Tác giả Lê Mỹ Hoa
NGÀY BUỒN ĐÃ QUA Lê Mỹ Hoa Sau ba tháng mệt nhoài, tù túng, buồn bã đi
qua. Một thông tin 0h ngày 5/10 sẽ được trở lại bình thường mới. Một
luồng cảm xúc như người đau nặng được hồi sinh, tự nhiên ngủ dậy bắt đầu biết
nỡ nụ cười trên môi. Ly cà phê đắng mà vui. Vẫn biết nỗi đau còn đó, bạn bè người thân đã
nằm xuống trong lạnh lẽo trong cô đơn. Một đại dịch khủng khiếp và kinh hoàng, lấy
đi biết bao sinh mạng, người chết hàng loạt, không được chôn cất, đốt
không kịp, chỉ thấy tang thương và tang thương. Quan tài bằng gỗ nghe
quá xa hoa trong một ngày vài ba trăm ca tử vong, thay vào đó hòm giấy
(carton) - một thủ tục chỉ có trong mùa đại dịch. Rồi cũng xong một kiếp
người oai phong. Ai được sống đến hôm nay mạnh khỏe để cười nói
là may mắn. Nhìn những bệnh viện dã chiến hàng ngàn người ngổn ngang,
trong đó lắm nỗi bi ai, chỉ ai từng trãi nghiệm ở đó mới hiểu được nỗi
thống khổ cuộc chạy đua bên lề cái chết. Tôi ví dịch bệnh, như một chất màu thả vào
trong một ly nước trong veo, sự lan tỏa rất nhanh, để ly nước thành một màu
tím buồn. Đất nước vốn khó khăn đủ mọi bề, nhưng rất nỗ lực giữa
người dân và nhà nước để khống chế dịch bệnh trong một thời gian ngắn nhất,
không dễ gì lấy lại được màu trắng trong của ly nước đã nhuốm màu. So tỷ lệ dân số chết khá nhiều trong Châu Á,
nhưng cuộc chiến nào không tổn thất thì không gọi là chiến trường đại họa. Trong dịch mất mát nhiều và cái được an ủi có
nhiều, người dân sống khiêm tốn, sống chậm, sống lui. Mọi hào nhoáng bên
ngoài vắng bóng, đi đến đâu sắp hàng một đợi chờ, mong thói quen này
được giữ mãi, không bon ben, giữ gìn sức khỏe hàng đầu. Chỉ mỗi việc nhỏ trong gia đình chưa hề
có, ai cũng có thể là thợ hớt tóc, hớt cho nhau, nấu ăn đủ món ngon,
quây quần bên nhau, một văn hoá mà người Việt rất sung sướng, giàu nghèo gì
bên ngoài đã có sẵn đủ món ăn đường phố để tận hưởng theo mọi tầng lớp. Một điều tưởng như không dễ, la cà quán
phố rượu bia sau mỗi buổi chiều, cũng không còn bóng dáng trên các vỉa hè, những bữa cơm gia đình đông đủ. Nhưng nỗi đau quá lớn để có được niềm vui
nhỏ, nhiều gia đình chết cả nhà, bố mẹ ra đi để lại con cái còn nhỏ dại, tận
cùng xót xa mới sanh ra vài giờ tuổi đã mất mẹ, chồng chết bỏ vợ, vợ
chết bỏ chồng đủ mọi hoàn cảnh thương đau. Sau ba tháng sống trong lo sợ, rủi may ai cũng có thể dính con virus quái ác trong khoảnh khắc nào đó và ai cũng có
thể là nguồn lây lan cho người khác, thật là một nỗi kinh hoàng. Ngày hôm nay sinh hoạt yên ấm trong gia đình,
ngày mai không biết chừng khăn gói ra đi, cách ly và có thể mãi mãi không
bao giờ trở về hoặc thấy ai lần cuối. Một người bạn đến nhà chơi, rồi chỉ thị 16 ai
ở đâu ở yên đó, anh không còn đến nhà như mọi lần, sau mười tám ngày vắng
bóng anh đã ra đi lặng lẽ, không bao giờ trở về, sau một lần đến bệnh viện
để nhận thuốc hàng tháng anh đã dính Covid 19, vợ con không thể tiễn đưa,
chỉ một mình anh đi thẳng và đi xa. Triệu người thân, không một người đưa
tiển cuối đời. Ai già rồi cũng ra đi, nhưng cái chết đến quá
dễ dàng, buồn bã, thân phận một kiếp người trong đại dịch, quá cô đơn. Đã năm ngày trở lại bình thường mới, nhưng
hình như mọi người vẫn còn sống trong dè dặt, lo lắng, không phải ai cũng
túa ra đường như ký ức ba tháng bị gò bó, con virus đã làm mọi người thu
mình lại trong vỏ ốc bình yên. Cách đây mấy hôm nhà có giỗ, tôi đi tìm mua
miến dong để xào nấu, được hàng xóm chỉ, cách nhà hai con đường khoảng ba
trăm mét trong hẻm nhỏ, có người bán. Tôi đi tìm không khó và hỏi cô bán hàng, “sao quán nhỏ mà hỏi gì cũng có, cô trả lời từ chợ dọn về nhà ba
tháng rồi“.
Tôi hỏi tiếp vậy đã sẳn sàng để ngày mai
ra chợ bán chứ. Cô nói không phải ra chợ nữa đâu, ở nhà cứ bán vậy cho
an toàn, không ai còn muốn hội tụ chỗ đông người, xem ra “Nhà Chợ“ vẫn
mua bán thuận lợi trong mùa đại dịch. Chợ đã mở cửa nhưng người mua và bán vẫn lưa
thưa, mong mỏi, thiết tha đã không còn nồng nhiệt, gần như nguội lạnh vì
virus vẫn còn là mối đe dọa hàng đầu. Ở thành phố nhỏ văn hoá truyền miệng nhau, những
Nhà Chợ mọc lên như mấm, mua gì cũng có chỉ cách nhà vài trăm mét khu nào
bán cho người ở gần khu đó, không phải khó khăn và khổ sở như thành phố lớn, biết bao sự trợ giúp của cả nước nhưng thiếu thốn vẫn là chưa đủ. Cuộc chạy đua khỏi thành phố để no đủ ngày hai
buổi vẫn còn tiếp diễn, con người gần như tuyệt vọng với chốn phồn
hoa. Dòng người muốn trở về quê cũ khá đông sau ba tháng ẩn mình trong cõi tạm. Mưa mặc mưa gió mặc gió dòng người cứ thế thử
thách với gian lao, đường xa vạn dặm, chẳng ngại ngùng tìm về chốn chôn
nhau, cắt rốn. Cuộc sống bình thường như cũ không thể trở về trong một sớm một chiều, nên gọi là bình thường mới, chấp nhận với tất
cả sự mới mẻ chưa hoàn chỉnh, trong đó dịch vẫn còn ngấp nghé quanh đây,
hãy sống chung và cẩn thận. Những nhà máy, công trình đã trãi qua một thời
gian tê liệt, người lao động tản mác khắp nơi, một số tổn thất ra đi vì dịch, kinh tế suy giảm rỏ ràng, chấp nhận sống chung để còn sống mãi và đi từ những
bước chầm chậm phục hồi những gì đã và đang đi xuống. Được trở về với bình thường mới muôn vàn khó
khăn, bình thường cũ còn gian nan hơn và ngày ấy vẫn còn xa xôi. Nhưng dù sao đi nữa phố xá đã lên đèn,
chúng ta được đi lại dưới bầu trời đầy sao. Ánh nắng mặt trời vẫn chan hoà mỗi
sớm mai. Hình như sự sống đang bắt đầu, đã lâu lắm rồi ngủ quên..... Mùa đông đang đến những cơn mưa đầu mùa
như quét sạch bụi bặm mà cơn bão Virus Sars Covi 2 đem đến nhiều bất hạnh
sẽ được cuốn trôi đi, chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ thế giới có
cùng chung một điều ước duy nhất. Được yên ả và đại dịch
Covid sẽ không còn tồn tại chốn bình yên của nhân loại.
Lê Mỹ Hoa |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét