Cầm xấp hình trên tay, T ồ lên kinh ngạc: “ Sao chị
có những tấm hình này?”. “Trước lúc đi Mỹ mạ em gởi cho chị và giờ chị trao lại
cho em”. T như lặng đi sau câu trả lời của tôi. Người đàn ông 52 tuổi dán chặt
mắt vào tấm ảnh chụp năm lên 2 cùng mẹ và mấy chị trước sân nhà ở Nha Trang.
Ngày mai quay về Mỹ, hành lý T mang theo không chỉ có xấp hình mà còn có cả tiếng
sóng vỗ bờ trên đường Duy Tân, có bước chân ba hối hả trở về nhà sau khi tan sở,
có tiếng mạ lục đục dưới bếp sửa soạn bữa cơm chiều, có tiếng đàn piano của chị
Huyền vang lên trong đêm vắng…Rồi một ngày trên xứ lạ, người đàn ông thầm cảm
ơn mẹ đã cất giữ giùm kho ký ức vô giá khi cầm xấp hình đen trắng chỉ cho con:
đây là ông nội, bà nội, đây là Huế, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Nha Trang, Sài Gòn…
Trong xấp hình của mẹ T, cũng là dì của tôi không có
một tấm ảnh màu, tất cả đều là hình đen trắng. Cái sắc màu tưởng chừng đơn giản
ấy lại có giá trị hơn hẳn so với những tấm ảnh màu của thời đại kỹ thuật số bây
giờ. Tuổi thọ của tấm ảnh càng cao thì giá trị về mặt tinh thần của nó càng lớn.
Và cho dù phản ánh một thuở vàng son, một kỷ niệm buồn hay một gương mặt đã mịt
mù thì những tấm ảnh đó vẫn là thứ không thể đong đo bằng vật chất được. Xấp
hình của dì tôi cũng có ý nghĩa tương tự. Với người khác chỉ là những tấm ảnh
bình thường, nhưng với người trong cuộc như T là cả một kho tàng.
Cũng như T, tôi đã từng ngồi thừ ra trước cuốn album
của gia đình sau khi mẹ tôi qua đời. Cũng bàn tay cần mẫn làm lụng, cũng mấy
ngón yêu thương đã viết những dòng chữ tròn trĩnh nơi góc ảnh để các con nhớ được
từng thời điểm. Bảy chị em gái của má Tết 1953, Quang 1957, Tháp Nhạn 1960…Mỗi
tấm ảnh như một trang trong cuốn tự truyện của gia đình. Nhìn hình mấy cô chú,
tôi có thể hình dung ra quê nội với dòng sông Thu Bồn chảy ngang qua. Tấm bảng
hiệu có số nhà trên đường Bùi Nguyên Ngãi Tuy Hòa thì nhắc nhớ những năm phố chợ
hạnh phúc. Căn phòng chị tôi ngồi có cửa sổ mở ra thấp thoáng mấy chậu mãn đình
hồng thì gợi lại vườn xưa trên đường Trần
Hưng Đạo…
Trong số những kỷ vật của mẹ để lại, tôi quí nhất cuốn
sổ tay và ống nhổ bã tràu bằng đồng. Một người bà con lớn tuổi xin cái ống nhổ
nhưng tôi từ chối. Và bây giờ nó vẫn nằm ở góc cũ như bao năm. Đứa cháu ở nước
ngoài về trọ trẹ hỏi bằng tiếng Việt: “ Cái này của bà cố?”. Thế là vừa nhẩn
nha giải thích, vừa nhớ người đã khuất ngập lòng. Trong cuốn sổ tay màu xanh đã
sờn gáy ghi chi chít những công thức làm bánh, đan, thêu, may…Bánh thuẫn đạo:
16 trứng gà - 600gr đường - 400gr bột (bột bông dờ hay bột hạ)… Mũ phi công: gầy
30 mũi đan xuống, xong cuối hàng còn một mũi bỏ sợi chỉ lên… Áo con Bảy bề dài cắt
đứt 0m52, vạt trước dài hơn 0,03 vì để 3 phân chít cái ben ngực... Giữa cuốn
sách là toa thuốc đau bao tử có ghi: Sài Gòn Le 18, Oct, 1971 của Docteur
Pierre Boucheron ở 32 ter, rue Trương Minh Ký, chợ Đũi, Sài Gòn… Tất cả giờ là
những trang giấy ố vàng, có đôi ba tờ đã rời khỏi gáy vì thời gian hay vì tôi lật
đi, giở lại nhiều lần khi bắt đầu công việc gìn giữ chúng như mẹ tôi, dì tôi đã
từng làm.
Việc tìm thấy mình trong ký ức của những người thân
thuộc đã quí, phát hiện mình ở đâu đó trong ký ức của người khác còn hy hữu
hơn. Cách đây một năm, các thành viên trong lớp học thời phổ thông của tôi đều ồ
lên kinh ngạc khi một cô bạn post những tấm hình cách đây 40 năm lên FB. Chúng
tôi, các nhân vật chính không hiểu vì sao mình lại có mặt và ai đã chụp những tấm
hình này? Việc tìm ra tác giả sau từng ấy năm là điều không dễ, nhưng để một
người phụ nữ 60 tuổi tìm lại mình năm 16 tuổi không quá khó. Này là sân trường
đầy nắng, đây là cổng thư viện có cái tên quen thuộc La Sơn, còn đây cả lớp tóc
dài, áo trắng, cười thật tươi bên cô chủ nhiệm…Mừng rỡ, tiếc nuối, bùi ngùi nhiều
cung bậc cảm xúc đã thể hiện trên những dòng comment sau đó. Nhưng có một
comment được nhắc đi nhắc lại nhiều lần là cám ơn ba của cô bạn, người đã giữ
cho con gái và các bạn của mình một thời áo trắng tuyệt vời.
Không chỉ ảnh thời trung học, cô bạn còn sở hữu nhiều
ảnh từ hồi tiểu học nữa. Tôi hết sức ngạc nhiên khi tìm thấy tôi năm tám tuổi
trong một tấm ảnh chúng tôi chụp chung năm lớp 2. Dường như hôm ấy mùa đông thì
phải khi tôi mặc cái áo nỉ xanh đứng ở hàng trên cùng. Tấm ảnh chụp buổi chia
tay của cả lớp với cô hiệu trưởng vô tình gợi lại những gương mặt bạn hữu thuở
nào, rồi trường Nữ Tiểu Học nằm đối diện
với khu công chánh cũ có mấy chiếc xe lục lộ ra vào trong cái sân đầy sỏi, rồi
cửa sổ lớp 2B mở ra thấy tiệm café Hoài Bắc ở đầu đường Lê Thánh Tôn...Cả một
thời thơ ấu êm đềm sống lại qua tấm ảnh nhỏ.
Trong số những tấm ảnh cô bạn post lên FB có một tấm
rất đặc biệt. Đó là tấm ảnh chụp cô ấy, tôi và một cô bạn thân nữa năm 1972 ở
Sông Cầu. Điều đặc biệt ở đây là nhờ tấm ảnh mà tôi và một người thầy cũ nhận
ra nhau.
Vài tháng trước, một cái tên lạ đề nghị kết bạn với
tôi trên FB. Theo thói quen tôi click vào trang nhà của người ấy và mục bạn
chung. Vẫn không có thông tin gì rõ ràng ngoại trừ những dòng status chứng tỏ
chủ nhân rất có kiến thức và tâm hồn. Tiết lộ của người bạn chung duy nhất sau
đó làm tôi bất ngờ, đó là một giáo sư dạy văn ở trường Nguyễn Huệ trước năm 75.
Phải nói tôi rất cảm động vì thầy còn nhớ đến học sinh cũ, nhưng để hình dung đầy
đủ về thầy thì tôi không thể. Trong một lần đọc lại giai phẩm Nắng Xuân Xanh của
trường Nguyễn Huệ năm 1972, nhờ bản nhạc ở cuối bìa sách tôi nhận ra thầy là
trưởng khối văn nghệ của trường hồi đó. Rồi cũng như trường hợp không nhớ ra thầy
Trần Đăng Tường trước đây, tôi vội vã nhắn tin xin lỗi thầy vì trí nhớ tệ hại của
mình. Vài giờ sau tôi nhận được mấy dòng tin nhắn đúng là văn phong của một
giáo sư văn, lời lẽ nhẹ nhàng nhưng đầy cảm xúc: “Thầy thì nhớ dai hơn em chút xíu thôi. Đó là lần thấy em ngồi xe lôi
cùng hai cô bạn chạy khắp Sông Cầu. Sáng hôm đó ba cô thật đẹp: Mắt sáng ngời
và tóc bay trong gió. Buổi chiều còn đăng đàn hò hát làm cho nhiều anh lính thủy
phát điên! Trong ba cô, không ngờ một cô lại có khiếu văn chương! Thật là đáng
quí. Hai cô bạn kia giờ ở nơi đâu. Em có gặp cho thầy gởi lời thăm hỏi”.
Tấm ảnh cũ, cuốn đặc san xuân cũ và đoạn tin nhắn mới
là ba mắc xích giải thích vấn đề: năm 1972, thầy hướng dẫn đội văn nghệ của trường
Nguyễn Huệ trong đó có ban tam ca của chúng tôi ra trình diễn ở Sông Cầu là
giáo sư Cao Hoàng (tức thầy Hoàng Thế Hào). Do kỷ niệm quá đẹp hay vì dòng tin
nhắn quá xúc cảm, câu trả lời của tôi sau đó chỉ vỏn vẹn mỗi một câu: “Cám ơn thầy đã giữ cho em một góc ký ức đẹp”.
Tác giả: thầy Hoàng Thế Hào
Từ buổi sáng năm nào ở Sông Cầu trong trí nhớ của thầy
Cao Hoàng, tôi nghĩ rằng mỗi người đều lưu giữ ký ức dưới nhiều hình thức khác
nhau: hình ảnh, đồ vật, một góc phố, con đường, cánh đồng, hay giấc mơ chẳng hạn.
Vài năm sau hay hơn thế nữa, gặp điều kiện thuận tiện ký ức ấy sẽ bừng sống dậy.
Mới đây cũng trên FB, tôi bắt gặp một người có ý tưởng thật ngộ, tự tạo ký ức
cho mình. Lấy những tấm ảnh của Tuy Hòa
và Sài Gòn xưa như tháp Nhạn, Ngã Năm, chợ Bến Thành, khách sạn Continental…
ghép kế bên hình của tác giả chụp năm 2015 ở bên Mỹ. Chỉ cần tinh ý chút xíu là
nhận ra ngay sự tương phản, tuy nhiên cách lắp ghép “tân cổ giao duyên” tưởng
như đùa ấy cũng khiến nhiều người ngộ nhận: mới về Tuy Hòa hả? Đang ở Việt Nam
phải không?
Tác giả đặt tên cho chuỗi ảnh ghép này là “ Hành
Trình Về Thăm Tuổi Thơ”. Một cách thể hiện giấc mơ xem ra rất lý thú. Đi và về
một nơi chốn nào đó đều có thể thực hiện được nhưng tuổi thơ…thôi thì với những
hình ảnh còn nguyên vẹn trong ký ức tại sao không “mời
người lên xe về miền quá khứ”.
Mỗi ngày qua, ký ức của chúng ta lại dày thêm và
phong phú. Tuy vậy tuổi tác và nhiều sự cố xảy ra khiến chúng mỏng dần đi. Tôi
hay vin vào những cớ này để biện minh cho vùng ký ức nào đã mất. Nhưng khi chính mình không còn tồn tại
trong ký ức một ai đó liệu những lý do trên có đủ sức thuyết phục.
Hình của Kevin Trần
Một người quen ở Mỹ về tặng tôi một tuyển tập gồm những
bài viết về nước Mỹ đoạt giải cao trong những năm gần đây của cộng đồng người
Việt. Trong mục lục tác giả và tác phẩm, tôi ngờ ngợ trước một cái tên, không lẽ… Lật
đến trang kế tiếp có hình tác giả trong lễ trao giải, quả đúng là người đó. Phải
nói tôi vô cùng xúc động, cuối cùng thì cả hai cũng đi chung một con đường như
lời hẹn cách đây mấy mươi năm. Hàng loạt các bài viết sau đó trên internet giúp
tôi hiểu rõ thêm N hiện nay ở đâu, làm gì bên Mỹ. Ngoài đề tài về nước Mỹ, còn
có một Việt Nam bàng bạc trên các trang viết của N. Cây đu đủ trong vườn nhà ở
thị trấn vùng cao, hàng rào dâm bụt đỏ trước cổng ngôi biệt thự ở ĐĐ, những con
đường rợp bóng cây chung quanh ngôi trường nữ nổi tiếng ở Sài Gòn… Tuyệt nhiên,
không có thứ tôi cần tìm, dù chỉ một chi tiết nhỏ. Không có bất cứ dòng chữ nào
về một thị xã ven biển miền Trung, không một gương mặt bạn hữu thân thuộc nào lấp
ló phía sau những con chữ. Tôi tự nhủ, có lẽ còn một góc khuất nào đó trong những
tác phẩm chưa đọc của N.
Lần đi Mỹ vừa rồi, tôi tình cờ gặp một người quen của
N và có nhắc lại quãng thời gian chúng tôi sống ở P. Cuộc điện thoại sau đó của
người này làm tôi hụt hẫng, N không biết tôi là ai. Một thứ cảm giác chênh vênh
y hệt buổi chiều 30/4/75 khi thấy hai ổ khóa to đùng trước cổng nhà N. Một lần
nữa tôi lại mất N.
Rút kinh nghiệm từ bản thân, tôi nêu ra một loạt lý
do để bào chữa cho việc lãng quên của N, dù tận đáy lòng vẫn tự hỏi, 10 năm
tình bạn đâu phải là bóng câu qua cửa sổ. Rồi chợt nhớ một đoạn văn từng đọc: “ Cuộc đời không khác gì mấy
so với hành trình của một con tàu. Mọi cuộc hành trình đều bắt đầu với sự cập bến
và sau đó rời bến. Bên cạnh đó đầy những rủi ro, những bất ngờ thú vị và cả những
nỗi buồn sâu sắc”. Trường hợp của N, tôi cho rằng chúng tôi chỉ đi chung một
quãng đường, nửa chừng N xuống ga và bỏ quên túi hành lý có tên: ký ức.
Hình của Kevin Trần
Nhiều lúc tôi tự hỏi, mình đã già thật sao khi mỗi
ngày mỗi ngoái đầu về phía ngày cũ nhiều hơn, một việc làm rất hiếm hoi trong
những năm tháng tuổi trẻ luôn lao về phía trước. Tưởng chỉ mỗi mình, hầu như ai
đứng bên triền dốc cuộc đời cũng bước vào vòng lẩn quẩn đó. Tôi nhớ những ngày
cuối đời, ba tôi thường hay ngồi thừ một
chỗ và nhắm nghiền mắt lại. Nhiều hôm sợ ông ngủ và không dậy nữa, tôi liền đến
vỗ vai: “Ba, ba đừng ngủ!”. Hầu như lần nào ông cũng gương đôi mắt mệt mỏi nhìn
tôi: “ không, ba không ngủ. Ba đang nhớ chuyện hồi xưa”. Thoạt tiên, tôi nghĩ
ông lẩn thẩn, cho đến khi ông mỗi ngày một yếu đi, tôi mới nghĩ hình như mình
biết về ba mình quá ít. Thế là những ngày còn lại, bằng chất giọng chậm rãi yếu
ớt ba đưa tôi vào thế giới ngày xưa của ông. Và trong cuốn sổ tay cũ kỹ của mẹ,
những câu chuyện ngày xưa của ba được lấp đầy bằng những dòng chữ mới của tôi,
thế hệ F2 của gia đình.
Nói như thế không có nghĩa chỉ những người trong độ
tuổi “gió heo may đã về” mới biết trân quí và lưu giữ kỷ niệm xưa. Sớm mai nào
thức giấc, nhiều người (đa số là giới trẻ) sẽ thấy trên màn hình smartphone của
mình hiện lên tấm ảnh có dòng chữ “Ngày này năm trước” của Facebook, mạng xã hội
lưu giữ ký ức giùm người khác lớn nhất trên thế giới. Vui hay buồn, quan tâm
hay hờ hững tùy thái độ đón nhận của mỗi người, ký ức tự nó hình thành và tồn tại
trong bất kỳ ai, độ tuổi nào.
Tác giả Quang Đặng
*Cám ơn các tư liệu của thầy Cao Hoàng, anh Kevin Trần
và bạn Nguyễn Xuân Lan
QUANG
ĐẶNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét