Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Ăn Trộm Dạy Con

 

Hình minh họa (Internet)

ĂN TRỘM DẠY CON 
Sưu tầm 

Xưa lắm rồi, có một gã đạo chích rất lành nghề. Bao nhiêu tiền kiếm được, gã đều dành dụm nuôi dạy đứa con trai độc nhất học hành nên người để không theo nghề của cha nữa.

Nhưng, con trai gã cứ nằng nặc ngỏ ý muốn học nghề của cha.

Biết đây là một nghề xấu nên người cha không muốn con nối nghiệp, nhưng khuyên thế nào cậu con trai cũng không từ bỏ ý định.

Một hôm, gã ăn trộm nghĩ ra kế, liền dẫn con đi theo để... thực tập.

Hai cha con đến một nhà giàu có, đánh bả cho lũ chó chết mê chết mệt xong, đạo chích đào ngạch, khoét vách dắt con chui vào nhà.

Cả nhà ngủ say như chết. Gã trộm thấy một cái rương to còn trống bèn giở nắp rương bảo con:

- Con chui vào đây, hốt hết đồ đạc bỏ vào bao cho cha.

Thằng con y lời, gã đạo chích liền đóng nắp gài khóa lại, rồi lẻn ra khỏi nhà, hô hoán lên ầm ĩ:

- Ăn trộm! Ăn trộm!

Chủ nhà bừng tỉnh, thấy nhà bị khoét vách, dáo dác tìm kiếm hồi lâu, không thấy động tĩnh liền đi ngủ lại.

Con trai gã đạo chích nằm chết điếng trong rương, tái tê vì sợ và giận cha khôn tả.

Hồi lâu nó nghĩ ra một kế thoát thân, bèn lấy tay cào sột soạt vào thành rương và giả tiếng chuột kêu 'chít… chít…' để đánh lừa chủ nhà.

Nghe chuột kêu, chủ nhà vội thức giấc, đốt đèn mở rương đuổi chuột.

Thằng bé vụt nhỏm dậy, thổi tắt đèn, xô ngã chủ nhà, tông cửa chạy một mạch.

Chủ nhà vừa hô hoán vừa đuổi theo.

Thằng bé chạy đến đường cùng thì gặp cái giếng, nó vội vàng ôm một cục đá to liệng xuống giếng và tri hô:

- Thằng ăn trộm nhảy xuống giếng trốn rồi… Làng xóm ơi!

Mọi người đổ xô nhau kéo đến giếng để bắt trộm.

Thằng bé thừa lúc mọi người tìm kẻ trộm dưới giếng, chạy thẳng về nhà.

Gặp cha, thằng bé oà lên khóc và không tiếc lời oán trách cha.

Gã đạo chích để con khóc cho đã, mỉm cười hỏi:

-  Con hãy nói cho cha nghe lúc bị nhốt trong rương và lúc đang chạy trốn, con thấy thế nào?

Cậu con kể lại từ đầu đến cuối cho cha nghe.

Gã cười ha hả hỏi:

- Con có muốn cả cuộc đời mình phải sống trong cảm giác đề phòng, sợ hãi, trốn chui trốn nhủi như thế nữa không?

Cậu bé im lặng nhìn cha. Gã đạo chích tiếp:

- Cha cho con học hành đến nơi đến chốn mà quên khuyên con là:

Muốn ăn trộm, ăn cắp hay ăn cướp mà không sợ ai cả ... Thì con học hành cho tốt, rồi gia nhập hàng ngũ "đầy tớ cho dân...!" - Lúc ấy, lấy hết tài sản, mọi thứ của chủ nhân cả nước mà vẫn an toàn, vẫn là người tử tế...

Nguồn: internet


Làm Người

 


LÀM NGƯỜI 
Nam Giang Tử

1. Làm người, tiền bạc ít một chút cũng được, nhưng đừng để ý chí nghèo hèn, đừng vì thiếu tiền mà tầm nhìn hạn hẹp. Dù không thể đạt đến vinh quang thì cũng nên làm một người hữu dụng.

2. Làm người, ngoại hình có thể không bắt mắt, nhưng đừng để nội tâm xấu xí. Nhân từ, lương thiện không phụ thuộc vào bề ngoài mà xuất phát từ bên trong tâm hồn.

3. Làm người, hình thể thấp bé một chút cũng được, nhưng đừng để tấm lòng nhỏ nhen. Thế gian chẳng ai thích những kẻ tâm địa hẹp hòi. Dù vai nhỏ lưng gầy nhưng tấm lòng nhân hậu, vẫn an ủi sưởi ấm được vô số người.

4. Làm người, thể trạng gầy yếu một chút cũng được, nhưng đừng để tinh thần nhu nhược. Những người nhu nhược thường hay bi quan và tự ti, cho nên nhất định phải luyện được tinh thần dũng cảm, có chủ kiến và tự tin.

5. Làm người, tai mắt chậm chạp một chút cũng được, nhưng không được để tâm trí mê muội. Nhớ nhắc mình giữ lấy tâm sáng, trí thông để nhìn xa trông rộng.

6. Làm người, tham vọng một chút cũng được, nhưng nhất định đừng quá ngang tàng để dã tâm biến mình thành ác quỷ. Nếu không, bạn không vào địa ngục thì ai vào?

7. Làm người, thông minh một chút thì tốt, nhưng nhất định đừng tự cho mình là khôn lanh, còn người đời đều là kẻ ngốc. Nếu không, thế giới này chỉ có một kẻ ngu ngơ, là bạn!

8. Làm người, lười biếng một chút thì được, nhưng đừng bao giờ làm một kẻ suốt ngày nhếch nhác. Việc cần làm nên cố gắng làm cho trọn vẹn, nên có tâm cống hiến một chút, nếu không muốn làm ký sinh trùng đeo bám xã hội.

9. Làm người, tiết kiệm một chút thì được, nhưng đừng quá toan tính với tiền bạc. Nếu không bạn sẽ có thói quen đánh giá người khác qua đồng tiền, sớm muộn gì cũng thành nô lệ cho nó.

10. Làm người, khoan dung một chút thì tốt, nhưng đừng để người khác xem thường, lợi dụng sự khoan dung của mình mà tiếp tục phạm lỗi. Dù thế nào cũng nên giữ lấy quy tắc và sự tự tôn riêng.

11. Làm người, khổ cực một chút cũng được, nhưng đừng để nỗi khổ kéo dài mà không có cách giải thoát, phải học cách vươn lên!

NAM GIANG TU


Tản Mạn Về O Huế

 

Hình minh họa (Internet)

TẢN MẠN VỀ O HUẾ 
Bùi Thanh Đoàn 

Bà xã của tôi là một cô gái Huế, nói theo kiểu Huế là một o Huế. Dù cho bây giờ o Huế của tôi đã phần nào không còn là "rặc" Huế nữa, nhưng chỉ cần là sinh đủ tiêu chuẩn o Huế rồi.

O sinh ra và đi học ở Huế, nhưng lớn lên một chút thì theo gia đình dọn vào Đà Nẵng, rồi khi lên đại học thì vào Sài Gòn. Như thế là qua thời gian "chất Huế" của o cứ "loãng" dần theo mỗi chặng đường xuôi Nam. Nhưng có lai thì cũng chỉ lai một chút ở cái giọng nói nhẹ bớt đi thôi, chứ o vẫn là một o Huế chính hiệu.

Tôi gặp o khi lần đầu bước chân vào trường ĐHSP. Hình ảnh ban đầu ấy cho tới bây giờ vẫn còn in đậm trong trí tôi. Một o Huế với mái tóc đen dài buông xõa ngang lưng, với chiếc "băng đô" màu tím Huế đi kèm với cặp kính cận sẫm màu trà rất hợp với khuôn mặt của o. Chiếc áo dài trắng đơn sơ, vừa kín đáo vừa quyến rũ của o, cứ bay bay theo gió khi o ngồi trên chiếc Yamaha màu xanh đời cũ của những năm 66-67, đi đến trường vào mỗi buổi sáng sớm.

Có khi o đi một mình, có lúc o chở thêm cô bạn thân cùng lớp. Hình ảnh đó cứ lập đi lập lại mà trở thành quen thuộc, đến độ mới gần đây tôi tình cờ thấy một tấm ảnh trên "net" được chụp từ phía sau o với cô bạn gái, làm cho tôi chợt kêu lên: "Ai chụp tấm hình nầy vậy?". Cũng mái tóc đó, dáng dấp đó, chiếc áo dài đó, cũng chiếc xe cùng hiệu, cùng đời, cùng màu với xe của o.

Tấm ảnh giống đến 99,5%, khi tôi gởi tấm ảnh nầy cho cô bạn của o xem, thì cô bạn cũng kêu lên: "Tấm hình nầy chụp hồi nào vậy?". Sau đó tôi xem kỹ lại thì thấy có một chi tiết làm tôi ngờ ngợ là không có... bảng số xe và cái giỏ phía trước.

Thế đấy, tôi giật mình khi thoáng thấy lại cái hình ảnh của o hơn 40 năm trước, tôi cũng hồi hộp xôn xao giống như khi nhìn o lần đầu vậy. Lạ lắm, không biết có ai giống tôi không? !!!

Có đôi lúc, o thỏ thẻ cất giọng nhẹ nhàng như rót mật vào tai mà hỏi tôi rằng: "Sao mình không chọn một o Nam giống mình hay o Bắc, mà lại chọn o Huế vậy?". Thiệt là không biết trả lời sao, khi "thế giới đông người nhưng chỉ thấy riêng em".

Chính o cũng nhìn nhận một cách hết sức chủ quan là các o Huế.... "không đẹp" như hoa hậu, nhưng nếu làm người mẫu chụp ảnh thì.... điệu không ai bằng. Còn o Nam hay o Bắc thì tôi không dám lạm bàn, nếu lỡ nói bậy rất dễ.... cháy nhà lắm. Chỉ dám nói tới o Huế của tôi thôi, thì o "dễ thương chi lạ" !!!

Mà không phải đến khi gặp o trong sân trường đại học thì tôi mới thích cái "chất Huế" của o, với giọng nhỏ nhẹ đầy dấu nặng hay qua dáng vẻ dịu dàng khép nép rất bắt mắt của một nữ sinh Đồng Khánh ngày nào.

Tôi đã từng kể chuyện cho o nghe về việc học hành thời niên thiếu của mình.

Khi ấy vào khoảng năm học lớp đệ ngũ hay đệ tứ gì đó (lớp 8, lớp 9 bây giờ) ở trường HNC Gia Định, có một cô giáo trẻ mới ra trường về dạy lớp của tôi. Đó là cô N, dạy Anh văn. Giờ đầu tiên của cô giáo làm cho tôi rất thích thú với giọng Huế khá nặng của cô, nhưng lại rất êm tai. Các bạn trong lớp cũng hào hứng khi bỗng đâu một cô tiên thật là ngọt ngào hiền dịu lại lạc vào cái đám nam sinh quỷ quái chúng tôi.

Những giờ học sau đó của cô càng chứng tỏ cái "sức Huế" nó mãnh liệt biết chừng nào. Bọn học sinh chúng tôi cứ mong đến giờ Anh văn, cả lớp im phăng phắc ngóng cổ lên để nghe cô giáo..... nói tiếng Huế, chứ nào có thiết gì đến bài học tiếng Anh đâu. Sự trật tự của lớp tôi dành cho giờ dạy của cô giáo mới chưa bao giờ nặng lời quát mắng học trò, là một ngoại lệ hiếm có.

Nhưng rồi những ngày vui thường qua mau. Khoảng chừng ba bốn tháng sau, cô giáo N không còn dạy lớp tôi nữa vì nghe đâu cô đi... lấy chồng và đổi về trường khác.

Thế là tôi hụt hẫng, mất ăn mất ngủ nhiều tháng trời sau đó. Kỷ niệm của tuổi mới lớn nầy đã gây một ấn tượng sâu sắc trong tôi cho mãi đến bây giờ.

Từ khi tôi biết o Huế đến nay là tròn 43 năm, thời gian không dài lắm nhưng có đôi lúc tôi quên béng đi là tôi có một o Huế bên cạnh, nếu không có vài sự kiện thỉnh thoảng cứ xảy ra "nhắc nhở" tôi.

Vợ chồng tôi khi ra ngoài đi phố, đi chợ búa hay đi đâu đó chút việc, nhiều khi tình cờ gặp một dân Huế nào đó bắt chuyện, thì sau câu chào xã giao thông thường là đến câu thứ hai với giọng điệu mừng rỡ của vị khách lạ:

- "Chị là người Huế à ? Chị ở mô rựa ?"
- "Dạ, tui ở gần cầu Kho Rèn".

Rồi sau đó là những câu thăm hỏi rối rít vồn vã thân tình giữa hai người, làm như thể cả hai đã quen nhau "từ kiếp trước" rồi. Khi đó tôi bắt đầu đóng vai kẻ thứ ba nhìn hai người nói chuyện mà tôi chẳng hiểu gì cả. Chỉ nội mấy cái địa danh, mấy cái tên ông Nghè, ông Tổng gì đó đã lạ hoắc, nói chi nó được phát âm bởi giọng Huế đặc sệt thì... hết biết luôn.

Hồi lâu sau khi mãi mê với "Huế của mình", người khách lạ mới sực nhớ lại quay sang hỏi tôi:

- "Còn anh là người ở mô ?"
- "Dạ, tôi là dân Sài Gòn".

Người khách nhìn tôi như có ý tò mò, nhưng tôi đoán trong đầu anh ta đang thắc mắc là không hiểu sao tôi là dân ở tuốt trong Nam mà lại rinh được một o Huế xa lắc xa lơ "ngoài nớ".

Cái tình cảnh vừa kể trên không phải tôi chỉ đụng một lần, mà hễ gặp dân Huế đâu đó là y như rằng cái điệp khúc "Chị là người Huế à ? Chị ở mô rựa ?" lại bắt đầu và rồi..... cứ thế tới luôn !!!

Các bạn nào có bà xã là o Huế thử xem tôi nói có đúng không ? Dân Huế cứ gặp nhau là rất mừng rỡ, nhất là ở hải ngoại nầy. Họ coi như "chất Huế" là tài sản riêng của con dân đất Thần Kinh, tất cả ai có dính dáng chút xíu đến Huế là đương nhiên trở thành thân thuộc, là người trong nhà với nhau từ thời.... ông Bành Tổ !!!

Đây có lẽ là một đặc điểm trong văn hóa ứng xử của riêng dân Huế, vì tôi không thấy điều nầy ở người miền Nam hay miền Bắc. Chưa hề có một người Nam nào hỏi tôi: "Bộ anh là người Nam hả ?" !!! Tôi chỉ hay nghe nói "người Nam", "người Bắc", chứ hình như ít ai nói "người Trung". Người Nam thường không phân biệt miệt nào, còn người Bắc đôi lúc có xác định "người Hà Nội", "dân xứ Nghệ".....

Riêng "dân Huế" nhất định không cho mình lẫn lộn vào cụm từ "người miền Trung", mà phải chỉ đích danh "Huế" mới chịu. Mà cũng phải thôi, có lẽ do ở khúc giữa nầy thường bị chia vụn ra như "người Đà Nẵng", "dân xứ Quảng", "gốc Bình Định", "người Nha Trang", "dân Phan Thiết". v.v..., nên người Huế "buộc lòng" phải dành riêng cho mình một vương quốc "quý tộc".(?) Chứ chẳng phải các o Huế kênh kiệu đâu....

Mới đây có người bạn email cho tôi một truyện ngắn dí dỏm "Vợ chồng như khách khứa" của NTTD. Tựa truyện nầy phát xuất từ câu "Phu phụ tương kính như tân". Ở đây tôi không bàn đến nội dung truyện mà chỉ muốn nói đến chữ "tân" là "khách".

Tại sao vợ chồng lại phải đối xử với nhau như là khách. Đã là khách thì khách sáo rồi. Đã là khách thì còn gì là chân thật, còn gì là tình tứ lãng mạn nữa. Đã làm khách với nhau thì miệng mồm xởi lởi, rào trước đón sau, tay bắt mặt mừng, nhưng không biết câu nào là thật, câu nào là giả. Đã là khách thì phải dè dặt xem lời nào là nói suông miệng, câu nào là gài độ, khi nói bông đùa mà nghe ra như xiên xỏ !!!

Thế mà cứ bảo vợ chồng phải xem nhau như khách khứa thì quả thật chả còn tình nghĩa đầu ấp tay gối gì nữa.

Đó là chưa nói đến cái kiểu khách khứa bây giờ. Vào một ngày đẹp trời nào đó, bỗng dưng sếp vi hành đến nhà nhân viên "làm khách" khiến chủ nhà mặt mày tái mét, ngồi căng tai nghe cả buổi cũng không hiểu nỗi sếp mình muốn vòi vĩnh cái gì để mà... liệu cơm gắp mắm. Hay là gặp lúc Tết nhất thì thuộc hạ phải đến "làm khách" nhà ông chủ để chúc Tết, mà đã chúc thì phải làm sao.... coi cho được thì làm !!!

Như thế làm khách đâu phải là dễ chịu. Mình là khách của người ta hay người ta là khách của mình thì cũng chỉ là hai cách.... chết khác nhau thôi. Trong hoàn cảnh nầy tôi liên tưởng đến nghĩa khác của chữ "tân" là "cay", là cay đắng, cay nghiệt.

Cho nên tôi muốn hiểu "tân" là "mới". Vợ chồng đối xử với nhau lúc nào cũng như lúc mới biết, mới quen, mới cưới. Dù qua thời gian, vẫn giữ gìn lời ăn tiếng nói cho cẩn trọng, đúng lễ nghĩa, biết kềm chế, biết tôn trọng đừng làm tổn thương nhau, việc gì cũng đúng mực, không bất cập, không thái quá.v.v...

Nếu hiểu như thế nầy thì o Huế của tôi đúng là "tương kính như tân" rồi.

Mỗi khi tôi hỏi o một chuyện gì hoặc làm giúp o một việc lặt vặt nào đó, thì o luôn nhỏ nhẹ: "Dạ, em làm rồi mình à ", "Dạ, cám ơn mình".... Những chi tiết như vậy xem ra cũng là vặt vãnh thôi, vã lại lâu dần tôi quen rồi nên có khi không "thấy" nữa. Nhưng hễ ra ngoài nghe vợ chồng người ta ăn nói với nhau nhát gừng, không đầu không đuôi, thì tôi lại nhớ ra o Huế khác xa cái kiểu ngang phè đó.

Hỏi như vậy thì làm sao mà tôi không mê o cho được !!!

Thập niên 60 là khoảng thời gian nhiều "sóng gió" trong đời tôi. Những năm đầu là ngẩn ngơ trước cô giáo Huế ở trung học, những năm cuối là mê mẩn với o Huế ở đại học. Còn những năm lơ lửng giữa chừng thì bận.... mơ mộng đến các người đẹp trong phim "xi nê".

Vào thời đó, các rạp chiếu phim bình dân đều chiếu thường trực suốt ngày, giá vé chỉ 5 đồng xem hai phim. Những tên tuổi lớn vẫn còn "theo" tôi đến giờ như Audrey Hepburn trong phim "Roman Holiday" (1953), hay Romy Schneider trong "Sissi" (1955), hoặc những ngôi sao hạng nhì như Giorgia Moll với "The Thief of Bagdad" (1961).

Khi lớn hơn một chút thì trong bóp của tôi đã có ảnh của Sylvie Vartan, cô nàng hát bài "La plus bell pour aller danser" trong phim "Cherchez l'idole" (1964), lúc đó đang chiếu tại rạp Casino Dakao gần cầu Bông. Còn ca khúc vượt thời gian "The house of the rising sun" được ban nhạc The Animals trình diễn trong phim "Pop Gear"(1965), đã gợi cảm hứng cho tôi nuôi mộng trở thành tay trống chuyên nghiệp, nhưng chỉ mãi đến những năm gần đây tôi mới được cầm đũa chơi trên dàn "Tama" trong một thời gian ngắn.

Nhưng từ khi ra đi dạy, tôi không còn cái thú xem phim nữa, kể cả sau nầy khi có thể xem phim online tại nhà. Cho nên những cái tên mới còn nhớ được ngày càng hiếm dần, như Julia Roberts (Pretty Woman, 1990), Sandra Bullock (Speed, 1994), hay Natalie Portman (The Professional, 1994).....

Còn o Huế của tôi thì rất mê xem phim, nhất là phim bộ nhiều tập. Có lúc tôi thấy o cắm cúi rà tìm phim trên web, tôi hỏi, thì o nói: "Mình ơi, hết phim cho em coi rồi". Thì ra mấy hãng phim đó quay.... không kịp cho o coi. Vì mê phim như vậy nên chẳng những o không lạ gì các khuôn mặt Chương Tử Di, Phạm Băng Băng, hay Choi Ji Woo, Kim Hye Soo.... mà đôi khi còn nhập tâm cả lời thoại lồng tiếng trong phim nữa. Những lúc đó, o thỏ thẻ vào tai tôi:

- "Mình à,....... Huynh có thích muội không ?"
- "Trời, không thích muội thì thích ai chứ ?"
- "Vậy hả mình,......vậy còn cô bạn gái ở Văn khoa khi xưa..... thì răng? "

Nghe đến đây tôi bỗng bủn rủn tay chân. Nếu sơ sẩy thì "bể dĩa" như chơi. Thế nên nói chuyện với o phải thật cẩn thận, phải biết câu nào nên trả lời ra sao, chứ mà cứ vô tư thì có ngày sẽ dính chấu với hoạt cảnh "trắng đêm không ngủ". Lúc đang diễn cái cảnh thỏ thẻ vào tai nầy, tốt nhất là phải nhớ câu "tương kính như.... khách khứa" mới an toàn.

Nói thiệt thì o Huế của tôi cũng có uy lắm đấy, đừng tưởng là o hiền. Đôi lúc vui miệng tôi hỏi o: "Vậy chớ kho rèn ngoài nớ nó rèn cái giống gì vậy ?", thì o không trả lời mà trừng mắt nhìn tôi !!!

Đến đây, dám có người cho là tôi sinh ra ở gần "kho đạn" Long Bình lắm. Làm gì có chuyện đó. Không tin thì cứ.... đi hỏi o Huế coi.

BÙI THANH ĐOÀN


Việt Nam Ứng Cử Hội Đồng Nhân Quyền LHQ: Triển Vọng Thấp

 


VIỆT NAM ỨNG CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LHQ: TRIỂN VỌNG THẤP
Mạch Sống 

* Việt Nam bị mất điểm vì ủng hộ Nga và vì vi phạm nhân quyền 

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 29 tháng 9, 2022


Từ năm ngoái Việt Nam đã tuyên bố ý định ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ. Ngày 4 tháng 8 vừa qua phái bộ Việt Nam ở LHQ gửi công văn cho Đại Hội Đồng LHQ chính thức công bố ứng cử và cung cấp bản cam kết để vận động phiếu bầu. Đọc bản cam kết: https://documents-dds-ny.un.org/doc/UNDOC/GEN/N22/454/09/PDF/N2245409.pdf?OpenElement


Đây là lần 2 mà Việt Nam ứng cử vào cơ chế nhân quyền bao trùm này của LHQ. Thành lập năm 2006, Hội Đồng Nhân Quyền LHQ có 47 ghế phân bổ như sau: 13 ghế cho các quốc gia Phi Châu, 13 ghế cho các quốc gia Á Châu - Thái Bình Dương, 8 ghế cho các quốc gia Nam Mỹ và Caribê, 7 ghế cho các quốc gia Âu Châu và Phương Tây nói chung, và 6 ghế cho các quốc gia Đông Âu. Đọc thêm: https://www.ohchr.org/en/hr-bodies/hrc/membership


Đại Hội Đồng LHQ bỏ phiếu trục xuất Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, ngày 07/04/2022


Một cách không chính thức, các quốc gia Á Châu - Thái Bình Dương thoả thuận rằng Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) lúc nào cũng phải có ít nhất 1 ghế. Năm 2013, Việt Nam đã trúng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ dù sở hữu một hồ sơ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng là vì Việt Nam gần như độc diễn -- có 3 quốc ASEAN ứng cử, nhưng 2 quốc gia kia (Singapore và Thái Lan) hầu như không vận động tranh cử mà nhường cho Việt Nam.


Năm nay Việt Nam không còn lợi thế như trước vì:


1.      Việt Nam bị mất điểm trong con mắt của nhiều quốc gia khi chống lại việc trục xuất Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.


2.      Nếu không bỏ phiếu cho Việt Nam lần này thì vẫn có Malaysia, một quốc gia thuộc khối ASEAN, là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ cho đến hết năm 2024.


Trong tình thế đó, sự lên tiếng của các tổ chức nhân quyền có thể góp phần đẩy Việt Nam khỏi số 4 quốc gia dẫn đầu về số phiếu -- lần tranh cử này có 6 ứng viên cho 4 ghế trống thuộc khu vực Á Châu – Thái Bình Dương.


“Về phần mình, chúng tôi vận động một số phái bộ ở LHQ nêu vấn đề Việt Nam đe doạ và trừng phạt các công dân đã hưởng ứng ngày quốc tế do chính LHQ khởi xướng,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết. “Đây là tấm gương rất xấu về thiếu tôn trọng các quy tắc của LHQ.”


Cụ thể, chính quyền Việt Nam vừa rồi đã sách nhiễu, đe doạ, cấm cản và thậm chí phạt tiền nhiều công dân chỉ vì hưởng ứng ngày 22 tháng 8 tưởng niệm các nạn nhân của các hành vi bạo lực trên căn bản tôn giáo hay niềm tin. Tháng 5 năm 2019, Đại Hội Đồng LHQ, trong đó có Việt Nam, đồng thuận thông qua nghị quyết ấn định ngày quốc tế tưởng niệm hàng năm này.

Theo TS Thắng, 29 tổ chức và 10 cá nhân đã ký thư chung do BPSOS khởi xướng, kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên Minh Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo hay Niền Tin nêu vấn đề này tại Đại Hội Đồng LHQ trước cuộc bỏ phiếu ngày 11 tháng 10 tới đây. Liên minh này gồm 37 quốc gia thành viên và 5 quốc gia quan sát viên.


BPSOS tiếp tục thu thập chữ ký và sẽ gửi bức thư chung kèm với danh sách chữ ký bổ sung cận ngày bỏ phiếu.


Thông tin liên quan:

Quốc tế theo dõi thái độ của nhà nước Việt Nam về Ngày Quốc Tế 22 tháng 8

https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/1845-quoc-te-theo-doi-thai-do-cua-nha-nuoc-viet-nam-ve-ngay-quoc-te-22-thang-8.html


Thư chung do BPSOS khởi xướng: https://dvov.org/wp-content/uploads/2022/09/2022.09.20-Joint-letter-to-IRFBA-Steering-Committee.pdf


Mạch Sống  

Chút Thênh Thang

 



Trời Tháng Chín Du Miên Nỗi Nhớ!...

 



Trường Thi Chôn Nhau Cắt Rốn Đoạn 174

 



Chuyện Tình Cô Lái Đò Bến Hạ

Video Nhạc - CHUYỆN TÌNH CÔ LÁI ĐÒ BẾN HẠ

Sáng tác: Hoàng Thi Thơ Trình bày: Phương Anh Hòa âm: 48V Records Thu âm: Studio 13 Đạo diễn sân khấu: Phạm Hiền D.O.P: Thanh Mộng Giám đốc sản xuất: Phương Trần Hậu kỳ: KT FILM Video by KHANG HY ENTERTAINMENT
Thực hiện: Phương Anh Bolero

Trân trọng
NHHN

Xin mời quý vị thưởng thức 



Cảm Nhận Về Ca Khúc “Chuyện Tình Cô Lái Đò Bến Hạ”

Tranh vẽ Cô Lái Đò Bến Hạ của Họa Sĩ Hà Anh.

CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC "CHUYỆN TÌNH CÔ LÁI ĐÒ BẾN HẠ" CỦA NHẠC SĨ HOÀNG THI THƠ
Nhạc Vàng 

Cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một trong những cây bút đại thụ sáng tác của nền Tân nhạc Việt Nam. Ông sinh ra ở Triệu Long thuộc tỉnh Quảng Trị là người con thuộc dòng họ Hoàng Phủ rất có tiếng. Hoàng Thi Thơ là một người rất đa tài ngoài sáng tác nhạc ông còn làm đạo diễn và giáo viên dạy Anh ngữ. Trong sáng tác nhạc ông còn lấy nhiều bút danh khác nhau Tôn Nữ Trà Mi, Tôn Nữ Diễm Hồng, Triệu Phong và Bích Khuê. Hoàng Thi Thơ có trên 500 sáng tác bao gồm tình ca, dân ca, nhạc quê hương, trường ca và cả nhạc cảnh và nhạc kịch.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có 3 ca khúc rất nổi tiếng viết về chuyện tình buồn của các cô gái như Chuyện tình cô lái đò bến Hạ, Chuyện tình La Lan và Chuyện tình người trinh nữ tên Thi. Ca khúc Chuyện tình cô lái đò bến Hạ là một bản truyện ca được ông viết vào năm 1971 để kể về mối tình đau khổ của người con gái trong thời chinh chiến. Ông từng viết trên tờ nhạc gốc “Tôi vẫn mê say những chuyện tình đẹp. Sau Chuyện tình người trinh nữ tên Thi tôi xin kể tiếp Chuyện tình cô lái đò bến Hạ. Chuyện rằng: Nàng là một nữ sinh xinh như Hoa. Nhà nghèo, bỏ học sớm, giúp mẹ đưa đò nàng trở thành Cô Lái Đò Bến Hạ. Hoa đẹp nên nhiều ong qua bướm lại. Nhưng nàng chỉ yêu một người, một người lính chiến. Một lần sang sông để không bao giờ trở lại, người chiến sĩ đã hy sinh. Đợi chờ vô vọng trong mỏi mòn, nàng đi tìm người yêu trong khói lửa để cuối cùng kết thúc một cách thương tâm cuộc đời bạc mệnh như số kiếp của bao kẻ hồng nhan. – trích lời tác giả H.T.T”

“Một xóm nghèo ven sông
Có con đò tên là đò bến Hạ
Một gái nghèo đoan trang
Nhan sắc nàng như là một đóa hoa

Nhà vốn nghèo cho nên
Sớm xa lìa sách đèn cùng mái trường
Ngày ngày ra bến giúp mẹ đưa đò
Bến Hạ đưa đò
Gái đẹp đưa đò.”

Vào thời chinh chiến, việc được cắp sách đến trường ở vùng quê nghèo là niềm ao ước của bao người kể cả những người con gái, nhưng vì cuộc sống mưu sinh họ phải từ bỏ mơ ước để tìm đến chén cơm manh áo. Một xóm nghèo ven sông, mọi người trong thời buổi nghèo khổ, hằng ngày có được bữa cơm qua ngày là niềm vui cho cả gia đình. Một cô gái nhỏ tuổi mới lớn, vì tình yêu thương gia đình phải từ bỏ giấc mơ đèn sách, xa mái trường ngày ngày ra bến Hạ giúp mẹ đưa đò kiếm sống. Cô gái có nét đẹp đoan trang tinh khiết như một đóa hoa mới nở vào sớm mai, bao người phải đắm chìm trong nhan sắc mỹ miều ấy. Cô em gái đẹp đưa đò bến Hạ!

“Ngày tiếp ngày trôi qua
Biết bao người qua đò giòng bến Hạ
Nhiều khách đò ngây ngô
Hay trách nàng sao đò lại chóng qua.

Nhiều trai làng ba hoa
Ý như là đoán nàng dùng phép lạ
Nào đâu biết sắc đẹp là mắt mờ
Thấy đẹp quên giờ
Gái đẹp đưa đò.”

Giòng sông êm đềm con nước chảy, đò em xuôi máy chèo đưa người sang sông. Ngày tiếp ngày trôi qua em vẫn trên bến Hạ đưa đò, hồn em thổi vào sông nước để làm việc đưa đò thế mà bao người ngây ngô trách hờn sao đò chóng qua. Khách qua sông hay khách đi đò vì muốn được chung chuyến đò với cô lái đò bến Hạ. Nhan sắc xinh đẹp của em gái lái đò làm xao động lòng người lữ khách trên đò, vì sắc đẹp của cô gái mà bao chàng trai say đắm mong được làm ý trung nhân của nàng. Nhiều trai làng ba hoa cho là nàng sẽ là của mình, sẽ được đón nàng về cùng chung xây dựng mái ấm gia đình. Nhưng sự tinh khôi của nàng lái đò làm bao người hoa mắt đang đi trên chuyến đò mà cứ ngỡ là đang lạc vào vườn hoa, chìm đắm trong sự lung linh của những cánh hoa mà quên cả thời gian và ngỡ ngàng sao đò sớm cập bến.

Ảnh bìa Cô Lái Đò Bến Hạ Phát Hành Trước 1975.

“Nhiều anh chàng khoe khoang
Chiếm tim nàng nhưng nàng nào đáp tình
Vì tấm lòng băng trinh
Ai đã nguyện trao người thời chiến chinh.

Đoàn anh hùng sang sông
Trái tim nàng trao về một bóng hình
Một người lính chiến đánh giặc quên mình
Lính trận chân thành
Lính trận chung tình.”

Cứ ngỡ trái tim nàng sẽ mãi khép lại bởi các lời khoe khoang của những anh trai làng, tình yêu nàng đã chai sạn vì nàng chỉ một lòng làm cô lái đò nhỏ bé bên giòng bến Hạ. Nhưng rồi tình yêu khô khan cũng được tưới mát bằng một tấm chân tình, nàng đưa đò giờ đây đã trao trọn con tim băng trinh cho một chàng lính trận. Một ngày đưa đoàn quân sang sông, trái tim nàng rung động bởi người lính oai hùng. Người trai thời loạn này dám quên mình cho đất nước, anh đã quyết tâm lên đường bảo vệ quê hương. Tấm lòng chân thành của anh  đã được đền đáp bằng tình yêu chung tình của em gái nhỏ đưa đò. Dù bao người say mê cô cũng không có được con tim của cô nhưng giờ đây trong lòng cô đã chứa bóng hình người mình yêu thương thật lòng.

“Đời hồng nhan ai có biết không
Đời gian nan là kiếp má hồng
Đời hồng nhan nên nước mắt tuôn
Nhiều gian nan và lắm đau buồn …”

Người đời có câu “Hồng nhan bạc phận” vì họ đang xót thương cho những cô gái có sắc đẹp trời ban nhưng số khiếp gian nan, dòng đời đẩy đưa phải chịu nhiều vất vả trong cuộc sống. Sinh ra là phận má hồng nhưng không muốn số mình khổ, những cô gái dù liễu yếu đào tơ cũng cố gắng để vượt qua những khó khăn trong đời. Nhưng đời hồng nhan thì lắm gian nan, các cô gái phải ôm lòng tự khóc trước những buồn đau của số phận. Tấm thân mỏng manh phải vương mình gánh vác những chông gai trong cuộc sống.

“Người anh hùng qua sông
Với câu thề quay về thì cưới nàng
Và mấy lần xuân sang
Trên bến đò quân hành người hát vang

Tìm trong đoàn quân nhân
Những anh hùng quay về từ chiến trận
Mà nào đâu thấy bóng người tôn thờ
Lính trận không về
Bến Hạ mong chờ.”

Cô lái đò bến Hạ giờ đây đã vững lòng vì mình đã tìm được bến đổ trong cuộc đợi chờ. Người anh hùng dù đã sang sông đi làm nhiệm vụ của người trai thời loạn nhưng cũng không quên mang lời hẹn ước quay về cưới nàng. Cô lái đò vẫn giữ nguyên lời hẹn thề cùng anh lính, ngày ngày đưa đò bên bế Hạ mà trông đợi người về. Thời gian trôi mau đã mấy mùa xuân sang, nàng vẫn đưa đò qua sông nhưng cớ sao trong những đoàn quân nhân trở về từ chiến trường vẫn không thấy hình bóng người mình yêu thương. Tình yêu ấp ủ bao lâu nay trong lòng bến Hạ đâu rồi? Sao anh không về để bến Hạ lẻ bóng mình em mong chờ.

Tranh của Họa Sĩ Nguyễn Cường.

“Rồi có người qua sông
Báo tin chàng không bao giờ còn quay về
Người anh hùng hy sinh
Nhưng ước thề cô đò còn khắc ghi

Người anh hùng ra đi không quay về
Đau lòng người bến Hạ
Và từ tin đó khách đò trông chờ
Bến Hạ bơ phờ
Vắng nàng đưa đò.”

Tin dữ đã đến khi có người báo cho nàng là chàng đã ra đi mãi mãi, chàng đã không thể về bên nàng và kết duyên cùng nàng. Người anh hùng nàng đưa sang sông năm ấy đã hy sinh khi trong lòng vẫn còn khắc ghi lời hẹn ước cùng nàng. Không gian sự sụp đổ vì quá tuyệt vọng, cô lái đò bến Hạ đau lòng nhớ thương anh. Giờ đây bến Hạ không còn bóng hình người em gái nhỏ đưa đò mang nét đẹp tuyệt sắc. Vì quá yêu thương và nhớ mong hình bóng nàng mãi khắc ghi trong tim nàng quyết ra đi tìm lại chàng. Từ đó bến Hạ vắng bóng nàng lái đò!

“Rồi tới ngày đau thương
Khách qua đường đau lòng mà đứng nhìn
Hạ tên nàng ghi bia
Bên nắm mộ hoang tàn người tiết trinh

Vì chung tình cho nên
Cô lên đường đi tìm người yêu mình
Rồi trong lửa khói súng giặc điên cuồng
Gi*t người chung tình
Bến Hạ u buồn”

Vì lòng chung thủy sắc son nàng lên đường tìm người mình yêu, nàng không tin rằng chàng đã ‘đền nợ nước’, nàng muốn được bên cạnh người yêu nên để lại bến Hạ mà ra đi, vì tình yêu nàng không còn sợ gian truân nguy hiểm. Trong lúc thời chiến khói lửa, không may cho nàng khi phải nằm xuống trong lúc đi tìm người yêu. Người chung tình bến Hạ giờ đây không còn nữa, bến hạ vắng bóng em gái nhỏ xinh đẹp ngày ngày đưa đò. Sự hiu vắng khi giờ đây bên nắm mồ ghi tên người con gái tiết trinh. Khách qua đường đau sót cho nàng khi vắng bóng nàng bên bến Hạ mãi mãi.

“Đời hồng nhan cô có biết không
Đời gian nan là kiếp má hồng
Đời hồng nhan nên nước mắt tuôn
Nhiều gian truân và lắm, và lắm …đau buồn.”

Cuối ca khúc nhạc sĩ bày tỏ tấm lòng tiếc thương cho cô gái xinh đẹp má hồng, ông đau buồn cho một cô gái hồng nhan tuyệt sắc hơn người. Dù mang sắc đẹp tinh khiết nhưng nàng vẫn âm thầm vượt qua những gian truân trong cuộc sống và tấm lòng thủy chung chỉ trao về người mình yêu. Lần đầu tiên khi nghe ca sĩ Thúy Hằng hát ca khúc này người nghe sẽ cảm nhận được sự trong trẻo của giọng hát truyền  đến người nghe nhạc, cô đã lột tả được cảm xúc cả toàn bài truyện ca. Xót xa cho một chuyện tình đẹp.

Ruby - Nhạc Vàng 


Xin mời quý vị thưởng thức