Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Mẹ Mãi Bên Đời Con

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Đoạn hồi ký MẸ MÃI BÊN ĐỜI CON, tác giả Nhã Giang Thu Tâm. Với lời văn nhẹ nhàng, bình dị chị kể lại những thăng trầm trong cuộc sống của gia đình từ ngày đến định cư tại Hoa kỳ như những lời tâm sự với bạn hữu. 
Xin cám ơn thân hữu Nhã Giang Thu Tâm rất nhiều đã chia sẻ đoạn hồi ký này.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN




INDIANAPOLIS tuyết giá

Tôi đặt chân lên xứ Mỹ gần một phần tư thế kỷ, đúng ra là gần hai mươi bốn năm rồi. Ngần ấy thời gian đủ để thấm thía mùi vị cay đắng ngọt bùi của một cuộc đời đúng nghĩa. Suốt một thời gian dài, sau những biến cố hay tai nạn xảy ra mà không biết tâm sự, chia sẻ cùng ai làm cho tinh thần tôi trở thành trầm cảm nặng nề. Bao nhiêu điều lo lắng buồn phiền tôi đều không để lộ ra sợ ảnh hưởng đến các con. Bổn phận và trách nhiệm nặng nề còn mang nên ngã rồi tôi lại tự gắng gượng đứng lên bằng đôi chân run rẩy, trí não đầy vết tích hoảng loạn bơ phờ. 

Tôi cố gượng gạo tạo nét: “trong héo ngoài tươi” để tự đánh lừa mình… Câu “bề ngoài cười nụ, bề trong khóc thầm” của cụ Nguyễn Du quả rất đúng ở trường hợp của tôi lúc này. Từ thế giới của người trầm cảm, lặng thầm ôm lấy tất cả diễn biến của tâm tư, tôi trở nên càng ít nói biếng cười để làm tròn trách nhiệm vừa làm cha vừa làm mẹ. Mười sáu tiếng nơi hãng xưởng mỗi ngày cộng thêm thời gian đi về hùa nhau lấy hết tâm trí, tôi hầu như quên mất bản thân mình từ lúc nào, mọi giấc mơ và ước vọng bị chôn vùi khỏa lấp!

Từ ngày người chồng thân yêu của tôi nằm xuống sau 3 năm trời ra vào Bệnh Viện liên tục, gia sản anh để lại cho tôi là 3 đứa con còn độ tuổi học trò và nỗi hoang mang nặng chĩu tâm tư. Sự vất vả của thể xác tích tụ lại từ gần hai mươi năm sống thiếu thốn khi đất nước đổi thay, Thời gian ngược xuôi nuôi chồng tù tội cùng con thơ dại, với bao nhiêu ngày tháng chịu đựng sự cay nghiệt của thời tiết băng giá.. Tất cả cùng cực đã quật ngã tấm thân nhỏ bé yếu đuối của tôi. 

Lo cho người nằm xuống xong, tôi trở về mang bệnh mất ngủ trầm trọng, đầu óc lan man và cơ thể héo rũ nên có tới 6 tháng dài nằm gậm nhấm nỗi đau. Bác Sĩ nói tôi bị suy nhược hoàn toàn từ thể xác đến tinh thần ...! Ngày xưa chúng tôi đã là Quốc Gia Nghĩa Tử, bây giờ đâu còn ngôi trường nào dành riêng cho các con của tôi! Cứ thế đôi mắt tôi trơ tráo giữa màn đêm để khóc và khóc… khóc vì lo lắng, sợ hãi cuộc đời trước mặt và khóc vì không thể chia sẻ với ai. 

Tôi nương tựa vào thuốc ngủ mỗi đêm để giỗ giấc, dẫu biết rằng có hại về sau. Tình thương con đến quặn thắt tim gan, làm xót xa lòng dạ người mẹ. Cầm số tiền lương do đứa con trai lớn mới hơn hai mươi tuổi phải bỏ học đi làm thay mẹ giúp gia đình, tôi nghẹn ngào mà miệng cười méo mó, nước mắt lại đọng quanh mi chỉ chực rơi ra bất cứ lúc nào… 

Anh ấy đi rồi, mùa Đông bên xứ tuyết càng thêm băng giá đến đông cứng hết từ tâm hồn đến thể xác tôi. Niềm xúc cảm nhớ nhung trên từng đoạn đường đi qua, từng gốc cây cà chua sai trái đến luống rau thơm do tay anh vun xới, chiếc giừơng ngủ… đâu đó hình như còn nguyên bóng dáng anh quanh quẩn. Những câu chuyện trao đổi cùng những lời nói quen thuộc của anh cứ văng vẳng như một đánh thức đau buồn. 

Tôi tự thu mình vào một góc nhìn những người bạn cũ họp mặt ăn uống, cười đùa vui vẻ, để khi về nhà càng thấy tủi thân hơn, càng nhớ anh hơn… dần dần tôi né tránh tất cả. Không biết từ bao giờ, những ý Thơ len lén tìm đến và hình thành giữa nhiều giấc ngủ không trọn, xen kẽ vào tâm trí mọi lúc mọi nơi. Mối kết giao tinh thần ấy cùng tình thương con đã cho tôi sức sống, vực tôi dậy để vượt qua được hết gian nan.

Sau mấy tháng nằm nhà, tôi phải trở lại việc làm nhưng chỉ là partime. Một nửa bên đầu tôi còn đau như có ai kéo căng sợi dây thần kinh và giật liên hồi, hễ mở mắt là nước mắt tràn ra nhòe nhoẹt ướt như đang khóc… Lúc đó tuy có mua bảo hiểm sức khỏe của hãng nhưng tôi nào có dám đi khám, vì lo sợ tin báo cho biết có vấn đề gì. Chỉ nghĩ đến cảnh mình nằm xuống bỏ lại các con bơ vơ khi còn trẻ dại tôi như muốn đứt từng đoạn ruột! Tôi đã trả con về với sách vở, hai đứa con lớn ở hai trường khác nhau, bốn mẹ con chia ba nơi xa cách cùng nhau ngơ ngác giữa xứ người. Nghĩ đến tương lai mấy đứa con không biết ra sao mà bản thân thì mù mờ về mọi thứ ngoài xã hội làm tôi thêm khủng hoảng… 

Tất cả sinh hoạt đều phải sử dụng xe trên những con đường lúc nào cũng như mớ giây chằng chịt, mịt mù rối bung cả đầu óc. Tôi quên đầu quên đuôi, lạc tứ tung nhất là khi tâm trí trống không, tôi thường nhấn gas chạy suốt mấy tiếng đồng hồ trên Free way không nhớ cả giờ giấc lẫn phương hướng. Do mất ngủ nhiều và lo lắng quá độ đẩy tôi rơi vào trạng thái vô thức như người chỉ còn cái xác, làm việc gì cũng hư hỏng và sai sót triền miên. Cũng may là ở hãng tất cả những Manager của tôi không những thông cảm bỏ qua hết mà còn an ủi ngược lại tôi nữa! 

Tôi xin đổi việc liên tục từ department này qua chỗ khác, nhưng cả việc dễ dàng nhất cũng vẫn cứ làm sai! Sự tử tế của mọi nguời chung quanh càng tạo cho tôi áy náy, lo âu hơn vì tôi hiểu chuyện gì cũng chỉ có giới hạn. Tôi tìm cách dùng giấy bút để trang trải tâm tư, để luyện sự tập trung ý tưởng và cố nhắc nhở chính mình nên bằng lòng chấp nhận và làm quen với hiện tại. Tuy thế tôi vẫn không làm thế nào trấn áp được nỗi sợ xe cộ. 

Trước giờ đi hoặc làm về tôi đều tự mình gây hoảng loạn, tim đập mạnh liên hồi đến mệt nhoài! Không biết có ai như tôi, thường lơ đễnh vượt qua đèn đỏ để ngừng đột ngột lúc đèn xanh bật lên, bảng Stop dọc đường thì chạy vụt qua rồi mới thấy, ticket thì không mà bị xe tông thì triền miên… Đứa con trai út mới bước chân vào Midle School cùng tôi nương tựa nhau sống đời âm thầm và buồn tẻ cho đến ngày tôi quyết định rời khỏi thành phố chứa quá nhiều kỷ niệm, hơn 3 năm trời lưu lại đó chỉ có sự đau buồn đeo bám không thôi. Tôi biết rằng chuyến di chuyển tới sẽ vô cùng gian nan nhưng tôi cần quên hết cảnh cũ người xưa để tâm trí lo cho cuộc sống.

ATLANTA Thành phố mưa giông

Lần mò từng bước chậm chạp theo năm tháng trên con đường đối với người đời tưởng chừng đơn giản lắm, nhưng riêng tôi, một góa phụ ngờ nghệch nhút nhát không hề có một người bà con hay anh em thân thích nơi xứ ngòai thì luôn là những đồi cao núi thấp gập ghềnh sỏi đá chông chênh. Chúng tôi dời đến Tiểu Bang mưa bão nhiều hơn nắng vào giữa mùa hè năm 1998. Miền đất vừa khai mạc Olympic thế giới có Freeway và Highway rộng lớn thênh thang thường làm tôi xanh mặt mỗi khi phải ra đường. Ngồi bên tay lái mà tim cứ thót lại lúc có xe lớn hay xe tải đi ngang qua. Cảm giác bị hút vào mấy cái bánh xe to đùng kia làm tim tôi bị tức nghẹn. 

Mang tâm trạng ấy đi trên những con đường lạ lại đưa tôi vào tai nạn xe liên tục dù cố gắng chạy cẩn thận. Đuôi xe của tôi như có nam châm hay sao mà người ta cứ điềm nhiên húc tới đến dúm dó cả ruột gan tôi. Tiếng gọi “Mẹ ơi!” luôn được thốt ra giữa các cơn nguy hiểm, không hiểu do lời cầu nguyện hay nhờ sự may mắn nào đó mà bản thân tôi luôn được nguyên vẹn, dẫu hình dạng chiếc xe khiến ai cũng phải giật mình khiếp sợ khi nhìn thấy.

Từ nỗi sợ hãi qúa lớn tưởng chừng chai lì hết cảm xúc, tôi không còn cảm nhận được điều gì. Đôi khi nghĩ lại, tôi không hiểu sao mẹ con tôi còn bình an cho tới ngày nay và ngạc nhiên sao đó lại là chính mình, con bé nhát như thỏ của ngày xưa e ngại cả việc tập xe đạp! Những chuyện xảy ra cho tôi nếu kể ra giống như chuyện phim ảnh và mọi người sẽ nghĩ rằng tôi chỉ tưởng tượng ra thôi, quả thật rất ly kỳ huyền bí đến khó tin! 

Hôm ấy khoảng 8 giờ sáng, tôi trở về từ trường của đứa con út trên chiếc xe mà chồng tôi mua tặng trước khi anh qua đời, xe chỉ mới hơn mười ngàn miles. Tháng 10 mưa rơi dai dẳng nho nhỏ, dòng xe cộ nối đuôi chạy như đua chung quanh làm tôi run theo độ rung bần bật của chiếc xe nhỏ bé mỏng manh. Tôi chỉ giữ tốc độ chậm 50 miles chạy ở lane số 3 từ lề đếm ra ngoài trên freeway. Bất ngờ một chiếc xe đang chạy ở phía sau lane bên phải vượt qua mặt tôi, rồi thình lình cắt ngang sát ngay đầu xe tôi làm tôi giật mình. 

Theo phản ứng tự nhiên tôi đưa chân đạp thắng gấp, mà chưa biết rằng làm thế sẽ nguy hiểm, xe tôi lập tức quay nằm ngang chạy xuyên qua mấy lane bên trái, khi gần đụng tới Freeway Divider Wall thì trở vòng ngược lại, rồi cứ thế lùi lũi băng qua hẳn hết các lane để xuyên thẳng tới bờ tường ngăn hai bên freeway. Tôi run rẩy thả tay lái mắt nhắm miệng thì lâm râm khấn nguyện, nghĩ chắc phen này mình sẽ không qua khỏi cái chết, tôi bật lên tiếng gọi trong vô thức: ”Mẹ ơi cứu con”, rồi lại thầm nghĩ đến 3 đứa con… “Các con ơi, mẹ xin lỗi phải vĩnh biệt các con rồi, tội cho các con thêm một lần mồ côi..”

Chiếc xe quay tiếp 2 vòng nữa, cũng cứ gần đụng tới bờ tường chắn thì quay ngược lại, rồi tự nhiên bị chết máy nằm giữa đường ngay đúng lane thứ 3 cùng hướng hồi nãy tôi đang đi, tổng cộng 3 vòng tròn trịa như làm xiếc. Tôi không hề hấn gì chỉ có tim bị bóp nghẹt, hồn vía đã bay đi đâu hết nên đành liều Park tại chỗ rồi nhắm mắt lại định thần, cố gắng thở từng hơi dài cho bình tĩnh. Mấy phút sau bớt bàng hoàng, tôi mới thấy tự bao giờ hàng đoàn xe đang lưu thông vùn vụt qua mặt. Nhìn lại phía sau, một chiếc xe nhỏ màu đỏ đậu ngay sát như đang đợi chờ gì đó? Tôi mở khóa start, máy xe nổ liền như chưa hề có chuyện gì xảy ra!?

Suốt một tuần lễ liền tôi thức trắng đêm vì bị ám ảnh khi nghĩ đến chuyện kinh hoàng này, và cũng từ đó bệnh mất ngủ càng thêm nặng cho đến thuốc an thần cũng hầu như không còn hiệu nghiệm nữa! Những ngày sau tôi cứ suy nghĩ và suy nghĩ, vẫn không tìm ra câu trả lời, đúng là chuyện hy hữu không tưởng. Đáng ra khi xe tôi quay ngược chiều mấy vòng giữa giòng xe đang di chuyển với tốc độ trên 70 miles/giờ, chắc chắn không bên phải thì cũng bên trái chỗ tôi ngồi thế nào cũng bị tông trúng, nhưng thật lạ… Có phải Mẹ tôi kịp thời chở che những lúc đứa con gặp nguy hiểm? Mẹ tôi mất qua mười năm rồi, nhưng hình như nơi thế giới khác mẹ luôn theo sát che chở cho con?

Mọi việc trôi qua gần một năm, sau những cơn mưa bão triền miên bị mất điện cả tuần lễ nên gây ra nhiều tai nạn xe, tôi đã lấy lại tinh thần thì một chuyện nữa xảy đến. Một hôm kẻ trộm chờ lúc tôi đi làm và con trai đi học vắng đã đến dọn hết đồ đạc nghèo nàn của mẹ con tôi. Đứa con út gọi điện thoại hỏi câu ngờ nghệch khi tôi đang làm việc:

- “Mẹ ơi, sáng nay đi làm mẹ có khóa cửa không? Sao ai vào lục tung hết giường tủ đồ đạc, mất hết Computer, TV của nhà mình rồi!”…

Tôi vội gọi phone báo cho Cảnh Sát rồi đóng cửa văn phòng trở về mà lòng hoang mang, lo lắng. Vừa bước chân đến cửa nhà là lòng tôi cũng rối bời theo cảnh lộn xộn tả tơi đang bày ra trước mắt. Trong khi Cảnh Sát đang làm nhiệm vụ kiểm tra lấy dấu tay giữa mọi vật ngổn ngang vì bọn trộm xé, bới tung tóe, tôi ra thắp cây nhang và đứng bần thần trước bàn thờ cha mẹ và chồng. Nhìn ánh mắt anh lung linh qua làn khói nhang mờ ảo, tôi lại chợt rơi nước mắt nghẹn ngào! Anh từ biệt mẹ con tôi mới đây mà qua gần hai năm, chỉ vài trăm ngày thôi mà không ngớt những chuyện phiền muộn liên tục xảy đến. 

Tôi không bao giờ ngờ ra cảnh thế này. Của cải mất đi sẽ kiếm lại, nhưng thiếu sự an toàn thì sao đây! Những đêm dài trằn trọc sau đó giúp tôi bình tĩnh đi đến quyết định rời bỏ chốn này, mặc dù sau đó chỉ sau có 2 tuần tôi đã nhận lại được tất cả số đồ đạc do còn giữ receipt (theo thói quen của chồng tôi). Cảnh Sát nói tiếng chúc mừng, còn cho biết Tiểu Bang Atlanta nổi danh trộm, đây là trường hợp may mắn đầu tiên mà tôi cũng là nguời duy nhất! Tuy thế lòng tôi đã quyết định phải dọn đi, trú ngụ nơi đây mới có một năm tròn mà thành phố đã cho tôi quá nhiều cảm giác hãi hùng chán nản.

Thành phố hoa vàng

San Jose là Tiểu Bang thứ ba nơi tôi đến vào mùa hè năm ấy, nơi đây chỉ có một vài gia đình người bạn học của tôi vừa nối lại được liên lạc. Vùng đất ấm áp đầy hoa dại xinh xinh phủ một màu vàng tươi mát mắt đã cho tôi cảm giác thân thiện từ lúc mới bước chân xuống phi trường. Theo chân bạn về căn Town House 2 phòng mà chị mướn giúp, nhìn khu nhà sạch sẽ, khang trang và yên tĩnh, tôi ước mong dừng chân lâu dài tại đây. Tôi lên một list những việc cần làm sau khi nhận được đồ đạc và xe cộ do Moving Company đưa đến, sắp đặt mọi thứ xong xuôi tôi thử lái xe đi vòng quanh mấy con đường ở gần đó. May mắn và tiện lợi là chợ Á Đông chỉ cách 1 exit, trường High School cũng không xa có thể trừ hao khi đi làm về trễ không cần đón con. 

Vòng tay che chở bao bọc quá kỹ càng của chồng đã tạo cho tôi tính dựa dẫm, bây giờ tôi mới thấy mình dở tệ khi phải tự túc tất cả, nhất là ở nơi lạ lẫm mà tài lái xe của tôi thì quá yếu. Chuyện gì cũng mù mờ ngu ngơ, nhưng có lẽ ơn trên phù hộ nên mọi việc luôn thông suốt. Tôi tự mình đi apply việc làm không khó khăn mấy vì nhờ tích tụ kinh nghiệm qua thời gian dài bươn chải. Chỉ sau hai tháng cuộc sống mẹ con tôi đã đâu vào đấy, con trai tôi đã đến trường và tôi có việc làm gần nhà, cũng không biết từ lúc nào do khí hậu ấm áp hay tinh thần ổn định giúp cho tôi thoát khỏi cơn đau đầu khổ sở mà tôi đã phải chịu đựng suốt mấy năm dài, ngay cả không cần một viên thuốc chữa trị.

Giòng đời đầy khó khăn không ngờ lại luyện cho tôi sức chịu đựng vững chãi, bản năng sinh tồn mạnh mẽ trong tôi được trổi dậy qua những sóng gió, nổi trôi. Thời gian lướt qua, mấy đứa con lớn lần lượt tốt nghiệp ra đi làm, rồi có gia đình. Tuy cách xa nhưng mỗi năm vào dịp giỗ hay Tết, nhìn các con thương yêu đùm bọc nhau, dâu ngoan hiền và mấy đứa cháu nội xinh xắn thông minh lớn dần, tôi thấy ngập tràn nỗi vui, lòng thanh thản nhẹ nhàng. 

Chuyện xưa cũng theo thời gian phai mờ dần, sức khỏe nhờ đó mà tăng lên. Nơi đây tôi thực sự tìm thấy bình an cho mình. Khi 3 đứa con ra trường hết và có việc làm ổn định, tôi tự noi theo lời của Nguyễn Công Trứ :” Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc…” để buông tay bỏ hết mọi chương trình học và việc làm, tôi đi tìm “Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn” vào công việc mà người ta thường gọi là “ăn cơm nhà vác ngà voi” chứ không chịu hưởng nhàn theo nghĩa đen.

Đối với tôi, việc chọn lựa này không những nhàn mà còn chứa đầy cảm xúc giúp cho tâm hồn tôi an nhiên vui sướng đồng thời hướng thiện hơn.

Xin cảm ơn ơn trên gìn giữ mạng sống cho cả gia đình tôi, giúp nghị lực cho riêng tôi. Cảm ơn người Mẹ thân yêu đã nêu lên tấm gương sáng về đức hy sinh, đã rèn luyện cho con từ thời thơ ấu những căn bản để tự dùng đôi bàn tay làm nên mọi việc giúp cho cuộc sống phong phú hơn, xin cảm ơn người Cha nhân từ tài hoa đã cho con những kiến thức và đạo đức để không bị vùi sâu trong xã hội. Xin cảm ơn người phối ngẫu đã dạy dỗ giúp để tôi có những đứa con ngoan và hiếu thảo. Cảm ơn quê hương thứ hai đã bao dung, nuôi dưỡng các con tôi thành người hữu dụng. Xin cảm ơn bạn bè xung quanh đã cho tôi niềm an ủi để quên hết sự phiền nhiễu tâm tư. Xin cảm riêng các con và các nàng dâu hiền hòa, nhờ các con mà đời sống của mẹ suốt nhiều năm thêm ý nghĩa. 

Cuộc đời trước mặt còn nhiều thử thách, mẹ mong các con hãy sống đời đáng sống và giữ tâm trong sáng thiện lành.

Nhã Giang Thu Tâm - Tháng Năm 2017

1 nhận xét:

  1. Xin cảm ơn NHHN đã giúp chia sẻ đoạn tâm tình của TT đến với Thầy cô và các anh chị bạn. Đọc và tự nhìn ngược lại cuộc đời chính mình để không ngơi nỗi xúc động đến nghẹn ngào, "Lâu rồi đời mình cũng qua... (Đời Đá Vàng - VTA)", TT xin mượn câu này để tự an ủi mình và chúc quý Thầy cô cùng tất cả các bạn luôn có cuộc sống hạnh phúc an vui....

    Trả lờiXóa