ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG Đ.T.T.T.
Thầy Dương Anh Sơn
PHẦN 3
CHƯƠNG I
MỤC 2 TÀI TRI VÔ TỰ THỊ CHÂN KINH
纔知無字是眞經 (Nguyễn Du)
Thế rồi, việc gì phải đến sẽ đến, tư tưởng của tiên sinh giờ đây đã quay đầu lại nhìn vào thực tế và mong tìm trong thực tế một sự giải thoát chắc chắn hơn là mộng tưởng như cái vẻ tiêu dao nửa vời của kẻ đã trót để “Thân thế trăm năm vào chốn gió bụi. Hết ăn nhờ ở bờ sông lại đến bờ biển, đã lâu lúc cao hứng không còn nghĩ đến mộng gác vàng, thế mà hư danh vẫn chưa buông tha người đầu bạc”. (Bách niên thân thế ủy phong trần; lữ thực giang tân hựu hải tân; cao hứng cửa vô hoàng các mộng; hư danh vị phóng bạch đầu nhân - Mạn Hứng I) [1]. Từ đấy, tiên sinh đã nhận thức rõ cái lý của vô thường với biết bao sự biến đổi nơi dòng đời phù hợp với quan niệm nhà Phật:
“Táp tải phù sinh hoạn hữu thân” (Mạn Hứng, I)
卅 戴 浮 生 患 有 身 (漫興 一)
(Cuộc sống nổi trôi ba mươi năm có thân nên lo sợ)
hoặc:
“Lục xích phù sinh thiên địa trung” (Mạn Hứng, II)
六 尺 浮 生 天 地 中 (漫興 二)
(Tấm thân sáu thước sống nổi trôi giữa trời đất)
hoặc:
“Phù sinh lao lục kỷ thời hưu” (Đồng Lung Giang)
浮 生 勞 碌 幾 時 休 (同籠江)
(Cảnh khổ nhọc của cuộc sống nổi trôi không biết bao giờ chấm dứt)[1]
Rõ ràng nhất là nơi hai bài thơ viết về thành Thăng Long (Thăng Long I và II) sau bao năm xa vắng trở về, tiên sinh thấy bao nhiêu biến đổi, chìm nổi nên lòng “Nghĩ ngợi suốt cả đêm khổ tâm không ngủ được” (Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy - Thăng Long I) [1]. Song rồi Tố Như đã nhận ra được cái lý vô thường của cuộc đời vẫn chưa phải là viên thuốc để điều hòa những khát khao giữa thú an nhàn và sự ràng buộc của hư danh, giữa sách vở và cuộc đời. Vì thế, tiên sinh đã tìm đến với đạo Phật, nhưng đạo Phật với những kinh điển, với những ngôn từ vẫn chưa thể giải đáp bao mối trầm tư của tiên sinh. Nhưng cũng chính kinh điển đạo Phật đối chiếu với cuộc đời đã trợ duyên cho tiên sinh có cơ hội chứng đắc được chân lý của đời sống. Một cách tổng quan, ta có thể phân chia tiến trình tư tưởng đạo Phật của tiên sinh làm ba thời kỳ:
1. Trước hết, trong thời kỳ thứ nhất, của những tháng năm ở núi Hồng Lĩnh, tiên sinh đã nhiều lần suy nghĩ và có những cảm nhận về tư tưởng thiền:
U cư sầu cực hết tri hoan,
Đạt nhân tâm kính quang như nguyệt (Tạp Ngâm, 2)
幽 居 愁 極 忽 知 歡
達 人 心 境 光 如 月
“... Quá buồn ở ẩn chốc đà hân hoan
“Đạt nhân lòng sáng như trăng ...” (Tạp Ngâm, 2) [2]
Ở nơi vắng vẻ, buồn đến cùng bỗng thấy vui, người thấu đạt lẽ đời gương lòng sáng như trăng”. Thuật ngữ “tâm kính” là danh từ được dùng rất thường trong Thiền tông Trung Hoa, khởi đầu bằng bài kệ của Thần Tú (神 秀):
Thân thị bồ đề thọ, 身 是 菩 提 樹,
Tâm như minh kính đài. 心 如 明 鏡 臺,
Thời thời thường phất thức, 時 時 常 拂 拭.
Mạc khiển hữu trần ai. 莫 遣 有 塵 埃 [3]
Và bài thơ phản bác của Huệ Năng (惠能):
Bồ đề bổn vô thọ, 菩 提本無 樹,
Minh kính diệc phi đài. 明鏡 亦非臺.
Bổn lai vô nhất vật, 本來 無 一物,
Hà xứ phất trần ai. 何處 拂 塵 埃. [4]
Hai câu thơ trong bài “Đạo ý” của Nguyễn Du ở thời kỳ này có vẻ chịu ảnh hưởng của lối thiền Thần Tú nhiều hơn. Thần Tú là một thiền sư nổi tiếng với chủ trương tu tiệm, nghĩa là có tu thì có chứng do sự huân tập dần dần cái tâm của mình. Quan niệm của Thần Tú còn trong chiều hướng của Tịnh Đô tông, lấy việc học tập rồi sẽ hiểu dần dần kinh điển cùng với việc niệm Phật để đạt đến giải thoát. Chỗ khác của Thần Tú là tuy chủ trương tu tiệm nhưng vẫn lấy cái tâm làm chủ, “Tu tâm tức là thấy được tánh”. Và Tố Như tiên sinh đồng
quan điểm với Thần Tú ở thời kỳ này trên con đường tìm kiếm cái tâm của mình. Cái tâm của Thần Tú hoặc Nguyễn Du ở đây vẫn trong vòng chấp vào hình tướng, nghĩa là vẫn chấp vào có một cái tâm để được “Sáng như trăng” hoặc để “Ngày ngày năng lau chùi”, có chấp tướng tâm tức là vẫn chưa thấy rõ được áo nghĩa của thiền, hiểu thiền là Ngộ, là thấu rõ cội nguồn của tâm. Cũng trong Thanh Hiên Tiền Hậu Tập, một lần nữa tiên sinh đã cho thấy quan niệm về thiền, về đạo Phật với quan niệm có một cái tâm (nhất phiến tâm) để an trụ mỗi khi giao tiếp va chạm với đời sống theo tinh thần của thiền sư Thần Tú:
ĐẠO Ý 道意
Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh, 明月照古井,
Tỉnh thủy vô ba đào. 井水無波濤.
Bất dị nhân khiên xả, 不被人牽扯,
Thử tâm chung bất dao. 此心终不摇.
Túng bị nhân khiên xả, 縱被人牽扯,
Nhất dao hoàn phục chỉ. 一摇還复止.
Trạm trạm nhất phiến tâm, 湛湛一片心,
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy. 明月古井水.
NÓI Ý MÌNH
Trăng sáng chiếu giếng xưa,
Nước giếng không sóng xao,
Nếu bị người buộc dắt
Lòng này không xao động,
Dẫu bị người dẫn dắt
Dao động một lúc rồi trong lắng trở lại,
Trong vắt một tấm lòng,
Trăng sáng chiếu giếng xưa.
Tạm chuyển lục bát:
Giếng xưa trăng sáng soi vào,
Nước không sóng gợn lao xao giếng này.
Chẳng ai ràng buộc dắt bày,
Lòng này chẳng thể làm lay động nào!
Dẫu cho ai dẫn dắt nao,
Lao xao rồi lại trở vào lắng trong.
Lắng trong cả một tấm lòng,
Giếng xưa vằng vặc sáng vầng trăng soi.
(Nói ý mình) [5]
“Trăng sáng” tượng trưng cho chân lý, “giếng xưa” tượng trưng cho “bản lai diện mục”. Nhưng chân lý mà Tố Như cảm nghiệm được vẫn còn loay hoay trong vòng tục đế. Dầu sao, thời kỳ này được xem rất cần thiết hầu chuẩn bị cho những tỏ ngộ mở rộng hơn về sau và phù hợp với tinh thần Thiền của Huệ Năng hơn.
2. Tiếp đến, trong thời kỳ rời chốn núi Hồng sông Lam để làm quan với triều Nguyễn, thấy bao nhiêu cảnh trái ngang của vòng danh lợi, cũng như chứng kiến bao cảnh đổi thay đã đưa tiên sinh lại gần với đạo Phật hơn. Nhưng thời kỳ này vẫn chỉ là thời kỳ chuyển tiếp với những chứng nghiệm về lẽ vô thường, với những thắc mắc về cuộc đời, trầm tư về thân thế của mình như là các tố tính của một tâm thức đang trên đường kiếm tìm chân lý:
Du du vân ảnh biến thần tịch
Cổn cổn lãng hoa phù cổ kim
Trần thế bách niên khai nhãn mộng
(La Phù Giang Thủy Các Độc Tọa)
悠 悠 雲 影 變 晨 夕
滾 滾 浪 花 浮 古 今
塵 世 百 年 開 眼 夢
(羅浮江水閣獨坐)
(Xa xa bóng mây thay đổi sớm chiều,
cuồn cuộn hoa sóng trôi nổi xưa nay,
Cuộc đờitrăm năm chỉ là giấc mộng khi mở mắt)
Tạm chuyển lục bát:
Mây xa sớm tối đổi dần
Xưa nay cuồn cuộn sóng vần bọt trôi
Trăm năm mắt mở mộng đời... [6]
Nói khác đi, tiên sinh đã thấy cảnh vật thiên nhiên rồi ngẫm lại cuộc đời không biết bao nhiêu sự dời đổi như một giấc mộng, đã “khai nhãn” (mở mắt) để thấy được lẽ biến hóa của dòng sinh mệnh. Song cái thấy của tiên sinh vẫn chỉ là thị kiến thường tình mà nhiều thi sĩ có thể cảm nhận được từ ngoại giới và ngay đời mình. Gọi là thường tình cũng chỉ là cách gọi tạm thời, và dĩ nhiên, nếu không có một sự trầm tư sâu xa, không có một mối giao cảm vô biên của các nhà thơ sẽ khó lòng có được những thị kiến chân thành như vậy. Những thắc mắc, những băn khoăn hoặc thị kiến như thế hầu như là mối lo nghĩ luôn luôn đè nặng lên tâm tư tiên sinh. Và cứ mỗi chặng hành trình, cứ mỗi gặp gỡ, đều gợi cho tiên sinh không biết bao nhiêu câu hỏi tra vấn mà sách vở hoặc kinh điển không thể nào giải quyết trọn vẹn. Thời kỳ làm quan ở Bắc Hà (1802-1804), những câu hỏi ấy lại được gợi lên lần nữa khi tiên sinh ghé ngang Lạng Sơn thăm các hang động danh tiếng ở đây:
Mãn cảnh giai không hà hữu tướng?
Thử tâm thường định bất ly thiền.
(Đề Nhị Thanh Động)
滿 境 皆 空 何 有 相
此 心 常 定 不 離 禪
(題二青洞) [6]
“Toàn cảnh đều là không, nào đâu có hình tướng? Lòng này thường định không rời thiền”. Câu hỏi và câu trả lời đó của tiên sinh ở bài thơ trên chứng tỏ rằng tiên sinh cũng rất am hiểu tư tưởng về tư tưởng tánh không trên con đường tầm cầu để mong hiểu được rốt ráo nghĩa của nó. Khi đặt câu hỏi “toàn cảnh đều là không, nào đâu có tướng?”, tư tưởng của tiên sinh không xa lạ gì đối với tư tưởng Bát Nhã. Trong một bài kệ của kinh Kim Cương Bát Nhã, đức Phật cũng từng dạy chúng sinh:
“Nhất thế hữu vi pháp
Như mộng, huyền, bào, ảnh
Như lộ diệc, như điển ứng tác như thị quán”
Dịch nghĩa:
“Phải quán như thế này
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng
Như sương, như điển chớp” [7]
Tiên sinh đã thấu hiểu các Pháp đều là Không (Bát Nhã), nhưng ai ngờ chính Không mới làm thành các pháp (mãn cảnh). Và rồi chính tiên sinh nhắc nhở lòng mình trước cảnh giới đất trời, cuộc đời: “Lòng này thường định không rời thiền”. Thiền cũng có nhiều con đường và câu trả lời của tiên sinh vẫn chỉ là một thứ “chân đế của tục đế”, nghĩa là chân lý còn ở cấp thấp, một hình thức thiền tuy lấy cái tâm để an trụ nhưng vẫn còn chấp vào nơi an trụ này. Với thiền, hiểu theo tinh thần Bát Nhã sẽ không có nơi nào để bám víu và cũng không có nơi nào để rời bỏ. Từ ngữ “bất ly thiền” (không rời thiền) mà tiên sinh dùng ở đây có lẽ phù hợp với quan niệm thiền của Thần Tú nhiều hơn vì Thần Tú vẫn nghĩ là có một cái tâm để mà “ngày ngày thường lau chùi” (thời thời thường phất thức), nghĩa là vẫn chấp vào một tâm và còn đang ở ngoài hàng rào của thiền Bát Nhã. Nhìn chung, Tố Như tiên sinh ít nhiều đã chứng đắc được sự thật của đời sống, song tâm thái của tiên sinh qua các câu thơ trên còn đang ở tư thế xao xuyến hầu làm căn cứ cho những quyết đoán phô bày sự chứng ngộ thật sự về sau.
3. Thời kỳ tiếp theo này được xem là thời kỳ quan trọng, đánh dấu tâm thức chứng đắc của tiên sinh. Trong thời gian rảnh rỗi sau khi hoàn tất nhiệm vụ sang tuế cống Trung Hoa, tiên sinh đã để nhiều ngày tháng viếng thăm các thắng tích nổi tiếng ở đất phương Bắc. Đây là cơ hội để tiên sinh hiểu rộng hơn về các tư tưởng thiền khác nhau ở Trung Hoa và cũng là dịp để tiên sinh thông ngộ được những áo nghĩa sâu kín mà sách vở hay kinh điển không thể giúp tiên sinh hiểu đến nơi đến chốn. Mãi khi đến Nam Kinh đi thăm viếng một thắng cảnh có tên là “Phân Kinh Thạch Đài (đài Phân Kinh)” do một Thái tử đời nhà Lương thiết lập để kỷ niệm việc ông này mang kinh điển nhà Phật ra phân loại, tiên sinh mới giải tỏa trọn vẹn những mối ưu tư chất chứa từ lâu:
“... Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn,
Thuyết pháp độ nhân như hằng hà sa số.
Nhân liễu thử tâm nhân tự độ.
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu,
Minh kính diệc phi đài,
Bồ đề bản vô thụ.
Ngã độc kim cương thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh.
Cập đáo “Phân kinh thạch đài” hạ,
Tài tri vô tự thị chân kinh. ”
(Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài /Bắc Hành Tạp Lục) [8]
.....吾聞世尊在靈山,
説法渡人如恒河沙數.
人了此心人自渡,
靈山只在汝心頭.
明鏡亦非臺,
菩提本無樹.
我讀金剛千遍零,
其中奥旨多不明.
及到分經石臺下,
纔知無字是眞經.
(梁昭明太子分經石臺 / 北行雜錄)
“Ta nghe Đức Thế Tôn ở Linh Sơn, Thuyết pháp độ được rất nhiều người. Người đã có tâm người tự cứu. Linh Sơn cũng chỉ ở lòng ta. Đài gương cũng chẳng có. Cây bồ đề vốn không cây. Ta đọc kinh Kim Cương hơn ngàn lần. Nghĩa sâu kín bên trong phần nhiều không hiểu hết. Kịp đến Phân Kinh Thạch đài này, mới hiểu rằng kinh không có chữ mới là chân kinh”. [9]
Tư tưởng của tiên sinh qua đoạn văn quan trọng trên biểu lộ rõ ràng ảnh hưởng của phái Thiền của Lục tổ Huệ Năng bên Trung Hoa. Thực vậy, khi Tố Như viết “Minh kính diệc phi đài, Bồ đề bản vô thụ”, chắc chắn tiên sinh đã hiểu biết những quan niệm về thiền theo lối đốn ngộ của Huệ Năng như chúng ta vừa đề cập bên trên. Ngài Huệ Năng, theo truyền thuyết, là người cũng lấy kinh Kim Cương làm căn bản cho việc tu tập tầm cầu chân lý. Sau nhiều thời gian nghiền ngẫm, cuối cùng, ngài đã tỏ ngộ được áo nghĩa của kinh qua câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (đừng khởi vọng tâm trụ chấp một nơi nào)[10]. Thấu rõ được áo nghĩa (paramita) của tư tưởng Kim Cương Bát Nhã Ba la mật (Vajrachedika - Prajnãparamita – Sutra), nên sau này ngài Huệ Năng mới dễ dàng phát biểu quan niệm thiền của mình vượt trội hơn hẳn nghĩa lý đạo Phật mà Thần Tú am hiểu, khi cả hai trình bày sự lãnh hội của mình cho thầy mình là Ngũ tổ Hoằng Nhẫn nghe. Cũng vậy, Tố Như đã chịu ảnh hưởng của thiền Huệ Năng, song tiên sinh cũng thông ngộ ít nhiều tư tưởng tánh không (Sunyata) theo tinh thần Bát Nhã khi viết: “Tài tri vô tự thị chân kinh” (Mới hiểu kinh không có chữ mới là chân kinh). Dĩ nhiên, sự chứng đắc diệu lý thiền nơi tiên sinh không hoàn toàn có tính cách lý thuyết qua sách vở, qua con đường tri thức; tiên sinh đã bao lần day dứt về cuộc đời dời đổi, thấy rõ bao cảnh khổ đau của chính mình, của thân thích, của người đời (Vọng Lam Giang, Sở Kiến Hành, Văn tế Thập Loại Chúng Sinh, ...). Và kinh điển nhà Phật vì liên quan mật thiết với tâm thức tiên sinh cũng như phù hợp với sự thật ở đời nên giải tỏa phần nào những lo nghĩ, trầm tư của tiên sinh. Việc tiên sinh đọc kinh Kim Cương hơn ngàn lần mà vẫn chưa thấy rõ áo nghĩa bên trong vì chưa thấy được ngọn nguồn của lẽ vô thường, tương tự việc tìm cầu của Huệ Năng khi ngài cũng đọc kinh này nhiều lần, và chỉ tỏ ngộ khi tâm trí đang dốc hết lòng bỗng nhiên nghe được câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” của một nhà sư. Từ đây, có thể nói rằng tư tưởng của tiên sinh không phải chỉ là một mớ những lo nghĩ, hoặc những thị kiến của các thời kỳ bên trên nữa; tâm thức của tiên sinh từng được chuẩn bị nay đã mở rộng thực sự để nhận ra một bầu trời mới mẻ trong lành như “trăng sáng nước giếng xưa” (Đạo ý).
Nói một cách tổng quát, Nguyễn Du tiên sinh đã tổng hợp được cùng lúc ba nguồn tư tưởng Nho, Lão, Phật, nhưng chất keo để gắn liền và để cho các tư tưởng này “đồng qui” không phải là đạo Phật theo lối hiểu phổ thông, mặc dù tư tưởng của đạo Phật được xem là phương sách giải quyết của tiên sinh. Chỉ có chất thiền, tinh hoa của đạo Phật, mới đủ khả năng dung hợp cùng lúc ba nguồn tư tưởng cốt tủy của Trung Hoa xưa kia để nở hoa thành tư tưởng Thiền tông. Nó không phải là thứ đạo Phật ở tục đế, nhưng là đạo Phật ở chân đế có khả năng soi tỏ, quán chiếu bao tâm sự của những kẻ “kỳ khí” như Tố Như. Làm thế nào để có thể “chẳng tu mà cũng như tu mới là” (Đoạn Trường Tân Thanh, câu 3108)? Câu hỏi đó chỉ có tư tưởng thiền tông mới đủ sức trả lời giữa các mối mâu thuẫn về công danh và tiêu dao nơi tiên sinh. Thêm vào đó, tư tưởng của Nguyễn Du không phải chỉ là sự suy tư trên sách vở, lý thuyết, nhưng đã được hun đúc, thành hình từ kinh nghiệm đời sống. Có sống thật, có từng trải, tư tưởng đó mới có giá trị đích thực trên bước đường soi sáng ý nghĩa đời sống. Mặt khác, tư tưởng dựa trên kinh nghiệm sống thật của bản thân, cũng chính là kinh nghiệm của thiền mà Tố Như tiên sinh đã trải qua trên bước đường trở về “gia hương”, trở về “xóm ngày xưa” (Mạn Hứng I, Ngẫu Đắc) [11] để tìm thấy giếng nước vẫn còn nguyên vẹn như xưa . Giữa khung trời “cố hương” đó, đạo Phật cũng không, đạo Nho cũng không mà Đạo gia cũng không. Tất cả đều là không để ánh trăng soi tỏ mà thôi. Sở dĩ các chương mục trong khảo luận này vẫn đề cập nhiều lần bài thơ “Lương Chiêu Minh Thái tử Phân Kinh Thạch đài” vì đó là bài thơ quan trọng đánh dấu tâm thức tỏ ngộ của Nguyễn Du trong việc tu tập theo tinh thần Thiền tông đã được tác giả thể hiện qua nhân vật Thúy Kiều của Đoạn Trường Tân Thanh.
* * *
Quá trình đi từ “Đạo Ý”,”Mạn Hứng”,”Đề Nhị Thanh Động”... v.v... của THTT cho đến bài thơ quan trọng nêu trên của BHTL là một bước đi vững chắc để “ngộ” về lẽ sâu xa và thấu hiểu “áo nghĩa”(chữ của Nguyễn Du) hay là cốt tủy của đạo Phật (The Essence Of Buddhism - tên một cuốn sách của D.T. Suzuki, An Tiêm Xb, Saigon 1971) thông qua Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh. Nếu không tỏ ngộ được như thế, làm sao trong Đoạn Trường Tân Thanh ở
những trang thơ nói về giai đoạn tái hợp với Kim Trọng lại có được những câu thơ hàm chứa tinh thần của Kim Cương và Bát Nhã Ba La Mật rất sâu sắc và đầy sức sống như chúng ta đã tìm hiểu ở nhiều chương mục bên trên. Và “Tân Thanh” hay là “Âm Thanh mới” của Kim Vân Kiều Truyện là gì nếu không có chất liệu tư tưởng của thiền tông đậm nét tinh thần của Kinh Kim Cương và Bát Nhã để khắc họa hình ảnh của Thúy Kiều: “Hoa tàn mà lại thêm tươi “ hay “ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa!” (c.3123-3124)... v.v... bên cạnh những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tả cảnh, tả tình..., v.v... rất tài hoa của Nguyễn Du. Một tác phẩm có giá trị và tồn tại lâu dài sẽ gắn kết với những tư tưởng sâu xa bên trong làm nòng cốt cho nó. Thấy được cái đẹp của hình thức tác phẩm mới là bước đi đầu tiên! Chúng ta cần nâng lên một bước nữa để thấy được vẻ đẹp sâu lắng của chất liệu tư tưởng bên trong nội dung tác phẩm. Và từ đó, chúng ta sẽ thấy được cái đẹp toàn bích của một tác phẩm đạt đỉnh cao như Đ.T.T.T. của Tố Như.
[1] Quách Tấn, S.đ.d, tr. 45.
[2] Có sách viết là “Đạt nhân tâm cảnh quang như nguyệt” (Quách Tấn, S.đ.d, tr. 60)
[3] Daisetz T. Suzuki, Thiền luận, quyển thượng, Sđd. tr. 324 (Trúc Thiên dịch).
[4] Daisetz T. Suzuki, Thiền luận ,quyển trung. S.đ.d. tr.60 (Tuệ Sĩ dịch).
[5] [6] [9][11] Dương Anh Sơn, Thơ chữ Hán của Nguyễn Du/Thanh Hiên Thi Tập, nguồn dẫn đã nêu ở các mục trước [7] Thích Thiện Hoa, Kim Cang và Tâm kinh dịch nghĩa lược giải, Sài Gòn, Hương Đạo XB, 1967, tr. 180.
[8] Đào Duy Anh, Khảo luận về Kim Vân Kiều, Quan Hải Tùng Thư X.B, Huế 1943, tr.215 và Nguyễn Đăng Thục, Thế giới thi ca Nguyễn Du, Kinh Thi X.B, Saigon 1971, tr.349
[10] Thích Thiện Hoa, S.đ.d, tr. 71 và 72.
Dương Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét