Tôi từng biết nhiều người làm
thơ, nhưng mê thơ đặc biệt là thơ Đường như anh Hàn Phúc Nguyên, ông xã của
Phượng bạn thân của tôi ở Ninh Hòa thì hơi hiếm. Nói theo cách của Phượng thì
anh ăn, ngủ, thở, sống bằng thơ. Tuy chỉ là câu nói trách yêu, nhưng qua đó
cũng đủ biết anh Nguyên mê thơ đến cỡ nào. Có lần tôi nói đùa với Phượng: “Có
phải vì đầm Nha Phu lãng mạn, vì đèo Rọ Tượng cheo leo hay vì tiếng còi xe lửa
rền vang trong sương sớm mà anh Nguyên mê thơ đến vậy?”
Hầu như năm nào tôi cũng về
Ninh Hòa thăm vợ chồng anh. Lần nào anh cũng hớn hở khoe với tôi những bài thơ
đoạt giải trong các cuộc thi, đồng thời giới thiệu các sáng tác mới của anh.
Bình thường tôi rất thích thơ nhất là thơ mới vì không thích sự ràng buộc niêm
luật trong thơ Đường, nhưng dần dà sự nhiệt tình của anh đã cuốn hút tôi. Có
những buổi sáng mùa hè trong khu vườn nhà anh ở thôn Tân Thủy, tôi, Phượng và
vài người bạn nữa quây quần bên cái bàn nhỏ bày café, bánh trái nghe anh đọc
thơ. Nhìn ánh mắt đam mê cùng giọng đọc sôi nổi không ai nghĩ anh đã ngoài bảy
mươi tuổi. Song bên cạnh chất trẻ hiếm hoi bề ngoài lại là những ý tưởng chín
muồi của một nội tâm sâu sắc về quan niệm sống, về mối quan hệ giữa người và
người, về một sự việc nào đó… của người ở độ tuổi thất thập cổ lai hy.
- Thích Nhàn:
Ta chỉ thích lang thang nhàn tản
Phải có quyền thư giãn thú văn chương
Với anh em phóng bút các chặng đường
Không hổ thẹn luật Đường thi bát cú...
-Họa: Cây Đàn:
Cây đàn bụi bám biết bao lâu
Chẳng hiểu vì sao nặng chữ sầu
Đã ngại căng dây khua nốt nhạc
Dễ gì nhấn phím giải tình sâu
Chừng như quên lãng dòng trong trẻo
Có lẽ buông lơi điệu đục ngầu…
-Đừng Chê:
Bất tài thường lại chê bai
Thể thơ Đường luật chê bài hoài nhân
Có những kẻ chê văn thơ hẳn
Được mấy bài?! Lại chẳng đến tham gia
Lắm trẻ già, thi hứng ngát hương hoa
Ngời ý chí, thiết tha nhiều điển tích…
-Thư Pháp:
Theo thư pháp, túc nho đâu thấy
khó
Thú chơi tranh, giấy đỏ với mực Tàu
Như rồng bay, phóng bút phết vài câu
Tựa hạc múa, tranh châu tô lắm chữ
Bút pháp chuẩn, truyền thần lưu sách vở
Nghệ thuật cao, tích trữ giữ trang thơ…
Trên đây là mấy bài thơ của anh Nguyên vừa được một người bạn chuyển đến cho
tôi. Theo lời Phượng, có lẽ đếm không xuể số lượng thơ Đường của anh từ trước
đến giờ. Bản thân tôi đã nghe anh đọc thơ nhiều lần, nhưng càng nghe càng thấy
kiến thức của mình nghèo nàn vì cách dùng từ, điển tích của anh vô cùng phong
phú. Có lẽ ngoài cái gốc gác người Hoa, anh đã đọc và nghiên cứu sách vở nhiều
mới vận dụng kiến thức vào thơ một cách nhuần nhuyễn như thế.
Bài thơ Đường Luật ĐẶT TÊN của nhà thơ Hàn Phúc Nguyên
Mê thơ đã đành, anh Nguyên
còn mê cả bạn thơ, nhất là bạn thơ Tuy Hòa. Phượng bảo, từ lúc gia nhập hội thơ
Đường tỉnh Phú Yên anh xem hội như ngôi nhà chung và các bạn thơ Tuy Hòa như
bằng hữu lâu năm của mình “Đây chốn rừng thơ đất Phú này. Khánh Hòa có kẻ mãi
mê say. Mỗi lần ngâm vịnh nhiều câu lạ. Những lúc xướng hòa lắm ý hay..." (
Gắn Bó Nơi Này). Theo lời của vợ chồng Nghĩa-Thành thì Hội thơ Đường Phú Yên
hoạt động rất mạnh. Mỗi tháng họp thường kỳ một lần, phát hành một đặc san có
tên Non Nước Phú Yên và thường xuyên tổ chức đi giao lưu với các Hội thơ Đường
trên toàn quốc như Bắc Ninh, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Sài Gòn, Vũng Tàu… Tuy ở xa
nhưng anh Nguyên thường không bỏ sót một hoạt động nào của hội “Chưa đến Bà Nà
đã trặc chân. Quyết tâm gắng bước vững tinh thần. Cao nhân đang đợi ngâm thi
vịnh. Mặc khách còn chờ dạo khúc ngân…” (Đặt Tên). Một vài người bạn của tôi ở
Tuy Hòa trở thành bạn của anh trong vòng lẩn quẩn thi thơ đó “Bước đến Tuy Hòa
gặp bạn thơ. Nên duyên đất Phú mấy ai ngờ. Trà thơm Đình Bá tràn hy vọng. Rượu
mạnh Nguyên Bình thỏa giấc mơ. Quí bạn Đường thi Công Đức đợi…" ( Với Bạn
Thơ).
Phượng cũng hay kể tôi nghe về những chuyến đi Tuy Hòa của anh, về ngôi nhà của
người bạn vong niên anh thường trú ngụ và đặc biệt ca ngợi lòng hiếu khách của
người Tuy Hoà "Sung sướng khi mình nhập hội thơ. Phú Yên trông đợi tự bao
giờ. Mừng người tri kỷ lòng thêm sáng. Đón bạn tâm giao ý chẳng mờ. Xuân hạ thu
đông khơi điệu nhạc. Đông tây nam bắc dệt đường tơ…” ( Rộn Tiếng Thơ). Cứ mỗi
tháng một lần anh lại khệ nệ túi xách, túi thơ lên xe đò vượt đèo Cả về đất
Phú. Hôm nào bận việc không đi được anh bồn chồn đứng ngồi không yên. Lần này
cũng thế, Phượng bảo từ đầu tháng chạp anh đã háo hức chuẩn bị một số sáng tác
mới để góp mặt trong đêm hội thơ Nguyên Tiêu hàng năm của tỉnh Phú yên. Nhưng
mọi việc đã không diễn ra như mong đợi. Anh bị xuất huyết não vào ngày 25 tháng
chạp và hôn mê từ đó đến giờ. Trước đêm hội thơ Nguyên Tiêu khai mạc, các anh
em hội thơ Đường Phú Yên thấy vắng anh liền gọi điện vào Ninh Hòa…
Hôm nay là ngày 14/2 ngày lễ tình nhân, có một tình nhân của thơ vừa qua đời.
Chiều nay Tân Thủy lại mưa. Mây mù buồn sà thấp xuống mặt đầm Nha Phu. Có câu
thơ nào còn sót lại trên lưng đèo Rọ Tượng?
QUANG ĐẶNG
Cám ơn các tài liệu của anh
Nguyễn Công Đức!
Bốn câu thơ của Trần Hoàng Phước Hậu cảm tác bài biết trên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét