Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

Xăm Hường Ngày Tết



Nhắc đến Tết xưa nhiều người lớn tuổi như tôi thầm tiếc, so với cái Tết hiện đại và đơn giản bây giờ Tết xưa tuy cũ kỹ nhưng niềm vui có phần phong phú hơn. Bên cạnh những tập tục truyền thống như dựng cây nêu, xông đất lấy hên, đến nhà chúc Tết thì tụ tập bà con, bạn bè với các trò chơi như lắc bầu cua, cờ cá ngựa, đánh bài hay đổ xăm hường cũng thú vị không kém. Cờ cá ngựa hay lắc bầu cua con nít đứa nào cũng biết. Còn đánh bài nói hơi “cù lần” một chút từ nhỏ đến giờ ai rủ đến là tôi chịu thua. Tuy cũng biết sơ sơ tên mấy lá bài như rô, bích, chuồn, đầm nhưng hỏi thế nào là xì lát, xì tố, tiến lên, bài cào thì lắc đầu. Riêng về xăm hường tôi rất thích thậm chí còn ghiền nữa đằng khác. Và mỗi lần Tết đến âm vang rộn rã của những hột súc sắc trong cái tô bằng sứ (dù trong trí nhớ) cũng thấy bâng khuâng…

Bộ Xăm Hường (internet)

Theo Google thì xăm hường là một trò chơi tao nhã ngày Tết xuất phát từ cung đình Huế. Một bộ xăm hường gồm ba món chính: các thẻ xăm, sáu con súc sắc và một cái tô sứ. Trò chơi căn cứ vào kết quả của sáu hột súc sắc để dành những cái thẻ có ghi các học vị thi cử thời xưa và số điểm như: tú tài, cử nhân, tiến sĩ, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên. Mỗi bộ xăm hường gồm có 63 thẻ. Cao nhất là trạng nguyên còn gọi trạng anh (1 thẻ) có giá trị 32 điểm, 1 thẻ bảng nhãn và 1 thẻ thám hoa còn gọi là trạng em (16 điểm/thẻ), 4 thẻ hội nguyên (8 điểm/thẻ), 8 thẻ tiến sĩ (4 điểm/thẻ), 16 thẻ cử nhân (2 điểm/thẻ) và 32 thẻ tú tài (1 điểm/thẻ). Sáu con súc sắc mỗi con có sáu mặt nhất, nhì, tam, tứ, ngũ, lục. Trong đó con nhất và con tứ (hường) sơn màu đỏ. Số lượng người chơi không nhất định. Ví dụ 6 người thì mỗi người giữ lại 32 thẻ, bảy người thì người có trạng được quyền bán hết. Cách tính điểm của xăm hường được qui định như sau:
- nhất hường: một mặt tứ lấy thẻ tú tài
- nhị hường: hai mặt tứ lấy thẻ cử nhân
- tam hường: ba mặt tứ lấy thẻ hội nguyên
- tứ hường: bốn mặt tứ lấy thẻ trạng nguyên
- ngũ hường: năm mặt tứ lấy cả ba thẻ trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa
- lục phú hường: sáu mặt tứ. Trường hợp này rất hiếm nhưng không phải không xảy ra. Người thua cuộc phải chung gấp đôi số thẻ cho người thắng cuộc (32 thẻ/người)
Các mặt đen của bộ súc sắc được tính thẻ như sau:
- tứ tự: bốn mặt đen giống nhau lấy thẻ tiến sĩ
- ngũ tử: năm mặt đen giống nhau lấy thẻ trạng nguyên
- lục phú: sáu mặt đen giống nhau thắng toàn bộ
Trên đây tôi chỉ lược kê vài trường hợp đơn giản chứ luật chơi của tam hường rất đa dạng. Ví dụ như đổ sáu mặt nhất, nhì, tam, tứ, ngũ, lục gọi là “suốt” nhận một thẻ trạng em. Tam hường mà ba mặt đen còn lại giống nhau gọi là “tam hường phân sông” nhận một thẻ trạng em và một thẻ tam hường vị chi là 24 điểm. Tứ tự  mà bốn mặt đen giống nhau, hai mặt đen còn lại có tổng điểm bằng một trong bốn mặt đen còn lại gọi là “tứ tự cáp” lấy thẻ trạng em. Ngoài ra tứ hường hay ngũ hường nhỏ điểm hơn trạng sẽ bị giựt vào tay người khác. Nói chung một ván xăm hường luôn tạo sự bất ngờ cho người chơi từ đầu đến cuối, chỉ đến khi kết thúc (hết thẻ) mới biết ai thắng, ai thua.
Mới nghe qua có vẻ phức tạp nhưng chỉ cần chơi thử vài ván sẽ hiểu ngay luật chơi và khi đã chơi rành thì rất mê, điển hình như tôi mê xăm hường từ lúc nhỏ. Tuy nhiên nếu ai hỏi trò chơi này xuất hiện ở Phú Yên từ khi nào lại rất mù mờ. Những người có thể trả lời được hầu như đã khuất núi, tra Google thì một vài tài liệu cho rằng xăm hường chỉ phổ biến ở Huế đến các vùng xứ Quảng còn từ Bình Định, Phú Yên trở vào không ai biết trò chơi này. Thực tế cho thấy trước đây ở Tuy Hòa nhiều người biết chơi xăm hường (còn gọi đổ xâm hường) và tôi, thế hệ thứ n kế tiếp là một ví dụ.

Hột súc sắc (internet)

Hầu hết những người mê xăm hường đều sắm riêng một bộ trong nhà để chơi khỏi phải đi mượn. Tôi không nhớ bộ xăm hường của nhà mình có từ khi nào, chỉ nhớ mang máng năm tôi bảy, tám tuổi chồng của dì tôi chủ tiệm tạp hóa HD ở đường Phan Đình Phùng đi Sài Gòn mua giùm anh chị em mỗi nhà một bộ (đó cũng là lý do vì sao bà con bên ngoại của tôi từ con nít cho đến người già đều mê xăm hường). Vật liệu dùng làm các thẻ xăm hường thường là xương thú vật, tre hay nhựa tốt còn ngà voi rất hiếm vì giá thành cao. Bộ xăm hường nhà tôi không biết làm thứ xương gì mà 60 năm qua vết mực tuy có phai chút đỉnh nhưng tất cả vẫn còn nguyên vẹn, bóng láng. Sáu hột súc sắc ngã màu theo thời gian vì làm bằng nhựa. Còn cái tô sứ số phận lênh đênh giống chủ, dọn nhà mấy lần vẫn nguyên vẹn với tháng năm. Trong xăm hường tô sứ đóng vai trò không nhỏ. Phải là loại sứ tốt, độ nông vừa phải, không quá nhỏ để hột rơi ra ngoài, không quá rộng đủ để các con súc sắc va vào thành tô tạo tiếng vang thanh và xa.
Thường trước khi vào “ trận” chúng tôi trải chiếu dưới nền nhà hay ngồi trên bộ ván rộng để cái tô ở giữa, bày thẻ trạng anh, hai thẻ trạng em và các thẻ tam hường, tứ tự lên một cái hộp cao gọi là mâm trên để phân biệt với các thẻ nhất hường, nhị hường( bọn trẻ hồi đó còn gọi là binh nhì, binh nhất) mâm dưới. Một ván xăm hường được gọi là suông sẽ khi trạng ra sớm và hết thẻ sớm. Tuy nhiên kịch tính và sức hấp dẫn của xăm hường ở chỗ giựt trạng và cá ăn thẻ. Nhiều ván trạng bị giật lia chia không khí hào hứng vô cùng. Có những ván đổ hoài không ra trạng phải cá để giết thời gian, đôi lúc chỉ cần nhị hường cũng thắng thôi thì cười thả ga, reo hò ầm ĩ.  

Ngày Tết gia đình đổ xăm hường (internet)

Đặc điểm của xăm hường là vui chơi mấy ngày Tết, qua mùng rồi hết hứng thú giống như hết Tết thấy mứt, dưa món, dưa kiệu không còn ý vị nữa. Vì không kéo dài nhiều ngày, tính minh bạch lại cao (phù thuộc vào sự may rủi, nhiều người thấy) nên độ sát phạt và ăn thua trong xăm hường không đáng kể. Chủ yếu để thử thời vận, người nào đổ được trạng hay suốt hy vọng một năm mới may mắn, hanh thông. Ưu điểm lớn nhất của xăm hường theo tôi là niềm vui và sự đoàn tụ vì hiếm có dịp nào bà con, anh em, bạn bè tụ họp đông đủ như thế. Thời khắc thích hợp nhất để chơi xăm hường bắt đầu từ ngày mùng Một tết. Ngày này theo thông lệ bà con bên ngoại của tôi đều tập trung về nhà thờ họ. Sau khi cúng lạy tổ tiên, chúc Tết ông bà, lì xì mừng tuổi cho con nít các “sòng” xăm hường ở đây cũng bắt đầu hoạt động. Sòng nhà trên dành người lớn. Chiếc chiếu trải giữa sân dành cho sòng con nít. Tiếng loảng xoảng của những hột súc sắc reo trong cái tô, tiếng cười giòn giã lúc giựt được trạng, tiếng pháo đì đùng từ phố xa với tôi đó là âm thanh của những mùa xuân hạnh phúc.

Đổ Xăm Hường vui Xuân (internet)

Ở nhà tôi xăm hường thường bắt đầu chơi từ chiều mồng ba cho đến mùng tám Tết. Ngoài bà con, bạn bè của ba má tôi cũng rất thích tham gia. Tôi còn nhớ chín, mười tuổi đã lóc cóc sang nhà từng người vòng tay thưa: “ Má con mời bà, mời ông, mời bác, mời chú, mời dì sang nhà con đổ xăm hường”. Bao nhiêu năm tôi vẫn hình dung những cuộc chơi đó, vẫn nhớ cả dáng ngồi, cách gieo hột súc sắc rất đặc trưng của từng người. Giờ thì ba má tôi cùng nhiều người họ hàng, bạn bè đã bày cuộc chơi xăm hường nơi cuối trời xa lắc nhưng tiếng cười của họ vẫn lẩn quất đâu đây mỗi độ xuân về.
Đám con nít cũng hăng hái tham gia xăm hường không kém người lớn. Từ lúc biết hai phép tính cộng, trừ tôi đã biết chơi xăm hường. Khá nhiều giai thoại buồn cười chung quanh chuyện đổ xăm hường hồi nhỏ. Như ngày giáp Tết ra hàng bán đồ đất nung như nồi, ông lò cuối chợ Tuy Hòa mua một cái ổ bịp* có khe đút chiến lợi phẩm( tiền lì xì) thật rộng đặng dễ khèo để chơi xăm hường. Hay thổi phù phù vào mấy hột súc sắc niệm câu thần chú “úm ba la, úm ba la trạng ơi trạng hỡi ra giùm con”, thỉnh thoảng lại tréo mấy ngón tay bên này, xòe mấy ngón bên kia đủ kiểu cốt làm sao đổ cho hường, ra trạng. Trong xăm hường cũng không phân biệt người lớn, con nít. Có lần cậu tôi, người tiếu lâm nhất dòng họ khiến cho đám cháu cười nghiêng ngả khi giựt được trạng từ tay anh con trai: “Thôi nha con! Tình cha con từ nay đứt đoạn.” Có thể nói xăm hường là một trò chơi mà người lớn con nít, kẻ thắng người thua đều vui như Tết.

Bộ Xăm Hường (internet)

Sau năm 75 anh em, bà con của tôi tứ tản bốn phương trời. Bộ xăm hường nhà tôi vẫn còn đó nhưng cũng giống như rượu ngon không có bạn hiền, Tết thì cứ Tết chẳng ai muốn bày cuộc chơi. Một số bộ xăm hường khác theo tôi được biết bị thất lạc hay theo chủ di tản ra nước ngoài. Mới đây nghe nói một người bà con bên Mỹ có tiệm phở đã lấy xương bò phơi khô rồi cưa, đục đẽo, sơn phết thành một bộ tuy không đẹp lắm nhưng chơi đỡ ghiền. Tết dương lịch 2019 vừa rồi qua livestream tôi cũng nghe tiếng súc sắc reo, tiếng nói cười ồn ã, cảnh giựt trạng thích thú của các em họ nơi xứ người. Hôm qua Cali tôi cũng thấy dì tôi, một bà cụ 80 tuổi rất khéo tay ngồi tẩn mẫn chẻ từng khúc cây nhỏ sơn màu trắng rồi chấm đỏ lên cho giống nhất hường, nhị hường thấy mà thương. Trong cuộc sống có những thứ tưởng như bình thường, nhỏ nhoi lại là chất xúc tác mạnh mẽ đến đời sống tinh thần.
Còn tôi mấy mươi năm chưa về Tuy Hòa ăn Tết, không biết ngoài đó bây giờ còn ai đổ xăm hường? Giới trẻ hiện nay chỉ cần một cái click chuột biết ngay tình hình mùa xuân trên toàn thế giới, nhẩn nha ngồi phó thác sự may rủi vào những hột súc sắc họa chăng chỉ có thế hệ lớn tuổi như tôi. Nhưng lâu quá không nhớ ai còn ai mất, giờ tìm đủ tay cho một ván xăm hường e rằng hơi khó phải không những “người muôn năm cũ”?

*Ổ bịp trong Nam gọi là con heo.

QUANG ĐẶNG (tháng giêng/2019)


1 nhận xét:

  1. Tui cũng nhớ cái không khí hồi nhỏ, khi ông bà cha mẹ cô chú còn tụ họp đông đủ, Tết đánh xâm hường vui ơi là vui. Giờ có thẻ có xí ngầu, cũng không tìm lại được không khí xưa nữa.

    Trả lờiXóa