GỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài GIỮ LẤY MÙA XUÂN, tác giả Quang Đặng. Bài viết nói về "văn hóa" Tết Nguyên Đán của dân tộc Việt rất hay. Xin cám ơn đồng môn Quang Đặng đã chia sẻ.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
Có con chim én ngậm mùa xuân qua ngõ
Đau đến
nhói lòng một tiếng chim rơi.
KD
Sắp đến Tết Nguyên Đán đề tài Tết Ta, Tết Tây lại được
bà con bàn tán sôi nổi. Không ít người ủng hộ gộp hai cái Tết thành một nhưng
đa phần đều phản đối. Thật ra đây không phải ý tưởng mới, người Nhật đã ăn Tết
cổ truyền theo dương lịch từ thế kỷ 19. Điều đáng nói ở đây tuy cuộc sống hiện
đại nhưng dấu ấn văn hóa phương Đông và bản sắc dân tộc luôn được người Nhật
trân trọng, gìn giữ trong dịp Tết này.
Theo lời người thân của tôi định cư ở Tokyo 30 năm thì
người Nhật đón năm mới với những phong tục hết sức đặc biệt. Trước Tết nửa
tháng, cư dân của khu phố tập trung làm vệ sinh với mong muốn một năm mới sạch
sẽ cả về hình thức lẫn tâm linh. Sau đó mọi người đến hội trường khu phố để nhận
bánh. Đây là loại bánh truyền thống của người Nhật. Bánh được nấu bằng nếp, giã
bằng tay trong những cái cối gỗ. Bánh chưng trên bàn thờ thường có nhiều lớp, cái
trên luôn nhỏ hơn và đặt trên cái dưới ngụ ý chỉ lực lượng kế thừa. Thiệp chúc
Tết cũng là một nét văn hóa dễ thương của người Nhật cho dù không xa lạ gì với
thế giới internet. Hàng năm họ vẫn giữ thói quen mua thiệp, tự tay viết những lời
chúc mừng năm mới gởi đến cho người thân, bạn bè.
Cũng theo lời người thân của tôi kể lại thì trước
giao thừa khoảng một tiếng, đài truyền hình Nhật Bản trực tiếp lễ thỉnh chuông
của các ngôi chùa từ Bắc đến Nam, bắt đầu từ Hokkaido. 108 tiếng chuông tượng
trưng cho 108 nỗi muộn phiền của con người (theo đạo Phật) xua đi ưu phiền năm
cũ, chào đón năm mới sẽ lần lượt vang lên trên khắp nước Nhật. Ở những ngôi
chùa trên núi người dân cung kính quay mặt về hướng mặt trời mọc. Đúng 0h tiếng
chuông thứ 108 sẽ dừng lại ở Tokyo, báo hiệu một năm mới bắt đầu. Khi tiếng
chuông cuối cùng vừa dứt, trước những ngôi chùa ở Tokyo đám đông đứng xếp hàng
từ chập tối cũng tuần tự tiến vào lễ Phật. Mọi người đều tiến hành nghi thức rửa
tay tẩy trần và làm động tác khoác nhẹ làn hương trầm lên người lấy hên. Trên
đây chỉ là một vài phong tục ngày Tết ở Nhật Bản. Mấy mươi năm trên đất Nhật
cũng từng ấy năm người thân của tôi ăn Tết với những tục lệ đậm chất Á Đông như
thế. Nói một cách nôm na Tết cổ truyền ở Nhật và Tết dương lịch tuy diễn ra
cùng một thời điểm nhưng hồn ai nấy giữ.
Từ quan niệm về cái Tết của người Nhật, thời gian ắt
hẳn sẽ có câu trả lời cho cái Tết Việt Nam. Đối với những người lớn tuổi như
tôi thì việc sáp nhập hay giữ nguyên Tết Ta không quan trọng cho lắm, giữ cho
được cái hồn Việt mới là điều đáng nói. Thế hệ chúng tôi từng thụ hưởng nhiều
nét đẹp văn hóa ngày Tết mà thời gian và cuộc sống hối hả hiện tại đã vô tình
làm mai một.
Ông ngoại tôi là tộc trưởng của một dòng họ. Trong một
năm không biết bao nhiêu lần giỗ chạp. Việc cúng kiếng lâu ngày trở thành nếp
nhà và truyền lại xuống đời các con cháu. Ngoại trừ những đám giỗ thông thường,
Tết là dịp ông ngoại để tâm nhiều nhất. Từ rằm tháng chạp trở lên nhà ngoại bắt
đầu chộn rộn, không khí Tết như len lỏi trong từng ngóc ngách ngôi nhà. Ngoài
sân đám cháu trai nội ngoại phụ ông lau chùi lư đèn. Trong nhà bọn con gái dưới
sự chỉ bảo của bà ngoại ngồi xăm mứt gừng, mứt bí. Ngày đưa ông Táo về trời
cũng là ngày ông ngoại dựng cây nêu. Trên ngọn tre lúc nào cũng treo cái phướn
và một giỏ tre nhỏ đựng bánh cúng, gạo, muối để trừ ma quỉ. Sáng 25 tháng chạp
ông dắt chúng tôi ra ngoại ô đi dãy mả, sương mù còn bảng lảng trên những ngôi
mộ nằm hiu hắt giữa đám cỏ lau. Những ngày cận Tết nhà ngoại càng rộn ràng hơn.
Bà sai hái đậu ngự, rọc lá chuối trồng phía sau núi để gói bánh tét, ông thúc dục
đám cháu lau bàn thờ, đơm bông chuối, rửa chén bát.
Trời miền Trung cuối năm lành lạnh. Hoa vạn thọ, hoa
cúc, hoa mồng gà nở đầy sân. Xen lẫn trong tiếng cười của ông ngoại, tiếng đùa
giỡn của đám cháu nhỏ là âm thanh đì đùng của pháo từ phố xa. Có thể nói đây là
bức tranh xuân sống động nhất tôi từng chứng kiến một thời tuổi nhỏ.
Thế nhưng đến một tuổi nào đó khi đã thấm thía về cái
được cái mất, biết quí trọng những giá trị tinh thần chứ hồi còn nhỏ đâu đã nghĩ
được như thế. Những công việc lặt vặt như quét dọn, phơi dưa món, sấy bánh thuẩn,
đãi đậu xanh, lau lá chuối, tưới nước đường cho mấy thau mứt chiếm hết thời
gian trong khi ngoài đường bao nhiêu thứ quyến rũ. Nào là chợ Tết, chợ hoa, văn
nghệ cuối năm ở trường, cắm trại Hướng Đạo không khéo còn lấy làm bực bội nữa đằng
khác. Mới đây trong một lần gặp gỡ các anh chị em họ, những mái đầu bạc còn
than thở: "Sao nhà tụi mình hồi đó
cúng sao mà nhiều thế?". Cúng đưa ông Táo, đón ông Táo, cúng Tất niên,
cúng giao thừa, mùng một cúng chay, mùng hai cúng mặn, mùng ba cúng tạ, mùng
tám cúng khai trương. Thử hỏi năm nào ba ngày Tết cũng bị đánh thức thật sớm:
"Dậy đi con! Lo phụ nấu nướng, cúng kiếng!" trong khi giấc mơ xuân đang
dang dở trong tâm hồn tuổi 13, 14.
Bên cạnh những việc sai bảo còn kèm theo vô số lời dặn
dò: không đến nhà người khác ngày mùng một Tết, không cãi cọ, đập bể đồ đạc,
quét nhà ngày đầu năm. Sáng mùng một phải tập trung về nhà thờ họ lạy tổ tiên,
mừng tuổi ông bà, chúc Tết bà con. Những tục lệ tưởng như cũ kỹ, lỗi thời giờ
ngẫm lại mới thấy có ý nghĩa lớn lao vô cùng. Đó là niềm tin "có kiêng ắt
có lành", là sợi dây thiêng liêng thể hiện tấm lòng của con cháu đối với tổ
tiên ông bà, là mối liên kết thâm tình giữa bà con học tộc, hàng xóm láng giềng
và trên hết giữ hai tiếng "cội nguồn" cho đời sau.
Một thứ giá trị tinh thần khác cũng được cho là cũ kỹ
không thể thiếu trong mỗi dịp Tết là nhạc xuân xưa. Đó là những bản nhạc mà tuổi
đời của chúng nhiều hơn hay xấp xỉ tuổi người viết. Tôi không biết 5 năm, 10
năm hay nhiều năm sau nữa giới trẻ sẽ đón nhận loại nhạc xuân nào chứ nhạc xuân
xưa mãi là sự lựa chọn của những người cùng lứa tuổi với tôi. Đón Xuân, Xuân Và Tuổi Trẻ, Anh Cho Em Mùa
Xuân, Nếu Xuân Này Vắng Anh, Cánh Thiệp Đầu Xuân, Xuân Này Con Không Về… những
giai điệu chỉ cần cất lên biết ngay mùa xuân đã về.
Lạ một điều mùa xuân nào cũng những bài hát ấy nhưng
gu nghe nhạc mỗi năm mỗi khác đi. Hồi còn trẻ thích nghe những ca khúc vui
tươi, sôi động như Đón Xuân, Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương, Xuân và Tuổi Trẻ
của La Hối, Xuân Đã Về của Minh Kỳ… đến khi tuổi đời chồng chất, va chạm nhiều
với thực tế thì lại chuộng những bài hát nhẹ nhàng, sâu lắng hơn. Những bài hát
mà trên đường đời xuôi ngược ai trong chúng ta không một lần chùng bước khi
nghe: "Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng.
Xuân đến rồi đây nào ai biết không? hay
Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, khi thấy mai đào nở vàng bên nương..."
Không chỉ giai điệu mà quan niệm về ca từ theo thời
gian cũng dần thay đổi. Có những bài hát từng chê quê quê, sến sến hồi nhỏ giờ
lại là những ca khúc mang nhiều tính tự sự và âm hưởng mùa xuân như: "Trên đường đi lễ xuân đầu năm, qua một năm
ruột rối tơ tằm. Năm mới nhiều ước vọng chờ mong, may nhiều rủi ít ngóng trông…hay Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa, hẹn gặp nhau
khi pháo giao thừa. Em đứng chờ tôi dưới song thưa, tôi đi qua đầu ngõ, hỏi
nhau rằng xuân đã về chưa..." Nhạc
xuân xưa vì thế không chỉ để hát, để nghe cho vui mấy ngày Tết mà còn nói lên ước
vọng, vẽ nên bức tranh quê nhà và gợi giấc mơ đoàn viên.
Không một ai có thể đoán trước được tuổi thọ của những
ca khúc này. Chúng tồn tại và mức độ phổ biến chưa hề có dấu hiệu ngừng lại. Có
những ca khúc tôi từng hát từ năm lên mười, từng nghe trong một chiều cuối năm ở
Bắc Vàm Cống thời bao cấp và giờ thì thuộc nằm lòng khi tuổi đã ngoài 60. Có thể nói nhạc xuân xưa không chỉ là món ăn
tinh thần mà còn là hơi thở của mùa xuân nữa.
Ngày nay người ta ăn Tết đơn giản hơn rất nhiều nhất
là với những thành phố lớn như Sài Gòn. Chỉ cần một cái nhấp chuột trên màn
hình hay rảo qua một vòng siêu thị là có đủ thứ cần thiết cho ba ngày Tết. Các
công việc như gói bánh chưng, sắm sửa mâm cỗ, lau chùi lư đèn, dọn dẹp nhà cửa,
chưng cây cảnh ngày Tết tất cả đều có dịch vụ. Một số gia đình khá giả còn thuê
cả bảo vệ trông nhà để du xuân. Cụm từ
"về quê ăn Tết" hầu như chỉ dành riêng cho dân ngoại tỉnh nhập
cư. Nhiều người trẻ ở Sài Gòn còn quan niệm Tết là cơ hội để nghỉ ngơi, đi du lịch.
Cho nên không lấy làm lạ khi đường phố Sài Gòn thênh thang, vắng vẻ mấy ngày
xuân.
Nhu cầu ăn uống hay mua sắm quần áo mới cho dịp Tết cũng
không còn quan trọng. Thức ăn ngày Tết hay mặc đồ mới quanh năm là điều hết sức
bình thường đối với dân thành phố. Các phong tục ngày Tết cũng được giới trẻ
đơn giản hóa rất nhiều. Ví dụ như tự xông đất nhà mình, giảm bớt số lễ cúng kiếng,
dành nhiều thời gian để vui chơi hơn. Đặc biệt đêm giao thừa thay vì ở nhà, dân
Sài Gòn đổ ra đường đông nghịt, đi lễ chùa hay đến các tụ điểm vui chơi. Nhìn chung
người Sài Gòn bây giờ ăn Tết với phong cách hết sức Sài Gòn. Gọn nhẹ, thoáng, cởi
mở, không câu nệ hình thức, mang nhiều tính cộng đồng.
Một cái Tết như thế khá phù hợp so với những người
trẻ tuổi nhưng xem ra có điều gì đó không ổn đối với những người lớn tuổi. Phía
sau của việc đơn giản hóa ấy là gì? Có lẽ là những mùa xuân phai. Đành rằng thế
hệ của chúng tôi ăn Tết thiên về hoài niệm nhưng đó là những mùa xuân thật sự
có ý nghĩa. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng khái niệm tươi mới của mùa xuân luôn gắn
liền với những nét đẹp cổ xưa, thiếu những thứ đó e rằng Tết Việt mất đi cái hồn
Tết. Thế nên không lấy làm lạ khi những năm gần đây nhiều hội hoa xuân ở Sài
Gòn đã tái hiện lại không gian văn hóa Tết xưa. Cũng phố ông đồ, cây nêu, con
đò, bến nước, cổng làng, ruộng lúa, cầu tre, các trò chơi dân gian… một hình thức
đưa làng về phố rất hiệu quả vì dân Sài Gòn đa số đều có gốc gác ở quê. Bên cạnh
đó các công ty lữ hành cũng tổ chức những tour ăn Tết Việt như gói bánh chưng,
bánh tét, bày bàn thờ gia tiên, nấu mâm cỗ, chúc Tết, mừng tuổi tại những gia
đình người Việt. Nếu những tập tục cũ thật sự không có giá trị, sao người ta phải
bỏ công tìm kiếm, phục dựng?
Bây giờ là những ngày cuối cùng của năm. Thêm một
cái Tết xa quê ở Sài Gòn. Bây giờ các bậc trưởng lão trong nhà đã qui tiên. Ba
ngày Tết không còn ai sai bảo, muốn đi
đâu, làm gì thì làm tùy ý. Nhưng bây giờ các U70 trong nhà lại lọ mọ làm những
công việc ngày xưa. Nấu một món gì đó, sắp dĩa mứt, pha ấm trà, thắp mấy nén
nhang rồi gõ nhẹ tiếng chuông trên bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà. Để làm gì, giữ
nếp nhà hay thấy lòng an nhiên?
QUANG ĐẶNG (02/2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét