Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

Tư Tưởng Đạo Phật Trong Kim Vân Kiều Truyện Và Trong Đoạn Trường Tân Thanh

 


ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Thầy Dương Anh Sơn 
 

CHƯƠNG II 

NGUỒN GỐC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH 

TIẾT 3: TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG KIM VÂN KIỀU TRUYỆN VÀ TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

Tư tưởng đạo Phật trong “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (bản Kiều chữ) và trong “Đoạn Trường Tân Thanh” của Nguyễn Du (bản Kiều nôm) có sự giống nhau và khác biệt nào? Đây là một vấn đề tưởng cũng cần được tìm hiểu hầu có thể nhận ra đâu là những nét chấm phá mới và độc đáo của Tố Như trong Truyện Kiều. 

Thực vậy, nhìn một cách tổng quát, cả hai cuốn truyện cùng diễn một “tuồng tích” này đều có những điểm tương đồng ít nhiều chịu ảnh hưởng tư tưởng nhà Phật. Trước hết, cả hai đều khởi đầu bằng thuyết lý “Hồng nhan bạc mệnh” như một thứ định luật cố hữu theo niềm tin của người Đông phương và đặc biệt là Trung Hoa. Nhưng dưới cách nhìn của nhà Phật, những kẻ tài sắc thường bị mệnh bạc, tạo hóa ghen ghét chẳng qua vì họ đã tạo nghiệp trong kiếp trước; kiếp này sinh ra có sắc có tài, nhưng tài sắc ấy chỉ làm cho họ khổ lụy như là hậu quả của sự gây nhân từ kiếp trước. Nhân vật Đạm Tiên có thể xem là một bằng chứng cho thuyết lý ấy và là đầu mối, là gương soi cho Thúy Kiều, một người cũng có tài sắc:

Chắc vì hoàn cảnh không may dun dủi vào nơi bể lửa vùi dập ngày xuân. Vậy thì thuyền trước thuyền sau, biết đâu chị em mình lại chẳng là kiếp sau của người đó?” [1]

Và với Tố Như, tiên sinh vẫn giữ lại ý tưởng này nhưng triển khai rộng hơn nhắm đến thân phận của đàn bà nói chung, trong đó có những kẻ hồng nhan:

Đau đớn thay phận đàn bà              (c. 83)

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Phũ phàng chi bấy hóa công,

Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha”.

và:

Rằng: “Hồng nhan tự nghìn xưa,      (c.107)

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”.

Bên cạnh đó, sự gặp gỡ giữa Đạm Tiên và Kiều không phải là sự ngẫu nhiên, vô cớ nhưng đã được sắp đặt bởi những chuỗi nhân duyên giữa hai người từ quá khứ theo một định luật thông thường về duyên khởi của nhà Phật: 

Cái này có nên cái kia có.

Cái này diệt nên cái kia diệt.

Cái này sinh nên cái kia sinh.

Cũng vậy, Đạm Tiên có thể là hiện thân, là biểu tượng của đời Thúy Kiều, nhưng cũng có thể đều có sự tạo nghiệp giống nhau do bởi cả hai đều là kẻ tài sắc. Và những kẻ hồng nhan có tài sắc nói chung đều thường đón nhận một quả kiếp bạc bẽo. Đó phải chăng là một thứ cộng nghiệp áp dụng chung cho những người hồng nhan này? Do đó, Thanh Tâm Tài Tử đã đặt Kiều vào những suy nghĩ: 

Kiều nói: Hôm nay chị đã có lòng chiếu cố,

đôi ta ắt có tiền duyên ...                   (Sđd. tr. 46)

Một cách tương hợp, Nguyễn Du cũng chấp nhận như thế, nhưng thay vì để Kiều phát biểu, tiên sinh lại dành cho Đạm Tiên biểu tượng cho bóng dáng của Kiều, cũng như bởi một thứ nhân duyên ngẫu nhĩ từ kiếp nào: 

Thưa rằng:“Thanh khí xưa nay,         (c. 193)

……

Âu đành quả kiếp nhân duyên,            (c. 201)

Cũng người một hội một thuyền đâu xa ...

Ngoài ra, trong cả hai cuốn truyện này đều nhấn mạnh số kiếp và định nghiệp đời Kiều. Định nghiệp có lẽ bắt nguồn từ nghiệp nhân kiếp trước nhưng bây giờ trước mắt Kiều cái định nghiệp ấy như một thứ ám ảnh đeo đuổi và không thể chối từ dù bằng cái chết của mình:

- Trong Kim Vân Kiều Truyện, Thanh Tâm Tài Tử qua lời Đạm Tiên đã nhắc nhở Thúy Kiều:

Huống chi trong lúc mình vừa chợp mắt, rõ ràng Đạm Tiên đã bảo: “Món nợ oan nghiệt chưa trang trải xong, vội thoát cõi trần sao được? Như vậy mà cứ liều chết, chẳng những nợ của kiếp trước chưa hoàn, mà nợ oan nghiệt kiếp này còn chồng chất lên nữa, thì đến kiếp nào mới trả xong?”. [2]

- Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, ông vẫn giữ nguyên ý kiến của Thanh Tâm Tài Tử về định nghiệp, nhưng lại khoác vào đó một nguyên nhân tối thượng rất gần với tâm hồn Việt Nam là ông Trời. Song ông Trời ở đây có lẽ chỉ nên hiểu như một biểu tượng của màn lưới bao trùm định nghiệp oan tiền nghiệp chướng ấy: 

Kể rằng: “Nhân quả dở dang,                   (c. 995)

Để toan trốn nợ đoạn tràng được sao!

Số còn nặng kiếp má đào,

Người dù muốn quyết trời nào đã cho!”

Hoặc:

“Vả trong thần mộng mấy lời,                    (c. l017) 

Túc nhân âu cũng có trời ở trong.

Kiếp này nợ trả chưa xong,

Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau!”

Nói khác đi, ông trời ở đây có thể tạm hiểu là một quyền năng của đấng hóa công trong quan niệm “Thiên mệnh” của Nho giáo, nhưng với Nguyễn Du, ông trời chỉ là một cách nói nôm na, bình dân của nghiệp nhân nghiệp quả mà thôi. Và đấy cũng chính là điểm khác biệt từ sự tương đồng giữa Kim Vân Kiều Truyện và Đoạn Trường Tân Thanh. Tố Như tiên sinh trong một lối nhìn chan hòa âm điệu lục bát đã tạo một sắc thái mới mẻ cho Truyện Kiều không những về mặt nghệ thuật dùng từ, đặt câu, tả tình, tả cảnh… mà cả việc đưa ra cái nhìn mới về các khái niệm căn bản của nhà Phật.

Trên đây, chúng ta vừa đề cập những điểm tương đồng về tư tưởng đạo Phật trong Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Tử và Đoạn Trường Tân Thanh của Tố Như. Nếu cả hai có những quan điểm giống nhau một cách tổng quát thì cả hai cũng sẽ có những điểm dị biệt quan trọng. Tính chất sáng tạo (création) của Nguyễn Du về phương diện tư tưởng cũng chính ở các điểm này. Thực vậy, so với toàn bộ câu chuyện của Thanh Tâm Tài Tử, Tố Như đã làm một công việc đúng như nhan đề mà tiên sinh đã đặt cho truyện: Đoạn Trường Tân Thanh (Tiếng than khóc mới về nỗi đau lòng hoặc những tiếng mới về nỗi đau lòng…). Ảnh hưởng đạo Phật trong “Kim Vân Kiều Truyện” chỉ được lồng vào để câu chuyện được thuận lý, song với Đoạn Trường Tân Thanh, tư tưởng đạo Phật cần được xem như là nền tảng căn bản cho toàn truyện.

Trước hết, sự khác biệt dễ nhận ra nhất và chính yếu nhất là phần mở đầu và kết thúc Truyện Kiều đã được Nguyễn Du đưa vào như một lý thuyết. Và tất cả những tình tiết trong truyện chng qua chỉ nhằm chứng minh, mô tả thuyết lý mà thôi. Tiếp đến, với Thanh Tâm Tài Tử nguyên lý nhân quả, luân hồi được đề cập rất sơ sài, thiếu sự rõ ràng: Kiều được tác hợp và sống hạnh phúc với Kim Trọng nhờ vào công đức do chính nàng gây tạo được ngay trong kiếp hiện tại, nhng điều trình bày ấy có vẻ để câu chuyện được hợp lý. Trái lại, trong Đoạn Trường Tân Thanh, vị trí của con người đã được thiết định như là nguồn cội của sự tác nghiệp. Đành rằng có định nghiệp khắt khe trói buộc đời Kiều, nhưng vai trò nhằm xoay đổi chuyển biến định nghiệp vẫn có thể xảy ra nếu cá nhân thụ nghiệp với lòng chân thành và thiện ý tác tạo những công đức để đền bù vào những nghiệp chướng oan khiên của mình. Khác với Thanh Tâm Tài Tử, Tố Như tiên sinh đã nhiều lần định rõ giá trị của nỗ lực con người trước định mệnh, nghiệp báo: 

Sinh rằng: “Giải cấu là duyên,                        (c. 419-422)

Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.

Ví dù giải kết đến điều,

Thì đem vàng đá mà liều với thân”.

Khi khẳng định :" Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều" , Nguyễn Du đã cho thấy con đường thay đổi số kiếp hay nói theo đạo Phật là thay đổi nghiệp chướng bằng nỗ lực tu chứng ,vượt thoát của chính mình ! Cuộc đời với bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu điều chẳng may, nhưng bằng vào tấm lòng thành thật “vàng đá”, con người bị đọa đày xa cách rồi thế nào cũng có lúc được toại ý mãn lòng. Thêm vào đó, thân phận của Kiều tuy là bèo bọt nhưng nàng đã không để nghiệp lực chi phối hoàn toàn. Đã bao lần nàng nhìn lại mình bằng một sự thức tỉnh cùng tột dù đang nổi trôi trên dòng sông định mệnh; chính sự thức tỉnh của Kiều được Nguyễn Du thêm thắt vào nhằm đánh giá con người trong cõi trầm luân. Đó chính là sự khác biệt giữa Thúy kiều của Tố Như và nàng Kiều trong Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Tử: 

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,                  (c. 1233)

Giật mình mình lại thương mình xót xa!

Những lúc tỉnh thức ,Thúy Kiều của Nguyễn Du đã bước đầu nhận ra:  "Tẻ vui cũng một kiếp người " (c.1193). Khổ đau hay hạnh phúc cũng chỉ là định nghiệp dành cho mỗi kiếp người .Và về sau ,trải qua bao khổ đau ,dần dần nàng Kiều đã thức ngộ : "Tẻ vui cũng tại lòng này mà ra" (c.3209): 

Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân.            (c. 1190)

Tiếc thay trong giá trắng ngần,

Đến phong trần cũng phong trần như ai.

Tẻ vui cũng một kiếp người.

Hng nhan phải giống ở đời mãi ru.

Kiếp xưa đã vụng đường tu,

Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi.

Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh đã dám nhìn thẳng vào số kiếp của mình, biết mình đang bị số kiếp chi phối, đang mang một thân phận muôn ngàn đắng cay: 

Hoa trôi bèo dạt đã đành                         (c. 219)

Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi.

Hoặc:

“Phận sao bạc chẳng vừa thôi,                 (c. 1763)

Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan!

Đã đành túc trái tiền oan ...

Hoặc:

Đã sinh ra số long đong,                           (c. 797)

Còn ôm lấy kiếp má hồng được sao?

Kế đến ,trong khi đó ở hồi thứ 19 của bản Kiều chữ (Kim Vân Kiều Truyện), Thanh Tâm Tài Nhân chỉ bàn đến cách thức giải trừ oan nghiệt, túc khiên tiền kiếp một cách sơ sài. Nhân vật Tam Hợp đóng vai trò phụ thuộc như một nhà tiên tri thấy rõ cuộc đời của Kiều và công đức của nàng .Xét cho kỹ ,điều này cũng chỉ nhằm cho bố cục câu truyện được suôn sẻ mạch lạc dễ dàng mà thôi. Hoặc giả, Thanh Tâm Tài Tử muốn chứng minh nguyên lý luân hồi và nhân quả thì sự chứng minh vẫn còn rời rạc, thiếu sót:

“Tam Hợp cho rằng: Tất cả người trong thế gian hễ biết tu đức thì hưởng thanh nhàn, hễ vướng tơ tình thì chịu khổ não ... chừng nào trải hết đắng cay, thì mới trả xong oan trái …” [3]

Qua đến bản Kiều nôm của Nguyễn Du, nhân vật Tam Hợp đóng một vai trò quan trọng hơn. Sư Tam Hợp là đại diện để nói lên quan niệm của nhà Phật với những lý lẽ chắc chắn nhằm xác tín về giá trị của cá nhân trước số kiếp của mình. Tương tự như khi Kim Trọng phát biểu: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, một lần nữa, Tố Như đã để nhân vật Tam Hợp trình bày: 

Sư rằng: "Phúc họa đạo trời.                (c. 2655)

Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.

Có trời mà cũng tại ta,

Tu là cội phúc, tình là dây oan” ...

Khi nhận ra:"Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra "  "Có trời mà cũng tại ta ", đó chính là sự giác ngộ về lẽ đạo ,về chữ TÂM .Và khi Tố như nhận xét: “Khi nên trời cũng chiều người”, để cho thấy Thúy Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh đã nỗ lực, đã thức tỉnh, đã gây tạo công đức để xóa nhòa số kiếp tiền oan của mình. Định mệnh, nghiệp lực rồi cũng phải buông tha cho nàng, chiều nàng để nàng được thanh thoát, được hưởng hạnh phúc do chính nghiệp nhân mà Kiều từng gieo rắc. Vai trò “con người” có khả năng tác động lên luật nhân quả là một sự xác tín của Nguyễn Du rất phù hợp với lời Đức Phật nhắc nhở: “Hãy tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, chớ y tựa một ai khác”[4]

Thêm vào đó, những bản đàn cho chiếc hồ cầm của Kiều đã thay đổi tuần tự trong cuộc đời của nàng từ khi gặp gỡ cho đến khi chia tay rồi sum họp. Nhưng với Tố Như, tất cả hành vi của Kiều dù chỉ ở trong tác động gảy đờn cũng nhằm chứng minh lần nữa vị trí của con người trong dòng định nghiệp của mình.

Với Thanh Tâm Tài Tử, tiên sinh cũng ý thức được việc mô tả tiếng đàn của Thúy Kiều nhưng hầu như tiên sinh không nhấn mạnh đến tiết điệu của thanh âm cũng như cõi lòng người gảy những thanh khúc ấy một cách rõ ràng:

“…Tùy theo tâm sự ghép nên bản đàn, ký thủy xôn xao ào ạt …” . Mỗi khi đắc ý chàng lại hết sức khen ngợi: 

“Lạ chưa phổ ấy tay nào?

Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy.

Cam lai hẳn đã đến ngày,

mà cơ khổ đau từ đây hết rồi ...” [5]

Song với Nguyễn Du, tiếng đàn đã được xác định minh bạch hơn: "Khúc Hán Sở", tiếng sắt tiếng vàng chen nhau, "Khúc Tư mã phượng cầu".Những hình ảnh liên tiếp của một khúc nhạc với nhịp điệu sống động : như oán như sầu, trong như tiếng hạc, đục như nước suối, bốn dây như khóc như than, một cung gió tủi mưa sầu, khúc đâu đầm ấm dương hòa, khúc đâu êm ấm xuân tình, Trang sinh, hồ điệp, Thục đế, đỗ quyên..v.v... Và nhất là những hình ảnh đó thay đổi tùy theo hoàn cảnh biến chuyển. Tố Như tiên sinh thấy ngay lý do thay đổi đó chẳng qua là do chính tâm trạng của người chơi .Chúng ta mới chỉ nói một cách sơ lược về diễn trình tâm lý chứ chưa đi sâu vào tâm thức người đàn: 

Rằng: "Quen mất nết đi rồi.                 (c. 493)

Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao".

Hoặc:

Chàng rằng :"Phổ ấy tay nào?           (c. 3207)

Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?

Tẻ vui bởi tại lòng này,

Hay là khổ tận đến ngày cam lai ?"

Thúy Kiều của Tố Như đã đi qua một chặng đường dài để nhìn vào số kiếp, nhìn vào định nghiệp . Đi từ bước một: " Tẻ vui cũng một kiếp người ",rồi bước thứ hai : "Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao ",để  tiến đến bước thứ ba khi nhận chân  bản chất của nghiệp: " Tẻ vui bởi tại lòng này ! " Để rồi sau cùng, trong phần kết luận, Nguyễn Du bàn bạc thêm về thuyết định nghiệp (bắt phong trần, phải phong trần) và tiên sinh lại một lần nữa xác định vai trò cốt yếu nơi người gây nghiệp: 

Ngẫm hay muôn sự tại trời.                 (c. 3241)

……

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài...

"Ngẫm hay muôn sự tại trời " là cách dân gian vẫn thường nghĩ về "số mệnh “con người nói riêng và "muôn sự" trên đời đều do ông trời định đoạt . Dân gian và  cả đạo Nho gọi đó là "thiên mệnh" nhưng đạo Phật xem "muôn sự" đều do nhân duyên và định nghiệp của mỗi chúng sinh tạo ra .Con đường thoát nghiệp phải là nỗ lực của chính mình để thấy rõ "cõi lòng" ,thấy rõ chân tâm hay cao hơn là chân như của bậc giác ngộ.

Bây giờ, chúng ta mới thấy tiên sinh cho biết rõ ràng cõi lòng ấy chính là chữ Tâm. Và đây cũng chính là điểm khác biệt quan trọng nhất giữa bản Kiều chữ và bản Kiều Nôm.

Nhìn lại những điểm cơ bản nêu trên, chúng ta nhận thấy ngoài cái hay cái đẹp trong lời thơ hay ngôn từ hoa lệ và thâm thúy như bao nhà nghiên cứu đã đào sâu gần một trăm năm qua, tư tưởng đạo Phật thực sự đã có những đóng góp quan yếu trong việc xây dựng Đoạn Trường Tân Thanh. Thành thử, dù mượn cốt truyện từ “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Tử, song công trình của Tố Như là một công trình tái tạo (reconstruction) từ chất liệu cũ. Tiên sinh đã đưa ra một lối trình bày và nhất là cách nhìn vấn đề một cách mới mẻ hơn , rõ ràng hơn về những tư tưởng đạo Phật trong Truyện Kiều.  Những tư tưởng này nên được xét đoán rộng rãi, phá bỏ các thành kiến cố hữu mới có thể xác định giá trị nghệ thuật của Đoạn Trường Tân Thanh như một công trình sáng tạo. Vả lại, thái độ khiêm nhường, ẩn giấu đằng sau ngôn từ của cổ nhân vẫn thường được các nhà nho sử dụng. Khổng Tử cũng từng tự nhận mình chỉ là kẻ: “Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ” (Thuật lại chớ không sáng tác. tin tưởng vào những điều xưa cổ - Luận ngữ - Thuật nhi VII). Quan niệm đó được Nguyễn Du tiên sinh khai thác và đằng sau những ý từ rút từ thơ Đường của Lý Thương Ẩn, Thôi Hộ v.v... đã ẩn tàng biết bao tâm sự, biết bao quan niệm chất chồng của tiên sinh. Ngay khi đặt tên cho bản Kiều Nôm “Đoạn Trường Tân Thanh” thời ý nghĩa của chữ “Tân Thanh” (tiếng mới) cũng mặc nhiên cho thấy sự khác biệt chính yếu giữa hai bản Kiều Nôm và Kiều chữ.

Cho nên, tư tưởng đạo Phật giữa hai bản Kiều chữ và Kiều Nôm có thể nói là có sự khác biệt rất nhiều. Một bên được đề cập một cách tổng quát, đơn giản và nhắm vào việc xếp đặt bố cục câu chuyện cho được hợp lý, hợp tình; một bên đề cập một cách chính xác, minh bạch và lại nhằm chứng minh cho một thuyết lý mà tác giả đã có chủ ý từ trước. Nếu phủ nhận những tư tưởng của đạo Phật hoặc coi nhẹ vai trò của nó, có lẽ Đoạn Trường Tân Thanh chỉ là một truyện thơ đạt đến trình độ điêu luyện về nghệ thuật sử dụng từ ngữ, nghệ thuật tả cảnh, tả tình, tả nhân vật v.v... như nhiều người đã tìm tòi, đã chỉ rõ. Vậy cái gì sâu lắng, cuốn hút trong Truyện Kiều đằng sau những lời thơ điêu luyện, hoa mỹ ấy? Phải chăng là trình độ nghệ thuật làm thơ của Tố Như đã đạt đến cái Hay và cái Đẹp của Nghệ Thuật sống?

***

Nhìn chung, hình ảnh một Thúy Kiều biểu lộ sự an lạc qua tiếng đàn cuối cùng để “Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa!” (c. 3124) là hình ảnh của một con người đã cất được biết bao gánh nặng của hệ lụy nhân sinh. Đó là một con người đang tiến đến sự an lạc và giải thoát. Vì thế, khi Thúy Kiều hay Nguyễn Du ở đây khẳng định: 

Chữ trinh còn một chút này.            (c.3162) 

Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!

Hai câu này lại có một ý nghĩa khác chứ không nên hiểu hạn hẹp trong việc “chăn gối”, vì: “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường” (c.3116). Trinh là sự trong trắng, trinh nguyên của một tâm hồn đã bình yên, đã an lạc và cao khiết như Kiều đã nói: 

Thân tàn gạn đục khơi trong”           (c.3181)

Khơi trong” là làm cho cuộc đời ba chìm bảy nổi trong chốn đoạn trường của mình được tốt đẹp hơn . “Khơi trong” để đạt đến sự trinh trắng của tâm hồn, của cõi lòng, của cái Tâm. Và Nguyễn Du đã “khơi trong” để cho câu chuyện về nàng Vương Thúy Kiều trong dân gian Trung Hoa và “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân có được Chất Thơ, đạt đến cái Hay, cái Đẹp và cái Mới trong Đoạn Trường Tân Thanh mà chúng ta có thể tóm tắt:

- Một là Nghệ thuật sử dụng từ ngữ dưới hình thức thơ lục bát của dân tộc rất nhẹ nhàng và điêu luyện.

-  Hai là bằng các hình thức nghệ thuật khác nhau, Nguyễn Du với Đoạn Trường Tân Thanh đã trình bày một nghệ thuật sống thông qua quá trình chứng ngộ của Thúy Kiều để chúng ta suy gẫm và học hỏi. Con đường vượt lên số phận khắt khe và đạt đến an bình của Thúy Kiều qua tư tưởng thiền được Tố Như đưa vào như thế nào ? Đó là câu hỏi sẽ được giải đáp trong những phần sau. 

Dương Anh Sơn

[1] Thanh Tâm Tài Tử, sđd, tr. 30.

[2] Thanh Tâm Tài Tử, sđd, tr. 60

[3] Thanh Tâm Tài Tử, sđd, tr. 407, 408, 435, 436. Q.2.   

[4] Thích Minh Châu, Trường Bộ Kinh, Tập III, Viện Đại học Vạn Hạnh xb, 1972, tr. V.

[5] Thanh Tâm Tài Tử, sđd, tr. 407, 408, 435, 436. Q.2. 

[Lần đến : Phần 2 : VỊ TRÍ ĐẠO PHẬT TRONG ĐTTT(Chương 1:mục 1 và 2)] 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét