Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

Tiên Hạc Báo Ân - Truyền Thuyết Đẹp Của Người Nhật Bản

 

(Ảnh: Shutterstock)

TIÊN HẠC BÁO ÂN - TRUYỀN THUYẾT ĐẸP CỦA NGƯỜI NHẬT BẢN
Minh Tâm biên dịch 

Dân tộc Nhật Bản có không ít truyền thuyết đẹp vừa giản dị, chất phác, lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa. “Tiên hạc báo ân” chính là một trong số đó.

Tiên hạc hóa thành thiếu nữ

Ngày xửa ngày xưa, ở miền quê nọ có một cặp vợ chồng già sinh sống, hai ông bà đã đến tuổi xế chiều mà vẫn chưa có mụn con nào. Vào một ngày tuyết rơi lạnh buốt, ông lão gánh củi đi bán. Trên đường ông thấy một con hạc mắc kẹt trong chiếc bẫy chim, hạc ta càng vùng vẫy thì chiếc bẫy lại càng siết chặt hơn. Ông lão động lòng liền nói: 

Ngươi cứ đứng yên đó chớ động đậy, ta sẽ cứu ngươi. 

Con hạc được ông lão giải cứu thì vô cùng cảm kích, nó kêu lên vài tiếng rồi sải cánh bay đi.

(Ảnh: Shutterstock)

Trở về nhà, ông bèn kể lại mọi chuyện cho bà lão nghe. Hai người vẫn đang vui vẻ trò chuyện thì bỗng nghe thấy bên ngoài vang lên tiếng gõ cửa.

- Xin hỏi ai đó?

Bà lão lật đật ra mở cửa, trên nền tuyết trắng xóa là một cô nương xinh đẹp đang đứng co ro vì lạnh.

- Xin lỗi bà, cháu biết giờ đã khuya rồi, nhưng cháu không còn cách nào khác phải làm phiền ông bà. Hôm nay tuyết dữ dội quá mà cháu lại lạc đường, bà có thể cho cháu nghỉ trong nhà một đêm được không?

- Ta chẳng hẹp hòi gì nhưng cháu hãy xem, nhà ta nghèo lắm, ngay cả một chiếc chăn cũng không có. Nếu cháu không chê thì cứ ở lại đây.

Cô gái trẻ được bà lão đồng ý thì vô cùng vui mừng, cúi mình cảm ơn bà rối rít.

Liên tiếp nhiều ngày sau đó tuyết vẫn rơi dữ dội, cô nương không còn cách nào khác đành phải ở lại nhà ông bà lão. Cô gái ấy có tấm lòng thiện lương, ngày ngày đều nấu cơm, giặt giũ và vui vẻ làm hết mọi việc nhà. Cô tận tâm chăm sóc hai ông bà như chính thân nhân của mình. Một ngày, cô nói: 

- Cha mẹ cháu không còn, cháu cũng không biết phải đi đâu về đâu, vậy cháu có thể ở lại đây làm con gái của ông bà được không ạ?

Hai ông bà sống một mình không con không cháu nên rất mừng rỡ, từ đó, họ coi cô gái ấy như chính con đẻ của mình vậy.

Một ngày, cô nương nói với ông bà lão: 

- Con muốn dệt một tấm vải thật đẹp để cha mang đi bán, cha có thể mua giúp con một ít sợi dệt được không?

Ông lão lập tức mua sợi dệt về, còn cô gái cũng nhanh chóng bắt tay vào dệt vải. Cô nói với hai ông bà: 

- Giờ con sẽ dệt vải, có lẽ sẽ cần không ít thời gian, vậy xin cha mẹ đừng nhìn vào phòng con nhé.

- Ta biết rồi, chúng ta tuyệt đối sẽ không nhìn đâu, con cứ yên tâm dệt vải đi.

Sau đó, cô nương liền nhốt mình trong phòng và bắt đầu dệt vải, từ sáng sớm cho đến lúc tối mịt vẫn chưa xong, ông bà lão ở bên ngoài chỉ nghe thấy tiếng khung cửi kêu lên kẽo kẹt. Cứ như thế suốt hai ngày liền.

Đến đêm ngày thứ ba tiếng khung cửi im bặt, cô nương mở cửa phòng và ôm một súc vải bước ra ngoài. Chất vải mềm mịn, hoa văn trang nhã quý phái quả là tấm vải đẹp vô cùng, là thứ vải hai ông bà chưa từng thấy trước nay.

Cô nương nói: 

- Đây là vải Hạc Chức Bố (vải dệt từ lông hạc), con tin rằng nếu đem bán ở trong thành sẽ rất đáng giá. Phiền cha mang đi bán giúp con và mua thêm sợi cho con nhé.

Hôm sau, ông lão đem tấm vải vào thành, vừa đi vừa rao trên phố:

- Hạc Chức Bố, Hạc Chức Bố đây, có ai muốn mua không? Hạc Chức Bố cao cấp đây!

Tấm vải rất đẹp, ai nhìn thấy cũng muốn mua. Ông lão bán được giá cao, liền tiện đường mua thêm sợi dệt và các vật dụng khác rồi mừng mừng rỡ rỡ trở về nhà.

Ngày tiếp theo cô gái lại dệt vải, tấm vải mới lần này đẹp hơn, bóng bẩy hơn, bán được giá cao hơn. Hai ông bà nhờ có cô con gái khéo tay mà phút chốc trở nên dư dả.

Tuy nhiên đến ngày thứ ba khi cô gái đang dệt vải, bà lão đột nhiên nổi tâm hiếu kỳ, vì quá tò mò bà liền thì thầm với chồng: “Con gái chúng ta làm thế nào dệt được tấm vải đẹp như vậy nhỉ? Hay tôi thử lén nhìn xem sao”.

Như thế, bà lão liền len lén nhìn qua khe cửa vào trong phòng. Trong căn phòng nhỏ không một bóng người, chỉ có một con hạc đang dùng cái mỏ dài nhổ từng sợi, từng sợi lông trên thân mình để dệt vải. Lông hạc bị nhổ gần hết đến mức trơ trụi, còn con hạc thì giờ đây cũng xác xơ đến đáng thương.

Hai ông bà vẫn còn đang sững sờ không thốt nên lời thì cô con gái liền dừng lại, ôm tấm vải đã dệt thành bước ra khỏi phòng. Cô nói:

- Cha, mẹ, ân tình của cha mẹ con vĩnh viễn không thể nào quên. Con chính là con hạc mà cha đã giải cứu khỏi chiếc bẫy hôm ấy, vì muốn báo ân nên con mới đến đây. Nhưng vì dung mạo thật đã bị phát hiện nên con không thể ở lại báo đáp cha mẹ được nữa. Con xin cảm tạ những ngày qua cha mẹ đã quan tâm đến con, mong cha mẹ hãy bảo trọng.

Dứt lời, vị cô nương liền giang rộng hai tay rồi biến thành hạc bay lên không trung. Chim hạc lượn vài vòng trên nóc nhà trước khi bay về phía ngọn núi xa xa.

(Ảnh: Shutterstock)

Tiên hạc làm vợ báo ân

Câu chuyện kể trên là phiên bản được lưu truyền rộng rãi nhất của “Tiên hạc báo ân” tại Nhật Bản. Ngoài ra còn có một truyền thuyết xuất phát từ huyện Nanyo tỉnh Yamagata và cũng được lưu truyền khá rộng rãi, đó là người vợ hạc tiên.

Truyền thuyết này xuất hiện trong các thư tịch từ thời đại Edo, đồng thời cũng là ghi chép có liên quan sớm nhất trong các tư liệu lịch sử của Nhật Bản. Rất nhiều địa danh ở khu vực Urushiyama có quan hệ với “Tiên hạc báo ân”, ví dụ như Tsurumaki, Hanetsuki, Orihata, v.v. Ngoài ra, còn có một ngôi chùa cổ tên là “Hạc Bố Sơn Trân Tàng Tự”. Dưới đây là nội dung chính của câu chuyện:

Xưa kia, ở núi Niiyama bên bờ sông Orihata có một chàng trai tên là Kim Tàng. Một ngày trên đường từ Miyauchi trở về nhà, anh nhìn thấy có cậu bé đang trêu chọc một con hạc đã bị trói chặt. Kim Tàng thương xót con chim hạc bé nhỏ, anh liền trút ra tất cả tiền trong túi để chuộc lại con hạc rồi cởi dây trói và thả nó về trời. Chim hạc cảm kích lượn vài vòng trên không rồi bay đi.

Chẳng bao lâu sau, có một cô gái vô cùng xinh đẹp đến gõ cửa nhà Kim Tàng và khẩn khoản xin được làm người nâng khăn sửa túi cho chàng. Mặc dù Kim Tàng cố hết sức cự tuyệt nhưng cô gái vẫn không chịu rời đi, bất đắc dĩ anh đành cho cô ở lại trong nhà. Cô gái trẻ ở nhà ngày ngày dệt vải, những tấm vải do cô dệt đều vô cùng tinh xảo.

Một ngày, cô gái nói: 

- Phu quân à, vì muốn báo đáp chàng nên thiếp đã dệt những tấm vải này. Nhưng nội trong vòng bảy ngày tới, thiếp muốn được chuyên tâm làm việc, xin chàng tuyệt đối đừng nhìn vào phòng trong lúc thiếp đang dệt. 

Cô gái dứt lời liền vào trong phòng đóng chặt cửa lại, cả ngày lẫn đêm căn phòng chỉ vang lên tiếng khung cửi kẽo kẹt. Suốt bảy ngày ấy Kim Tàng nhấp nhổm không yên, đến đêm anh không thể nhẫn chịu được nữa, trong tâm thầm nghĩ: “Rốt cuộc nàng ấy dệt vải gì mà lại nhốt mình suốt trong phòng như thế nhỉ?”. 

Rồi anh rón ra rón rén bước đến gần cửa sổ và len lén nhìn vào trong. Không ngờ, cảnh tượng trước mắt khiến anh ta sợ hãi đến mức bất giác kêu lên một tiếng:

- A!!!! 

Ngay sau tiếng kêu của Kim Tàng, tiếng khung cửi cũng đột ngột dừng lại.

Thì ra, người đang dệt không phải vợ anh mà là một con hạc! Nó đang nhổ từng sợi lông trên thân để dệt thành tấm vải. Con hạc trông tiều tụy đến mức đáng thương, lông vũ trên mình gần như đều đã bị nhổ sạch cả rồi.

Con hạc đã trơ trụi lông ấy vô cùng buồn bã nói:

- Phu quân, thiếp đã dặn chàng không được nhìn, cớ sao chàng chẳng nghe lời thiếp? Như chàng đã thấy, thiếp không phải là người, mà là con hạc chàng đã cứu trước đây. Thiếp dệt vải chính là vì muốn báo đáp ân tình của chàng. Đây là Mạn Đà La có hình Bồ Tát và chư Phật do chính lông vũ của thiếp dệt thành. Đó cũng là di vật mà thiếp để lại cho chàng trước lúc chia tay. Thời giờ đã hết thiếp phải đi rồi, vĩnh biệt chàng! 

Dứt lời, chim hạc bay vút về trời không còn bóng dáng đâu nữa.

(Ảnh: Shutterstock)

Kim Tàng vừa thương tâm vừa tự trách bản thân mình, không lâu sau anh cũng xuất gia làm tăng nhân. Vì để lưu giữ Mạn Đà La mà thê tử để lại, anh đã xây dựng một tòa tự viện đặt tên là Kim Tàng Tự (Chinzoji), sau này đổi tên thành Hạc Bố Sơn Trân Tàng Tự.

* * * 
Tương truyền, ngôi chùa cổ Kim Tàng ở huyện Nanyo tỉnh Yamagata chính là do Kim Tàng xây dựng khi anh quy y cửa Phật vào năm đầu Kansho (1460). Tấm vải dệt bằng lông chim hạc được lưu giữ tại đây là một trong những bảo vật trấn tự của chùa. Điều đáng tiếc là, Mạn Đà La với hình chư Phật và Bồ Tát do chim hạc dệt đã bị thiêu hủy trong hỏa hoạn, giờ đây chỉ còn lại một truyền thuyết đẹp và thiền vận cổ phong của ngôi chùa mà thôi. 

Kim Tàng Tự là thắng cảnh nổi tiếng vào thời lãnh chúa Y Đạt Chánh Tông (Date Masamune - biệt hiệu Độc Nhãn Long) từ năm 1567 đến 1636. Trong chùa có một chiếc chuông lớn được gọi là chuông Tịch Hạc, trên mặt chuông đúc hình Tiên hạc báo ân. Bầu không khí trong chùa tĩnh mịch trang nghiêm khiến người ta có cảm giác như được tẩy tịnh thân tâm, sân và thềm rực sáng màu lá đỏ và vàng, khung cảnh ngoạn mục đẹp tựa chốn Thần Tiên.

Điều thú vị là, không chỉ riêng Nhật Bản mà tại các nước lân cận như Hàn Quốc, Trung Quốc… đều ưa chuộng loại áo khoác dệt từ lông chim hạc. Người Trung Quốc thời Đường gọi áo khoác lông hạc là “Hạc sưởng cừu”. Trong lịch sử, rất nhiều danh nhân và Đạo sĩ cũng từng mặc Hạc sưởng, ví dụ như Gia Cát Khổng Minh thường quấn khăn trên đầu, thân khoác Hạc sưởng, tay cầm chiếc quạt lông vũ…

Trước kia, vùng đông bắc Nhật Bản có truyền thống dùng vải dệt từ lông chim hạc, tiếc là truyền thống ấy đã dần dần mai một. Ngày nay, chỉ còn rất ít người dân địa phương dệt vải lông hạc mà thôi.

Các thời kỳ khác nhau, các dân tộc khác nhau có những phong tục và tập quán khác nhau, từ đó hình thái văn hóa cũng muôn màu muôn vẻ. Tuy nhiên, giữa các nền văn hóa vẫn có nhiều điểm tương đồng như một dòng chảy xuyên suốt, ví dụ như các giá trị quan về “thiện ác hữu báo”, hay “tri ân đồ báo”, v.v. Đó cũng là những đạo lý ẩn chứa trong câu chuyện Tiên hạc báo ân, qua đó nhắn nhủ hậu nhân rằng: Ở hiền gặp lành, người thiện lương luôn có Thần Tiên trợ giúp, đồng thời, làm người thì thì nên giữ chữ Tín, thiện đãi thế nhân, tri ân một giọt báo ân một dòng…

Tác giả: Tu Thực - Epoch Times

Minh Tâm biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét