Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Hun Hút Đường Bay



Anh thân mến! 

Văng vẳng trên không trung là tiếng động cơ của chiếc phản lực đang bay xa dần thành phố, mang theo những người vừa rời bỏ quê hương thêm một lần trong đời, và có khi không còn dịp quay về lần nào nữa cả, cùng lúc mang theo một ít người lần đầu tiên được ngồi máy bay tìm đến vùng đất mới, để cho người ở lại muôn vàn nỗi nhớ thương, thèm thuồng, ước muốn. Như người bạn mà em vừa đưa tiễn ra đi, dù cô ấy khóc, nhưng giọt nước mắt lại lóng lánh niềm vui, cô ra đi theo diện đoàn tụ gia đình, một người đàn ông tốt bụng, tuy có hơi lớn tuổi, về quê nhà cưới vợ và đã làm đơn bảo lãnh cô ta đem sang xứ Mỹ.

Em ra về hòa nhập vào lòng đường ngổn ngang, bận rộn. Người đâu mà đông quá, kẻ lên người xuống dập dìu, tấp nập, ồn ào không lúc nào ngưng nghỉ. Đủ mọi loại xe cộ chen lấn nhau, từ chiếc xe đạp cà tàng, chiếc xe Honda hai bánh, chiếc xe vận tải chất đầy hàng hóa, đến chiếc xe hơi đắt tiền mới tinh, những chiếc tắc-xi mang cùng bảng hiệu… tất cả đều tranh giành lối đi bóp còi inh ỏi. Bụi đất, khói xăng chờn vờn, lởn vởn đầy khắp không gian khiến những người đàn bà, con gái, thậm chí có những đứa nhỏ cũng bịt cả mặt mày, chỉ chừa có hai con mắt y như những tay võ sĩ NIN-YÀ trong phim kiếm hiệp.

Người đông, đất hẹp, nắng bụi, mưa lầy lội, nước ngập thành sông, dơ bẩn v.v.v., là những gì mà những người nghèo khổ, bình dân đang hứng chịu ở cái thủ đô này, nơi mà em vừa đến đây để tiễn đưa một người bạn ra đi nước ngoài, và cũng để chờ đón một người bạn từ xa về thăm lại quê nhà ăn tết. Dù người bạn có vô tình than vãn: “sao bà ở chi trong hẻm để tôi phải tìm mãi mới tới được nhà?”, em chỉ biết cười nhưng cổ họng thì nghẹn cứng nên tiếng cười tắt lịm, để rồi sau đó một làn sương mỏng tự giăng ngang tầm mắt, đôi tay không lạnh nhưng cứ run run như người đang lên cơn sốt rét kinh niên. Em cầm phong thư trong tay nhưng hồn lại bay bổng đâu đâu, nửa tin nửa ngờ, nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận một sự thực phũ phàng. 

Cảnh lưu thông trên đường phố Saigon (internet)

Em cố mở thư ra đọc và những hàng chữ thì cứ nhảy múa nhạt nhòe, dù với thật nhiều cố gắng, cũng phải một lúc lâu mới đọc hết được vài lời thăm hỏi ngắn gọn của anh. Ôi nét chữ thân thương quen thuộc ngày nào em từng ấp ủ, nâng niu, mừng vui, sung sướng mỗi lần người phát thư dừng lại trước cửa nhà để réo gọi tên em ra nhận thư xa, những bức thư viết từ những trung tâm huấn luyện Lackland Air Force Base, Fort Wolters, Fort Hunter… trên đất nước Hoa Kỳ xa lắc xa lơ, đến những lá thư gửi từ khu bưu chính trên đất nước nhà khi anh thuyên chuyển về miền Nam, những lời thư nồng nàn ấp ủ yêu thương, những nhớ nhung tha thiết, những chờ đợi lo âu, những hứa hẹn tương lai sẽ có nhau trong đời, không bao giờ xa cách…

Nhưng mãi đến hôm nay, sau ngần ấy năm dài không nhìn thấy nữa, em lại nhận được lá thư tay này, lá thư do người bạn tìm đến trao tận tay, kèm theo một tấm thiệp cưới và hai tờ giấy bạc một trăm đô la Mỹ. Em mừng! mừng lắm anh ạ! nhưng hai hàng nước mắt cứ lăn dài xuống má, làm mặn cả bờ môi, làm chẹn ngang vòng khí quản. Phải chăng đây là một lần chợt nhớ từ ngõ ngách nào đó của trái tim anh còn sót lại? một xót xa, áy náy, một an ủi đắp bù? Và rồi em lại ngậm ngùi nuối tiếc: phải chi những đồng tiền này có thể mua được thời gian! Anh biết đó: “Thời gian, thời gian luôn vô tình đối với cuộc sống thế gian, nhưng lại dài vô tận đối với người mong đợi!”. Em vô tình nên chẳng nhớ được câu nói đó của ai.

Mới đó mà đã hơn một phần ba thế kỷ trôi qua, kể từ buổi sáng anh hốt hoảng tìm đến nhà em để từ giã ra đi, phi đoàn anh phải “di tản” sau một thời gian dài biệt phái rồi bị cuốn hút vào cơn trốt xoáy. Đã bao phi vụ “cứu lính, cứu dân”, cuối cùng anh cũng phải buông xuôi, anh đi xa vẫn còn ngoái cổ lại nhìn để thấy em chôn chân tại chỗ, ngẩn ngơ, ngơ ngẩn như kẻ không hồn. Khi giật mình tỉnh ra, em đã phóng xe Honda chạy vội theo, dù đường sá lộn xộn, người chạy tới kẻ chạy lui tìm đường lánh nạn, lính từ xa đổ về thành phố quá đông, và nạn cướp giật, bắt hiếp đàn bà con gái đã xảy ra ngay trên đường phố nên nguy hiểm trùng trùng. Vậy mà em cũng đã chạy đến nơi, đến để thấy cổng phi trường đóng chặt, để thấy cả rừng người chen lấn, dẫm đạp lên nhau, để nghe những tiếng la hét, kêu réo, khóc kể, hăm dọa, dữ dằn với nhau, để thấy mạng sống con người vô cùng nhỏ bé, thừa thãi trước họng súng đen ngòm, để thấy nỗi bất lực, tuyệt vọng khi người thân yêu phải chia cắt nhau chỉ có mỗi một cổng rào, và bàn tay thì quá ngắn để nắm lấy bàn tay. Em co ro đứng lặng nhìn những chiếc phi cơ gầm rú, quặn mình rời bãi đậu cuối cùng đến hun hút đường bay, và cũng ngần ấy năm em cứ mỏi mòn trông mong dù trong vô vọng. Em biết! nhưng sao cứ mãi ngóng chờ.

Thiệp cưới - hình minh họa (internet)

Tấm thiệp cưới quá đẹp, anh gửi bạn mang về để báo tin sắp gả con gái lấy chồng. Em mừng cho cháu gái, cho hạnh phúc của cả gia đình anh, nhưng sắt se, tê dại cả cõi lòng mình. Kỷ niệm xưa không mời gọi sao cứ mãi hiện về, ước mơ nào không xóa sao đã vội tan, phải chăng vì những dòng chữ cứ hoài nhảy múa nên em không nhìn rõ, chỉ lờ mờ thấy được tên anh và những tên người hoàn toàn xa lạ, em đâu có muốn khóc, em sợ cả những giọt nước mắt dù tủi hờn hay nuối tiếc.

Cũng tại em ngày đó đã quá ngu ngơ, khờ dại, đã sợ sệt vu vơ, do dự trù trừ nên đã để vuột mất anh. Em đã không nỡ từ bỏ gia đình cha mẹ anh em, từ bỏ quê hương, để rồi chính trên quê hương, nơi từng cưu mang nuôi lớn em, đã giết em lần mòn trong lo âu, sợ hãi. Giờ còn lại gì ngoài một tấm thân tàn tạ và một tình yêu trống vắng? Dù em có gọi tên anh đến ngàn lần thì cũng là những tiếng kêu trong gió, có ngọn gió nào dài hơi giúp mang những tiếng kêu của em vuợt cả một đại dương, hay sẽ rơi rớt vào lòng biển cả?

Không biết vô tình hay cố ý mà người bạn ngồi kể cho em nghe về cuộc sống “đời thường” của anh bên đó. Người Pilot Trực thăng thuở nào, em đã rất hãnh diện được ngồi sau yên chiếc xe Honda, cùng anh rong chơi khắp mọi nơi, khoe với bạn bè rằng “người hùng không gian” của ta như thế đó. Bạn nói anh bây giờ là “Ông chủ cửa hàng tạp hóa” nhưng em vẫn chưa hình dung ra nổi, cô ấy còn khen anh là một ông “nội trợ tài tình”. Em gặng hỏi mãi chỉ nghe được tiếng cười dòn và câu đùa: “số mày xui nên không được Ổng nấu cơm cho ăn hàng bữa!”.

Thật thế sao anh? Ngày đó, mỗi lần anh đến nhà chơi, những bữa cơm nhà em đã là điều mơ ước trong anh, em sẽ là người vợ đảm đang “cơm bưng nước rót” để bù với những bữa cơm nhà bàn trong những tháng ngày huấn luyện ở quân trường, và những gói gạo sấy, những gói mì nước nóng sau những hôm đi bay về muộn. Vậy mà…! 

Bao năm qua em vẫn ao ước được biết tin tức về anh, hay mơ ước xa hơn là được gặp anh một lần trong đời, để được gục đầu trên vai anh mà khóc, mà kể lể hết những nỗi nhớ mong, những vui buồn đau đớn, xót xa tủi nhục trong những tháng ngày nghiệt ngã ở quê nhà, những tháng ngày các anh ra đi bỏ lại phố thị tiêu điều, hoang vắng.

Trở về căn cứ sau mỗi phi vụ (hình minh họa trong iternet)

Em nhớ quay quắt những kỷ niệm trong suốt thời gian phi đoàn anh ở nơi đây, ngày nào anh cũng đến tìm em, sau những phi vụ hành quân, để cùng em gục đầu khấn nguyện cho những đồng đội vừa anh dũng hy sinh khi chiếc trực thăng bị bốc cháy giữa lưng chừng trời, để kể cho em nghe những giờ phút thắm thiết tình người, rằng các anh đã bay trong rừng để tìm kiếm những đoàn người đi lạc, hướng dẫn cho họ đường về đến NT, rằng các anh đã “bốc” không biết bao nhiêu người trên đường đi đã kiệt sức. Có những hoàn cảnh thật thương tâm, sau hơn tuần băng rừng lội suối theo đoàn quân “di tản”, đoàn người rồng rắn kia, đã thành mục tiêu cho đạn pháo của giặc cộng sẵn sàng bắn xả vào, không cần biết lính hay dân, người chết thì đã chết nằm vất vưởng dọc đường, người bị thương sau cơn lê lết không người trợ giúp cũng khó sống còn, cộng thêm với cái lạnh của núi rừng, với sự đói khát, cuối cùng một gia đình năm người, chỉ còn lại em bé trai lên năm tuổi, vừa bị đẩy đi tới, vừa gào khóc kêu mẹ kêu cha đến lạc giọng, lả người. Các anh thương xót đã “bốc” đem về nuôi trong căn cứ. Có người đàn bà đang mang thai, dù chưa tới ngày sinh, nhưng trên đường chạy loạn, lại sanh con rơi rớt dọc đường chẳng có mụ bà hay cô đỡ v.v.v., Em đã chia xẻ, an ủi anh vượt qua những ngày tháng đau buồn đó. Nhiều hôm anh trở về mặt mũi bơ phờ, như hối tiếc ân hận, vì trực thăng quá nhỏ, anh không thể nào cưu mang hết cả một đoàn người, nên vừa định đáp xuống đã phải vội bay lên như trốn chạy.

Cũng như những ngày ở thành phố, những chiếc trực thăng đã là bạn thân thiết của dân, nhất là những khi cộng quân nã pháo vào ban đêm, tiếng “xành xạch”của trực thăng cất cánh bay lên, làm người dân mừng rỡ, tin tưởng và vững lòng đi vào giấc ngủ muộn. Ngày đó anh vẫn tự hào: “Pilot trực thăng là người đến bãi đáp đầu tiên và là người rời chiến trận cuối cùng”. Cuối cùng của cuộc chiến đó sao anh?

Những ngày các anh từ giã ra đi, thành phố tiếp với nỗi đau mà người ở lại phải chịu đựng, sợ hãi từ những kẻ phía bên kia vừa la oang oang chiến thắng, để đến nỗi những người may mắn được ra đi cùng một lượt với các anh, đã làm “lễ truy điệu” cho thành phố đã chết, (khi họ về thăm lại chốn xưa đã kể cho nghe) trước khi cả nước bị chôn mất hoàn toàn.

Nhưng thôi anh ạ! Dù tưởng rằng em đã chết mà không chết thật sự ngoài đời từ tháng Tư năm đó, thì trong anh, em cũng đã chết tự lâu rồi. Lời thư muộn hôm nay, với em, khác chi ngọn đèn dầu bất lụn chợt bùng lên và sẽ tắt ngấm tức thì… 

Bây giờ biển quê em vẫn rạt rào tiếng sóng, anh có còn nhớ biển Nha trang, nơi chốn một thời anh đã được thụ huấn và trở về đóng quân trước khi về miền Nam nước nổi?, Và đã bao nhiêu lần chúng mình hẹn hò nhau, nơi bắt đầu cho một mối tình của chàng SVSQKQ và cô nữ sinh áo trắng!. 

Biển Nha Trang (internet)

Ngày đó, những ngày thơ mộng nhất, đã bao năm qua em vẫn ấp ủ những kỷ niệm yêu thương như là những báu vật lớn nhất trong đời. Mỗi chiều về, nếu có chút thời gian rảnh em thường tìm ra bãi biển, để tìm lại dấu chân trên cát, để nhớ ngày ấy anh hay nhìn làn sóng lăn tăn vuốt nhẹ đôi chân trần, đôi bàn chân anh vẫn mân mê, ve vuốt và ước ao có một ngày, dù chỉ là lời dỗ ngọt bông đùa rằng “anh sẽ xây hồ bán nguyệt cho em vào rửa chân”. Anh còn nhớ không? và cũng đôi bàn chân ấy bây giờ em đang dẫm bừa lên làn cát mỏng, dẫm đạp luôn lên cả những hang ổ của con dã tràng, những con dã tràng cứ thích xây lâu đài trên cát, và anh thì thích nhìn em chạy bắt đem về nâng niu, vuốt ve, và thì thầm vào tai chúng: “sao chúng mày quá dại?” 

Em và con dã tràng hình như có quá nhiều điểm tương đồng. Dã tràng vẫn kiên tâm xây lâu đài trên cát dù biết rằng chỉ một cơn sóng mạnh từ ngoài khơi ập vào là lâu đài tạo dựng bao lâu sẽ đổ ụp tan tành, rồi bị dòng nước biển cuốn ra xa mất hút. Còn em, sao cũng một mình đi trên biển vắng để nghe đắng cay xé nát tim mình, em thích đến nơi này vào mùa biển động anh ạ! có mấy ai trọn tình lại thích nhìn biển dậy sóng bao giờ?...

Lê Thị Hoài Niệm
(viết tặng cho người bạn..., một vài dữ kiện được thay đổi, để... tránh phiền hà.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét