Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2019

Về Việt Nam Ăn Tết


Hình minh họa (internet)

Câu nói của ông làm bà giật mình và ngạc mhiên:
- Tôi mua vé máy bay rồi ngày mai sẽ về Việt Nam.
Bà đang đứng nấu ăn trong bếp vội buông dao buông thớt, trách:
- Khi không đùng một cái ông nói về làm sao tôi chuẩn bị kịp đồ đạc quà cáp..? Rồi còn vụ trông mấy đứa cháu cũng phải thu xếp đàng hoàng thì mới về Việt Nam được chứ.
Ông Tư nhấn mạnh:
- Tôi nói là mình tôi về thôi, bà có về đâu mà chộn rộn! Cứ ở lại yên tâm mà baby sit mấy đứa cháu nội ngoại của bà.
Bà Tư lại ngạc nhiên thêm một lần nữa:
- Gì mà kỳ vậy? Ông về Việt Nam một mình?
- Bộ tôi về Việt Nam một mình bà sợ tôi đi lạc chắc?
Bà lo âu:
- Nhưng? tại sao ông lại muốn về Việt Nam mà không bàn với tôi một tiếng?
- Tôỉ bỗng thấy thương nhớ quê hương, tôi về ăn Tết để tìm lại hương vị ngày xưa, đã mười năm nay mười cái Tết mình lạc loài xa xứ!
Giọng bà dỗi hờn:
- Ông biết nhớ mà tôi không biết nhớ sao? Ðáng lẽ hai vợ chồng mình cùng về.
Ông Tư bào chữa:
- Tôi thấy bà bận rộn quá, bà có muốn rời xa mấy đứa cháu đâu. Thôi để lần khác.
Bà vẫn cảm thấy áy náy lo âu:
- Ông nói thật đi để tôi yên lòng, ông về Việt Nam vì lý do gì?
- Tôi nhớ quê hương, thăm lại người thân, bạn bè, chòm xóm. Ðược chưa?
Bà nghi ngờ:
- Xưa nay ông có thương nhớ quê hương dữ vậy đâu! Mùa Hè năm ngoái tôi rủ ông về Việt Nam mãi ông mới chịu, ông từng bảo về gặp lai những cảnh bất công trái tai gai mắt trong xã hội mà thêm bực mình, còn người thân ư? Ông bà cha mẹ hai bên chết hết cả rồi, anh chị em thì ở cả bên này.
- Thì tôi về thăm mồ mả ông bà và dù gì cũng còn anh chị em họ, con bác, con dì một đống đó.
Bà vẫn không tha ông:
- Ông đã từng chửi cái đám anh em họ đó mỗi khi họ cơ nhỡ viết thư sang xin chút tiền và có bao giờ ông cho họ một cắc nào đâu. Ông nói anh em ruột cũng mỗi người một phận không ai nhờ ai nói chi anh em họ.
Mỗi lần bị dồn vào thế kẹt ông đều gắt lên để áp đảo bà:
- Nói tóm lại, tôi muốn về Việt Nam để ăn Tết, tôi muốn thăm ai thì kệ cha tôi. Bây giờ tôi cần đi ra ngoài một chút.
Ông Tư vội đi ra cửa không thèm trả lời câu hỏi với theo của bà:
- Ủa! ông đi đâu vậy?
Còn lại một mình bà Tư tha hồ suy đoán, không lẽ ông về Việt Nam vì một người đàn bà nào? Cái tật của chồng ăn ở gần 50 năm nay bà rành quá, hơn cả người mẹ thuộc tính nết của con mình. Ông Tư là một người đàn ông bay bướm hết mình, cả một thời tuổi trẻ làm vợ ông bà đã bao phen ghen tức khóc ròng và tủi thân tủi phận.
Ông Tư là một thầu khoán thường đi xây cất đó đây, hết tỉnh này đến thành phố khác, cái nghề thật thích hợp với con người có máu lãng du giang hồ như ông, đi đến đâu, ông có người yêu ở đấy, coi như khắp bốn phương trời ông Tư đều có người yêu.
Nghề thầu khoán kiếm được nhiều tiền cộng thêm tính ông hào hoa, rộng lượng với phụ nữ nên chẳng bao giờ ông cô đơn, chỉ có bà ở nhà là cô đơn vò vỏ đợi chồng về, bà Tư ghen mãi không kết quả gì nên cũng chán và quen dần yên phận ở nhà làm nghề may vá kiếm thêm tiền và nuôi 3 đứa con. Bà đã tự an ủi: Thôi kệ, trời sinh tánh ông bay bướm, miễn sao về nhà vẫn là chồng mình! Ðàn ông xa nhà thằng cha nào cũng thế, ghen làm chi cho mệt!
Các con bảo lãnh ông bà qua Mỹ được hơn 10 năm nay, hai ông bà đã đi làm vừa đủ tiêu chuẩn lãnh tiền hưu cuộc sống căn cơ nên cũng dư ra chút đỉnh.
Mùa Hè năm ngoái hai ông bà lần đầu tiên về thăm Việt Nam, bà bận rộn với họ hàng chòm xóm còn ông thì nói là đi thăm mấy người bạn cũ?
Một tia sáng chợt loé lên trong đầu bà Tư, có lẽ là những người tình cũ năm xưa?? Và họ đã hẹn hò nhau đoàn tụ vào dịp Tết này?
Cái cử chỉ hấp tấp làm chuyện đã rồi mua vé máy bay xong mới thông báo cho bà sát nút, dù bà có làm dữ cấm cản cũng không thể thay đổi được rõ ràng là gian dối, ông lại qua mặt bà như ngày xưa đây, con người bay bướm đến chết cũng không chừa.
Khi bà Tư nấu cơm xong thì ông trở về, cái đầu hói hết một nửa của ông đã được cắt gọn gàng và nhuộm đen những cọng tóc còn lại dù sao cũng trẻ được vài tuổi lại càng khẳng định ông già đang chuẩn bị về Việt Nam thăm bồ?.
- Già thì để cho già, bày đặt nhuộm tóc làm gì?.Bà hỏi giọng cay đắng.
- Về ăn Tết thì con người cũng phải mới mẻ chứ. Thôi, bà đừng có hỏi lung tung.
Ông gắt lại và lủi vào phòng trong.

Hình từ internet

Hôm sau, ông xách va ly kêu Taxi chở thẳng ra phi trường. Khi đã ngồi yên trên máy bay ông Tư ngả người ra ghế lim rim, không phải ông buồn ngủ mà để tận hưởng một giấc mơ tuyệt vời đang đến với ông.
Bà nhà ông nói đúng, sau 1975 ông không làm ăn được, cơ nghiệp tiêu tan nên ông chẳng muốn về lại Việt Nam mà thêm đau lòng tiếc một thời huy hoàng đã qua.
Nào dè mùa Hè năm ngoái bà rủ ông về cho bằng được, thì ông về cho bà vui đã làm ông thấy cuộc sống ở Việt Nam vẫn đẹp, vẫn dễ thương, đã làm sống lại trong ông một thời yêu đương, lãng mạn. 
Ông đã lò mò vào các quán bia bọt, máu bay bướm sôi sục lên như tuổi đôi mươi, ông kết một cô xinh như người mẫu.
Ngày ông trở lại Mỹ, cô bé đã nũng nịu quấn quýt ông, tặng ông một tấm hình, có ghi số điện thoại để ông gọi cho cô, vì cô đã lỡ yêu ông rồi!
Ở Mỹ những lúc bà sang nhà các con để trông cháu thì ông tha hồ gọi phone về Việt Nam cho cô bồ nhí, lần nào cô cũng nói cô chán cái nghề bia ôm này lắm, cô xấu hổ lắm, nhưng vì nghèo nên phải chịu. Không người đàn ông hào hoa nào nỡ lòng từ chối khi người đẹp của lòng mình than thở và cầu xin được giúp đỡ cả. Thỉnh thoảng ông lại rút tiền trong bank gởi cho cô một hai trăm đô coi như để cầm chân người đẹp, chứ hai phương trời xa cách ông có được hưởng cái gì đâu!
Một hôm cô bé bàn với ông xin ông khoảng 5,000 đô la để cô gởi về quê xây lại căn nhà ọp ẹp của cha mẹ, cô hứa hẹn cha mẹ có nhà cửa đàng hoàng thì em sẽ về quê cày sâu cuốc bẩm bỏ nghề bia ôm luôn.Thỉnh thoảng anh về Việt Nam ghé quê em tình nghèo mà vui.
Ông suy nghĩ, chỉ tốn 5,000 đô mà có một chốn đi về thật lãng mạn, nên thơ, đúng là có tiền mua tiên cũng được, bỏ ra 5,000 đô ông cũng xót, nhưng lại tự an ủi, đồng tiền mình làm ra thì mình phải hưởng, chứ để đó chết có mang theo được đâu, con cái thì đứa nào cũng khá giả đâu cần đồng tiền của cha mẹ để lại. Hơn nữa, coi nhử làm điều phước thiện giúp đỡ người nghèo.
Xưa nay, ông vốn độc tài, gia trưởng, tiền bạc do ông quản lý và quyết định, bà không biết lái xe, không biết một chữ tiếng Anh, ông qua mặt bà một cách dễ dàng.
Hôm nay ngoài tiền đã mua vé máy bay, ông mang theo 10,000 tiền mặt, 5,000 để tặng cô xây ngôi nhà tình nghĩa cho cha mẹ già báo hiếu còn 5,000 để ông tiêu xài bên người đẹp trong những ngày Tết vui tươi, ông tưởng tượng ra bao nhiêu cảnh du hí và mỉm cười một mình, công nhận là đàn ông sướng thật! dù già đến đâu cũng có thể có bồ nhí miễn là có tiền, còn đàn bà, thí dụ như bà vợ già của ông, dù bà có nhét đầy tiền đô trong túi cũng không dám cuảmột chàng trai trẻ.
Nếu ông muốn làm lại cuộc đời, muốn có baby. Dễ ợt!
Ðứa bé sinh ra vẫn khoẻ mạnh, tuổi già của ông không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ đứa bé cả, cô vợ trẻ của ông tha hồ đẻ cả chục đứa con. Ðố các bà, ở tuổi ông mà làm được điều đó! Bắt đầu tuổi 40 trở đi các bà đã chuẩn bị về chiều hết dám sinh đẻ, có cả gan mang bầu cũng lo ngay ngáy con mình bị Down Syndrome.
Nếu kiếp sau được làm người, ông cũng chỉ muốn là đàn ông.Tha hồ hưởng đời cho tới gìa .

Hình từ internet

Ông Tư đi rồi, bà Tư ân hận và áy náy lo âu, bà ân hận vì năm trước đã rủ ông, mời mọc ông về thăm Việt Nam với bà, vô tình bà đã chỉ đường cho hươu chạy đã nối giáo cho giặc?.
Bà áy náy lo âu vì không biết phải làm gì trong lúc này? Bà rất muốn biết ông đã rút bao nhiêu tiền trong ngân hàng, nhờ các con hỏi giùm thì bà ngại con sẽ coi thường cha chưa kể con dâu, con rể.
Bà quyết định sẽ lựa lời tìm cách giải thích với các con chuyện ông về Việt Nam.
Bà lục trong ngăn kéo giấy tờ ông hay cất giữ thì thấy một tấm hình rơi ra trong mớ giấy tờ hỗn độn ấy, hình một cô gái trẻ đẹp tuổi độ mới ngoài 20, mặt sau tấm hình ghi một câu: Tặng anh để luôn nhớ tới em. Hãy gọi cho em số điện thoại này nhé.Cô ký tên Yến Hương của anh.
Tưởng rằng ông hẹn hò với mấy bà bồ cũ ai ngờ ông lại có thêm một cô bồ mới trẻ đẹp càng làm bà tức điên người lên. Lỡ con cái chúng nó biết thì xấu hổ biết chừng nào.
Bà Tư tức tốc bấm số điện thoại của cô gái coi có tìm cách cứu vãn được tình thế phần nào không. Quả nhiên, bên kia đầu dây là giọng cô gái trẻ, bà Tư lên tiếng trước:
- Chào cô, cô là Yến Hương hả? Tôi là bà Tư, vợ của ông Tư già đang hẹn hò với cô về Việt Nam ăn Tết đó.
- Rồi sao bác? Giọng cô gái thản nhiên như thách đố.
Chẳng lẽ bà Tư chửi mắng hay hăm doạ cho bõ cơn tức, tao sẽ thuê người rạch mặt mày, tạt acid mày, băm mày ra trăm mảnh..v..v..Nghĩ mà cay đắng, bây nhiêu tuổi đầu mà đi ghen tức với con nhỏ đáng tuổi con mình nên bà đành hạ giọng ngọt ngào:
- Cháu ơi, bác van cháu hãy buông tha cho ông Tư đi! Ông già rồi, hết xí quách rồi cháu bồ làm chi cho uổng đời. Bác còn sống lù lù đây ông không bảo lãnh cháu qua Mỹ được đâu, còn về tiền bạc, ông có là bao, lãnh lương hưu vài trăm một tháng thôi cháu ơi.
Bà năn nỉ rên rỉ chưa hết lời thì bên kia đầu dây cô? cháu xa ngàn dặm đã cúp phone mất rồi.
Còn một tuần nữa là Tết, ông về tới Việt Nam tha hồ vui. Bà tưởng tượng tới những đường phố đông người và xe cộ, chợ búa tấp nập, hàng hoá đủ thứ, từ trái cây,bánh kẹo tới giày dép, quần áo tràn đầy ra lề đường. Người mua kẻ bán huyên náo, những âm thanh, nhịp điệu, xôn xao, vội vàng của những ngày cuối năm sắp hết. 
Ôi, ông sẽ hớn hở đi bên cạnh con bé đó, sẽ hào phóng chi ra những đồng tiền mà ở bên này bà đã chắt chiu, tính toán để dành, bà biết tính ông quá mà, hà tiện, khắt khe với anh em, họ hàng, nhưng rất tử tế với người dưng, mà phải là phái nữ.
Mà thôi, bà cũng đành gạt nước mắt chốc nữa phải gọi con dâu đến chở bà đi chợ, Tết nhất đến nơi rồi cần mua sắm bánh trái đồ ăn để nhớ tới truyền thống quê hương để cúng kiếng ông bà.
Cũng may còn con cháu bên cạnh nên bà đỡ tủi.

Hình từ internet

Yến Hương đón ông Tư ở phi trường Tân Sơn Nhất với bó hoa tươi trên taỵThật thú vị sau cuộc hành trình dài mệt mỏi gặp được người đẹp thốt lên những lời nhớ thương.
Họ về một khách sạn trung tâm Sài Gòn.
Sau những vòng tay, những nụ hôn ân tình là tiền, cô bé hỏi ông có nhớ mang tiền về giúp cô xây nhà cho cha mẹ không, ông hãnh diện lôi trong túi áo ra những tờ tiền đô mới cứng mà ông đã rút từ ngân hàng ra để nhìn nét mặt rạng rỡ, sung sướng của cô, rồi họ lại quấn quýt vào nhau quên cả thế giới bên ngoài.
Khi ông Tư tỉnh dậy, ánh sáng qua tấm màn che khung cửa khách sạn lấp lánh bên ngoài chứng tỏ ông đã dậy trễ, đêm qua cô bé đã mời ông uống nhiều rượu quá, say rượu, say tình, ông đã ngủ quên mê mệt.
Ông nhìn quanh cô bé đâu rồi? Hay cô đang ở trong phòng tắm? ông gọi không ai trả lời, đừng chơi trò trốn tìm với anh nhé cô bé. Ông hí hởn vào phòng tắm sẽ hù doạ cho cô giật mình, nhưng chính ông giật mình vì phòng tắm trống trơn!
Một cảm giác hốt hoảng chợt làm ông lạnh người, ông vội chạy ra chỗ va ly túi tiền ông để trong đó đã biến mất, không phải 5,000 mà cả 10,000 đô la.
Run run ông bấm phone cho cô bé, nhưng người trả lời là một giọng đàn ông cứng như thép:
- Bác tìm Yến Hương hả? Bác nghĩ sao khi trong tay có 10,000 đô mà một cô gái trẻ đẹp phải ôm mãi một ông già trong những ngày Xuân tươi thắm này?
Anh ta xuống giọng tử tế khuyên:
- Thôi, bác hãy thu xếp hành lý về Mỹ ăn Tết với bác gái đi, đừng tìm Yến Hương cho uổng công. Cháu chưa đánh ghen bác là may phước cho bác rồi vì Yến Hương là người yêu của cháu đó.
Thì ra chúng nó là một băng đảng lừa dối ông. Cũng may ông còn để riêng vài trăm đô ở túi áo khác nên vẫn còn tiền trả khách sạn và bù lỗ cho hãng máy bay để lấy vé về Mỹ sớm.
Cũng đường phố này, cũng cảnh đông vui này, lúc đến đã làm ông rạo rực bao nhiêu thì lúc này làm ông ê chề đau đớn bấy nhiêu.
Cái Tết sắp đến cũng trở thành vô nghĩa.

Hình từ Internet

Nửa đêm bà Tư bỗng giật mình khi nghe có tiếng gõ cửa và giọng nói rõ ràng là của ông Tư:
- Bà ơi, mở cửa cho tôi.
Chẳng lẽ ông bị rớt máy bay và hiện hồn về?
Bà run run bật đèn trong nhà và ngoài nhà sáng choang rồi nhìn qua lỗ cửa, đúng là ông bằng xương bằng thịt.
Cánh cửa mở ra, ông vào nhà ủ rũ và mệt mỏi làm bà ngạc nhiên, thương hại và mừng vui lẫn lộn:
- Sao ông về Mỹ sớm vậy? Có đói không để tôi lấy đồ trong tủ lạnh hâm cho ông ăn nghe?
Ông ngồi thừ người ở bàn nhìn bà vợ già lăng xăng làm đồ ăn chăm chút với cả tấm lòng, ông mới thấy cái tội của ông lớn quá chừng, ông sẽ nói ra, sẽ thú tội hết với bà, để xin được bà tha thứ thì lòng ông mới thanh thản.
Ðột nhiên ông lo lắng hỏi:
- Mấy con có biết chuyện tôi về Việt Nam không bà?
- Biết chứ, nhưng tôi nói là do tôi muốn ông về ăn một cái Tết quê hương nên tụi nó cũng ủng hộ nói ba già rồi ba nên đi đó đây cho vui.
Ông nhìn bà với ánh mắt cảm ơn và cảm phục:
- Vui gì! Tôi tởn tới già!
- Bây giờ ông cũng đã già rồi mà. Bà cãi.
- Ờ thì tôi tởn tới chết! Ông sửa lại.
Bà đoán có một sự cố gì ghê gớm lắm đã xảy ra nên ông mới quay về và hối hận như thế này. Cho dù ông có bị lừa tình lừa tiền, nhưng cái giá vẫn còn rẻ để ông chồng già của bà từ nay trở đi sẽ không đỏng đảnh đòi về Việt Nam nữa, sẽ không tự đánh mất phẩm giá, danh dự của mình nữa.
Bà bưng ra bàn cho ông một tô mì gói có đủ tôm thịt, hành hẹ đang bốc khói thơm phức. Ông đói cồn cào muốn ăn ngay nhưng ông nắm lấy bàn tay bà giọng khẩn khoản:
- Bà tha tội cho tôi nhé, bà đừng giận tôi nhé?
Bà cảm xúc gạt nhẹ tay ông:
- Tôi giận ông làm gì, nếu giận hờn trách móc ông thì bao nhiêu năm qua tôi đã không ở với ông rồi. Ăn xong, ông ra thắp nhang bàn thờ Phật chứng giám cho lòng ông.
Ông Tư nhìn ra bàn thờ, đã bày biện đủ các món Tết: bánh chưng, dưa hấu và hai hộp bánh, mứt. Giọng bà êm đềm bên tai ông:
- Mau quá hả ông, mai là 30 Tết rồi. Chốc nữa tôi sẽ báo cho các con biết là ông đã trở lại Mỹ vì kẻ gian đã lấy trộm tất cả tiền bạc của ông. Gia đình chúng ta sẽ đón một cái Tết vui vẻ ở bên này.
Ông Tư giật mình, bà nói cứ như đã chứng kiến sự thật phũ phàng của ông vậy.
Người vợ hiền dịu bao dung của ông thông minh hơn cả ông tưởng.
Ông Tư vừa ăn mì vừa nghĩ chút xíu nữa ông đã làm mất một cái Tết đầy ấm cúng tin yêu trong ngôi nhà này như những cái Tết ông đã từng hưởng bao năm qua, nhưng bây giờ ông mới thấy hết sự hạnh phúc vô giá của nó.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét