GIỚI THIỆU
Kính thưa quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
BBT dành 2 tuần lễ đầu trong tháng 5 để vinh danh các bà Mẹ. Xin mời quý thầy cô, đồng môn và văn, thi hữu đóng góp bài cho NHHN, chủ đề về Mẹ nhân dịp lễ Hiền Mẫu (Mother's Day).
Xin mời quý vị đọc bài MÁ TÔI, tác giả Phương Mai viết về Mẹ chồng. Câu chuyện rất hay.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
Kính thưa quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
BBT dành 2 tuần lễ đầu trong tháng 5 để vinh danh các bà Mẹ. Xin mời quý thầy cô, đồng môn và văn, thi hữu đóng góp bài cho NHHN, chủ đề về Mẹ nhân dịp lễ Hiền Mẫu (Mother's Day).
Xin mời quý vị đọc bài MÁ TÔI, tác giả Phương Mai viết về Mẹ chồng. Câu chuyện rất hay.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
(viết về bà Mẹ Chồng, người mà tác giả trân trọng gọi là “Má tôi”).
Có người nào đó đã từng nói “Ai cũng có một người Mẹ.” Vâng, ai cũng có một người Mẹ, đâu có ai hiện hữu hay không còn hiện hữu trên cuộc đời này mà không được từ mẹ sinh ra. Tôi được ba mẹ sinh ra vào khoảng đầu thập niên 50, rồi hai mươi năm sau, tôi lập gia đình cùng ông xã tôi bây giờ, anh ấy cũng có một người mẹ và tôi cũng gọi mẹ anh là mẹ. Địa phương tôi ở, ít có ai gọi mẹ, mà gọi là má. Tôi viết về bà những mong đây là dịp để tưởng nhớ một người má chồng khả kính nhân ngày lễ Mẹ - Mothers Day.
Tôi muốn gọi bà chỉ bằng hai tiếng “má tôi” thôi, không cần phải thêm chữ “chồng” ở giữa. Qua lời ông xã kể, tôi được biết về má - trong thời gian tôi chưa là con dâu của bà - như sau:
Má tôi người Lại Yên, Bình Thuận, xuất thân trong một gia đình nho giáo lễ nghĩa. Ông ngoại tôi là cụ Phạm hoài Xuân, người có uy tín lớn, hiền từ, đạo đức; ai ai cũng quý trọng. Ông ngoại tham gia kháng chiến chống Pháp, (lúc đó còn gọi là phong trào Việt Minh) từ những năm 45 đến 54. Thời gian ở chiến khu Lê hồng Phong ông làm phó chủ tịch hội Liên Việt, người ta gọi ông là Bác Cả, bí danh Thuật Chi. Sau khi biết được trong hàng ngũ Việt Minh có thành phần cộng sản len lỏi vào và thấy được sự tàn ác, tráo trở, dã man của họ nên ông không tham gia nữa, bỏ về thị xã. Sau đó ông xin vào làm thư ký cho trường trung học tư thục Bạch Vân. Ông ngoại ngoài việc làm sổ sách, học bạ… còn dạy phụ giờ Pháp văn cho trường. Cái tên ông Giáo từ đó mà có.
Ông bà ngoại sinh được mười người con, má tôi là con đầu của bảy em gái, mấy dì đã lần lượt qua đời trong độ tuổi còn rất trẻ, sau chỉ còn lại ba dì và hai cậu. Các con của ngoại ai ai cũng được học hành, cậu Bảy giỏi giang sau đi dạy trường trung học, còn cậu Út - ngầu lắm, là sĩ quan thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, các dì lớn có người làm nghề may, có người lo công việc nhà, dì Út có trung học đệ nhất cấp, sau làm việc bên trung tâm Phượng Hoàng, Bình Thuận. Riêng má tôi vì là chị cả, lại em đông nên chỉ học đến lớp ba rồi nghỉ. Thời ấy ở quê, con gái ít được cho học hành nhiều, có người vì hoàn cảnh gia đình nghèo cũng có, có người chỉ chú trọng đến công việc đồng áng, chăn nuôi, nhưng cái câu - con gái học nhiều chỉ tổ viết thư cho trai cũng không ngoại lệ.
Má tôi ưng ba (chồng) tôi bây giờ, hai người mở một cái tiệm nhỏ bán tạp hóa trong làng xóm. Má tuy học hành không bao nhiêu nhưng làm ăn, tính toán rất giỏi, má tính nhẫm mà nhanh lẹ hơn học trò dùng máy tính cộng trừ nhân chia. Má tôi hiền lành mà năng động, suốt từ sáng đến tối mịt vừa đứng trông coi việc mua bán vừa lo cơm nước cho cả gia đình. Ba tôi thì lo chạy hàng hóa, nào gạo, đường, dầu, thuốc tây, bia, rượu, thuốc lá… mặt hàng nào cũng có đầy đủ, không thiếu thứ nào.
Những năm khoãng thập niên 50, 52 đang làm ăn khấm khá, thì gia đình bị những tên chỉ điểm ở địa phương ganh ghét, dẫn người đến đóng thuế, răn đe bắt nạt! Thôn quê lúc ấy coi như là vùng ”xôi đậu”, ban ngày thì bị người quốc gia làm khó dễ vì nghi ngờ tiếp tế cho vi xi (việt cộng). Ban đêm thì bị “mấy ổng” (là việt gian bán nước đó) mò về rình rập, bắt bớ dẫn lên rừng học tập vì nghi ngờ có tiếp tế cho Tây (Pháp)! Người dân trong cảnh một cổ hai tròng, luôn sống trong lo âu hồi hộp, phập phồng sợ tai họa sẽ ập xuống lúc nào không biết!
Má sinh cô em gái kế ông xã tôi năm 1952, được đâu chừng ba tháng tuổi thì một đêm nọ má bị mấy thằng cha trên rừng về bắt dẫn đi với tội danh tiếp tế cho thực dân Pháp. Sáng mai có người từ trong đó ra loan tin sẽ chôn sống nếu má tôi không chịu nhận tội. Ba tôi lật đật báo tin cho ông ngoại hay để cứu má tôi, không biết ông ngoại can thiệp bằng cách nào mà mấy hôm sau má được thả về.
Đau mấy tháng chưa kịp lại sức, thì má lại bị bắt bởi người bên quốc gia với tội danh tiếp tế thuốc tây, gạo, muối… cho việt cộng! Họ giam giữ má tôi trong nhà lao, má tôi bị tra khảo, kẹp tay chân bầm dập, đau đớn vô cùng, ba tôi lại phải gom góp tiền đi lo lót nên họ không làm khó dễ. Cũng bởi người quốc gia và công sản chống đối, thù nghịch nhau cho nên sau khi cho má tôi về, thì lại bắt ba tôi lên rừng học tập, cứ cái vòng lẫn quẫn như thế mãi!
Rồi thêm trận lụt năm Thìn -1952 - đã làm gia đình ba má tôi suy sụp nhiều, những ngày vừa lo sợ, hãi hùng vừa đói cơm, khát nước, lạnh lẽo trên những tấm bè kết bằng mấy thân cây chuối… Sau khi về lại ngôi nhà cũ, ông bà quyết định thu dọn, gom góp tài sản, dắt díu các con rời bỏ xóm làng Lại Yên về thị xả làm lại từ đầu. Nhờ số tiền má tôi đã khôn khéo chôn dấu để phòng khi hữu sự, nên mới mướn được một cơ sở nho nhỏ, làm ăn mỗi ngày mỗi phát đạt. Được có mấy năm lại phải dời đi chỗ khác vì người ta đòi nhà không cho thuê nữa. Cuối cùng không biết số phận dun rũi làm sao mà nhà anh lại dọn về ở kế nhà em. Chủ nhà mới chịu cho mở tiệm, hồi đầu thì nho nhỏ, sau phát triển dần dần trở thành tiệm buôn lớn có thương hiệu Hòa Tín.
Hai nhà cách nhau bởi một con sông nhỏ, có chiếc cầu đúc bắt ngang nối đôi bờ, ngày hai lượt nước lớn nước ròng lên xuống, dòng sông hiền hòa trong xanh phẳng lặng như tình yêu đầu đời thơ dại của chúng tôi.
Má tôi lúc ấy tuy là có cơ ngơi khá giả, nhưng bà vẫn giữ nguyên nề nếp cũ, cũng vẫn dáng người bình dị đó, tính tình quê mùa chất phác đó mà đối đãi với mọi người, trong chị em ai thiếu thốn bà hết lòng thương yêu giúp đỡ, người ngoài ai không gạo nấu cho chồng con bà bán thiếu, có lúc cũng không đòi… thế nên từ làng trên chí xóm dưới, ai ai cũng thương mến, vì vậy việc mua bán càng ngày càng thêm phát đạt.
Năm Mậu Thân 1968, tôi học lớp đệ nhị thì anh đăng lính. Anh vào quân trường Thủ Đức - khóa 1/68 – trong khi tôi đang ôn thi tú tài giữa cảnh nhà cửa còn hoang tàn đổ nát, phải ở trong những lều trại tạm cư. Nhà tôi bị cháy rụi, tường gạch đỗ nát, chỉ còn duy nhất một phần vách lỗ chỗ dấu đạn, xóm làng còn sâu hoắm một hố bom to! Nhìn sang bên nhà anh cũng đâu có còn gì, cả một tiệm buôn to lớn như thế mà bấy giờ chỉ còn thấy những đống gạch đổ nát, đường cát nguyên bao bố chỉ xanh đang trở thành nước màu kho chảy tràn lênh láng cả dưới nền, gạo chất cao tới tận nóc nhà cùng mọi thứ đồ đạc khác trong tiệm còn đang nghi ngút khói.
Năm đó tôi thi đậu tú tài một, còn anh ra trường sau 9 tháng miệt mài gian khổ. Tôi bị áp lực quá nhiều, phần buồn vì sự suy sụp của cả hai gia đình, phần vắng anh tôi buồn nhớ và lo lắng quá, tâm trí không sao yên ổn, tôi hết tha thiết chuyện học hành. Năm sau tôi thi rớt tú tài hai, ba tôi buồn và giận lắm, ông nói: Trầu cau người ta đem qua nhà, làm sao mà học nỗi, đậu sao được mà đậu!
Chúng tôi cưới nhau cuối năm 69. Lúc bấy giờ tôi mới trở thành con dâu của má tôi. Gia đình nhà chồng tôi thời gian sau này không còn sung túc nữa, má tôi cũng héo hắt dần theo năm tháng nhọc nhằn vì phải lo cho môt đàn con đang tuổi lớn. Ông xã tôi là con trai độc nhất trong gia đình gồm chị và bốn cô em gái. Vợ chồng tôi không ở với ba má, tôi đi dạy gần nơi anh đóng quân.
Cả nhà ở tạm trong căn tiệm cháy đó vài năm thì ba má tôi mua được một cái nhà cũ, ba má tôi cũng vẫn giữ cái nghề bán buôn như xưa, nhưng hàng hóa bây giờ ít lắm vì vốn liếng không còn. Lúc này má tôi bán thêm các món ăn rẻ tiền cho người lối xóm như xôi, chè, khoai, bắp vv… cùng những thứ trái cây hoa quả bốn mùa, để kiếm thêm tiền chi dụng.
Đầu tháng 04/75, thấy tình hình không được yên ổn nên ông xả tôi bảo mấy mẹ con thu xếp về nhà ba má để chờ ngày sanh. Má thương con trai lính trận phải xa nhà, thương con dâu đang bụng mang thêm cháu nội, và còn hai đứa cháu một gái năm tuổi, một trai ba tuổi… nên đã dang đôi tay ra mà bảo bọc.
Khoảng giữa tháng tư, tình hình càng ngày càng tồi tệ, cho đến một hôm cả thị xả náo động vì có tin việt cộng sắp tràn về Phan Thiết! Bọn xấu thừa cơ cướp giựt đốt chợ, đập phá những căn tiệm buôn bán để hôi của, khắp nơi tiếng súng nổ vang rền, tro than bụi khói mịt mù…
Chiều ngày 17 tháng 4 anh về, hối hả giục ba má tôi sửa soạn ra đi… Anh nói có quen một người ở phòng 4, nên gởi cả nhà lên chiếc tàu của Đại Tá Tỉnh Trưởng Tiểu Khu Bình Thuận di tản Vũng Tàu. Má tôi vừa thu xếp vừa khóc, nói sao mà khổ quá, có chết thì chết hết một lượt cho xong… Tôi và mấy cô em cũng khóc theo, ba tôi thì trầm tĩnh hơn, bảo – Người ta sao mình vậy, nhà mình được cho đi tàu là quý rồi bà, thôi thì cũng phải đành bỏ hết, sau này hãy tính. Tôi mệt nhọc, nặng nề với cái bụng gần ngày sinh nở, nghe anh thúc hối cũng thu xếp cho mấy mẹ con một vài món cần thiết rồi rời khỏi nhà.
Tất cả đều lần lượt xuống tàu, còn anh… thì không! Cầm tay tôi, anh dặn - Em hãy giữ gìn sức khỏe, chăm sóc các con, cẩn thận sắp đến ngày sinh rồi. Má ơi con gởi vợ con của con cho má… Tôi nghẹn ngào nước mắt ràn rụa, má và các em đều khóc, má bảo - Việt cộng nó sắp tràn vô, sao không đi luôn con còn ở lại làm gì? - Con không thể đi lúc này, có gì thì sẽ gặp tại Vũng Tàu, má đừng lo.
Thị xả Phan Thiết đã mất tối 18/04… Loa phóng thanh tại trại mát giáo chức Vũng Tàu sáng ngày 19/04 đã cho biết như thế! Tôi bàng hoàng thẫn thờ như người mất hồn, dẫu tin tức ấy đã được lập đi lập lại nhiều lần trong ngày, mà tôi vẫn không muốn tin là thật. Tôi đớn đau vô cùng khi nhớ đến gia đình cha mẹ ruột của mình, không biết ba mẹ và các em giờ này thế nào, có bình an không? Hôm cùng phía chồng di tản, tôi có bàn nên tìm nơi ở tạm mà ba tôi đã cương quyết không chịu đi, tôi đành nuốt nước mắt ôm má tôi, ôm mấy đứa em vào lòng giã từ mà đau buồn khôn tả!
Một ngày một đêm lặng lẽ trôi qua, chiều hôm sau anh có mặt trên bờ biển Vũng Tàu trong đoàn người di tản cuối cùng. Khỏi phải nói, cả nhà mừng vô tận, nhìn anh gầy xọp, lếch thếch, hôi hám trong bộ quần áo dính đầy bụi bặm, mặt đầy những vệt lem luốt... nước mắt tôi trào ra, còn má tôi thì òa lên khóc như đứa trẻ…
Rồi cả một bầu trời như sụp đổ vào lúc 10 giờ rưỡi sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, tất cả những quân dân cán chính đều cởi bỏ vũ khí cúi đầu uất hận nghẹn! Cái ngày tang thương ấy đã đem đến biết bao bi ai, thê thảm cho cả mấy chục triệu người dân miền Nam, đem đến những bất trắc khổ đau tột cùng cho hàng triệu người lính VNCH, lớp chết lớp bị thương, số còn lại thì bị đưa vào những trại tù xa xăm miền Việt Bắc và trên những vùng rừng thiêng nước độc! Ông xả tôi cũng không ngoại lệ.
Sau khi tôi sinh cháu trai được tròn tháng tuổi thì anh có giấy gọi đi “học tập cải tạo”. Họ nói đi một tháng rồi cho về làm ăn. Hôm lo hành trang cho anh, tôi nhớ có đếm đủ ba mươi lon gạo, mấy bộ quần áo cũ cho hợp với người đi “cải tạo,” vài loại thuốc tứ thời cảm mạo, xen với xuyên tâm liên (lúc VC về mới có loại thuốc này), thêm ký cá khô, một keo nước mắm kho quẹt và vài vật dụng cần thiết. Má tôi còn lén dúi cho con trai ít tiền, dặn - Con nhớ để dành khi nào về, có mà đi xe.
Ai ngờ đâu, một tháng rồi hai, ba tháng chẳng nghe tin tức, cũng chẳng thấy người về. Cả mấy tháng sau đó mới có tin anh đang lao động khổ sai tại Tổng Trại 8 Sông Mao. Được gần năm thì cho thân nhân đi thăm nuôi tù. Má tôi mừng lắm, hối hả giục ba tôi đi thăm con. Ba tôi sửa soạn đồ đạc lần hồi. Một đêm tôi tình cờ nghe ba với má bàn bạc cho chuyến đi thăm con đầu tiên, tiếng má nói - Kệ ông, cho nó đi thăm chồng nó, cả năm rồi vợ chồng không thấy mặt, tôi nghiệp ông à… Tôi nửa mừng nửa lo, sợ ông tiếc tiền không chịu cho đi, ngày nào tôi cũng thầm khấn nguyện.
Đợt đó được đi gặp mặt chồng, tôi thầm cám ơn má tôi.
Rồi tôi với má lại phải cố thức khuya dậy sớm nhiều hơn nữa, vì đời sống ngày càng khó khăn hơn. Mỗi bữa ăn má tôi chỉ lưng chén cơm độn với khoai mì lát ẫm mùi, má thiếu ngủ, da dẻ nhăn nheo, tôi thấy má gầy hơn trước nhiều, làm cho tôi càng điếng ruột gan.
Trong cảnh khó khăn, mấy mẹ con tôi là cả một gánh nặng cho gia đình lúc đó, vậy mà má không một lời trách móc hay nặng nhẹ, má vẫn thương yêu san sẽ dẫu trong thiếu thốn cơ hàn! Tôi biết thân phận sống nhờ vào gia đình, cho nên sau khi ông xả đi rồi tôi phụ với má lo buôn bán. Tôi gởi thằng con mới sinh cho đứa em gái ruột mới bảy tuổi, dòm chừng mà làm tất cả mọi việc trong nhà. Má chỉ cho tôi nấu chè đậu xanh đãi vỏ, chè đậu trắng nước dừa, chè chuối, chè khoai… dạy tôi cách nấu xôi nghệ, xôi đậu phộng, xôi vò, cách làm muối đậu sao cho thơm ngon, rồi còn chỉ cho con dâu gói bánh ít, bánh khoai mì, làm bánh bột lọc (xứ tôi gọi là bánh quai vạc).
Hình minh họa (internet)
Sáng sớm, má tôi đã thức dậy gánh một gánh bán dưới xóm, tối lại thì bày bán trước hiên nhà. Có hôm vì quá mệt mỏi, thiếu ngủ, má tôi một tay thì múc chè một tay thì cầm cái chén, mà mắt thì nhắm lại, vá chè ở khoảng không… rớt xuống mà má nào hay, tới chừng người mua lên tiếng má tôi mới giựt mình cười lỏn lẻn, thật là tội nghiệp. Có lần tôi từ bếp mang cơm lên cho má ăn, thì thấy má gục đầu trên cánh tay ngủ ngon lành, đầu bù tóc rối… Má tôi lúc nào cũng cái áo ngắn tay cũ kỹ, cái quần vải ú đen mặc lâu ngày không được ủi, cái ống thun lên trên mắt cá chân. Có cầm bàn tay của má tôi mới thấy thương, khô ráp, sần sùi, hai bàn chân cũng vậy, gót chân nứt nẻ chai cứng, vô số kẻ nứt hở ra thâm đen. Má nói chân má đau dữ quá mà má phải ráng.
Các cô em chồng cũng lớn dần theo ngày tháng, đến lúc nhận ra được sự thiếu thốn của gia đình, nhận thấy sự khổ sở nhọc nhằn của má tôi thì họ có cái nhìn về mẹ con tôi thật chẳng bình thường. Tôi cũng thỉnh thoảng được má nhờ ngồi trông coi để má nhắm mắt nghỉ ngơi, nhưng mấy cô em thì không hài lòng, cứ ra vô dòm ngó sợ tôi sẽ lấy bớt tiền của má. Chỉ riêng má tôi là vẫn một mực thương mấy mẹ con tôi, san sẻ từng miếng ăn, sắm sửa từng cái mặc cho ba đứa cháu nội của bà.
Có một lần vào giữa năm 1978, má tôi chuẫn bị đi thăm nuôi con trai, má cho tôi đi cùng, tôi mừng lắm. Đã hai năm rồi, nay mới được đi thăm ông xả, cả mấy đêm tôi không ngủ được, tôi cứ trông cho trời mau sáng mau tối để đến ngày đi thăm chồng ở tận ngoài A30 Tuy Hòa Phú Khánh. Lần ấy má còn bảo dắt theo thằng bé Tư cho ba nó thăm…
Đợi khoảng chừng tiếng đồng hồ thì tàu lửa tới. Tôi để má dắt cháu nội lên trước tìm chỗ ngồi xong chuyễn dần hai cái giỏ, tàu chật, người đông, chúng tôi phải ngồi dưới sàn tàu. Tiếng chữi bới, văng tục, xô đẩy, la hét náo loạn xen lẫn tiếng chó mèo, gà vịt kêu la chí choé, đái ỉa tùm lum. Tội nghiệp má tôi, cả đêm không được ngủ nên tuy ồn ào như thế mà má vẫn cứ ngáy ngon lành. Tôi nhìn quanh, ai ai cũng ngoẽo đầu thiu thiu nhắm mắt, có lẽ chỉ có mình tôi là không ngủ được. Hình như có những tia nhìn kỳ lạ từ mấy gã đàn ông, tôi chợt thấy bồn chồn, kín đáo đưa tay quàng chặt mấy cái quai giỏ. Thế giới của những tranh đua gian dối, lọc lừa gạ gẫm… đang hiện diện nơi này. Tôi nghe nói đi tàu lửa mà mê ngủ thì coi như giao của cho người!
Sáng hôm sau tới ga Tuy Hòa, xuống tàu cùng nhập vào dòng người cũng đi ra A30, lúc này tôi mới yên tâm không còn lo lắng nữa. Nghe cô bác bảo nhau, còn tới hai ba cây số mới tới trại, má tôi bảo thôi mình nghĩ một chút ăn lót dạ, rồi chờ xe tới. Chờ cả nửa tiếng mà không thấy, ai ai cũng sợ hụt giờ thăm nuôi nên đành quẩy đồ đạc lên đường.
Đường đi đã xa xôi, cực khổ mà còn gặp lúc mưa gió, bà cháu mẹ con ướt như chuột lột. Má tôi choàng tấm nylon, khệnh khạng bước, tay xách túi đồ, tay dắt cháu nội, thằng bé vừa chạy lúp xúp vừa giữ chặt cái nón trên đầu, hai vạt áo mưa đánh phần phật trông giống như chàng hiệp sĩ người dơi. Nhìn bà nó hỏi
- Tới chưa nội, sao lâu quá không thấy ba con?
- Chưa đâu, còn xa lắm con phải rán lên.
Còn tôi gánh hai cái giỏ đồ, đường đất đỏ trơn trợt, mang dép không xong, tôi cho vào trong giỏ, cố bấm mấy đầu ngón chân cho khỏi bị đo đường. Lâu lâu má hỏi - Mệt hông con? Tôi nói - Dạ mệt, con đau vai quá. Má an ủi - Ráng con, cho nó có đồ ăn, cả năm rồi chắc đói dữ lắm. Tôi liếc nhìn thấy hai bà cháu môi miệng tím ngắt, run lập cập, thấy xót ruột sao đâu.
Tôi ân hận đã đem con theo, tôi lo cho sức khỏe má tôi, chỉ e má bị cảm lạnh, ngã bệnh dọc đường thì thật chẳng biết phải làm sao, tôi cứ khấn thầm Quan Thế Âm Bồ Tát phù hộ. Má tôi vừa an ủi con dâu vừa đưa tay quẹt nước mắt làm tôi cũng tủi lòng. Đường thì xa, thương con nên má tôi thân già phải lặn lội mưa gió, phần tôi gần ba năm chỉ gặp có một lần, bé Tư ba tuổi mà chưa biết mặt ba là ai…
Sau khi nộp giấy phép thăm nuôi, má con tôi được cho vào một căn trại ngồi chờ. Khoảng giờ đồng hồ một cán bộ trại dẫn đoàn tù đi ra. Má tôi mới nhìn thấy con trai đã mếu máo khóc, anh bước lại bảo nhỏ: - Má đừng khóc, lát nữa tụi cán bộ phạt con đó. Má nghe, sợ hết hồn im ru vội vàng chùi khô nước mắt… Tôi cũng không hơn gì má, nhìn anh gầy còm đen thủi đen thui, hai hố mắt trũng sâu, mặc bộ quần áo cũ mèm rách vá bằng những mảnh vải bao cát, nước mắt tôi cứ trào ra, tôi cố cắn chặt môi để khỏi bật thành tiếng khóc nghẹn ngào uất hận! Đằng kia, tên cán bộ vẫn mang súng đi qua đi lại canh chừng. Anh nắm tay thằng con hỏi nhỏ - Bé Tư phải không, có nhớ ba không? Thằng con ngần ngừ, má tôi nhắc – Ba con đó, con ôm ba đi. Má nói mà như mếu - Hồi con đi nó mới đầy tháng, bây giờ ba tuổi rồi, tội nghiệp đâu có biết ba là ai!
Có lúc cầm tay má, giọng anh chùng xuống – Con cám ơn má nhiều lắm, việc nhà con đã có nghe dì Út kể rồi, má ráng giữ gìn sức khỏe nghen má, bữa nay chắc là được ở lại đêm… Má tôi giựt mình cái đụi - Thiệt hả con, trời ơi má mừng quá, chắc là má thức tới sáng…
Đúng như lời anh nói, 15 phút sau, cán bộ trại ra tuyên bố - Đã hết giờ thăm nuôi, nhưng hôm nay thân nhân các anh từ xa xôi đến đây, trại sẽ cho ở lại một đêm để thưởng thức buổi liên hoan văn nghệ…
Chiều đó má dặn dò tôi đủ thứ, rồi má còn bảo - Để má dắt bé Tư đi coi hát, con ở lại trại mà thăm nó... Tôi thầm cám ơn má, một bà má chồng tội nghiệp, tốt bụng, biết cảm thông.
Tôi nằm bên chồng mà hồi hộp như ngày mới cưới, tôi ngượng ngùng len lén nhìn quanh… Một dãy giường ”tân hôn” là những tấm phản được kết lại bằng những thân cây còn nguyên vỏ, trên mỗi giường được trải một tấm cót đã sờn, giường nào cũng từng đôi từng cặp đang thì thầm tâm sự. Anh biết ý nên bảo tôi ai cũng giống như mình mà em. Anh bảo đợt tới có một số tù được cho về, anh cũng hy vọng lắm. Anh còn nói tháng trước Dì Út có ra thăm ông dượng, anh cũng có nghe chuyện gia đình mình, anh thấy buồn lắm mà chẳng biết nói sao. Tôi tảng lờ như không nghe gì, bởi vì tôi không muốn ai động vào nỗi bi ai của tôi, kể cả anh cũng vậy.
Tôi rọ rậy hoài không ngủ được vì cái giường “tân hôn” làm đau lưng quá, đã vậy lại còn bị rệp cắn tùm lum. Vừa gãi lưng cho vợ, ông xả vừa nói tụi tù bọn anh quen rồi, rệp chê, thôi ráng đi em, mai về lại nhà cố dung hòa mà sống, dẹp bỏ tị hiềm với chị và mấy em, chờ anh về, chắc là không còn bao lâu nữa…
Chưa hết buổi văn nghệ đã nghe tiếng má tôi về, ngồi xuống cái phản, má vừa bóp cái chân đau vừa cười, má kể - Trời ơi, má tưởng đâu lạc mất thằng bé Tư rồi, má mới dắt nó vừa tới chỗ coi hát là nó kéo tay má ra chạy vòng vòng, một hồi nó đi đâu mất tiêu, má đi tìm hoài mà hổng thấy, má khóc quá chừng, mấy chị kia nói, thôi không có sao đâu, chỗ này họ canh gác kỹ lắm, lát nữa vãn hát rồi cũng tìm ra mà, đừng lo. Má đi tìm một hồi không có, má ngồi nghỉ bên một cô kia đang ẵm trên tay một đứa nhỏ đang ngủ, cầm cái tay cái chưn nó má nói cháu nội tui cũng cở này mà nó đi lạc đâu mất biệt, lát tui về mà không thấy con, chắc vợ chồng nó khóc chết, tui lo quá. Cô đó biểu má – Đâu dì nhìn kỹ coi có phải cháu nội dì không, con dỗ nó ngủ cả buổi rồi, không biết là con ai. Má coi thì thấy là bé Tư, má mừng quá… Chu cha… cả đám ai cũng cười má - Trời ơi, cháu nội của mình mà ngồi một bên cả buổi cũng nhìn không ra… Cổ thấy chân má đau nên cổ nói thôi để chút xíu con cõng về dùm cho dì.
Hai đứa tôi nhìn má cười, vừa lúc cô vác thằng con tôi tới. Chúng tôi cám ơn cô, hỏi thăm nhau vài câu, quay lại đã thấy má nhắm nghiền hai mắt ngáy…
Rồi ba năm dài đăng đẵng cũng trôi qua, má tôi hình như không còn trông ngày về của con trai nữa. Ba năm ở cạnh, được má đùm bọc chở che, mẹ con tôi cảm thấy nhiều an ủi, thương yêu… Tội má tôi, bà cũng hiểu được việc tôi bị các chị em chồng làm khó nên những lúc không có ai bà hay ngọt ngào, chăm chút con dâu và cháu nội, nhưng má tôi càng thương thì tôi càng là cái gai trong mắt chị em chồng! Rồi việc gì đến cũng phải đến. Sau một trận cãi vã nặng nề, tôi đùm túm ba đứa con về nhà cha mẹ. Má tôi cản không được đâm ra giận các con và giận cả tôi, không thèm ngó ngàng tới nữa.
Ngày bước ra khỏi nhà, tôi thề quyết sẽ tìm đủ cách để sinh tồn, để nuôi các con khôn lớn nên người, không phải sống dựa vào nhà chồng để khỏi mang điều tủi nhục. Tôi ra đi mà các con thì cũng chạy lui chạy tới ông bà nội, thế nên tôi cũng đỡ gánh nặng phần nào.
Tuy có giận con dâu, nhưng lòng vẫn không hề buông bỏ, thỉnh thoảng má tôi sai cháu nội đem về cho mẹ khi thì gói xôi, củ khoai, khi thì khúc bánh mì, trái chuối… Ôi! Tôi kể sao cho hết những ân tình của một người má chồng, tôi cũng không thể nào đếm được bao nhiêu lần nhận được phần vật chất từ bà, là bấy nhiêu lần nước mắt tuôn rơi.
Tôi mượn vốn từ một người bà con, đi buôn… Nhưng hỡi ôi, giàu đâu không thấy, chỉ thấy sau một thời gian thì số vốn ít ỏi đã chui lần vào mấy cái trạm kiểm soát. Tôi lại chạy đi chỗ này chạy tới chỗ khác vay mượn mà đi buôn tiếp. Cũng có khi được ơn trên che chở độ trì, có dư giả tôi sắm sữa áo quần, sách vở bút mực cho các con, cho cả một bầy em bảy đứa, rồi lâu lâu đi thăm chồng, thăm cả thằng em trai bị nhốt trên Đức Linh vì tội vượt biên…
Thời gian thầm lặng trôi qua, mới đó mà đã 6 năm mòn mỏi. Người tù trở về chiều ngày 25 tháng chạp âm lịch, chỉ còn 5 ngày nữa là đến Tết Canh Thân (năm 1981 dương lịch). Má tôi vui mừng biết bao khi thấy con trai lành lặn trở về, tuy gầy gò, xơ xác, ghẻ chốc xanh xao...
Tôi làm cô thợ đục trong xưởng mỹ nghệ điêu khắc Bình Minh, nhà có thêm người mà tiền lương ít ỏi, không đủ chi tiêu, má tôi lại kín đáo tiếp tế nuôi thêm cả tháng.
Cuối tháng giêng tôi cấn bầu lần nữa. Thời kỳ ốm nghén làm tôi xanh xao gầy như con mắm, tôi xấu hỗ không đi ra khỏi nhà, cũng là má tôi an ủi - Vợ chồng gần gũi thì phải có con, con của mình chứ con ai mà xấu hổ. Tôi nói sáu năm nay không có gì, bây giờ ảnh về lại mang bầu liền thấy quê quá má ơi… Tôi sinh được cháu gái vào tháng 10 năm 1981.
Mười mấy năm trôi qua… Bỗng một hôm cả tỉnh xôn xao vì có tin những người “cải tạo” từ 3 năm trở lên sẽ cho đi định cư ở Mỹ. Lúc đầu chúng tôi nữa tin nữa ngờ, sợ là họ gài mình để đưa vào tù lại vì còn “tư tưởng phản động”, vì còn ”muốn theo chân đế quốc Mỹ”, sau thấy bạn bè cùng người thân quen đã làm hồ sơ nên cũng rục rịch làm, vừa làm vừa lo. Năm 1991, vợ chồng dì Út tôi có tên trong danh sách HO.4, đang chờ đợi chuyến bay sắp sửa lên đường, riêng chúng tôi thì vì không có tiền chi phí cho dịch vụ quá tốn kém nên hồ sơ cứ để đó mà nhìn!
Một ngày cuối năm 1993, tôi nhận được cái thư bảo đảm và một chi phiếu 500 đô la từ Anh quốc của người cậu họ gởi về. Thật như là phép tiên từ trên trời ban xuống. Tôi còn nhớ mấy ngày đó tôi không thấy đói, cảm giác như đi trên mây.
Có được tiền, chúng tôi ráo riết lo hồ sơ, trang trải chi phí dịch vụ và cuối cùng được xếp vào danh sách HO 21.
Chúng tôi định cư tại Cali 04/14/1994. Nhờ sự bảo trợ, giúp đỡ của vợ chồng dì Út, nên chúng tôi sau khi tới nơi đã có được những thứ cần thiết cho một gia đình. Tuy là trâu chậm có uống nước đục nhưng đâu có sao, chúng tôi chịu khổ đã quen rồi. Vợ chồng tôi mấy năm đầu làm nghề may, sau xin vào làm hãng xưởng, lương cũng đủ sống, các con đều lớn đứa nào cũng có việc làm đàng hoàng.
Cuộc đời của má tôi là cả những tháng năm dài nhọc nhằn gian khổ, lo cho con cái nên người, má toàn cho ra mà chưa hề nhận lại được gì, má tôi rất xứng đáng được hưởng phước từ con cháu. Sau mấy năm dành dụm chắt chiu, chúng tôi đã xây dựng cho cha mẹ cái nhà khang trang hơn, rộng lớn hơn, tôi muốn đền bù cho má tôi phần đời sau được sung sướng, để má được an nhàn mỗi ngày nằm đong đưa trên chiếc võng coi ca nhạc, coi tuồng cải lương, coi phim bộ… Thế nhưng…
Một ngày nọ, từ quê nhà báo tin sang má tôi bị té, bác sĩ chạy chữa hết lòng, điều trị thuốc men đủ thứ, cũng may còn giữ được mạng sống của người, nhưng một nửa phần thân thể không cử động như ý muốn, má tôi bị chứng tai biến mạch máu não. Má ráng cầm cự, chống chỏi được ba năm thì mất.
Đám tang má tôi được tổ chức trọng thể, đông đảo bà con gần xa đều tới dự, xem đó mới biết lúc còn sống, má tôi được người người thương quý biết bao nhiêu.
Má ơi, sắp đến ngày lễ Mẹ và cũng sắp đến ngày giỗ của má, con viết những dòng này để nhớ lại những chặng đường gian khổ má đã trải qua, nhớ lại những hy sinh cao cả của một người mẹ cùng những thương yêu ngọt bùi má đã từng san sớt. Phần con, con viết cũng để nhắc cho chính con và con cháu nhà mình phải sống sao cho xứng đáng với tấm lòng của má, người má chồng khả kính mà từ lâu con đã coi là má ruột của con.
Phương Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét