thì khu rừng đã ồn
ào những tiếng khóc la. Cả xóm đổ nhau ra để chấp nhận một cảnh tượng kinh
hoàng đến toàn thân run rẩy. Điều lạ là vợ ông Năm đang mang thai đứa con thứ
hai được bốn tháng, đứa bé vừa hình thành đầy đủ tứ chi nhỏ xíu bị rơi ra khỏi
bụng mẹ nằm giữa đống máu bê bết. Ông Năm uất nghẹn ngất lên ngất xuống vì
thương vợ con, thằng Hà là con ông Năm bạn của Tú đứng gần đó run cầm cập,
miệng thì hét lên kêu mẹ inh ỏi :”Mẹ ơi, mẹ ơi!”, tiếng kêu trẻ thơ xé lòng
vang trong không khí ảm đạm u buồn.
Đám ma bà Năm
diễn ra trong một buổi sáng mùa Đông giá buốt, có gió lốc thổi bụi đỏ bay mịt
mù khắp trời, trong ánh nắng dìu dịu trải rộng mênh mông, khiến từ xa nhìn thấy
đám ma như những bóng người từ trong sương mờ ảo. Trên đường ra
nghĩa trang, một nghĩa trang cũng hoang sơ chỉ có những nấm đất nằm xơ xác u
tàn buồn bã. Đoàn người đi theo quan tài đều thương cảm đến rơi lệ theo. Sau
hôm đó khi trở về nhà, ông Năm trở thành ngơ ngác như người mất hồn. Bác Sĩ
không tìm ra bệnh, và một thời gian sau ông được giải ngũ với hồ sơ mang bệnh
tâm thần. Thật ra ông Năm rất tỉnh táo chứ không hề phá phách và làm phiền lòng
hàng xóm anh em. Ông chỉ không chú tâm và nhớ việc gì để làm, sao ông
có thể tiếp tục ở trong quân đội được! Không hiểu sao ông nhớ rõ
đường đi ra nghĩa trang và vị trí ngôi mộ của vợ con để mỗi ngày ông một mình
đi đến ngồi lặng thinh cả buổi bên cạnh. Dù nắng hay mưa và có giá rét đến đâu,
cũng không ai ngăn cản ông được, mặc thằng con trai nhỏ khóc lóc đòi bố.
Qua mùa Xuân thì
tất cả mỗi gia đình đều được cấp miếng đất lớn riêng để có thể tự canh tác, đời
sống được ổn định dần. Dãy nhà hình chữ U đã được phá đi và là một kỷ niệm buồn
đáng nhớ. Một thời gian sau, mọi người có dịp được gặp lại và nghe chú Thượng Y
Ksor giải thích, vùng này loài hổ rất linh thiêng và nhạy bén. Chú đoán là con
hổ có bầu hôm trước bị giết chắc là vợ con của con hổ này. Thì ra hổ đực đã
quyết tâm trả thù, nhưng không hiểu sao nó lại biết bà Năm là vợ của thủ phạm
đã giết vợ con nó, đó là điều bí mật khó giải. Cũng là điều khiến tất cả mọi
người cẩn thận hơn cũng như có cái nhìn và khái niệm khác về một loài dã thú
như hổ.
Nhã Giang Thu Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét