(Click vào hình trong bài để xem rõ)
Đầu tháng giêng năm 1982, vợ chồng Hắn
đến thăm anh Hoàng Vinh ở Gia Định, một nhà
giáo thích nghiên cứu tử vi. Mục đích cuộc thăm viếng là để vấn kế. Trong một dịp ăn sáng với nhau vào một
ngày nào đó năm 1974, trà dư tửu hậu, anh
em luận bàn thời sự, anh Vinh giở ngón sở trường của mình nói về tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu.
Ông Thiệu sinh giờ Tý, ngày Tý, tháng Tý và năm Tý. Anh lý
giải rất nhiều về cung mạng. Anh em chỉ ngồi nghe, chẳng ai có chút kiến thức
gì về tử vi để góp ý kiến. Cuối cùng anh kết luận: Ông Thiệu khó qua khỏi con
trăng vào mùa xuân cuối năm Giáp Dần, 1975. Tình hình thời cuộc đã diễn tiến
đúng như lời anh Vinh đoán. Đó chính là điều thúc đẩy Hắn tìm đến vấn kế anh
Vinh, xem thử thời vận trong việc "bôn ba hải ngoại". Tình hình
Việt Nam lúc bấy giờ chưa có gì khả dĩ có thể đe doạ vai trò tổng thống của ông
Thiệu.
Anh
Vinh đã quá nặng tai nên đề nghị Hắn viết ra những gì muốn trình
bày, còn anh có thể nói nhỏ đủ để
Hắn nghe được. Chuyện vượt biên không thể lớn tiếng cho hàng xóm cùng nghe. Sau khi nghe trình
bày gia cảnh, tuổi tác của Hắn và của vợ
con, anh Vinh bảo, để cho được chính xác hơn, anh cần có một danh sách đầy đủ cả vợ chồng, con trai con gái với ngày
giờ tháng năm sinh đúng và bình đồ cái
nhà đang ở, có ghi phương hướng và chi tiết các phòng sử dụng, kể cả nhà bếp
và nhà vệ sinh. Anh hẹn Hắn trở lại sáng
hôm sau.
Vườn Bát Quái
Anh
Vinh xem bình đồ cái nhà và danh sách vợ chồng con cái của Hắn xong, anh vừa vẽ những hình bát quái, vừa giải thích với
những thuật ngữ lý số. Lâu lâu anh đặt
một câu hỏi, Hắn viết xuống câu trả lời. Suốt mấy tiếng đồng hồ anh giải
thích rất nhiều, tựu trung kết luận có
mấy điểm chính.
Thứ nhất, số của Hắn phải bị tù
tội mười năm. Hắn đã ở tù 2 năm 4 tháng thời Tây và 6 năm thời Cộng Sản,
cọng lại mới chỉ 8 năm 4 tháng, còn
"NỢ" một năm tám tháng tù. Thứ hai, nếu tính chuyện đi thì phải đi trước ngày 27 tháng
chạp, nghĩa là chỉ còn trong vòng vài
chục ngày. Còn không, năm 1982 phải án binh bất động. Thứ ba, không nên
tính chuyện vượt biên với đứa con trưởng
tuổi Bính Thân (1956) mà chỉ nên tính với
đúa con trai thứ tuổi Giáp Thìn (1964).
Là
”ngụy quyền”, sống dưới chế độ Cộng Sản, ở tù thêm một năm tám tháng cho hết nợ là điều có thể xảy ra. Còn như vượt
biên bị bắt, ở tù một năm tám tháng
không phải là cái giá quá đắt phải trả. Nhưng điểm hai và điểm ba làm
sao có thể thực hiện được? Hắn mới được
tiếp xúc với ba gia đình muốn tổ chức cho con cái vượt biên, không lấy khách ngoài bốn gia
đình.
Dự tính tổng quát tiền mua đứt một
chiếc ghe, tiền mua hải bàn và hải đồ, chi phí thuê người chôn dầu và
lương thực… sẽ chia đều cho mỗi đầu
người ra đi, chưa xác định là bao nhiêu, và ở Miền Trung, có đi cũng đi vào tháng tư tháng năm
âm lịch, không ai ra đi vào cuối mùa
đông.
Đứa con trai trưởng đậu tú tài năm 1974, có hộ khẩu và đang học
đại học ở Sài gòn. Thời gian đầu
"giải phóng", con cái ”ngụy quân ngụy quyền” không được thi hành quân dịch, nhưng về sau
"cách mạng khoan hồng" cho đi nghĩa vụ quân sự. Có lẽ vì thiếu lính
cung ứng cho chiến trường Kampuchia và chiến
trường biên giới phía Bắc. Vì vậy
nó đã kéo lê thời gian học đại học, cốt giữ cái hộ khẩu, bảy năm chưa ra trường
cho đến ngày bị trục xuất khỏi đại học.
Từ đó mất hộ khẩu và ở lại Sài gòn bằng
nhiều chứng từ giả mạo. Để lại đứa con trai trưởng sống cù bơ cù bất ở Sài gòn,
đưa đứa con chưa đầy18 tuổi vượt biên, có thành công hay không là một vấn đề
khác, nhưng cách giải quyết ấy không phải là cách giải quyết của kẻ làm cha làm
mẹ.
Hắn
trở về Nha Trang gấp cho kịp trình diện công an mỗi sáng thứ hai trong
thời gian quản chế một năm. Anh Phan
Xuân Canh, một đồng sự ở cơ quan trước 1975 đến thăm. Anh Canh bây giờ trở
thành một thầy coi chỉ tay khá nổi tiếng, không bị phiền hà bởi chính quyền địa
phương, vì công an cũng là thân chủ của anh.
Đáp lời yêu cầu của Hắn, anh Canh đến vào một ngày khác với cái kính lúp
và xem chỉ tay cho Hắn. Anh nắn bàn tay trái và bàn tay phải của hắn, soi kỹ
các đường trong lòng bàn tay, nói về tiền vận và hậu vận, nhưng không đi thẳng
vào vấn đề chính Hắn mong đợi là nếu vượt biên có hy vọng thành công không.
Anh
luận một cách tổng quát và trong ngôn ngữ cũng như thái độ e dè cho Hắn cảm
tưởng rằng, có điều gì đó anh không muốn nói thẳng ra: "Thầy (anh gọi Hắn bằng
thầy từ lúc còn làm việc chung với nhau) có số thiên di, không ở yên một
chỗ được. Nếu thầy cô có xa nhau thì ba năm sau cũng đoàn tụ". Xa là
xa thế nào? Đoàn tụ ở ngoại quốc hay vượt biên bị bắt phải ở tù ba năm, thời
gian đúng ”một búa” tập trung cải tạo? Anh
không nói rõ.
Anh tiếp: "Vượt biên là bỏ nhà bỏ cửa, bỏ gia đình bằng hữu,
bỏ quê hương, bỏ tất cả mà đi, đó là điều xấu, điều bất đắc dĩ. Vậy không cần phải chọn ngày lành
tháng tốt, hạp tuổi tác, khác với việc cưới hỏi, xây nhà, mở quán..." Vừa lúc đó, đứa con trai đầu lòng của Hắn
ngoài cửa bước vào.
Anh Canh cầm lấy tay nó xem một lúc rồi nói: Thầy có tính
chuyện thì không nên tính với em này! Một sự trùng hợp lạ lùng làm Hắn băn
khoăn. Anh Vinh ở Gia Định, Anh Canh ở Nha Trang, mỗi người chuyên một khoa khác nhau sao lại có một kết luận giống
nhau về điểm này. TUẦN TRIỆT chăng?
Quanh
quẩn trong xóm Hắn ở có năm đứa con trai tuổi Giáp Tuất: anh Hoạch con ông bác ruột, thằng Thành con ông chú thúc
bá, thằng Thừa bà con cả bên nội lẫn bên
ngoại, thằng Khoái con bà dì và Hắn. Nghe kể lại, gia đình nào sinh con trai cũng mời ông thầy Cảnh ở An Cựu về chấm cho lá
số tử vi.
Tình trạng của Hắn khá đặc
biệt. Có hai người anh khó nuôi nên Hắn trở thành đứa con trai cầu tự. Ông thân Hắn là con út của một gia đình năm
anh chị em, mồ côi cha năm lên sáu. Con
út trút gia tài nên ngày khẳm tháng của Hắn được bà nội cho một con bò để mời làng trên xóm dưới, mừng sinh được con
trai nối dõi tông đường. Hẳn nhiên là
ngày ấy không thể thiếu mặt ông thầy Cảnh ở An Cựu về chấm số tử vi.
Chín
mười tuổi Hắn là đứa con trai hiếu động và nghịch ngợm nhất xóm. Nhà chú nhà bác, nhà cô nhà dì quanh quẩn trong xóm
mất trái bưởi trái thơm, người ta nói,
Hắn chứ ai vô đó. Thật ra chẳng phải một mình Hắn mà một nhóm bốn năm đứa cùng
trang lứa đồng thủ phạm, và bao giờ cũng có "nội tuyến", chính đứa trong nhà chỉ dẫn có trái đu đủ hườm hườm,
trái thơm chín ở góc vườn nào… Nhưng người ta cho Hắn là đầu nậu. Có lần bị ông
bác trưởng đánh đòn tập thể, bà nội Hắn nói với giọng nhà quê: "Mất cho cạu (cậu) con bò nhưng số cạu
rồi chẳng ra chi".
Hắn không hiểu hết ý của bà nội. Dần dà về sau mới
biết là trong năm lá số tử vi cùng tuổi Giáp Tuất, số của Hắn tệ nhất, mọi
đường tương lai đều bị triệt. Ông thân Hắn sau này có đem lá số tử vi bằng chữ
Hán giải thích và nhắc nhở rất nhiều, nhưng Hắn chỉ nhớ hai chữ định mệnh TUẦN
TRIỆT, tiền kiết hậu hung.
Tuổi thơ
Trong
năm thằng anh em cùng tuổi Giáp Tuất thì anh Hoạch chết vì bệnh tim ở tuổi 13, thằng Thừa thằng Khoái đi quân dịch
rồi chết trận, thằng Thành theo kháng
chiến ra Bắc. Chẳng có đứa nào học quá lớp ba. Hắn bị Tây bắt bỏ tù hai năm bốn tháng. Ra tù, ì ạch đi học lại, nương
nhờ vào trại Cứu Tế Xã Hội (chính danh là Trại Tế Bần) cũng đậu được tú
tài hai, khai khoa cho cả họ và trở thành giáo sư đệ nhất cấp khế ước.
Bà con trong họ
chỉ có chú đốc Thông đậu Diplôme và sư
phạm (école normale). Mảnh bằng tú tài hai vào lúc đó chẳng ra gì đối với người thành thị, nhưng đối với gia đình, với
dòng họ và cả làng trên xóm dưới của Hắn
là một sự kiện lớn. Song thân Hắn rất hãnh diện, mở tiệc ăn mừng. Các vị khách lớn tuổi, có vài vị đậu tú tài chữ Hán
luận đàm về những câu đối đi mừng.
Hắn
không dám la cà đến gần. Tuy có học một số giờ Hán tự, nhưng thâu hoạch mới chỉ ở trình độ nhất nhì tam. Nếu bị hỏi,
biết mô tê chi mà trả lời. Thứ nữa Hắn
cảm thấy ngượng với những người bạn thân Hắn rủ về ăn tiệc. Từ đó trở đi, cái
tên cúng cơm "Hắn" ít ai gọi. Người ta gọi Hắn, chào Hắn bằng chú TÚ,
anh TÚ… Oai thật! Nói theo ngôn ngữ của Ba Vân: "Hắn đậu tú tài Tây chứ đâu phải tú tài viết liễn!?
Trường Sư Phạm Huế
Vì
thời cuộc, hoàn cảnh và cũng vì chính hắn mà con đường học vấn có nhiều
trắc trở chông gai. Bạn bè đi bảy năm
trung học, Hắn mất mười năm và không có một
năm nào học tròn niên khoá. Tham vọng tiến thân của Hắn không ngừng lại
ở vai trò giáo sư trung học đệ nhất cấp.
Hắn được vợ đồng ý nuôi con, "cho phép" đi học Đại Học Sư Phạm. Cuối năm thứ hai, Hắn bị
đuổi một tháng vì vi phạm kỷ luật. TUẦN
TRIỆT rồi!
Thông thường, trường hợp như Hắn sẽ bị cho ra trường với mảnh bằng giáo sư trung học đệ nhất cấp.
Hai năm xôi hỏng bỏng không, lẩn quẩn
ông Nỉnh thành ông Nang! Suốt mùa hè căng thẳng nghe ngóng, nhưng chẳng có tin bất lành. Hắn được tiếp tục học năm thứ ba và tốt
nghiệp Đại Học Sư Phạm. Hắn không dám
khoe với gia đình là văn bằng này tương đương với bằng Cử Nhân Giáo Khoa, sợ bị đổi tên chú TÚ ra
chú CỬ.
Đệnh
mệnh đã đưa Hắn vào ngành giáo dục. Trong Đạo Đức Học có môn Đạo Đức Nghề Nghiệp. Ở trường học, mỗi cấp lớp có
vài giám thị. Một giáo chức có hàng ngàn
con mắt của học sinh và phụ huynh nhìn vào nên cách xử thế phải theo khuôn phép. Lớp áo giáo chức đã uốn nắn cốt
cách hiếu thắng, ham vui và máu giang hồ
vặt của Hắn. Hắn đã đạt được vài thành tựu nho nhỏ trong ngành giáo dục cho đến ngày Miền Nam được "giải
phóng".
Trong lúc Miền Nam được chính quyền mới dẫn dắt tiến lên xã hội
chủ nghĩa để "sánh ngang" với miền Bắc, Hắn đi tù. Bảy mươi hai ngày
trong xà - lim, Hắn nghĩ, lần này thì chắc là TRIỆT hẳn rồi. So với đời người, triệt ở tuổi 41 có hơi sớm.
Nhưng so với mấy đứa có số tử vi tốt hơn, đứa chết yểu, hai đứa sống lui cui ở
nhà quê rồi cũng chết trận ở tuổi thanh xuân, thằng Thành ra Bắc ở tuổi 20 với
trình độ lớp ba, có sống chắc cũng chẳng làm nên vương tướng gì thì Hắn khá hơn
nhiều.
Có gì đi nữa thì Hắn cũng đã làm nở mặt nở mày cho gia đình và cả dòng
họ với trình độ học vấn và chút danh phận Hắn đạt được. Có gì đi nữa thì Hắn
cũng đã hai lần xuất ngoại đi Mỹ, Canada và vài ba nước Á châu. Nhất Nguyễn,
nhì Võ, ba Phan là ba họ lớn trong xã mấy ai đã được như Hắn? Một đứa bé nhà
quê, sống xa gia đình từ năm 11 tuổi, lăn lộn tự lập trong cuộc sống điên đảo
thăng trầm, được như rứa cũng đủ rồi, còn chi mà tiếc nuối. Điều quan trọng là
Hắn còn sống và còn có ngày…
Mọi
việc đã chuẩn bị kỹ càng, chuyến đi được hoạch định chu đáo từng bước một. Trở ngại lớn nhất là chạy cho ra bốn cây vàng
trang trải sở phí cho hai cha con. Tổ
chức lấy mà đi, không lấy khách nên sở phí chia đều cho đầu người, theo
số lượng
người đi trong bốn gia đình. Đồ tế nhuyển của riêng tây vợ Hắn đem phát
mãi chỉ được một cây. Chạy đâu cho ra
được ba cây vàng trong thời buổi gạo châu củi
quế? Khó khăn đói kém bao trùm cả
đất nước. Ở Miền Nam, không những ti-vi
tủ lạnh mà đồ thờ tự cũng đua nhau ra chợ trời để đổi lấy miếng ăn.
Tương
lai mờ mịt, ai có còn của chìm của nổi
cũng chôn dấu phòng thân thì đào đâu cho ra ba cây vàng trong vòng hai tháng? Trong đời Hắn,
lắm lúc hoạn nạn giáng xuống bất ngờ mà
may mắn đôi khi cũng đến như phép lạ. Hắn mượn được ba cây vàng, và người cho mượn biết rõ, nếu Hắn có mệnh hệ gì
thì kể như của "bố thí". Mừng
vì mượn được vàng đã đành, nhưng mừng
hơn là thân bằng còn có niềm tin cậy vào
người mặt trắng như Hắn.
Theo
anh Hoàng Vinh, nếu không ra đi trước ngày 27 tháng chạp đầu năm 1982 thì năm đó nên án binh bất động. Nhưng bỏ qua
cơ hội này thì biết đến bao giờ…? Hắn
nhất quyết ra đi. Còn vấn đề cả hai ông thầy tử vi và xem chỉ tay đều có ý kiến như nhau là không nên tính chuyện với đứa
con trai trưởng thì tính sao đây ?
Hắn
bàn với vợ, có một quyền năng siêu nhiên nào lại trừng phạt một việc làm đúng tình nghĩa và đạo lý của người làm cha
làm mẹ. Chuyến đi của cha con Hắn cùng
với 35 người khác trót lọt. Sáu ngày đêm vào trung tuần tháng tư âm lịch lênh đênh trên biển cả phẳng lặng như dạo
thuyền trên hồ cho đến khi cặp ghe vào
bờ Phi Luật Tân.
Người
xưa có nói "nhất ẩm nhất trác giai
do tiền định", ngôn ngữ bình dân cho
rằng "bôn ba cũng chẳng qua
thời vận". Hắn không nghĩ rằng những điều này là chân lý tuyệt đối. Nếu chỉ để cho định mệnh
an bài thì con người mất ý chí tiến thủ
để vượt thoát mọi khó khăn. Mọi việc làm đều có thể thành công hay thất
bại, và điều quan trọng là bắt tay vào
việc có tính toán. Biết trước rủi may trong tương lai để bi quan hay lạc quan, cả hai điều, Hắn
đều cho là tiêu cực.
Hắn không bài bác
khoa lý số, bói toán đã có tự ngàn xưa và ngày nay vẫn còn có sức hấp dẫn nhiều người. Hắn nghĩ rằng có những nguyên lý
tổng quát nào đó trong các khoa này tạo
nên một cái khung định mệnh tương ứng với từng tuổi tác. Nhưng cái khung này không phải bất di bất dịch, vì
người ta cũng cho rằng "đức năng
thắng số" hoặc "tướng bất cập số, số bất cập đức". Lý
giải như vậy Hắn cốt tự tạo cho mình một
nhận thức: con người có thể chuyển nghiệp, để từ đó mà vươn lên.
Thuyền nhân
Trong
đời, Hắn đã gặp nhiều may mắn lạ lùng, nhìn lại có khi tưởng chỉ là mơ chứ không phải thật. Hắn đã vượt qua nhiều gian
truân không phải chỉ bằng sức người mà
như có một sức mạnh siêu nhiên hỗ trợ. Hắn đã gặt hái nhiều hoa quả không
tự mình gieo trồng.
Như vậy là Hắn đã
mắc nhiều món nợ. Ở tuổi trên thất thập, có
TUẦN TRIỆT như lá số tử vi của Hắn cũng quí lắm rồi. Hắn chỉ mong thời
gian còn lại đủ để cho Hắn trả nợ, nợ tổ
tiên và gia đình, nợ thân bằng quyến thuộc kể
cả nợ những chủ nợ không thể xác định là ai.
HẮN
("Hắn" - cựu giáo sư Nguyễn Huệ - xin được giấu tên)
*********ooooo*********
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét