Hình minh họa (internet)
Dạo này Bắc Cali mưa nhiều, rả rích suốt đêm, gió thổi mạnh
rít lên từng hồi nghe buồn não nuột. Tôi trăn trở hoài không ngủ được, quá khứ
tuần tự kéo nhau về, kỷ niệm một thời ấu thơ dần dần hiện lên, tôi ngồi dậy ra
bàn viết...
Khoảng vào cuối thập niên 50, thời bấy giờ áo mưa làm bằng
chất nylon đang thịnh hành từ thành thị đến thôn quê, tuy nhiên "áo tơi
lá" thấy vẫn còn xuất hiện một vài nơi, nhất là ở thôn quê.
Những khi có dịp đi ngang qua cánh đồng lúa hay nương rẫy,
nhìn thấy bóng người lom khom trên lưng mang chiếc áo tơi lá dưới trời mưa tầm
tã mà thấy thương xót cho quê hương mình. Đến bao gờ người dân Việt mới hết cơn
bỉ cực gian nan...
Áo tơi lá được làm bằng lá cọ, lá kè, loại lá này cũng dùng
để chầm nón nên gọi là nón lá. Áo tơi lá còn được gọi là áo tơi cá vì họ kết
thành từng hàng chồng lên nhau trông như vảy con cá. Gọi sao cũng được, áo
tới lá hay áo tơi cá cũng cùng một thứ như nhau.
Trong văn chương áo
tơi trước đây cũng được nhắc đến nhiều
Ca dao:
"Trời mưa thì mặc trời mưa
Chồng tôi đi bừa đã có
áo tơi"
"Chi bằng cần
trúc, áo tơi
Danh cương, lợi tỏa
mặc đời đua tranh"
Và được viết trong
thơ:
"Lạ chân lối nhỏ
đường chiều
Vàng cây lá đỏ mộng
xiêu bên trời
Bụi mưa thấm chiếc áo
tơi
Lạnh hồn anh đã rã rời
theo thu"
"Vô duyên dù bận
áo sa
Áo ra đằng áo, người
ra đằng người
Có duyên dù bận áo tơi
Đầu đội nón cơi (rách), duyên vẫn hoàn duyên"
Năm ấy tôi khoảng chừng 10, 11 tuổi, đang theo học trường nữ
tiểu học Tuy Hòa, Phú Yên, lúc bấy giờ do cô Kiều Nga làm hiệu trưởng. Trường nữ
chúng tôi là dẫy nhà ngang trong khu nhà hình chữ U, có 5 lớp từ lớp 1 đến lớp
5. Hai dẫy hai bên là trường trung học Nguyễn Huệ.
Nhà tôi ở dưới chân núi Nhạn, cạnh rạp hát Diên Hồng, trường
học nằm ở đường số 6, từ ga xe lửa chạy thẳng xuống biển, ấy thế mà hàng ngày
phải cuốc bộ hai buổi đi học, mất khoảng 30 phút mới đến trường, vì nhà tôi
nghèo không có tiền sắm xe đạp. Có những buổi mưa tầm tã kéo dài suốt mấy tiếng
đồng hồ. Đến giờ phải đi học, mẹ tôi chạy vội xuống nhà bếp lấy áo tơi lá đưa
cho tôi và bảo: "mang cái này vừa ấm vừa đỡ ướt quần áo". Như thường
lệ tôi xắn hai ống quần lên thật cao, gài kim băng cẩn thận vì sợ tuột xuống dọc
đường xong chui vào áo tơi lá, trên đầu đội nón, vội vã ôm cặp đi đến trường. Mẹ
tôi dặn dò: "khi mưa tạt phía nào, con xoay cái cửa ra phía khác để khỏi bị
ướt nhiều".
Áo tơi lá (chằm). Hình minh họa (internet)
Quả đúng như lời mẹ nói, thật ấm áp, thật an toàn. Có điều
tôi không dám nói ra sợ mẹ tôi buồn là trông xấu xí quá, giống như "cái
thùng biết đi", thân tôi thì bé nhỏ, người và áo mưa cao bằng nhau chỉ vừa
ló được đôi bàn chân ra ngoài để di chuyển.
Đến trường áo mưa được giũ sạch nước để bên ngoài lớp. Tôi
nhìn tới nhìn lui chỉ vỏn vẹn có 4 cái áo tơi lá giống như tôi dựng cẩn thận
sát bờ tường. Lớp có khoảng 50 nữ sinh như thế 4 đứa chúng tôi thuộc tầng lớp
nghèo nhất, không có tiền mua nổi chiếc áo mưa nylon mầu sắc xanh, đỏ, tím,
vàng đẹp đẽ sang trọng như các bạn mình đang có. Tôi buồn buồn ôm cặp đi thẳng
vào lớp, vừa đi vừa suy nghĩ "sao nhà mình lại nghèo thế nhỉ?. Biết
đến bao giờ mình mới có được chiếc áo mưa xanh, hồng đẹp thế kia?!!!".
Thế rồi ước mơ cũng trở thành hiện thực năm tôi thi đậu vào
đệ thất trường trung học Nguyễn Huệ mẹ tôi cũng cố gắng "tậu" cho tôi
chiếc xe đạp đầm để đi học, đi đây đi đó khi mẹ có việc cần sai bảo như xuống
tiệm tạp hóa bà "Chênh" mua hành, tỏi, đậu xanh, đậu dầm v.v...
Cũng nhân dịp này mẹ tôi "thưởng" cho tôi chiếc áo
đi mưa nylon tân thời mầu xanh nước biển mà tôi hằng ao ước. Tôi cảm thấy vui
và thích thú lắm, muốn nói lời "cám ơn mẹ" thật lớn nhưng ngại ngùng
không dám thốt lên. Tuy nhiên thấy tôi hớn hở cười sung sướng lòng mẹ tôi cũng
mãn nguyện rồi.
Kể từ mùa mưa năm đó tôi cũng giã từ chiếc áo tơi lá cũ kỹ xấu
xí nhưng rất đáng yêu đối với tôi. Dù sao "nó" cũng đã theo tôi bao
mùa mưa gió lạnh lùng, bao bọc chở che tôi được ấm áp, khô ráo mỗi khi có việc
ra khỏi nhà trong những cơn mưa.
Ở Tuy Hòa mình nhiều khi mưa dầm kéo dài cả mấy ngày liền, nhà
tôi ở xa chợ không tiện đi, mẹ tôi bắc nồi cơm nóng ăn với mắm cà do mẹ tôi làm
dự trữ cho mùa đông mưa bão. Đằng sau hè có thêm dậu mùng tơi, ngắt một ít về nấu
với tôm khô, thế là đã có ngay một mâm cơm đạm bạc đậm đà, thơm phức ngon đáo để.
Cả nhà tôi 3 người (ba, mẹ và tôi) ngồi quây quần bên nhau, bát canh rau mùng
tơi xanh dờn bốc khói điểm thêm mầu hồng hồng của mấy con tôm khô được giã nhỏ
trông rất hấp dẫn. Ôi! sao mà ngon quá chừng chừng. Thì ra cái
"nghèo" cũng chứa đựng niềm hạnh phúc riêng của nó đấy chứ...
Áo tơi ở thế kỷ 19 (internet)
Tuy trường nữ tiểu học riêng biệt nhưng cứ mỗi sáng thứ hai
đầu tuần chúng tôi cùng ra sân chào cờ chung với các anh chị trường trung học
Nguyễn Huệ. Học sinh đứng xếp hàng theo thứ tự từng lớp, ở giữa sân có dựng cột
cờ thật cao. Tất cả chúng tôi cùng cất giọng hát vang bài quốc ca Việt Nam Cộng
Hòa quen thuộc. Cùng nhau hướng mặt về lá quốc kỳ mầu vàng ba sọc đỏ ngạo nghễ
tung bay trước gió.
Giờ ra chơi chúng tôi thường rủ nhau chơi u quạ, ba đồng năm
tiền, nhảy dây v.v... rất vui và thú vị vô cùng. Những kỷ niệm êm đẹp này khó
có thể quên được trong tâm trí tôi.
Đời người có nhiều ước mơ, lúc còn bé tôi có những ước mơ thật
đơn sơ, giản dị. Ước mơ lớn dần theo tuổi đi lên, đôi khi ước mơ trở thành những
kỷ niệm êm đẹp. Tôi còn nhớ khi ở tiểu học, những buổi tan trường chúng tôi thường
đi theo sau những tà áo dài của các chị trung học như chị Lê thị Chính, Cao
Thị Phượng, Nguyễn Thị Nghiêm, Nguyễn Thị Hằng... Chị Phượng có mái tóc đen thật
dài buông xỏa trên lưng, đong đưa theo tà áo trắng làm tôi rất "mê".
Tôi thầm nhủ: "mai này lên trung học, tôi cũng được mặc áo dài như các chị".
Tuy Hòa quê mình hai mùa nắng cháy mưa dầm. Mùa hè, từng cơn gió từ Hạ Lào chạy dọc Trường Sơn thổi về làm rát da mặt. Mùa mưa thì mưa tầm
tã, kéo dài nhiều ngày làm ngập lụt khắp nơi, mực nước dâng cao gây biết bao
trở ngại cho sinh hoạt của mọi người. Những khi lụt lớn trường học phải đóng cửa,
học sinh nghỉ học cả tuần lễ. Tuy không đi học nhưng chúng tôi vẫn rủ nhau đến
trường xem nước lụt. Đứng từ xa nhìn vào một vùng nước mênh mông như biển hồ, chúng
tôi chẳng biết làm gì chỉ cầu mong cho nước mau rút xuống để được đến trường, đến
lớp trở lại.
Giờ đây, tôi đã ngoài tuổi 70, cuộc sống an bình, tiện
nghi đầy đủ trên đất nước Hoa Kỳ, một đất nước mà hàng triệu người trên thế giới
ước mơ được nhập cư nhưng tôi vẫn không thể nào quên được chiếc "AÓ TƠI
LÁ" cũ kỹ thuở hàn vi xa xôi năm nào. Áo tơi lá là một kỷ niệm đẹp mãi mãi trong tâm trí của tôi.
San Jose mùa mưa 2017
Hoàng Thanh Phước
Hoàng Thanh Phước
Kính mời quý Thầy Cô và các Bạn thưởng thức nhạc phẩm ÁO TƠI,
ca sĩ Thanh Chương trình bày
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét