GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Truyện ngắn TIỂU CÔNG CHÚA, tác giả Khuất Đẩu, một một trong những nhà văn nổi tiếng , rất quen thuộc với độc giả ở trong nước và hải ngoại. Truyện ngắn Tiểu Công Chúa, đặc biệt với văn phong nhẹ nhàng, lãng mạn khắc hẳn loại văn sở trường của ông. Xin cám ơn nhà văn Khuất Đẩu đã chia sẻ.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
Tặng H.Ch
Cuộc
triển lãm của hoạ sĩ K. chỉ có mỗi một chữ: Tháp. Trên 50 bức tranh chỉ toàn vẽ
tháp. Kỳ lạ hơn nữa là những cái tháp ấy không đứng trên mặt đất mà nghiêng
ngửa như đang bay giữa mây trời hay trôi bồng bềnh trên dòng sông.
Bị
dè bỉu, bị phê phán tơi bời nên chẳng có một bức tranh nào được bán ra. Một bức
đã bán không trôi mà lão họa sĩ lại còn muốn bán tất cả chỉ cho một người. Có
họa là điên! Những ngày cuối cùng khán phòng trống vắng đến nỗi một vài con
chim sẻ bay vào định làm tổ. Chúng ngớ ngẩn húc đầu vào tranh, rồi chới với bay
đi. Cũng như khách, chúng không bao giờ trở lại.
Vậy
mà, ngày cuối cùng, trong lúc lão họa sĩ định thu dọn để trả lại phòng, có một
người khách cũng kỳ dị không kém: chấp nhận mua tất cả. Đó là một triệu phú, dĩ
nhiên, ông sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn với điều kiện muốn biết vì sao hoạ
sĩ lại vẽ những cái tháp đang say nghiêng ngã như thế!
–
Ông có hơi tham lam quá đấy. Cũng như
tôi rất tham lam và thô lỗ nếu đã nhận tiền của ông mà còn đèo bòng hỏi: tại
sao ông lại bỏ tiền ra mua như thế!
–
Tôi không dám có ý ấy đâu. Tôi chỉ muốn
biết cái suối nguồn hư ảo nào đã khiến ông vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp
này. Điều ấy chỉ làm cho tôi thêm ngưỡng mộ ông và yêu quý những bức tranh mà
thôi.
–
Rất tiếc là không thể.
–
Vậy là tôi cũng rất tiếc!
–
Tôi có thể bán cho ông với một giá tuỳ
ông chọn, miễn sao tôi đủ trả tiền thuê phòng.
–
Tôi không dám xúc phạm những bức tranh
như thế. Và không hẳn riêng tôi, nếu bán như thế thì chính ông cũng đã vùi dập
những tác phẩm tuyệt mỹ của mình.
–
Vấn đề là tôi cần một người biết quý
trọng và nâng niu chúng sau khi tôi qua đời, chứ không phải tiền, cũng chẳng
phải danh vọng, tôi đã hơn 70 tuổi rồi!
–
Ý ông muốn nói, nếu không bán được thì
ông sẽ hiến tặng viện bảo tàng?
–
Không bao giờ! Không phải bảo tàng nào
cũng có một con mắt tinh đời. Ở đó, những bức tranh tội nghiệp của tôi sẽ nằm
trong nhà kho ẩm mốc, sẽ chỉ có chuột, dán và nhện tới xem mà thôi!
–
Thế thì ông định sẽ làm gì?
–
Điều này thì tôi có thể thổ lộ cùng ông.
Tôi sẽ đốt trước khi tôi chết!
–
Vậy thì tôi xin can ông. Tôi cũng xin
rút lại cái điều kiện khiếm nhã đã làm ông khó chịu. Tôi xin trao ngân phiếu
cho ông và mong ông gửi đến những báu vật này vào ngày mai, tại nhà số … Xin
gửi ông danh thiếp.
Người
khách ký ngân phiếu trao cho ông và nhanh chóng ra xe mà không nói thêm một lời
nào.
Khách
khá giàu, biết cách làm ra nhiều tiền và cũng biết cách tiêu tiền. Ngôi biệt
thự hai tầng kiến trúc theo kiểu Pháp nằm bên bờ biển. Phía sau là núi với
những gộp đá phủ đầy dây leo và hoa dại. Ngoài phòng khách trang nhã và quý
phái, những phòng ngủ với các ô cửa sổ màu trắng trông ra biển, còn có một đại
sảnh màu tím nhạt trên tầng hai để trống chờ những bức tranh.
Khách
đón lão hoạ sĩ như một người học trò đón thầy giáo cũ: khiêm cung và thân mật.
Sau khi dùng trà, khách ngõ ý mời lão xếp đặt vị trí các bức tranh sao cho thật
hoà hợp. Lão họạ sĩ đã không từ chối.
Phải
mất cả một ngày họa sĩ mới làm xong cái công việc tưởng chừng rất dễ dàng ấy.
Trước hết lão dành cả một buổi sáng chỉ để đi đi lại lại, hết ngồi trong phòng
ngắm những bức tường, lại ra ngoài ngắm những ô cửa sổ. Rồi lão yêu cầu được
treo tranh ở bất cứ chỗ nào có thể treo được, ngay cả trên trần nhà. Anh sáng
của các bóng đèn cũng được lão che chắn sao cho không bị hắt vào các bức tranh
mà lão bảo là như tạt cả một thau nước vào mặt. Nói chung là một phong cách rất
kỳ dị cũng như các bức tranh của lão. Bức trên cao thật cao, bức thấp thật
thấp. Có bức treo nghiêng bên cửa sổ như một cánh cửa, có bức lủng lẳng trên
trần nhà như sắp rơi. Ấy vậy mà Tiểu Lan, nữ chủ nhân của phòng tranh lại rất
thích.
Nàng
không ngớt reo lên đẹp quá, cứ y như trong mơ. Rồi khi đèn bật lên với ánh sáng
dìu dịu như ánh trăng xuyên qua lá cây, nàng tung mình lên như một vũ nữ
ballet, bay lượn khắp phòng.
Nàng
là tài sản vô giá mà chủ nhân của ngôi biệt thự có được. Để cho nhan sắc càng
thêm phần tuyệt mỹ, ông đã cho nàng học múa ballet, học chơi đàn và hội họạ.
Chính nàng đã muốn mua tất cả những bức tranh vẽ tháp của lão họa sĩ chứ không
phải cha nàng.
Khi
cô gái ngừng lại để thở, lão họa sĩ như đã không tin vào mắt mình. Cũng làn da
rịn rịn tươi mát như cánh đồng sau cơn mưa. Cũng mái tóc như mây mùa đông và
nhất là đôi mắt nửa như trẻ thơ, nửa như của nhà hiền triết, một đôi mắt thông
minh rất mực mà cũng khờ dại không ai bằng. Ông lại càng ngạc nhiên hơn khi
nàng bảo rằng đây chính là những giấc mơ của nàng và hỏi ông có phải chính ông
cũng đã từng mơ như thế khi vẽ những bức tranh này.
Sau
khi dùng một bữa tiệc nhỏ mừng phòng tranh đã được sắp đặt đúng như ý của cô
chủ nhỏ, ba người ra ngoài hành lang ngắm trăng 17 vừa mọc lên trên biển. Mặt
trăng khuyết một chút như trái táo có ai vừa cầm dao gọt bớt đi một phần vỏ.
Nhưng trăng vẫn đẹp. Mặt biển sáng lên như một tấm gương mới lau. Những con
thuyền chở đầy ánh trăng đã không còn chỗ để chở cá. Biển êm đến nỗi những con
sóng ngã mình trên bờ cát chỉ nghe như một tiếng thở dài. Lão họa sĩ yêu cầu
chủ nhân cho tắt hết đèn và khi ngôi biệt thự cũng đựng đầy ánh trăng, lão nói:
- Thưa
chủ nhân và cô tiểu chủ, tôi thực hạnh phúc được ngồi nơi đây để kể cho quý vị
nghe về những bí mật của những bức tranh mà tôi đã dành cả một đời để vẽ. Tôi
đã nguyện đem theo cái bí mật ấy xuống đáy mồ, nhưng hôm nay, tôi bỗng bàng
hoàng nhận ra rằng nếu tôi cứ mãi giữ im lặng thì quả là đắc tội với quý vị.
Ngay
từ lúc mới biết đi, tôi đã nhìn thấy tháp. Lớn lên, nhìn đâu, đi đâu cũng thấy
tháp. Tháp Bánh Ít ở trước mặt, tháp Phú Cốc ở sau lưng, tháp Cánh Tiên ở bên
phải, tháp Đôi ở bên trái. Ba bề bốn mặt đều là tháp. Rất lặng lẽ, rất cô độc,
nhưng không một chút u buồn, những ngọn tháp vẫn cứ đứng sừng sững và thắm đỏ,
cho dù những người dựng nên đã không còn nữa. Có thể nói, tôi đã ăn ngủ hít thở
cùng với tháp.
Tôi
mê cái màu đỏ gần như bất diệt của đất nung, cái màu không quá già để trở thành
sành, cũng không quá non để trở thành gốm. Cái màu ấy có thể ví như một ngưòi
đàn bà đẹp ba mươi tuổi, không quá tươi non như thiếu nữ, cũng không quá già
dặn như một mệnh phụ. Lại còn những đường nét, hình khối, cái bóng của nó hắt
lên trời chiều trong ánh hoàng hôn hay chổi dậy sáng ngời trong buổi bình minh
mới đường bệ và đẹp đẽ làm sao! Cả những lúc mưa gió bão bùng, nó vẫn có một vẻ
đẹp của sự gan lỳ, của chịu đựng và kiêu hãnh. Nó đứng lặng yên như núi non
nhưng sinh động gấp ngàn lần. Cứ mỗi phút giây đi qua, mỗi độ sắc của ánh sáng
và bóng tối, nó đều có một vẻ đẹp riêng biệt.
Xin
lỗi quý vi, tôi có hơi dài dòng. Thực ra cái đam mê của tôi cũng chỉ là một
chút săm soi của một anh thợ nề khi thấy một viên gạch quá đẹp. Anh ta ngắm
nghía một chút rồi nếu không chặt làm đôi thì cũng trét hồ lên mà thôi. Tất cả
cái kỳ công của tôi với toan với màu cũng không hơn được cái nháy mắt của một
anh phó nhòm. Chỉ một tiếng tách là anh ta đã ghi lại được toàn bộ sắc màu,
hình khối của cả một ngàn năm. Và nếu thừa tiền, anh ta có thể mỗi phút bấm một
tấm hình. Đơn giản quá, dễ dàng quá, phải vậy không?
Cho
nên, công của tôi là công dã tràng. Những bức vẽ của tôi, sau bao nhiêu ngày
chịu đói, chịu rét cũng chỉ là những tác phẩm ngu dại và phù phiếm. Vì sao? Vì
nó vô hồn. Không cứ phải vẽ cho thật nhiều, trét đầy màu lên vải là được. Phải
có một cái gì đó như là một cơ may, một phút bất chợt nắm được cái phần hồn của
tháp mới mong vẽ được cái gọi là tranh. Phải tìm hiểu từng ngọn tháp trước khi
vẽ. Phải biết cách người ta xây như thế nào. Làm sao hàng vạn viên gạch chồng
khít lên nhau, gắn chặt vào nhau hơn cả những kẻ đang yêu, chất cao như núi,
không một chút vôi vữa mà vẫn đứng mãi giữa đất trời đến cả ngàn năm?!
Những
bức vẽ của tôi còn thua một bức tường xây vụng của một anh thợ nề. Cái màu chín
đậm của đất nung tôi pha được, nó nóng bỏng như vừa mới lấy ra khỏi lò, nó cũng
nằm chồng khít lên nhau, cũng chịu đựng nâng đỡ nhau để vươn lên cao. Nhưng
thật đáng buồn, nó cũng giống như một đống gạch người ta sắp xây tháp chứ không
phải tháp. Làm sao vẽ được cái hồn của tháp, tức là hồn của những người muôn
năm cũ trong mỗi viên gạch? Nếu Đoàn Phú Tứ vẽ được màu thời gian tím ngát và
cả hương thời gian thanh thanh bằng chữ viết, thì một hoạ sĩ sao lại không vẽ
được cái màu thời gian ấy và mùi hương ấy bằng những sắc màu?! Người ta bảo tôi
điên vì đã đặt ra những thách thức quá lớn. Tôi sẽ thất bại nhiều lần nữa và
nếu tỉnh táo hơn một chút thì tôi nên quẳng cọ mà đi làm thợ nề hay thợ gốm để
sống một đời bình yên đề huề. Bởi vì nói như một thi sĩ Trung đông, nếu anh
thấy sống được thì cũng đừng nên viết vẽ làm chi!
Quả
thật là như vậy, tôi đã muốn vứt bỏ tất cả, nếu không có một cô con gái nhỏ mà
tôi gọi là tiểu công chúa bất ngờ chỉ cho tôi thấy cái hồn của những ngọn tháp
bằng cách vẽ lại những giấc mơ của nàng. Ông dừng lại, hít một hơi thật dài,
rồi kể tiếp:
- Lúc
gặp tôi, cô ấy cũng chỉ chừng 14, 15 tuổi. Cao, gầy và mong manh như một cây
lúa, nhưng cũng rất mạnh mẽ như cây lúa. Đôi mắt cô thật trong sáng và xinh
đẹp. Chúng long lanh như những hạt sương vừa mới đọng trên đầu ngọn lá.
Hôm
ấy là một buổi chiều. Tôi đang chờ đợi hoàng hôn, cái phút giờ mà tôi cho là
đẹp nhất trong ngày. Chính cái ánh nắng sắp tắt còn cố bám trên những viên gạch
của ngọn tháp mới là khó vẽ nhất. Làm sao vẽ được cái run rẩy của ánh nắng, cái
bịn rịn của ly biệt, cái sững sờ của cách chia bằng những gam màu nóng lạnh ?!
Trong
lúc tôi đang lúng túng cầm cây cọ đã nhúng màu thì cô ấy không biết tự bao giờ,
không biết từ đâu đến, đã đứng ở sau lưng tôi. Rất bất ngờ, cô hỏi:
–
Ông họa sĩ ơi, ông có thể vẽ những giấc mơ được không?
–
Vẽ những giấc mơ? Thật là những ý nghĩ ngộ nghĩnh. Tôi bỗng chợt vui như đứa
trẻ khi có đứa khác rủ chơi một trò chơi mới. Tôi hỏi: những giấc mơ gì vậy? Mơ
có áo đẹp, mơ có người yêu? Tôi bỡn cợt đôi chút. Nhưng cô không giận, nói: Tôi
mơ thấy những ngọn tháp đang bay!
Tôi
liền tháo bức tranh để nằm ngang trên giá vẽ, nói: có khó gì, phải như thế này
không?
–
Không phải. Như thế thì bay sao được!
–
Vậy thì để nằm nghiêng?
–
Cũng không phải!
–
Vẽ thêm cánh?
Cô
lắc đầu buồn chán:
–
Cứ tưởng họa sĩ các người vẽ được tất cả, không ngờ cũng rất nghèo nàn tăm tối
!
–
Vậy thì đầu óc trong sáng của các cô thấy cái tháp nó bay như thế nào?
–
Trước hết nó không nặng nề như tranh của ông, cả ngàn tấn gạch như thế thì bay
sao được. Nó phải nhẹ như mây trời, mây trút nước xuống ngập lụt cả ruộng đồng,
nhưng ông thấy đấy nó vẫn bay.
–
Đó là do hàng triệu hạt nước nhỏ cùng bay. Chẳng lẽ phải cho hàng triệu viên
gạch này tách rởì ra để bay lên?
–
Tôi không biết. Nhưng muốn bay được là phải thật nhẹ. Và điều này nữa, nó dịu
dàng mềm mại chứ không phải cứng nhắc như thế! Nhưng có lẽ để vẽ được nó, thì
ít ra ông cũng phải biết nằm mơ.
–
Nằm mơ thì có khó gì, nhưng tôi chỉ nằm mơ thấy toàn ác mộng. Có bao giờ cô
thấy mình mơ đi xe lửa chưa?
–
Nằm mơ thấy đi xe lửa thì mơ làm gì!
–
Tôi luôn mơ thấy mình đang đi trên những chuyến xe lửa kinh hoàng. Nó nghiêng
qua ngã lại mà vẫn cứ vun vút lao qua cầu, qua những vách đá cheo leo. Kinh
hoàng ở chỗ, nó chạy mà không có đường ray!
–
Hay thật đấy, vậy là ông cũng biết nằm mơ và trong mơ thì mọi sự đều thật kỳ
diệu phải không?
–
Tôi chẳng thấy kỳ diệu chút nào, chỉ thấy toát mồ hôi và tim như ngừng đập.
Cũng may là khi tỉnh lại tôi thấy mình còn nằm trên giường.
–
Một con tàu không có đường ray mà vẫn chạy băng băng, một ngọn tháp nặng như
thế mà vẫn bay được, thế mà ông vẫn bảo là không kỳ diệu! Ông còn muốn thế nào
nữa? Thảo nào, xem tranh ông cứ như xem một đống gạch!
Thật
hết sức bất ngờ. Chính cái điều tôi khổ tâm xấu hổ nhất, phải bao nhiêu năm mới
nhận ra được thì, chỉ với một cái nhìn, cô đã thấy hết cả gan ruột của tôi. Cô
cứ như người nhà trời và cái cách cô nói giống như đang đi trên cầu vồng bảy
sắc.
Tôi
bỗng nhớ đến các bức họa của các họa sĩ bậc thầy. Chẳng phải là mơ sao mà đồng
hồ báo thức lại mềm hẳn ra như sắp chảy, một con dê mà cũng biết kéo vĩ cầm…
Đột nhiên tôi thấy mình ngộ ra: vẽ, không phải kỳ khu như một thợ thủ công mà
phải biết chơi với sắc màu như đứa bé chơi đùa trên cát. Lâu nay tôi đã làm một
việc vô bổ là đi xây những cái tháp trên vải hay trên giấy. Giờ đây, với những
ý tưởng tươi mới của cô bé, tôi tin là có thể vẽ được những ngọn tháp trong mơ.
Tôi nói:
–
Tôi hiểu ra rồi. Chính cô đã vẽ được những cái tháp trong mơ nhưng không thể vẽ
được trên giấy hay trên vải, phải không nào?
–
Đúng như vậy, và ông sẽ giúp tôi?
–
Chẳng phải giúp, mà tôi và cô cùng vẽ. Cô sẽ kể cho tôi những giấc mơ, những
hình, những dáng, những sắc, những màu. Cô có đầu óc biết mơ mộng, còn tôi có
bàn tay biết cầm cọ, chúng ta sẽ xây những cái tháp theo cách riêng của chúng
ta, phải vậy không?
–
Rất phải. Xin cảm ơn ông.
Từ
buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đã là những người bạn. Cô ấy ngoan ngoãn đi theo
tôi như một đứa em nhỏ, lại để tôi sai vặt như một chú tiểu đồng. Chúng tôi
thường tìm đến những bìa rừng, những bãi cát nhỏ trên sông, hay leo lên những
ngọn đồi im vắng. Sau khi bày giá vẽ, chúng tôi hoặc nằm dài trên bãi cỏ, hoặc
ngồi tựa lưng vào gốc cây và cô kể cho tôi nghe những cái tháp trong mơ. Khi
thì phơi phới như một tà áo lụa, khi thì nhàu nhò đẫm nước mắt, khi há miệng ra
cười lớn, khi nằm dài trên mặt nước như một con thuyền… những cái tháp cứ như
thế dần dần hiện ra trên vải dưới cái nhìn rất ngây thơ của cô. Theo cô, chúng
vẫn đang lớn lên, vẫn nói vẫn cười và cô tin chúng sẽ lấy nhau để đẻ ra những
đứa tháp con!
Như
một vị thầy khó tính, cô luôn bảo sửa chỗ này, xoá chỗ nọ. Cô thường nói, điều
cần nhất là ông không được vẽ những đường thẳng, cũng không vẽ cái màu u tối
cho dù là trong đêm mưa. Ông cũng phải bỏ cái cách phối màu quen thuộc, không
có chuyện màu nóng màu nguội gì ở đây cả. Màu hiện lên rất bất ngờ, hệt như lúc
mặt trời vừa ra khỏi một cơn giông.
Tôi
đã học hội họa ngần ấy năm, cầm cọ đến vài chục năm, vậy mà vẫn thấy những bài
giảng của cô ấy thật mới lạ, hấp dẫn. Không một chút tiếc nuối, tôi đã phá bỏ
hết những bức tranh cũ để dồn hết tâm trí và niềm say mê vào những bức tranh
mới. Mỗi bức tranh là một giấc mộng mà những kẻ thô lậu quê mùa như tôi không
thể nào mộng thấy được cho dù là nằm mộng giữa ban ngày. Những bức tranh ấy là
tất cả tuổi thơ của cô. Hay đúng hơn, chính cô ấy là tác giả.
Nói
thì dễ, nhưng không phải chúng tôi chỉ trong một vài tháng là vẽ xong hơn 50
bức tranh kia. Bởi vì không phải đêm nào cô gái cũng nằm mơ và không phải giấc
mơ nào cũng giống hệt nhau. Cô cũng thường gặp ác mộng. Đó là những hôm cô mơ
thấy ngọn tháp ngã sụm xuống lòng sông hay nổ tung như một ngọn núi lửa. Cô bảo
rằng những lúc ấy cô đã hét lên và bao giờ cũng vậy, cô muốn quên đi, nhưng sự
đổ nát, sự tan vỡ vẫn cứ ám ảnh cô rất nhiều đêm. Dĩ nhiên, những giấc mơ như
thế không khi nào cô muốn vẽ lại.
Chúng
tôi xây những cái tháp biết bay đó trong hơn ba năm. Và trong 3 năm đó chúng
tôi gặp nhau chỉ là để chơi nhiều hơn vẽ. Chúng tôi rảo khắp các vùng quê, đồi
núi có thể đến được. Có lần lính Mãnh Hổ tưởng chúng tôi vẽ bản đồ cho địch.
Bọn họ định bắt chúng tôi đem về trại, nhưng khi thấy những bức vẽ kỳ dị đã ôm
bụng mà cười. Chúng tôi cũng rất liều lĩnh khi ở lại đêm trên tháp Phú Cốc. Cơn
mưa bất chợt đã khiến chúng tôi gần nhau hơn. Chúng tôi ngồi dựa lưng vào tháp
và trong giấc ngủ chập chờn, cô công chúa nhỏ của tôi đã mơ thấy những người
dân Chiêm đang xây nên cái kiệt tác của cả một dân tộc.
Sáng
hôm sau, cô đã kể cho tôi nghe giấc mơ mà cô cho là đẹp nhất. Đó là những Chiêm
nương đội những viên gạch đi thành hàng dài với những bước chân khoan thai. Lớp
đi lên đồi, lớp đi xuống núi, rất nhịp nhàng và uyển chuyển. Rồi khi tháp đã
lên cao, họ chất củi xung quanh và đốt. Ngọn lửa cao đến nỗi làm cháy sém cả
một mảng lưng của trời. Khi lửa tàn, ngọn tháp hiện ra trong tiếng hát, đỏ thắm
như một trái tim khổng lồ. Tôi đã thử đem tất cả tài nghệ của mình cố vẽ lại
những cảnh ấy, nhưng vẽ mãi mà vẫn không thành. Lần nào, cô cũng lắc đầu bảo
không phải, những dân Chiêm vui tươi hoan lạc như thế kia sao ông lại vẽ họ
khốn khó như những nô lệ. Tranh của ông chỉ thiếu ngọn roi da là tả được cảnh
địa ngục!
Cả
tháng trời, tốn bao nhiêu màu, bao nhiêu vải, vẫn chỉ vẽ được có mỗi ngọn tháp
đỏ rực như một trái tim mà thôi. Đó là bức thứ 51 và cũng là bức cuối cùng.
Nói
đến đây, hoạ sĩ dừng lại, xin phép chủ nhân được vào thăm phòng tranh. Ông ngồi
một mình rất lâu trước bức vẽ cái tháp chúc đầu xuống đất. Đó là bức trái tim
mà cô gái cho là đạt nhất. Cô đã từng buột miệng bằng câu thơ mượn của Nguyễn
Du: ấm như hạt ngọc Lam Điền mới đông!
Rất
nhẹ nhàng, Tiểu Lan đến sau lưng ông, hỏi nhỏ bên tai:
–
Rồi sao nữa? Ông và nàng yêu nhau phải không?
–
Không! Chỉ có tôi yêu nàng! Nhưng đó là một tình yêu tràn ngập lòng biết ơn.
Trong 3 năm đó tôi thấy mình lớn lên rất nhiều. Tôi đã hiểu được thế nào là cái
Đẹp. Và với những xúc cảm tinh khiết như thế, tươi non như thế, nàng đã cho tôi
nhiều thứ hơn là tình yêu đôi lứa. À, cô chủ nhỏ, nếu cô không bất bình thì tôi
xin được vẽ tặng cô một bức truyền thần. Cô sẽ treo giữa khán phòng này vì cô
là chủ nhân.
–
Sao tôi lại có thể bất bình, thưa ông. Tôi rất vui được ông có nhã ý tuyệt vời
như thế. Tôi sẽ thưa lại với cha tôi và tôi tin người còn vui sướng hơn cả tôi.
Ông cũng biết đấy, cha tôi không hề tiếc tiền cho cô con gái nhỏ của mình.
–
Tôi chưa vẽ truyền thần cho ai ngoài tiểu công chúa của tôi và cô, dĩ nhiên
không có chuyện bạc tiền!
–
Ông có vẽ truyền thần cho nàng sao? Bức vẽ ấy chắc đẹp lắm! Hiện giờ nàng ở
đâu? Tôi muốn xin được một lần chiêm ngưỡng bức chân dung ấy.
–
Đây là một câu chuyện khác, một bí mật khác cũng được. Tôi chưa có thể nói gì
với cô về điều ấy. Tôi chỉ muốn nói điều này. Đó là một sự trùng hợp kỳ lạ giữa
một người là chủ của những giấc mơ và một người là chủ của những bức tranh mà
tôi quý còn hơn cả máu thịt của mình.
Một
tuần sau, lão hoạ sĩ mang giá vẽ và sơn, cọ đến biệt thự Hoàng Yến. Người mẫu,
Tiểu Lan ngồi trên một gộp đá nhìn ra biển. Hoạ sĩ chưa vẽ vội, ông chỉ ngồi
lặng yên ngắm nàng. Khung tranh đã được căng toan phản chiếu ánh mặt trời như
một tấm gương. Và cũng như tấm gương, ông nhìn thấy khuôn mặt xinh xắn đáng yêu
của nàng dần hiện lên mà không cần đụng tới một nét vẽ nào. Một giờ sau, ông
bảo: đủ rồi, cô cứ việc vui chơi. Có thể là một tuần sau, cũng có thể một tháng
sau, tôi sẽ mang tranh đến tặng cô.
Biết
tính khí kỳ quặc và tin ở tài của ông, nên cả cha và Tiểu Lan, không một ai hỏi
nói gì thêm.
Nhưng
rồi một tuần sau, một tháng sau và cả một năm sau cũng không hề thấy tăm hơi
lão họa sĩ. Không ai nghĩ rằng ông đã quên lời hứa. Cha con Tiểu Lan lo sợ ông
có thể đã qua đời. Một ông lão trên 70 tuổi sống cô độc cho dù là ngồi trên
đống tiền vừa bán tranh vẫn không thoát khỏi cái chết. Đôi lúc, họ sợ rằng ông
có thể bị bọn cướp đoạt tiền rồi giết chết ông. Nhưng các nhật báo và tuyền hình
không có một vụ cướp nào như thế. Chỉ có một lão hoạ sĩ bị mất trộm trên 300
bức ký hoạ, nhưng sau nghe ra là lú lẫn để quên.
Mãi
đến một ngày cuối năm của thiên niên kỷ hai ngàn, giữa lúc mọi người vừa hồi
hộp lo sợ vừa sung sướng đón mừng cái thời khắc có một không hai trong đời thì
ông lại đến. Ông già hơn rất nhiều, râu tóc đều trắng như cước. Tiểu Lan tuy
ríu rít nói cười vẫn không ngăn được những giọt nước mắt. Nàng muốn ngã vào
lòng ông mà khóc như đã từng ngã vào lòng của cha. Đặt hộp tranh lên bàn, ông
nói chậm rãi:
–
Xin lỗi cô chủ nhỏ, tôi đã không giữ được lời hứa. Chắc là cô buồn giận tôi
lắm.
–
Thưa họa sĩ, tôi đâu dám thế. Được gặp lại ông là tôi vui quá rồi.
Khi
chân dung của Tiểu Lan được tháo khỏi hộp đựng tranh, bọn gia nhân quên cả phép
tắc cùng chạy ùa đến xem. Nàng đang tuổi dậy thì, đẹp như trăng mới mọc, nhưng
bức vẽ còn đẹp hơn. Nó sinh động đến nỗi, ai cũng tưởng như chính hai con mắt
trong tranh nhìn thẳng vào mình chứ không phải là người xem đang ngắm một đôi
mắt đẹp. Tiểu Lan ngây ngất như muốn bay lên. Nhà triệu phú thì nhẹ nhàng bảo
gia nhân hãy bày tiệc rượu. Ông nói, cái mừng này còn hơn cả mừng được sống đến
năm hai ngàn mà không phải tận thế.
Bức
chân dung được treo giữa những cái tháp bay càng làm cho căn phòng trở nên dịu
êm, ấm áp. Cha con Tiểu Lan rất bối rối vì không chuẩn bị kịp một món quà để
tặng lại ông. Cả hai người đều chỉ biết thốt lên: đẹp quá, kỳ diệu quá! Khi
tiệc rượu được bày ra, chủ nhân ngôi biệt thự nâng cốc nói trong xúc động:
–
Thưa họa sĩ, cha con chúng tôi rất biết ơn ông. Quả thực cái tài của ông đã
ngang tầm với các đại danh họa mà tôi được biết. Không phải ngầm khen con gái
tôi, nhưng bức họa La Joconde khi được trưng bày lần đầu, thiết nghĩ cũng chỉ
làm cho người xem xúc động đến như thế này mà thôi. Thực quá khiếm nhã nếu cha
con chúng tôi muốn tặng ông một món quà theo như ý thích của ông. Mà khó thay,
không biết ông thích gì!
–
Tôi không dám nhận một món quà nào khác ngoài một cốc rượu. Ông và cô chủ nhỏ
không việc gì phải áy náy. Ông và cô có biết tôi đã vui đến thế nào khi ngồi
một mình vẽ chân dung cho cô. Tôi đã sống lại cái thời khắc đẹp nhất của đời
mình. Ấy là lúc tôi vẽ tiểu công chúa của tôi, tức là nữ chủ nhân của những
giấc mơ mà các vị đã biết.
Sau
khi đã ghi lại được gần như tất cả những ngọn tháp nhìn thấy trong mơ, một hôm
tiểu công chúa bảo đã đến lúc cô phải đi. Hỏi vì sao, cô bảo vì hai lẽ. Thứ
nhất cô không còn mơ thấy những ngọn tháp nữa. Thứ hai, cô phải bước hẳn vào
đời sống, không thể cứ lửng lửng lơ lơ mãi được. Nói rõ hơn là cô phải lấy
chồng, sinh con. Để ghi lại bóng hình của một thời chỉ biết nằm mơ thấy những
cái tháp, cô muốn tôi vẽ giúp cô một bức họa chính nhan sắc đang đẹp dần lên
của cô. Tôi rất buồn, nhưng cũng rất vui vì được vẽ chính cô, một ngọn tháp
xinh đẹp nhất trong mọi ngọn tháp.
Tháp Phú Cốc
Một
buổi chiều trời đẹp, chúng tôi lên tháp Phú Cốc. Và trong ánh hoàng hôn cô đã
ngồi chắp tay trước ngực để cho tôi vẽ. Thực ra là để cho tôi ngắm rồi sau đó
về nhà ngồi vẽ một mình. Tôi không như những người khác phải mất rất nhiều giờ
mới vẽ được. Tôi đã học được cách vẽ những giấc mơ của nàng và vì vậy tôi có
thể đễ dàng thể hiện nàng lên tranh. Có một điều tôi và chắc các vị cũng không
thể ngờ là nàng để tôi vẽ khoả thân. Khi nàng vào trong tháp để thay áo, tôi cứ
tưởng nàng sẽ mặc một chiếc áo đẹp hơn. Đến lúc nàng buông tấm khăn choàng
xuống đất, tôi sững sờ đến nỗi không nói được lời nào. Cứ như mặt trời vừa
khuất sau rặng núi bỗng quay trở lại, rực rỡ đến chói loà.
Tôi
chưa bao giờ vẽ khoả thân. Đó là một nghệ thuật mà cái đẹp lúc nào cũng bị lợi
dụng làm cho méo mó. Các hoạ sĩ thời Phục hưng thì trau chuốt đến độ người ta
có cảm giác là tác giả đang ve vuốt, sờ mó cái đẹp chứ không phải tái hiện cái
đẹp. Các hoạ sĩ lập thể, như để cố tình che dấu cái dục vọng của mình nên biến
cái đẹp thành những hình những khối bị cắt xẻ, nhìn vào cứ tưởng là những cái
lưỡi cày.
Lúc
học ở trường, chúng tôi cũng có những bài tập về cách vẽ khỏa thân. Dĩ nhiên
không có một cô gái hay người đàn bà nào chịu ngồi làm mẫu ngoài những ả giang
hồ. Vì vậy, tranh không ra tranh. Vẫn những đường cong tuyệt mỹ mà tạo hoá ban
cho nguời phụ nữ, nhưng cái đẹp đã qua tay hàng trăm người trở nên nhàu nhò tàn
úa, chẳng còn ai thiết ngắm nhìn ngoài những con mắt bắt buộc phải nhìn của
người học vẽ.
Cái
khó của người hoạ sĩ khi vẽ khoả thân, cho dù là với tinh thần nghệ thuật trong
sáng vẫn không ngăn được những đợt sóng âm u cứ chực tràn vào bức tranh. Tôi
biết mình không có đủ trí lực để thay mặt tạo hoá làm cái việc gọi là sáng tạo
ấy. Tôi đi tìm cái đẹp trong các ngọn tháp. Vậy mà, vẽ mãi cũng chỉ được mấy
mươi cái tháp trong mơ mà thôi.
Nàng
ngồi xếp bằng như toạ thiền, hai tay chắp lại che một phần ngực, mắt nàng nhìn
xa xăm như đuổi theo ánh mặt trời đang lặn. Một sự thánh thiện kỳ lạ như ánh
hào quang toả ra trên người nàng. Cái mùi hương thanh thanh mà nhà thơ vẽ được
bằng chữ viết sao sánh bằng hoạ sĩ vẽ được bằng sắc màu. Tôi dám đoan chắc là
các vị sẽ cảm nhận được cái mùi hương ấy, mùi hương của đồng lúa trỗ khi xem
tranh. Nàng chưa bao giờ thanh khiết như thế và tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy
mình trong sạch đến như vậy khi tập trung tất cả trí lực và thần lực để thu
nhiếp cái Đẹp.
Lão
họa sĩ tháo khung đựng tranh và như một thác nước, người con gái khoả thân sáng
ngời cả căn phòng. Nàng như nữ thần Shiva với cái bầu ngực tươi thắm chứa chan
tình yêu khiến người ta ngưỡng mộ chứ không xúc phạm.
Giống
như con bướm đã thoát xác để lại cái vỏ kén vàng rực, nàng đã bay về trời,
không bao giờ trở lại.
Chìm
đắm trong sự thán phục tận đáy lòng, Tiểu Lan có cảm giác như đã từng gặp ngưởi
trong tranh ở đâu đó trong những giấc mơ của riêng mình.
Hai
người đàn ông đều trầm ngâm như đang lửng lơ giữa mộng và thực. Mộng, là thiếu
nữ ngồi tĩnh tọa trước cái tháp đổ dài như cái bóng của nàng. Và thực, là Tiểu
Lan đang ngồi yên lặng nhìn tranh qua làn nước mắt. Gió chiều cứ xô mãi vào
phòng làm cho mặt toan rung động, như người trong tranh đang thở phập phồng.
Nếu nàng bất ngờ đứng dậy và bước ra khỏi bức tranh cũng không làm ai ngạc
nhiên. Lão họa sĩ lại lên tiếng:
–
Suốt 30 măm chờ đợi mà vẫn không gặp được nàng, tôi đã định mang bức tranh này
theo tôi đi vào thế giới bên kia. Tôi đã viết sẵn di chúc cho người thân rằng
hãy dùng bức tranh làm khăn liệm. Nhưng khi gặp Tiểu Lan, tôi linh cảm có một
điều gì đó rất huyền diệu. Tôi tin một cách mãnh liệt rằng tâm hồn của hai
người giống nhau như một. Khi cô tiểu chủ bảo những bức tranh của tôi vẽ giống
như những ngọn tháp cô đã thấy trong những giấc mơ thì tôi xúc động đến sững sờ
như đã gặp lại nàng. Và khi tôi cố thu nhiếp hình ảnh của Tiểu Lan, rồi một
mình trong yên lặng ngồi vẽ lại, tôi khóc đến ướt cả toan. Tôi không cách gì vẽ
được. Mãi đến những ngày gần đây, cảm thấy cái hơi lạnh của thiên thu đã ngấm
vào từng đường gân thớ thịt, tôi mới có đủ trí lực và thần lực để vẽ. Bỡi vì vẽ
được là giải thoát được.
Đã
đến lúc tôi cũng phải từ bịêt tất cả để ra đi. Những bức tranh tôi yêu quý nâng
niu và cả cái trần gian khốn khó này. Tôi rất mừng là đã được ông và cô không
tiếc tiền, giữ hộ tôi những bức tranh. Tôi cũng xin dâng tặng bức tranh này cho
Tiểu Lan, cô xứng đáng được gặp người chủ của những giấc mộng. Tôi xin gửi lời
chào vĩnh biệt đến tất cả, những bức tranh, ông chủ lớn cùng cô chủ nhỏ.
Và,
ông lão đi ra, nhanh đến nỗi thoáng cái đã mất hút như tan vào bọt sóng./.
Khuất Đẩu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét