Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Khai Bút Đầu Năm

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài thơ Đường Luật "Khai Bút Đầu Năm Bính Thân, của thi sĩ Thiên Tâm, bút hiệu của Bác Sĩ Đặng Phương Trạch (nhà thơ Thiên Tâm chuyên sáng tác thơ Đường Luật).
Trân trọng giới thiệu,
NHHN





Chuyện Thằng Đực

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu
Chuyện vui "Chuyện Thằng Đực" của anh Lê Đức Luận.
Dưới đây là đôi dòng tâm tình của tác giả gửi cho diễn đàn NHHN:
Tôi thường theo dõi những sinh họat của Quý Thầy Cô và các cựu Hs NH, cũng rất thích đọc các bài viết trên trang mạng NHHN để nhớ kỷ niệm ngày xưa và biết chuyện ngày nay. Tôi chỉ học ở NH có 2 năm chót bậc TH, nên ngại xưng danh là cựu Hs/NH và ngại gởi bài vào Diễn Đàn NHHN. Nhưng có ông bạn vừa "mắng": - Thích đoc mà không gởi bài thì ai hơi sức đâu viết hoài cho ông đọc? Thế là hôm nay tôi gởi ...
LĐL
Trân trọng giới thiệu
NHHN

Vui lòng click vào hình trong bài để xem lớn
(Hình trong bài lấy từ internet)

Một ngày cuối năm Con Dê, ra chợ thực phẩm Á Đông (Asia Market) mua mấy món đặc biệt để sửa soạn  mâm cơm cúng rước Ông Bà về với con cháu trong ba ngày Tết theo tục lệ cổ truyền, tôi tình cờ gặp một ông già trạc độ bảy mươi lăm, đang nheo mắt nhìn chăm chú vào tờ giấy rồi kiểm lại từng món hàng chất đầy trong xe. Thấy ông già này cẩn thận giống mình - mỗi lần đi chợ bao giờ tôi cũng xem lại cái “toa” trước khi đẩy xe đến quày tính tiền - “đồng bệnh tương lân” nên tôi đến gần ông già bắt chuyện làm quen. Tôi hỏi:

- Chắc bà nhà đang bận - Anh đi chợ một mình?

Ông già ngẩng lên nhìn tôi với nụ cười thân thiện, trả lời giọng đặc sệt Nam Kỳ:

- Đây là việc của mấy thằng “đực” ông ơi! - Đổi đời... đổi đời rồi…

Nghe ông già xài chữ ngồ ngộ; nhìn bộ ria mép tỉa khéo mấp máy trên cái miệng móm mém thiếu răng, nhưng trông ông còn phong độ nhờ nước da hồng hào với ánh mắt tinh anh duới đôi chân mày rậm xếch ngược; mái tóc dày cắt ngắn theo kiểu flat-top “muối nhiều hơn tiêu” làm rõ nét cái trán vuông và dồ, trông vừa  bướng bỉnh vừa tiếu lâm. Tôi đoán ông ta đã trải qua một thời oanh liệt…

Bỗng tôi cảm thấy vui và muốn kết thân, tôi tiếp lời:

- Đám “đực” từ ngày qua đây chẳng làm nên tích sự gì, nên phải đảm đang việc nôi trợ…

Cửa hàng tạp hóa

Ông già cười tủm tỉm, đáp lại: 

- Không phải đợi đến lúc qua đây mà từ ngày “trời sập”- cái ngày “giải phóng” ấy - cánh đàn ông Miền Nam bị “phỏng…” gần hết. Mấy bả không có cái… để “phỏng…”, do đó bây giờ “ngon cơm” hơn đám tụi mình?

Ông già nhìn tôi hỏi:

- Ông về hưu chưa - Sao đi chợ mình ên ?.
-Tôi nghỉ hưu ba bốn năm nay - Nhà tôi còn đi làm, nên thủ vai nội trợ…

Ông già vui ra mặt, nói:

- Vậy là tôi có đồng minh - Hơn mười năm nay tôi ôm mấy cái jobs: đi chợ, lau nhà, rửa chén mà trong lòng cứ buồn buồn… tủi tủi…
- Vậy là bà chị còn trẻ và bận rộn nhiều việc bên ngoài? Tôi hỏi.

- Không - già rồi! Bây giờ bả ở nhà, làm Bác sĩ kiêm Dược sĩ. Ông già trả lời.

Tôi ngần ngừ chưa biết an ủi ông già thế nào cho phải lẽ, vì hai cái việc của vợ ông thuộc giới thượng lưu. Ông già hiểu ý, bèn nói:
- Làm Bs là bả kê “toa” cho tôi đi chợ, cấm tôi hút thuốc lá và bắt tôi ăn kiêng – Còn Job Dược sĩ bả làm hơn 10 năm nay - Tôi mang đồ chợ về, giao bả biến chế thức ăn…

Trước đây tôi vừa đi chợ vừa nấu ăn, nhưng tôi chỉ có hai món tủ gia truyền là “gà kho sả ớt” và món tươi cho có chất xơ (fiber) - theo lời khuyên của BS là “bắp cải luộc chấm với hột gà dầm nước mắm”. Ăn riết tụi nhỏ nhà tôi ngán tới cổ… Chúng nó làm reo, bả cho tôi nghỉ việc.

Đi chợ

Bây giờ tôi chỉ còn 3 jobs chính - Đi chợ, lau nhà, rửa chén và một job phụ (part time) là làm tài xế chở bả đi shopping.

Ông già nói tiếp với giọng ngậm ngùi:

- Thời xưa học sách thánh hiền là một đấng nam nhi quân tử phải nghĩ đến việc “tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ”. Còn bây giờ lo việc “tu thân  - nội trợ” đã thấy hụt hơi, nói chi đến việc cao xa…
Thời Ông Bà mình thì - “Phu xướng Phụ tùy”. Bây giờ ở đây thì “Phu xướng Phụ xù”

 Tôi thêm vào cho vui câu chuyện:

- Ở Mỹ đàn bà nằm trên đàn ông… Cánh đàn ông xếp tới hàng thứ tư mà anh.

Tôi chưa nói hết câu, ông già xua tay ra vẻ khinh bạc:

- Xưa rồi… xưa rồi… Cái chuyện con nít, chó mèo, đàn bà được coi trọng hơn đàn ông nghe đã mòn tai và bây giờ trở thành lẽ đương nhiên…

Ông già vỗ nhẹ vào vai tôi, hạ giọng:

- Nghĩ mà tủi cho đám đàn ông chúng mình - Nhỏ thì sợ cha, sợ mẹ; lớn lên thì sợ vợ; già thì sợ con…

Ông già nói tiếp như có vẻ cam chịu:

- Sợ đủ thứ mà vẫn không yên - Cái “sợ” nó ám ảnh và lây lan ra ngoài khung cảnh gia đình trong cánh đàn ông sinh bất phùng thời. Nguyễn Tuân, một nhà văn tài hoa và khinh bạc thời tiền chiến mà còn nói: “Tôi còn sống đến bây giờ là nhờ biết sợ”. Xem ra “sợ” không phải vì “hèn” mà trở thành cái vỏ bọc tự vệ khôn ngoan trong một xã hội bát nháo ông ạ…

Chợ Tết

Thấy ông già có vẻ bi quan, yếu xìu… tôi bèn thêm lửa:

- Mình phải “vùng lên” chứ chịu “lép vế” để mấy bà “lừng” mãi sao anh?
- Đấy! Cũng có mấy ông mà dân Bắc Kỳ gọi “già thích chơi trống bỏi” đã vùng lên - đổi mới - sửa sai... Nhưng xem ra bị thất bại ông à. Lúc đầu các ông ấy  muốn chứng tỏ cho các bà thấy - ta đây không phải “đồ vô dụng”- nhưng rồi bị “lậm”- từ “phở tái, phở ngầu” tới “bồ nhí, bồ già”… Cuối cùng te tua - nhất y nhất quỡn…
- Nhất y nhất quỡn là sao? Tôi hỏi.
- Là chỉ còn cái áo thun với quần đùi. Dân Nam Kỳ hay ví von như dậy.

Ông già nói tiếp với giọng chua chát:

- Luật lệ ở xứ này kỳ cục - cái gì cũng kiện - động một chút là kêu 911- mấy bà chỉ   nhấc phone nói “tôi đang bị chồng bạo hành” là 5 phút sau police có mặt - lỗi phải chưa rõ, điều đầu tiên là ông chồng ôm cái còng số 8, lên xe police về bót, rồi hạ hồi phân giải…

Khi ở bót cảnh sát về, tùy theo mức độ và lòng “nhân đạo” của bà vợ, anh chồng có thể ôm mền ra ngủ garage để “ăn năn hối cải” hay đưa nhau ra tòa li dị - Li dị thì bao giờ thiệt thòi cũng về cánh đàn ông. Bây giờ “cái nhà là nhà của bà – con là con của bà”, nhưng hằng tháng anh chồng phải chi tiền cấp dưỡng cho bà nuôi con nếu đang có job thơm không nỡ bỏ; còn cái đám phất phơ, không có nghề ngỗng gì ra hồn thì “ta buồn ta đi lang thang” rồi nhập vô với đám homeless …

Ông có biết về Lưu Quang Vũ, một nhà viết kịch nổi tiếng ở trong nước vào khoảng thập niên 80 đã nói: “Chúng ta trải qua nhiều thời kỳ, từ đồ đá đến đồ đồng, đồ sắt, nay thì đã sang thời kỳ Đồ Đểu”?

Cho nên một số ông già “ham chơi trống bõi” về VN ôm nhầm “đồ giả” hay gặp “đồ đểu”, khi trở lại Mỹ bị“đồ cổ” ruồng bỏ, hất hủi đâm ra hận đời đi làm những việc chẳng ích lợi gì cho sức khỏe của tuổi già còn khiến con cháu mất vui.

Ông già nói mấy chữ ẩn dụ hay thật, tôi cảm thấy thích thú khi nói chuyện với ông. Tôi hỏi:

- Mấy ông già dịch ấy bây giờ làm gì mà nên cớ sự?
- Thì mấy ổng “làm biếng” rồi lại “làm thinh” làm cho không khí gia đình thêm nặng nề.

Chợ chòm hỏm

Ông già nói tiếp: - Tuổi già ai chẳng tủi thân, nhớ lại cái thời vang bóng mà thấy ngậm ngùi, nhưng “ Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, bởi thời thế, thế thời phải thế”- Ngày xưa Cụ Ngô Thì Nhậm đã bảo như vậy mà.

Ông già ngừng một chút, lấy xấp giấy in mấy bài thơ, đưa cho tôi một tờ, rồi bảo:

- Ông đọc đi … Đó là truyền đơn quảng bá “Hội của Thằng Đực” đấy.

Tôi nhẩm đọc: “Ngậm một mối u hoài bên cạnh vợ/ Ta lờ khờ và lớ ngớ ngu ngơ/      Giận vợ già quá ngạo mạn khó ưa/ Giương mắt lão nhìn ta như con trẻ/ Nay già rồi chịu gông cùm lép vế/ Để mụ già nổi hứng mụ hành chơi/ Chịu ngang bầy cùng lũ chó dở hơi/ Thường đẩy xe sau mỗi lần đi chợ…

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ/ Thuở tung hoành hống hách những ngày qua/ Ngoài chiến trận ta vẫy vùng ngang dọc/ Thật kiêu hùng quyết bảo vệ quê hương/  Có toàn dân và em gái hậu phương/  Nàng ngưỡng mộ tôn ta làm thần tượng/

Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu/  Để giờ đây ta ngậm  mối u sầu/ Nơi xứ Mỹ thôi ta đành lép vế/ Đành ngu ngơ đành nhẫn nhục chờ thời/ Cho đến lúc tự nhiên ta đâm… nhát/ Để gìờ đây những đêm dài ngao ngán/ Ta lâu ngày…phở tái vẫn thèm ăn/ Vẫn đợi chờ gió đủ để bẻ măng/ Nằm phục kích chờ nai vàng nạp mạng/

Hãy vươn lên khi còn chút sức/ Hãy la to cho “chằng lửa” giật mình/ Nói cho đã rồi sao mình lại nín/ Vì vợ kêu ta đi rửa chén mau lên …”

- Nhái thơ tuyệt vời! Tôi tán thưởng.

Ông già lại lấy ra xấp giấy khác, đưa cho tôi một tờ, rồi bảo:

- Ông xem thử có hay không?

Tôi chăm chú đọc:“Bắc thang lên hỏi Ông Trời/ Đời con đau khổ đã nhiều thấu chăng/Ông Trời cúi mặt than rằng/ Tao đây cũng khổ cắn răng chịu đòn/
Bắc thang lên hỏi Ông Trời/ Vợ con nó quái dữ như bà chằng/ Ông Trời Ông trả lời rằng/ Vợ tao còn dữ gấp trăm vợ mày/
Bắc thang lên hỏi Ông Trời/ Kiếp này con có bỏ nàng được không?/ Ông Trời Ổng trả lời rằng/ Tao còn chưa được xá chi là mày/
Bắc thang lên hỏi Ông Trời/ Vợ con dữ quá con xin bỏ nàng/ Ông Trời ngó xuống trả lời/ Mày bỏ được nó thì đời mày tiêu…”

Đợi tôi đọc xong, ông già lên tiếng:

- Tôi “lượm” trên internet đấy - Mấy tay này cũng thuộc loại sợ vợ có hạng - làm thơ đưa lên mạng mà bảo “tạm dấu tên”-  Không biết tác giả là ai để xin phép nhưng thấy hay, tôi  download - copy gởi cho mấy ông già đang bị vợ “đì…” đọc chơi cho vơi “nỗi sầu lép vế”…

Ông già vỗ nhẽ vào lưng tôi, cười hóm hỉnh, tiếp tục câu chuyện:

- Nói gì thì nói - Cứ ôm “đồ cổ” là bảo đảm không bị mắc lừa “đồ giả - đồ dởm - đồ đểu”. “Đồ cổ” thì không ghép “đồ giả” vào đâu được và càng ngày càng quí hiếm đấy ông ạ…

Có lẽ ông già ưng ý câu nói vừa rồi nên  hứng chí ghé sát vào tai tôi:

- Ông đã vào Hội Đoàn nào chưa? Nếu chưa thì vào cái Hội Thằng Đực này đi - Dzui hết biết!!!

Ông già hạ giọng ra vẻ thuyết phục:

- Thế hệ của chúng ta ít nhiều cũng còn ảnh hưởng nếp sống thời phong kiến “chồng chúa vợ tôi” nên nhiều ông già hay than thân, trách phận; có ông tỏ ra cam chịu; có ông hờn hờn… tủi tủi… có lúc nổi trận lôi đình nói lời cay cú…

- Tôi thấy mấy ông bạn già của tôi sau khi vào “Hội Thằng Đực” bỏ được cái tật “làm biếng - làm thinh”; còn mấy ông hay nhớ lại thời oanh liệt như “Hổ Nhớ Rừng” của Thế Lữ cũng bỏ được cái vẻ tư lự để “ vui với tuổi trẻ - mà lại khỏe cho tuổi già”… 

Chợ trời

Nói đến đây, ông già đưa tay nhìn đồng hồ:

- Ấy chết! - Ham nói chuyện đời - Trễ quá rồi - Ông đi mua đồ kẻo về lại nghe “đồ cổ càm ràm”…

Tôi vui vẻ trấn an:

- Không sao - Nghe quen tai rồi - Người Nhật đang khai thác cái dịch vụ “càm ràm”, bán cho mấy ông bà già, đắt như tôm tươi đấy…

Ông già lại cười hóm hỉnh móc bóp đưa cho tôi tấm card visit, rồi đẩy xe đến quay tính tiền và nói:

- Muốn vào “Hội Thằng Đực” thì phone cho tôi.

Chia tay ông già, trở lại các kệ bán thực phẩm tôi thấy lâng lâng một niềm vui trong buổi chiều cuối năm… Có lẽ tôi đã tìm được nguồn vui cho tuổi già.

Nhìn ông già vội vã đẩy chiếc xe đầy ắp thực phẩm ra cửa khi tuyết đang rơi mà thấy thương “ông già ham vui”, ba hoa những chuyện “bao đồng” quên cả thời giờ…

Tôi tưởng tượng - chắc ông già đang nghĩ cách đối đáp với những lời “càm ràm” của “đồ cổ” đang đợi ở nhà - giống như thời trai trẻ mỗi khi đi “chơi hoang”, về nhà trễ, đám “mày râu” bao giờ cũng chuẩn bị trước câu trả lời cho cô vợ trẻ… ?! 

Lê Đức Luận.


Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Họp Mặt Trong Mưa



(Click vào hình trong bài để xem lớn - Xin cám ơn)

HỌP MẶT TRONG MƯA
Nguyễn Đính Cai


    “Họp Mặt Mùa Xuân” được tổ chức vào ngày chủ nhật 13-3-2016 vừa qua, trong một hoàn cảnh khá khắc nghiệt về thời tiết. Mưa, mưa liên tục trong những ngày trước đó đã làm cho chúng tôi không khỏi lo âu. Thư mời đã gởi ra và không ai ngờ được sự chiếu cố quá sốt sắng của Ông Trời qua lời “cầu mưa” của người dân Cali. Chiều thứ bảy lai rai những cú điện thoại gọi đến  “xóri, tui nhuốm cảm không đến được nghen”, hoặc “tui thấy ể trong người chắc không tham dự được nghen”, …nghe mà thấy buồn làm sao.
  
Thầy Cô Nguyễn Khoa Đằng

     Sáng chủ nhật trời vẫn còn mưa tầm tã, ai cũng nghĩ phỏng khoảng hai mươi người đến tham dự là cùng. Công sức chúng tôi chuẩn bị bao nhiêu ngày chỉ mong có một buổi họp mặt thật vui vì từ ngày dọn về căn nhà này đây là lần đầu chúng tôi tổ chức. Hai lều vải thật đẹp được dựng lên phòng mưa, sắp sẳn 50 ghế xếp và 6 bàn, đồ ăn thức uống chuẩn bị sẳn sàng để đón tiếp thầy cô bằng hữu, Nếu hôm nay chỉ mươi người đến dự chắc là phải buồn lắm, không rầu sao được nhất là cương vị chủ nhà như chúng tôi. Đã mười giờ rưởi chỉ mới thấy các anh chị trong Ban Tổ Chức và vài thân hữu. Hôm nay đổi giờ, chúng tôi tự nhủ nếu ai đó đến trể 1 tiếng vẫn được xem như đến đúng giờ. Lo thì lo vẫn phải sắp xếp âm thanh, máy quay hình, máy ảnh, bếp hâm thức ăn, … phần ai việc đấy, khá chu đáo.  

Thầy Cô Phạm Xuân Cầu

     Tiếng chuông cửa ‘tính ton, tính ton” làm chúng tôi vui hẳn lên, ra mở cửa nhìn thầy cô Đằng đẫm ướt thấy mà thương. Không vui sao được, khi Thầy Cô Đằng Phương tuổi tác khá cao nhưng lúc nào cũng gắn bó với tổ chức CHS Nguyễn Huệ. Chúng tôi lúc nào cũng kính trọng thầy cô như anh chị cả trong gia đình.

    Ngạc nhiên nhất là khi ra chào đón hai anh chị mà chúng tôi chưa được gặp mặt lần nào. Hỏi ra mới biết, à ra đây là thầy cô Phạm Xuân Cầu, người mà hôm thứ bảy gọi cho biết bị cảm không đến được, người mà đã nhiều năm Tổ chức CHS/NH  muốn tìm kiếm, thầy sống ẩn kỷ quá. Có vài anh chị trước đây từng là học trò của thầy, thật xúc động khi thấy cảnh thầy trò gặp nhau sau hơn bốn mươi năm kể từ ngày mất nước. Rất vui khi thầy cho biết từ nay sẽ thường xuyên sinh hoạt với  gia đình Nguyễn Huệ. 


Chị Phan My, chị Kim Lan

     Những người ở thật xa như thi sĩ Trúc Giang, anh Hoàng Phước, chị Bích Đào đã không ngại lái xe trong mưa hàng giờ để đến họp mặt chung vui, không thể nào nói hết được tình thân thương của các anh chị dành cho anh chị em trong Ban tổ chức.
     
     Đặc biệt, chủ gia rất vui mừng được gặp lại người bạn sau hơn bốn mươi năm xa rời trường lớp, Bạn Kim Lan, Phu quân Michael và em gái Kim Dung từ San Francisco lần đầu đến thăm và kết tình thân hữu với gia đình CHS Nguyễn Huệ. Ngoài phần quà đóng góp cho BTC, các bạn đã biếu riêng chúng tôi nhiều món ăn chay và quà cho các cháu ngoại, Cám ơn các bạn rất nhiều.

Cô Cầu, cô Phương, chị Hạnh, cô Đằng

      Những đồng môn, thân hữu thường xuyên đến với CHS NguyễnHuệ cư ngụ các thị trấn lân cận hầu như có mặt đầy đủ. Chúng tôi nhớ rõ từng cặp, từng người, ai ai cũng cười đùa vui vẻ và không còn để ý gì đến cảnh mưa gió bên ngoài.

     Vài người báo cho biết bận chuyện chưa biết có đến được không, chúng tôi thầm nghĩ đây chỉ là lời từ chối dễ thương mà thôi. Thế nhưng không đúng với Thầy Cô Phương Hạnh, anh chị Hoàng Hạnh và chị Hằng đã báo  đến là đến dù muộn. Cặp Thanh Hoa hôm trước gọi phôn báo bệnh nhưng giờ cũng có mặt. Mỗi khi thấy có người đội mưa đến muộn, mọi người đều vui mừng, hò reo rất náo nhiệt.

Thầy Ngô Càng Phương, anh Phạm Hoàng

     Thật không ngờ như chúng ta đã thấy, số người trong buổi họp mặt đã lên đến 58 người. Mọi người  cười đùa vui vẻ, hàn huyên tâm sự, ngâm thơ, hát cho nhau nghe, ngồi chen chúc trong 3 vị trí chật hẹp trong lúc ngoài trời mưa vẫn mưa. Sự hiện diện đông đủ của quý Thầy Cô, Đồng môn và Thân hữu đã làm cho chúng tôi rất xúc động, vui mừng. Sự thành công to lớn này quý vị mang đến cho Ban tổ chức, chúng tôi lạm nghĩ phần nào ưu ái đó quý vị cũng đã dành riêng cho gia chủ. Sau mấy mươi năm tan đàn rã nghé, giờ gặp nhau đùa vui như một thuở chung trường. Chúng tôi ước mong có dịp được lập lại nhiều lần nữa, để giữ tình thầy trò, tình thân hữu trong lúc tuổi về chiều. Xin chân thành cám ơn tất cả đã đến với nhau, họp mặt trong mưa.


Milpitas, Ngày 15 Tháng 3 Năm 2016
Nguyễn Đình CaiMy
    
Lê Nguyễn Hằng, Phan My

Kim Dung, Phan My, Phúc Phương, Kim Dung, Micheal

Thanh Phước, Lê Nguyễn Hằng, Phan My, Nguyễn Hiền

Võ Vinh, Hoàng Phước, Xuân Đức, thầy Đằng, Phạm Chiểu, con anh Chiểu

Phân Ưu



Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Năm Tháng Còn Lại


Mời click vào hình trong bài để xem rõ

Những đêm dài mất ngủ, những ngày ngủ quên dậy, đồng hồ sinh học của người lớn tuổi không giống tuổi trẻ bao giờ. Hẹn bạn 5h30' sáng hành trình chinh phục mũi Đại Lãnh, một địa danh nổi tiếng của Phú Yên và điểm đón ánh bình minh đầu tiên của cả nước, thế mà ngủ say mê không cần biết mặt trời đã lên chưa, hậu quả của những ngày qua mất ngủ.
Từ xa ngọn hải đăng đã vươn mình trong sương sớm giữa bầu trời mênh mang lộng gió, dãy núi dài như vô tận tạo nên một quần thể thiên nhiên tuyệt đẹp, dưới vực sâu nước biển trong xanh, sóng lăn tăn vỗ về bãi cát vàng hoang vắng. Đỉnh cao đối với tuổi trẻ không là gì, nhưng với những người luống tuổi như các bạn của tôi lên núi không còn là chuyện dễ dàng.

Ngọn hải đăng ở Đại Lãnh

Đôi chân, chuyện muôn thuở của tuổi già, mặc dù đã có sự chuẩn bị kỷ lưỡng giày tất thể thao quần áo gọn gàng chống nắng, ba lô đầy đủ cho cá nhân, nước uống mỗi người một chai, ăn lót lòng trước khi khởi hành, nhưng vẫn ngại độ cao khi đôi chân đã hạn chế cuộc đời. Lên núi trong một ngày sương mù giăng lối thời tiết mát mẻ không làm bị mệt vì mất nước, nhưng bù lại mặt trời khuất lấp sau đám mây buồn bã. Không như lần đi trước ngày nắng mặt trời lấp ló dưới nước như một quả cầu lửa, lên nhanh tạo một vệt sáng dài lấp lánh như dãi ngân hà trên biển. Ôi thiên nhiên! tạo hoá thật tuyệt vời.
Những bậc thang cuối cùng cũng đưa cả đoàn đến đỉnh hải đăng, trong phạm vi nhỏ hẹp của nhà đèn (light house) nhưng biển trời bao la gió táp, xa xa những chiếc thuyền câu như chiếc lá giữa giòng đời lênh đênh. Đồi núi chập chùng một màu xanh bao quanh, chỉ lên cao mới thấy hết vẻ đẹp hùng vỉ của non sông. Một người bạn tình nguyện ngồi bệt canh cửa cho tụi tôi tạo dáng ghi nhanh những bức hình, trên cao vẫn cười giởn như xưa, chẳng chút gì gọi là già, còn cầm roi lăm le em nào không chấp hành khi bấm máy .... là quất, cười không chịu nổi.
Một ngày vui qua nhanh ...


Tìm lại tuổi thơ, tìm lại những năm tháng đã đi qua các bạn của tôi có người đã trên bốn mươi năm chưa một lần về lại chốn cũ, nhưng ký ức không thể xoá nhoà cho dù khó khăn đến mấy cũng vẫn mơ ước ngày về.
Chiếc taxi dừng lại trước cổng trường Trung học Nguyễn Huệ không phải tà áo trắng năm xưa  tung bay trong gió. Mà những  sắc hoa rực rở  trong bộ sưu tập áo dài cách tân, các bạn đã ấp ủ từ lâu, giăng hàng giăng lối như tự hào một thuở nữ sinh của trường, với người ở xa được đứng lại dưới mái trường thân yêu chụp những tấm hình làm kỷ niệm trong họ thật sự sung sướng và mỹ mãn. 

Sân trường ghế đá vẫn còn đây, các bậc thầy đáng kính đã đi xa, bạn bè có đứa đã bỏ ta đi, những năm tháng vô tư đèn sách, một mối tình vụng dại dấu kỹ trong tim, đó là tất cả hành trang còn lại sau một quãng đời dài phong ba ... thoáng chốc mình đã già có quay về để thấy ru ta ngậm ngùi giữa sân trường vẫn in bóng ta đi, đâu đó "hỡi người tình học trò, hỡi người tình trăm năm ..."



Quãng đời còn lại quá ngắn, không biết rồi mai đây có được vui, được cười như hôm nay, có còn hẹn hò thăm nhau, nấu cho nhau ăn, cuộn những cuốn chả ram giòn tan, đứa làm rau sống, đứa giã ớt tỏi chanh đường, trong bếp một bầy tiên nga giáng thế tuổi chẵn lục tuần làm đủ món, sau buổi chợ muộn đi nhanh làm nhanh chẳng thấy mình già cả nhưng tuổi đời cứ hồn nhiên chồng chất lên đôi mắt đã buồn.

Buổi cơm trưa vui vẻ bên bạn bè khó quá , nhưng các bạn đã làm được và hy vọng những ngày sau còn mãi, hãy xích lại gần nhau chia sẻ, yêu thương nhiều hơn, đừng thắc mắc giận hờn nhau nhé vì những ngày còn lại không nhiều. 

Tung tăng cùng nhau bên gờ đá, cát mịn, sóng xô bờ một buổi chiều vàng trên biển, những tấm hình ghi lại sẽ là món quà vô giá khi các bạn trở về với gia đình. 

Tuy Hoà cả tuổi thơ nơi đây nhưng trong thời kỳ chiến tranh tôi và các bạn chẳng biết gì nhiều ngoài những con phố nhỏ nhoi thân thiện. Sau bao thăng trầm Tuy Hoà cũng có một chút  trên bản đồ du lịch, địa danh thì nhiều phát triển thì không, đó là nỗi buồn không tên của những người chọn nơi này làm quê hương.  



Một luồng gió mới, một cơ may không đến hai lần bộ film "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của Victor Vũ  như ngọn núi lửa sau bao năm ngủ quên trở mình thức giấc, những danh lam thắng cảnh được gắn tên "phân cảnh của bộ film TTHVTCX" du khách kéo nhau đến rầm rộ, nhưng hoang vu vẫn mãi là hoang vu. Bạn tôi cũng không nằm ngoài luồng gió mới đi qua đủ thắng cảnh quê hương có, nhà thờ Mằng Lăng, gành Đá Dĩa, bãi Xép có đồng cỏ thả diều no gió, mũi điện ở độ cao chóng mặt. Bãi Rớ rêu phong, rồi nơi chốn bình yên uống trà đàm đạo resort Sao Việt Đồi Thơm.

Điểm đến du lịch chưa được đầu tư chuyên nghiệp để thu hút, lôi cuốn khách trong nước và quốc tế được một lần đến, đắm chìm cảnh quay trong bộ film đã nổi tiếng ở nhiều quốc gia. 

Cuối cùng những buổi tiệc có nhau đông đủ bạn bè sau bao nhiêu năm xa cách rộn rã tiếng cười vui, hạnh phúc là đây nhớ nhé! những năm tháng còn lại hãy gặp nhau khi có thể đừng để thời gian trôi qua không bao giờ quay lại. 

Tiễn các bạn ngoài phi trường Đông Tác, lòng bùi ngùi luyến tiếc ... tình bạn đậm sâu. 

Lê Mỹ Hoa 






CHS Nguyễn Huệ Khóa 1967-1974





Bên Ngưỡng Cửa

TÔI ĐÃ ĐỨNG BÊN NGƯỠNG CỬA CỦA CÁI CHẾT


Số là cách nay trên 10 năm, tôi đã đứng trên ngưỡng cửa của cái Chết.
Dr. Monsour rất có uy tín ở Houston, Texas, đã đích thân điều trị cho tôi, cuối cùng cũng phải tuyên bố bó tay (give up) trước căn bệnh viêm gan C mãn tính của tôi, ông còn lưu ý tôi là đừng mất công chạy chữa nữa, vì ông mà phải đầu hàng và cũng không còn thuốc nào trị nổi, thì không còn bác sĩ nào có thể giúp cứu mạng tôi được, dĩ nhiên tôi tin lời ông, vì tôi biết rõ khả năng và kinh nghiệm chuyên môn của ông, nhưng có lẽ vì cái máu tếu trong người tôi quá nhiều, nên tôi vẫn tủm tỉm cười.

Ông rất ngạc nhiên và hỏi tôi là không sợ chết sao mà còn cười được. Tôi bật cười thành tiếng, và trả lời ông rằng, nếu bác sĩ bảo tôi sợ mà thoát chết, thì tôi xin sợ ngay, còn nếu đàng nào cũng chết thì tại sao lại sợ.

Thực tế cho thấy là có những vua chúa giầu sang, quyền uy tột bực, với cả đoàn ngự y tài giỏi, mà cũng vẫn chết, thì tôi là cái thá gì mà không chết, và khi đã biết là sớm muộn gì cũng phải chết, thì sợ cũng chết, vậy ngu gì mà sợ, cứ "enjoy to the fullest" những ngày còn lại, và "ready" để đáp chuyến tàu định mệnh đi đoàn tụ với vợ con tôi đã ra đi trước tôi.

Cũng xin nói thêm là trước khi phát giác ra bị lây nhiễm Viêm Gan C, vì vô máu quá nhiều trong một ca đại giải phẫu trước đó khoảng mười năm, chết lên chết xuống, phải nằm bệnh viện tới cả hai tháng rưỡi.

Vào thời điểm đó y khoa chưa tiến bộ tới mức có thể "scan" để khám phá ra trong máu người hiến có virus gì hay không, nên tôi mới bị lãnh đủ.

Ông bác sĩ cũng cười theo, đồng ý với tôi, nhưng còn vớt vát rằng, đúng vậy, nhưng lần đầu tiên ông nghe một bệnh nhân chết đến nơi, mà vẫn dám lý luận ngang tàng như thế. 

Ông hỏi tôi là tuy không bác sĩ nào có thể cứu mạng tôi được nữa, nhưng chính bản thân tôi có thể tự cứu mình được, có muốn ông chỉ cho không. 

Tôi đáp là tuy không sợ chết, nhưng nếu có cách gì kéo dài mạng sống để "enjoy" cuộc đời, thì dĩ nhiên là muốn chứ.

Ông tâm tình với tôi rằng, ông cũng đã chỉ cho nhiều người, nhưng chưa thấy ai có đủ ý chí mạnh mẽ và kiên nhẫn mà áp dụng được, vì nói ra thì tưởng dễ, nhưng làm được không dễ, nhưng ông cho là tôi có đủ ý chí qua sự đối đáp với ông, nên ông nghĩ là chắc tôi làm được, và nếu làm được, thì có thể sống khỏe mạnh thêm hai ba chục năm nữa, còn không thì chỉ trong thời gian ngắn, bệnh sẽ phát triển sang ung thư và hậu quả ra sao thì ai cũng biết rồi khỏi cần nói nữa.

Ông còn lưu ý tôi là nếu làm được và thấy có hiệu quả tốt thì nên phổ biến rộng rãi tới mọi người, coi như làm chuyện phúc đức vậy. 


Bí quyết của ông là:

1/ Phải empty hoàn toàn cái đầu, không được để cái gì lảng vảng trong đầu. Khi có chuyện cần giải quyết, thì ngồi xuống lấy giấy bút ra mà "brainstorm", rồi ghi ngay xuống giấy, sau đó phải "clear" liền cái "mind", chỉ khi nào tới lúc phải giải quyết thì lấy cái "notes" đó ra mà áp dụng như cái máy thôi. Nói thì tưởng là dễ, nhưng ai mà không có "bill" nọ "bill" kia, lại còn bị những người chung quanh làm phiền tới mình, nhưng cần quyết tâm mà làm cho bằng được, vì đó là sự lựa chọn giữa lằn ranh sống và chết.

2/ Phải ráng cười thật nhiều, cười từ khi mở mắt buổi sáng tới khi lên giường ngủ buổi tối. Nếu tự mình không cười được, thì phải nghĩ cách chọc sao cho thiên hạ cười để có thể cười theo.

3/ Nếu có hoàn cảnh, có điều kiện thì nên đi du lịch thật nhiều, ngoại cảnh sẽ giúp cho hào hứng, quên đi căn bệnh chết người của mình.

 Cà Cuống tui đã cân nhắc giữa tiền bạc và mạng sống, cuối cùng chọn lựa "retire" non vào tuổi 62, để có thể hoàn toàn nghỉ ngơi, và đi du lịch, đi "cruise" khắp nơi khắp chốn, đồng thời kiên trì luyện tập, vậy mà cũng phải mất trên 6 tháng mới có thể giữ cho cái đầu rỗng bông được.

Bây giờ thì không còn tham, sân, si, không còn thù hận, ghen ghét, đố kỵ ai, cho nên khi nhìn ngược vào cái đầu mình, thì chỉ còn thấy trống rỗng mà thôi.

Trong quá trình luyện tập, một hình thức như thiền vậy, đôi khi bị phân tâm, là thấy phía dưới xương sườn bên tay mặt như bị kiến cắn, hiểu ngay là "virus C" thừa cơ ra ăn lá gan, lại phải lập tức "clear" liền mọi sự cho cái đầu trống rỗng ra ngay.

Ai ghét bỏ, hay kiếm chuyện mắng chửi, cũng chỉ đáp lại bằng nụ cười tha thứ, và còn cầu xin ơn trên ban phước lành xuống cho họ nữa, không còn như hồi xưa, ăn miếng trả miếng theo kiểu "oeil pour oeil, dent pour dent" ngay.

Để có thể chọc cười mọi người, Cà Cuống tôi sưu tầm đầy một bụng tiếu lâm, để hoạt náo trên xe cho bà con vui cười trong những chặng đường dài, hầu quên đi mệt mỏi.
Và kể như đã thành công, cả hai căn bệnh chết người là viêm gan C mãn tính, gan đã bị xơ cứng tới 3/4, và tiểu đường nữa, nhưng nhờ bí quyết của ông bác sĩ tài ba chỉ dạy, mà cả hai căn bệnh hiểm nghèo đều vẫn còn "under control".

 "Empty" cái "mind" là chính yếu, còn cười và du lịch là hai cái phụ, nhằm hỗ trợ cho cái đầu mà thôi.

 Kinh nghiệm bản thân là trên mười năm trước, ai biết tôi, kể cả bà vợ, cũng không tin là tôi có thể sống sót được, vì qua hai thời kỳ hóa trị (chemotherapy), mỗi kỳ sáu tháng, cộng chung là đúng một năm, tôi chỉ còn như cái xác chết biết đi.

Trước đó, tôi cân nặng 170 lbs, nhưng sau thời gian điều trị, bệnh đã không thuyên giảm, mà còn sụt xuống chỉ còn 110 lbs, không thể tự ngồi lên được, mà bà nhà tôi phải vực dậy, tóc rụng đầy gối, ăn không được, ngủ không được. Nhất là bộ mặt của tôi mới thực thảm thê, nó bị choắt lại nhăn dúm như trái ô mai khô, nhưng mầu sắc thì xám xịt lại như da người chết. Ai quen biết, và ngay cả bà nhà tôi, cũng tin chắc là tôi không thể nào qua khỏi.

Tôi rất biết ơn Dr. Monsour đã động viên tinh thần tôi, ổng nói là tin tưởng tôi có ý chí mạnh, nhất định sẽ làm được.


Và quả thiệt tôi đã làm được, trước sự ngạc nhiên của mọi người quen biết, trọng lượng đã leo dần từ 110 lbs lên 142 lbs, ăn ngon ngủ khỏe, năm ngoái khi trở lại Sapa, vẫn còn có thể leo lên tận cổng trời với sự trợ giúp của cây gậy kỷ niệm, vật bất ly thân. 

Tôi vẫn tiếp tục đi du lịch đều đều trên khắp năm châu bốn biển. Riêng tại quê hương tôi, thì không còn xó xỉnh nào là không có dấu chân tôi, có nơi đi đi lại lại cả năm sáu lần, mà vẫn cảm thấy thích thú như thường.
Theo Dr Monsour, thì nếu áp dụng được bí quyết của ông, thì ngay cả ung thư cũng có cơ may thoát hiểm.

Tôi kể lại kinh nghiệm sống thực tế của tôi, theo lời dặn dò của ông bác sĩ tài ba và giầu tình người, để nếu ai chẳng may rơi vào hoàn cảnh như tôi, thì có thể vững niềm tin mà tự cứu lấy minh.

Đặc biệt là đừng bận tâm tới chuyện chết chóc, vì đó là quy luật tự nhiên của Trời Đất, có sinh là phải có tử, không ai có thể tránh né được, thì cứ hoan hỉ mà chấp nhận thôi. Do đó, tôi rất tin vào thuyết định mệnh, và luật Nhân Quả.

Mến chúc tất cả mọi người thật nhiều may mắn và luôn vui cười, như bản thân tôi đã từ cõi chết trở về, chỉ nhờ vào bí quyết trong đó có cười, đó cũng là lý do thúc đẩy Cà Cuống tôi khai sinh ra Câu Lạc Bộ Cười, hầu mang lại cho bà con bằng hữu những tiếng cười thật sảng khoái, cho cuộc đời lên hương, và trẻ mãi không già.

(Cà Cuống)