Tác giả Quang Đặng
Càng lớn tuổi tôi càng
thấy đầu óc mình có vấn đề. Một số gương mặt, một số câu chuyện bỗng dưng biến
mất khỏi vùng nhớ, ngược lại nhớ dai đến bất ngờ một cái tên, một sự việc nào
đó. Nhớ nhớ, quên quên những thứ không quan trọng chẳng nói làm gì. Nhưng có những
việc, những người không được phép quên.
Đôi khi nhớ lại sẽ có
thể là niềm ân hận. Tôi từng rơi vào một tình huống khó xử hay nói đúng hơn là
nạn nhân của chính sự lãng quên của mình. Gần hai năm trôi qua, nhưng lần gặp gỡ
đó ray rứt mãi không thôi. Người mà tôi không nhớ lại rất nhớ tôi, nhớ cả họ
tên, nhớ cả vị trí tôi ngồi trong lớp. Đó là thầy giáo dạy văn năm lớp 10 của
tôi.
Năm 2014 tôi về Tuy Hòa
dự lễ kỷ niệm 40 năm của khóa 67- 74 trường Nguyễn Huệ. Trước ngày lễ chính thức,
tất cả giáo viên cũ tề tựu đông đủ ở Long Beach, một nhà hàng nằm sát biển. Đêm
đó tôi và người bạn trước học lớp 10C có đến chào từng người một. Phần lớn tôi
đều nhớ tên, ngay cả các thầy cô không trực tiếp giảng dạy. Sau khi chào hỏi
giáp vòng, chúng tôi dừng lại trước một gương mặt nửa quen, nửa lạ. Người đó tự
giới thiệu: “ Thầy Trần Đăng Tường các em nhớ không? Em nào từng học với thầy?”
Người bạn học lớp C lắc đầu. Tôi thì vô tư đáp:
“Dạ! Em không học nhưng thấy thầy rất quen ạ!”.
Đến bây giờ tôi vẫn
chưa quên được khuôn mặt của thầy Tường hôm đó. Thầy đứng im và lặng lẽ cười. Một
cảm giác là lạ đeo bám, thôi thúc tôi phải
giải mã điều gì đó về thầy Tường. Hai tháng sau là cuộc điện thoại của người bạn
cùng học lớp 10B1: “Thầy Tường dạy văn tụi
mình năm lớp 10 không nhớ sao?” Sững sờ, tôi lục tung số điện thoại, email.
- Sài Gòn
ngày…tháng…năm…
Kính thưa thầy!
Trước tiên em xin lỗi
không nhớ đã từng học thầy. Hôm gặp thầy ở Long Beach, thầy hỏi em có học thầy
không? Em trả lời không. Vừa rồi em có nói chuyện với một người bạn học cùng lớp,
bạn có nhắc thầy dạy văn chúng ta năm ấy là thầy Tường. Từ cú hích của người bạn,
dường như có miền ký ức nào được đánh thức trong em. Em từ từ nhớ ra mọi chuyện.
Những giai thoại thầy từng kể, cách ra đề
văn 2 chỉ cho chọn 1 của thầy. Trí nhớ của em thật tồi, em đã phạm phải một sai
lầm không đáng có. Một lần nữa em thành thật xin lỗi thầy. Dạo này thầy khỏe
không? Vài hàng kính thăm thầy và gia đình mạnh khỏe. Học trò cũ của thầy.
Quang Đặng
- Đà Nẵng…ngày…tháng…năm…
Em Quang Đặng thân mến!
Thầy đã đọc mail của em
gởi cho thầy. Thầy rất vui và cảm ơn em đã cho thầy biết nỗi băn khoăn của em
khi gặp thầy mà trí nhớ của em buộc em quên mất thầy. Bây chừ em đã nhớ lại và
nói cho thầy biết! Rứa là tốt rồi, có chi mà phải áy náy!
Thầy vẫn khỏe, cám ơn
em đã gởi lời thăm. Thầy cũng chúc em và gia đình mạnh khỏe, thân tâm an lạc!
Thân mến.
Trần Đăng Tường.
Hai cái mails và một cuộc
điện thoại sau đó đã giải tỏa phần nào vướng mắc trong tôi. Giá hôm đó thầy cho
biết trong tờ giấy ố vàng ghi danh sách lớp 10B1 thầy vẫn giữ làm kỷ niệm có
tên tôi thì mọi việc đã khác. Không vồn vã, không cần phải nhắc nhớ khi đã làm
việc gì cho ai đó. Những người tốt như thầy Tường ngày một hiếm hoi.
So với cuộc hội ngộ với
thầy Tường, việc gặp lại cô giáo cũ cách đó mấy năm của tôi cũng không kém phần
hy hữu. Sạp hàng của tôi nằm ở chợ ngay trung tâm Sài Gòn. Nơi khách vãng lai tứ
xứ đổ về rất đông. Mỗi ngày tôi hay làm sổ sách ở bên trong sạp. Việc bán hàng
giao cho nhân viên nhưng tôi vẫn thường xuyên để mắt đến. Hôm đó cũng thế, tuy
không ngẩng đầu lên tôi vẫn biết cuộc mặc cả đang diễn ra giữa hai người khách
lớn tuổi và cô nhân viên.
Dù người bán đã hạ giá
thấp nhất có thể, người mua vẫn trả dưới giá vốn. Cuộc ngã giá kéo dài khoảng
20’ thì tôi đứng lên giải quyết. Một trong hai người khách vừa giở chiếc nón lá
vừa nhìn tôi thảng thốt: “Ô! Quang”. Tôi
cũng hết sức bất ngờ khi nhận ra cô Phan Thị Quí, người đã dạy tôi ở trường
CĐSP Nha trang ba mươi mấy năm trước.
Cuộc mua bán sau đó bất
thành vì cô học trò cưng của cô Quí ở lớp Văn A 3 đã biếu cô món hàng không
tính tiền. Lần đó tôi phải cám ơn trí nhớ của mình và của cô giáo. Nếu không sớm
nhận ra nhau, tình cảm tốt đẹp giữa thầy và trò suýt nữa bị phá hỏng bởi mối
quan hệ lạnh lùng giữa người mua, kẻ bán.
Thỉnh thoảng nghe ai kể
một câu chuyện nào đó, tôi mơ hồ đến nỗi không nhớ ra mình từng là người trong
cuộc. Nhưng có lúc lại nhớ sâu sắc, nhớ đến từng chi tiết đến độ người được nhớ
cũng phải nể phục. Đó là trường hợp của cô Liễu, em cô Lan dạy tôi năm lớp 2.
Đây là cuộc đối thoại giữa tôi và người khách lạ đang lựa hàng:
- Xin lỗi, cô có phải
là cô Liễu không ạ?
- Sao em biết tên tôi?
- Cô là em cô Lan ở
Phan Thiết, từng dạy học ở Tuy Hòa?
- Phải! Phải! Em là ai
mà biết về tôi rõ thế?
- Năm em học lớp 2 ở
trường Nữ tiểu học Tuy Hòa, cô Lan bị bệnh và cô đã dạy giùm lớp em vài buổi.
Tôi còn kể tỉ mỉ với cô về sân trường đầy sỏi, về phòng học lớp 2 B nằm cạnh đường
Lê Thánh Tôn có cửa sổ nhìn ra tiệm café Hoài Bắc, về nước da trắng hồng của cô
ngày ấy…
Trước lúc chia tay, cô
Liễu cứ xuýt xoa mãi về việc nhớ dai của tôi. Chính tôi cũng không hiểu vì sao
những năm tháng đầu đời lại in sâu trong trí như thế. Mới hay, trường đời dù
thênh thang vạn lối cũng không bằng một buổi của lớp học ngày xưa.
Vừa rồi một người bạn
cũng học lớp 10B1, kể lại cuộc gặp gỡ ly kỳ giữa anh và một thầy giáo cũ ở trường
Nguyễn Huệ. Nhớ hay quên trong lần gặp này không có ý nghĩa gì. Cả thầy lẫn trò
đều muốn quên đi thân phận mình.
Sau năm 75 bạn tôi từ
Tuy Hòa về lại Huế. Lý lịch xấu không thể tiếp tục học, không tìm được việc làm
nên anh đi TNXP. Năm 77 nhờ tờ giấy chứng nhận tham gia TNXP, anh thi đậu vào Đại
học Khoa học Huế. Nhà anh hồi ấy rất nghèo. Cả nhà chỉ có một chiếc xe đạp, phải
nhường cho hai cô em gái học ở trường Sư phạm xa hơn.
Mỗi buổi sáng, anh phải
đi bộ từ An Hòa đến trường hơn 5 cây số. Có lần trên cầu Tràng Tiền, anh gặp một
người trông rất quen. Ốm, nhỏ con. Bộ đồ cũ. Đôi dép cũ. Chiếc xe đạp cũng cũ
đang đạp ngược chiều đi tới. Lúc cả hai sắp giáp mặt nhau, anh nhận ra đó là thầy
giáo từng dạy mình ở trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa. Anh cúi đầu chào, nhưng người ấy
nhìn thẳng phía trước, xem như không quen biết với anh.
Vài lần sau trên đường
Trần Hưng Đạo, gặp người ấy anh lại gật đầu chào. Đáp trả lại, vẫn không có gì
khác hơn là cái nhìn thẳng. Anh chẳng buồn cũng chẳng bận tâm về điều này. Dù
không nhìn anh vì bất cứ lý do gì, thầy vẫn mãi mãi là thầy của anh.
Lần sau cùng không nhớ
là lần chạm mặt lần thứ mấy, người ấy cùng chiếc xe đạp thắng cái kít trước mặt
anh trên cầu Phú Xuân: “ Mi là ai mà mi chào tao?”
Chủ nhân của ánh mắt
nghi ngại và chiếc xe đạp cũ chính là thầy Trần Công Tín mới đi học tập về và bạn
tôi, Trần Đình Anh là người trò học ấy.
Một người bạn rất thân
với tôi trước dạy học ở Ninh Hòa, nay đã về hưu. Cách đây một tuần, có nhận một
thùng trái cây do một người lạ đem tới. Vì Phúc, bạn tôi không có ở nhà nên
thùng quà được gởi cho người hàng xóm. Người lạ không nói tên, trên thùng cũng
không ghi tên người gởi nên Phúc không dám đụng đến. Hai ngày sau Phúc nhận được
một cuộc điện thoại lạ:
- Cô đã nhận thùng trái
cây của em gởi chưa?
- Em là ai?
- Trường, lớp 8 trường
cấp II Tân Đảo cô nhớ không?
Cái tên như một khúc
phim quay chậm hình ảnh 35 năm trước ở ga Ninh Hòa. Một thằng bé đầu tóc bù xù,
mặc cái áo cháo lòng mỏng dính, quần ống xăng ống bỏ tuột gần hết đường chỉ, cầm
ấm trà đá thất thểu trên đường ray chờ tàu về.
Lần gặp gỡ tình cờ đó
cũng là câu trả lời vì sao Trường, tức thằng bé bán trà đá thường xuyên bỏ học
trong giờ văn của Phúc. Đến nhà Trường, hoàn cảnh của em còn đáng thương hơn.
Ba em bỏ mẹ em và đàn con 10 đứa nheo nhóc đi theo người đàn bà khác. Mẹ em đau
yếu thường xuyên nên sáu đứa con lớn phải tự bươn chải ra đời kiếm sống.
Phúc còn nhớ đã lấy cái
quần màu nâu cũ của mình cắt lên lai mang đến cho Trường mặc. Giấy làm bài kiểm
tra của học sinh thì lựa những trang còn trắng đóng lại thành tập cho em. Một
thứ nghĩa cử chẳng qua “lá rách đùm lá nát” chứ đời sống giáo viên hồi đó rất
khó khăn. Mùa hè 1979 sau khi Trường học xong lớp 8, mấy mẹ con em bỏ Ninh Hòa
vào Nam tha phương cầu thực. Lương giáo viên thời điểm ấy là 36 đồng 8 hào. Vậy
mà Phúc đã bỏ 5 đồng vào một phong bì đưa cho mẹ Trường trước lúc ra đi.
- Bây giờ em đang làm
gì?
- Dạ! Em có một vựa
trái cây ở Bến Tre.
Ba mươi lăm năm, thời
gian quá dài để một thằng bé học lớp 8 còn nhớ đến cô giáo của mình. Nhưng cũng
ngần ấy tháng năm, những san sẽ chân tình của cô giáo cũ lúc khó khăn, không
bao giờ phai mờ trong tâm trí của người đàn ông trưởng thành.
Trong con mắt của giới
trẻ bây giờ, thế hệ của chúng tôi được xem là “ người già”. Nhưng cái nhìn về
thầy cô cũ của lớp già chúng tôi vẫn còn rất trong trẻo. Đó là những thầy cô phần
lớn tốt nghiệp ở các trường đại học uy
tín thời bấy giờ như ĐHSP Sài Gòn, ĐHSP Huế….Lương chẳng những đủ sống mà còn
nuôi được cả gia đình. Các thầy cũng không cần mang tiếng dạy thêm, không cần
phải mưu sinh bằng các nghề tay trái vất vả khác, tạo hình ảnh nhếch nhác trong
mắt học sinh. Phụ huynh nào khá giả thì “mời” thầy đến nhà dạy. Học trò nghèo
không tiền thì phải nổ lực hết mình. Dở thì rớt. Giỏi thì đậu. Không phải đến
nhà thầy xin điểm, mua bằng. Thầy của chúng tôi ngày ấy là hình tượng không những
đáng kính mà còn đẹp đẽ nữa.
Ngày nay, để giáo viên
có thể yên tâm với nghề, đứng vững trên bục giảng e rằng quá khó. Bạn bè tôi hầu
hết là nhà giáo nên tôi hiểu rất rõ. Lệ thuộc hoàn toàn vào đồng lương hầu như
không đủ sống. Chỉ một số ít giáo viên ở các tỉnh thành lớn là sống được nhờ dạy
thêm. Còn ở nông thôn, những nơi xa xôi hẻo lánh, học sinh nghèo ăn còn chưa có
lấy gì học thêm. Nhiều hôm xem chương trình “ Tiếp sức người thầy” trên TV thấy
mà đau. Người mang cả “bồ” chữ đến cho thiên hạ lại được xếp vào dạng “ xóa đói
giảm nghèo”. Đã vậy câu “ Tôn sư trọng đạo” thời buổi này còn bị xem nhẹ hơn
lúc nào hết. Giáo viên có thể bị phụ huynh thậm chí cả học sinh hành hung, lăng
mạ không biết lúc nào. Bạn tôi, một nữ giáo viên cấp II sắp về hưu ở Nha Trang,
bị một nam sinh lớp mình chủ nhiệm chưởi mắng thậm tệ trên FB, chỉ vì nhắc nhở
cậu ta không được quay cóp trong giờ làm bài kiểm tra.
Chính vì thế tôi khâm
phục các bạn tôi, những người đã và đang theo đuổi đến cùng nghề giáo. Họ phải
có niềm tin, lòng yêu nghề mãnh liệt mới vượt lên lên trên những khó khăn, tầm
thường của cuộc sống.
Thêm một tờ lịch tháng
11 rơi xuống. Con số 20 tròn trĩnh hiện ra. Thêm một ngày 20/11 nhớ ơn thầy cô
giáo, những người được ví như người lái đò đưa khách sang sông. Sông vẫn chảy đời
sông. Người lái đò sẽ già đi, đôi khi không còn nữa. Khách lúc nhớ, lúc quên,
có lúc không bao giờ về qua bến cũ. Chỉ có ân tình giữa người lái đò và khách
là còn mãi với thời gian.
QUANG ĐẶNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét