Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

Bỏ Lại Phía Sau

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu
Bài viết BỎ LẠI PHÍA SAU của nhà văn Lê Thị Hoài Niệm (CHS Nguyễn Huệ). Câu chuyện rất vui và ý nhị. 
Trân trọng,
NHHN



BỎ LẠI PHÍA SAU
Lê Thị Hoài Niệm

Gần cả tháng chờ mưa và mưa đến. Mưa ở Houston xối xả, mưa ào ào, mưa rào rào, mưa chừng nào đường ngập nước lênh láng, xe cộ nổi lềnh bềnh, có người xuống thế mạng cho… ma da để gặp hà bá, mưa mới chịu ngưng(?). Mỗi khi đi trên đường mà xui xẻo gặp phải cơn mưa ập đến là cứ y như rằng vuốt mặt không kịp. Gió mưa đập rầm rầm trên mui xe, vào kính xe, hạt mưa nào cũng to tổ chảng từ đám mây đen kéo tới bao phủ kín bầu trời, đẩy lùi mặt trời đi chỗ khác chơi. Thế nên dù cái quạt nước xe hơi có quạt liên tục, quạt hết tốc lực, cái đèn xe có mở sáng choang, thì đôi mắt già của ông Tá sau tám tiếng đồng hồ làm việc mệt mỏi ở hãng tiện cũng cứ phải nhướn, nhướn lên để nhìn. Vừa phải giữ chặt tay lái, vừa phải nhìn chăm chăm vào trong làn mưa, mà theo "tin tức cho tàu chạy ven biển" năm nào thì tầm nhìn xa rất giới hạn, đường sá bị trì trệ vì ảnh hưởng cơn mưa, nên ông Tá cứ chạy thật chậm cho chắc ăn, cố tránh những đoạn đường bị ngập nước, nên đã chậm càng thêm chậm. Cũng nhờ lái cẩn thận mà ông đã lách qua được một tai nạn xe vừa xảy ra. Rõ là xứ văn minh có khác, làm việc theo hệ thống dây chuyền đã đành, đến… đụng xe mà cũng muốn nhiều chiếc nối đuôi nhau cho thêm tình thân mật.

Cứ nghĩ đến cảnh trời đang mưa to gió lớn như thế này mà cái xe bị bẹp dúm, mình mẩy bị u đầu sứt trán, có khi bị lọi tay, gãy cổ…v..v... thì thiệt là xui xẻo. Nhưng dù sao cũng đỡ hơn được… Chúa gọi về. Ông Tá nhớ lại chuyện người bạn cách đây không lâu, vô tình ông nghe được tin "phân ưu" trên radio ở địa phương trong lúc ông đang lái xe, rằng: "Gia đình chúng tôi vô cùng đau buồn và thương tiếc báo tin Phero Nguyễn… vừa được Chúa gọi về ngày ... tháng… năm, hưởng thọ… tuổi". Ban đầu ông ngỡ người trùng tên, trùng họ, chứ ông và hắn hầu như gặp gỡ thường xuyên, chỗ hẹn hò vẫn là "quán phở treo lơ lửng". Hắn mạnh khù khù, giật voi cũng ngã, đánh Tenis “3 sét” vẫn còn gân, lại không có bịnh hoạn chi ngặt nghèo, ung thư ung thiếc gì ráo. Còn tình cảm của hắn thì tràn đầy, chan chứa giữa… bầu trời tự do. Vậy thì lý do gì hắn về nước Chúa? Ông bán tín, bán nghi, nhưng cũng bạo gan gọi dây nói lại nhà hắn. Mèn đéc quơi! Đúng là sét đánh ngang mày. Chính hắn trời ạ. Thì ra, theo lời người nhà hắn kể, bữa hắn đi làm cũng dưới cơn mưa tầm tã (chắc giống hôm nay), không hiểu vì duyên cớ nào mà xe của hắn với chiếc xe ngược chiều lại… hun nhau thắm thiết, rồi quay tít mấy vòng, đến khi hai chiếc xe thấm mệt, nằm bẹp dúm thì đối phương nằm ngáp ngáp, còn hắn thì đi thẳng.

Ra đi không mang va li, không một lời từ giã ngay cả vợ con. Ông tưởng tượng lại cảnh trời mưa to gió lớn như thế này mà được Chúa gọi về thì coi bộ cũng kẹt, chắc đường đi lên cũng chẳng suông sẻ chi, một phần phải tránh né sấm sét, lỡ đi ngang gặp nhằm cái búa của Thiên lôi đang giáng xuống thì cũng đi đứt một lần nữa, kiểu "người chết hai lần thịt da nát tan" như lời trong bài hát của nhạc sĩ họ Tr., còn không thì thân mình chắc khó coi lắm, bị ướt như chuột lột vì chẳng kịp mặc áo mưa. Nhưng ông lại nghĩ chắc tại một số người mình có tính… vọng ngoại, nên khi bị "đi thẳng" thì nghĩ Chúa gọi, chứ Chúa đâu có… nhẫn tâm kêu người đi trong mưa như vậy, Chúa còn đưa tay ra nâng đỡ nếu có lời cầu nguyện nữa mà, bằng chứng là đài truyền hình địa phương có loan tin một cụ ông người bản xứ đang lái xe mà nước lụt tràn lên đường nhanh quá, cụ quýnh quáng không thể tìm lối ra, cứ ngỡ đời tàn trong… xe hẹp, cụ ngồi nhắm mắt đọc kinh Chúa, thế là có ông cảnh sát xuất hiện, đập kiếng xe kéo cụ ra ngoài, thoát… chết! hú hồn. Cảm ơn Chúa!

Dù rằng chốn dương gian trần thế cũng có lắm điều nhiễu nhương, có đầy đủ hỉ nộ ái ố ai lạc dục. Thiên hạ tranh giành hơn thua choảng nhau chí chóe từ trong nhà ra ngoài ngõ. Vợ chồng ăn ở với nhau lâu rồi… chán, hay có người thứ ba chen vào, thế là choảng nhau, nhiều khi đưa nhau ra ba tòa quan lớn để ca bài "đôi ngả chia ly" khiến mấy đứa con nhỏ cứ phải "chạy sô" tuần này nhà mẹ tuần tới nhà cha, ấy là chưa nói đến chuyện thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, đến nỗi phải vô nằm ấp. Còn chuyện giận nhau để phải "xin tí huyết" đối phương thì đường cùng rồi. Đúng là "no mất ngon, giận mất khôn", nên có nhiều kẻ dã man lấy mạng của nguời khác, nhưng khi ra ba toà quan lớn thì được phán: điên!

Nhiều khi thiên hạ chửi nhau tàn mạt chỉ vì một cái… ghế! cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cứ như những người tranh đua vào các chức vụ "dân cử" chẳng hạn, các phe "đối thủ" choảng nhau ầm ĩ, moi cả đời công lẫn đời tư, moi cả đời ông, đời cha của người ta và cả ba đời nhà vợ (hay chồng) ra cho thiên hạ xem chơi, thiệt hết ý!. Ngay cả quí ngài “bán ghế đấm bóp” cũng chơi nhau xả láng, suốt ngày đài tàng hình đọc ra rả những lời phân bua, xỉ vả, chả ra làm sao cả. Thậm chí có nhà Chùa, chốn tu hành cho "thân tâm thường an lạc" mà cũng đem nhau ra… họp báo, tranh chấp lẫn nhau. Thiện tai!

Nhưng nhờ có mấy chuyện tào lao mà "đời bỗng dưng vui", nếu không sẽ buồn nản chết. Cứ tưởng tượng ngày qua ngày, người gặp người vui vẻ bắt tay chào nhau dù lạ hay quen, hỏi thăm vài câu xã giao rồi đường ai nấy bước, chuyện ai nấy làm, nhà ai nấy ở, giường ai nấy nằm, cơm ai nấy ăn, xe ai nấy chạy, tiền ai nấy xài, cạc ai nấy cà, biu ai nấy trả, vợ ai nấy… nhìn v..v…thì quí ngài làm báo sẽ không có đề tài để viết, mấy cơ quan truyền thanh, truyền hình sẽ không có tin tức để thông báo cho người nghe, không có tin giật gân mà loan tải khẩn cấp, không có vấn đề sốt dẻo để tranh luận thì nản quá. Nói chung, nếu mọi sự ở trên đời cứ êm đềm trôi như nước sông mùa… hạ thì dương thế đã là chốn thiên đường, đâu còn ai mất công tìm kiếm?

Thật ra đã là con người trần tục, từ bậc vua chúa sống trong lầu sang gác tía đến đám người… homeless, hễ mỗi lần có tiệc chúc nhau đều có câu "sống lâu trăm tuổi" hay "vạn tuế! vạn vạn tuế!" thì ông Tá đây cũng không ngoại lệ. Ông chả muốn được Chúa gọi về trển sớm đâu, chắc nhiều người cũng vậy, nếu muốn, tại sao khi bị bịnh hoạn, đã phải chạy đôn chạy đáo để chữa cho khỏi bệnh, chữa thuốc Tây bác sĩ chê thì nhào vào thuốc ta, ai chỉ gì làm nấy, hy vọng người bệnh được sống sót, chữa không khỏi mà đi thẳng thì người nhà buồn rầu than khóc? rồi người ta đến… chia buồn, đăng báo phân ưu. Có ai đến chia vui đâu, dù lời đăng cáo phó “được Chúa gọi!”? Mà chắc gì về trên đó ông làm việc chăm chỉ cần mẫn siêng năng như ở dưới này, vì ở trển đâu cần ăn uống, thấy mấy tiên ông tiên bà cứ bay bay cà lơ phất phơ, buồn tình ngồi đánh cờ mà mặt nào cũng “nghiêm mà buồn” chán lắm. Chả thế mà mỗi chủ nhật đi lễ nhà thờ ông đều cầu nguyện Chúa ban phước lành cho ông và gia đình được bình yên vô sự, sống lâu, sống khỏe. "An khang, trường thọ" ai mà chả muốn.

Vậy thì ông xin khẳng định lần nữa dù đang lái xe trong mưa rằng ông không muốn Chúa gọi ông về trển lúc này đâu nhé. Bao nhiêu năm chinh chiến nơi quê nhà, nhiều lúc nằm ngang tầm súng quân thù, đạn bay vèo vèo chéo chéo trên đầu, hay những lúc trèo đèo vượt suối, "lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm", v.v... rồi thì những năm tù tội cực khổ giàn trời mây, vậy mà có giờ rảnh thì ông lén ngồi cầu nguyện Chúa cho ông có nhiều nghị lực để vượt qua, nhằm sống sót về lại với vợ con, gia đình để được tiếp tục làm người trần thế, huống chi bây giờ.

Nên những khi chạy xe nhằm dưới cơn mưa tầm tã như vầy, ông phải cố mở to đôi mắt, giữ vững tay lái và cầu mong đừng có tên say rượu, tên đui nào lái ẩu, hun vào xe ông. Đã vậy còn phải tìm đường nào để về nhà cho an toàn mà xe không bị nổi lềnh bềnh. Bình thường, bà con ta đến xứ này hay quở: xứ sở gì mà đường xe chạy toàn là cầu với cầu bắt ngang bắt dọc mà chẳng thấy sông nước chảy ở đâu? thì những lúc mưa to gió lớn liên miên như thế này đã có lắm sông rồi đó, ai lỡ dại lái xe qua là biết liền, nếu không ngáp ngáp thì phải bỏ của chạy lấy người, tìm tiền sửa xe ngập nước.

Chạy vội vào nhà, vừa giũ nước mưa, định tháo đôi giày khỏi chân sợ bị ẩm, bổng ông Tá già sững người lại. Nơi phòng khách trên ghế Sofa, bà Tá đang ngồi khịt khịt mũi, cầm khăn tay chậm mắt lia lịa. Nhìn mũi, mắt bà đỏ au ông chợt rùng mình, không biết ở nhà vừa xảy ra chuyện gì, chả lẽ có đứa con nào làm lữ hành trong mưa sau một ngày làm việc rồi… đi thẳng? Hoặc là bên nhà cho biết tin có Cụ nào vừa được về nước Chúa? Nhưng rồi tai ông lại nghe có tiếng nhạc nỉ non, dìu dặt, ông bèn quay lại nhìn màn ảnh TV đang mở, ông thở ra nhẹ nhõm. À thì ra bà đang khóc dùm thiên hạ. Trên màn ảnh đoạn cuối bài hát, một nữ diễn viên (ca sĩ?) VN đang thiểu não trong bộ áo tang, tay dắt thằng bé cũng đầu đội khăn tang, rời bỏ khu nghĩa trang hiu hắt lặng lẽ xuống đồi.

Ông lắc đầu bỏ đi thẳng vào phòng thay quần áo, trở ra ngồi xuống ghế, trầm ngâm một lát rồi từ từ lên tiếng:

- Thấy bà khóc, tui không buồn mà lại… tức cười, kể ra bà cũng dư nước mắt thật đấy. Bà còn nhớ hồi năm nẳm ở bên nhà chứ? Có nhiều khi tui phải... la át bà, để khỏi nhìn bà khóc lóc, lo lắng, sợ sệt cho tui… một đi không trở lại như mấy chuyện phim bà xem trên TV. Đã vậy, hễ gặp nhau thì bà cứ… lải nhải: "Em hỏi anh, Em hỏi anh bao giờ trở lại. Anh trả lời, anh trả lời mai mốt anh dzìa…. Anh trở dzìa trên đôi nạng gỗ, Anh trở dzià bại tướng cụt chân, …Anh trở dzìa có khi là hòm gỗ cài hoa trên trực thăng sơn màu tang trắng…", hoặc bà mở radio nhằm lúc cô ca sĩ có giọng hát liêu trai rên rỉ cái gì mà "Ngày mai đi nhận xác chồng, say đi để thấy mình không là mình, ngày mai đi nhận xác anh, cuồng si thuở ấy hiển linh bây giờ…. Bây giờ anh phủ màu cờ, anh lên lon giữa hai hàng nến chong..." thiệt là vô lý hết sức. Thời buổi chiến tranh giặc giã, súng đạn thì vô tình, mà con người không phải mình đồng da sắt, địch quân thì không biết lúc nào "xung phong biển người"? nhất là đơn vị đóng quân ở những tiền đồn đèo heo hút gió, không phương tiện di chuyển. Nói chung là lính khổ lắm, nhất là mùa mưa, những trận mưa mùa dai dẳng từ ngày này qua ngày khác, có khi mưa ào ào, mưa rào rào như bữa nay, suốt ngày Lính phải làm bạn với cái Poncho. Ở miền Nam, đi hành quân thì luôn lội bùn sình, quần áo lúc nào cũng nửa khô nửa ướt, cơm gạo sấy, nước bi-đông là tiêu chuẩn. Trời ơi buồn thúi ruột, vừa chịu khổ cực, vừa lo lắng cho mạng sống của mình, vừa nhớ cha mẹ, nhớ vợ thương con, nhớ thành phố, nhớ nhà… có hằng trăm cái buồn vây kín, vậy mà nhạc sĩ mần bài hát, ca sĩ thì rên rỉ "anh còn lại gì ngoài tấm thẻ bài phân loại máu anh…" Rõ ràng người Lính chưa xung trận mà ông nhạc sĩ đưa hơi cho vợ con hỏi chừng nào… lãnh tiền tử?

Hồi đó mỗi lần được về lại hậu cứ, trong khi được bà cho ăn bữa cơm nóng cá kho, gia đình đang quây quần dzui dzẻ thì cũng trên màn ảnh TV ông ca sĩ máu me đầy người rên rỉ nỉ non: "Anh không chết đâu em, anh mới vừa bỏ cuộc đêm qua. Sao cứ khóc anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ, trên khăn tang cô phụ, còn… lóng lánh dấu ái ân…" thử hỏi có ai mà không rủn lòng, nản chí, muốn trốn ở nhà rồi ra sao thì ra, trước tiên là khỏi phải bị… đạn hun, súng nhắm, khỏi phải làm hồn ma bóng quế dzìa báo mộng cho vợ con mà mình mẩy đầy máu me, mắt mù, chân cụt. Nhất là nghe ông nhạc sĩ tả cảnh vợ chồng mới gặp nhau "hủ hỉ" đêm qua trong căn cứ, sáng ra chính người vợ phải xé "tấm ra giường" nhân chứng để làm tấm khăn tang. Thảm biết chừng nào, hãi hùng biết chừng nào? khủng hoảng biết chừng nào??? Khi người Lính ở đơn vị thì phải cố quên, bỏ tất cả nhớ thương lại phía sau để chiến đấu hầu chiến thắng kẻ địch, sống sót mà trở về với gia đình. Bây giờ tui cũng thấy bà khóc vì cái cảnh… chết giả đó, sao coi chẳng được tí nào, chứ hồi tui đi tù dzìa, tui đâu có thấy bà dễ khóc như vậy?

Giọng bà Tá trở nên ráo hoảnh:

- Khóc sao được mà khóc, có "quỡn" đâu mà khóc, khóc rồi sinh bệnh làm sao có sức khỏe để đi chạy hàng kiếm tiền mua gạo nuôi mình, nuôi con?
- Hahaha, khóc mà cũng có điều kiện, có lý do, có hoàn cảnh…
- Chứ sao nữa, cứ đầu tắt mặt tối chạy gạo phờ người ra, hễ có chút nào rảnh thì nằm soải tay nhắm mắt tìm giấc ngủ cho có sức ngày sau đi làm tiếp, có thì giờ đâu mà coi phim ảnh, cái gì trong nhà có chút giá trị cũng đã bán mất rồi, truyền hình đâu mà coi, nếu có coi ké nhà hàng xóm thì cũng "đến hẹn lại lên, nghêu sò ốc hến, Lút mi na-rút si la…", có gì buồn đâu mà khóc?
- Rồi bây giờ quỡn quá, đi tìm ba cái phim buồn bã, chết chóc giả đó về xem rồi ngồi khóc, quên… nấu cơm?
- Tại em nghe người ta "quảng cáo" cái phim cũ được làm lại hay lắm, nên em đi mua về xem thử vậy mà. Nói không phải để mình vui, chứ dù đã bao nhiêu năm trôi qua, vật đổi sao dời, nhưng em vẫn thấy thương mình, thương những người Lính trận hồi đó quá chừng, họ khổ cực hết sức, hồi sống cũng cái Poncho làm bạn đồng hành, đến khi bị lãnh đạn cũng… poncho buồn liệm kín đời anh! Có nhiều cái chết thật tức tưởi, nhất là những người bị đạn hun vào những giờ phút cuối của cuộc chiến, họ không được gì cả, ngay cả tấm ván hòm, nếu không có gia đình lo liệu…

Ông Tá cười cười
- Bởi vậy mới nói, hễ muốn có đầy đủ mọi thứ, có kẻ đưa người đón thì phải… đi sớm, chớ đi sau thì chẳng có gì hết, dù là Tướng Tá, nhưng nói thật, cực chẳng đã mới phải ra đi, chứ không ai muốn đâu, hìhìhì…
- Mình nói đúng rồi, đâu có ai khơi khơi lại muốn chết, ngay cả những người mắc bệnh nan y bất trị, huống chi là những người Lính chiến gan dạ, nên khi họ bị tử thương như cảnh trong phim vừa rồi, em thấy tội nghiệp quá, nên… khóc!
- Đã mấy chục năm qua rồi, đối với những người khác thì mình không dám nói đến, còn với gia đình mình thì bà hãy bỏ lại phía sau những chết chóc thương tâm "không cần thiết" đó được không? Bao nhiêu năm tui đi làm lính trận gian lao cực khổ may mà sống còn, rồi bị tù tội khốn khổ vô cùng, bây giờ đã được ngồi đây, gia đình mình cũng được sống thoải mái trên một đất nước tự do với nhiều tình người, mình phải làm sao cho xứng đáng với đời sống hiện tại, phải vui vẻ, phấn chấn đi tới, tại sao cứ ngồi rầu rĩ khóc kể chuyện... đâu đâu, rồi bệnh đau có phải làm khổ chồng con không? Nhạc Lính Việt nam xưa của mình có khối bài hay, diễn tả tâm trạng người Lính chiến xa nhà, mà vẫn không quên người hậu phương. Bà nhớ hồi đó tui mê bài "Trên bốn vùng chiến thuật" của n/s Trúc phương đến cỡ nào không, sao mà ông nhạc sĩ sành tâm lý quá: "… Đêm đêm nằm đường ngăn bước thù, áo nhà binh thương Lính, Lính thương quê, vì đời mà đi.." hoặc một điệp khúc trong bài "Viết từ KBC" của n/s Mạc phong Linh & Hoàng Minh nè: "…Em ơi lau lệ buồn, vì chinh chiến anh còn đi, đừng giận hờn anh em nhé! Mình thương thì gọi tên nhau, mình nhớ mà không u sầu, dặn dò em chỉ đôi câu…" Còn bài "Ngõ hồn qua đêm" của n/s Hàn Châu & Triết Giang: "…Nhìn hỏa châu lưng trời soi chia đêm tối, Anh ngỡ như ngày cưới hoa đăng ngập trời. Xin em tin rằng đôi ta bây giờ dù xa cách nhau. Tình yêu ngàn năm không phai nhạt hương sắc, Anh hứa yêu em trong suốt cuộc đời này…". Đó là tui dẫn chứng một vài bản nhạc Lính mà ngày xưa tui yêu thích, nhắc lại cho bà nghe, chứ còn nhiều lắm lắm, nhạc sĩ ngưòi ta trải hồn ra, dù với điệu nhạc gì, dù Bolero, hay Rumba, hay Chachacha… tất cả rất êm đềm, sâu lắng, len lỏi qua từng ngóc ngách tình cảm của người Lính như tui đây. Tuy nhạc không sang cả, lời thì bình dị, mộc mạc nhưng diễn tả được niềm thương, nỗi nhớ nhẹ nhàng đằm thắm biết chừng nào. Trong tình thương yêu có sự rung cảm chân thành, không làm… nản lòng người Lính chiến, còn vẽ cho người lính thấy hình ảnh ngày cưới có xe hoa, có pháo hồng vui vẻ, Đẹp và thơ mộng như vậy mới làm ngưới Lính yêu đời và yêu người hơn chứ.

Nhưng bà đừng có cười tui sao mê nhạc "Lính chê" hồi năm nẳm nhen! Hôm nào bà thử ngồi nghe lại hết đi, nó sẽ thấm từng câu, từng chữ đó, hay hơn cuốn phim… chết chóc bà vừa xem rất nhiều. Phải chi bà xem những cuộn phim tả cảnh chiến đấu oai hùng của quân dân ta, bà sẽ có niềm kiêu hãnh về họ, chẳng may họ bị hy sinh thì bà rơi nước mắt đã đành, đằng này cứ coi ba cái phim làm "nản lòng chiến sĩ" rồi khóc lóc. Tui nói rồi, cái gì đã qua mà không đem lại ích lợi gì, không thấy rút được kinh nghiệm tốt đẹp gì cho cuộc sống thì hãy bỏ lại phía sau lưng, đừng lưu luyến, tiếc nuối vô ích. Buổi sáng tui đi làm, mà gặp bà ngồi khóc chắc xui tận mạng, nhất là những lúc trời mưa như thế này, không khéo lại bị Chúa gọi không chừng!

- Ừ thì tại bữa nay trời mưa, buồn quá, không biết mưa kiểu này có bị ngập lụt không? Không biết.
- Thôi được rồi, bà cứ không biết, không biết tới tối chắc tôi nhịn đói, làm ơn…

Bà Tá quay lại nhìn ông chồng già cười cười, quên chuyện chết chóc mà bà vừa mới khóc...

Lê thị Hoài Niệm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét