Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

"Nằm Lửa"

GIỚI THỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài "NẰM LỬA", tác giả Hoàng Thanh Phước. Niềm cảm xúc dâng trào sau khi đọc bài Hồi Tưởng Chuyện Một Đêm của Trần Hoàng Phước Hậu nên tác giả viết bài này thay cho bó hồng tươi đẹp thân tặng quý bà trong thiên chức làm Mẹ. 
Trân trọng giới thiệu.
NHHN



Hôm nay vào trang nhà NHHN sau khi đảo mắt đọc qua một vòng những bài thơ rất hay của các thi sĩ trong vườn thơ, tôi dừng lại ở bài viết Hồi Tưởng Chuyện Một Đêm, tác giả Trần Hoàng Phước Hậu. Bài viết không dài nhưng rất cảm động, thương tâm, nói lên tình bạn thắm thiết của tuổi học trò trong thời đất nước loạn lạc, chiến tranh nơi phố thị Sông Cầu nhỏ bé mà tôi đã hơn một lần ghé qua, địa danh quen thuộc của tỉnh Phú Yên.

Sông Cầu nơi có nhiều phong cảnh hữu tình thơ mộng với vài cây cầu nhỏ bắc qua con sông cạn, ẩn hiện dưới làn nước trong xanh lững lờ là những viên đá cuội lấp lánh muôn màu dưới ánh nắng ban mai rực rỡ. Có lúc tôi tự hỏi có phải vì nơi đây có nhiều sông, nhiều cầu nên họ gọi là Sông Cầu chăng?! Hỏi để mà hỏi vậy thôi chứ không có câu trả lời.

Hai bên đường những hàng dừa xanh vươn mình ngạo nghễ, xa xa thấp thoáng bãi cát trắng như chực chờ những làn sóng nhấp nhô đuổi nhau xô bờ.

Ôi! Sông Cầu thơ mộng là thế, đáng yêu là thế, có ngờ đâu một đêm đạn ngập trời ập đến, một đêm định mệnh, một đêm không thể nào quên, không bao giờ quên đối với T, bạn thân cùng lớp, cùng trường với tác giả Trần Hoàng Phước Hậu.

Hình minh họa internet)

Người thiếu phụ, mẹ của T vừa mới sanh em bé đang còn trong thời kỳ "nằm lửa". Cả hai mẹ con chân yếu tay mềm không thể nào kịp ôm con chạy xuống hầm trú ẩn. Đau đớn thay, vô tình hay hữu ý "họ" đã mất hết nhân tính, nhẫn tâm cướp đoạt, giết chết những người thân yêu, ruột thịt của chúng ta. Một sinh linh, một mầm sống của nhân loại mà tiếng khóc chào đời vừa mới được cất lên không lâu đã bị tắc nghẽn.

Đây là một câu chuyện rất thương tâm có thực của gia đình T. sẩy ra cách đây cũng khá lâu, tôi cũng xin chia buồn cùng gia đình T và nguyện cầu vong linh chị và cháu được an lạc nơi cõi vĩnh hằng.

"Nằm Lửa!" hai tiếng này nghe rất quen thuộc, lâu lắm rồi thì phải, khoảng vào giữa thập niên 60 - 70, không những thế mà ngay ở thời điểm này tại quê nhà chúng ta, ở những vùng sâu vùng xa, thôn quê hẻo lánh chuyện "nằm lửa" vẫn còn được áp dụng cho những sản phụ, nhất là ở miền Trung, từ Tuy Hòa, Phú Yên trở ra. Vào những tháng 10, 11, 12 âm lịch, những tháng có lụt lội, phong ba bão táp, mưa dầm dề từ ngày này sang ngày khác, có khi kéo dài cả tháng không dứt.

Rất tội nghiệp cho những ai sanh nở vào những tháng này, khí hậu rất lạnh không "nằm lửa" thì không còn cách nào khác để sưởi ấm cho cả mẹ lẫn con đang còn rất yếu ớt vì non ngày non tháng (thời bấy giờ ở xứ ta chưa có máy sưởi, bây giờ thì khác rồi).

Hình minh họa (internet)

"Nằm lửa, hay "ở cữ" hay "nằm ổ" nói chung đều có ý nói đến sự "xông hơ kiêng cữ" dành riêng cho những sản phụ sau khi lâm bồn (sinh nở) để cơ thể được ấm áp, máu huyết lưu thông vì ít vận động trong thời gian này.

Ngay cả ở thời hiện đại, nhiều người vẫn quan niệm rằng khi cả hai mẹ con từ nhà bảo sanh về nhà, cần phải có một chậu than hồng được vùi tro đặt dưới gầm giường để bảo đảm sức khỏe, đồng thời sẽ hạn chế được những khí xấu. Nhưng trên thực tế đây là một trong những thói quen sai lầm trầm trọng. Các bác sĩ cho biết, trong khói than có chứa rất nhiều khí CO 2, ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp, dễ gây viêm phổi cho cả mẹ và con. Hơn nữa, da em bé còn non nớt, than nóng sẽ làm bé bị bỏng hoặc bị nổi rôm sảy...

Đó là chuyện ngày xưa, còn bây giờ đã khác xa nhiều, nhất là ở hải ngoại này, phương tiện quá đầy đủ, nệm ấm chăn êm, lạnh có máy sưởi, nóng có máy điều hòa, thậm chí có người sanh vào mùa hạ còn nằm cả phòng lạnh nữa đấy, nói chi đến chuyện nằm lửa, nằm than.

Nói chung bên này vấn đề y tế quá tốt, thuốc men đầy đủ, ăn uống nhiều dinh dưỡng nên ít bệnh tật hơn.

Đối với tất cả phụ nữ mang thai, ngày sinh sẽ có ý nghĩa thiêng liêng trong cuộc sống của mình, mặc dù đó là một quá trình tự nhiên, một thiên chức mà mọi phụ nữ phải trải qua, nhưng nó có thể có rủi ro cho cả mẹ và con.

Hình minh họa (internet)

Do đó mà các cụ ngày xưa đã ví von sự sinh nở là "vượt cạn" là "banh da xẻ thịt" nên mới có câu:

"Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà đi biển mồ côi một mình".

Đúng vậy, dẫu biết rằng đớn đau là thế, gian nan cực khổ là thế. Nếu không may có khi sẽ nguy hiểm đến tánh mạng. Đó là chưa kể thời gian đầu mới cấn thai, ăn không được, ngủ không ngon giấc, ụa mửa liên tục, có khi tình trạng này kéo dài đến tháng thứ sáu, thứ bảy vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên bổn phận làm vợ, thiên chức làm mẹ, bản năng duy trì nòi giống đã giục dã, hối thúc không thể nào trốn tránh được. Lòng luôn thầm nhủ "trời sanh voi sanh cỏ" và hằng đêm chỉ biết cầu nguyện xin ơn Trên gia hộ cho mẹ tròn con vuông...

Thời gian dần trôi rồi cũng đến ngày "nở nhụy khai hoa". Cảm xúc đón con chào đời nhân lên gấp bội khi nghe tiếng khóc oa!... oa!... của con trẻ, và khi cô y tá bế bé lên đặt sát vào lòng mẹ để chuyền hơi ấm cho con. Tôi cảm thấy gần gũi, trân quí thân thương vô cùng, có lẽ không có một từ ngữ nào có thể diễn tả được mà chỉ những người trải qua rồi mới hiểu. Cũng không thể nào diễn tả hết niềm vui khi tôi nhìn vào nụ cười của con trẻ xinh đẹp dễ thương được lớn lên từng ngày. Chuyền cho con những giòng sữa ngọt ngào, tuôn ra từ thân thể, từ trái tim, từ tấm lòng của người mẹ. Ôi! cuộc đời thật vô cùng ý nghĩa. Xin cảm tạ ơn trời đã ban cho con cuộc sống này.

Những ai đã từng sinh nở, nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Công ơn sinh thành dưỡng dục, chín tháng cưu mang, banh da xẻ thịt để sanh ra mình, "bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn", có cha mẹ mới có mình.

"Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng
Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày"

Người đời thường nhắc nhở đến "tứ thân phụ mẫu" ý chỉ hai bên cha mẹ chồng và cha mẹ vợ. Nếu muốn được chồng hay vợ yêu thương, nể trọng mình hết mực thì phải biết thương yêu và kính trọng cha mẹ hai bên như cha mẹ ruột của mình vậy.

Có cha mẹ vợ mới có vợ để cho mình ấp ủ yêu thương, có cha mẹ chồng mới có chồng để cho mình nương tựa, nâng khăn sửa túi. Đó là đạo đức, là lẽ thường tình trong cuộc sống. Chúng ta nên chấp nhận noi theo.

Cho nên tất cả những người con hiếu thảo, nếu may mắn cha mẹ còn hiện hữu, hãy nên sáng viếng chiều thăm, an ủi cha mẹ già để khỏi ân hận khi cha mẹ không còn nữa. Chắc chắn ơn Trên sẽ ban cho nhiều hồng ân, may mắn, hạnh phúc và trường thọ.

Hình minh họa (internet)

Thưa quí vị, có đúng thế không ạ?! Hỏi tức là đã trả lời....

Sau cùng, tôi cũng xin cám ơn tác giả Trần Hoàng Phước Hậu (Trần Hoàng Thân) về bài viết Hồi Tưởng Chuyện Một Đêm, cũng nhờ đó cho tôi cảm xúc viết lên bài "Nằm Lửa" này để tôn vinh các bà mẹ của chúng ta và kể cả chúng ta nữa.

Văn thi sĩ Trần Hoàng Phước Hậu, siêng năng dễ thương lắm. Ngoài giờ đi làm ở hãng xưởng, tối về dành hết thời gian cho sáng tác thơ, văn và layout bài cho NHHN. Có khi thức đến 1 - 2 giờ sáng. Vừa phụ trách Facebook vừa chăm sóc Vườn Thơ. Chúng tôi phong cho chức "cậu út nhà Nguyễn Huệ", mong rằng cậu út không từ chối.

Xin kính chúc quí bà mẹ cùng gia đình vui khỏe, hạnh phúc, an khang và trường thọ.

Hoàng Thanh Phước
Mùa Thu 2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét