Các mô hình khí hậu hiện có nhiều hạn chế nghiêm trọng, tác động đáng kể đến kết quả mà dựa vào đó, các nhà khoa học đưa ra các dự đoán và các chính trị gia đề ra các chính sách. (Ảnh: Carsten Koall/Getty Images)
Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ (AMS) đã tuyên bố: "...nguyên nhân hàng đầu của biến đổi khí hậu trong nửa thế kỷ gần đây là sự gia tăng các loại khí nhà kính trong khí quyển, bao gồm carbon dioxide (CO2), chlorofluorocarbons, methane...".
Tuy nhiên, theo Giáo sư Kinh tế Ross R. McKitrick tại Đại học Guelph - chuyên gia về chính sách môi trường, năng lượng, và khí hậu - các mô hình khí hậu hiện nay cho dù sử dụng những công thức toán học phức tạp nhất thì vẫn chỉ là một sự mô phỏng ‘thô thiển’ các yếu tố phức tạp của tự nhiên, chẳng hạn như các yếu tố trong hệ thống khí quyển. Trong khi các mô hình khí hậu luôn dự đoán rằng nhiệt độ Trái đất sẽ tăng lên đáng kể thì trên thực tế, từ năm 1998 đến năm 2014, nhiệt độ đã không thay đổi. Theo ông McKitrick, hiện có những lỗ hổng cơ bản trong các mô hình khí hậu.
Trong bài báo xuất bản năm 2017 trên tạp chí Hoover danh tiếng, hai tác giả David R. Henderson và Charles L. Hooper đã lập luận rằng: Các mô hình khí hậu cho thấy Trái đất đang nóng hơn khoảng 0,8°C so với năm 1850. Nếu như nồng độ CO2 trong bầu khí quyển đã tăng 40% kể từ năm 1750 thì chúng ta có thể đưa ra một giả thuyết tương đối hợp lý là: Sự gia tăng CO2 này đã gây ra, và đang gây ra, sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta hầu như không có khả năng thực hiện các thí nghiệm có kiểm soát, chẳng hạn như tăng hay giảm mức CO2 trong khí quyển và sau đó đo lường sự thay đổi nhiệt độ Trái đất.
Vậy chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể xây dựng các mô hình phức tạp trên máy tính, nhập vào đó các dữ liệu vật lý, từ đó tính toán cách năng lượng chiếu tới, xuyên qua, và thoát ra khỏi đất, nước, và bầu khí quyển. Vài thập kỷ trở lại đây, những mô hình như vậy đã được tạo ra và đang được sử dụng thường xuyên để đưa ra những dự đoán thảm khốc về số phận của Trái đất.
Vấn đề là các mô hình này có những hạn chế nghiêm trọng, tác động đáng kể đến kết quả mà dựa vào đó, các nhà khoa học đưa ra các dự đoán và các chính trị gia đề ra các chính sách. Cụ thể, có ba vấn đề lớn mà chỉ với một vấn đề riêng lẻ thôi cũng đủ để khiến các dự đoán không còn chính xác. Cả ba vấn đề hợp lại đã giáng một đòn mạnh vào các dự đoán hiện tại.
Sai số lớn hơn kết quả: Sự nóng lên của khí hậu là kết luận không chắc chắn về mặt khoa học!
Hai tác giả Henderson và Hooper đã bắt đầu việc miêu tả lỗi đo lường bằng ví dụ rất dễ hiểu. Hãy tưởng tượng vào đầu năm học, bạn đo thời gian cho một vận động viên điền kinh trung học chạy quãng đường 400m. Chiếc đồng hồ bấm giờ của bạn có độ chia nhỏ nhất là 0,01s; bạn đo được cậu học sinh này chạy trong 56s; sai số tạo ra bởi phản ứng bấm giờ của bạn là ± 0,2s.
Đến cuối năm học (tức là 30 tuần sau), bạn đo được cậu học sinh này chạy quãng đường tương tự chỉ trong 53s. Mức cải thiện từ 56s lên 53s lớn hơn nhiều so với độ chia nhỏ nhất của đồng hồ và thời gian phản ứng không hoàn hảo của bạn. Điều đó cho phép bạn kết luận rằng cậu học sinh đã đạt tiến bộ với mức tiến bộ là 0,1s/tuần (3s trong 30 tuần).
Tuy nhiên, nếu bạn kiểm tra lại cậu học sinh này sau nửa tuần và cố gắng đo lường sự cải thiện dự kiến là 0,05s thì bạn sẽ gặp phải vấn đề. Bạn không thể đo được sự khác biệt nhỏ như vậy với chiếc đồng hồ bấm giờ và thời gian phản ứng không hoàn hảo của bạn. Nói cách khác, bạn không thể làm được điều đó bởi mức độ của thứ mà bạn đo nhỏ hơn sai số trong phép đo của bạn.
Các nhà khoa học đã trình bày sai số trong đo lường bằng cách mô tả khoảng sai số của phép đo. Ví dụ, họ có thể nói rằng nhiệt độ là 20°C ± 0,5°C; tức là nhiệt độ có thể là 20,0°C, nhưng cũng có thể là 20,5°C hoặc 19,5°C.
Bây giờ hãy xem nhiệt độ được ghi lại bởi các trạm thời tiết trên khắp thế giới. Hai tác giả Henderson và Hooper đã nhắc đến ông Patrick Frank, một nhà khoa học tại Đại học Stanford, tác giả của hơn 68 ấn phẩm đã được bình duyệt bởi hội đồng chuyên gia. Ông Frank đã xuất bản các bài báo giải thích về việc sai số của nhiệt độ đo được ở các trạm thời tiết đã bị xử lý không chính xác như thế nào.
Ông Frank phát hiện ra rằng, các chỉ số nhiệt độ có sai số lớn gấp đôi so với mức sai số thường thấy. Dựa trên quan sát này, Frank đã viết một bài báo năm 2011 trên tạp chí Năng lượng & Môi trường, trong đó có đoạn:
“…sự bất thường trong nhiệt độ không khí bề mặt toàn cầu từ năm 1856 - 2004 với khoảng tin cậy 95% là 0,8˚C ± 0,98˚C”. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, khoảng sai số (± 0,98˚C) lại lớn hơn mức tăng (0,8˚C) đo được (?!!). Như vậy, có thể nói một cách không chắc chắn rằng nhiệt độ có xu hướng tăng lên; và cũng không thể bác bỏ giả thuyết rằng nhiệt độ của thế giới không hề thay đổi.
Năng lượng từ C02 do con người tạo ra nhỏ hơn rất rất nhiều so với năng lượng tự nhiên của mặt trời
Rất nhiều mô hình khí hậu hiện tại được dùng để đánh giá giả thuyết CO2 là nguyên nhân của sự nóng lên toàn cầu, cũng như để định lượng mức CO2 tạo ra bởi con người. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ, năng lượng (sức nóng) do C02 tạo ra bởi con người so với sức nóng tự nhiên từ mặt trời là vô cùng nhỏ bé.
Mọi người háo hức chờ xem nhật thực toàn phần tại căn cứ không quân cũ của NATO ở Chambley. (Ảnh: FRANCK FIFE / AFP qua Getty Images)
Để chứng minh cho luận điểm này, hai tác giả Henderson và Hooper đã đặt ra câu hỏi: CO2 do con người tạo ra có mức độ lớn nhỏ như thế nào so với các yếu tố không chắc chắn khác trong các mô hình khí hậu? Các dòng năng lượng trong mô hình được đo bằng watt trên mét vuông (Wm–2). Năng lượng từ mặt trời truyền đến bầu khí quyển trái đất trung bình ngày và đêm, các cực, và đường xích đạo là 342 Wm–2. Điều này giữ trái đất đủ ấm áp để chúng ta tồn tại và phát triển. Theo Frank, năng lượng ước tính tạo ra từ lượng CO2 từ các hoạt động của con người nhỏ hơn rất nhiều, ở mức 0,036 Wm–2 - tương đương 0,01% năng lượng từ mặt trời. Nếu tính toán của chúng ta về năng lượng từ mặt trời bị sai số hơn 0,01% thì sai số đó sẽ lớn hơn, hay nói cách khác là bao gồm năng lượng tạo ra từ lượng CO2 từ các hoạt động của con người.
Bất khả thi trong việc đo lường các đám mây
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, methane, và nitrogen dioxide vào năm 2020 tiếp tục tăng dù nền kinh tế toàn cầu đã và đang đình trệ bởi tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Từ đó, một số nhà khoa học đã đổ lỗi việc gia tăng CO2 này là do vị trí các đám mây.
Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học East Anglia và Đại học Hoàng gia London đã cho rằng các đám mây có thể khiến nhiệt độ Trái Đất tăng cao bằng cách phản xạ ít bức xạ mặt trời ra khỏi Trái Đất hơn và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu.
Đồng tác giả Peer Nowack từ Đại học East Anglia cho biết: "Trong vài năm qua, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các đám mây có thể gây hiệu ứng khuếch đại đến sự nóng lên toàn cầu".
Trên thực tế, việc mô hình hóa các đám mây và các hiệu ứng liên quan đến mây là rất khó khăn. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã thừa nhận điều này trong một báo cáo năm 2013: “Việc mô phỏng các đám mây trong các mô hình khí hậu vẫn còn nhiều thách thức”.
Ánh sáng mặt trời chiếu qua những đám mây ngày 14/8/2019 ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh của Carl Court / Getty Images)
Tại sao lại khó tạo mô hình cho những đám mây? Bởi vì chúng có muôn hình vạn trạng; xuất hiện ở các độ cao khác nhau, và xếp chồng lên nhau; đồng thời các nhà khoa học cũng không hiểu đầy đủ về cách chúng hình thành. Kết quả là, việc mô hình hóa các đám mây có độ chính xác thấp. Theo hai ông Henderson và Hooper, điều này dẫn đến sự sai số khoảng ±4,0 Wm–2 của nhiệt năng của khí quyển.
Sai số này lớn gấp khoảng 110 lần năng lượng ước tính tạo ra từ lượng CO2 từ các hoạt động của con người (0,036 Wm–2). Nếu sai số của mô hình đám mây chỉ giảm 0,9% - tức là giảm 0,036 Wm–2 (0,9% x 4,0 = 0,036) - thì sai số đó sẽ đủ để bù cho lượng năng lượng tạo ra từ CO2 từ các hoạt động của con người.
Truyền thông dòng chính phớt lờ các nghiên cứu trái chiều hoặc các sai lầm trong dự báo nóng lên toàn cầu
Một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học hàng đầu đến từ nhiều quốc gia xuất bản ngày 31/10/2018 đã đưa ra một mô hình mới để đo lượng nhiệt mà các đại dương đang hấp thụ.
Về cơ bản, các tác giả đo thể tích của các loại khí, đặc biệt là khí oxy (O2) và CO2, đã thoát ra khỏi đại dương trong những thập kỷ gần đây và đi vào bầu khí quyển. Họ phát hiện ra rằng các đại dương trên Trái đất đã hấp thụ một lượng nhiệt nhiều hơn 60% so với các tính toán trước đó, tốc độ nóng lên của Trái đất đang được đẩy nhanh hơn, và chúng ta có ít thời gian hơn để hạn chế phát thải nhà kính.
Nghiên cứu đã thu hút sự chú ý đáng kể từ giới truyền thông và công chúng. Rất nhiều tờ báo đã đăng tải bài viết xung quanh nghiên cứu này, khiến nó trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.hoover.org/research/flawed-climate-models
- https://friendsofscience.org/assets/documents/Flawed-climate-models-lead-to-costly-public-policy.pdf
- https://www.pop.org/u-n-climate-models-flawed-grossly-exaggerate-warming-effect/
- https://www.mdpi.com/2072-4292/3/8/1603/htm
- https://wattsupwiththat.com/2009/03/30/lindzen-on-negative-climate-feedback/
- https://phys.org/news/2012-07-climate-flawed-speaker-sandia.html
- https://financialpost.com/opinion/ross-mckitrick-the-flaw-in-relying-on-a-worst-case-scenario-climate-model
- https://www.washingtonpost.com/energy-environment/2018/11/14/scientists-acknowledge-key-errors-study-how-fast-oceans-are-warming/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét