Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

Lễ Hội Halloween Có Phù Hợp Với Văn Hóa Việt Nam?

 

Những tạo hình rùng rợn được giới trẻ lựa chọn hoá trang. Ảnh: T.L. 

LỄ HỘI HALLOWEEN CÓ PHÙ HỢP VỚI VĂN HÓA VIỆT NAM?
Hoài Linh

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Lễ hội Halloween du nhập về Việt Nam là phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 

Lễ hội Halloween bắt nguồn từ đâu?

Halloween có tên gốc là All Hallows’Eve, có nghĩa là đêm trước Ngày lễ các thánh. Lễ hội Halloween ngày nay bắt nguồn từ dân tộc Celt, là một dân tộc sống cách đây hơn 2.000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ái Nhĩ Lan và miền Bắc nước Pháp.

Lễ hội Halloween thường được tổ chức ngày 31.10 hàng năm. Ảnh: T.L.

Lễ hội Halloween là kết quả của nhiều sự biến đổi trong nhiều thế kỷ. Giờ đây, các ngày lễ trong lễ hội Halloween không còn mang ý nghĩa tôn giáo mà mọi người đều coi đó là một lễ hội vui chơi với những quả táo của lễ hội Pomona, con mèo đen của lễ hội Sanhaim và những con ma, bộ xương của ngày lễ các thánh và các linh hồn...

Đây cũng là dịp để giáo dục con người nên tránh xa những điều xấu, không nên chơi đùa với "ma quỷ". "Ma quỷ" được hiểu theo nghĩa là những cái xấu xa, lừa lọc, tính ác. 

Lễ hội Halloween có thật sự phù hợp với văn hoá Việt Nam?

Tại Việt Nam, một vài năm trở lại đây, lễ hội Halloween trở nên phổ biến. Nhiều địa điểm lễ hội được tổ chức, đặc biệt là các trường đại học và cả những trường mẫu giáo. Bên cạnh những nhân vật trong truyền thuyết, nhiều những hình tượng hoá trang rùng rợn được giới trẻ sử dụng. Điều này khiến nhiều người thắc mắc liệu Lễ hội này có thật sự phù hợp với văn hoá Việt Nam?


Những tạo hình rùng rợn được giới trẻ lựa chọn hoá trang. Ảnh: T.L. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung, lễ hội Halloween đã du nhập vào Việt Nam khoảng chục năm trở lại đây và có một số điểm tương đồng với văn hoá Việt Nam. "Trong quá trình hội nhập giao lưu quốc tế giới trẻ thích đi tìm cái mới. Thực ra người Việt mình cũng có quan niệm về 3 tầng thế giới, thế giới trên trời của thánh thần, mặt đất của con người, và địa ngục của ma quỷ. Trong tiềm thức của người Việt cũng đã có những quan niệm ma quỷ nhưng ma quỷ  theo người Việt theo ý niệm khác.

Halloween nước ngoài là một nét sinh hoạt văn hoá đồng thời cũng giáo dục con người bên cạnh những mặt thiện cũng có những cái xấu xa. Trong bản thân mỗi con người, ai cũng tồn tại tính thiện và tính ác nếu chúng ta không rèn luyện, hiểu biết, không có những triết lý cho đúng đắn thì tính quỷ, tính không thiện sẽ nổi lên làm hại bản thân, gia đình và xã hội".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung nếu chúng ta tiếp nhận lễ hội Halloween một cách sâu sắc sẽ góp phần đấu tranh chống lại những điều phi đạo đức, tiêu cực. Tuy nhiên, do việc tiếp thu văn hoá nước ngoài nên đôi khi cũng tồn tại những điều lệch lạc, thái quá.

Có nhiều người sử dụng chuyện ma quỷ ngày Halloween để doạ dẫm nhau, gây những điều lo lắng. Hoặc một số đối tượng lợi dụng điều này để sáng tạo ra những sản phẩm kì dị để cung cấp ra thị trường, điều đó không phù hợp với văn hoá Việt Nam. 

Theo ông Phạm Ngọc Trung, giới trẻ Việt tiếp nhận ngày Halloween khá nhanh theo sự phát triển của mạng Internet, tuy nhiên cần có định hướng rõ ràng. Ảnh: T.L.

"Trong quá trình giao lưu hội nhập quốc tế không thể chuẩn ngay được nên khi tiếp thu sẽ có sự lệch lạc nhất định. Vì con người tiếp thu theo cảm tính nên cần những nhà văn hoá, giáo dục đưa vào quỹ đạo nhất định và định hướng những điều đúng đắn. 

Lễ hội Halloween ở Việt Nam sẽ giúp tạo sự đan xen văn hoá nhưng cần phải lựa chọn những gì phù hợp với văn hoá Việt nam theo hướng tích cực tránh những điều xung đột", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung nói.

HOÀI LINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét