Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

Thơ Lý Bạch - Bài 29, 30, 31

 


THƠ LÝ BẠCH - BÀI 29, 30, 31
Thầy Dương Anh Sơn

Bài 29

PHÙ PHONG HÀO SĨ CA                                  扶風豪士歌


Lạc Dương tam nguyệt phi Hồ sa,                        
洛陽三月飛胡沙,

Lạc Dương thành trung nhân oán ta.                      洛陽城中人怨嗟。

Thiên Tân lưu thủy ba xích huyết,                         天津流水波赤血,

Bạch cốt tương sanh như loạn ma.                        白骨相撐如亂麻。

Ngã diệc đông bôn hướng Ngô quốc,                    我亦東奔向吳國

Phù vân tứ tắc đạo lộ xa.                                        浮雲四塞道路

Đông phương nhật xuất đề tảo nha,                       東方日出啼早鴉,

Thành môn nhân khai tảo lạc hoa.                         城門人開掃落花。

Ngô đồng dương liễu phất kim tỉnh,                      梧桐楊柳拂金井,

Lai túy Phù Phong hào sĩ gia.                                來醉扶風豪士家。

Phù Phong hào sĩ thiên hạ kỳ,                                扶風豪士天下奇,

Ý khí tương khuynh sơn khả di.                            意氣相傾山可移。

Tác nhân bất ỷ tướng quân thế,                              作人不倚將軍勢,

Ẩm tửu khởi cổ thượng thư kỳ.                              飲酒豈顧尚書期。

Điêu bàn ỷ thực hội chúng khách,                          雕盤綺食會眾客,

Ngô ca, Triệu vũ hương phong xuy.                       吳歌趙舞香風吹

Nguyên, Thường, Xuân, Lăng lục quốc thì,           原嘗春陵六國時,

Khai tâm tả ý quân sở tri.                                       開心寫意君所知。

Đường trung các hữu tam thiên sĩ,                         堂中各有三千士,

Minh nhật báo ân tri thị thùy?                                明日報恩知是誰。

Phủ trường kiếm ,nhất dương mi,                          撫長劍,一揚眉。

Thanh thủy ,bạch thạch hà ly ly.                           清水白石何 離離,

Thoát ngô mạo hướng quân tiếu,                           脫吾帽,向君笑

Ẩm quân tửu vị quân ngâm.                                   飲君酒,為君吟。

Trương Lương vị tùy Xích Tùng khứ,                   張良未隨赤松去,

Kiều biên Hoàng Thạch tri ngã tâm.                      橋邊黃石知我心。

Lý Bạch                                                                 李白

Dịch nghĩa:
Bài ca các hào sĩ đất Phù Phong

Tháng ba ở thành Hàm Dương cát (do vó ngựa) quân Hồ bay khắp thành. Lạc Dương vang tiếng rên la ai oán của người trong thành. Cơn sóng nhẹ của dòng nước Thiên Tân làm trôi chảy máu đỏ rực. Xương trắng chồng đỡ lên nhau khắp nơi tựa như gai góc! Ta cũng vội vàng đi về hướng đông phía nước Ngô. Bốn bề mây trôi nổi che kín, con đường đi còn xa lắc (C.1-6). Phương đông mặt trời đã mọc với tiếng chim quạ kêu lúc trời hửng sáng. Cửa thành có người mở ra quét hoa rơi. Cây ngô đồng và dương liễu phủi trên giếng vàng. Ta đến uống rượu ở nhà của những người hào kiệt đất Phù Phong. Những kẻ hào kiệt đất Phù Phong là những người khác thường giữa người đời. Ý chí và khí phách hợp lại làm nghiêng núi, dời non. Làm người không được dựa dẫm vào thế lực của các vị tướng quân. Sao có thể quay lại nhìn kỳ họp của các vị thượng thư, ta bắt đầu uống rượu thôi! (C.7-14).

Với mâm bàn chạm khắc, có trải khăn lụa nhiều hoa văn màu sắc với thức ăn ngon họp cùng khách khứa. Bài ca của đất Ngô, điệu múa đất Triệu (hòa cùng) mùi hương thơm ngát gió thổi mang đi. Bình Nguyên quân, Mạnh Thường quân, Xuân Thân quân, Tín Lăng quân... của thời sáu nước. Họ mở rộng tấm lòng, sắp xếp sự suy nghĩ là điều mà bạn đã được biết rồi! Trong gian nhà chính cao lớn của họ luôn có ba ngàn kẻ sĩ. Ngày sau ,biết ai là người sẽ báo đáp ơn nghĩa này?! (C.15-20). Một lần vỗ thanh kiếm dài, nhướng lông mày lên. Dòng nước xanh, đá trắng phau sao dáng vẻ lại tươi thắm thế này! Ta bỏ mũ ra hướng về phía bạn mà cười vui. Ta uống rượu của bạn, rồi vì bạn mà ca ngâm! Ta như Trương Lương khi chưa đi theo thầy Xích Tùng nhưng ông Hoàng Thạch ở bên cầu đã biết lòng ta rồi! (C. 21-26).

Tạm chuyển lục bát:


BÀI CA CÁC HÀO SĨ ĐẤT PHÙ PHONG.

Cát Hồ thành Lạc tháng ba,
Lạc Dương dân oán rên la khắp thành.
Máu trôi đỏ nước Thiên Tân,

Xương như gai rối lan tràn trắng phô!
Về đông, ta vội đến Ngô,
Bốn bề mây nổi khuất mờ đường xa.
Vầng đông ló dạng, quạ lạ,
Cổng thành người mở quét hoa rơi đầy.
Giếng vàng: ngô ,liễu phủi lay,
Phù Phong đến uống cho say rượu mời.
Phù phong hào sĩ khác ngườ!
Núi non ý khí chuyển dời với nhau.
Làm người oai tướng dựa sao!
Quay nhìn quan thượng: rượu ào uống thôi!
Thức ngon ,mâm chạm khách mời,
Ca Ngô ,múa Triệu gió vời ngát hương.
Thời nào: Xuân, Tín, Nguyên, Thường,
Mở lòng đặt ý bạn từng biết kia!
Ba ngàn kẻ sĩ trong nhà,
Ngày sau báo đáp sẽ là ai đây?!
Vỗ thanh kiếm, nhướng lông mày,
Nước trong, đá trắng dáng bày đẹp tươi!
Hướng về bạn, cất mũ cười!
Uống say rượu bạn, vì người thơ ngâm!
Trương Lương chưa gặp Xích Tùng,
Bên cầu Hoàng Thạch hiểu lòng ta thôi!

Chú thích:

- Phù Phong 扶 風: vùng đất ở Thiểm Tây, nay thuộc huyện Phụng Tường, Thiểm Tây, T.H.
- hào sĩ 豪 士: những người có tài sức hơn người lại phóng khoáng, hào hiệp, thích kết giao bạn bè, trọng nghĩa khí...
- Hồ 胡: xem C.T. bài 25 "Tái hạ khúc" (bài năm) ở trên.
- Lạc Dương 洛 陽: nằm bên bờ Lạc Hà phía tây Hà Nam, T.H. Đây là kinh đô của nhiều triều đại cổ của Trung Hoa. Nhà Đông Hán của Hán Quang Vũ đế đã chọn nơi đây làm kinh đô. Trước đó, nhà Tần cũng đóng đô ở đây và gọi là Lạc Ấp 洛邑. Thời Lý Bạch, nhà Đường của Lý Long Cơ tức Đường Huyền Tông (còn gọi là Đường Minh Hoàng) lấy Tràng An làm kinh đô; Lạc Dương chỉ là một thủ phủ lớn mà thôi.
- Thiên Tân 天 津: không rõ địa danh này vào thời của Lý Bạch ở gần Lạc Dương hay không. Còn Thiên Tân, thành phố lớn của Trung Hoa hiện nay lại nằm về phía đông sát biển Bột Hải (Hoa đông).
- ba 波: sóng nhỏ vỗ nhẹ.
- sanh 撐: chống đỡ, chồng chất, no nê đầy đủ...
- Ngô quốc 吳 國: thời Tam quốc bên Trung Hoa (220-280) gồm ba nước tranh chấp quyền lực và lãnh thổ của nhau: nước Ngụy của Tào Phi hay còn gọi là Ngụy Tào (220-265), nước Thục của Lưu Bị hay còn gọi Thục Hán (221-263) và nước Ngô của Tôn Quyền hay còn gọi là Đông Ngô (229-280) .Đông Ngô kiểm soát vùng Dương Châu, Giao Châu (tức Giao Chỉ của nước Đại Việt hay Việt Nam xưa) và Kinh Châu ở phía tây nam. Nhà Ngụy chiếm vùng phía bắc; còn nhà Thục chiếm trung nguyên và mạn phía đông Trung Hoa.
- tắc 塞: bế tắc, lấp kín, đầy đủ, thêm vào, che khuất...
- ý khí 意 氣: ý chí và khí phách biểu hiện tính cách mạnh mẽ của một người.

- khởi  : sao có thể, há sao, có, không, xin, mong....
- cố 顧: quay lại nhìn, xét kỹ, chiếu cố, giúp đỡ...
- ỷ 綺: khăn lụa có hoa văn hình vẽ, màu sắc sáng đẹp.
- Nguyên, Thường Xuân, Lăng 原 嘗 春 陵: tức Chiến quốc tứ công tử 战 国 四 公 子 gồm Bình Nguyên Quân Triệu Thắng của nước Triệu, Mạnh Thường Quân Điền Văn của nước Tề, Xuân Thân Quân Hoàng Yết của nước Sở, Tín Lăng Quân Ngụy Vô Kỵ của nước Ngụy thời Lục quốc bên T.H. Họ là những công tử con em các vua chúa hoặc nhà quyền quí, giàu có, hào phóng thường chiêu hiền đãi sĩ. Trong phủ thất của họ thường cấp dưỡng vài ngàn kẻ sĩ hoặc những người có tài năng.
- tả 寫: đặt để, sắp đặt, mô phỏng, sạch hết, làm cho giống.

- hà 何: chỗ nào, nào đâu, sao mà, vì sao, biết bao.... 

- ly ly : tươi tốt, rậm rạp, đầy rẫy, tua tủa, trĩu nặng...
- mạo 帽: mũ đội đầu.
- Trương Lương 張 良: tên tự là Tử Phòng子 房. Ông là khai quốc công thần nhà Hán cùng với Hàn Tín và Tiêu Hà đã giúp Lưu Bang diệt được nhà Tần và đánh tan quân của Sở vương Hạng Vũ. Ông cũng được xem là một trong những vị quân sư giỏi nhất của Trung Hoa cổ đại.Khi nước Hàn bị Tần Thủy Hoàng diệt (230 TCN), ông mưu tính trả thù bằng cách dùng lực sĩ to khỏe ném chùy lớn vào đoàn xe vua Tần nhưng lại đánh nhầm vào xe của tùy tùng. Tần Thủy Hoàng nổi giận cho truy bắt gắt gao. Ông phải đổi tên họ ,dấu thân thế, lánh nạn ở Hạ Bì. Ông may mắn gặp Hoàng Thạch Công ở cầu sông Vị và được trao cho "Thái công binh pháp". Về sau, ông theo Lưu Bang đem binh pháp đã nghiền ngẫm giúp Lưu Bang dẹp được nhà Tần hùng mạnh cũng như Sở Bá vương Hạng Vũ dũng mãnh. Ý kiến của ông được Hán Lưu Bang coi trọng. Lưu Bang đã nghe lời ông bàn cho xây dựng ở vùng Quan Trung kinh đô Trường An. Khi định công lao của các tướng để phong công thần. Hán Cao tổ biết mưu lược của Trương Lương đã đóng góp công lao rất lớn cho sự thắng lợi nhưng ông rất khiêm tốn chỉ nhận chức phong là hầu thua Hàn vương Tín và Tiêu Hà. Ông cũng giúp cho Lưu Bang chọn Lưu Doanh kế vị trước khi mất tức là Hán Huệ đế (195 TCN). Khi nước Hàn của Hàn vương Tín mất, ông xin vua rủ áo đi ngao du theo chân của các đạo gia như Xích Tùng tử.
- Xích Tùng 赤 松: tức Xích Tùng tử (thầy Xích Tùng) là một nhân vật được tôn sùng của phái đạo gia, là hình ảnh của bậc đắc đạo thoát tục luôn được dân chúng kính mộ thờ cúng....
- Hoàng Thạch 黃 石: tức Hoàng Thạch công (ông Hoàng Thạch -tảng đá màu vàng) là một nhân vật truyền kỳ đã hiện thân bên cầu sông Vị trao cho Trương Lương cuốn "Thái công binh pháp" khi ông còn lánh nạn ở Hạ Bì. Hoàng Thạch nhận thấy Trương Lương là người thông minh, có ý chí có thể sử dụng binh pháp của mình ra giúp đời chống lại chế độ bạo tàn như nhà Tần (xem thêm ở C.T Trương Lương). 

BÀI 30 

TRÀO LỖ NHO                                                           


Lỗ tẩu đàm ngũ kinh,                                                    
魯叟談五經,

Bạch phát tử chương cú.                                                白髮死章句。

Vấn dĩ kinh tế sách,                                                        問以經濟策,

Mang như trụy yên vụ.                                                   茫如墜煙霧。

Túc trước "Viễn du " lý,                                                 足著遠遊履,

Thủ đái " Phương sơn " cân.                                          首戴方山巾。

Hoãn bộ tòng trực đạo,                                                   緩步從直道  

Vị hành tiên khởi trần.                                                   未行先起塵。

Tần gia thừa tướng phủ,                                                 秦家丞相府,

Bất trọng bao y nhân.                                                     不重褒衣人。

Quân phi Thúc Tôn Thông,                                            君非叔孫通,

Dữ ngã bản thù luân!                                                      與我本殊倫,

Thời sự thả vị đạt,                                                          時事且未達,

Quy canh Vấn thủy tân!                                                 歸耕汶水濱。

Lý Bạch                                                                         李白   

Dịch nghĩa:                                                      

Giỡn cợt ông đồ nước Lỗ.

Ông già nước Lỗ bàn luận năm cuốn kinh (của đạo nho). Mái tóc trên đầu bạc trắng vì những câu văn chết dở! Hỏi về kế sách để giúp đời, ông mù mịt như khói tỏa sương mờ. Chân (ông) mang giày "Viễn Du", còn đầu đội chiếc mũ "Phương Sơn" bước đi chậm rãi theo con đường thẳng! Chưa đi mà bụi bặm đã bắt đầu tung lên. Phủ thừa tướng nhà Tần không kính trọng những người tay áo rộng! Anh chẳng phải là Thúc Tôn Thông. So với tôi, vốn cũng đã khác nhau. Chuyện đời xảy ra cũng chưa thông hiểu hết. Thôi thì hãy về đi cày bên bờ sông Vấn!

Tạm chuyển lục bát:

GIỠN CỢT ÔNG ĐỒ NƯỚC LỖ.

Năm kinh già Lỗ đem bàn,
Bạc đầu chết dở câu văn nghĩa vời!
Hỏi về cách thức giúp đời,

Cứ như khói tỏa sương rơi mịt mờ!
Giày mang chân xỏ "Viễn Du",
Mũ "Phương Sơn" đội khư khư ở đầu!
Thẳng đường chậm rãi theo nào!

Chưa đi trước đã khởi đầu bụi tung.
Phủ quan Thừa tướng nhà Tần,
Người tay áo rộng đâu cần trọng chi.
Thúc Tôn : anh sánh được g !

 Với tôi, vốn cũng khác đi hạng này!
Chuyện đời chưa hiểu lắm thay!
Về bên sông Vấn ráng cày ruộng thôi!


Chú thích:
- trào 嘲: bỡn cợt, đùa giỡn, diễu cười...

- Lỗ nho : nhà nho nước Lỗ.Những người theo học và áp dụng những lời dạy của Khổng Tử, người nước Lỗ, thường được gọi là đạo nho hay Lỗ nho. Ở đây cũng có nghĩa là người bạn của Lý Bạch là người nước Lỗ và có theo học đạo nho của Khổng Tử nước Lỗ. Khổng Tử có tên là Khổng Khâu 孔丘, tự là Trọng Ni 仲尼 sinh khoảng 551 TCN tại ấp Trâu, thôn Xương Bình nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Hoa) được người Trung Hoa tôn xưng là Vạn Thế Sư Biểu 萬世師表 (người thầy gương mẫu muôn đời). Ông cũng được xem là một trong những triết gia vĩ đại của nhân loại và là nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống đạo đức, chính trị của nhiều nước Á đông như Trung Hoa, Nhật Bản, Cao Ly, Việt Nam... v.v... trong một thời gian dài hơn cả ngàn năm. Đạo nho của Trung Hoa khi bàn về nhân cách, đạo đức. làm người... v.v... cùng với nền văn chương đa dạng luôn đề cao chân thiện mỹ vẫn được xem là tinh túy góp phần xây dựng nhân loại tốt đẹp hơn. Còn văn hóa kiểu như văn hóa của "Trung quốc bây giờ" không có tính nhân bản, dân chủ, bóp nghẹt quyền con người và những giá trị đích của nhân loại tiến bộ hơn, văn minh. Nền tảng của "kiểu Trung quốc bây giờ "đặt trên sự gian dối, không bao giờ biết tôn trọng sự thật ,y như sự bạo tàn, hung hãn của các triều đại "Trung hoa đại hán"của các vua chúa xưa. "Kiểu Trung quốc" gian trá, tàn bạo, xấu xí như thế ít nhiều thừa hưởng từ các triều đại trong lịch sử và rất khác xa những tư tưởng, nền văn học nghệ thuật đáng học hỏi của cha ông thời xa xưa của họ. Rõ ràng những cái hay cái đẹp trong thơ văn của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, Bạch Cư Dị... v.v... hay những tư tưởng nhân bản của Khổng Tử, Mạnh Tử, tư tưởng sâu xa, thâm thúy của Lão Tử... v.v... đứng tách rời với con đường tơ lụa "kiểu Trung quốc "hiện thời!

- ngũ kinh 五 經: Công việc của Khổng Tử trong cuộc đời chủ yếu là đi du thuyết, dạy học trò và san định 删定 sách vở (san định: bỏ những chỗ rườm rà, nghĩa mơ hồ, định lại cho chuẩn xác để sách vở có giá trị giáo dục lâu dài ). Bộ sách được Khổng Tử san định sau đây sinh thời chỉ được đặt gọn với tên là: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu.(6 cuốn). Các đời sau tôn xưng Khổng Tử lên hàng bậc thánh nhân nên gọi là KINH.(Kinh là những sách do các bậc chân tu, hoặc thánh hiền viết ra hay do các đệ tử ghi chép các lời dạy của họ như Trường Bộ Kinh của đạo Phật, Đạo Đức Kinh của Lão Tử... v.v...) Năm cuốn kinh sách chủ yếu của đạo nho do Khổng Tử sưu tập và sắp xếp còn lại sau thời Tần Thủy Hoàng gồm có:

1/ Kinh Thi (詩經): là những sưu tập có chọn lựa và san định của Khổng Tử về thơ ca dân gian.
2/ Kinh Thư(書經): Khổng Tử chọn những sự kiện lịch sử, các biến cố hay các truyền thuyết của các triều đại cổ san định như một công việc sử học và mang tính giáo dục vào đó khi đề cao các đời vua đem lại thái bình an vui cho dân chúng như đời vua Nghiêu, vua Thuấn cũng như phê phán những đời vua tàn ác gây ra nhiều khổ ải cho bá tánh như đời vua Kiệt, vua Trụ nhà Thương.
3/Kinh Lễ (禮記) : Khổng Tử ghi chép và lựa chọn những lễ nghi các thời trước nhằm giáo dục đạo đức và giữ gìn các giềng mối, các trật tự cần thiết cho một xã hội có văn minh, văn hóa.
4/ Kinh Dịch (易經) : được xem là tinh hoa của triết học Trung Hoa có từ thời cổ đại chuyên về âm dương, bát quái và mở ra một cái nhìn bao quát về vũ trụ, về con người trong sự vận hành của vũ trụ.Thời Chu Văn vương, Chu Công Đán đã hệ thống hóa các tư tưởng này và gom trong một tập sách gọi là Chu Dịch. Khổng Tử đã sắp xếp lại và giải nghĩa thêm cho rõ quẻ Thoán và quẻ Hào thường được gọi là Thoán từ và Hào từ.
5/ Kinh Xuân Thu (春秋經) : Khổng Tử ghi chép và lựa chọn những biến cố lịch sử nước Lỗ xảy ra trong các thời kỳ, các giai đoạn (mùa xuân cho đến mùa thu, mùa thu cho đến mùa xuân) rồi thêm các lời bình luận nhằm giáo dục việc an dân trị nước cho các bậc vua chúa cũng như các tôi thần phù tá các vua chúa. Ngoài ra có một kinh thứ sáu là Kinh Nhạc nhưng đã bị Tần Thủy Hoàng đốt mất ( trong vụ "đốt sách, chôn nho") chỉ còn vài chương được người đời sau gom chung trong Kinh Lễ (chương Nhạc Ký).
- tử chương cú 死章句: câu văn chết tiệt, câu văn nghĩa lý chưa được hiểu rõ thấu đáo, câu văn tối nghĩa...
- kinh tế sách 經濟策: những kế sách, mưu lược để giúp vua trị nước và giúp đời (sách 策 : roi quất ngựa, văn thư của vua ban tước, phong hầu, mưu lược, sách lược, thẻ tre để viết chữ) Thời Đường Minh Hoàng của Lý Bạch đã sử dụng chữ "kinh tế" theo nghĩa vừa nêu.Vua Minh Trị của Nhật Bản khi lên ngôi bắt đầu canh tân nước Nhật (được gọi là "thời đại Minh Trị 明治時代") cách thời Lý Bạch cả mười một thế kỷ (701-762 &1868-1912) cũng sử dụng từ "kinh tế" nhưng với nghĩa rộng hơn là "Kinh bang tế thế" theo những tư tưởng và học thuyết kinh tế mới mẻ của phương tây lấy việc giao thương, sản xuất, buôn bán... v.v... với mục đích chính là làm cho đất nước và xã hội thịnh vượng.Nhờ đó, chỉ trong vòng trên ba chục năm Nhật Bản đã lớn mạnh và ngày nay là một trong những cường quốc hàng đầu của thế giới. Làm" kinh tế" theo cách người Nhật trước hết là làm cho đất nước dân tộc giàu mạnh chứ không phải là sự vun quén làm giàu vì lợi ích quá nhỏ hẹp của cá nhân và gia đình như ở nhiều nước chậm tiến hiện nay.....
- trụy 墜: rơi rụng, mất đi.đi xuống...
- trước 著: mang vào, xỏ (giày)vào, mặc (áo) vào, ghi vào, manh mối...
- Viễn Du lý & Phương Sơn cân 遠遊履 & 方山巾: tên loại giày (lý) và khăn đội đầu (cân) được sử dụng nhiều thời đó.
- đái 戴: đội trên đầu, tôn kính.
- hoãn 緩: chậm rãi, từ từ, rộng rãi, mềm mại...
- bao y nhân 褒 衣 人: người mặc áo có tay áo rộng. Đời Tần Thủy Hoàng, thừa tướng Lý Tư đã dâng kế sách "chôn nho đốt sách" vì cho rằng các nho sĩ "tay áo rộng"chỉ là những kẻ thích bàn luận thiếu thực tế và cản trở việc cải cách quốc gia của nhà Tần..
- Thúc Tôn Thông 叔 孫 通: là một nho sĩ mới theo Lưu Bang sau này. Tôn ít được trọng dụng vì Lưu Bang chỉ chú ý hàng võ tướng thường là những người ít học.Lưu Bang xuất thân là nông dân nên khi dẹp được Sở Hạng vương lên ngôi là Hán Cao tổ.Do học vấn có hạn, lại không trọng đạo nho của Khổng Tử lắm nên khi lên ngôi, các công thần tranh nhau kể công lao gây ra tình trạng ồn ào náo động không khí trang nghiêm của triều đình mới lập! Thúc Tôn Thông nhân cơ hội lúng túng của Hán Cao tổ trong việc tái lập trật tự trong triều cũng như hệ thống công quyền bên dưới ,đã hiến kế sử dụng có lựa chọn những nghi lễ, hệ thống điều hành đã có sẵn từ trước từ triều đình xuống các tỉnh thành và huyện, làng... của các triều đại trước cộng với những nghi thức đã được đề cập trong Nho giáo của Khổng Tử để thiết lập lễ nghi tạo nên vẻ uy nghi và trật tự trên dưới trong triều. Nhờ Thúc Tôn Thông mà triều đình của Lưu Bang hầu hết xuất thân từ võ biền ít học chỉ nhờ đánh nhau giỏi, làm nên công trạng đã bắt đầu có uy nghi và qui củ trên dưới tạo nên một mẫu mực mới cho các triều đại về sau khi xây dựng lễ nghi và uy quyền cho các vua chúa.Hán Lưu Bang đã nhận xét: "Nhờ vào lễ nghi mà ta mới biết sự uy nghiêm và oai vệ của người làm vua!". Cũng nhờ đó, đạo nho của Khổng Tử thời nhà Hán được chú ý vì đem lại những lễ nghi và đạo đức cần thiết tạo giềng mối cho việc xây dựng và củng cố cơ đồ cho triều đại mới.
- bản 本: gốc rễ, căn bản, căn cội, ngọn nguồn, vốn có, vốn sẵn...
- thù luân 殊 倫: sự khác nhau về loại, về trật tự, về đạo lý, về vốn hiểu biết..
- Vấn thủy 汶 水: tên một dòng sông ở tỉnh Sơn Đông, Trung Hoa.
 
BÀI 31
      

KINH HẠ BÌ DĨ KIỀU HOÀI.                       經下邳圯橋懷張子房
HOÀI TRƯƠNG TỬ PHÒNG

Tử Phòng vị hổ khiếu,                                       
子房未虎嘯,

Phá sản bất vi gia.                                              產不為家

Thương hải đắc tráng sĩ,                                    滄海得壯士,

Chùy Tần Bác Lãng sa.                                     椎秦博浪沙。

Báo Hàn tuy bất thành,                                      報韓雖不成,

Thiên địa giai chấn động.                                  天地皆振動。

Tiềm nặc du Hạ Bì,                                            潛匿遊下邳,

Khởi viết phi trí dũng?                                      豈曰非智勇?

Ngã lai Dĩ kiều thượng,                                     我來圯橋上,

Hoài cổ khâm anh phong.                                  懷古欽英風。

Duy kiến bích lưu thủy,                                      惟見碧流水,

Tằng vô Hoàng Thạch công.                              曾無黃石公。

Thán tức thử nhân khứ,                                       嘆息此人去,

Tiêu điều Từ, Tứ không!                                    蕭條徐泗空。

Lý Bạch                                                             李白  


Dịch nghĩa:
Qua cầu Dĩ ở Hạ Bì nhớ Trương Tử Phòng.

Tử Phòng khi chưa là con hổ gầm rú đã tiêu phá hết của cải không sửa sang nhà cửa. Ông về miền (kề cận) biển xanh tìm được người có tâm chí và mạnh mẽ đem chùy lớn ném vua Tần ở bãi cát Bác Lãng. Việc báo thù cho nước Hàn tuy không thành nhưng đã làm cho trời đất chấn động! Ông phải ẩn tránh rong chơi đất Hạ Bì. Há không phải người có trí dũng là đây hay sao? Ta đến trên cầu Dĩ, nhớ chuyện xưa rất tôn kính dáng vẻ của người anh hùng nhưng chỉ thấy dòng nước xanh trôi chảy. Ông Hoàng Thạch chẳng từng có bao giờ! Ta than thở cho người đã ra đi này (Trương Lương). Vùng đất Từ, nước Tứ đã quạnh vắng không còn gì nữa!

Tạm chuyển lục bát :

QUA CẦU DĨ Ở HẠ BÌ,
NHỚ TRƯƠNG TỬ PHÒNG.

Tử Phòng lúc hổ chưa gầm,
Phá tan của cải, nhà cần sửa chi!
Được người miền biển khỏe kia,
Bãi vùng Bác Lãng chùy vung đánh Tần.
Thù không báo được cho Hàn,
Vẫn gây rúng động dậy vang đất trời!
Hạ Bì ngầm tránh rong chơi,
Há không trí dũng nơi người này sao!
Dĩ Kiều, ta đến trên cầu,
Nhớ người dáng vẻ xưa nao anh hùng!
Thấy chăng nước biếc xuôi dòng,
Còn ông Hoàng Thạch chẳng từng có chi!
Thở than người ấy đã đi,
Quạnh hiu Từ, Tứ còn gì nữa đâu!


Chú thích:

- Hạ Bì 下邳: thuộc huyện Túc Thiên, tỉnh Giang Tô giáp với An Huy, T.H.
- Dĩ kiều 圯橋: nằm trên sông Nghi ở Hạ Bì là nơi tương truyền Trương Lương (tức Trương Tử Phòng) khi còn trẻ đã dùng gia sản chiêu mộ được tráng sĩ khỏe mạnh và làm ra cây chùy nặng hầu tìm cách ám hại Tần Thủy Hoàng nhưng thất bại (xem C.T. bài 29) phải đi ẩn lánh ở Hạ Bì được ông già tên Hoàng Thạch tặng sách "Thái công binh pháp" nhờ đó giúp mưu tính kế cho Lưu Bang đánh dẹp được nhà Tần và thắng Sở Hạng vương.Tương truyền ông Hoàng Thạch có hẹn sẽ gặp lại Tử Phòng mười ba năm sau ở chân núi Cốc nơi có hòn đá vàng.....
- vi 為: làm, sửa sang, khiến cho, làm cho, mà, nếu như... Một âm là vị: giúp đỡ, vì, để cho...
- thương hải 蒼海: do câu thành ngữ "Thương hải biến vi tang điền 蒼海變為桑田" (biển xanh biến thành nương dâu) chỉ sự thay đổi lớn lao.Ở đây, chữ "thương hải' chỉ dùng theo nghĩa đơn giản là vùng sát biển là nơi Trương Lương chiêu mộ được người tráng sĩ cùng chí hướng lại rất khỏe có khả năng vung vật nặng nên được Tử Phòng bán gia sản chế tạo chùy đồng dùng cho việc giết bạo chúa Tần Thủy Hoàng.  
- tráng sĩ 壯士: người có tâm huyết, có ý chí và khỏe mạnh.
- tiềm nặc 潛匿: ngầm tránh, ẩn lánh chờ cơ hội.  
- khởi viết 豈曰: phải nói rằng, há chẳng nói, sao chẳng nói là...
- khâm anh phong 欽英風: kính cẩn, tôn sùng dáng vẻ, phong cách của người anh hùng tài năng hơn người.
- tằng vô 曾無: từng không có, chưa hề có...
- Từ, Tứ 徐泗: Từ là một trong chín châu thời cổ, cũng là tên một nước thời xa xưa, nay còn một số di tích phía bắc tỉnh An Huy.Thời của Lý Bạch đất Từ tức Từ Châu; thời cổ thuộc nước Tứ.

Dương Anh Sơn

(Lần đến, Thơ Lý Bạch: Bài 32. 33, 34) 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét