Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

Tuổi Trẻ Và Niềm Tin



TUỔI TRẺ VÀ NIỀM TIN 
Thu Tuyết

Sáng nay tôi đọc một bài viết của Trinh Trang Yarett, một BS trẻ đang là BS nội trú tại bệnh viện New York Presbyterian nơi mà BS Lorna Breen, một anh hùng trong tuyến đầu đã tự vẫn ngày 26/4. Mặc dầu bài này được viết trong tháng 3 bão táp và bây giờ NewYork gần như đã qua đỉnh dịch, nhưng giá trị nhân bản của những con người làm trong ngành Y (đúng nghĩa) đã, đang và sẽ mãi mãi tồn tại trên thế gian này, nếu không nói là vĩnh cửu.

Không hiểu sao, từ những ngày còn rất nhỏ tôi đã muốn trở thành một BS. Tôi đã từng khăn gói đi thi từ miền xuôi đến miền ngược, từ Sài Gòn đến vùng cao chỉ mong được đậu vào ngành Y. Kết quả là những giọt nước mắt, vì một lý do đơn giản: Lý lịch xấu! Sau đó, số phận đẩy đưa, khó khăn lắm tôi trở thành một nhà giáo. Trong rủi có may, nghề này lại phù hợp với tính cách của mình. Với tôi, đây là môi trường khá yên bình. Tôi yêu nó vì hàng ngày tôi làm việc với các em sinh viên, những khuôn mặt trong sáng đầy niềm tin và hy vọng của tuổi trẻ.

Tuy nhiên, khát vọng trở thành một BS vẫn tiềm ẩn trong tôi, cho đến khi các con khôn lớn, tôi đã định hướng chúng đi vào ngành y. Một kiểu giáo dục rất Việt Nam là muốn con cái học cái ngành mình thích (không phải tất cả các bậc cha mẹ đều giống nhau). Vậy mà, các con tôi cũng nghe lời! Đúng hay sai, có lúc tôi hối hận!

Đến hôm nay, khi đại dịch Covid 19 hành hạ loài người, tôi vô cùng cảm kích, ngưỡng mộ và yếu quí biết bao những "Thiên thần áo trắng". Những hy sinh họ đã trải qua, kể cả tính mạng của mình, đang tiếp tục và sẽ... chưa biết khi nào kết thúc. Từ Vũ Hán, nó lan toả khắp thế giới. Đỉnh dịch đã đi qua các vùng: Châu Âu, Châu Mỹ và bây giờ đang tiến đến nước Nga. Hơn 3 triệu người nhiễm bệnh, hơn 200 nghìn tử vong và còn bao nhiêu nữa?!

Trong lúc chúng ta được ngồi tại nhà làm việc, được nghỉ ngơi (mặc dầu bị bắt buộc), thì những người phục vụ trong ngành Y đó đây đã phải chịu biết bao áp lực, đè nặng trên đôi vai, trong tâm hồn của họ.

Hàng ngày chúng ta theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông, thỉnh thoảng được xem vài Video clip đủ để thấy tang thương của bệnh nhân và những người chăm sóc. Nhưng chỉ 10 ngày thôi, trong một bài viết, BS trẻ Trinh Trang Yarett đã cho ta thấy một bức tranh toàn cảnh:

- "Ngày thứ nhất: Ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở New York. Bệnh viện gởi email nhắc nhở mọi người cẩn thận. Chú ý, rửa tay thường xuyên

- Ngày thứ hai: Bệnh viện nhắc mặc dụng cụ bảo hộ (PPE) khi có bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19

- Ngày thứ ba: Ca bệnh thứ hai xuất hiện. Đây là ca siêu lây nhiễm bởi bệnh nhân này đã nhập viện mấy ngày rồi với chẩn đoán viêm phổi và hoàn toàn không được cách ly
- Ngày thứ tư: Có 9 ca bệnh mới và đều liên quan đến bệnh nhân số 2.
- Ngày thứ năm: Bệnh viện gởi email nhắc lúc nào nên dùng khẩu trang N95 và lúc nào dùng khẩu trang thường (có lẽ vì không còn nhiều). Trong email họ cấm không được lấy nước rửa tay khô trong kho ra dùng. Thường loại này chứa đầy kho còn phát miễn phí cho bệnh nhân nữa, nhưng bây giờ người nhà bệnh nhân gần đây đã "chôm"  hết. Trong các siêu thị cũng không còn nên nó trở thành hàng hiếm và không được dùng thoải mái như xưa.
- Ngày thứ sáu: New York có 44 ca bệnh, hầu hết đều liên quan đến bệnh nhân số 2
- Ngày thứ bảy: New York có 89 ca. Bệnh viện thông báo tất cả BS và nhân viên đang ở nước ngoài phải quay về ngay lập tức
- Ngày thứ tám: Số ca tăng lên 106. Bệnh viện yêu cầu tất cả nhân viên nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh đều phải ở nhà, không được đi làm để tránh lây nhiễm
- Ngày thứ chín: 142 ca. Nước Ý thông báo giới nghiêm toàn quốc. Bệnh viện New York nhìn bệnh viện Ý quá tải, bắt đầu lo sợ điều tương tự sẽ xảy ra tại đây. Bệnh viện thông báo PPE bắt đầu thiếu hụt và yêu cầu giới hạn số người ra vào phòng bệnh nhân để tiết kiệm
- Ngày thứ mười: 173 ca

Từ đó, mọi thứ ở vùng tâm bão đã bị mất kiểm soát! Đây là hiện thực cuộc sống trong tâm dịch của tất cả các bệnh viện tại New York!"

Số ca bệnh cứ tăng lên gấp đôi mỗi ba ngày. Số lượng bệnh nhân nặng cần đặt nội khí quản ngày càng cao, nhưng máy trợ thở khan hiếm dần. Không chỉ vậy, mà còn thiếu hụt số phòng, giường bệnh và nhân viên chăm sóc bệnh nhân. Bệnh viện dã chiến được dựng lên khắp nơi, BS nghỉ hưu được kêu gọi quay lại làm việc.

PPE càng khan hiếm, khẩu trang N95 chỉ được dùng khi đặt nội khí quản, ngoài ra phải dùng khẩu trang thường. Và cuối cùng, mỗi BS chỉ được phát một khẩu trang, phải dùng nhiều ngày cho đến khi nào có hàng mới về. Chuyện chưa từng xảy ra!

Cái chết của bệnh này vô cùng đau đớn nếu không được chích morphine. Bệnh nhân ra đi trong cô độc. Ai may mắn thì được người thân nhìn mặt phút lâm chung qua Facetime. Nhà xác quá tải, những xe tải đông lạnh được điều đến để chở xác bệnh nhân...

Chưa nói đến những hậu quả của nó sau dịch bệnh, mà những hệ luỵ đang xảy ra chung quanh:
- Tất cả nội trú sinh đều phải đến giúp ngành đa khoa và cấp cứu trong tình trạng kiệt quệ về sức lực, hoảng loạn về tinh thần vì quá nhiều BS đã mắc bệnh phải ở nhà.

- Sinh viên năm cuối chưa tốt nghiệp phải ra trường sớm để giúp bệnh viện

- Nhân viên ngành Y không dám về nhà gặp người thân vì họ mặc định hoặc đã nhiễm bệnh hoặc sẽ bị bất cứ lúc nào. Họ luôn sống trong nỗi sợ hãi sẽ lây bệnh cho những người thân yêu nhất. Vì vậy, những di chúc được lập ra ngay khi tuổi đời còn rất trẻ cùng những lời như "trăn trối" để lại, nếu một trong hai (vợ hoặc chồng) khi bị hôn mê có nên đặt nội khí quản không? Nói cách khác nên chọn cái chết nào? Và còn bao nhiêu điều khủng khiếp nữa...
- Phía gia đình thì mất ăn mất ngủ vì lo (là người mẹ, tôi hiểu sâu sắc điều này), nhưng vì trách nhiệm với bệnh nhân và đồng đội, họ không bỏ cuộc.

Tình người lúc này vô cùng quan trọng. Họ được cộng đồng khắp nơi hỗ trợ nhiều mặt từ tinh thần đến vật chất; được động viên, chia sẻ; được chăm sóc từng bữa ăn cho đến áo quần giày vớ... Tất cả những nghĩa cử ấy làm cho họ ấm lòng. Cuộc chiến chưa biết khi nào kết thúc, nhưng họ tin tưởng mãnh liệt rằng, Covid 19 rồi sẽ qua và bình minh sẽ trở về với New York, một thành phố không bao giờ ngủ.

Thu Tuyết - Melbourne, 4/2020
Nguồn tham khảo:

soha.vn: Thư một bác sĩ nội trú gửi từ New York: "Sụp đổ trong 10 ngày, tháng 3 bão táp và niềm tin bất diệt" BS Trinh Trang Yarett.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét