Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

Làm Quan Một Lòng Vì Dân, Sống Thọ Chết Thành Thần

 

Làm quan một lòng vì dân, sống thọ chết thành Thần. (Tranh Hiểu Vận - Epoch Times)

LÀM QUAN MỘT LÒNG VÌ DÂN, SỐNG THỌ CHẾT THÀNH THẦN
Hữu Đức biên dịch

Từ Cửu Kinh sống vào đời Minh, tự Tử Thận, là người Quý Khê, Giang Tây, Trung Quốc. Năm Gia Tĩnh 15 (năm 1536), khi ông gần 40 tuổi, được tiến cử làm quan tri huyện Cú Dung. Ông mặc áo bào vải cũ, ngồi kiệu trúc cũ tới nhiệm sở, bắt đầu cuộc đời làm quan “9 năm ngày nào cũng như ngày nào”, “tận tụy hết lòng vì dân”.

Xử lý tham nhũng, lập lại kỷ cương phép tắc

Trước khi Từ Cửu Kinh nhậm chức, huyện Cú Dung từ lâu đã mang phong khí thối nát, quan viên nha lại tham lam hủ bại đã thành thói thường, dân chúng chịu rất nhiều khổ sở. Người trong huyện nghe nói có tri huyện mới đến thì vui mừng, mong mỏi ông có thể thay đổi phong khí. Thế là, mọi người tụ tập lại chờ đón ông. Không ngờ, ông gặp người dân, chỉ hỏi việc lặt vặt thường nhật, rồi để họ ra về. Người dân cảm thấy chán, lo rằng ông cũng sẽ gây thất vọng như các quan tiền nhiệm. Nhưng sau 3 ngày, người dân đã phải nhìn ông bằng con mắt khác.

Lúc đó, huyện nha có một nha lại nọ, ngay sau hôm Từ Cửu Kinh nhậm chức, đã lén lút đóng ấn quan huyện lên tờ công văn trống, bị Từ Cửu Kinh bắt quả tang. Từ Cửu Kinh giận dữ, lập tức triệu tập toàn thể nha lại lên công đường thẩm tra. Đám nha lại này ăn dây với nhau, xin tha cho hắn. Trong đó, có một người còn nói: “Viên nha lại này chỉ là vì người thân mà bổ sung công văn, không phải là ăn hối lộ”. 

Từ Cửu Kinh lập tức bác bỏ, nói: "Ta hiện tại thẩm vấn cũng đâu phải án hối lộ, mà là dùng trộm ấn!" 

Đoạn, cương quyết theo phép công trị tội người nọ.

Tiếp đó, Từ Cửu Kinh lại tra ra cơ số nha lại tham ô hối lộ, ức hiếp người dân, nhất loạt đưa bọn họ ra trừng phạt nghiêm minh. Để phòng ngừa nha lại mưu lợi bất chính khi thu thuế, ông tra xét ruộng vườn nhân khẩu, ghi vào sổ sách, nghiêm khắc yêu cầu y theo sổ sách mà trưng thu; đồng thời, loại bỏ tất cả các khoản chi phù phiếm, lại cắt giảm hơn nửa các khoản lao dịch của người dân. Để tránh nha lại trong ngục giam làm việc tùy tiện, gây thành oan sai, ông lại áp dụng biện pháp cho các bên liên quan đối chất ở công đình; trước khi thẩm án, ông sẽ đích thân tiến hành điều tra.

Từ đó về sau, nha môn thuộc hạ biết sự lợi hại của Từ Cửu Kinh, không dám tiếp tục làm xằng làm bậy; những kẻ đút lót thấy không theo bổn cũ được nữa, phải chủ động rút lui. Dân chúng nhận được lợi ích thiết thân, hết lòng ủng hộ vị "quan phụ mẫu" này.

Mua lương thực nấu cháo cứu dân, trừng trị kẻ trục lợi và kẻ cướp lương thực

Từ Cửu Kinh thẩm án, vừa có khoan dung vừa có nghiêm khắc. Đối với dân thường, ông rất ít dùng hình, cũng không muốn nhốt ngục; còn đối với những kẻ cậy thế hoành hành, tàn hại người dân, thì không nương tay chút nào.

Có một năm, Giang Nam gặp tai họa lớn, giá gạo tăng cao, người dân huyện Cú Dung vật lộn nơi lằn ranh sinh tử. Từ Cửu Kinh vì dân mà thỉnh nguyện, hy vọng triều đình phát chẩn. Nhưng lương thực ở trên phát xuống chỉ có gần mấy trăm thạch, lại còn bắt mua. Ông cho rằng: Số lương thực này không chỉ còn xa mới đủ, mà người mua cũng chỉ có thể là những người có tiền. Thế là, cương quyết để phủ quan bỏ vốn, mua lương thực, đem nấu cháo chia cho người đói; sau lại mở kho lương, để người đói đến nhận gạo; ai đường xá xa xôi, thì để họ đến phú hộ gần đó lĩnh, rồi phủ quan sẽ trả cho phú hộ sau, tạm thời giải quyết được sự cấp bách của nạn đói.

Không lâu sau, phát hiện có mấy phú hào, không chỉ không đem lương thực cho người nghèo khó vay mượn, lại còn đầu cơ tích trữ hòng trục lợi. Thậm chí, còn có kẻ thừa nước đục thả câu, chiếm đoạt dân nữ. Sau khi Từ Cửu Kinh biết được, lập tức phái người bắt những kẻ ác ôn này về nha huyện, trước là đánh cho một trận, sau đem nhốt vào đại lao chờ xử lý. Đồng thời, lệnh cho người cưỡng chế lương thực nhà bọn họ, phân phát cho người nghèo khó gần đó.

Ở chỗ này, còn có vụ án nhóm 17 kẻ đánh cướp lương thực mà người đói lĩnh được. Từ Cửu Kinh nghe tin xong, liền lập tức phái người truy bắt, đem đám trộm cướp này diễu phố thị chúng, rồi xử tử.

Sau khi những án lệ này truyền ra, đám ác nhân sợ mất mật, không còn dám làm xằng làm bậy. Vì thế, mặc dù gặp năm tai họa, huyện Cú Dung lại đạt được cảnh đi đường không nhặt của rơi, đêm đến không cần đóng cửa.

Đối phó với những thái giám tham lam vô độ

Trong huyện Cú Dung có núi Mao Sơn, trên núi có một số Đạo quán. Hoàng đế Gia Tĩnh tín phụng Đạo giáo, thường vẫn phái các thái giám đến đó tế Thần. Những thái giám này từ lâu đã quen ăn uống vòi vĩnh, mỗi lần đến địa phương nào đó là đòi hỏi vô độ. Sau khi Từ Cửu Kinh biết được thì trong lòng cảm thấy trĩu nặng. Lúc này, có người đề xuất cho ông: Phủ Ứng Thiên có rất nhiều huyện, hay là bảo họ gánh vách một chút chi phí thiết đãi thái giám. Từ Cửu Kinh lắc đầu liên tục, nói: "Cứu tế giúp dân, đây là chức trách người làm quan từ xưa đến nay. Dân huyện bên cạnh cũng là dân của ta, sao có thể nhẫn tâm chỉ lo cho mình?" 

Thế là, Từ Cửu Kinh quyết định tìm biện pháp vừa không nhũng nhiễu dân, lại có thể ứng phó các thái giám kia. Tìm tới tìm lui, ông tìm được hai khoản: Một là trên sổ lương thực có ghi về phụ phí cho ông sử dụng, tuy rằng hiện không có mấy, nhưng có thể chiểu theo thông lệ, tiếp tục trưng thu của dân chúng. Hai là trong các vụ án cũ, phát hiện một khoản tiền tịch thu của thương nhân ở quá khứ, đã lưu giữ ngoài ngân khố nhiều năm. Nói như bây giờ là thuộc về “ngoài sổ sách”. Kết quả, ông không lấy phụ phí, còn hạ lệnh bỏ khoản phụ phí “chi dùng bừa bãi” này; còn đối với số tiền “ngoài sổ sách”, thì một mặt cho người lấy ra, một mặt báo lên tuần phủ, để dùng cho việc cúng tế của các thái giám.

Lại nói về mấy thái giám nọ, bởi vì bọn họ từ lâu đã nghe tiếng Từ Cửu Kinh thanh liêm, trong lòng cũng đề phòng; lại thám thính được hoạt động gần đây của ông, cũng không dám làm càn, cho gì thì nhận nấy. Vì thế, người dân Cú Dung miễn được một kiếp nạn.

Xong việc, có người phàn nàn Từ Cửu Kinh bỏ qua một cơ hội lấy lòng thăng quan tiến chức, ông lại nói: "Loại cơ hội như vậy thì càng ít càng tốt!"

Cứu tế giúp dân, đây là chức trách người làm quan từ xưa đến nay. (Tranh minh họa: Chân dung Lục Vũ - tranh Nhật Bản - miền công cộng)

Bức tranh rau xanh

Từ Cửu Kinh vốn không có ham thích gì, chỉ là có tật là thích uống chút rượu. Đối với bạn bè đồng liêu ở Cú Dung ông không quà cáp, nhưng lại thường thường cùng họ uống rượu. Ở nha huyện, vốn có một vườn canh tác rộng, chuyên dùng cho việc cải thiện đời sống của quan viên nha lại. Sau do nha lại trong huyện chỉ thích bóc lột người dân, khiến mảnh vườn kia dần dần bị bỏ hoang. Từ Cửu Kinh sau khi phát hiện ra thì như nhặt được của quý. Ngoài việc công vụ ra, ông thường dẫn thuộc hạ khai khẩn. Đất thì trồng rau dưa, ao thì thả cá bột, còn một góc thì để nuôi gà vịt heo cừu. Ông cho rằng: Từ giờ, chẳng những có thể trợ cấp đời sống thuộc hạ; mà còn có thể đãi khách, giảm bớt trách nhiệm của người dân, thực sự là nhất cử lưỡng tiện.

Từ Cửu Kinh thường ngày mặc dù ham rượu, nhưng rất ít ăn thịt. Ông còn tự vẽ một bức “Tranh rau xanh”, treo trên tường trong phòng làm việc, thường chỉ vào rau xanh trong bức vẽ nói: "Cổ nhân nói: Dân bất khả hữu thử sắc, sĩ bất khả vô thử vị." Ý tứ là: Nếu quan mà thanh liêm, biết ăn rau dưa này, thì mặt dân chúng không xanh xao nữa, không phải đói nghèo.

Sau 9 năm, Từ Cửu Kinh nhờ thành tích xuất sắc, mà được điều đi nhậm chức Công bộ chủ sự. Dân trong huyện nài ép ông ở lại không cho đi, đến hơn một tháng, xong không được. Sau, người lớn biết không dùng biện pháp cứng rắn lưu ông ở lại được, lại để trẻ con níu y phục của ông, khóc lóc không cho ông rời. Sau rốt, các bô lão thấy rằng lệnh trên đã ban ra khó có thể thu hồi, không thể làm gì khác hơn là ứa nước mắt, xin giữ lại bức “Tranh rau xanh” mà ông vẽ để làm kỷ niệm. Lại hỏi ông còn có điều gì dạy bảo? Ông ứa nước mắt, nói: "Tôi dạy mọi người, chỉ có Kiệm và Cần cùng với cả Nhẫn mà thôi." 

Thế là, mọi người lại xin ông ghi thêm trên bức “Tranh rau xanh” ba chữ “Cần, Kiệm, Nhẫn”, truyền tụng là "Tam Tự Kinh của Từ công", để làm kỷ niệm vĩnh viễn. Sau khi ông rời huyện Cú Dung, dân chúng hoài niệm không ngừng, lập đền cho ông trên núi Mao Sơn.

Sống thọ, chết thành Thần

Sau khi Từ Cửu Kinh vào kinh, nhờ thành tích xuất sắc nên không ngừng thăng tiến. Nhưng không lâu sau, nhân việc ông bận việc công mà không nghênh đón quan trên, bị ác quan Triệu Văn Hoa - là người của bè đảng Nghiêm Tung, vốn căm hận ông - công kích, bị bãi quan về quê. Lúc này, ông đã gần 60.

Sau khi lui về quê nhà, chí giúp dân của Từ Cửu Kinh không hề suy suyển: Ông mở trường học miễn phí, bố thí cứu tế; gặp phải năm có tai họa, thì chiêu an lưu dân, dẫn dắt khai hoang; vì phòng thiên tai mà không nề hà tuổi cao sức yếu. Ông bôn ba khắp nơi, săn sóc đất đai, thủy lợi. Dưới ảnh hưởng của ông, những người con làm quan của ông cũng đều nghiêm khắc giới luật bản thân, được dân chúng địa phương tán tụng.

Từ Cửu Kinh hưởng thọ 85 tuổi. Khi ông bệnh vẫn quan tâm về dân chúng huyện Cú Dung. Một ngày nọ, lúc hấp hối, ông đột nhiên ra dáng tươi cười, chắp tay nghênh tiếp, lại nói với người nhà: "Chúng thần Mao Sơn tới đón ta, ta phải đi!" Nói xong những lời này thì cũng đột ngột qua đời.

Người dân địa phương nói: "Vào đêm Từ Cửu Kinh qua đời, có nhiều người đều mộng thấy ông: Mặc hồng bào, cưỡi ngựa trắng, mang theo mấy tùy tùng, đi vào đền Mao Sơn, thành Thần Tiên ở đó!"

Người dân huyện Cú Dung, sau khi biết tin Từ Cửu Kinh qua đời, thì đến lễ bái trước đền thờ ông nườm nượp không dứt, cúng tế vị quan phụ mẫu đã từ hơn 30 năm trước.

 (Theo “Minh sử”, “Thanh quan truyện” v.v…)

Đăng lại từ Zhengjian.org

Tác giả: Trịnh Niệm Hành

Hữu Đức biên dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét