Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu
Câu chuyện NẾU NHƯ NGÀY ẤY của CHS Liên Trường Phú Yên Lê Đức Luận.
Bài viết biên soạn rất công phu, tuy khá dài nhưng rất sâu sắc, chí tình. Nếu như 'Phía Bên Kia' sau khi chiếm được Miền Nam Việt Nam (VNCH) thực hiện chính sách như sự mong muốn của tác giả thì dân tộc Việt Nam sau ngày "thống nhất" đã hết điêu linh, người dân hết thống khổ, được hưởng tự do, hạnh phúc. Đây chỉ là "giấc mơ", không bao giờ trở thành hiện thực, vì cộng sản lúc nào cũng là cộng sản.
Trân trọng,
NHHN
NẾU NHƯ NGÀY ẤY...
Lê Đức Luận
Tôi trở thành người bạn vong niên của ông Tư từ mấy
năm nay. Tôi với ông Tư hợp nhau ở chỗ là không thích nhậu nhẹt, chỉ nhâm nhi
cà phê, nước trà… ngồi lại với nhau trao đổi những kiến thức và kinh nghiệm sống
ở đời.
Ông Tư tuy đã gần tám mươi tuổi, nhưng trí nhớ của
ông tuyệt vời – Ông kể những sự tích trong truyện Tàu thời Xuân Thu (771 – 476
trước CN) và thời Chiến Quốc (403-221 trước CN). Ông thường bàn về cách xử thế,
những mưu lược của người xưa dù cách nay đã trên năm thế kỷ trước Công nguyên vẫn
còn để cho người đời nay suy ngẫm và áp dụng. Ông bảo đó là một phần “túi khôn”
của nhân loại. Ông cũng kể những chuyện vui buồn, vinh nhục trong gần tám mươi
năm hiện hữu trên đời.
Còn tôi kể những chuyện thời sự nóng bỏng, chuyện tiến
bộ về khoa học - kỹ thuật, chuyện lạ bốn phương qua những lần du lịch, chuyện
vui buồn “trong nhà ngoài phố”.
Cứ thế, đôi bạn vong niên chuyện trò với nhau quên hết
thời gian, vài tuần không gặp lại thấy nhớ.
Sáng nay, đến thăm ông Tư, thấy ông có vẻ buồn, tôi
hỏi: “Hôm nay trông anh có vẻ không vui ?” “Ờ, tôi mới đọc câu chuyện: ‘Giòng Lệ
Khô Của Người Vợ Lính’ của bà Giao Kim Kiều và chuyện ‘Cái Chết Trong Lao Tù Của
Cựu Trung Tá Ngô Hoàng’ của ông Trần Kim Khôi đăng trên Đặc San Ức Trai - Kỷ niệm
50 năm ngày ra trường của mấy ông SVSQ/ĐH CTCT/ĐL – làm tôi cảm thấy buồn –
không những buồn cho số phận của những người vợ lính, của những người phục vụ trong
chế độ cũ mà buồn cho thân phận của cả một dân tộc.
Ông Tư ra chiều tư lự, nói tiếp: “Phải chi ngày ấy –
Ngày 30-4-1975- ‘phía bên kia’ có một người biết suy nghĩ và hành động như Tướng
Ulysses Simpson Grant, Tư lệnh quân miền Bắc trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ
(American Civil War 1861-1865) thì tránh
biết bao cảnh tang thương và chúng ta không phải hổ thẹn trước những lời bình
phẩm của thế giới văn minh rằng ‘dân Việt Nam còn bán khai, mọi rợ’ vì những việc
làm tàn ác, đốn mạc của những người ‘phía bên kia’ đối với sĩ quan, công chức của
chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong các trại tâp trung cải tạo .
“Tôi nói là ‘phía bên kia’ chứ không dùng chữ ‘bên thắng cuộc’ như cái thằng bố
láo Huy Đức - hắn chưa đọc hết lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam mà chỉ có cơ hội
được gần gũi phỏng vấn các tên đầu lãnh bên này, bên kia để viết những chuyện
có vẻ ‘thâm cung bí sử’ rồi đặt tên sách:‘Bên Thắng Cuộc’. Vậy mà có một lúc chữ
này trở nên ‘thời thượng’ được một số người dùng để xác định bên thắng, bên
thua.
“Ông nên nhớ rằng: Cuộc chiến tranh lần thứ hai kéo
dài gần hai mươi năm trên quê hương chúng ta giữa những người theo chủ nghĩa Quốc
gia-Dân Tộc và những người theo chủ nghĩa Cộng sản đã đánh nhau đến trời long đất
lở, gây cảnh huynh đệ tương tàn. Cuối cùng tất cả đều THUA - Nước Việt Nam thua
– Dân tộc Việt nam thua. ‘Bên Thắng Cuộc’ là Tàu và Mỹ.
“Đọc lịch sử ta thấy trên thế giới có nhiều cuộc chiến
tranh đã xảy ra: Có sự phân chia lãnh thổ,
có hiệp ước hòa bình, có cách thức chấm dứt chiến tranh và giải quyết các vấn đề
thời hậu chiến. Mỗi một cuộc chiến tranh đều có một tên gọi để xác định nguyên
do và mục đích của nó. Riêng cuộc chiến tranh Việt nam thì rất nhiều tên gọi:
Cuộc chiến ý thức hệ, cuộc chiến tranh ủy nhiệm, cuộc nội chiến, cuộc chiến
tranh xâm lược, cuộc chiến tranh giải phóng v…v… mà mỗi người đứng ở góc nhìn của
mình trong từng thời điểm để xác định một trong các ‘tên gọi’ nêu trên đều
không sai.
“Nhưng tổng thể và đứng trên tinh thần Dân tộc Việt
nam thì không có tên gọi nào đúng cả. Phải nói đó là một cuộc ‘chiến tranh phi
nghĩa’ - một cuộc chiến tranh ‘không cần thiết’ cho đất nước và dân tộc Việt
nam, nhưng hệ lụy của nó là những tai họa vô lường còn lưu lại đến ngày nay và
có thể còn kéo dài trong nhiều thế hệ mai sau trên đất nước thân yêu của chúng
ta.
Ông Tư nhấp một một ngụm cà phê rồi tiếp tục nói như
một một giáo sư đang giảng bài lịch sử thế giới:
“Xem cuộc Nội chiến Hoa kỳ có nhiều điều khiến ta
suy ngẫm: Sau khi ông Abraham Lincoln đắc cử Tổng Thống muốn xóa bỏ chế độ nô lệ
để thể hiện tinh thần đạo đức và nhân bản trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa
Kỳ (ngày 4 tháng 7 năm 1776) rằng: ‘Mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo
hóa ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền
tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc’. Nhưng điều đó gây bất lợi cho các chủ nông
trại, chủ đồn điền người da trắng ở miền Nam vì mất lao động nô lệ trong ngành
trồng cây bông vải, nên 11 Tiểu bang miền Nam tuyên bố ly khai khỏi chính phủ
Liên bang. Như vậy là có sự mâu thuẫn quyền lợi giữa các Tiểu bang miền Bắc và miền
Nam - Cuộc chiến tranh bùng nổ.
“Cuộc nội chiến kéo dài 4 năm. Liên quân miền Bắc thắng
trận. Sự thống nhất đất nước để xây dựng một quốc gia hùng mạnh và bảo vệ lý tưởng
cao cả trong Bản Tuyên ngôn Độc lập là mục đích, là nhu cầu tối thượng của toàn
thể nhân dân Mỹ. Cho nên sau khi bại trận, những chủ nô da trắng Miền Nam đã đồng
lòng hợp lực cùng miền Bắc xây dựng Quốc
gia. Họ đã thiết lập một thể chế dân chủ - ‘một chính quyền của dân, do dân, vì
dân’- Nhờ đó mà Hoa Kỳ đã được cường thịnh như ngày nay.
“Điều tôi muốn nói với ông là xem cách kết thúc chiến
tranh và giải quyết các vấn đề thời hậu chiến của những người văn minh, quân tử.
- Xem cách nguời Mỹ kết thúc chiến tranh:
Khi Tướng Robert E Lee, Tư lệnh quân miền Nam quyết
định đầu hàng quân miền Bắc. Ông viết lá thư riêng gởi cho Tướng Ulysses
Simpson Grant - Tư lịnh lực lượng Liên quân miền Bắc - yêu cầu thu xếp cuộc họp
mặt. Tướng Grant nhận được thư hết sức vui mừng và bỗng nhiên thấy hết cơn bịnh
nhức đầu ghê gớm đã hành hạ ông.
Trưa ngày 9-4-1865, Tướng Lee cùng một Đại tá tùy viên
cỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến điểm hẹn tại làng Appomattox Court House, Virginia.
Hình ảnh ghi lại hai người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn đón
chào. Vị tư lịnh miền Bắc (thắng trận) đã ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và
binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra hành vi vô lễ với vị tướng tư lệnh miền Nam
bại trận.
Nửa giờ sau, tướng Grant và đoàn tùy tùng đến. Hai
người ngồi trong phòng khách của ông Mc Lean hàn huyên thân mật, nhắc lại những
kỷ niệm trong cuộc chiến tranh Mexico. Câu chuyện kéo dài đến nỗi tướng Lee sốt
ruột, phải ngỏ lời trước để đề cập đến mục đích của cuộc gặp mặt là bàn về việc
đầu hàng (sau này khi đắc cử Tổng Thống thứ 18 của Hoa Kỳ- từ năm 1869 đến năm
1877- ông Grant tâm sự: Lúc đó, ông không biết mở lời với tướng Lee như thế nào
– ông rất ngại và hổ thẹn nói đến chữ đầu hàng). Theo yêu cầu, tướng Grant lấy bút viết những
điều thỏa ước: ‘Quân lính miền Nam phải giải giới – tước bỏ khí giới và quân dụng-
Không bị coi là phản quốc và được trở về nguyên quán sinh sống như người dân
bình thường’. Ông trao cho tướng Lee xem. Mặt tướng Lee tươi hẳn lên và phát biểu:
- Như vậy là tốt cho mọi người, nhưng thêm hai yêu cầu: - Cho phép binh lính miền
Nam mang lừa ngựa về để sử dụng trong nông trại vì đây là tài sản riêng của họ
đã mang theo khi gia nhập quân đội. Điều thứ hai là xin cung cấp lương thực cho
hơn một ngàn tù binh miền Bắc ông đang giam giữ. Họ cũng như các binh sĩ của
ông đang đói.
Tướng Grant đồng ý. Riêng yêu cầu thứ hai, tướng
Grant ra lịnh xuất ngay 25.000 khẩu phần ăn. Tướng Grant hỏi: Như vậy, đủ
chưa?. Tướng Lee trả lời: Thưa Đại tướng, như vậy là quá đủ.
Nói xong tướng Lee đứng dậy bắt tay tướng Grant,
chào mọi người rồi bước ra khỏi phòng họp. Bên ngoài các sĩ quan, binh sĩ miền
Bắc đều đứng nghiêm đưa tay chào kính cẩn.
Sau này, khi nói đến cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, người ta
thường bảo: “Văn bản đầu hàng là một thõa hiệp của những người quân tử - The
Gentlemen’s Agreement”.
Cách hành xử và những câu nói của tướng Grant và
hình ảnh của tướng Lee thể hiện khí
phách anh hùng dù bại trận như một huyền thoại…
- Bây giờ ta
xem cách người Mỹ giải quyết các vấn đề thời hậu chiến:
Khi hay tin miền Nam đầu hàng, quân sĩ miền Bắc định
bắn đại pháo chào mừng. Tướng Grant ra lịnh ngưng ngay và huấn thị cho các sĩ
quan dưới quyền: ‘Chiến tranh đã kết thúc, giờ đây họ là đồng bào của chúng ta,
chúng ta không nên reo mừng trên nỗi đau của họ’ – ‘Hai bên không còn là kẻ thù’.
Người ta cũng không quên một câu chuyện thể hiện
nhân cách của những người quân tử: Tướng Joshua L. Chamberlain của miền Bắc được chỉ định tiếp nhận binh sĩ
miền Nam qui hàng đã phát biểu: ‘Giờ phút đó làm tôi xúc động thực sự… Đối với
chúng tôi, họ là những chiến binh bại trận nhưng can trường và là biểu tượng
cho tinh thần trượng phu… Không có lý do gì để những đấng nam nhi ấy không được
hội nhập vào Hiệp Chủng Quốc vững vàng của chúng ta’.
Sau này tướng Gordon, một vị tướng giỏi của quân miền
Nam thua trận đã ghi lại: ‘Trong giây phút đó không hề có một tiếng kèn, tiếng
trống, không tiếng reo mừng, không một lời nói ngay cả tiếng thì thầm – Không! Tất
cả đều im lặng! Ông Chamberlain là người sĩ quan hào hiệp nhất của quân đội miền
Bắc’.
Tinh thần đó đã gieo vào lòng người Mỹ qua bao thế hệ
rằng: ‘Một người Mỹ bị sỉ nhục, dù miền Bắc hay miền Nam, dù kẻ thắng hay người
thua đều là người Mỹ bị sỉ nhục’. Nhờ vậy mà khi Tổ quốc lâm nguy, người Mỹ đã cùng
đứng lên chung vai sát cánh bảo vệ Tổ quốc và danh dự của người Mỹ làm cho thế
giới nể nang, kẻ thù khiếp sợ.
Bằng chứng là qua vụ ‘9/11’ – 90% dân Mỹ ủng hộ Tổng
thống George W. Bush và cùng vị lãnh đạo của mình quyết tâm tiêu diệt quân thù.
Sau chiến tranh, họ không bàn ai chính nghĩa, ai
không – ai thắng, ai thua mà chỉ nghĩ : Làm sao hàn gắn vết thương chiến tranh
và xây dựng đất nước.
Tài sản của những người miền Nam được bảo vệ (chỉ
không còn sở hữu lao động nô lệ miễn phí) . Dân miền Nam tiếp tục phát triển
nông trại, đồn điền của mình.
Cứ hỏi những người quản thủ Thư viện - Bảo tàng viện
được xây dựng khắp miền Đông Nam Hoa Kỳ (có đến hằng trăm ‘Bảo tàng viện đầu hàng’)
họ sẽ nói: ‘Lịch sử không muốn ghi lại các hình ảnh xấu xa của bất cứ phe nào’.
Đặc biệt hình ảnh của phe bại trận được lưu ý. – Lá cờ rách của miền Nam thua
trận treo tại Thủ đô Richmond trong ngày tàn cuộc chiến, bây giờ trở thành bảo
vật hào hùng của Bảo Tàng Viện Đầu Hàng. Tại đây hình ảnh, tượng đài, những câu
chuyện về vị tướng thua trận – Robert E Lee - được viết ra và được chiêm ngưỡng
còn nhiều hơn cả phe thắng trận.
Các nghĩa trang dành cho liệt sĩ bắt đầu được dựng
lên cả hai miền Nam Bắc đều trang trọng ngang nhau. Ở miền Nam có hằng ngàn
nghĩa trang lớn nhỏ chôn cất tử sĩ phe bại trận, trên đó luôn có lá cờ ‘gạch
chéo’ của miền Nam.
Nước Mỹ có nghĩa trang nổi tiếng Arlington. Các liệt
sĩ miền Nam cũng được đưa vào cải táng một khu đặc biệt gọi là Confederate
Memorial, Arlington. Trên đỉnh tượng đài là hình ảnh bà mẹ có con trai trong
phe bại trận đã hy sinh trong cuộc chiến, dưới chân tuợng đài có bài thơ (tạm dịch
tiếng Việt) đại ý như sau: “Ở đây chẳng
có vinh quang hay tưởng lệ/ Ở đây chẳng phải binh đoàn hay cấp bậc/Ở đây chẳng
có tham vọng hay mưu cầu/ Ở đây chỉ đơn thuần là nhiệm vụ/Những người nằm ở đây
đã hiểu rõ/ là họ trải qua gian khổ, đã hy sinh/đã liều thân và sau cùng đã chết”.
Những con người quân tử đã cho ta thấy thế nào là cách
hành xử văn minh, nhân bản. Đó là nguồn cảm hứng bất tận cho phim ảnh, hội họa,
văn chương … Tiêu biểu là tác phẩm bất hủ: Cuốn Theo Chiều Gió ( Gone with the
Wind, tác giả Margaret Mitchell, xuất bản năm 1936 – được nhiều lần quay lại
thành phim)- một bộ tiểu thuyết ‘tình cảm, lịch sử’viết về những việc xảy ra
trong thời kỳ nội chiến và thời kỳ tái thiết. Đó cũng là niềm hãnh diện cho con
dân Hoa Kỳ mỗi khi nhắc nhớ đến cách hành xử của cha ông họ trong cuộc Nội chiến
và đã để lại cho hậu thế một bài học làm người văn minh và làm người quân tử…
Ông Tư ngừng một chút, rồi nói tiếp: “Kết thúc cuộc
Nội chiến Hoa kỳ là thế, còn kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam thì sao? Ông vừa
là nạn nhân vừa là chứng nhân, tôi không phải dài dòng những chuyện trong trại
tù cải tạo – nghe nhiều rồi, cũng có nhiều sách báo viết ra rồi. Ông chỉ nhớ
câu nói của Phạm Văn Đồng, Thủ tướng chính phủ miền Bắc: ‘Cho chúng nó vào nơi rừng sâu, nước độc, làm nhiều, ăn ít rồi chúng nó
sẽ chết dần chết mòn, chớ có giết chúng nó hằng loạt sẽ bị thế giới lên án’
là đủ thấy sự tàn độc của chế độ cộng sản.
“Nhiều tài liệu ghi lại những chi tiết đã xảy ra
trong ngày 30-4-1975 - Ngày chính thức chấm dứt cuộc chiến hai mươi năm - đã thể hiện cách đối xử tồi tệ của những người
man rợ: Trong khi TT Dương Văn Minh và Nội
các của ông ngồi trong Dinh Độc lập chờ phía bên kia vào làm lễ bàn giao thì
bên ngoài xe tăng uĩ sập cổng chính Dinh Độc lập, một nhóm người có trang bị vũ
khí cá nhân tiến vào Dinh gặp TT Dương Văn Minh. Tên Chính ủy Bùi Văn Tùng nói
với TT Dương Văn Minh: ‘Ông không còn gì để bàn giao, ông chỉ có thể đầu hàng
vô điều kiện’. TT Dương Văn Minh bị áp tải sang Đài phát thanh đọc lịnh đầu
hàng đã được viết sẵn. Còn Nội các của ông bị giam lỏng trong Ding Độc lập.
Ông xem thái độ và cách hành xử của bọn Việt cộng với
TT Dương Văn Minh rồi thử đặt cho nó một cái tên. Riêng tôi thì gọi đó là cách kết
thúc chiến tranh của những con người‘man rợ, tiểu nhân, hèn hạ”. Tôi nói như thế
ông thấy có quá đáng lắm không?
Không đợi tôi trả lời, Ông Tư tiếp tục: “Bất hạnh
cho đất nước và dân tộc chúng ta bị một lũ người thiển cận, tham lam nhân danh
này nọ để giành ‘độc quyền yêu nước’ làm cho Việt Nam mất nhiều cơ hội bằng
vàng để xây dựng đất nước. Ông biết không, ngày mà quân cộng sản Bắc Việt tiến
chiếm Sàigon, Kissinger đã vui mừng giơ hai ngón tay và nói: ‘Chúng ta đã chiến
thắng rồi’ - Chiến thắng vì Mỹ ‘xù’ 3 tỷ
2 bồi thường chiến tranh cho Việt Nam.
“Nếu như ngày ấy, Việt cộng cứ từ từ... Mỹ đã bắt
tay với Trung cộng, cắt hết viện trợ cho Miền Nam - súng đạn, xăng nhớt không
còn thì lấy gì mà đánh lại với quân đội Miền Bắc được Nga Tàu viện trợ dư thừa
súng đạn, thì làm gì không thắng. Khi đã chiếm trọn Miền Nam rồi thì vội vàng
làm chi mà ‘xóa sổ’ Mặt trận Giải phóng
Miền Nam cho mang tiếng ‘phản bội - cướp công - tham lam ăn trọn’ và khiến các
‘đồng chí miền Nam ôm hận’.
Của cải dân chúng miền Nam còn đó - mất đi đâu mà vội
mà vàng. Cứ từ từ thực thi ‘hòa giải hòa hợp hòa giải dân tộc’ để lấy 3 tỷ 2 tiền
bồi thường chiến tranh của Mỹ mà xây dựng miền Bắc nghèo khó... Làm gì phải giở
trò ‘ăn cướp’ như đổi tiền, đánh tư sản
để lại một ấn tượng xấu trong lòng dân chúng miền Nam và để đời những câu điếm
nhục: Bọn Bắc kỳ ‘hai nút’ đói khổ ‘vào vơ, ra vét’ hay ‘người miền Nam nhận họ, người miền Bắc nhận
hàng’.
“Cách giải quyết các vấn đề hậu chiến đối với dân
chúng Miền Nam cả ngưởi sống lẫn người chết cho ta thấy cái tồi tệ của những
con người tiểu nhân mà mỗi lần nhắc đến ta không không khỏi hổ thẹn với thế giới
văn minh.
- Đối với người chết: điển hình là Nghĩa trang Quân
đội Biên Hòa - Tượng Tiếc Thương trước cổng vào Nghĩa trang bị giật sập; những
mộ phần tử sỉ bên trong chẳng những không được tu tảo mà còn bị đập phá, cấm
đoán thân nhân viếng thăm.
- Đối với thương binh của Quân đội VNCH, đang nằm điều
trị bị đuổi ra khỏi Quận y viện sau ngày 30-4-1975.
- Đối với những sĩ quan, công chức chế độ cũ thì bị
đưa vào các trại tập trung cải tạo, dùng những từ ngữ miệt thị ‘ngụy quân, ngụy
quyền’ để phân biệt đối xử. Họ bị mất quyền công dân ngay trên quê huơng xứ sở
của mình. Con cái của họ cũng bị ảnh hưởng bởi lý lịch cha ông: thi vào đại học
hay đi xin việc làm không xét theo năng lực mà căn cứ vào lý lịch. Điều này chỉ
xảy ra trong chế độ cộng sản.
- Đối với dân chúng thì việc ‘ngăn sông cấm chợ’ chỉ
gây thêm phiền nhiễu trong sinh hoạt bình thường của dân miền Nam. Làm ăn tập
thể - lâm vào cảnh ‘cha chung không ai khóc’. Công cụ sản xuất bắt buộc đưa vào
Hợp tác xã để rồi ‘Xã viên làm việc bằng
hai/ để cho chủ nhiệm mua đài mua xe'. Chiến dịch cải tạo công thương nghiệp mang bí số X1 khởi đầu ngày 04/9/1975
và X2 tiến hành vào tháng 12 năm 1976 có nội dung là ‘cải tạo kinh tế tư bản’ - dân chúng quen gọi là ‘Đánh tư sản’- thực chất của chiền dịch này là đuổi dân
thành phố về quê hay vùng kinh tế mới để
tịch thu nhà cửa và tài sản. Kinh tế mới là chuyện dài viết cả ngàn trang không
kể hết những nỗi bi thương… ‘Những nỗi buồn không ai muốn nhớ, nhưng khổ nỗi
không thể nào quên!’
Nếu như ngày ấy đừng có những chính sách phản dân hại
nước thì Miển Nam Việt Nam không thể từ chỗ văn minh phồn thịnh trở nên một xứ bị
xếp vào hạng lạc hậu, nghèo đói nhất thế giới lúc bấy giờ.
Nếu như ngày ấy đừng vì lòng tham vô độ của những
người cộng sản - giành những đặc quyền, đặc lợi cho phe đảng và không có sự
phân biệt đối xử quá đáng (thứ nhất con lai - thứ hai con ngụy) thì sẽ có sự hợp
tác toàn dân, cùng chung sức xây dựng nước nhà và phong trào vượt biên, vượt biển
sẽ không xảy ra, làm Việt Nam mất nhiều chuyên viên và nhân tài để tái thiết quốc
gia.
“Nhìn sang nước Nhật, ba mươi năm về trước, họ đã đứng
dậy trên đống tro tàn mà buồn cho thân phận nước ta. Ngày ấy - ngày 2/9/1945 Tướng
MacArthur(Mỹ) đại diện lực lượng Đồng Minh ký văn kiện chấp nhận sự đầu hàng của
Nhật trên chiến hạm Missouri của Mỹ đậu trong Vịnh Tokyo. Khi đó MacArthur 65
tuổi được cử làm Tư lịnh tối cao Quân đội Đồng minh. Ngày 27/9/1945 Thiên Hoàng
Hirohito đến gặp Tướng MacArthur lần đầu tiên. Sau đó Thiên Hoàng đến gặp MacAthur
mười một lần với thái độ khiêm cung tiếp thu các chủ trương của Mac Arthur, đồng
thời thuyết phục ông tướng này giúp đỡ dân Nhật bớt cảnh lầm than sau chiến
tranh và phục hưng nước Nhật.
Ngày 1/1/1946, Hirohito đã đọc Bản Tuyên ngôn Nhân
gian (Ningen-sengen) trên đài truyền thanh, lần đầu tiên trong lịch sử nước Nhật,
Thiên Hoàng tuyên bố: - Thiên Hoàng chỉ là người thường, không phải thần thánh,
nghĩa là từ bỏ địa vị nắm quyền tối cao của Quốc gia. Như vậy MacArthur là người
lãnh đạo tối cao nước Nhật lúc bấy giờ. (Người Nhật gọi đức vua của họ là Thiên
Hoàng - tiếng Nhật gọi Tenno, tiếng Hán gọi là Kana - vì họ tin rằng gia tộc
nhà vua là dòng dõi của Thiên Chiếu Đại Thần tức Thần Mặt Trời, được cha truyền
con nối).
Vì MacArthur chỉ huy cả đương kim Thiên Hoàng
Hirohito nên người Nhật gọi ông là Thái Thượng Hoàng. Hirohito đã quên thân phận
của mình để cứu dân, cứu nước. Do vậy mà MacArthur đã hết lòng giúp Nhật Bản:
Trước tiên ông yêu cầu chính phủ Mỹ viện trợ khẩn cấp luơng thực để tránh nạn
đói. Sau đó lần lượt xây dựng nước Nhật, đưa nước Nhật từ chế độ quân phiệt
phong kiến lên chế độ dân chủ tân tiến mà ông thường bảo: Biến Nhật Bản thành một
‘Nước Mỹ lý tưởng’ và chỉ hai mươi năm sau, từ đổ nát điêu tàn, Nhật Bản đã tiến
lên hàng cường quốc. (Người Nhật nhớ ơn ông nên đã đưa tên tuổi Mac Arthur vào
danh sách Mười Hai Người tạo dựng nước Nhật - The Twelve Men Who Made Japan).
Điều may mắn cho nước Nhật là có vị minh vương, và
có ‘quí nhân phù trợ’. Buồn thay cho nước Việt Nam ta chỉ có mấy ông ‘bình vôi’
hãnh tiến, xưng công mà không tìm ra con đường ‘ích quốc lợi dân’, cứ đứng hô
khẩu hiệu: ‘tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Xã hội’ mà chẳng
biết tiến làm sao – cứ ‘đi đâu loanh
quanh cho đời mỏi mệt’ (chữ của
TCS). Cái tật của mấy ông Việt cộng là cứ làm liều, rồi – Sai thì sửa! Làm mãi
mà vẫn thấy sai thì ‘Đổi mới!’. Đổi mới mà không thành công thì đổ thừa: ‘Các
thế lực thù địch phá hoại hay do hậu quả của chiến tranh mặc dù cuộc chiến đã
chấm dứt trên 40 mươi năm’.
“Ông còn nhớ, sau 1975 các ông ‘bình vôi’ đã để lỡ cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ
năm 1977, khi ông Jimmy Carter mới lên
làm Tổng Thống Hoa Kỳ đã đưa ra kế hoạch bình thường hoá khá mềm dẻo, trong đó
có một đìều có lợi cho VN là: Mỹ có thể đóng góp khôi phục VN qua phát triển
thương mại - cung cấp trang thiết bị và các hình thức khác…. Không chớp lấy thời
cơ để rơi vào cái ‘bẫy’ của Đặng Tiểu Bình, khiến tình hình chính trị xoay chiều
bất lợi cho VN. Đăng Tiểu Bình xúi dục và yểm trợ cho Khmer Đỏ đánh phá giết hại
thường dân các tỉnh biên giới phía Tây Nam, buộc VN phải đánh trả. Nhưng bị thế
giới lên án, phải chịu 10 năm cấm vận của
Liên Hiệp Quốc. Đặng Tiểu Bình còn lấy cớ đó gây cuộc chiến tranh Biên giới
1979 và ngạo mạn bảo rằng: ‘Dạy cho VN một bài học’.
“Ôn lại lịch sử nước nhà, ông sẽ thấy Việt Nam có
nhiều cơ hội vươn lên, nhưng ‘Ma đưa lối,
quỷ đưa đường/ Cứ tìm những lối đoạn trường mà đi’ (Kiều) các ông lãnh đạo
đảng cộng sản đã làm cho đồng bào lầm than, đất nước bại vong.
Ông Tư nhấp ngụm trà, ra chiều tư lự… nói tiếp: Ông
nên nhớ trước năm 1930, Việt Nam ta chỉ có một khối đại đoàn kết dân tộc, lấy
tinh thần yêu nước, và độc lập dân tộc làm nòng cốt chống ngoại xâm: Hết đánh
Tàu rồi đến đánh Tây. Từ khi ông Hồ Chí Minh đem Chủ nghĩa Cộng sản vào, theo chỉ
đạo của Cộng sản chủ trương Thế giới Đại đồng - vô Tổ quốc, vô Gia đình, vô Tôn
giáo đã gây ra phân hóa khối đại đoàn kết dân tộc. Gây mầm cho các cuộc chiến tranh
ý thức hệ sau này.
“Nếu như ngày ấy - Ngày 17-8-1945, Việt Minh không
lợi dụng cuộc biểu tình của công chức và nhân dân Hà Nội ủng hộ Chính phủ Trần
Trọng Kim để cướp chính quyền, cứ để Chính phủ Trần Trọng Kim tiếp tục điều
hành việc nước sau khi Nhật trao trả Độc lập cho Đế Quốc Việt Nam, và nếu như
Vua Bảo Đại không vội vã thoái vị thì lịch sử Việt Nam đã được ghi lại một cách
khác - có thể Việt Nam theo chế độ Quân Chủ Lập Hiến như Anh quốc, Thái Lan hay
Nhật Bản, cũng có thể vừa giành được Độc lập vừa xây dựng một thể chế dân chủ
như một số nước khác trong vùng.
“Phải nói trong những năm 1945-1946 diễn biến chính
trị ở nước ta vô cùng phức tạp: Bọn thực dân Pháp muốn tái lập chế độ thuộc địa
ở Đông Dương (nhất là phe de Gaulle). Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch)
nhân cơ hội Đồng Minh giao nhiệm vụ giải giới quân đội Nhật ở phía Bắc (từ vĩ
tuyến 16 trở ra) điều đình với Pháp ký Hiệp ước Hoa-Pháp (ngày 28-2-1946) để trao
đổi một số quyền lợi của hai bên - trong đó có một điều khoản liên quan đến Việt
Nam là Trung Hoa Dân Quốc đồng ý cho quân Pháp thay thế họ giải giới quân Nhật
tại miền Bắc VN.
“Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hoà (lúc đó gồm nhiều thành phần - có thể gọi là Chính phủ Liên Hiệp) cương quyết
chống lại việc Pháp tái lập chủ quyền ở Đông Dương. Nhưng sau đó Hồ Chí Minh
(Việt Minh hay rõ hơn đảng viên Đảng Cộng Sản Đông Dương) xé lẻ ký Hiệp định sơ
bộ Pháp-Việt, ngày 6-3-1945 với Jean Sainteny, đại diện Chính phủ Cộng Hòa Pháp, trong đó có điều khoản
quan trọng là đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc thay thế 200.000 quân
Tàu. Pháp hứa sẽ rút hết quân trong thời hạn 5 năm.
Điều này đã gây nhiều tranh luận: phe Việt Minh cho
là một quyết định sáng suốt của Hồ Chí Minh - muợn tay Pháp đuổi 20 vạn quân
Tàu, phe chống đối kết tội Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định bán nước và âm mưu hòa
hoãn để tiêu diệt các Đảng phái Quốc gia để Việt Minh chiếm độc quyền lãnh đạo.
Đúng, sai tùy theo chỗ đứng và góc nhìn của từng cá
nhân. Tôi dài dòng nêu lên các sự kiện lịch sử để ông thấy sự bất hạnh của đất
nước và dân tộc Việt Nam. Trong khi các quốc gia trong vùng lấy lại Độc lập một
cách dễ dàng: Ấn Độ (1946), Phi Luật Tân (1947) Nam Dương (1949) Mã Lai và Miến
Điện (1947) thì Việt Nam lâm vào cảnh nội bộ phân hóa. Các thành viên trong
Chính phủ lâm thời không ở trong phe Việt Minh như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường
Tam, Vũ Hồng Khanh rời bỏ chính phủ sang Trung Quốc, từ đó chấm dứt thời kỳ hợp
tác giữa Việt Minh và các Đảng phái Quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt.
Và rồi, cũng từ đó Tổng bộ Việt Minh chủ trương tàn sát các thành phần đối lập
mà họ gọi là ‘Việt gian’, cụ thể là vụ án phố Ôn Như Hầu. Đó là sự đau lòng và
là vết nhơ trong lịch sử dân tộc.
Nhưng chưa hết, bọn ‘Pháp thực dân’ âm mưu thống trị
Việt Nam lâu dài, đã phản bội những điều ký kết trong Hiệp định sơ bộ 6-3-1946.
buộc ông Hồ Chí Minh phải kêu gọi ‘toàn quốc kháng chiến’ - ngày 19/12/1946 - mở
đầu cho cuộc chiến tranh (tạm gọi là cuộc chiến tranh lần thứ nhất) gian khổ
trong 9 năm. Nhưng than ôi! Trong khi đất nước cần sự đoàn kết, thống nhất ý
chí toàn dân để chống lại thực dân Pháp thì trước đó Việt Minh đã tiêu diệt tiềm
năng của các Đảng phái Quốc Gia, đồng thời vẫn tiếp tục đố kỵ các thành phần
yêu nước có tinh thần Quốc gia Dân tộc để chiếm độc quyền lãnh đạo cho đảng Cộng
sản làm tản lực đấu tranh chống Pháp nên cuộc chiến mới kéo dài 9 năm, gây nên
biết bao thống khổ!
Vì Việt Minh đẩy các Đảng phái Quốc gia đến con đường
phải tự vệ để sống còn, nên các lực lượng chính trị bao gồm: Cao Đài, Hòa Hảo,
Việt Nam Cách mạng Đồng Hội, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Việt Nam Quốc Dân Đảng
liên kết thành lập Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp quyết định ủng hộ Cựu
hoàng Bảo Đại đàm phán với Pháp về nền Độc lập của Việt Nam. Ngày 7/12/1947,
trên tàu chiến Pháp đậu ở Vịnh Hạ Long, Bảo Đại và Pháp ký kết ‘Hiệp ước Vịnh Hạ
Long’ để thành lập Quốc Gia Việt Nam - Bảo Đại làm Quốc trưởng và ra tuyên cáo
nền độc lập của Quốc Gia Việt Nam được Pháp công nhận và sau đó trong Hôi nghị
San Francisco tổ chức từ ngày 5 đến ngày 8/1951 tại San Francisco, California
(Mỹ), có 51 Quốc gia tham dự đã công nhận
Việt Nam là một Quốc gia đôc lập có chủ quyền. Một sự kiện quan trọng là Thủ tướng
kiêm Ngoại trưởng Quốc gia Việt Nam (Chính phủ Bảo Đại) Trần Văn Hữu tham dự Hội
nghị này đã tuyên bố khẳng định chủ quyền đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Quốc
Gia Việt Nam. Tuyên bố của phái đoàn Quốc Gia Việt Nam đã không có sự phản đối
nào của các nước tham dự, tức là công nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần
đảo này.
Từ sau năm 1945, Việt Nam đã 3 lần ra tuyên ngôn Độc
Lập: Lần thứ nhất, ngày 11/3/1945, Hoàng đế Bảo Đại ra tuyên cáo Đế Quốc Việt
Nam độc lập. Lần thứ hai, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc
lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Lần thứ ba, vào tháng 1/1949, Quốc trưởng
Bảo Đại ra tuyên cáo độc lập của Quốc Gia Việt Nam.
Tuy ba lần ra Tuyên ngôn Độc lập, nhưng cho đến ngày
nay (gần 75 năm sau) dân tộc Việt Nam vẫn chưa được hưởng một nền Độc lập thực
sự. Ông cứ nhìn vào thực tế của đất nước mình hiện nay sẽ thấy điều tôi nói
không ngoa - Đất đai, biển đảo bị Tàu xâm chiếm, ngư dân bị Tàu hà hiếp, cướp
bóc giết hại ngay trên vùng biển của cha ông mà nhà cầm quyền đương cuộc không
dám lên tiếng phản đối, chỉ nói xa xa là ‘tàu lạ’; Ải Nam Quan mất rồi, bây giờ
bãi biển Nha Trang, Đà Nẵng đâu cỏn là nơi để dân mình hưởng gió mát, trăng
thanh – Chúng bán cho Tàu hết rồi ông ơi!
Nếu như ngày ấy … ba
cái ‘ông bình vôi’: Nguyễn Văn Linh (Tổng bí thư), Đổ Mười (Chủ tịch hội đồng bộ
trưởng-Thủ tướng), Phạm Văn Đồng (Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng) đừng
sang Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên trong ngày 3-4 tháng 9 năm 1990, ký với
Giang Trạch Dân (TBT Đảng Cộng sản Trung Quốc) và Lý Bằng (Thủ tướng Quốc vụ viện)
những điều gọi là ‘bí mật Thành Đô’- đến nay dân Việt Nam chẳng biết những điều gì trong đó,
chỉ nghe đồn rằng năm 2020 Việt Nam sẽ chấp nhận trở thành khu Tự trị thuộc
chính quyền Trung ương Bắc Kinh như Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Châu. Nghe qua mà
thấy rụng rời tay chân và nhìn vào thực tế thấy bọn Tàu vào nước mình mỗi ngày một
đông, mua đất đai, uy hiếp dân ta thì những lời đồn đoán này biết đâu sẽ thành
hiện thực (!?).
Ngược dòng lịch sử để xem những chuyện bê lề của Hội
nghị Geneve khai mạc ngày 8/5/1954 và chấm dứt ngày 21/7/1954 bằng một Hiệp định
đình chiến được ký kết ngày 20/7/1954- thường gọi là Hiệp Định Geneve 54 - chia
cắt đất nước ta tại vĩ tuyến 17, mới thấy nỗi đau cho số phận của một nước nhược
tiểu đã bị các cường quốc định đoạt (Nga-Tàu và Pháp).
Sau Thế chiến thứ hai, thế giới bước vào thời kỳ
‘chiến tranh lạnh’- Sự tranh giành ảnh hưởng của hai phe Tự do Tư Bản và Cộng Sản
ở các nước chậm tiến Á Phi ‘tăng tốc’. Lãnh đạo một số nước sáng suốt, đứng
ngoài vòng tranh chấp đó lập thành khối ‘Phi liên kết’ tránh được tai họa cho
Quốc gia.
Bất hạnh cho dân tộc Việt Nam, là những nhà lãnh đạo
miền Bắc xung phong lập ‘Đội tiền phong’ đi làm ‘nghĩa vụ quốc tế vô sản’ đề
bành trướng Chủ nghĩa Cộng sản theo chủ trương của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản. Phe
Tự Do, đứng đầu là Hoa Kỳ đâu có chịu ngồi yên để phe Cộng sản bành trướng xuống
vùng Đông Nam Á, nên triệt để áp dụng học thuyết Domino do Tổng Thống Hoa kỳ
Dwight D. Eisenhower đề xướng, theo đó: nếu Hoa kỳ không can thiệp để cộng sản
chiếm Nam Việt Nam (là quân bài domino đầu) sụp đổ thì Lào, Campochia, Thái
Lan, Miến Điện sẽ sụp đổ theo; rồi các nuớc trong vùng ảnh hưởng của Hoa Kỳ như
Philippines, Malaysia, Nhật Bản, Úc, New Zealand cũng lần lượt rơi vào tầm ngắm
của Cộng sản. Do đó Nam Việt Nam trở nên trọng điểm đối với Hoa kỳ- phải bảo vệ
- và thường được ‘ví von’ là ‘tiền đồn chống cộng của Thế giới Tự do’.
Khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm, biết ý định của Hoa kỳ
sẽ tìm cách đưa quân đội vào Nam Việt Nam, Ông cương quyết không chấp nhận vì
biết sẽ gây cảnh tang thương cho đất nước. Ngoài Bắc, ông Hồ Chí Minh cũng biết
điều đó và nếu Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tranh thì đoàn quân đi làm ‘nghĩa vụ
quốc tế vô sản’ của ông sẽ tan tác... Cho nên Ông Diệm lẫn Ông Hồ muốn hiệp
thương - tiến đến thống nhất đất nước trong hòa bình. Điều này đã thể hiện cụ
thể là ông Ngô Đỉnh Nhu đã gặp ông Phạm Hùng, một cán bộ cao cấp của Bắc Việt tại
khu rừng Tánh Linh ở Bình Tuy đầu năm 1962 và Tết Quý Mão 1963, Ông Hồ đã nhờ
ông Ram C. Goburdhun, Đại sứ Ấn Độ và là Chủ tịch Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đinh
chiến mang một cành đào lớn tặng Ông Diệm với tấm thiệp viết: ‘Chủ tịch nhà nước
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa kính tặng, chúc Tết Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa.
(bây giờ những tin tức này không còn là điều bí mật – đó là sự thật).
Nhưng bất hạnh cho dân tộc Việt Nam, một lần nữa mất
đi một cơ hội để tránh 20 năm máu lửa, đau thương - thường gọi là cuộc chiến
tranh lần thứ hai. Vì ở Miền Nam một đám tướng lãnh ham tiền, ham quyền đã bị Mỹ
mua chuộc làm cuộc đảo chánh 1-11-1963, giết hai Ông Diệm, Nhu. Còn Miền Bắc,
đám chủ chiến Lê Duẩn, Lê Đức Thọ khống chế Hồ Chí Minh, giành quyền lãnh đạo,
tiếp tục chủ động cuộc chiến xâm chiếm Miền Nam.
Thế là cuộc chiến tranh tiếp tục leo thang – Từ cuộc
chiến tranh mang tính ‘ý thức hệ’ giữa Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Quốc gia
Dân tộc thành cuộc ‘chiến tranh ủy nhiệm’- Miền Nam nhận bom đạn của Mỹ để bảo
vệ ‘Tiền đồn chống cộng của thế giới Tự Do’. Miền Bắc nhận súng của Nga, Tàu đi
làm ‘nghĩa vụ quốc tế vô sản’ bành trướng Chủ nghĩa Cộng sản dưới chiêu bài
‘đánh Mỹ cứu nước- Giải phóng Miền Nam’ nhưng Lê Duẩn,TBT đảng Cộng sản đã nói:
‘chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, choTrung Quốc’- quả thực không sai.
Vậy thì nhân dân Việt Nam được gì trong cuộc chiến này?
Dân miền Nam chỉ mong
được yên ổn làm ăn, đâu cần ‘giải phóng’… Những bà mẹ miền Bắc đâu có muốn con
mình trong đội tiền phong đi làm ‘nghĩa vụ quốc tế vô sản’ để rồi ‘sinh Bắc tử
Nam’.
Ngày 27/2/1972 Mỹ-Trung
ký ‘Thông cáo chung’ ở Thượng Hải. Cho thấy tình hình chính trị thế giới đã biến
chuyển. Trước tình hình đó, cả hai miền Nam, Bắc đều có những lo âu, toan tính.
Mỹ cắt giảm viện trợ cho Miền Nam và chủ trương Việt
Nam hóa chiến tranh, như vậy vai trò làm
‘chiến sĩ bảo vệ tiền đồn của Thế giới Tự do’ coi như chấm dứt. Trong khi Miền
Bắc tiếp tục nhận viện trợ và vũ khí của Nga, Tàu tiến hành cuộc chiến tranh xâm
chiếm Miền Nam. Chính phủ và nhân dân Miền Nam phải ra sức chiến đấu bảo vệ quê
hương - Bấy giờ rõ nét là một cuộc ‘nội chiến’.
Để thực hiện ý đồ này, lãnh đạo Miền Bắc đã tung nhiều
Sư đoàn chủ lực với xe tăng, trọng pháo vào chiến trường miền Nam - mở ‘chiến dịch
Trị Thiên’ ( miền Nam gọi Mùa Hè Đỏ Lửa) với những trận tấn công qui mô, ác liệt vào Cổ thành Quảng
Trị, Bình Long-An Lộc v…v… Hằng vạn binh sĩ của cả hai bên đã hy sinh vì những
tham vọng điên cuồng vào những ngày hòa bình sắp ló dạng… Lẽ ra những sinh linh
này đã được về với mẹ, với em, với gia đình sau bao năm chiến đấu gian khổ thì
thân xác họ đã nằm lại nơi chiến trường phi nghĩa.
Những người lính đã chết một cách oan uổng sau năm
1972 là do sự mê muội của vài tên đầu lãnh miền Bắc - Đây là một tội ác đối với
đồng bào và dân tộc - lịch sử sẽ phán xét những hành động của họ.
Ông Tư như trầm ngâm tha thiết nói: Đọc một đoạn văn
của Trần Trung Đạo trong quyển Chính Luận (Cổ Loa xb năm 2014) mà ngậm ngùi
cho thân phận đau thương của người lính: ‘ Nhìn
viên đạn của Nga và Tàu, tôi nghĩ đến trái tim của người lính trẻ miền Nam, giống
như khi nhìn chiếc chiến đấu cơ của Mỹ cất cánh tôi chợt nghĩ đến các anh lính
từ miền Bắc xấu số đang di chuyển bên kia sông Thu Bồn. Vũ khí là của các đế quốc.
Không có khẩu súng nào chế tạo ở miền Nam hay miền Bắc. Các bà mẹ Việt Nam chỉ
chế tạo được những đứa con và đóng góp phần xương máu / Vũ khí của các đế quốc
trông khác nhau nhưng nạn nhân của chúng dù ở bên này hay bên kia lại rất giống
nhau. Nếu tháo đi chiếc nón sắt, chiếc mũ vải xanh, hai người thanh niên có mái
tóc đen, vầng trán hẹp, đôi mắt buồn hiu vì nhớ mẹ, nhớ em chẳng khác gì nhau. Dù
con đường Duy Tân cây dài bóng mát hay
mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời cũng
là quê hương Việt Nam và nỗi nhớ trong tâm hồn người con trai Việt
ở đâu cũng đậm đà tha thiết’.
Tôi kể thêm một câu chuyện cho ông thấy cái ‘khôn vặt
- hợm hĩnh’của mấy tay lãnh đạo miền Bắc, đôi khi đã mang đến tai họa cho dân,
cho nước.
- Chuyện rằng: Trong Hòa đàm Paris đến chỗ gay cấn, có vài điểm bế tắc, ngày 13/12/1972 Lê Đức Thọ, Trưởng phái đoàn Miền Bắc, bỏ về nước không nói rõ lý do - trong thâm tâm của y nghĩ rằng: Miền Bắc đang ở thế ‘thượng phong’ làm như thế Kissinger sẽ nhượng bộ (!?). Nào ngờ ngày 18/12/1972, TT Nixon ra lịnh tiến hành chiến dịch Linebacker 2 – cho máy bay B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng và các cứ điểm quân sự trong 12 ngày đêm. Kết quả theo Tướng Philip Davidson đánh giá: Hà Nội kiệt quệ tới mức trong 3 ngày cuối máy bay Mỹ gần như không còn bị bắn trả, và không còn mục tiêu quân sự nào tại miền Bắc để đánh nữa. Còn dư luận trong dân chúng thì cho rằng nếu Mỹ ném bom thêm ba ngày nữa Hà Nội sẽ ‘kéo cờ trắng’.
- Chuyện rằng: Trong Hòa đàm Paris đến chỗ gay cấn, có vài điểm bế tắc, ngày 13/12/1972 Lê Đức Thọ, Trưởng phái đoàn Miền Bắc, bỏ về nước không nói rõ lý do - trong thâm tâm của y nghĩ rằng: Miền Bắc đang ở thế ‘thượng phong’ làm như thế Kissinger sẽ nhượng bộ (!?). Nào ngờ ngày 18/12/1972, TT Nixon ra lịnh tiến hành chiến dịch Linebacker 2 – cho máy bay B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng và các cứ điểm quân sự trong 12 ngày đêm. Kết quả theo Tướng Philip Davidson đánh giá: Hà Nội kiệt quệ tới mức trong 3 ngày cuối máy bay Mỹ gần như không còn bị bắn trả, và không còn mục tiêu quân sự nào tại miền Bắc để đánh nữa. Còn dư luận trong dân chúng thì cho rằng nếu Mỹ ném bom thêm ba ngày nữa Hà Nội sẽ ‘kéo cờ trắng’.
Kết quả ‘thông điệp 36.000 tấn bom’ của Nixon đã khiến
cho Lê Đức Thọ vác xác trở lại bàn đàm phán. Ông đọc thêm hồi ký của Nixon,
Kissinger, Việt Nam War-1988 của Tướng ba sao Philip Davidson để thấy 36.000 tấn
bom trút xuống trong 12 ngày đêm bằng số bom đã thả xuống miền Bắc từ năm 1969
đến 1971. Và ông sẽ thấy ‘cái đểu’ của các cường quốc và ‘cái đau’ của một nước
nhược tiểu khi nghe Khrushchev, cựu TBT đảng cộng sản Liên Xô phát biểu: ‘Nếu
Hoa kỳ tiếp tục thả bom trong vài, ba ngày nữa thì Hà Nội sẽ đầu hàng vì số hỏa
tiễn SAM (địa đối không) Liên Xô viện trợ để hạ máy bay B-52 đã cạn, nhưng
Nixon đâu để cho Hà Nội đầu hàng, vì như vậy sẽ làm mất mặt Trung cộng và ảnh
hưởng không tốt cho sự bang giao Mỹ-Trung đang diễn ra. Hơn nữa tình báo Nga tiết
lộ: Nga sẽ không tiếp tục đưa hỏa tiễn SAM vào Bắc Việt - cuộc thí nghiệm vũ
khí và đọ sức đôi bên đến đó đủ rồi – đàn em Hà Nội cũng đã ngất ngư - Nixon ra
lịnh ngưng oanh tạc!
“Được gì trong cuộc chiến 20 năm? Hơn 3 triệu người hy sinh, quê hương điêu
tàn, nhân tâm ly tán…
“Hơn 60 năm trước, trong quyển Chính Đề Việt Nam, Ông Ngô Đình Nhu đã
viết: ‘vì tính toán sai lầm, trong giai
đoạn quyết định, các nhà lãnh đạo đã tạo ra tình trạng phân chia lãnh thổ…’
và tiếp theo là những tiên đoán của Ông về tương lai của Việt Nam: Nếu Miền Nam
bị Cộng sản xâm chiếm thì ‘sẽ tròng vào cổ
dân tộc cái ách nô lệ (Trung Quốc) mà tổ tiên chúng ta, trong một ngàn năm đã đổ
nhiều xương máu để loại trừ’- Bây giờ
xem hiện tình Việt Nam quả thực không sai.
“Tôi đọc cho ông nghe một bài thơ: ‘Tâm sự của Một Bộ
Đội Cộng Sản Bắc Việt để chia xẻ niềm đau với những người cùng thế hệ 75:
“Tôi
đã biết mình lầm đường lạc lối/ Từ sau cái ngày‘giải phóng’ Miển Nam/ Một mùa
xuân tang tóc năm bảy lăm/ Đi giữa Sài Gòn, tôi nghe mình thầm khóc/ Tôi khóc
Miền Nam tự do vừa mất/ Và khóc cho mình, chua xót đắng cay/ Nửa đời người theo đảng đến
hôm nay/ Tưởng cứu nước đã trở thành tội ác/ Bỡi tôi quá tin nghe theo lời bác/
Rằng đảng ta ưu việt nhất hành tinh/ Đường ta đi, chủ nghĩa Mac Lê nin/ Là nhân
phẩm, là lương tri thời đại/ Rằng tại Miền
Nam, ngụy quyền bách hại/ Dìm nhân dân dưới áp bức bạo tàn/ Khắp nơi nơi cảnh
đói rách cơ hàn/ Đang rên siết kêu than cần giải phóng/ Tôi đã xung phong với bầu
máu nóng/ Đi cứu Miền Nam ruột thịt nghĩa tình/
Chẳng quên mang theo ký gạo để dành/ Biếu người bà con trong này túng
thiếu/ Người dân Miền Nam thật là khó hiểu/ Nhà khang trang bỏ trống chẳng còn
ai/ Phố phồn hoa hoang vắng tự bao giờ/ Giải phóng đến sao người ta chạy trốn/
Đến Sài Gòn, tưởng say men chiến thắng/ Nào ngờ đâu sụp đổ cả niềm tin/ Khi
điêu ngoa dối trá hiện nguyên hình/ Trước thành phố tự do và nhân bản/ Tôi tìm
đến người bà con trong xóm/ Nhà xinh xinh, đời sung túc tiện nghi/ Ký gạo đem
theo nay đã mốc xì/ Tôi vội vã dấu vào hành lý/Anh bà con tôi-một người công chức/
Nét u buồn nhưng cũng cố làm vui/ Đem tặng tôi một cái đồng hồ/ Không người
lái, Sei-ko, hai cửa sổ/ Một túi xách xinh xinh dành cho vợ/ Con búp bê dành
cho con gái yêu/ Rồi anh nói: Ngày mai đi cải tạo/ Cái đồng hồ tôi cũng chẳng cần
chi/ Xin tặng anh, mong nhận lấy đem về/ Một chút tình người bà con Nam Bộ/
Trên đường về, đất trời như sụp đổ/ Tôi thấy mình tội lỗi với Miền Nam/ Tôi thấy
mình hổ thẹn với lương tâm/ Tôi đã khóc, cho mình và đất nước/ Cho những đồng đội
nằm xuống ngoài kia/ Cho những bà Mẹ nơi hai chiến tuyến/ Có những người con đi
chẳng trở về/ Khóc vì nghe người về từ chiến thắng/ Nhưng sao lòng chua xót
mênh mang. (Nguồn: Cựu bộ đội giải phóng Trần Huân - Published by Nguyễn Văn
Thái on April 16 - 2018).
Ông Tư dừng lại, nhìn tôi ra chiều xúc động, ông nói
người xưa đã bảo: ‘Một người thầy thuốc sai lầm thì có thể giết một bệnh nhân,
một nhà làm chính trị sai lầm có thể giết hại một dân tộc, một nhà làm văn hóa
tư tưởng sai lầm có thể giết hại cả một thế hệ’-
Câu nói đó có gía trị muôn đời ông ạ./.
LÊ ĐỨC LUẬN.
(Tháng 8-2019)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét