Kính
dâng hương hồn Ông Bà Nội, Ngoại, Thân Phụ, các Anh, các Em và Vong Linh thân bằng
quyến thuộc trong dòng tộc bị sát hại, bị mất tích không bao giờ trở lại... Và
sau cùng kính dâng Vong Linh tất cả dân oan của Huế trong tết Mậu Thân...
*******************************
Hằng
năm, cứ đến tháng Mười Một, tháng mà Giáo Hội Công Giáo dành riêng để kính nhớ,
cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ đã qua đời là tâm trí tôi như lạc vào đêm
đen. Trên bàn thờ tổ tiên, ngoài ông bà, cha mẹ, tôi còn có thêm hình ảnh của
những người anh, những đứa em thân yêu đã chết tức tưởi giữa tuổi thanh xuân,
chết đau đớn dưới bàn tay hung bạo của một lũ người lòng lang dạ thú cam tâm
làm tôi mọi cho nhóm người ác độc phi nhân trong tết Mậu Thân. Chết thê lương
trong lao tù sau ngày mất nước.
Tháng
Mười Một, mỗi lần đốt nhang tưởng niệm, nhìn di ảnh của những người thân trên
bàn thờ sau làn khói hương tâm trí tôi đau chừng nào, thì càng gần tới Noel
lòng tôi cũng chùng xuống bấy nhiêu. Tôi nhớ anh em của tôi. Nhớ những kỷ niệm
ngày còn quây quần bên nhau. Nhớ ôi là nhớ những ngày vui buồn, hờn dỗi lẫn
nhau, sống dưới sự bảo bọc, trong vòng tay của cha mẹ. Bây giờ chỉ còn mình tôi
mang kiếp đời tị nạn, lưu lạc xứ người với những vết thương không bao giờ lành
miệng. Mấy chục năm qua rồi trong tôi niềm đau vẫn không hề vơi.
Cứ
mỗi dịp lễ Giáng Sinh về, nhìn thiên hạ nao nức mua sắm tôi cứ thấy trong lòng
đắng đót. Những thánh lễ nửa đêm, những buổi tiệc vui Noel năm xưa cũng có đó,
nhưng không sao xóa bớt được những đau thương nghiệt ngã của một mùa Noel trên
đất Bắc xa xôi năm nào. Tôi không thể quên được cái chết thê lương của thằng em
trai cách tôi hai tuổi.
Sau
tết Mậu Thân 68, vì không muốn nhìn thấy cảnh mẹ tôi điên loạn, ngày lại ngày
khóc cười than thở với phần mộ ông bà nội, những người anh và hơn 40 ngôi mộ của
bà con nội ngoại hai bên bị chôn sống được tìm thấy ít lâu sau ngày Huế được giải
thoát và đưa về an táng trong phần đất hương hỏa của dòng tộc, nên ba tôi quyết
định dời cả nhà về Long Khánh lập nghiệp để mong có ngày mẹ tôi hồi tỉnh.
Năm
năm sau, thần trí mẹ tôi chưa kịp tỉnh táo thì biến cố 30 tháng 4-75 đen tới
như sập trời, sập đất. Trong đau xót ngỡ ngàng, thất vọng, Ba tôi tiên liệu được
những khó khăn mà gia đình tôi sẽ hứng chịu trong chế độ CS, ông khuyên các con
giả điếc, giả đui về Long Khánh làm rẫy sống qua ngày vì biết rằng với vì
"lý lịch không tốt" của gia đình, các em tôi khó mà vào đại học được.
Mặc
dù nghe lời ba, mấy chị em tôi đứa bỏ học, đứa bỏ việc làm, kéo nhau về Long Khánh
sống chung với ba mẹ, nhưng vì quá non trẻ, tất cả vẫn cho là cha mình lo xa
quá đáng. Chỉ có thằng Linh, năm đó nó chuẩn bị vào năm dự bị y khoa Saigon là
bỏ ngoài tai, mặc kệ ba tôi khuyên gì, nói gì, nó cứ tin là hết chiến tranh rồi
thì việc học sẽ dễ dàng hơn và học ở đâu cũng được.
Cái
chết đau thương của những người thân năm 1968 không đủ làm cho cho thằng em tôi
tỉnh thức. Tuổi trẻ ngu ngốc, mê muội, dại khờ. Tuổi trẻ háo thắng, bồng bột,
thích đội trời vá biển…
Nghe
lời chúng bạn, nó làm một chuyến phiêu lưu ra Bắc, dự định là nộp đơn xin đổi
sang học ở trường y khoa Hà Nội. Lấy cớ là đi cho biết đó, biết đây. Mặc cho ba
tôi khuyên can, giận hờn, la rầy, mắng mỏ cách gì nó cũng không nghe.
Cuối
cùng, nó vẫn nghe theo lũ bạn khăn gói ra Hà Nội tìm đến trường y khoa ghi
danh. Không ngờ sau khi khai lý lịch, nó cùng với tám thằng bạn đi chung bị đưa
lên nhốt ở Cao Bằng Lạng Sơn chờ... xét đơn!!!
Sáu
tháng sau, một lũ ngu ngốc tám đứa chúng nó, đứa thì trốn được, đứa thì liên lạc
được với gia đình trong Nam đem vàng lo lót cho bọn công an để được tha về… Chỉ
có em tôi không về được là vì nó đang bị sốt rét rừng và bị sưng gan cổ chướng.
Một đứa trong đám bạn của Linh về được, đến cho gia đình tôi hay. Biết tin nó
được ba ngày thì ba tôi bị bắt đi "học tập cải tạo" mặc dù ba tôi đã
giải ngũ từ cuối năm 1969. Đến "mời" ba tôi đi học tập mà chúng đến
ban đêm mang súng ống, còng xích tay như đi bắt trộm cướp!
Trước
khi đưa tay cho bọn công an tròng, ba tôi nói :
-
Ti à, ba già rồi, ba biết lo liệu, đừng lo cho Ba, con rán hỏi thăm người ta,
đi tìm đưa em về nghe con!
Nhìn
nét mặt đau đớn của ba tôi, tôi biết ông không lo sợ cho chính mình mà đang lo
lắng cho đứa con trai ngu ngơ dại khờ không biết dở sống dở chết nơi đâu ở
ngoài miền Bắc xa xôi kia...
Ba
tôi bị bắt đi rồi. Không đủ thì giờ để tìm biết họ đưa ba tôi đi đâu. Ngay hôm
sau, tôi chuẩn bị tiền và vàng đi tìm em. Tôi năn nỉ một thằng bạn của em tôi
đi theo chỉ đường. Nó bằng lòng. Và dĩ nhiên tôi phải đài thọ tất cả mọi chi
phí. Và vì sợ bị bắt trở lại nên nó chỉ hứa là đưa tôi tới Lạng Sơn rồi quay về,
tôi phải tự tìm đến trại tù em tôi bị nhốt. Nói thì nói vậy nhưng khi ra tới Hà
Nội, thằng bạn của em tôi đổi ý, nó nói: thôi em cùng đi với chị. Lòng mừng khấp
khởi, tôi chỉ biết gật đầu tỏ dấu cám ơn mà không dám nói gì thêm, chỉ sợ nó đổi
ý.
Từ
Long Khánh ra Hà Nội lên đến Cao Bằng Lạng Sơn, chúng tôi đi bằng nhiều phương
tiện. Xe lửa, xe đò, xe bò, ghe xuồng và nhất là "ô tô bước", nghĩa
là đi...bộ! Có những lúc chúng tôi phải lội bộ từ 3 đến 10 cây số đường rừng. Cứ
đi theo sự hướng dẫn của thằng bạn của em, chứ tôi chẳng biết phương hướng mô
tê chi! Trên lộ trình đó, thỉnh thoảng chúng tôi gặp một số người trong Nam ra
tìm thăm người thân của họ vừa mới khăn gói bị đưa ra Bắc đi "học tập"
đâu vài tháng trước. Chúng tôi tháp tùng theo cho đỡ sợ. Hầu như ai cũng ngu
ngơ và lạ lẫm về đường đi nước bước, hoang mang lo sợ, không biết người thân
mình đang ở nơi nao? Sau khi lần mò, thăm hỏi nhiều nơi, tôi cũng tìm được Linh.
Nó bị nhốt trong một chòi tranh cách trại tù chừng một cây số. Nó nằm trên một
tấm ván mỏng sát mặt đất.Trên người đắp một manh chiếu bạc mầu quá cũ. Bọn công
an nói là phải cách ly nó ra vì sợ lây cho người khác! Nhìn thấy nó, tôi ngồi bệt
xuống , ôm lấy nó tôi khóc như mưa trong lúc nó vẫn mê man không biết gì. Mặc
dù nó đang mê man không biết gì nhưng một chân nó bị cột bằng một sợi dây thừng
khá to, buộc vào một chiếc cọc gỗ đóng sâu dưới dất.
Tôi
nhìn em mà nghe xót xa trong lòng, nước mắt cứ tuôn xuống, thằng bạn của em nói
nhỏ bên tai tôi :
-
Vì mấy hôm trước Linh nó có hứa là nhắn người nhà đem vàng ra "thế
chân" để được về nhà chữa bệnh. Tụi nó sợ thằng Linh chạy trốn nên chúng
nó mới cột chân nó vậy đó. Rồi Tuấn chỉ tay vào một tên công an đang đứng quay
mặt về phía tôi nói nhỏ:
-
Chị tìm cách nói chuyện rồi thương lượng, đưa vàng cho cái thằng mặt rỗ áo vàng
kia kìa. Nó là trùm ở đây.
Tôi
cảm thấy lo sợ hỏi Tuấn:
-
Đưa cho nó bao nhiêu? Biết nó đòi bao nhiêu mà đưa? Rồi còn mấy thắng khác đòi
thêm thì làm sao ?
Tuấn
ra vẻ rành rọt:
-
Chị đừng lo. Nó muốn ăn một mình nên không dám "múa mỏ" đâu. Tụi nó
coi vậy chớ nó gờm tranh ăn nhau ghê lắm. Hôm trước mẹ em cũng đưa vàng cho nó.
Nó còn dặn mai mốt muốn gì thì kiếm nó, đừng nói cho mấy tên kia nghe.
À
ra thế. Tôi chợt hiểu tại sao mà Tuấn là sành sỏi và mạnh dạn vậy!
Tới
tối, thằng mặt rỗ áo vàng xách cây đèn dầu mò ra chỗ nhốt thằng em. Trong chòi,
chỉ có ba chị em tôi thôi. Nó gợi chuyện, nói trổng không :
-
Thế ‘lào’? Có muốn đem em về mà chữa bệnh không thì bảo!
Tôi
chưa kịp trả lời thì Tuấn đã nhanh nhẩu :
-
Dạ thưa cán bộ muốn.
-
Ừ, thì phải biết điều đấy. Hắn thẳng thừng!
Tuấn
thay tôi hỏi giá và đặt điều kiện :
Cán
bộ mướn dùm cho chị em tui một chiếc xe bò được không?
Thằng
mặt rỗ áo vàng hỏi: Để ‘nàm’ gì?
Tuấn
nói :
-
Kéo bạn tui ra khỏi rừng chớ chi, nó sắp chết làm sao đi được.
Thương
lượng hồi lâu, nó ra giá một cây vàng. May mắn, khả năng tôi chỉ được có vậy!
Nó biết không kỳ kèo được gì thêm, và cũng sợ bị lộ nên nó chấp nhận.
Hai
hôm sau, tên mặt rỗ mới đến cấp cho em tôi giấy ra trại với lý do về chữa bệnh.
Nó dẩn đến một người Mèo hay người Nùng biết nói tiếng Việt với một chiếc xe bò
.
Thế
là em tôi được đặt trên chiếc xe kéo có hai bánh gỗ đằng sau, đằng trước thì buộc
cỗ xe trên lưng con bò. Nó nằm trên xe, vẫn mê man, mặt mày vàng ỏng, tay chân
thì khô đét, chỉ có cái bụng là to như đàn bà sắp sanh. Thằng bạn em tôi hè hụi
phụ đẩy chiếc xe bò mỗi khi qua những ụ đất cao, con bò già trơ xương không kéo
nổi. Tôi lầm lũi, lết thết đi theo sau chiếc xe bò, như theo sau xe tang giữa
núi đồi hoang vu, thỉnh thoảng mới có một vài dãy nhà tranh của người Mán, người
Mèo... Tôi vừa đi vừa khóc, lo sợ không biết thằng em sẽ chết trên đoạn đường
nào.
Khi
ra tới bìa rừng, tôi năn nỉ người kéo xe kéo em tôi tới quầy mua vé xe. Khó
khăn lắm mới mua được ba vé xe đò với giá chợ đen gấp năm lần giá chính thức để
về Hà Nội. Người ngoài Bắc dạo đó cũng tàn ác không thua gì tụi công an. Biết
được hoàn cảnh ngặt ngèo của mình là họ "chém" ngọt... Năm ngày sau,
từ nhiều phương tiện, xe thồ, xe đò, tôi cũng đưa em tôi đến được Hà Nội.
Để
mua được ba chỗ ngồi trên xe lửa bằng giá chợ đen, tôi đã phải trả giá bằng ba
chỉ vàng, và chỉ được ngồi chung toa với bạn hàng. Cũng phải chấp nhận vì không
còn cách nào khác. Bằng mọi giá tôi phải đem em về nhà. Ngồi bệt giữa sàn xe
chung với những giỏ càn xé chứa heo, gà, than củi v.v… Tới trạm mỗi vùng, xe lửa
ngừng, hàng đưa xuống, hàng chất lên, người ta chen lấn, xô đẩy, lôi kéo, chửi
bới, khi họ kiếm giỏ hàng của họ. Tôi phải dùng thân mình che chở cho thằng em
khỏi phải bẹp dúm dưới sức nặng của mấy giỏ hàng. Cứt heo, cứt gà rơi rớt đầy
trên lưng, trên mặt, trên tóc...
Gần
tới Quảng Bình, xe lửa tạm yên vì chưa tới lúc hàng lên xuống, bỗng dưng thằng
em tỉnh dậy. Ngơ ngác hồi lâu nó nhận ra tôi. Nghe tôi kể chuỵên đi tìm nó, nó
khóc. Tôi giấu không cho nó biết ba và người anh cả đã bị bắt. Tỉnh được một
lúc, đòi ăn, đòi uống, rồi lại mê đi. Cứ như thế hơn một ngày trời. Có lần vừa
mới tỉnh lại, nó đưa tay lên sờ mặt tôi rồi hỏi: Có phải Ti không? Ti đưa em về
nhà hả? Tôi không nói, chỉ biết khóc! Như không tin đây là sự thật, tay run
run, nó cố đưa tay lên sờ mặt tôi. Nó hỏi Ti khóc hả? Sao vậy? Và rồi nó như
không tin đây là sự thật rằng nó cùng tôi đang trên đường về nhà cứ liền miệng
hỏi: Ti, Ti đưa em về nhà hả Ti? Cổ họng tôi nghẹn đắng. Một tay tôi cầm tay
nó, tay kia khoác lên vai kia của nó, kéo đầu nó tựa lên vai tôi mà không trả lời.
Tôi thầm cầu nguyện cho thằng em còn đủ sức về đến nhà… Thỉnh thoảng nó đưa tay
lên miệng tôi bảo: Ti cắn tay em thiệt đau, coi em mơ hay tỉnh. Tôi vừa cắn tay
nó, vừa khóc nói, thiệt đó, chị đang đưa em về nhà đây mà, rán đi nghe em, vài
hôm nữa sẽ gặp mẹ. Lát sau nó lại rơi vào cơn mê...
Tới
ga Huế,tôi mệt quá nên thiếp đi một chút thì nghe tiếng thằng em yếu ớt bên
tai:
-
Ti ơi!
Giật
mình, quay sang nhìn em, thấy hai mắt đã nó lạc đi, nhưng miệng vẫn thều thào:
-
Gần tới nhà chưa, em mệt quá.
Linh
tính báo chuyện không lành, tôi lính quýnh, lắp bắp:
-
Sắp rồi, sắp rồi, rán lên, chị đem em về nhà cho Mẹ mà... rán đi...! Tôi run rẫy,
tôi nghẹn...
Tôi
ôm nó, kéo đầu nó dựa trên vai tôi, nó không nói gì được thêm được câu nào nữa.
Khoảng 10 phút nữa, tôi nghe hơi thở của em đứt quãng, nặng nề hơn. Tôi ngồi thẳng
lên, quay qua nhìn vào mặt em. Nhìn miệng nó có vẻ hơi mỉm cười, đầu nó gục bên
vai tôi, nghe như nó rùng mình, rồi thở hắt ra. Đầu nó nghiêng hẳn sang một
bên, rũ xuống. Tôi nhận biết em mình vừa mới trút hơi thở sau cùng...
Lòng
chết điếng. Toàn thân run lên, tôi cắn chặt hai hàm răng để đừng bật ra tiếng
khóc. Vì nếu những người trên xe lửa biết, thì chắc chắn hai chị em sẽ bị đuổi
xuống. Và một điều chắc chắn nữa là tôi phải vùi em trong vùng núi đồi quanh
đây. Lòng đang hoang mang, không biết tính sao để đem thi hài em về được Long Khánh,
trong lúc tiền bạc trong túi đã gần cạn, Đường về nhà thì còn quá xa, thằng bạn
của em thì đã tách ra từ khi ra tới Hà Nội. Cũng may, khi xe lửa ngừng trên ga
Huế, có một người đàn ông khoảng 60 tuổi bước lên, tìm kéo mấy giỏ hàng gần chỗ
hai chị em tôi ngồi. Nhìn nét mặt ông có vẻ hiền lành, tôi nói ngay với ông:
-
Con có chuyện nhờ bác giúp, nếu không giúp được thì xin bác đừng nói gì, cứ như
là bác không nghe thấy gì... và ông tỏ vẻ chú ý.
Tôi
kề tai ông kể nhanh chuyện đi tìm em, "bây giờ em con chết trên xe lửa rồi
đây, và con không muốn bỏ xác em lại dọc đường bác ơi, có cách gì giúp con
không?"
Ông
không trả lời, tôi thấy ông suy nghĩ và phản ứng rất nhanh. Ông làm như tôi là
cháu gái của ông vậy, bằng cái giọng Huế quen thuộc, ông nói to cốt ý cho mọi
người nghe thấy:
-
Tau nói rồi, em mi bệnh, đừng đưa nó về nhà vội, ở lại đôi ba bữa, để bác gái
mi cạo gió, xông hơ cho, bớt bệnh rồi đi mô thì đi, mi không nghe cứng đầu cứng
cổ...
Rồi
không đợi tôi phản ứng, ông bế xốc thằng em tôi lên, ông cố nói thật to:
-
Đi theo tau về, lì lợm, tau đập chết cha mi bi chừ...
Linh
tính tôi cho biết là gặp được quí nhân, không đắn đo tôi xách túi đồ, nhảy xuống
toa xe lửa đi theo ông...
Xuống
xe lửa, ông kêu thằng con trai của ông chạy đi mướn xe lam đưa chị em tôi về
nhà. Ông hối hả kêu bác gái, vợ ông chạy tìm mua rượu và vải lo tẩm liệm cho thằng
em.
Đêm
đó, trong căn nhà nghèo nàn của bác Hạ, xác em tôi được đặt nằm trên chiếc
divan cũ kỹ. Làm như em đang còn sống, tôi phải nằm cạnh em, như hai chị em ngủ
chung, sợ đang đêm công an xét nhà biết có người chết thì lôi thôi. Nằm bên xác
em, tôi kể chuyện gia đình tôi cho bác Hạ nghe. Ông bác ngồi nghe thở dài. Tiếng
thở dài của bác nghe não nuột. Bác gái thì vừa xoa bóp hai bàn chân sưng tím của
tôi vừa khóc, vừa than thở, đổi thời đổi thế chi mà tội rứa trời ơi!
Đêm
đó bác Hạ suy tính giùm tôi, bác nói :
-
Từ Huế vô Long Khánh còn quá xa, thương xót cháu yếu đuối, mần răng mà đi một
mình được, bác sẽ đi với cháu đưa em về Qui Nhơn, ở đó bác có bà con, bác sẽ nghĩ
cách đưa thi thể em về Long Khánh giùm cho.
Tôi
chỉ biết khóc và nói cám ơn hai bác nhiều lắm.
Hai
hôm sau, bác Hạ mua được 3 vé xe lửa giá chợ đen về Qui Nhơn. Thi thể em được
quấn chặt trong vải, ngoài mặc bồ đồ lính cũ, đầu trùm khăn kín bít, giả làm người
đang đau nặng, bác Hạ bồng ẵm nó lên xe lửa, lần này không ngồi chung toa với bạn
hàng nữa, và nhờ có bác Hạ đi cùng đi nên tôi đỡ sợ bị hiếp đáp dọc đường.
Hôm
sau, đến nhà người em trai của Bác Hạ ở Qui Nhơn, tôi đưa 4 chỉ vàng còn lại nhờ
mua hòm tẩm liệm vì xác em đã nặng mùi. Sau khi tẩm liệm xong, bác tìm tới một
người Tàu có xe chở than về Sài Gòn với giá là một cây vàng, ông ta bằng lòng dấu
chiếc quan tài dưới đống than.Vàng sẽ giao khi quan tài về tới nhà an toàn. Dọc
đường nếu có bất trắc thì tôi phải nhận hết trách nhiệm. Đó là giao kèo bằng miệng.
Thế
là xác em tôi được đưa về nhà bằng xe than. Nhờ ông chủ xe biết lo lót công an
dọc đường nên không bị khám phá ra. Khi nhìn thấy chiếc quan tài được kéo ra từ
đống than, mẹ tôi đứng lặng ngắt. Bà không khóc nhưng nhìn trên nét mặt đã quá
nhiều đau đớn của mẹ, tôi đọc được muôn ngàn nỗi thống khổ trong lòng của mẹ
tôi.
Hồi
lâu, mẹ tôi áp mặt lên chiếc quan tài dính đầy tro than, mẹ nói làm xàm mãi có
một câu: "Răng mà con hư lắm rứa?
Lúc trước mỗi khi xin mẹ đi mô mà mẹ ừ thì con mới đi, bây chừ mẹ chưa ừ mà con
đã đi rồi!"
Tôi
chết lặng khi nghe những lời thống thiết đó của mẹ tôi.
Nhà
đơn chiếc chỉ còn lại hai mẹ con tôi. Nhờ lối xóm thương giúp, em tôi được chôn
cất liền sau đó vài tiếng đồng hồ.
Ngày
đưa em xuống huyệt là lúc xế chiều ngày Noel 24-12-76. Không có thánh lễ an
táng, không dám đọc kinh, mà chỉ có vài người thân quen âm thầm tiễn em đi,
trong đó có ông bác ân nhân của tôi, bác Hạ.
Đó
là một trong những chuyến đi ra Bắc gian nan đầu tiên và cũng là câu chuyện bi
thương đầu tiên của tôi, của gia đình tôi sau cuộc đổi đời 30 tháng tư Đen…
Nguyễn
Thị Thái Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét