ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH - NGUỒN GỐC ĐTTT
Thầy Dương Anh Sơn
"Xin gửi tiếp chương II của phần I: NGUỒN GỐC ĐOẠN
TRƯỜNG TÂN THANH. Phần này đã được sử dụng trong cuốn
"TRUYỆN KIỀU, THƠ VÀ NHẠC" (do GS Nguyễn Thanh Liêm làm Tổng
Biên Tập, XB 2011 tại USA, trang 130-135)."
PHẦN MỘT - VỀ NGUYỄN DU
CHƯƠNG II
NGUỒN GỐC ĐOẠN
TRƯỜNG TÂN THANH
Về nguồn gốc Đoạn Trường Tân Thanh (斷腸新聲), đây là đề tài đã được rất nhiều người tranh biện từ khi Phạm
Quỳnh khởi xướng phong trào đề cao Truyện Kiều. Mãi đến ngày nay, cuộc bàn cãi
có vẻ đi đến hồi chấm dứt sau nhiều bài biên khảo có giá trị của nhiều học giả
danh tiếng xác định về nguồn gốc Truyện Kiều. Trong phạm vi tiểu luận, việc đề
cập là một điều cần thiết để từ đó chúng ta dễ dàng tìm hiểu rõ thêm về Nguyễn
Du, cũng như những vấn đề mà tiểu luận hướng đến.
TIẾT 1: CÁC TÀI LIỆU KHẢO CỨU VỀ NGUỒN GỐC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Từ trước tới nay đã có rất nhiều tài liệu biên
khảo, khảo cứu về nguồn gốc Đoạn Trường Tân Thanh được xem là có giá trị mà
chúng ta có thể đề cập sau đây:
1./- Bài của Thượng Chi Phạm Quỳnh, có nhan đề “Truyện Kiều” đăng trong Nam Phong
Tạp Chí sau được in lại trong Thượng Chi Văn Tập xuất bản ở Hà Nội năm 1943 và
tái bản tại Sài Gòn vào năm 1962. Đại để trong bài này, Phạm Quỳnh đã đưa ra
giả thuyết cho rằng Truyện Kiều có lẽ mượn từ nội dung truyện Vương Thúy
Kiều (王翠翹傳) của Dư Hoài (餘懷) tự là Đạm Tân. Đây là một tập truyện ngắn
trong tuyển tập của nhiều tác giả có tên chung là “Ngu Sơ Tân Chí” (虞初新志). Trước đó, Phạm Quỳnh cũng đề cập đến một giả thuyết khác, ông
viết: “Nguyên bộ tiểu thuyết Tàu mà Cụ phỏng theo để đặt ra Truyện Kiều đề là
Thanh Tâm Tài Nhân Lục (青心才人録) không biết rõ tác giả là ai, soạn vào đời nào,
nhưng truyện và lời văn cũng tầm thường ngoài mấy bài từ điệu có vẻ thanh cao
lưu loát, không đặc sắc gì nhưng bộ tiểu thuyết ấy cũng không phải là truyện
đặt ra cả, có lẽ căn cứ ở sự thực mà cấu kết ra”. [1]
2./- Bài của ông Đào Duy Anh đăng
trong khảo luận về Kim Vân Kiều chương thứ hai (từ trang 36 - 43) cũng đã nhận
rằng nguồn gốc Đoạn Trường Tân Thanh có lẽ được dẫn ý từ cuốn “Kim Vân Kiều”
của Thanh Tâm Tài Nhân. Ông cũng đưa thêm ý kiến: “Quyển tiểu thuyết ấy không
có tên thiệt của tác giả, chỉ có biệt hiệu là Thanh Tâm Tài Nhân ở đầu mỗi hồi,
lại có thêm mấy chữ Thánh Thán Ngoại Thư, để tỏ rằng sách ấy do Thánh Thán phê
bình. Song trong Trung Quốc Văn Học Sử dẫn trên trang bìa thấy những sách Tây
Sương Ký và Thủy Hử Truyện có chép do Thánh Thán phê bình, mà sách Kim Vân Kiều
Truyện thì thấy có chép vào hạng tiểu thuyết tầm thường không có quan hệ gì tới
Thánh Thán cả. Cũng như ở sách Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, đó chỉ là ngụy thác
Thánh Thán đề tăng giá trị cho sách mà thôi” (SĐD, trang 39). Dĩ nhiên, ông
cũng đã chứng minh rõ về sự kiện vừa nêu này trong phần phụ chú của ông.
3./- Bài của ông Trần Trọng Kim
viết vào năm 1925 lại gián tiếp công nhận nguồn gốc Đoạn Trường Tân
Thanh lấy từ tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân. nghĩa là “Kim Vân Kiều
Truyện”. Ông đã đưa ra lời nhận xét trong lời tựa “Truyện Thúy Kiều không phải
là một truyện tự tiên sinh tưởng tượng mà đặt ra, tiên sinh thấy có một tiểu
thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, văn chương thật là tầm thường... Nhân
bộ tiểu thuyết tầm thường ấy mà làm một tập văn chương kiệt tác là bởi Tố Như
tiên sinh có cái cảm tình riêng, và cái thiên tài đem tiếng nước nhà mà thêu
dệt nên được những lời cẩm tú”…[2] Ngoài ra, trong phần chú thích chữ “Phong Tình Cổ Lục” của
hai ông Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ lại mở đường cho một giả thuyết cho rằng có
thể Truyện Kiều được rút ra từ bộ truyện cùng tên. Nhưng điều này không có gì
chắc chắn cả và các học giả hầu như ít chú ý tới giả thuyết này.
4./- Bài của Giáo sư Dương Quảng Hàm viết vào
khoảng năm 1941 trong tạp chí Tri Tân số 4 có nhan đề “Nguồn gốc quyển Truyện
Kiều của Cụ Nguyễn Du” và sau được in lại trong “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” của
tác giả. Dầu vậy, lập luận của Giáo sư Dương Quảng Hàm cả hai nơi đều công nhận
là nguồn gốc Truyện Kiều của Nguyễn Du là quyển tiểu thuyết Tàu nhan đề là “Kim
Vân Kiều Truyện: do một tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân soạn ra về cuối thế kỷ thứ XVI hoặc đầu thế kỷ thứ
XVII và do một nhà phê bình là Kim Thánh Thán bút nhuận”. [3]
Trên đây là bốn nguồn tài liệu tiên khởi trong việc
truy nguyên nguồn gốc Truyện Kiều có thể tin cậy được. Và hầu hết những bài
biên khảo này cho thấy đa số các tác giả đều công nhận nguồn gốc Đoạn Trường
Tân Thanh được lấy từ câu chuyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân. Về sau,
lại có một số các giáo sư và học giả danh tiếng uyên thâm Hán học đã làm công
việc tái xác định nguồn gốc Truyện Kiều lần nữa. Một cách tổng lược, chúng ta
có thể kể đến các bài biên khảo sau đây:
A.- Bài của hai ông Lý Văn Hùng và Bùi Hữu Sủng có nhan đề là “Thanh
Tâm Tài Nhân là ai?” đăng trong Bách Khoa số 209 (15/9/1965, trang 47 đến 55).
Trong loạt bài này, hai vị này đều đưa ra những dữ kiện về Kim Vân Kiều truyện
của Thanh Tâm Tài Nhân và cuốn truyện này xem như là căn bản Đoạn Trường Tân
Thanh của Nguyễn Du.
B.- Bài của Giáo sư Giản Chi Nguyễn Hữu Văn với nhan đề là “Nguồn
gốc Truyện Kiều đăng trong tạp chí Văn số 43 (l/l0/1965. trang 9 - 27). Ông
Giản Chi đã làm công việc tìm hiểu và xác định danh tính của Thanh Tâm Tài
Nhân. Theo đó, Thanh Tâm Tài Nhân chính là Từ Vị, khách của Hồ Tôn Hiến đã căn
cứ vào sự thực mà viết ra truyện Kim Vân Kiều với dụng ý là để ca tụng tài năng
của Hồ Tôn Hiến mà thôi. Về sau, nhân cảm thân thế nàng Kiều, Từ Vị mới nối
thêm đoạn tái hợp với Kim Trọng mà trước đó Từ chỉ viết đến hồi Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường là hết. Trong phần kết
luận, G.S Giản Chi đã viết như sau: “Vậy Kim Vân Kiều Truyện của họ Từ hiển
nhiên là viết vào đời Gia Tĩnh Triều Minh. Còn Kim Vân Kiều Truyện của Thanh
Tâm Tài Tử thì có lẽ viết sau và viết lại (thành hồi) theo “Kim Vân Kiều
Truyện” của Từ Vị. Vậy thì dữ kỳ nói như giáo sư Dương Quảng Hàm rằng nguồn gốc
Truyện Kiều ... là một quyển tiểu thuyết Tàu tên là Kim Vân Kiều Truyện do một tác giả là Thanh Tâm
Tài Nhân soạn ra về cuối thế kỷ thứ 16 hoặc đầu thế kỷ thứ 17 và do Kim Thánh
Thán (1627-1662) bình luận. Sao rằng nói “Lam bản” Truyện Kiều là quyển 'Kim
Vân Kiều Truyện” của Từ Vị, viết vào thời Gia Tĩnh Triều Minh đầu thến kỷ thứ
XVI” ... Nói khác ơn, G.S Giản Chi đã làm công việc tái xác
nhận nguồn gốc của Đoạn Trường Tân Thanh chính là “Kim Vân Kiều Truyện” của
Thanh Tâm Tài Tử hay Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng “Lam bản” của cuốn này do tác
giả là Từ Vị mới đúng.
C.- Trong một loạt bài có giá trị đăng liên tiếp trên tạp chí Vạn
Hạnh số 15, 16 và 17 (8, 9, 10/1966, trang 132-140), Giáo sư Bửu Cầm lại một
lần nữa, cũng như ông Lý Văn Hùng, Bùi Hữu Sủng và Giản Chi đã công nhận thuyết
của Giáo sư Dương Quảng Hàm như đã trình bày ở trên. Giáo sư Bửu Cầm viết:
“Tôi đồng ý với nhà học giả họ Dương về điểm
này. Tôi đã được xem bản Truyện Kiều chữ Hán của Thanh Tâm Tài Nhân nên nhận
thấy lời của ông Dương Quảng Hàm “quả không ngoa” (số 15, trang 136).
Và giáo sư cũng đã làm công việc xác định tác
giả là Thanh Tâm Tài Nhân như ông Giản Chi.
D.- Ngoài ra. trong việc phiên dịch cuốn “Kim Vân Kiều” của Thanh
Tâm Tài Tử [4] cụ Tô Nam Nguyễn Đình Diệm đã gián tiếp công nhận cuốn
truyện này là lam bản của Đoạn Trường Tân Thanh. Cụ đã viết:
“Sau khi đọc cuốn Đoạn Trường Tân Thanh của Cụ
Nguyễn Du, ai mà chẳng thấy ước ao được thấy cuốn Thanh Tâm Tài Tử bằng chữ Hán
để xem trong truyện ghi chép thế nào, mà cụ diễn ra lối thơ lục bát bằng quốc
âm, lại có sức hấp dẫn độc giả như vậy”. [5]
Bài tựa của cụ Tô Nam nhấn mạnh: “mà cụ (Nguyễn
Du) diễn ra lối thơ lục bát” cũng như việc cho phổ biến bản Kiều chữ này của ủy
ban dịch thuật Nha Văn Hóa (Sài Gòn) hàm ý xác định lam bản
của Đoạn Trường Tân Thanh chính là “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Tử.
Qua những luận cứ trên, đa số các nhà biên khảo
có uy tín về nguồn gốc Truyện Kiều đều công nhận giả thuyết bản gốc của
Đoạn Trường Tân Thanh chính là Kim Vân Kiều Truyện. Điều đó chắc chắn
hay không, có đúng sự thực không là câu hỏi không thể giải đáp một cách khẳng
định ngoài việc đưa ra các chứng cớ hợp lý mà thôi.
Dầu vậy, khi đọc Kim Vân Kiều Truyện (bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình
Diệm/PQVKĐTVH Saigon ấn hành,1969) chúng ta nhận thấy hầu như tất cả cốt
truyện, ý tưởng chính yếu nơi Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du đều tương tự
bản Kiều chữ nay. Sự khác biệt quan trọng cần phải được lưu ý chính là những tư
tưởng đạo Phật mà Nguyễn Du tiên sinh đã đem lồng vào để tạo nên một sắc thái
mới cho Đoạn Trường Tân Thanh. Bên cạnh đó, với ngòi bút điêu luyện tài tình,
tiên sinh đã biến câu chuyện với nhiều tình tiết rườm rà thành những câu thơ
vừa gọn gàng, vừa thanh nhã, vừa thâm thúy.Mặt khác, không phải tự nhiên mà
Nguyễn Du đặt tên cho tác phẩm của mình với chữ Đoạn Trường đi với chữ TÂN
THANH. Những âm thanh mới mẻ Tố Như đã đưa vào tác phẩm của mình bao gồm nhiều
nghệ thuật sáng tác. Từ nghệ thuật dùng chữ ,đặt câu cho đến nghệ thuật tả
cảnh ,tả tình ,hoặc diễn đạt về nội tâm... v.v... đều đạt đến sự tài tình khác xa
cách mô tả hay câu chữ trong Kim Vân Kiều Truyện của Từ Vị tức Thanh Tâm Tài
Nhân. Vấn đề nghệ thuật trác việt của Tố Như đã được khá nhiều nhà phê bình
tìm hiểu dưới nhiều khía cạnh từ những năm 1930 đến nay. Kế đến tư tưởng đạo
Phật được Nguyễn Du đưa vào ĐTTT cũng đã được nhiều nhà phê bình và phân tích
văn học chú ý và đưa ra nhiều cái nhìn khác nhau. Nhưng tư tưởng Thiền học, tinh hoa của đạo Phật, đã được Nguyễn Du khéo léo đưa vào từ sự am hiểu và
thực chứng về lẽ Thiền ít được chú ý. Hình ảnh của một Thúy Kiều sau mười lăm
năm trôi dạt lầu xanh của con đường đoạn trường đã trở thành một Thúy Kiều thức
ngộ:
"Hoa tàn mà lại thêm
tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
" (c.3123-3124)
hoặc:
"Gương trong
chẳng chút bụi trần .." (c.3172)..v..v...
Những câu thơ của giai đoạn:
"Hay là khổ tận đến ngày cam lai" (c.3210) như thế đã
hàm chứa tư tưởng an lạc trong đạo Phật nói chung và của tư tưởng Thiền
tông nói riêng sẽ được làm rõ hơn ở các phần về sau. Nếu không có những tư
tưởng Thiền sâu lắng như thế, Truyện Kiều chỉ đạt đến trình độ nghệ thuật miêu
tả tài tình mà thôi. Phải có sự thay đổi trong diễn biến tâm thức của Thúy Kiều, ĐTTT mới đạt đến sự mới mẻ của âm thanh mới: đó là nghệ thuật sống
mà Kiều đã thức ngộ sau bao nhiêu năm tháng đoạn trường mà Nguyễn Du mang vào
tác phẩm. Khi Tố Như giác ngộ về lẽ Thiền lúc đến viếng Phân
Kinh Thạch Đài trên đường đi sứ Trung Hoa: "Kinh không chữ
mới là chân kinh" và suy nghĩ: sao lại phải "Phân
Kinh" (phân chia Kinh ra), cũng là khi Thúy Kiều ngộ ra lẽ Thiền: "Tẻ vui bởi tại lòng này" (c.3209)... v.v... Đó là những vấn
đề chúng ta sẽ bàn luận thêm ở các phần sau.
Thành thử không thể xem Đoạn
Trường Tân Thanh là một bản dịch Kim Vân Kiều Truyện được, nhưng là một
công trình sáng tạo từ những chất liệu cũ càng. Vả lại, có lẽ Tố Như tiên sinh
đã ít nhiều bắt gặp sự tương đồng nào đó giữa cõi lòng của mình và cảnh ngộ
nàng Kiều nên mới chọn “Kim Vân Kiều Truyện” để viết thành thơ. Nói khác hơn,
tiên sinh đã có lòng yêu nhân vật Kiều và cuộc đời ba chìm bảy nổi của nàng;
yêu nhân vật mang tên Kiều, tức là yêu tác phẩm đã hình thành cuộc đời nàng của
Thanh Tâm Tài Nhân! Nói như Đặng Tiến: “Yêu một tác phẩm nghệ
thuật giống như yêu một người đàn bà ở điểm là mỗi lần yêu chúng ta khám phá ở
người tình một trinh tiết mới. Yêu một tác phẩm là sáng tạo một trinh tiết mới
cho tác phẩm”.[6]
Mặc dầu “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài
Tử không phải là một tác phẩm có giá trị cao như Kim Bình Mai, Tây Sương Ký,
Thủy Hử, Tam Quốc Chí... v.v... nhưng cốt truyện và đặc
biệt nhân vật Thúy Kiều đã có một cái gì thật gần gũi với Tố Như. Và
dưới thiên tài của tiên sinh, cuộc đời của nàng Kiều đã được khơi dậy trong một
ý nghĩa mới. Phải chăng nghệ thuật chính là sự hòa hợp của lòng mình bên
cạnh khả năng sáng tạo? Nếu chấp nhận như thế, Đoạn Trường Tân Thanh với một ý
nghĩa nó đang mang: “Những âm thanh mới về nỗi đau lòng” (tạm
dịch). Cái mới mà Nguyễn Du đem vào đã có một vị trí nghệ
thuật và tư tưởng thật đặc biệt, không thể xem là một bản chuyển thể
bình thường được. Với Đoạn Trường Tân Thanh, thi tài của Tố Như đã đạt
đến trình độ hoàn mỹ và giàu chất sáng tạo của nghệ thuật.*
[1] Phạm Quỳnh, Thượng Chi Văn tập, Tập III, Sài Gòn, BQGGD,
TB1, 1962, tr. 99 (305tr).
[2] Nguyễn Du, Truyện Thúy Kiều, Trần Trọng Kim & Bùi Kỷ
Hiệu Khảo, Sài Gòn, Tân Việt TB lẩn 8, tr. XII & XIII và tr. 53.
[3] Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Sài Gòn: BGD: TB,
1968, tr. 379.
[4] Thanh Tâm Tài Tử, Kim Vân Kiều Truyện, bản dịch Tô Nam
Nguyễn Đình Diệm (Q1 & Q2), Nhà Văn Hóa PQVKĐTVH, xb, 1971 (443 tr &
203 tr).
[5] Thanh Tâm Tài tử, sđd.
[6] Đặng Tiến, sđd, tr.
* Chương II,TIẾT I Về NGUỒN GỐC ĐTTT
này đã được Hội Văn Hóa Cổ Truyền Paris (FRANCE) phối hợp với LÊ VĂN DUYỆT
Foundation (USA) và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ (USA) đăng trong cuốn "TRUYỆN
KIỀU, THƠ VÀ NHẠC" (do GS Nguyễn Thanh Liêm làm Tổng Biên Tập, XB
2011, USA , trang 130-135).
TIẾT 2: VỀ KIM VÂN KIỀU
TRUYỆN CỦA THANH TÂM TÀI NHÂN
Công việc tìm hiểu về tác giả Thanh Tâm Tài Nhân
được nhiều nhà biên khảo nghiên cứu và đã được đề cập sơ lược bên trên. Song
qua những bài của các giáo sư Bửu Cầm, Bùi Hữu Sủng, Giản Chi và của Lý Văn
Hùng, ít nhiều thân thế của Thanh Tâm Tài Nhân đã được soi sáng và có thể xác
định một phần nào. Theo đó, tác giả “Kim Vân Kiều Truyện“ được khảo chứng
chính là Từ Vị (徐渭), tự là Văn Tường, người nhà Minh, huyện Sơn
Âm, tỉnh Triết Giang. Thanh Tâm Tài Nhân hoặc “Thanh Tâm Tài Tử” chỉ là một
biệt danh mà thôi. Từ Vị còn có biệt hiệu nữa lúc về già là Thanh Đằng và ông đã soạn những tập sách: “Lộ Sử
Phân Tích”, “Bút Nguyên Yếu Chỉ” và “Từ Văn Trường Tập”, ngoài cuốn “Kim Vân
Kiều Truyện”. [1]
Riêng về lời bình luận của Quán Hoa Đường Kim
Thánh Thán trong “Kim Vân Kiều Truyện” của Từ Vị, chúng ta có thể đồng ý với
quan điểm của ông Đào Duy Anh khi cho rằng đây chỉ là những lời “Ngụy thác
Thánh Thán để tăng giá trị cho sách” mà thôi. Thực vậy, Quán Hoa Đường Kim
Thánh Thán được xem là một nhà bình luận tiểu thuyết cổ của Trung Hoa rất nổi
tiếng về sự nhận xét cũng như lời nghị luận chính xác và thâm thúy. Theo nhiều
sử liệu ghi chép Kim Thánh Thán sinh vào khoảng năm 1596 và mất năm 1648, cuối
đời nhà Minh. Ông họ Trương, tên Thái, sau đổi họ Kim, tên Vị, và còn có tên là
Nhân Thụy, tự hiệu là Thánh Thán và biệt danh là Quán Hoa Đường, lấy tên phòng
sách của ông. Ông cho rằng trong thiên hạ (nước Trung Hoa) có 6 tác phẩm có giá
trị thật sự gọi là “Lục tài tử” gồm: Nam Hoa Kinh của Trang Tử, Ly Tao của
Khuất Nguyên, Sử Ký của Tư Mã Thiên, Luật Thi của Đỗ Phủ, Thủy Hử Truyện của
Thi Nại Am và Tây Sương Ký của Vương Thực Phủ. Suốt đời ông nguyện sẽ phê bình
hết 6 bộ truyện này nhưng mới được hai bộ Thủy Hử và Tây Sương Ký. Những lời
bình luận trong Thủy Hử truyện, Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, Kim Bình Mai và ngay
cả Kim Vân Kiều Truyện chỉ nên xem là một giả thuyết. Tình trạng ngụy tạo lời
bình chú, luận bàn của Kim Thánh Thán để tăng giá trị cho cuốn truyện là điều
thường xảy ra nơi một số tác phẩm quan trọng của nền văn học thuở trước của
Trung Hoa. Hơn thế nữa, tác phẩm Kim Vân Kiều Truyện lại càng không thể nào
được sự lưu ý phê bình của một người danh tiếng như Thánh Thán. Điều này đã
được giả thuyết của ông Đào Duy Anh xét đến và ở đây chúng ta chi làm công việc
nghiệm duyệt mà thôi.
Điểm qua “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài
Tử, ta thấy truyện được chia làm 20 hồi và được mở đầu bằng những lời bình luận
của “Thánh Thán” nơi mỗi hồi. Thêm vào đó, trên đầu hoặc chen lẫn vào mỗi hồi
đều có những “từ khúc” là những bài thơ tứ tuyệt theo lối Đường luật cùng những
bài thơ làm theo thể cổ văn, hoặc theo lối cổ phong.
Nếu chúng ta biết rõ cốt truyện trong Đoạn
Trường Tân Thanh của Nguyễn Du thì đối với “Kim Vân Kiều Truyện” hầu như những
chi tiết chính yếu cả hai cuốn đều tương tự như nhau. Tuy nhiên, vì là một bản
Kiều chữ (viết theo thể văn xuôi) nên những chi tiết dù nhỏ nhặt cũng đã được
đề cập. Với Nguyễn Du chỉ cần vài câu thơ là đã tóm gọn tất cả những tình tiết
sự việc mà bản Kiều chữ phải mất nhiều trang kể lể rườm rà. Chẳng
hạn như đoạn tả Thúc Sinh đem Thúy Kiều đi giấu mụ Tú Bà, bản Kiều
chữ phải mất 5 trang để trình bày cớ sự
thì Nguyễn Du chỉ cần 8 câu thơ (từ câu 1371 đến 1378)
trong ĐTTT đã thu gọn đầy đủ các chi tiết rườm rà phức tạp. Mặt khác, sự khác
biệt giữa bản Kiều Nôm và Kiều chữ còn ở chỗ
Nguyễn Du tiên sinh tuy vẫn thuận theo chiều diễn tiến của tình tiết, nhưng có
đoạn lại tùy nghi thêm thắt vào sao cho phù hợp với tâm ý của tiên sinh. Đoạn
tả lúc Kiều gẫy đàn cho Kim Trọng nghe lần đầu và lần tái hợp là một điển hình:
Khúc Hán Sở, Khúc Tư Mã Phượng Cầu, Khúc Quảng Lăng, Lưu Thủy, Hành Vân; trong
như tiếng hạc, đục như nước suối, như trời đổ mưa... đều dẫn ý từ các điển cổ
hoặc từ Đường thi. Chỉ với bốn câu “Tam tứ ngũ lục” trong bài “Cẩm sắt” của Lý
Thương Ẩn đời Đường, Tố Như tiên sinh đã khoác cho giai đoạn tái hợp giữa Kim
và Kiều một ý nghĩa, một sắc thái, một tâm trạng mới mẻ, biểu tượng trung thực
và thích ứng hoàn toàn. Trong các phần sau, chúng ta sẽ cố gắng phân tích ý
nghĩa của những tiếng đàn này một cách đầy đủ hơn.
Xét một cách
tổng quát, sự kiện Nguyễn Du tiên sinh viết Đoạn Trường Tân Thanh từ
truyện “Kim Vân Kiều” của Thanh Tâm Tài Tử là một điều
hầu như chắc chắn. Trong khuôn khổ hạn hẹp của tiểu luận
không cho phép ta bàn luận dài dòng về cuốn truyện này, nhưng dù
muốn dù không, bất cứ ai đọc cuốn Kiều ít nhiều đều phải công nhận nó vẫn có
giá trị về phương diện văn chương. Xây dựng một tác phẩm với nhiều tình tiết,
nhiều sự việc như Kim Vân Kiều Truyện của TTTN, không phải bất cứ ai đều làm
được. Phê bình điều hay điều dở của một tác phẩm là điều cần thiết. Nhưng nhờ
có cái hay cái đẹp của Truyện Kiều viết về sau và được gợi ý từ tác
phẩm này để so sánh bình phẩm về giá trị của “Kim Vân Kiều Truyện” sẽ không
tránh khỏi những thành kiến sẵn có thường xảy ra nơi những ai đang cố gắng biện minh
và đề cao Kiều như một hình thức mặc cảm tự ti về nền văn hóa dân
tộc. Mỗi tác phẩm đều có một nét vẻ riêng biệt, tác phẩm tồn tại
được với thời gian tùy thuộc vào giá trị nghệ thuật thật sự của nó. Và một công
trình được coi là sáng tạo cũng chính ở giá trị nghệ thuật này.
[1] Xem Bửu Cầm, Lam bản cuốn Đoạn Trường Tân Thanh của
Nguyễn Du, tạp chí Vạn Hạnh số 15 & 16, 8 & 9/1966. Xem Giản
Chi, Nguồn gốc của Truyện Kiều, Văn số 43, 1/10/1965, tr. 9 – 27.
(Lần đến: TIẾT 3: So sánh tư tưởng đạo Phật
trong KIM VÂN KIỀU TRUYỆN của Thanh Tâm Tài Nhân và
trong ĐTTT của Nguyễn Du)
Dương Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét