Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Bóng Dáng Trái Tim

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài BÓNG DÁNG TRÁI TIM, tác giả Trần Hoàng Phước Hậu. Bài viết rất xúc tích, tác giả diễn tả cơ duyên gia nhập và sinh hoạt trong Liên Đoàn Ra Khơi thuộc Hướng Đạo Việt Nam trên đảo Palawan, Phi Luật Tân và tại San Jose. Xin cám ơn đồng môn Trần Hoàng Thân rất nhiều.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN



Trên đời, tuy gọi là ngày nhưng có những ngày dài ngắn khác nhau, theo mùa hay theo tâm lý; mùa hè, ngày sao dài quá! Mùa đông, ngày sao lại ngắn ghê! Và ngày lưu vong, xa xứ mẹ sao dài hàng thập kỷ? Thời gian không hạn định trong suy nghĩ và trong tim mỗi người. Và bóng dáng của những trái tim ẩn hiện tình người, tình yêu quê hương, nhiều khi không hiện rõ như hình bóng con người đứng giữa trời lưu lạc.

Tôi bước chân đến một hòn đảo của miền tây xứ Phi Luật Tân vào giữa mùa hè năm 1980 sau hơn một tuần lễ lênh đênh trên biển cả, trong chiếc thuyền buồm với nhiều kỷ niệm, đáng nhớ nhất trong đời. Tấp vào Maglalam Bay (nơi mà Magellan bị thổ dân Phi hạ sát trong chuyến vòng quanh trái đất) ở một ngày, tới thị trấn Coron, ở tám ngày, qua trại lính Tara thêm bốn ngày nữa, và cuối cùng, chúng tôi được chuyển đến Palawan Refugee Camp, nơi có hơn hai ngàn thuyền nhân Việt Nam tạm trú chờ ngày định cư ở một đệ tam quốc gia. Hai mươi mốt tháng ở Phi Luật Tân, trước ngày đến Mỹ, là thời gian đáng nhớ vô cùng trong tôi; vì bởi, ở đó thấp thoáng bóng dáng của những trái tim đầy ắp ước mơ và lý tưởng, đã cho tôi những ngày tháng tuyệt vời.

Một bữa cơm chào đón “tân thuyền nhân” được chuẩn bị chu đáo, những tiếng đồng ca phụ họa bên những cái bếp thiên nhiên, tôi thấy nhiều anh chị vừa làm việc, vừa ca hát, rất yêu đời, rất thân thiện, đó là những người Hướng Ðạo Việt Nam (HÐVN) đầu tiên tôi được gặp trên xứ lạ. Bữa cơm đặc biệt với cơm trắng và thịt kho trứng, đúng là quá thịnh soạn cho tôi sau tám ngày lênh đênh trên biển. Tôi ngồi trên một hòn đá vừa thưởng thức mùi thơm của gạo được nấu chín, vị béo - bùi của thịt heo và trứng gà kho, và... còn được nghe “nhạc sống” từ các anh chị em HĐ. Bóng dáng những trái tim đầy lòng hào hiệp của những ngày đầu lưu vong đã hiện đến bên tôi.

Những ngày đầu đến trại, thường thức trắng đêm, suy nghĩ, miên man trong nỗi nhớ nhà, mơ ngày trở lại trong vinh quang, ngày mai sẽ ra sao...? Những buổi sáng sớm, vừa chợp mắt sau một cơn thức dài, có tiếng còi, có một lũ trẻ được một anh lớn gọi dậy đi tập thể dục, những khuôn mặt hồn nhiên trong bình minh, tiếng cười giòn khi có ai đó làm sai động tác... trong những tiếng nói cười ấy, tôi hình dung được trong thân thể các em nhỏ có một nhịp đập của những trái tim đầy ắp mộng mơ của tuổi ấu thơ, chỉ có một điều tôi chưa biết là những mộng mơ ấy sẽ được mang đến xứ nào, vì ngày mai, chắc gì các em sẽ về chung một nơi trên đất khách? Nhưng dầu gì đi nữa, những bóng dáng trái tim của những người bạn nhỏ có cùng một niềm tin, niềm vui hướng đạo, đã đưa vào hồn tôi một sự tỉnh táo của trời đất ban mai. Các người bạn nhỏ là những Thiếu Sinh trong đoàn Hướng Ðạo ở trại.             

Tham gia vào HÐ? Một câu hỏi đã có sẵn câu trả lời, nhưng vì là dân mới đến trại, tôi còn vài việc để lo cho xong, tôi cho em tôi vào HÐ trước. Em tôi vào ngay ngành Tráng vì vừa đúng tuổi “trăng tròn lẻ”. Tôi thường học bài ké với em tôi để tìm hiểu nguyên lý HÐ qua cuốn sổ sinh hoạt của cậu ấy, ghi chép lại những lời dạy của Trưởng. Vài tháng sau, tôi đã tạm xong các thứ cần thiết cho việc chuẩn bị xin định cư ở nước thứ ba, thế là tôi cũng vào HÐ. Toán Tráng Sơn Trúc, Liên Đoàn Ra Khơi, với những người tuổi trên dưới hai mươi, không nhỏ và cũng chưa già. Ngày đầu mới đến, tôi được các anh chị trong toán tiếp đón niềm nở, bằng cả những chân tình của ngành đàn anh, đàn chị trong phong trào. Nơi đây, những trái tim đầy nhiệt huyết trong những con người năng động, sự quyết tâm nối tiếp sinh hoạt và phát triển phong trào trên đất khách, và nhất là lòng hướng về quê hương dân tộc trên lời hứa làm bổn phận với tổ quốc thân yêu. Luật, lời hứa hướng đạo, lý tưởng, những câu chuyện bên lửa thanh đàm..., và trong tiếng ca vang vọng của ngày giỗ Tổ nơi xứ xa : “ ...Dòng Rồng Tiên hát hôm nay bài Hùng Vương đến muôn nơi tận xứ người, để Việt Nam thắm tươi lời, tình Việt Nam đến muôn nơi, toàn thế giới...” (Lời nhạc trong bài Nhớ Tổ Hùng Vương của Trần Hoàng Phước Hậu) cùng với hàng chữ treo trên cao: “Hương khói tỏa ngùi trông Quốc Tổ - Gió sương mờ chạnh nhớ Tiền Nhân”(Nguyễn Ðức Lập), tôi đã nhìn thấy rất rõ những bóng dáng trái tim trong những con người trước khi làm Người Hướng Ðạo đã là Người Việt Nam.

... Rời nhau chớ lâu nhé

Người đến rồi đi, vui mừng khi gặp mặt, ngậm ngùi lúc chia xa, việc như thế cứ xảy ra hàng ngày tại trại tị nạn. Anh chị em HÐ cũng không khác gì hơn. Rồi ngày chia tay của tôi với trại Palawan cũng đến. Chúng tôi chia tay nhau, một số đông HÐS lên trại chuyển tiếp Bataan. Trong thời gian gần bảy tháng ở trại này, anh chị em cũng lập một liên đoàn chơi với nhau vui lắm, có thêm một số đến từ Thái Lan, Hương Cảng, Mã Lai. Rồi một lần nữa, cuộc vui nào rồi cũng có lúc phải chia tay. “ Rời tay phút chia ly...”, lần này, thì đúng là không biết đến bao giờ mới gặp lại. Thế giới bao la, mỗi người về một hướng, thôi cứ như hẹn trong mơ... Chia tay với nhiều trưởng, bạn bè cùng lứa, với các em nhỏ hơn..., Sóc Suy Tư, Sóc Vui Vẻ, Gà Cồ Siêng Năng, Gấu Hoạt Bát, Gấu Hào Hiệp, Sóc Láu, anh Trương Vinh, anh Nguyễn Anh Dũng, anh Trần Mạnh Dũng, Mai Xuân Cường, Nguyễn Công Minh, Nguyễn Văn Quý, Kiều Hoa Hồng, Vũ Ngọc Tâm, Phạm Minh Trang,... và nhiều nữa, tôi đã mang theo bóng dáng những trái tim với nhiều kỷ niệm của mình và những hoài bão của anh chị em.

Những ngày đầu trên đất Mỹ (1982), rất xa lạ, dù tôi đã được về một nơi tương đối có đông người Việt, thành phố San Jose, tiểu bang California. Vừa đi tìm trường học vừa đi tìm đơn vị HÐVN, ở đây tôi gặp được các anh Nguyễn Mạnh Kim, Lữ Hùng và một số bạn cũ; và như thế, con đường HÐ cứ tiếp tục thong dong! Vài năm sau, tôi cùng các bạn (Ngô Ðình Chuyên, Huỳnh Ðức Thịnh, Phạm Kim Trinh, Trần Hoàng Thụy, Phạm Duy Thái, Nguyễn Văn Bay, Nguyễn Văn Xuân), ở Ra Khơi Palawan hồi xưa lập ra liên đoàn Ra Khơi San Jose (1985), vẫn còn cho đến bây giờ. Khi chập chững lập đoàn trên đất mới, chúng tôi đã được các anh chị đi trước (LÐ Diên Hồng) tận tình giúp đỡ, Võ sư Phạm Huy Khuê kêu gọi võ sinh của mình tích cực tham gia HÐ. Từ đó tôi lại thấy bóng dáng những trái tim của mầm non HÐVN hải ngoại.

Kể từ khi xa đất mẹ, chợt nhớ lại:
           
Phố mới vàng giăng nỗi nhớ nhà
Tiếc thương ngày ấy thuở xưa xa
Trước giậu đàn em đùa gió mới
Bên thềm dáng mẹ ngóng sao sa
Gió mới đầu thôn: đời em dại
Sao băng cuối xóm: mắt mẹ già
Nào có ngờ đâu đời đổi cuộc
Người xưa, cảnh cũ khóc đêm mờ.
(Chiều Trên Phố Mới – 1982 - THPH)

Rồi ngậm ngùi cho thân phận lưu vong!“bạn bè vài mươi sắc dân, nước riêng nhưng thân phận chung...” (lời nhạc trong bài Bước Chân Việt Nam của Trầm Tử Thiêng).

Mọi việc vẫn cứ “qua đi, qua đi”, trôi theo dòng đời, có lúc êm đềm, có khi gợn sóng, cuộc đời HÐ trong tôi vẫn cứ miệt mài theo năm tháng. Trong một chiều dài của thời gian một phần ba thế kỷ: tôi đã thấy, tôi đã gặp và tôi đã tìm đến với phong trào HÐ, ở đó đã có những trái tim của những con người sống thực với lòng mình bằng một lý tưởng cao đẹp, đã hấp dẫn và chinh phục tâm hồn tôi trọn vẹn. Ðẹp hơn nữa, chính là bóng đáng những trái tim đã mang theo tinh thần tuyệt vời của phong trào HÐVN để tiếp tục trên xứ người kể từ khi xa quê hương, hội HÐ nơi quê nhà bị ngưng hoạt động.

Bây giờ, đến tuổi tri thiên mạng, đã qua thời nhi lập và lứa nhi bất hoặc, tôi tin chắc rằng: Bóng dáng những trái tim tuyệt vời kia không làm mờ nhạt trái tim tôi, không che khuất sự trưởng thành trong tôi, mà chính họ, những người anh chị em HĐ, đã mở rộng đường dìu dắt tim tôi vào cùng hòa chung nhịp đập.

Đã 85 năm trôi qua, bao biến động thăng trầm, bước chân Hướng Đạo Việt Nam vẫn tiến vững vàng! Nhiều năm sau nữa, sẽ còn mãi, và sẽ thêm vào nhiều bóng dáng của những trái tim “...cùng đi, cùng xây đời mới..., đại nghĩa luôn tôn thờ...“.

Trần Hoàng Phước Hậu - San Jose - 2015  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét