Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

15 Sinh Vật Kỳ Lạ Thời Tiền Sử Sẽ Khiến Bạn Thích Thú

 

Deinotherium

15 SINH VẬT KỲ LẠ THỜI TIỀN SỬ SẼ KHIẾN BẠN THÍCH THÚ
Nguồn: listverse  

Ngày nay có vô vàn loài động vật kỳ lạ đang sinh sống, thế nhưng lại có ít người biết được có những loài khác cũng quái dị không kém từng xuất hiện trong quá khứ. Dưới đây là danh sách 15 loài động vật ấy, được phân loại từ khủng long cho đến đa dạng các loài cá và các loài bò sát. Và tất nhiên, tất cả chúng đều không còn được tìm thấy ở thời điểm hiện tại nữa (ngoại trừ hình dạng hóa thạch của chúng). 

15. Deinotherium


Loài này có hình dáng giống voi ngày nay nhưng chúng không chỉ to lớn mà còn có cặp ngà mọc ở cằm. Đôi ngà kỳ dị này có lẽ được chúng sử dụng trong việc đào đất để lấy được rễ cây và củ quả. Deinotherium cũng có một chiếc vòi tương đối ngắn so với những loài voi khác. Loài này cao từ 12-15 feet (tương đương 3.6 mét – 4.6 mét), điều đó khiến chúng trở thành một trong những loài thú có vú to lớn nhất từng sống trên cạn.

14. Therizinosauridae


Đây là một chủng loài kỳ lạ, bí ẩn thuộc nhóm khủng long chân thú, nổi bật với chiếc cổ dài và bộ móng vuốt to lớn. Tuy nhiên không giống như những loài khủng long chân thú khác, chúng là động vật ăn cỏ (hoặc ít nhất là đại đa số). Một vài con có thể có thêm bộ cánh. Ở một số hóa thạch còn cho thấy bộ móng to lớn của chúng có thể đạt tới chiều dài 1 mét.

13. Epidexipteryx


Loài khủng long có hình dáng giống chim này là một phần thú vị trong chuỗi lịch sử tiến hóa của loài chim. Đây là một thành viên thuộc nhóm khủng long Scansoriopterygidae (chim cổ với ngón thứ 3 dài), không có cánh bay mà lại có tới 4 chiếc lông đuôi. Những chiếc lông này dường như được chúng sử dụng để phô trương bản thân. Niên đại của chúng (loài này sống ở Trung Quốc khoảng 152 đến 168 triệu năm về trước) đã cung cấp bằng chứng cho thấy rằng bộ cánh đã phát triển từ hàng trăm triệu năm trước trước khi nó bay được (không quá ngạc nhiên nhỉ). Đây là một trong những loài khủng long nhỏ nhất vì con trưởng thành chỉ có thể đạt tới chiều cao khoảng 10 inches (khoảng 25 centimet) không tính lông đuôi. Đó cũng là kích thước của chim bồ câu ngày nay.

12. Epidendrosaurus


Đây là một loài khủng long có hình dạng giống chim, thuộc dòng Epidexipteryx. Nó hiện là loài khủng long sớm nhất được biết đến với việc thích nghi đời sống trên cây, một bước quan trọng trong quá trình tiến hóa của chim. Kỳ quái hơn cả chính là chiếc móng thứ 3 dài một cách kỳ lạ, gấp hai lần chiều dài các móng còn lại. Chiếc móng này có thể được sử dụng để đào lấy côn trùng trên cây.

11. Microraptor


Có tới 2 chủng loài thuộc nhóm Microraptor. Đây là một loài khủng long khác cũng giống chim hiện đại và có 4 cánh nhưng lại không thể bay được. Thay vì bay lượn từ nơi này sang nơi khác, nó di chuyển giống như một con sóc bay hơn. Nó dường như là loài có tổ tiên gần nhất giữa hai loài: chim và khủng long. Khả năng chao lượn trong không trung của nó đã tiến hóa thành khả năng bay. Không may mắn là hóa thạch của loài này cùng với hóa thạch của một loài chim cổ (Yanornis) đã bị sử dụng để tạo ra một loại hóa thạch giả. Hóa thạch giả này được ca ngợi như là mối liên kết tiến hóa còn thiếu giữa chim hiện đại và loài khủng long: Archaeoraptor. Mặc dù vậy nó đã bị nhìn ra sự thật trước khi được công bố công khai. National Geographic đã công bố sự thật này. Khi hóa thạch loài này bị đem ra làm trò lừa gạt, nó đã làm trăn trở cả cộng đồng khoa học. 

10. Longisquama


Tồn tại suốt kỷ Triat, Longisquama là một loài thằn lằn nhỏ có một dãy lông vũ dài trên lưng. Điều này hàm ý rằng có thể loài chim không được tiến hóa từ loài khủng long Theropod, nhưng loài bò sát giống thằn lằn này thì lại có thể. Tất nhiên, sự thật không phải lúc nào cũng đúng như vẻ ngoài của chúng. Một vài nhà khoa học nghĩ rằng chúng có thể đã được điều chỉnh thành một tỉ lệ đặc biệt nào đó. Số khác thì cho rằng hóa thạch của nó là một loại ảo ảnh thị giác: những chiếc lông vũ chỉ là lá của cây dương xỉ. Do có một lượng lớn hóa thạch khủng long có lông vũ, nên cả hai giả thuyết này đều có thể đúng.

9. Tanystropheus


Khi tôi mô tả đây là loài bò sát có chiếc cổ dài ngoằng, nhiều người sẽ nghĩ tới loài Sauropods hay thậm chí là Plesiosaurs. Loài bò sát kỷ Triat này không thuộc hai loài trên. Nó dài khoảng 20 feet (khoảng 6 mét) và có cổ dài tới 10 foot (khoảng 3 mét). Bằng chứng đã khẳng định rằng đây là loài bò sát ăn cá bởi hóa thạch của chúng được phát hiện chủ yếu ở khu vực có nước, vảy cá và xúc tu của loài Cephalopod cũng được tìm thấy trong dạ dày của chúng. Chúng có thể đã từng lưu trú gần bờ biển, dùng chiếc cổ dài để bắt sống những con cá ở biển. Đây cũng được xem như là loài lưỡng cư.

8. Sharovipteryx


Loài này tương đồng với loài Microraptor. Tuy nhiên, Sharovipteryx có 2 “cánh” giấu sau chân và 2 “cánh” nhỏ ở chi trước. Có thể nó đã sử dụng cánh trong lúc nhảy từ chỗ này sang chỗ khác. Một số nhà khoa học cho rằng nó có liên hệ tới loài Pterosaurs, nhưng đôi cánh lại nằm ở chân chứ không nằm ở tay đã đặt ra nghi vấn cho giả thuyết này.

7. Nyctosaurus


Giống thằn lằn bay này là loài duy nhất không có vuốt ở gần cánh. Mặt khác, hầu hết loài này đều trông hoàn toàn bình thường, tương tự như loài Pterodon nổi tiếng, cho đến khi một loài mới, chưa hề có tên được phát hiện vào năm 2003. Nó có một cái mào khổng lồ trông như sừng, lớn hơn cả mào của những loài thằn lằn bay khác. Một vài người suy đoán rằng cái mào chính là một lớp mô mỏng như vải nằm giữa các miếng sừng, cái mà đóng vai trò như cánh buồm giúp tăng khả năng bay của chúng. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu lại chỉ ra rằng cái mào đó thực sự làm suy yếu khả năng bay, vậy nên nó chỉ đơn giản là một cái sừng quái dị mà thôi.

6. Pterodaustro


Loài thằn lằn bay này có một bộ răng kỳ lạ giống như tấm sừng dưới hàm của một vài loài cá voi. Nó hầu như dùng bộ răng này để ăn những sinh vật biển nhỏ, cũng tương tự như cách mà hồng hạc ăn tôm biển vậy. Do hồng hạc có được màu hồng nhạt từ thức ăn, nên có lẽ Pterodaustro cũng có màu như vậy. 

5. Dunkleosteus


Là một trong những loài sinh vật đại dương đáng sợ nhất từng sinh sống, loài cá kỷ Devonian này có thể phát triển chiều dài lên tới 33 feet (khoảng 10 mét) với xương mặt cứng như thép và sở hữu lực cắn mạnh nhất trong lịch sử sinh vật. Nó sử dụng khuôn miệng khoằm xuống thay vì răng để nhai ngấu nghiến con mồi. Đây là một trong những loài cá lớn nhất thuộc nhóm cá da phiến, và một vài nhóm trong số đó đã bị tuyệt chủng. 

4. Stethacanthus


Cá mập đã tồn tại suốt hơn 400 triệu năm. Mặc dù chúng vẫn còn duy trì những nét tương đồng không thay đổi qua suốt các mẫu hóa thạch được ghi nhận, loài này còn có thêm tinh hoàn kỳ dị. Loài cá mập đặc biệt này có vây lưng hình chiếc đe với những cụm gai nhỏ mọc trên đó và nó cũng mọc trên đầu của chúng. Chiếc vây này có thể đã được sử dụng để ve vãn bạn tình hoặc để phòng thủ.

3. Helicoprion


Hóa thạch kỳ dị của loài này ban đầu được cho là của một loài ốc vì nó có hình dạng xoắn ốc và chiếc vỏ hình tròn. Tuy nhiên sau nhiều lần nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó không phải là vỏ bao mà là bộ răng hình xoắn ốc. Không may thay, bởi sự thiếu hụt các phần cơ thể (sụn không hóa thạch như là xương được) nên việc suy đoán lại diễn ra. Bộ răng được cho là ở trên trên vây lưng, đuôi và thậm chí là trên mũi. May mắn là xương sọ của loài cá mập họ hàng, Ornithoprion, đã được tìm thấy chỉ ra bằng chứng rằng hàm dưới của chúng là một bộ răng hình xoắn ốc. Chiếc hàm xoắn ốc này gần như chứa toàn bộ số răng mà chúng sử dụng trong cuộc đời: những chiếc răng cũ sẽ được bỏ đi để tạo chỗ trống cho những chiếc răng mới tốt hơn. Tuy vậy điều này lại không giúp giải quyết vấn đề nào cả bởi bộ răng này chìa ra ngoài thực sự làm giảm tốc độ bơi của cá mập. 

2. Deinocheirus


Hóa thạch còn lại duy nhất của loài này là cặp chi. Những cái chi này trông như thuộc về một loài khủng long giống đà điểu ngày nay nhưng lại có chiều dài tới 8 feet (khoảng 2,4 mét). Điều này đồng nghĩa với việc chúng dài vượt trội trong nhóm các khủng long giống đà điểu hoặc chỉ đơn giản là chúng sở hữu đôi chi rất dài trên cơ thể. Việc sử dụng những cái chi vẫn còn đang gây tranh cãi: nhiều người cho rằng Deinocheirus dùng nó để xé xác những con khủng long to lớn, số khác lại nói rằng bộ vuốt do quá cùn nên chúng chỉ dùng chi để tự vệ. Có những người thì cho rằng chúng dùng cánh tay khổng lồ để leo cây, dù vậy giả thuyết này đã hoàn toàn bị xem nhẹ. Một lần nữa, việc thiếu hụt các phần cơ thể đã đặt ra nhiều nghi vấn chưa thể giải đáp được.

1. Amphicoelias fragillimus


Bộ hóa thạch đáng nhớ này được khám phá bởi nhà cổ sinh vật học Edward Drinker Cope. Cope đã tìm ra nhiều bộ hóa thạch thời tiền sử, nhưng cho đến giờ thì đây là thứ kỳ lạ nhất. Thứ còn tồn tại duy nhất của bộ hóa thạch này là một đoạn xương sống. Nó cao 5 feet (khoảng 1,5 mét), ước tính có thể cao tới 8,8 feet (khoảng 2,7 mét) nếu toàn bộ hóa thạch còn nguyên vẹn. Hãy so nó với chiều dài cột sống của bạn. Theo ước tính, chiều dài cột sống của loài này lên tới 131 đến 196 feet (từ 39,9 mét đến 59,7 mét) khiến nó trở thành loài sinh vật dài nhất cho đến giờ, thậm chí còn cạnh tranh với cá voi xanh về danh hiệu loài vật nặng nhất từng tồn tại. Nhưng không may là bộ hóa thạch loài này đã biến mất. Nó mất tích không để lại chút dấu vết nào. Liệu đây có phải là một trò chơi khăm? Hay là một sự hiểu nhầm? Hoặc nó có phải là loài động vật lớn nhất từng xuất hiện trên trái đất. Thật đáng buồn, chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết được câu trả lời nào cả. 

Nguồn: listverse  
Dịch: raytagger - Ohay TV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét