Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

Thơ Chữ Hán Của Nguyễn Du - Nam Trung Tạp Ngâm

 


Thơ Chữ Hán Của Nguyễn Du - NAM TRUNG TẠP NGÂM 
Thầy Dương Anh Sơn

THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU

有形徒役役
無病故搆搆
回首藍江浦
閒心謝白鷗
(秋至)

Hữu hình đồ dịch dịch,
Vô bệnh cố câu câu.
Hồi thủ Lam-Giang phố,
Nhàn tâm tạ bạch âu.
(Thu chí/N.T.T.N)

NAM TRUNG TẠP NGÂM
(Tập 2)

南中雜吟
(1804-1812)
NGUYỄN DU

Dương Anh Sơn
(Chuyển lục bát - 2003)

VÀI NÉT VỀ NAM TRUNG TẠP NGÂM
(Tập 2)

Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất được đất nước sau khi đánh dẹp xong triều Tây Sơn và lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long. Trong chuyến ngự giá ra Bắc, vua Gia Long đã ra chỉ thị cho mời các cựu thần nhà Lê và các hiền tài ra giúp nước như Phạm Qúy Thích, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Nể v.v... Lúc này Tố Như đã 38 tuổi cũng có lệnh cho mời ra yết kiến vua để cùng theo tháp tùng đi ra Bắc ( Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện). Sau thời gian làm Tri huyện Phù Dung và Tri Phủ Thường Tín ông được cử lên Nam Quan đón tiếp sứ nhà Thanh sang phong vương cho vua Gia Long, ông lại xin cáo bệnh về quê. Đó là chặng đường làm quan đầu tiên đã được ghi trong “Thanh Hiên Tiền Hậu Tập”(Tập 1) đã đề cập ở phần trước (1804).

NAM TRUNG TẠP NGÂM là những bài thơ được Nguyễn Du làm ra khi được thăng Đông Các học sĩ, tước Du Đức Hầu vào nhận chức trong triều đình tại Huế (1805). Đến năm 45 tuổi (1809), ông lại được bổ làm Cai Bạ dinh Quảng Bình. Tập thơ này là công trình do nhiều học giả đã sưu tập được trước sau có 40 bài của Tố Như sáng tác trong thời gian này.

* * *

Con đường ra làm quan với triều đình nhà Nguyễn cũng chỉ là chuyện bất đắc dĩ với Nguyễn Du mà thôi. Một người như Tố Như từng có một thời gian dài sống ung dung tự tại nơi dãy núi Hồng, do hoàn cảnh thay đổi của lịch sử, việc làm quan xét cho kỹ chỉ là chuyện đối phó với thời thế và một phần nào là chuyện cơm áo.

1/ Trước hết, NAM TRUNG TẠP NGÂM đã cho chúng ta thấy rõ Tố Như thường vẫn để lòng tưởng nhớ quê nhà khi ra làm quan. Chốn quê nhà của ông không phải chỉ có “thập khẩu hài nhi thái sắc đồng” (Ngẫu Hứng – Bài 4) mà còn là nỗi niềm nhớ thương về một quê hương với mùa thu xa xôi của một thuở nào chưa bị chuyện làm quan bó buộc:

...“Bất tài đa khủng tốc quan phi,
Niên niên thu sắc hồn như hử.
Nhân tại tha hương bất tự tri”
(Giang Đầu Tản Bộ - Bài 1)

Không có tài nên nhiều cái sợ vì việc quan thường vội vã dễ sai lầm. Sắc thu mỗi năm đều như thế cả. Người đang ở chốn quê xa không tự mình hay biết đó thôi...

Ước vọng tự do của một thuở nào khi còn ẩn thân ở dãy núi Hồng luôn luôn canh cánh trong lòng Tố Như:

...“Vọng ngoại Hồng Sơn tam bách lý,
Tương tòng hà xứ vấn tiền lân.”
(Ngẫu Đắc).

Nhìn về dãy núi Hồng ngoài ba trăm dặm, biết chốn nào để theo hỏi thăm về xóm cũ trước kia... Chốn xưa thân thiết và gần gũi của vùng núi Hồng với những đám cây tùng hoặc là những hòn đá núi được ví như những người bạn than thiết đã cùng thề bồi có nhau:

“... Vị ngã Hồng sơn tạ tùng thạch,
Tái vô diện mục kiến đồng minh.”
(Tạp Ngâm)

Thương nhớ Hồng Sơn từ chốn quan trường là thương nhớ về một thuở nào thong dong đuổi thú, xua chó đi săn trong non ngàn tràn đầy sự tự do và ngoài vòng cương tỏa:

“Nghêu ngao vui thú yên hà,
Mai là bạn cũ, hạc là người quen.”

Theo nhà khảo cổ Vương Hồng Sển, hai câu thơ trên được cho là của Nguyễn Du đề vào chén sứ của một lò làm chén trong chuyến sứ trình sang Trung Hoa đã cho thấy rõ ít nhiều chí hướng của một con người nghệ sĩ như Nguyễn Du luôn luôn mang bên mình tấm lòng yêu chuộng tự do vì tự do đồng nghĩa với hạnh phúc. (xem thêm: Thôn Dạ, Tạp Thi, Hành Lạc Từ ... T.H.T.H.T/ Tập 1)

2/ Tiếp đến, NAM TRUNG TẠP NGÂM cũng cho ta thấy rõ tâm tư của Nguyễn Du khi bất đắc dĩ ra làm quan cho triều Nguyễn. Gia đình của ông từ cha anh và các người trong dòng họ đã chịu nhiều ân sủng của vua Lê chúa Trịnh. Thời thế đổi thay, nhà Tây Sơn đã diệt Trịnh ở Đàng Ngoài, Lê Chiêu Thống phải bỏ chạy sang Tàu cầu cứu Mãn Thanh. Rồi Nguyễn Ánh nhân cái chết Quang Trung, nội bộ Tây Sơn chia rẽ đã dẹp được Tây Sơn và thống nhất đất nước. Tấm lòng của Nguyễn Du khi ra làm quan nhà Nguyễn ít nhiều vẫn hoài vọng về triều Lê:

“Khả liên bạch phát cung khu dịch,
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung.
Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo,
Cảnh Hưng do quải cựu thời chung.”
(Vọng Thiên Thai Tự)

Thương thay cho mái đầu đã bạc mà vẫn còn đeo đuổi , lận đận nơi xa xôi, không cùng ngọn núi xanh trọn niềm trước sau có nhau. Nhớ năm trước đã từng ghé thăm nơi đây có treo quả chuông đúc từ thời Lê Cảnh Hưng.... Một bên là hoài niệm những ngày tháng nhàn dật cùng dãy núi xanh sống gần gũi với thiên nhiên và một bên là mối hoài niệm kín đáo về thời Lê đã đi qua.

3/ Khi làm việc trong triều đình Huế, một con người vốn không hề có ham muốn về chuyện danh lợi đã chứng kiến những toan tính và sự đố kỵ của trường lợi danh: “Thượng uyển oanh kiều đa đố sắc” – (Tống Nhân). Nơi vườn hoa của vua có nhiều con chim oanh xinh đẹp vẫn đố kỵ ghen sắc đẹp của nhau...

Mặt khác, việc quan phải giao tiếp với người cấp trên hoặc khi chầu vua, yết triều làm cho ông mệt mỏi:

“Hữu hình đồ dịch dịch,
Vô bệnh cố câu câu...”
(Thu Chí)

Bởi có thân nên phải vất vả, cực nhọc. Không có bệnh đau mà lưng phải lom khom còng xuống. Lưng phải còng xuống vì cấp trên, nhưng trong việc quan, bọn nha lại vênh váo nơi công đường cũng làm ông cảm thấy chán chường và mơ về chân trời cũ:

“... Sự lai đồ lệ giai kiêu ngã
..................
Vọng ngoại Hồng Sơn tam bách lý...”
(Ngẫu Đắc)

Việc làm quan trong triều đình với những “dì gió” hiềm tỵ, ghen ghét nhau (Ngẫu Thư Công Quán Bích – Bài 2) hay nơi công đường chỗ trấn nhậm ở Quảng Bình đã cho thấy chốn quan trường không phù hợp với những con người yêu tự do ,chuộng thiên nhiên như Tố Như. Và ra làm quan ít nhiều với Nguyễn Du cũng chỉ là việc cơm áo, đánh mất thuở nghêu ngao của tự do:

...“Bạch đầu sở kế duy y thực,
Hà đắc cuồng ca tự thiếu niên”
(Dạ Tọa)

Tạm dịch:

...“Áo cơm lo mãi bạc đầu,
Được như thời trẻ nghêu ngao hát cuồng”
(Ngồi ban đêm)

* * *

Nhìn chung, xét về mặt tư tưởng, việc ra làm quan nhà Nguyễn với 40 bài thơ trong “Nam Trung Tạp Ngâm” cũng chỉ là một giai đoạn mới để Nguyễn Du có thêm những kinh nghiệm sống thực về chốn quan trường. Hiểu và sống đời làm quan để biết rõ chuyện danh lợi chỉ là những hư ảo phù phiếm mà nhiều lần ông đã đề cập trong T.H.T.H.T. 
Biết rõ chốn quan trường và danh lợi để Tố Như càng khẳng định về sự tồn tại đích thực của tấm lòng đã vượt lên những bả vinh hoa ấy:

“Niên niên thu sắc hồn như hử”
(Giang đầu tản bộ)

Sắc thu mỗi năm đều như thế, chẳng hề thay đổi. Đó là những nhận định về sự lớn rộng của thiên nhiên bao trùm lên mọi tuế toái của cuộc sống trong đó có việc làm quan. Cho nên, khi Tố Như cho rằng: “Tấm thân này đã bị giam giữ trong lồng cũi không tìm đâu được sự phóng khoáng tự do” (Thử thân dĩ tác phàn lung vật, Hà xứ trùng tầm hãn mạn du – Tân Thu Ngẫu Hứng) cũng chỉ là sự tiếc nuối vì bị bó buộc phải ra làm quan theo lệnh của triều vua mới và cũng như ít nhiều vì nợ cơm áo mà thôi.

Phải chăng đó cũng là một chiếc cầu đoạn trường cần phải trảiqua và vượt thoát trong cuộc đời? (“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”- tục ngữ).

Mối tâm sự ngỗn ngang của Tố Như cùng với những hình ảnh về thiên nhiên và con người trong N.T.T.N đã đánh dấu một chặng đường làm quan cho triều Nguyễn. Chỉ đến khi được thăng Cần Chánh Điện học sĩ làm Chánh Sứ đi tuế cống nhà Thanh vào năm 1813, tâm tư ông được mở rộng hơn và tư tưởng thiền học ngày càng được nâng cao, tiến đến chỗ thấy rõ được chỗ rốt ráo của nó thông qua tập thơ thứ ba là Bắc Hành Tạp Lục sau này sẽ được đề cập đến. (Xem bài thơ: “Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài” - Tập 3). Đồng thời, tâm thức mở rộng của Tố Như tiên sinh về tư tưởng thiền tông cũng sẽ được tìm hiểu kỹ hơn thông qua cuộc đời Thúy Kiều trong Đ.T.T.T [1]

----------

[1] Dương Anh Sơn, Ảnh hưởng đạo Phật trong Đoạn Trường Tân
Thanh, Nhà XB Văn hóa Thông tin, Saigon th6.2006
(Lần đến: N.T.T.N bài 1, 2 và 3)

Dương Anh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét