Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài VIẾT THƯ TÌNH, tác giả Nguyên Nhung do thầy Hồ Văn Phú chia sẻ. Đọc câu chuyện này để nhớ về "một thời tuổi học trò hoa mộng". Xin cám ơn thầy Hồ Văn Phú rất nhiều.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
(Chuyện bây giờ mới kể)
Có vài nhỏ bạn cùng lớp năm xưa, sau khi đọc mấy truyện ngắn tôi viết cho trường hay đăng báo, bèn hỏi tôi không sợ nghèo, dính chi nghề cầm bút. Nghe bạn hỏi tôi không khỏi tức cười, nếu cầm bút ngon lành chắc tôi đã tập viết văn ngay từ lúc còn đi học; thuở viết thư tình giùm cho mấy nhỏ "xí xọn " trong lớp, để kiếm bánh bò và đá đậu mỗi giờ ra chơi, và kẹt kẹt thì chúng nó cho tôi “copy” mới đủ điểm lên lớp. Đa phần các anh nhà thơ, nhà văn đều nghèo, có anh chết không có hòm chôn, có anh cuối đời ngồi bán thuốc lá lẻ, có anh không nhà để ở phải ra khu nghĩa địa ở chung với ma. Hoá cho nên nghề cầm bút là nghề bạc bẽo, may khi "chó ngáp phải ruồi " được một bài hay, thấy người ta khen cứ tưởng bở, viết nữa, hớ hênh là bị chửi, bị chê "viết gì dở ẹt ".
Cho nên câu trả lời cuả tôi cho mấy đứa bạn năm xưa, tôi không hề là nhà văn, nguyên nhân cầm bút để viết chẳng qua vì quen tay, như người hay hát khác với người hát hay là vậy.
Rồi cũng tại mấy "con ranh con " bắt đầu những năm học lớp mười, mười một, mười hai, đã biết ghiền đọc thư cuả mấy "cây si " học trò gửi tới. Đọc thư nhưng bảo đảm chưa biết viết thư, nếu là những đứa chăm học không mê đọc tiểu thuyết, nhưng vẫn thích đọc thư, thì phải biết viết thư hồi âm mới có cớ để thư qua, thư lại. Nói nhỏ với các anh bạn cùng trường ngày xưa, hay các anh Sinh Viên, Chiến sĩ gì cũng vậy, thư cuả các anh ít khi chỉ có một người đọc, đã có cả nhóm đọc chung, và nếu chờ thư hồi âm thì cũng có một đám chờ đọc ké, cho nên các anh đừng “tưởng bở”... chỉ hai đứa mình thôi nhé, đừng cho trăng nép sau hè...".
Trong đám bạn chơi thân với nhau, có lẽ tôi là đứa khá văn chương hơn cả, cho nên dù học dở nhất bọn, nhưng vẫn được chúng nó tôn làm "sư phụ ". Mỗi lần thảo xong một lá thư, giờ ra chơi tôi có quyền no nê bánh bò, đá đậu, bánh mì thịt v. v . . . . . Đó là những đứa con nhà khá giả biết yêu sớm, chứ mấy đứa nhà nghèo, sáng cơm rang cơm nguội làm chuẩn, nếu không chịu học hành, sớm vướng vào yêu đương, mai sau chỉ có nước ăn cơm rang với cơm nguội mãn đời. Vì phải nhịn cho tôi ăn, đi học chỉ được phát tiền quà đâu có dư mà đãi bạn, cho nên tụi nó mình hạc xương mai, tướng đi yểu điệu trong tà áo dài trắng, các anh nhìn lại càng mê, bởi vậy người ta mới hay nói "yêu quá yếu" là vậy.
Tuổi học trò, nhận lá thư xanh chị nào chị nấy cảm động và bối rối lắm. Lá thư được ép vào tập vở, cho nên khi thấy đương sự lúc nào cũng chúi đầu vào cuốn sách hay tập vở, là phải biết "cô bé " biết yêu rồi đấy, chứ không phải vì siêng học đâu. Tuy thế, ít đứa nào dám "thơ thới hân hoan" đi "sô lô" với bạn trai ngoài đường, dị chết, chẳng may ông bà già bắt được, bị ăn đòn là cái chắc.
Thư tình minh họa (internet)
Viết thư tình coi vậy đâu phải dễ như mình đọc ké thư cuả người ta, trước khi viết hồi âm, còn phải tìm hiểu xem đối tượng thuộc giới nào, học sinh, sinh viên, lính chiến, hay là. . .thầy giáo cũng không chừng (xin các thầy tha thứ, sống trên đời ai cũng là người, cũng có trái tim bằng thịt) cho nên, trong đám nữ sinh thế nào cũng có người được gọi thầy bằng "anh".
Không phải đám con gái tụi tôi dở nghề viết lách đâu, mà cũng có những anh tuổi học trò mới biết yêu, viết thư rất ngố. Có anh sao y bản chính một lá thư tình trong tiểu thuyết, viết toàn chuyện tưởng tượng, dù còn lâu lắm mới được "người đẹp" chiếu cố cho một lần hò hẹn. Theo lá thư anh gửi, hôm ấy là một buổi chiều vàng, có lá thu rơi, có hai người hò hẹn nơi ghế đá công viên . . . Trước khi trả lời, tôi phải điều tra con bạn một chút:
"Ê, như vậy là hai anh chị có ra công viên rồi phải không?"
Con nhỏ lắc đầu quầy quậy:
"Đâu có . . ."
"Vậy mày quăng lá thư này vô sọt rác nghe, ba má mày mà đọc được là ốm đòn nghe con."
Nhỏ mở to đôi mắt nai ngơ ngác:
"Uả, sao kỳ vậy?"
"Chứ không à, mới tý tuổi đầu, học không lo học lại còn hẹn hò nhau ra ghế đá công viên cho lá rớt đầy người. Đây này, đọc kỹ lá thư này đi, tao nhớ nó ở đâu, thôi rồi, trong tiểu thuyết Thứ Tư đây mà."
Con bạn chưng hửng:
"Ừ há, viết gì kỳ quá, cho anh chàng đi chơi chỗ khác."
Thế là chấm dứt một chuyện tình, không phải hồi âm hồi iếc gì cả. Sau chuyện đó, tôi mất cơ hội ăn món đu đủ bò khô tương ớt cay xé miệng mà mình thích, nhưng là kẻ có "lương tâm" , tôi chỉ trả lời giùm bạn bè những lá thư viết đàng hoàng, viết bằng trái tim cuả người gửi, để sau này dẫu có người phát giác ra tôi là tác giả cuả những lá thư tình học trò, cũng không nỡ trách tôi gian dối.
Tôi có con bạn thân, lấy chồng cùng trường khác lớp, bây giờ đã có một bầy cháu nội, ngọai, nó cũng là thân chủ cuả tôi trong dịch vụ viết thư tình thuở đi học. Người yêu cuả N.V. là anh H., quê Cái Răng, nơi có món nem nướng nổi tiếng, vì nhà anh ở ven sông Cái Răng, cho nên thỉnh thoảng tôi cũng được hân hạnh tháp tùng cô bạn quý vào chơi, lúc về anh đưa hai kiều nữ qua cầu ăn nem nướng, còn xách về nhà bao nhiêu là sa bô chê và nấm rơm, vì nhà anh ủ rơm trồng nấm. Lần đầu tiên tôi được thấy những ụ rơm nhỏ có bao nhiêu cái nấm xinh xinh mọc chi chít bên dưới, tôi thích lắm, vườn nhà anh xoài, ổi không thiếu, tôi tha hồ " xực " đầy bụng.
Sau này, bạn tôi về với anh, anh mới biết những lá thư tình làm anh mất ngủ nhiều đêm, là do kẻ này cũng mất công bỏ học bỏ hành để viết giùm cho cô bạn, anh càng cảm động. Khi tôi nghèo, thỉnh thoảng từ quê ra, hai người vẫn xách cho tôi buồng dừa, bịch gạo.
Chẳng mấy khi mà tình học trò lại nên duyên cầm sắt, chỉ đếm trên đầu ngón tay, bây giờ tôi có thấy vài anh chị yêu nhau thuở học trò mà nên vợ, nên chồng, không biết sao dù nay đầu hai thứ tóc, họ vẫn yêu nhau lắm. Có lẽ trong tim hai người vẫn là hình ảnh cuả họ thời đi học, cho nên vẫn "tương kính như tân", đáng phục thay.
TH cũng là một người đẹp cuả lớp, cho nên nàng nhận nhiều thư xanh lắm, đặc biệt là một người hùng Không Gian đeo đuổi nàng suốt mấy niên học, những lá thư xanh viết từ KBC, có con tàu cuả chàng vút lên từng mây biếc.
Viết những lá thư tình cao cấp đâu phải dễ, nhờ vậy TH chiều tôi lắm, nghiã là sau người yêu cuả nó thì tôi là người được nó nhớ nhiều nhất, vì nó tiết kiệm được bao nhiêu thì giờ nghĩ ngợi để viết thư hồi âm, chỉ việc “copy” gửi cho chàng, được chàng khen hay, đã đẹp lại văn hay chữ tốt thì dĩ nhiên, bao nhiêu yêu dấu cuả con tim, chàng đâu dám san xẻ cho ai.
Sau này hai người cũng nên duyên cầm sắt, tôi cũng được mời đi dự đám cưới, nhìn hai người tay trong tay, mắt ngời ngời hạnh phúc, trong âm thầm lặng lẽ, tôi cũng cảm thấy cái vui cuả người đã góp phần làm nên hạnh phúc cho bạn bè. Đồng thời cũng nhớ lại vài nhỏ bạn khác, không được cái may mắn đó, cho nên có lúc tôi cũng phải nhức đầu khi viết những lá thư giận hờn, trách móc, chả ăn nhập gì đến mình cả.
Đâu phải con trai anh nào cũng chung tình, như MV bạn tôi có anh bồ tên T nhà hàng xóm, hai nhà chỉ cách nhau có giậu mùng tơi, mà cũng bày đặt thư xanh với thư hồng. MV không đẹp, nhưng tính tình thật thà dễ thương, ông già nó là dân nhậu cho nên con nhỏ làm đồ nhậu thiệt khéo, rắn, rùa, lươn gì vào tay nó là hấp dẫn liền. Tuy bạn học không giỏi nhưng theo thiển ý cuả tôi, anh nào lấy được bà xã có khiếu nấu ăn, lại khéo chiều chồng như bạn tôi, là số một. Vậy mà anh chàng T không có mắt nhìn người, đứng núi này trông núi nọ, núi nào cây cũng xanh rì như nhau. Thư từ qua lại ít lâu, lắm tối ngồi viết thư tình giùm bạn, tôi cũng tự nhiên thấy lòng bâng khuâng như mình đang yêu thật mới chết tiệt mà quên ráo cả chuyện học bài. Anh T lên Đại Học cho nên bỏ cô bạn nhỏ hàng xóm, quen một cô sinh viên cùng lớp. MV đau khổ đến mất ăn mất ngủ, bởi vậy nó nài nỉ tôi thảo một lá thư hỏi "người bội bạc" cho ra lẽ. Lá thư kèm theo mấy vần thơ con cóc mà tôi còn nhớ lõm bõm:
"Rồi bỗng dưng một dạo,
Thư hồng anh thôi trao,
Nụ cười thôi đưa đón,
Gặp nhau anh chẳng chào...
Thư không trao, gặp chẳng chào thì đúng là tình đã "chấp cánh bay đi" rồi, có ai ngớ ngẩn như bọn tôi không? Vậy mà tôi cũng è cổ, ngồi chống tay vào trán suy nghĩ, mới đẻ ra một bài thơ để bạn tôi gửi "người bội bạc".
Sau này, bạn tôi cũng có chồng là một anh nhà binh vùng sông nước, sản xuất cho anh hai tý nhau, anh được ăn ngon, vợ cưng, bà xã lo lắng tần tảo rất ngoan. Còn anh T "tham vàng bỏ ngãi", nghe nói sau này anh sa cơ thất thế, mất vợ đẹp, cho nên cái bài học giờ Hán Văn cuả thầy tôi dạy, tôi vẫn nhớ như in:
"Thiện hữu thiện báo,
Ác hữu ác báo,
Nhược bằng bất báo,
Thì thần vị đáo."
Chẳng biết có phải vậy không vì tôi nhớ có mỗi bài này trong giờ Hán Văn, vài năm sau không thấy có môn này nữa, chắc mấy thầy đồ nho “tiêu diêu miền cực lạc” hết rồi. Bạn tôi nhờ nấu nướng khéo, làm chủ một quán phở ở đường Pasteur, vẫn áp dụng câu: "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", thỉnh thoảng hai đứa gặp nhau, cũng có tô phở đãi bạn. Còn hơn những đứa cùng mài đũng quần năm xưa, nay may mắn thành công trong cuộc đời, gặp bạn cũ lạt như nước ốc, thì với tôi đứa bạn nghèo vẫn quý hơn.
Thư tình minh họa (internet)
Dịch vụ "viết thư tình" đang ngon lành, nếu không có cái thư cuả nhà trường gửi về thông báo điểm học tập cuả tôi thì có lẽ tôi đã thành văn sĩ từ lâu. Kết quả khi anh tôi mở tập vở ra kiểm soát thì cha chả, chỉ toàn thư với thư, bản thảo lưu giữ trong khi thư đã phát hành. Cả nhà đều lạ cho tôi, người ngợm chẳng giống ai, sao một lúc mà lại có nhiều người yêu đến thế. Thư thì gửi cho anh nam sinh cùng trường, khi lại anh phi công người hùng cuả thời đại, anh sinh viên năm thứ Ba trường Luật, nào đã hết đâu nếu trong bọn có đứa quen thêm anh chiến sĩ xình lầy, mỗi lá thư tôi lại phải viết một kiểu khác nhau. Tôi bị nghi ngờ là chơi mục "Tìm Bạn Bốn Phương" không lo học hành nên bị rủa một trận tơi bời, chưa kể bị anh tôi “thương cho roi cho vọt” một trận kinh hồn, từ đấy cạch luôn nghề viết mướn.
Thật ra tôi vẫn nhớ nghề viết thư tình mướn của mình, nó cũng có cái vui khi được đọc những lá thư cuả người khác, mà cứ ngỡ là mình cũng đang được yêu. Sau tôi mới phát hiện là lũ bạn hại mình quá, đã không học hành được vì đầu óc cứ lởn vởn chuyện tình yêu cuả người khác, mà còn vì một lý do quan trọng hơn, đó là tôi phát tướng tròn quay như hạt mít.
Để trả công viết lách cho tôi, như nhà báo trả tiền nhuận bút, chúng nó phải nhịn để nhường cho tôi những ổ bánh mì thịt, xôi lạp xưởng, bánh bò, đậu đỏ bánh lọt, công viết mướn những lá thư tình, nhờ thế đứa nào cũng yểu điệu thanh tân, còn tôi đi đứng ục ịch, tròn quay như cái cối xay. Mỗi lần đi học, đứng ngắm nghía trước gương, tôi biết lũ bạn nó hại tôi rồi, tất cả vòng số nào trên người tôi cũng “over” hết. Bây giờ dù rất muốn từ chối những món quà hấp dẫn trước cổng trường, nhưng rồi lại mềm lòng khi chúng nó nhất định ấn vào tay tôi bắt ăn cho bằng được, hoá ra con người từ lúc còn trẻ đã biết hối lộ cho những việc lặt vặt, trách chi sau này ra đời, tôi thấy chỗ nào người ta cũng hay biếu xén.
Suốt một, hai niên học đệ nhị cấp, tôi chỉ toàn viết thư tình cho thiên hạ, và đi "đỡ đạn" cho bạn bè mỗi lần hò hẹn. Nào là phải đi xin phép cho nhỏ bạn đến nhà ăn Sinh Nhật (làm gì mà mỗi năm mẹ tôi đẻ tôi đến mấy lần), để làm cái "đuôi" cho hai đứa nó tâm tình với nhau trong Vườn Thầy Cầu, Đàn Tiên, Vườn Ổi. Tôi đã xực biết bao nhiêu mận, ổi với muối ớt, uống nước dừa đầy bụng mà "hai đứa chúng nó cứ rủ rỉ rù rì toàn chuyện tào lao mãi chưa chịu chia tay, dường như chúng nó cố tình “ấn” cho tôi ăn để được rảnh rang tâm tình mí nhau, những người trẻ tuổi yêu nhau hình như không ai muốn biết thời gian nó ra làm sao.
Tôi vừa buồn vừa đau bụng vì xơi nhiều cuả chua, vừa nghĩ đến phận mình, học hành chẳng giống ai, một mảnh tình vắt vai cũng chẳng có, lúc ngồi một mình cu ky chờ đợi, tôi cũng có ý định bỏ luôn nghề viết thư tình mướn, rồi chăm chỉ học hành và bỏ dần "tâm hồn ăn uống", may ra rồi cũng tìm được người trong mộng.
Nhỏ H có ngưòi yêu là anh Sĩ Quan Bộ Binh, đơn vị trú đóng bên kia bờ sông Hậu, thỉnh thoảng tôi lại phải làm tài xế chở nó qua Bến Bắc Cần Thơ sang Bình Minh (Cái Vồn) thăm người yêu chiến sĩ. Thực ra vì tôi ăn nhiều, đớp kỹ cho nên có sức khoẻ để chở nhỏ H vượt gió sông Hậu Giang sang thăm người yêu, chứ tôi cũng chả ham gì cái cảnh ngồi chờ người ta tâm tình chuyện thương nhớ nhau. Bởi vì tôi rất tương tư món bánh xèo ở chợ Cái Vồn, nhưng mẹ tôi ở nhà lại dặn dò rất kỹ lưỡng: "Con gái không được lê la ăn quà ngoài chợ". Ăn bánh xèo mà không ngồi bệt xuống cái ghế đẩu thấp, thoải mái bốc bằng tay, cuốn miếng bánh vàng óng, nóng ròn vào lá cải bẹ xanh, ăn với nước mắm chua ngọt có đồ chua kèm theo thì mất thú đi nhiều lắm.
Sau buổi hẹn hò, nhỏ H đãi tôi một bữa bánh xèo ở chợ Bình Minh, có lẽ chưa bao giờ tôi thấy cuộc đời đẹp cỡ đó. Tôi ăn ngồm ngoàm, tôi đớp thoải mái, tôi không còn ngán bất cứ ai trên cõi đời này, cũng chả nghĩ gì tới anh SQ xình lầy mà người yêu cuả H, cũng như nó vừa gán ghép cho tôi. Ăn là trên hết, là chân lý cuả cuộc đời(chỉ riêng tôi thôi nhé!). Cho nên sau này sống dưới chế độ xã nghĩa, con người được quản lý bằng bao tử, tôi mới thấy sự suy nghĩ cuả tôi thời đi học quả là ưu việt.
May là tôi đã kịp nhận ra rằng, con người không phải "sống để ăn" và để "yêu giùm người khác", cho nên không có chi là muộn hết. Tôi bắt đầu tu tỉnh, chăm chỉ học hành, và trời ạ, cũng có một người cảm được tấm thân "bồ tượng" cuả tôi. Khi biết yêu thật tôi cũng từ từ ốm bớt, người thon thả mảnh mai hơn, dù rằng thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ cái thời vàng son trong sự nghiệp văn chương cuả mình. Lúc đó tôi đã phát hiện ra chân lý cuả tình yêu, dẫu có làm ông to bà nhớn gì, sống không có tình yêu thì cũng như chết mà biết thở.
Người đời vốn hay xấu che tốt khoe, cho là mình cái gì cũng ngon lành hết, hôm nay ngồi viết lại chuyện thời đi học, tôi có sao viết vậy. Mấy nhỏ nhờ tôi viết thư tình giùm năm xưa nay có đứa đã ra người thiên cổ, làm bà nội bà ngoại cũng đông, dăm đứa phiêu bạt xứ người, còn một số sống vất vả nơi quê nhà. LTS ngồi bán bánh mì kiếm cơm thật vất vả, MV vẫn bán phở và vì xực nhiều phở quá, giờ này béo quay hơn tôi ngày xưa. Bạn bè chung lớp có đứa bác sĩ, giáo sư, có đứa giàu, có đứa nghèo, có đưá goá bụa vì "ông xã" vội bỏ cuộc chơi leo lên bàn thờ ngồi, giờ này không biết chúng nó có đứa nào còn nhớ đến tôi không nhỉ?
Bao nhiêu tháng năm dài biền biệt trôi đi, đôi khi tôi vẫn hồi tưởng lại những bạn bè học chung lớp năm ấy. Đời quả là một sân khấu lớn và định mệnh cuả từng số phận con người thì hệt như số đo cuả giày dép. Mỗi bạn là một cảnh ngộ đầy vui, buồn đến cười ra nước mắt. Khó hình dung được bao nhiêu cô nữ sinh ngồi cùng lớp năm xưa, lại là bấy nhiêu cảnh đời không ai giống ai, nhưng sự may mắn thì thật hiếm hoi đến ngậm ngùi. Thôi thì ít ra trong quãng đời học sinh hoa mộng, đứa nào cũng có một mảnh tình thơ mộng để nhớ, một trái tim biết yêu đương, biết mộng mơ. Tình yêu thuở học trò đâu có gì tội lỗi, chỉ tội nghiệp cho những đứa bạn năm xưa, giờ này vẫn còn phòng không chiếc bóng.
Nguyên Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét