Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

Nghe Và Đọc Vũ Thành An

GỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài NGHE VÀ ĐỌC VŨ THÀNH AN, tác giả Quang Đặng. Một cây viết rất quen thuộc và gần gũi với thầy trò chúng ta. Xin cám ơn đồng môn Quang Đặng rất nhiều
Trân trọng giới thiệu
NHHN



Ghé đường sách sau cơn mưa chiều xối xả vừa dứt. Thấy đám đông tụ tập trước nhà sách Phương Nam, đến xem mới biết thiên hạ đang đợi buổi ra mắt cuốn sách “Chuyện Tình Không Tên” của N/S Vũ Thành An. Mua một cuốn, lật vài trang rồi chọn một góc khuất ngồi xem. Cả hình thức lẫn nội dung cuốn sách có nhiều điều thú vị. Bìa được trình bày trang nhã như một phong bì chứa đựng mười mấy tình thư của tác giả gởi cho các người tình của mình. Hóa ra những bài Không Tên không dành riêng cho một người như trước đây mình đã nghĩ. Và giờ đây sau mấy thập kỷ, nhạc sĩ gọi các nhân vật không tên ấy là Em, một từ Em rất chung nhưng rất riêng cho mỗi tình khúc.

Người viết đến với âm nhạc của Vũ Thành An từ rất sớm, từ lúc chưa biết yêu là gì. Ấy thế cứ hát, cứ ngâm nga những bản nhạc được xem là thất tình chỉ vì ca từ và giai điệu quá hay. Đến khi “đớn đau đã nhiều rồi” ngẫm lại mới thấy từng câu, từng chữ ngấm vô mình lúc nào không biết. Nhưng đâu chỉ người viết, nhìn đám đông độc giả đủ mọi lứa tuổi ở đường sách chiều nay mới thấy tầm ảnh hưởng của âm nhạc Vũ Thành An. Ông sinh năm 1943. Người viết thuộc lứa tuổi 5X. Thử hỏi trước và sau người viết, bao nhiêu thế hệ đã và đang hát tình ca Vũ Thành An?

Bầu không khí tĩnh lặng của đường sách đột nhiên bị phá vỡ bởi những tràng vỗ tay vang dội khi một trong những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam xuất hiện. Người nhạc sĩ 75 tuổi với phong cách điềm đạm, khoan thai xưng là An với khán giả. Rồi với cách dẫn chuyện hóm hỉnh của nhà văn Nguyễn Đông Thức, N/S Vũ Thành An lần lượt bộc bạch về nhân vật, tác phẩm và những chặng đường sáng tác của mình. Một trong những điều người viết cảm kích là nhạc sĩ đã dùng từ Em để nói về những người tình đi qua đời mình vì không muốn xáo trộn cuộc sống riêng tư của họ, đồng thời cuối mỗi tình thư đều có lời cảm ơn. Nhạc sĩ cũng tâm sự 50 bài không tên sau này đều được viết lời hai như một lời tạ lỗi cho những ca từ dằn vặt, trách móc thời trai trẻ. Phải chăng những nghĩa cử cao thượng này đều xuất phát từ con tim thánh thiện của một thầy tu như lời nhà văn Nguyễn Đông Thức? Nhạc sĩ cũng thú nhận đây là những mối tình trong sáng chưa bao giờ vượt khỏi vòng lễ giáo của mình. Điều này cũng dễ hiểu, ngay cả thế hệ người viết chỉ cần một ánh mắt, một cái nắm tay, vài dòng thư viết vội… cũng nhớ nhau suốt đời.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức & nhạc sĩ Vũ Thành An

Cuộc tọa đàm kéo dài trong hai giờ. Xen kẽ giữa những câu chuyện của tác giả là âm nhạc. Người viết thích không khí trang trọng của đường sách chiều nay. Với số lượng khán giả đông ngoài dự kiến của ban tổ chức, nhiều người lớn tuổi phải đứng suốt cả buổi, không ít người lặn lội từ các tỉnh thành xa xôi đến chỉ để lắng nghe. Tình Khúc Thứ Nhất, Bài Không Tên số 5, Bài Không Tên số 8, Bài Không Tên số 37 qua tiếng hát các ca sĩ Huy Luân, Thanh Hoài cùng tiếng đàn piano vang lên trên con đường còn ướt đẫm nước mưa nghe xúc cảm vô cùng. Nhưng không khí chỉ thật sự chìm xuống khi N/S Vũ Thành An cất tiếng hát. Những tràng vỗ tay chợt vang lên rồi im bặt, mọi người như lặng đi vì “Đời Đá Vàng”: “Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu, ta tìm một tiếng yêu thấy toàn là sầu đau…”. N/S Vũ Thành An hát mà như không hát. Mọi cảm xúc tự nhiên tuôn trào qua chất giọng trầm ấm, nồng nàn không thể ngờ của người ở lứa tuổi thất thập cổ lai hy. Người viết thích ông hát những nốt trầm, thường chỉ những ai nhiều trải nghiệm, “có một thời khóc than” mới chuyển tải hết cái hay ở âm vực này. Trước khi hát ông cũng nhắc đến số phận long đong của “Đời Đá Vàng”. Bản nhạc được viết từ năm nhạc sĩ 31 tuổi nhưng rồi bế tắc với câu hỏi “Ô hay tại sao ta sống chốn này, quay cuồng mãi hoài có gì vui?”. Mãi cho đến 20 năm sau khi đã “qua dầm dề mưa tuyết” biết “vui ngày nắng về” thì bản nhạc mới hoàn thành.

Lần đầu tiên được nghe N/S Vũ Thành An hát lại hát quá hay, người viết rất xúc động. Mới đây có một ca sĩ trẻ làm live show nhạc của ông, “rằng hay thì thật là hay” nhưng người viết thấy thiêu thiếu một thứ gì. Đó là một Sài Gòn bàng bạc trong những tình thư. Là chiếc Velo Solex màu đen thế kỷ trước, là nhà hàng Brodard nổi tiếng ở đường Tự Do, là vòm lá me xanh trên đường Gia Long, là bộ phim Vacance Romaines lãng mạn… Đó cũng là lý do vì sao người viết chỉ thích nghe các ca sĩ Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Ngọc Lan, Ý Lan, Khánh Ly... hát nhạc Vũ Thành An. Chỉ có họ, những người cùng thời với tác giả, sống và yêu trong cái hơi thở Sài Gòn ngày trước mới có thể lột tả hết chiều sâu của âm nhạc Vũ Thành An.

Nhạc sĩ (Phó Tế) Vũ Thành An

Ca khúc thứ hai nhạc sĩ hát ở buổi tọa đàm là “Nếu Không Gặp Lại Ở Thế Gian”. Đó cũng là một trong những bài Thánh ca trên con đường sáng tác ông chọn sau này (N/S Vũ Thành An hiện nay là thầy Phó tế Công giáo). Âm vang của bài hát nói lên phận người và lời biết ơn này cũng đã khép lại chương trình buổi giao lưu: “Nếu không gặp lại ở thế gian, thì xin hẹn ước tìm nhau bên kia đời… Hãy vui từng ngày còn nhau, một hơi thở cũng là ơn cao vời…”

8h tối. Sài Gòn lên đèn đã lâu. Đường sách Nguyễn Văn Bình trở về với vẻ yên bình thường thấy. Hòa theo dòng người rảo bước về phía Nhà Thờ Đức Bà, trước mắt người viết là một bức tường dài che kín: nhà thờ đang sửa chữa. Ngẫm nghĩ vật chất dù có giá trị đến đâu rồi cũng già nua, hỏng hóc. Chỉ có những giá trị về tinh thần như âm nhạc là bền vững và tồn tại mãi với thời gian.

QUANG ĐẶNG      
             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét