Lâm, chồng tôi đã lau xong tượng Phật, đánh bóng mấy
cái chân nến và lư đồng, rồi chùi sạch tất cả những khung hình của người thân
trên bàn thờ để chuẩn bị đón Tết.
Năm nay tháng chạp không có ngày 30 nên mọi người đã
lo sửa soạn cúng đón ông bà trong ngày 29. Sáng nay, Lâm đã ra sau vườn cắt mấy
cành đào, nhánh lớn và đẹp nhất cắm vào bình chưng ngoài phòng khách, phần còn
lại để trong phòng gia đình.
Những món ăn như chả giò và các món dưa như dưa món,
dưa cải, dưa hành, dưa tỏi, dưa bông cải trắng năm nào tôi cũng làm từ tuần trước. Còn
xôi vò, chè hoa cau, dưa giá, thịt đông, thịt kho tầu, cá hồi, canh măng…đã nấu
sẵn hôm qua.
Cô Lan gửi cho nem chua, giò thủ và tré. Cậu Cường vừa đem cho mứt sen, bánh chưng và
giò lụa. Thế là quá phong lưu rồi.
Vừa bầy xong mâm ngũ quả trên bàn thờ, bây giờ phải
luộc gà làm gỏi, lấy nước dùng, thêm một ít miến, mấy lát nấm đông cô và vài miếng
gà xé nhỏ cùng hành ngò vào là có ngay tô miến gà thơm ngon. Bông cải xanh, cải
trắng, su hào và cà rốt sẽ xào với bóng (da heo). Món kho thì đã có sẵn chỉ việc
hâm nóng thôi.
Tuy sống và làm việc ở Mỹ đã bốn chục năm nhưng những
ngày lễ Tết, tôi vẫn theo tục lệ của mẹ tôi và bây giờ chuyền xuống cho con.
Có tiếng lách cách mở cửa và ồn như cái chợ, con
cháu ào vào như đàn ong vỡ tổ, ôm hôn bà ngoại tới tấp, rồi chạy vụt vào phòng
dành cho chúng nó.
Thụy-Hằng, con gái lớn vừa chiên xong chả giò, lại
quay sang làm bát cơm úp và múc thức ăn
bày lên bàn thờ. Khi mọi sự đã sẵn sàng, tôi và con gái cùng bốn đứa cháu ngoại
lo thay quần áo để cúng đón ông bà. Năm
nay tất cả chúng tôi đều mặc áo dài màu vàng.
Tác giả cùng con cháu cúng đón ông bà
(Click vào tất cả hình trong bài để xem rõ)
(Click vào tất cả hình trong bài để xem rõ)
Khi xưa lúc còn ở Saigon, vào những ngày giỗ Tết,
hai con gái Thụy Hằng và Thụy Uyển chỉ mới 3 và 5 tuổi cũng đều mặc áo dài để lễ
cúng cùng với bố mẹ. Bây giờ các cháu ngoại cũng làm y như vậy. Chúng đã quen lệ là mỗi khi cúng, bốn cháu bé
thay phiên nhau rót trà mời ông bà tổ tiên, khi nhang tàn thì phải lạy chào tiễn
tổ tiên. Tôi hy vọng con cháu tôi sẽ tiếp tục nuôi dưỡng truyền thống tốt đẹp
này, lúc nào cũng nhớ ơn ông bà tổ tiên.
Sau đó, cả gia đình quây quần quanh mâm cơm cúng, ăn
uống nói cười râm ran, thật là hạnh phúc, chỉ tiếc là thiếu cô con gái thứ nhì.
Cơm nước xong, tôi cầm trên tay mấy phong bì mừng tuổi
ra ngoài phòng khách thì vừa lúc các cháu chuẩn bị xếp hàng chúc Tết ông bà ngoại,
bố mẹ và cậu chúng nó. Lời chúc bằng tiếng
Việt của bốn đứa cháu nhỏ, nhất là từ cửa miệng của hai đứa cháu da trắng tóc
vàng nghe buồn cười, ngộ nghĩnh và thật đáng yêu, chúng hớn hở lãnh tiền mừng
tuổi rồi đem ra khoe với bố mẹ. Bố mẹ
các cháu bảo rằng: “Chúng nó giàu hơn tụi con rồi đó má.”
Sau một trận “xâm hường”
cho các ông trạng tranh đua với nhau thật hào hứng, các con cháu ai về nhà nấy
để vợ chồng tôi đón giao thừa trong tiếng pháo đì đùng, náo nhiệt của chòm xóm.
Bản nhạc “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình
Chương đang trỗi lên rộn rịp: “Ngày xuân
nâng chén ta chúc nơi nơi…nước non thanh bình, muôn người hạnh phúc chan hòa”
khiến lòng tôi tưng bừng và dạt dào hạnh
phúc.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm
để sửa soạn đi chùa đầu năm. Mão, bạn
văn Việt Bút của tôi, lái xe từ San Francisco xuống đón Điệp, Ngọc và Quý đến
nhà tôi rồi cả bọn hớn hở du xuân.
Hai con 5 và 3 tuổi trong ngày Tết ở Saigon 40 năm trước
Những năm trước, ngày Tết thường mưa và gió lạnh, tôi luôn ủ người trong một tấn quần áo nhưng hôm nay tiên đoán thời tiết cho biết là San Jose, có thể lên đến trên bẩy chục độ. Chúng tôi nửa tin nửa ngờ nên vẫn mang phòng theo một cái áo khoác mỏng. Khi ngừng xe trước cổng chùa, mặt trời đã chiếu những tia nắng ấm rực rỡ, chan hòa lên vạn vật, cây cỏ đầy hoa, hương thơm phảng phất trong không khí, không thể có ngày Tết tuyệt diệu hơn hôm nay! Năm đứa chúng tôi đã yểu điệu thướt tha trong các bộ áo dài đầy màu sắc đi “trẩy hội”. Dù đã già cả rồi nhưng những tà áo dài tuy lộng lẫy mà không kém phần trang nhã đã làm chúng tôi cảm thấy trẻ lại và thi nhau chụp bao nhiêu kiểu hình làm kỷ niệm. Thật đấy, vài năm nữa khi lụm khụm rồi, chúng tôi sẽ nhìn nhau và gật gù bảo: “Ngày xưa trông mình cũng đâu tệ lắm!”
Thăm viếng và nhận lộc
của thiền viện Quan Âm, chùa Di Lặc, chúng tôi dừng lại ăn trưa tại chùa Quán
Thế Âm, ăn quà vặt ở chùa Đức Viên xong rẽ qua chùa Thích Ca Đa Bảo.
Đến chùa Từ Lâm, vườn có cây cao bóng mát với rất nhiều tượng Phật, cảnh chùa êm đềm mặc dù khách thập phương hành hương tấp nập. Bước vào chánh điện, khói hương nghi ngút, tôi thắp nhang cúng Phật và những người thân của gia đình tôi để hình ở chùa. Nhìn ảnh con gái, tôi thấy đôi mắt con tôi như long lanh, ánh lên nét mừng rỡ khi thấy mẹ. Thấm thoắt con gái tôi mất đã 22 tháng. Gần hai năm trời mẹ con không còn được cùng nhau đi chùa dâng hương lễ Phật. Nghĩ vậy, lòng tôi dậy lên mối nhớ nhung, thương cảm và không ngăn được giòng lệ. Tôi thì thầm: “Con yêu ơi, con yên tâm ở chùa ngày đêm nghe kinh kệ, tuần nào mẹ cũng ghé thăm con mà.”
Đến chùa Từ Lâm, vườn có cây cao bóng mát với rất nhiều tượng Phật, cảnh chùa êm đềm mặc dù khách thập phương hành hương tấp nập. Bước vào chánh điện, khói hương nghi ngút, tôi thắp nhang cúng Phật và những người thân của gia đình tôi để hình ở chùa. Nhìn ảnh con gái, tôi thấy đôi mắt con tôi như long lanh, ánh lên nét mừng rỡ khi thấy mẹ. Thấm thoắt con gái tôi mất đã 22 tháng. Gần hai năm trời mẹ con không còn được cùng nhau đi chùa dâng hương lễ Phật. Nghĩ vậy, lòng tôi dậy lên mối nhớ nhung, thương cảm và không ngăn được giòng lệ. Tôi thì thầm: “Con yêu ơi, con yên tâm ở chùa ngày đêm nghe kinh kệ, tuần nào mẹ cũng ghé thăm con mà.”
Lễ xong, cả bọn kéo nhau
về nhà tôi “ăn Tết”. Món ăn được dọn ra đầy bàn thế mà “ngũ quỷ” chẳng như câu
“nữ thực như miêu” tí nào, đã thanh toán gần hết thức ăn trong tiếng cười giỡn
rôm rả. Rồi chúng tôi bốc thăm và mọi người đều trúng thưởng cho được may mắn
suốt năm, sau đó còn chuyện trò cho đến sẩm tối và hăng hái hẹn nhau sang năm sẽ
tiếp tục buổi du hành hôm nay.
Cuộc vui nào rồi cũng
tàn và bạn bè khi chia tay thấy lòng thoải mái nhẹ nhàng sau chuyến du xuân thật
là hoàn hảo, ấm áp lòng kẻ tha hương.
Lâm đi chúc Tết chưa về,
còn lại một mình trong căn nhà yên tĩnh, tôi chợt để lòng mình nhớ lại những Tết
xưa…
Hồi ở Hà Nội, tôi còn
bé, năm nào cũng được bố mẹ dẫn đến nhà ông bà nội ngoại và các bác để chúc Tết. Tôi luôn luôn được cho nhiều tiền nhờ “ngoan
và chăm học”.
Các cháu thay phiên rót trà
Khi di cư vào Tuy Hòa,
Tết ở nhà quê vui hơn nơi thành phố. Đám học trò chúng tôi, một đoàn ba bốn chiếc xe
đạp chở nhau theo bạn về quê ở Phong Niên ăn Tết. Những chiếc xe đạp cà cộ mỏng manh lắc lư
trên liên tỉnh lộ 7, dọc theo làng quê Hòa Thắng gồ ghề, lồi lõm trong tiếng cười
đùa vang dội của đám học trò nghịch ngợm.
Văng vẳng tiếng hô bài chòi trong đình làng đâu đây tăng thêm ý vị đậm
đà và rộn ràng cho những ngày Tết ở thôn quê, khi công việc đồng áng vườn tược
nhọc nhằn vất vả đều dẹp qua một bên.
Tết Mậu Thân 1968, tôi
cùng Lâm và đứa con gái đầu lòng mới vừa đúng một tuổi về thăm quê chồng, chúng
tôi bị kẹt lại Đà Nẵng và thoát chết hai lần trong đường tơ kẽ tóc. Mãi hơn một
tháng sau, khi phương tiện giao thông vãn hồi, chồng tôi mới về Saigon tiếp tục
lớp Cao Học Hành Chánh. Còn tôi phải gửi con lại cho bà chị chồng ở lại Đà Nẵng, một
mình trở về Tuy Hòa vì tình hình ở đây còn chưa yên. Gần một năm sau, khi đã xin thuyên chuyển được
việc làm, gia đình nhỏ bé của tôi gồm 3 người sống 3 nơi, mới được đoàn tụ ở
Saigon.
Đầu năm 1976, chúng tôi
đón cái Tết tha hương đầu tiên ở Virgnia. Lúc đó người Việt ở Mỹ còn rất hiếm
hoi, gặp được đồng hương là mừng rơi nước mắt. Tôi còn nhớ hôm đó là mồng 3 Tết năm Bính Thìn, thứ hai đầu tuần, tôi phải
đi làm như thường lệ mà trong lòng buồn tủi. Buổi trưa, sau khi ăn vội miếng sandwich, tôi chạy ra chợ gần sở làm để
mua vài món vì khu nhà tôi ở không có chợ Á Đông. Đang định băng qua đường, bỗng
có một chiếc xe chạy sát sau lưng bấm còi inh ỏi, trong lúc bụng buồn bã nhớ
nhà ngày Tết, tôi quay lại định mắng vài câu thì bỗng người tài xế ngừng lại, mở
cửa xe chạy tới hỏi: “Chị ơi, chị có phải người Việt Nam không?” Hai chữ Việt Nam như khơi động mối thương tâm
khiến tôi gật đầu mà nước mắt trào dâng. Trong làn nước mắt, tôi nhìn thấy nhòe
nhoẹt một gương mặt rất trẻ cũng nhìn tôi rưng rưng.
Người thanh niên hỏi: “Chị mới qua Mỹ hả?” Tôi: “Ừ, mới được 6 tháng.” Anh chàng ấy nói: “Em là sinh viên du học, mất liên lạc với gia đình nên phải lái xe taxi kiếm sống, buồn và nhớ nhà vô cùng chị ơi. Thấy chị em mừng quá!” Rồi anh chàng ôm lấy tôi như vừa tìm được một người thân và hai chúng tôi đều khóc, hai tâm hồn tha hương cùng rung lên một điệu buồn xa xứ, cho đến khi nghe tiếng còi inh ỏi vì xe người thanh niên đã cản đường lưu thông, cậu ta hoảng hốt chạy ra xe và lái đi luôn trước khi chúng tôi kịp hỏi tên nhau. Dù chỉ là vài phút ngắn ngủi, nhưng cuộc gặp gỡ đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng sâu xa. Cho đến mãi bây giờ, bốn chục năm sau, tôi vẫn luôn nhớ người bạn đồng hương đó, dù không biết tên và cầu mong cho cậu ấy được đoàn tụ với thân nhân và có một cuộc đời hạnh phúc.
Người thanh niên hỏi: “Chị mới qua Mỹ hả?” Tôi: “Ừ, mới được 6 tháng.” Anh chàng ấy nói: “Em là sinh viên du học, mất liên lạc với gia đình nên phải lái xe taxi kiếm sống, buồn và nhớ nhà vô cùng chị ơi. Thấy chị em mừng quá!” Rồi anh chàng ôm lấy tôi như vừa tìm được một người thân và hai chúng tôi đều khóc, hai tâm hồn tha hương cùng rung lên một điệu buồn xa xứ, cho đến khi nghe tiếng còi inh ỏi vì xe người thanh niên đã cản đường lưu thông, cậu ta hoảng hốt chạy ra xe và lái đi luôn trước khi chúng tôi kịp hỏi tên nhau. Dù chỉ là vài phút ngắn ngủi, nhưng cuộc gặp gỡ đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng sâu xa. Cho đến mãi bây giờ, bốn chục năm sau, tôi vẫn luôn nhớ người bạn đồng hương đó, dù không biết tên và cầu mong cho cậu ấy được đoàn tụ với thân nhân và có một cuộc đời hạnh phúc.
Ngày xuân rủ nhau đi lễ chùa
Ba năm sau, gia đình
tôi dọn về San Jose, California và được đón những mùa Tết êm đềm với thân nhân
và bạn bè đượm nồng hương vị như lúc xưa ở Việt Nam. Chúng tôi đi chợ Tết, rồi
đi chùa, đi hội chợ và có đầy đủ những món ăn cổ truyền của ngày Tết.
Nhưng dù thế nào, chúng
ta cũng đều tha thiết mong đợi ngày về ăn Tết trên quê hương Việt Nam yêu dấu,
một quê hương tự do, dân chủ và hạnh phúc, ấm no.
Lê
Nguyễn Hằng
Xuân
2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét