Họa sĩ Bửu Chỉ sinh ngày 08 tháng 10 năm 1948. Tốt nghiệp Cử Nhân Luật, Đại Học Huế. Tự học vẽ, chuyên về sơn dầu. Là một họa sĩ thành danh, triển lãm tranh ở nhiều nơi trong nước và hải ngoại.
Qua đời ngày 14 tháng 12 năm 2002. Hưởng dương 54 tuổi.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
Khi nói đến Bửu Chỉ tôi không biết phải bắt
đầu từ đâu. Từ khi Chỉ còn là một cậu bé hay khi Chỉ đã trưởng thành qua bao sự
cố đời riêng và thăng trầm lịch sử, hay tập trung vào những năm cuối đời? Quan
hệ của Chỉ và tôi là một mối thâm tình, lâu dài, xuyên suốt. Tuy có những đoạn
đời vắng nhau, nhưng thông tin về Chỉ thì không thiếu.
Bửu Chỉ là em trai út của chị dâu tôi, Công
Tằng Tôn Nữ Hà Lãnh, cũng là em ruột của Hồng Vân, Hồng Thủy, bạn trang lứa với
tôi. Suốt thời gian từ mẫu giáo đến trung học Chỉ đều ở lại nhà tôi để ăn trưa,
nghỉ ngơi, đợi tối mới cùng các chị về lại nhà riêng ở tận mãi Vỹ Dạ.
Mỗi chặng đường của Chỉ đều có một ý nghĩa
và những thú vị riêng, nhưng tôi vẫn thích nhắc đến tuổi thơ của Chỉ, nhắc đến
một cậu bé nhỏ nhắn, mái tóc đen rậm, và đôi mắt không mấy lớn mà vẫn căng hết
sức muốn thu cả thế giới vào. Tuổi thơ Chỉ song hành cùng tuổi thơ tôi, đó là
thời gian thơ mộng nhất, đẹp nhất của tôi ở Huế.
Nhà Ba Mẹ và nhà anh Hai tôi, tức anh rể
Bửu Chỉ, ở số 6 - 8 Lê Đình Dương, ngay góc đường Lê Lợi. Con đường
nhỏ, ngắn, dẫn đến bờ sông Hương tuyệt đẹp, lại cách Đài Phát Thanh Huế và cầu
Tràng Tiền thêm một con đường ngắn với hàng cây đoát cũng dọc bờ sông Hương mà
một số bạn thân của tôi bấy giờ đặt đùa theo tên tôi: “Giang sơn Tuyết Lộc”.
Cùng hai chị Hồng Vân, Thanh Thu đang học
Đồng Khánh, Bửu Chỉ thường ở Vỹ Dạ đi bộ đến nhà tôi từ sáng sớm, nhập bọn
với các cháu tôi, Minh Hà, Minh Phương, Việt Sơn, Việt Châu... gọi Chỉ bằng
cậu. Niên khóa này rồi niên học khác, hình thành cái đuôi sắp hàng một, theo
chị Hà-Lãnh qua Trương Định tới trường tiểu học Lê Lợi. Lúc còn học lớp ba, Chỉ
khoảng bảy, tám tuổi, nhưng tính tình khác bạn cùng lớp, không năng động, chạy
nhảy, đùa cợt quá mức. Về nhà, ăn cơm xong Chỉ lấy trong túi quần hai viên bi,
lum khum đào một lỗ nhỏ rồi chăm chú bắn bi hàng giờ liền. Hết chơi bắn bi thì
lấy bút chì, tập giấy ngồi vẽ. Vẽ hình nào ra hình đó, đường nét rõ ràng, bố
cục chặt chẽ. Vừa nhìn con chó nằm ngủ mơ màng trên bực thềm, Chỉ vừa phác họa,
vài nét thôi là giống hệt, từ dáng nằm thoải mái, cho đến cái mõm chuồi ra, đôi
mắt khép hờ với hậu cảnh là bức tường thấp trước nhà tôi, phủ đầy hoa ti gôn
xinh xắn. Cũng vào năm Chỉ học lớp ba, bức tranh màu “Hai con gà trống chọi” do
Chỉ vẽ được giải nhất trong cuộc thi tranh nhi đồng toàn quốc, triển lãm tại
Sài Gòn.
Họa sĩ Bửu Chỉ
Tuổi thơ có những cái hồn nhiên
thật… hết biết. Có lần, Chỉ thấy o Thí, người giúp việc trong nhà tôi, vội
vã đi ra vườn sau, Chỉ lật đật chạy theo. Bỗng nghe tiếng o Thí cằn nhằn um
sùm. Tưởng có chuyện gì, tôi cũng chạy sau Chỉ. Chỉ nằm xổm như con ếch,
nghiêng đầu sát đất nhìn o Thí… tè. Tôi lật đật thối lui, bụm miệng cười. Vài
ngày sau, đi học về, Chỉ kéo tôi ra một góc vườn và rút tờ giấy vẽ hình chi
chít màu đen:
– Đố
chị Lộc, Chỉ vẽ cái chi?
Như thường lệ, vẽ xong tranh nào Chỉ cho
tôi xem để bình luận màu sắc, nội dung, nhưng lần này tôi không đoán ra nổi.
– Vẽ chi một đống sợi bùi nhùi rứa,
ai mà đoán được.
Chỉ lên giọng đắc thắng:
– Thua
chưa! Hến o Thí đó!
– Trời!
– Tôi la lên – Tầm bậy tầm bạ, xé đi. Anh Hai thấy thì chết. Xé mau đi.
Chỉ lẫy:
– Mắc
mớ chi mà xé. Cái hến cũng như cái miệng cái mũi, có chi ốt dột mà xé. Chị mới
tầm bậy tầm bạ đó.
Chịu lý của công tử họ Bửu thôi, và đó là
lý do dù rất cân nhắc, tôi quyết định giữ lại chi tiết độc đáo này sau khi đã
tẩy xóa bản thảo mấy lần, không khỏi thầm nghĩ có khi đây là phát tiết một quan
niệm hiện thực nào đó về nghệ thuật của chàng họa sĩ bé con sau này chăng –
không rõ có liên quan chi tới trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa hay không!
Sau lưng nhà tôi là vườn hoa, hòn non bộ
chính tay mẹ tôi chăm sóc, tạo dáng, chiết cành, tìm tòi mang về, phần lớn “kỳ
hoa dị thảo” đều do chú tôi, ông Nguyễn Văn Yến (Morin Nguyễn Văn Yến) mang
biếu, có một cái chõng tre lớn để mỗi chiều chiều Ba ngồi uống trà, Mẹ ngâm thơ
hay đàn tranh những bài Bà vừa sáng tác cho Ba nghe.
Bửu Chỉ thích ngồi im lặng một góc nào đó
trong vườn hàng giờ liền không biết chán, đôi khi tay chống cằm như “ông cụ
non”, đôi khi hai tay bó gối, Chỉ im lặng và im lặng. Lạ lùng thật với độ tuổi
hiếu động đó! Không hiểu trong cái đầu bé nhỏ kia đang suy nghĩ điều gì ghê
gớm, bí mật, làm tôi không khỏi tò mò, nhưng cậu ta chẳng bao giờ thổ lộ với
ai, dù với bạn bè hay anh chị.
Đó là một cậu bé cô đơn. Rất cô đơn!
Có những chiều thứ bảy, chủ nhật, tôi lại
xuống tận nhà Chỉ ở Vỹ Dạ để chơi với Hồng Vân, Hồng Thủy. Nhà tôi chỉ có bốn
anh em trai, riêng tôi là gái, không có chị nên tôi thường hay chơi với Hồng
Vân, Hồng Thủy từ khi gia đình tôi ở đường Âm Hồn và nhà Chỉ còn ở đường Bộ
Học, Thành Nội. Chúng tôi chơi nhảy dây, ô làng, múa hát. Tính Hồng Vân rất
hiền, người mủm mỉm tròn quay, tóc búp bê. Tôi vẫn gọi Hồng Vân là Hột
Mít. Ngay cả khuôn mặt của Hồng Vân cũng “tròn vành vạnh như cánh tía tô”,
nhưng nổi bật nhất trên khuôn mặt luôn thơ ngây đó là đôi mắt bồ câu, tròn đen
như hai viên bi lóng lánh và nụ cười tươi với chiếc răng khểnh rất duyên. Cho
đến sau này, lúc đang dạy ở trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng, mỗi lần về Huế gặp
Hồng Vân đang dạy ở trường Quốc học, tôi vẫn gọi “Ê, Hột Mít!”, chiếc răng
khểnh lại lộ ra, nụ cười hồn nhiên như trẻ thơ, và đôi mắt đen... chớp chớp.
Hồng Thủy là chị Hồng Vân, “tửng tửng”, cô nàng lẽo đẽo theo chúng tôi, nhìn
chúng tôi chơi, tủm tỉm cười một mình. Cô nàng không tham gia, cũng không trò
chuyện, chỉ cười và cười! So với hai chị em bạn này thì tôi nhiều tài vặt hơn,
giúp vui cho cả nhóm. Tôi khoái múa hát và biết cả làm thơ. Ngay từ năm đệ
thất, đệ lục, tập tễnh làm thơ, đệ ngũ, tôi đã gửi thơ đăng báo Văn Hóa Ngày
Nay của nhà văn Nhất Linh, báo Văn Nghệ Tiền Phong, Phổ Thông của Nguyễn Vỹ. Có
bài thơ nào mới ra lò, tôi đọc cho Chỉ nghe, cậu ta cũng chăm chú tỏ vẻ hiểu...
Ôi! Ai mà biết trong cái đầu đang gật gù đó, cậu ta thực sự nghĩ gì!
Bửu Chỉ là con trai út trong một gia đình
mười bốn người con, nhưng từ nhỏ đến lớn Chỉ ít trò chuyện, gần gũi hay tâm sự
với anh chị trong nhà. Tôi có cảm tưởng trong gia đình có tiếng bề thế này, mỗi
người là một thế giới riêng. Bửu Chỉ cô đơn trong một khu vườn rộng lớn, cây
cối um tùm bên bờ sông Hương. Những căn phòng thường xuyên cài chặt cửa. Tất cả
đều khép kín. Mỗi bước chân gần như rón rén. Mọi lời trao đổi đều thì thầm. Với
tuổi thơ tôi, ngôi nhà Chỉ như có điều gì u uất, bí ẩn. Và Chỉ thường lang
thang hay ngồi vẽ trong bầu không khí tĩnh mịch đến lạnh lùng đó.
Một hôm, đang chơi ngoài sân với Hồng Vân
và Hồng Thủy, tôi bỗng nghe tiếng cười lanh lảnh, kỳ lạ, rờn rợn cả người từ
bên trong căn phòng luôn khép kín vẳng ra. Tôi hoảng hốt níu tay Vân hỏi:
– Chi rứa Vân?
Vân tỉnh bơ:
– Có chi mô mà sợ, mấy chị đánh lộn nhau
đó. Ngày mô cũng rứa, giành ăn rồi nắm tóc nhau mà đánh.
Tôi mở to mắt:
– Hả? Răng lạ rứa? Tụi mình vô coi đi.
Vân nói nhỏ:
– Chú Mạ (anh chị em Chỉ gọi cha mẹ là “chú
mạ”) không cho ai vô đó mô. Mấy chị bị… điên.
Tôi giằng tay Vân:
– Cho mình dòm một chút xíu thôi rồi ra.
Vân kéo tay tôi:
– Không được. Chú mạ thấy tụi mình vô
đây là chết.
Tôi đi giật lùi, không buồn ép bạn nữa. Cái
chi tiết bi kịch bất ngờ và khuôn mặt ngây thơ, bộc bạch của Hồng Vân tương
phản một cách lạ kỳ, và hằn sâu mãi trong ký ức thiếu nữ của tôi.
Tranh sơn dầu của họa sĩ Bửu Chỉ
Mùa hè năm 72 mà có người gọi là mùa hè đỏ
lửa, người dân bỏ Huế bằng mọi phương tiện: xe đò, xe hơi nhà, xe đạp, xe gắn
máy, gánh gồng đi bộ vượt đèo Hải Vân chạy vào Đà Nẵng, họ đi ngày đi đêm khi
nghe ở Quảng Trị hai bên quân Miền Bắc và Miền Nam đang giao tranh ác liệt.
Người ta sợ như hồi Mậu Thân, không kịp chạy thoát.
Anh chị Hai và mấy cháu vào trước cả mười
ngày tại nhà tôi ở Đà Nẵng. Riêng anh Hai đến khu nhà Nguyễn Hiền, nơi dành cho
những quan chức cao cấp thời đó, có lính canh gác cẩn mật. Gia đình Bửu Chỉ vào
sau. Tôi phải lấy thêm phòng ở khách sạn OK, ngay trước nhà để gia đình Chỉ ở.
Nghe mạ của Chỉ kể, giọng còn thất thần:
– Người ta đạp lên nhau mà chạy, mà chết,
có người, có xe, rơi từ đèo Hải Vân xuống vực mà chết. Tui chưa thấy chiến
tranh mô mà chết lạ lùng như ri hết, nhìn thôi cũng đủ giảm thọ chị ơi.
Anh Bửu Kỉnh kể chi tiết hơn:
– Khi tỉnh Quảng Trị bị Việt Cộng chiếm một
phần, dân ngoài Quảng Trị ào ào chạy vô Huế theo quốc lộ 1. Việt Cộng pháo liên
tục trên con đường này làm dân chết quá trời. Người ta gọi đây là Đại
lộ kinh hoàng.
Anh Bửu Kỉnh rùn vai, lè lưỡi rồi kể tiếp:
– Dù chết họ cũng chạy vô Huế. Tuyết Lộc
biết không, đoạn đầu của đoàn người ở cửa An Hòa là cửa phía Bắc của Huế thì
đoạn cuối của đoàn người này ở tận Phong Điền giáp ranh tỉnh Quảng Trị. Việt
Cộng lại pháo vào Huế từng giờ một. Không biết bao nhiêu là kiểu chết: chết đạn
lạc, chết bom rơi, chết pháo canon, chết cháy, chết xe cán, chết vì xô đẩy nhau
rớt đèo, rớt tàu. Huế không còn chính quyền nữa. Huế loạn cả lên, dễ sợ lắm Lộc
ơi. Gia đình chú mạ anh theo những người chạy giặc băng qua Dạ Lê, Phú Lương,
Phú Bài, Truồi, Cầu Hai, Phú Lộc, Lăng Cô vượt đèo Hải Vân vô đây, tưởng đã bỏ
mạng dọc đường.
Gia đình Chỉ mười mấy người. Tôi cẩn thận
dặn dò người giúp việc lo cơm nước tươm tất cho gia đình ông bà cụ. Trưa hôm
sau, ông bà vừa chuẩn bị dùng cơm, tay chưa kịp cầm đũa thì vợ anh Kỉnh từ
ngoài chạy xộc vào bất ngờ nhảy tót lên, ngồi ngay trên mâm
cơm. Quá kinh hoàng trong chuyến “chạy giặc” từ Huế vào, chị Kỉnh “lên cơn”
luôn! Ngày nào chị cũng thuê xe xích lô ra phố, bảo chú xích lô dừng trước các
cửa hàng bán quần áo, chị vào chỉ chỏ và bảo người ta lấy áo quần ra thử, xáo
hết vải vóc hàng hóa của người ta rồi lên xe đi tiếp. Đến gần tối chị về lại
khách sạn và gọi ông bà ra trả tiền xe.
Bửu Chỉ ra trường Đại học Luật năm 1971,
cũng là năm phong trào chống chiến tranh lên cao trong khi hai phía chính quyền
Bắc, Nam đang tiến đến ký kết hiệp định Paris. Người thì gầy ốm, chẳng cao bao
nhiêu mà giọng nói lại sang sảng. Chiếc mũ bê-rê luôn gắn lệch trên đầu, Bửu
Chỉ hăng hái, say mê đứng vẽ tranh biếm họa dọc tường của trường Đại học Khoa
học và trường Đại học Văn Khoa, tức khu Morin cũ, hay cùng các bạn sinh viên
xuống đường, tổ chức những đêm không ngủ hô hào chống chiến tranh. Chỉ thường
nói “Khi bạo lực còn tồn tại, thì đấu tranh chống bạo lực vẫn còn tiếp
diễn”.
Năm 72 là năm Bửu Chỉ bị bắt cùng một số
sinh viên tranh đấu khác. Chính thời gian 4 năm trong tù – từ 1972 đến 1975 –
là thời gian Bửu Chỉ dùng bút sắt, mực đen để vẽ tranh, những bức tranh mô tả
tù nhân tuy đã bị xiềng xích nhưng vẫn mạnh mẽ vung cao tay hô hào phản chiến.
Các loại tranh này đã làm Chỉ nổi tiếng không những trong mà cả ngoài nước. Sau
này, Chỉ tập hợp những tranh vẽ bằng bút sắt lại thành một tập, đặt tên là “Mặt
trời tự do”, cũng để ghi dấu bốn năm trong nhà tù.
Việc một số người bị bắt được thả ra sớm,
trong khi Bửu Chỉ vẫn bị giam giữ hơn bốn năm, đã phần nào nói lên tính khí,
thái độ bất khuất và đầy thách đố của Chỉ. Bốn năm! Vậy mà chưa bao giờ tôi
nghe Chỉ kể lể, vẽ vời tự hào gì về thành tích đấu tranh và những ngày đắng cay
trong nhà tù của nền đệ nhị cọng hòa. Và có lẽ câu nói “độc đáo” đúng phong
cách Bửu Chỉ “Moi là thằng luôn khinh bỉ quá khứ” (trích dẫn lại từ bài
viết “Kẻ thách đố chính mình” của Nguyễn Thanh Văn - “Tranh Bửu Chỉ”,
nhà xuất bản Trẻ và Công ty Văn Hóa Phương Nam 2003) nói rõ thái độ sống minh
bạch, nhất quán của Chỉ: không ăn theo và ngủ quên trên dĩ vãng. Thực khác xa
những trò bịa đặt công trạng, tô vẽ quá khứ, cả hiện tượng cướp công của đồng
đội đồng chí, chưa nói tới một ngàn lẻ một chuyện của đám người mà dân chúng
gọi bằng cái tên khinh bỉ là các nhà “cách mạng 30”.
Năm 75, gia đình cha mẹ Bửu Chỉ từ Vỹ Dạ
chạy xuống biển Thuận An, lúc bộ đội đã kiểm soát gần hết thành phố Huế. Người
ta tìm đường di tản bằng thuyền, tàu, ghe, họ xô nhau, đạp lên nhau tìm đường
sống. Bãi biển Thuận An đầy đồ đạc, xe cộ, tủ lạnh… Người ta cố mang theo được
cái gì thì mang, cuối cùng thì bỏ của chạy lấy người. Lại thêm một bi kịch cho
gia đình Bửu Chỉ: hai người chị bị tâm thần của Chỉ vì chạy chậm nên thất lạc
và mất tích luôn. Điều tình cờ là trong hai cuộc chạy loạn của gia đình, Bửu
Chỉ đều không có mặt vì vào 1972 Chỉ bị bắt và vào năm 1975 Chỉ đang ngồi tù.
Nhiều người thuộc thế hệ sau và anh chị em
miền Bắc – đặc biệt là những người nhìn vấn đề dưới nhãn quan tuyên truyền
“chính thống” – khó hiểu được hành trạng và thái độ xã hội của nhiều trí thức ở
các đô thị miền Nam. Thật ra trong phong trào đấu tranh ở đô thị và miền Nam
nói chung có sự đóng góp nổi bật của tầng lớp trí thức ưu tú đến từ nhiều
nguồn. Họ có văn hóa cao, tri thức hiện đại, tiếp cận tư tưởng dân chủ, đấu
tranh cho dân quyền và nhân quyền, không chỉ khẩu hiệu cơm áo, người cày có
ruộng… Tất nhiên họ hoàn toàn đồng cảm, đồng tình những yêu cầu thiết thực này
của đồng bào lao động của mình. Đa phần có mức sống sung túc từ dịch vụ trí
thức chuyên môn của họ. Nếu không phải là tất cả, thì phần lớn không có gì phải
xấu hổ với lương tâm, không việc gì phải “sám hối”, “đền tội”. Đấu tranh chống
độc tài và quân phiệt của hai nền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa với họ là một hoạt
động công khai, tiến bộ, tất nhiên và tất yếu của một công dân có ý thức, có
“niềm tin cộng hòa” chân chính và cũng với ý thức và niềm tin trong sáng,
“thuần túy’ này – không vì quyền lợi cá nhân hay ý chí áp đặt chủ nghĩa, tín
điều cực đoan lên ai – nên không có gì ngạc nhiên cũng chính họ đã bày tỏ công
khai thái độ không ủng hộ giáo điều chính trị và chính thể độc đảng sau 1975.
Họ – dĩ nhiên tôi muốn nói tới những người trung thực và xuất sắc nhất, nói
riêng nhóm bạn thân mà tôi trực tiếp biết và hiểu rõ – không phải là hạng người
không có nguyên tắc chính trị và không “trung thành’ với lý tưởng của họ, mà
ngược lại theo tôi chính họ mới là người có nguyên tắc – tiếp tục đấu tranh cho
giấc mơ dân chủ cộng hòa chân chính, phổ quát. Và chính họ mới thật sự trung
thành với lý tưởng công dân của mình – trung thành với nhân dân và đồng bào,
không phải với giáo điều và lý tưởng độc tài từ bất cứ phe phái nào!
Sự chọn lựa dường như phức tạp của Bửu Chỉ
là một ví dụ!
Cụ Ưng Thuyên thân sinh của Chỉ là một họa
sĩ nghiệp dư, tuy cụ không viết sách, làm thơ như ông anh ruột là cụ Ưng Bình
Thúc Dạ Thị, nhưng tài vẽ tranh của cụ được nhiều người biết và thích. Cụ
thường vẽ chân dung con gái, tĩnh vật và cũng là người đặt lời ca Huế, nam ai,
nam bằng, lưu thủy, hành vân. Đối với tôi việc Bửu Chỉ sau này trở thành họa sĩ
nổi tiếng không có gì đáng ngạc nhiên vì có thể nói Chỉ đã biết vẽ ngay từ
trong bụng mẹ qua dòng máu tài hoa của thân phụ.
Lớn lên trong một gia đình có những điều kiện
thuận lợi hơn những người khác để phát triển tri thức và tài năng, đồng thời
Chỉ cũng phải chia sẻ một bầu không khí có thể nói rất ảm đạm, Chỉ không muốn
ai tìm hiểu gia đình mình và cách sống cũng khá khép kín trừ những quan hệ thân
thiết. Chỉ nổi loạn trong sáng tạo, chính trị, tình yêu, tình dục, hay đấu
tranh cho một lý tưởng xã hội – dù đúng đắn hay cực đoan – cũng không có gì khó
hiểu. Chỉ đã nổ bùng từ tài năng đến tính khí là một logic tất nhiên. Tài năng
ắt phải hình thành từ năng khiếu, công phu hơn người, và một tính cách quyết
liệt – từ mà Bửu Chỉ thường dùng – hẳn phải gắn xa gần với một số phận dữ dội
nào đó của bản thân hay họ tộc. Nói lên những nét tối trong bối cảnh lớn lên
của Bửu Chỉ – có thể sẽ chạm vào tình cảm những người từng gần gũi với tôi –
không phải để bỏ sót những thuận lợi, những điểm sáng Chỉ nhận từ họ tộc, mà
chỉ để lý giải thêm những mặt độc đáo, khác người tronrg tính cách Bửu Chỉ.
Tất cả đổi thay như một chuỗi giấc mơ. Sau 75, tôi rời Đà Nẵng vào Sài Gòn, trở thành người “mất dạy”. Tôi dùng thời gian vừa chăm sóc cha mẹ già, vừa viết cho các báo và tạp chí. Trước đó khi nghe tin Chỉ ra tù vào năm 1975, tôi rất mừng, lại càng mừng hơn khi biết tin chàng ta đã rục rịch sáng tác trở lại, dù trong lòng có ý e ngại không rõ không khí sáng tạo trong chế độ mới có phù hợp với con người đầy cá tính như Chỉ hay không.
Và bỗng nhiên không hẹn trước, Chỉ xuất
hiện ở phòng khách nhà tôi, 61 Bến Chương Dương, Sài Gòn lúc 11.30 đêm, tháng
9. 1988. Vai mang ba-lô nặng trĩu, chiếc mũ bê-rê – vật bất ly thân của Chỉ –
cầm ở tay, mái tóc rậm đen bồng bềnh thời trai trẻ mỏng dần, vầng trán trở nên
cao hơn, nhưng khuôn mặt lầm lì không thay đổi.
– Trời, Chỉ! Đi mô mà khuya rứa? Từ Huế vô
hả? Răng biết chị ở đây? Tôi kinh ngạc hỏi dồn.
– Tuyết Lộc ơi, từ từ mà hỏi. Chỉ vừa thoát
khỏi chuyến tàu hỏa kinh hoàng.
– Hả? Vô đây. Vô đây. Tôi kéo Chỉ, ấn vai
ngồi xuống ghế.
– Chỉ phải nhảy tàu để kịp chuyến bay đi
Pháp ngày mai. Toa mô cũng heo gà.
Bọn con buôn chất cả bột mì, văng tung tóe lên đầu khách. Thôi, vô đây được là
mừng lắm rồi. – Chỉ
thở phào.
Tôi
vừa lấy nước vừa hỏi Bửu Chỉ:
– Đi Pháp? Cụ thể là răng? Nói mau đi, chậm như rùa.
– Tóm lại là... vui. Chỉ đang vui. Lòng Chỉ
đang mở hội. Nhưng nì, dẹp nước non đi. Trong túi Chỉ có 100 đô. Đi. Đi. Hai
đứa ra chợ Bến Thành đổi tiền rồi ăn hột vịt lộn. Chỉ thèm hột vịt lộn quá
trời. Tuyết Lộc ưa ăn chi Chỉ chiêu đãi. Cứ xài hết 100 đô cho đã.
Nói thì chậm rãi, lối nói các mệ, kéo dài
như kẹo kéo, nhưng hành động thì nhanh như hỏa tiễn, xem ra bốc đồng không thua
gì Tuyết Lộc.
Bến Thành về khuya vẫn rộn rịp người, xe.
Một thành phố không ngủ, sức sống thật mãnh liệt, muốn ăn chi cũng có, muốn ngủ
đâu cũng được, có tiền thì khách sạn 2, 3 sao, không tiền thì khách sạn ngàn
sao. Đây là Thành Phố Phật ôm tất cả con cái từ Bắc, Trung, Nam vào lòng!
Vừa ăn bún bò, tôi vừa nôn nóng:
– Nì, ai mời Chỉ rứa? Triển lãm hay rong chơi?
Chỉ
có vẻ tự hào:
– “Nhà Việt Nam” mời.
– Trời ơi. Chỉ ơi là Chỉ, tưởng Paris đại diện nước Pháp mời, ai
ngờ cái nhà nhỏ tí tẹo mà làm như ghê lắm. Nè, nhiều người đi về “gáy” to lắm
nghe. Nào nước Mỹ mời, nào nước Pháp mời… Có người nán bên bờ sông Seine năm
phút mà đã “nổ” như từng dạo chơi mỗi chiều ở đó, hoặc đang ngồi ở phi trường
muốn thót cả tim vì sợ nghe thông báo không hiểu kịp mà cho in cả loạt bài thơ
kèm ghi chú “Phi trường Orly ngày…” hoặc “Một góc phi trường Charles-de-Gaulle
ngày…”.Coi chừng “gáy to”, người biết chuyện họ cười cho thúi đầu. Về đến nhà,
báo chí hỏi thì đừng dại miệng “gáy” nghe chưa.
–
Tầm bậy tầm bạ – Chỉ nghiêm mặt – “Nhà Việt Nam” ai không biết là nhỏ tí tẹo
nhưng quanh “Nhà Việt Nam” thì mở ra cho Chỉ chân trời bao la. Không dễ mô
Tuyết Lộc ơi, cầm vé trên tay chưa chắc đi được, cầm vé trên tay, ngồi trên máy
bay, cột dây an toàn đàng hoàng rồi mà máy bay chưa cất cánh cũng chưa chắc đi
được. Đến khi mô máy bay đáp xuống phi trường của Tây mới chắc đó. Chỉ đã từng
bị một vố đau về chuyện ni rồi. Trò vu khống, thọc gậy bánh xe, cướp cơ hội của
người tử tế là đặc sản xã hội chủ nghĩa đó, Tuyết Lộc biết không. Anh em trí
thức nghệ sĩ Hà Nội đã kể cho Chỉ khối chuyện. Ê! Chỉ nhớ không lầm thì Tuyết
Lộc đi Pháp hồi đậu xong đệ nhất cấp? Rồi thất tình với anh họ của Chỉ, nên thi
xong tú tài bị hai bác và anh Hai “đẩy” qua Paris học, nửa chừng đòi về vì nhớ
người yêu. Đúng chưa? Chỉ biết hết.
–
Đúng, nhớ rứa là giỏi, là có quan tâm đến Tuyết Lộc. Đó là phần thưởng sau mấy
năm ngồi ghế đệ nhất cấp, một vòng châu Âu chứ bộ. Điện Louvre là nơi Tuyết Lộc
đặt chân tham quan đầu tiên ở Pháp trước khi đi vòng vòng châu Âu.
–
Đó. Đó. Tuyết Lộc đi rồi thì biết. Với Tuyết Lộc, đó là những chuyến du lịch
cưỡi ngựa xem hoa, chứ với những nghệ sĩ như Chỉ, đi một ngày đàng phải lo mà
học một sàng… hay, mới, lạ của người ta.
Tôi
lắc đầu:
–
Nhưng mà trong túi chỉ có 100 đô, học cái nổi chi. Thôi, cất 100 đô đó đi. Chị
Lộc trả cho tối ni.
Bửu
Chỉ phản ứng ngay:
–
Lại nói tầm bậy tầm bạ nữa. Trước hết, Tuyết Lộc cỡ tuổi Hồng Vân, Hồng Thủy
chị của Chỉ thôi. Chừ Chỉ lớn rồi, cũng có gia đình sự nghiệp như ai, thì cho
Chỉ đứng ngang hàng đi, với lại, trông Tuyết Lộc còn trẻ hơn Chỉ nữa, Chỉ sắp
hói hết tóc rồi nè. Còn cái ni nữa, Tuyết Lộc đừng coi thường Chỉ. Bây giờ Chỉ
có 100 đô, vào đất Tây Chỉ sẽ có vô số… đô. Ăn uống, đi đứng, ngủ nghỉ, người
ta lo hết. Mình chỉ việc bán tranh, và hốt… tiền!
Bửu
Chỉ cười lớn, giọng cười sảng khoái. Chưa bao giờ tôi nghe được tiếng cười đó
thoát ra từ cổ họng bé nhỏ của Bửu Chỉ từ ngày cậu còn là một đứa trẻ cho đến
nay là một họa sĩ thành danh.
Nhìn
Chỉ đang ăn hột vịt lộn ngon lành, tôi hỏi:
–
Nghe nói khi ra tù năm 75, Chỉ làm ở Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên phải không?
Vậy là oai phong lắm rồi. Khối người chỉ mong có được cái ID card xã hội chủ
nghĩa để trồi lên “làm người”!
Tưởng
cậu ta vui mừng kể lể, ai ngờ Chỉ bỏ ngay hột vịt lộn đang ăn dở chừng xuống
bàn, buông một câu nặng nề bất ngờ:
–
Đụ mạ, oai phong chi mà oai phong! – chợt nhớ gì đó Chỉ luống cuống nói – Xin
lỗi Tuyết Lộc, Chỉ quen miệng… thiệt tình mà nói, khi rời nhà tù, khấp khởi trở
về quê nhà mong cùng anh em cũ mới làm được chuyện gì ý nghĩa, ai ngờ cũng từ
cảnh tù nhỏ ra cảnh tù lớn hơn thôi, Tuyết Lộc ơi. Số tạp chí Văn Nghệ Bình Trị
Thiên đầu tiên ra mắt năm 1976, Chỉ vẽ cái nhà máy không có khói, liền bị bọn
hươu nai đó đem ra mổ xẻ một cách thô bạo, cho rằng Chỉ ám chỉ nhà máy xã hội
chủ nghĩa không hoạt động nên mới không có khói. Cũng vì cái khói này mà chúng
moi móc, chì chiết kể tội Chỉ, làm như hù dọa được thằng Bửu Chỉ ni. Nhưng
chúng nó nhầm…
Ngưng
một ít lấy hơi, Chỉ tiếp:
–
Toàn một lũ ngu! Nghệ thuật sáng tạo phải tự do chứ, sáng tạo là phải có sự
trung thực và dũng cảm ở người nghệ sĩ. Có một trăm cách sáng tạo, một ngàn lối
tượng trưng, biểu tượng. Ai đời có thằng ví nhà máy Chỉ vẽ với lô cốt của thực
dân Pháp. Thằng khác bảo xe lửa đi trên mấy khúc đường ray gãy khúc kiểu ni thì
có mà tai nạn, lật tàu! Toàn một đám thần kinh có vấn đề…
Nhìn
bộ mặt giận dữ bất ngờ của Chỉ và thấy một vài người ngồi bàn cạnh tò mò nhìn
về phía chúng tôi, tôi vội vỗ về:
–
Biết rồi cậu tướng, cậu mà sợ ai, đã sợ thì không mang thân vào chốn lao tù.
Mà
quả thật thế, có lần Chỉ vẽ một hình người không đầu và đưa lên báo văn nghệ
địa phương dành cho bạn đọc giải thích, ai giải thích được sẽ có quà của họa sĩ
Bửu Chỉ. Nhưng có người nói “không đầu” tức là “vắng thủ”, nói lái là Vũ Thắng,
tên của Chủ tịch Thừa Thiên - Huế thời đó. Hình như vụ đố hình này kết thúc
trong yên lặng.
Sau
lần Bửu Chỉ đi “Nhà Việt Nam” về, tôi không ở trong ngành hội họa nên không
đánh giá được là tranh Bửu Chỉ có nâng lên phần nào về chuyên môn hay có gì độc
đáo hơn những tranh đã vẽ trước khi đi Pháp? Nhưng điều tôi chắc chắn nhất, thế
nào cũng có một luồng gió mới mát lành thổi vào tâm hồn, truyền sức sống nóng
hổi vào những nét chấm phá của Chỉ. Chỉ cho tôi thấy những bức tranh Chỉ vẽ ở
Paris và triển lãm tại đó năm 1989, nét vẽ rất phóng khoáng, được chụp ảnh lại,
làm thành một album. Chỉ ghi ngoài tập hình câu của Tagore: “Hôm nay một con
chim đã vạch cho tôi con đường, dẫn tôi ra khỏi khu rừng đến những bến bờ đại
dương niềm vui. Bỗng nhiên tâm hồn tôi rộng mở”.
Và
đúng thế, túi Chỉ từ đó luôn luôn rủng rỉnh tiền đô! Nghe đồn anh em văn nghệ
sĩ ở Huế đặt thêm cho Bửu Chỉ một biệt danh mới “Bửu Lượng”.
Một
ngày kia, được giấy mời dự triển lãm tranh Bửu Chỉ tại Liễu Quán, Huế tôi vội
đáp máy bay về Huế để ủng hộ. Tranh trên bố của Chỉ được khách nước ngoài ưa
thích. Trông Chỉ có vẻ hài lòng, pha một chút trịnh trọng nữa là khác. Tôi thật
sự mừng cho người bạn một thời niên thiếu, người đang tiếp tục đâm đầu vào một
con đường vô định vô lường mang tên Nghệ Thuật. Tôi cứ nghĩ khi hạ bút viết hai
câu lục bát “Ma đưa lối quỷ đưa đường – Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”
không rõ cụ Nguyễn Du có liên tưởng tới việc trước tác của mình và của người
đời sau hay không. Rồi tôi tự an ủi, thôi cũng mừng cho chàng hoàng tử bé đa sự
đa đoan của tôi, không phải đi theo cái phận số “lưu dung” – một từ khá hỗn
xược và thất nhân tâm của phe chiến thắng – nhạt nhẽo, buồn thảm trong bốn bức
tường lớp học hay con đường chính trị thư lại – vốn phù hợp với tính cách người
Châu Ô, Châu Rí – không mấy ai thiện cảm, và đặc biệt bất lợi cho nghiệp sáng
tác vốn xem Tự Do là trên hết.
Một
lần khác, tôi ra thăm con gái đang học ở Đại học Sư phạm Huế tình cờ thấy Bửu
Chỉ cắm đầu cắm cổ đạp xe từ Vỹ Dạ lên, trên đầu Chỉ vẫn chiếc bê-rê lệch một
bên, áo măng-tô kem (chắc mang từ Pháp về). Mặc măng-tô mà đi xe đạp, trông
luộm thuộm, buồn cười, chi bằng đi bộ thấy còn “sang” hơn, tôi cười thầm cậu em
tài hoa có thừa của mình. Đứng trước cổng trường Đại học Sư phạm, tôi gọi lớn:
–
Chỉ! Bửu Chỉ! Tuyết Lộc nè.
Chỉ
quay xe lại, đầu cúi xuống không nhìn tôi, không vui vẻ hớn hở như hôm nào ở
Sài Gòn.
–
Chỉ đi mô mà mặt mày buồn rứa?
–
Chỉ bận tí việc. Có hẹn mà trễ rồi. Gặp Tuyết Lộc sau hí.
Mưa
phùn xứ Huế càng làm tăng thêm cái buốt tận xương tủy. Tôi vội kéo cổ áo len
lên cao hơn, lòng bâng khuâng: “Phải có chuyện chi xảy ra với Chỉ rồi!”. Tôi
nhìn theo dáng lật đật của Chỉ, lòng lo lắng. Sau này tôi mới rõ ngoài nỗi thất
vọng – nói là tuyệt vọng cũng không sai – mang sắc thái chính trị xã hội, Chỉ
đang dính vào một số rắc rối tình cảm, tạo nhiều dư luận phức tạp ở địa phương,
mà vì lý do tế nhị tôi không nói rõ ở đây.
Mỗi
lần gặp Bửu Chỉ ở trong một tâm trạng khác nhau và lần cuối cùng ở cà-phê 27
Nguyễn Thị Diệu. Đây là quán cà-phê nơi một số anh em văn nghệ sĩ gặp gỡ chuyện
trò, trao đổi mọi thứ trên đời. Thêm vào đó, cô Út chủ quán là mẫu người tế
nhị, chu đáo, biết “tỏng” tính nết mỗi khách, nên ai cũng có cảm tình, thích
đến thường xuyên. Dáng Bửu Chỉ tay xách nách mang từ phi trường Tân Sơn Nhất về
thẳng cà phê 27, miệng tủm tỉm cười “Moi đi tị nạn Festival Huế” còn
đọng lại trong tâm trí tôi và nhóm bạn thân.
Họa sĩ Bửu Chỉ ngoài cùng bên phải (cầm điếu thuốc)
(hình chụp trước khi qua đời 5 tháng)
Dạo
đó bụng Chỉ bắt đầu “phệ” ra, đó là hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi sau những
năm không gặp. Cả nhà Chỉ ai cũng nhỏ thó, mình hạc xương mai. Chỉ mập, dáng đi
nặng nề hơn. Chắc kể từ ngày trở thành “Bửu Lượng”, chàng ta sinh ra nhậu nhẹt;
bây giờ không nhậu ba xi đế với cóc ổi, đậu phụng rang nữa, mà Whisky, Martin
mới nặng đô, đúng điệu. Chỉ ngồi, bụng phưỡn ra, hai chân trườn dài, thiệt tình
trông hơi chướng… Tôi chưa kịp phê bình, Chỉ đã nói:
–
Chà, Tuyết Lộc trông vẫn đẹp như xưa, lại mặc áo lụa Hà Đông, quần lãnh đen,
nõn nà lắm. Chỉ sẽ vẽ chân dung Tuyết Lộc.
–
Cám ơn cám ơn, nói là giữ lời nghe chưa. Năm thì mười họa mới gặp lại trông Chỉ
“bệ vệ” quá.
–
Ui chao, bệ vệ chi mô, bệnh quá trời bệnh, tiểu đường, tim mạch,
huyết áp... ai có bệnh chi là Chỉ có bệnh đó.
– Nè,
trưa ni Chỉ về nhà Tuyết Lộc ăn cơm hí.
– Chỉ
ở xa lắm, tận Thanh Đa. Trưa rồi, lo chi, Chỉ còn nợ Tuyết Lộc một chân dung
mà.
– Chà,
cô nào ở Thanh Đa nữa há? Răng nhiều người yêu dữ rứa?
– Nói
thiệt, đời Chỉ làm chi có chuyện lụy đàn bà. Thời buổi này, kiếm tiền nuôi
miệng, lo cái ăn cái học cho con đã thở không kịp, yêu với đương chi. Còn nếu
lỡ dại có thêm con ngoài luồng thì ráng nuôi, không răng hết. Đời ngắn lắm
Tuyết Lộc ơi. Chỉ là người thích những cảm giác lạ, nếu quá đạo đức quy tắc thì
đừng bày đặt làm nghệ sĩ, sáng tác. Đôi khi Chỉ thấy chán ngán chính bản thân
mình. Trong tình trường nếu Chỉ mà nói trắng trợn ra hết, e không đẹp chút mô
mà Tuyết Lộc nghe chưa xong đã co giò chạy mất.
Không lâu sau bất ngờ tôi nghe tin Chỉ mất.
Nguyễn Quốc Thái, Lê Khắc Cầm báo tin và nói: – Tụi mình làm chung một vòng hoa, rồi Thái,
Cầm đại diện đi Huế. Tuyết Lộc đi được thì đi.
Tuyết Lộc không đi được. Rất buồn. Vì Bửu
Chỉ như một thành viên ruột thịt của gia đình, là một phần kỷ niệm đau đáu, khó
nguôi ngoai một thời của bản thân tôi. Nhưng có khi cũng là một quyết định đúng
đắn, Chỉ ơi. Chứng kiến chỉ thêm nặng lòng!
Hình như khi sinh thời, nguồn năng lượng
trong Bửu Chỉ quá thặng dư, quá mãnh liệt, mà hội họa không dùng hết được đến
mức nó phải ào ạt tràn ra, phá vỡ mọi ranh giới. Và Chỉ, trong cơn khủng hoảng
với số phận và tính cách phức tạp của chính mình, có lúc đã lãng phí nguồn năng
lượng bẩm sinh đó vào nhiều lĩnh vực khác. Tôi tin rằng trong thẳm sâu những
cuộc dấn thân từ chính trị tới nghệ thuật, cho đến ái tình và nhục dục có lẽ
đều xa gần có nguồn gốc từ mạch trào vô thức vô lường mà Bửu Chỉ cũng phải trôi
dạt, thăng trầm không cưỡng lại được. Thậm chí Bửu Chỉ đã có lần tâm sự với tôi
muốn bỏ tất cả để đi buôn trở thành doanh nhân chuyên nghiệp thật sự.
Bạn tôi,
Lê Khắc Cầm, từng ngậm ngùi “tiết
lộ” có lúc quá tuyệt
vọng Chỉ đã từng có ý định tự tử. Ngoài họa sĩ Đinh Cường và nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn, Chỉ coi Lê Khắc Cầm là chỗ tri âm. Những người bạn có khoảng cách về tuổi
tác nhưng đối xử và thậm chí xưng hô bình đẳng, vừa rất mực tôn trọng nhau.
Giữa một Bửu Chỉ khi trưởng thành lại khá xô bồ, to tiếng và một Lê Khắc Cầm
trầm tư, gần như khắc kỷ lại có một tình bạn thân thiết và sâu lắng cũng là
chuyện khá độc đáo, độc đáo cả trong lời vỗ về, động viên bạn của Cầm với
Chỉ: “Tự
tử không phải là chuyện riêng của toi. Moi đã từng xem xét hành động này một
cách nghiêm túc. Nhưng theo ý moi, toi nên tạm gác lại. Chúng ta còn dịp trở
lại đề tài này”.
Một số người không đồng ý với một số nét
trong lối sống mà họ cho là có phần buông thả, phóng túng của Bửu Chỉ. Rất có
thể họ có lý của họ. Nhưng một nghệ sĩ sáng tác với cuộc sống nội tâm dữ dội,
vừa sâu sắc vừa sauvage – với những thành tựu nghệ thuật được thừa nhận – thì
chỉ cần một cú “phi nước đại” là Bửu Chỉ có thể vượt qua tất cả mọi rào chắn,
ranh giới, luật lệ cổ hủ từ nghìn xưa để lại cho Huế nhỏ bé một cách dễ dàng,
một cách rất là “Bửu
Chỉ”.
Đã có nhiều bài viết của những người thân
sơ đề cập đến Bửu Chỉ thời kỳ phong trào sinh viên trí thức đấu tranh, hay phê
bình về tranh vẽ... mà quên đi một mảng quan trọng, đó là tuổi thơ của Bửu Chỉ.
Chính nỗi cô đơn với một dạng “Tuổi thơ dữ dội” đã góp phần tích tụ năng lượng,
hình thành nên con người Chỉ sau này: đầy năng động, đầy sáng tạo và đầy phá
phách nữa, như cố dùng cho hết nguồn năng lượng cuồn cuộn, ức chế trong cơ thể
và tâm hồn mình.
Bửu Chỉ đã nằm xuống. Hình hài vay mượn của
cõi thế gian vô thường cũng đã rữa nát. Cho dù Chỉ ở độ tuổi 20, 50 hay 60 đi
nữa, thì cái còn lại của Chỉ trong tôi vẫn là một cậu bé như đang 7 tuổi, sau
giờ học ngồi bó gối, lặng lẽ cô đơn trong khu vườn u uẩn tựa như đang chiêm
nghiệm cuộc đời ở thì hiện tại và cả thì tương lai... Không rõ trong cõi bí mật
riêng tư đó, hoàng tử bé của tôi có cảm nhận hết sự vô lường mà số phận sẽ dành
riêng cho mình dữ dội đến mức nào hay không!
N. T. L.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét