Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Gieo Và Gặt

 

Hình minh họa (Internet)

GIEO VÀ GẶT 
Thầy Dương Anh Sơn 

Cô Ba con ông Bảy Nam sinh ra và lớn lên trong một vùng quê nghèo sát chân dãy Trường Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Khi cô lên năm tuổi, cha cô tham gia đội du kích xã và bị tử thương trong một trận phục kích của quân Pháp. Xác cha cô được đem về chôn cất, hình ảnh đau đớn gào khóc của mẹ cô như những lát dao xẻ da, cắt từng thớ thịt của cô bé mới chừng nấy tuổi trước sự mất mát quá lớn lao. Thằng Nung, em cô, mới hơn một tuổi chưa hiểu được gì vẫn chạy loanh quanh chiếc quan tài gỗ tạp hàng xóm gom ván đóng cho ba nó yên nghỉ. Sau cái chết của ông Bảy, những trận càn và bom đạn làm cho vùng quê nghèo tan tác. Mẹ của cô Ba phải gồng gánh hai con về thị xã tìm cách sinh sống nuôi con. Bà Bảy bám víu vào cái chợ nhỏ của thị xã bán rau cải qua ngày. Tối đến, ba mẹ con chọn một sạp bán rau lau quét sạch, giũ chiếu nằm ngủ. Cứ thế họ tránh chiến tranh ở quê hương đã hai mùa xuân rồi! Năm 1954 qua 1955, đất nước bị chia đôi, hòa bình tạm trở về. Bà Bảy thu xếp quang gánh, chút ít đồ dùng và tiền bạc chắt chiu quay trở về quê nhà.

Làng quê thân yêu giờ tan tác. Ông bà nội của cô Ba nghe nói đã mất đi trong một trận dội bom, người chú ruột theo du kích cũng hy sinh trong một trận đánh. Mẹ con bà Bảy may mắn còn có bà ngoại của cô Ba theo cậu Tám lánh vào Qui Nhơn quay trở về làng. Họ gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Làng trên xóm dưới lục tục các gia đình còn lưu luyến cố hương đã bỏ mọi thứ gắn bó với thành thị bấy lâu để trở về. Cô Ba giờ đã bảy tuổi, thằng Nung đã lên bốn. Chòm xóm giúp nhau chặt tre, cắt cỏ tranh dựng cho nhau những ngôi nhà nhỏ trên đất nền cũ. Mẹ cô Ba lo làm cỏ, thuê trâu cày xới lại hai sào ruộng nhà để trồng lúa. Khi rảnh, bà Bảy đi cấy mướn làm thuê cho chòm xóm đắp đổi qua ngày. Chính quyền mới được thiết lập, trường tiểu học sơ cấp được xây dựng kế bên vuông đất ngôi đình cũ chỉ có hai gian nhà tranh và hơn chục bàn ghế ọp ẹp của dân đóng góp. Trên quận bổ về hai thầy giáo trung niên dạy bậc tiểu học. Cả làng tập hợp được năm lớp học từ lớp năm đến lớp nhất với khoảng mười em cho một lớp, chia nhau học sáng trưa chiều chỉ với hai ông thầy cho năm lớp! Cô Ba bắt đầu ghi tên học lớp năm dù đã tám tuổi. Những năm chiến tranh mấy ai ở vùng quê được yên ổn đi học? Năm năm sau trên quận đã có trường trung học đệ nhất cấp. Gần mười bốn tuổi, cô Ba vào lớp đệ thất của quận. Cậu Tám đi làm thợ hồ dành dụm mua cho cháu chiếc xe đạp cà tàng đi học. Đời lam lũ của bà Bảy cũng chỉ đủ cơm áo cho hai con. Cô Ba học trễ nhưng rất có chí nên vẫn theo kịp bài vở của trường. Học bạ của cô luôn có những lời khen ngợi và động viên của các thầy cô giáo. Về nhà sau buổi học sáng là lo cơm nước cho mẹ và em. Hai chị em ăn cơm trước để cơm cho mẹ đi làm thuê hai ba giờ chiều mới về.

Năm cô Ba mười sáu tuổi, đang học lớp đệ ngũ trên trường quận bỗng nghe tin dữ của người bà con xa đến trường cấp báo: người mẹ thân yêu đang làm ruộng bỗng bị đạn lạc nằm chết bên bờ ruộng. Du kích lại về làng khiến cho lực lượng quân sự của quận phải chặn đánh tại một địa điểm gần đó. Khi bên kia rút lên núi, dân làng đem xác mẹ cô Ba quàng trước sân nhà nhỏ của họ. Cô Ba thất thần đạp xe vội về nhà. Nước mắt đầm đìa từ trên quận cho đến lúc đến nhà. Cô Ba ôm xác mẹ khóc thảm thiết. Cô vật vả nằm lăn dưới đất khóc đau đớn. Thằng Nung đang chăn trâu buổi xế trưa cũng chạy về khóc quằn quại bên xác mẹ. Cậu Tám và bà ngoại nghe hung tin cũng chạy vội qua khóc tức tưởi....... Sau khi chôn cất mẹ, cô Ba xin nghỉ học để làm ruộng kiếm sống và lo cho em. Từ những năm 60 về sau, miền Bắc phát động cuộc chiến tranh, đất nước không còn được yên ổn. Những năm tháng tương đối thanh bình sau khi chia đôi đất nước của miền Nam không còn nữa! Đêm khuya, những du kích trên núi về làng kiếm lương thực và lôi kéo các thanh niên mới lớn nhảy núi. Các cuộc đụng độ giữa hai bên ngày càng nhiều, tang tóc cũng gia tăng. Với lòng thù hận từ cái chết của cha từ thời chiến tranh Việt Pháp và cái chết oan uổng của mẹ, cô Ba thấy mình không thể nào ngồi yên. Những đêm trời tối om như mực, những du kích trai trẻ trong xóm nhảy núi về làng tập hợp thanh niên, thanh nữ ra bìa làng nghe tuyên truyền, lôi kéo họ. Cô Ba giờ đã mười bảy tuổi, gửi thằng Nung nhờ cậu chăm sóc, còn cô nhảy núi làm giao liên. Do bị tuyên truyền lôi kéo, cô cứ nghĩ cái chết của cha mẹ cô là do phía bên này, từ Pháp đến Mỹ và quân lính miền nam gây ra! Chuyện đánh đuổi thực dân Pháp là đúng đắn! Còn nguyên nhân sâu xa nào gây ra cuộc chiến nam bắc thì cô chỉ hiểu lờ mờ theo sự tuyên truyền là "chống mỹ ngụy để cứu nước". Cuộc sống của miền nam đang hình thành những nền móng tốt đẹp cho tương lai đất nước phải dồn mọi công sức đối phó với những trận chiến càng lúc càng leo thang với một số lượng lớn quân chính quy phía bắc theo dãy Trường Sơn và đường mòn nam Lào xâm nhập miền nam. Mỹ lại đổ quân và vũ khí nhằm ngăn chặn hiểm họa của CS do Liên Xô và Trung Cộng đang mượn vũ lực để thôn tính miền nam, áp đặt thứ chủ nghĩa lai căng, mơ hồ lên số phận dân tộc. Chỉ có họ với việc tôn sùng cái chủ nghĩa lạc loài kia là đúng còn phía bên kia là ngụy, ai chân, ai ngụy thực tế là câu trả lời...... Ván cờ lớn và mơ hồ đó làm sao cô Ba hiểu cho thấu.... Cô tham gia cuộc chiến khởi đi từ lòng thù hận rồi từ vai trò du kích giao liên, cô lại tình nguyện tham gia đội đặc tình chuyên theo dõi, thanh toán những thành phần được phía cô cho là phản động cũng như thu thập những tin tình báo từ phía bên kia. Đội đặc tình của cô là những người gan dạ, có lòng căm thù sâu sắc, nghe theo sự sai phái một cách máy móc! Nhiều viên chức quận, xã đã chết dưới họng súng của cô và đồng đội. Trong số những người bị họ giết có vài người chỉ là người đi dạy học ở các trường xã không chịu vào mạng lưới của họ hoặc ra mặt không đồng tình những hành vi của họ. Thế là được xếp vào thành phần phản động cần thanh toán! Họ xem chuyện giết lầm là bình thường vì thà giết lầm còn hơn để sót!! Cậu Tám của cô Ba bị động viên đi lính địa phương quân đóng chốt ở xã sát vùng núi. Những lúc có lính chính quy bên kia tăng cường quấy phá, đơn vị được rút về vòng đai của quận. Cô Ba và đồng đội để tâm theo dõi hoạt động của đơn vị này. Một buổi chiều cuối năm Mậu Thân, đơn vị của cô Ba bày trận phục kích hai tiểu đội lính địa phương quân trên đường rút chốt về vòng đai quận. Trận đánh diễn ra nhanh chóng khi trái mìn do cô Ba chôn trên đường phát nổ. Vài người bên quốc gia bị thương nặng bò lết vào mương nước của ruộng lúa, trong đó có cậu Tám. Trời chạng vạng tối. Bên cô Ba tràn lên bắn xối xả vào toán lính. Họ cũng chống trả quyết liệt và vì bị đánh bất ngờ nên buộc phải rút nhanh về quận. Cô Ba xông lên bắn vào một người lính đang quằn quại do bị mìn. Kịp khi giáp mặt nhìn tương đối rõ bộ dạng người lính, cô Ba mới biết đó là cậu Tám, em ruột của mẹ mình!! Sau trận đánh với vài người chết mỗi bên, đơn vị cô Ba rút về cứ. Họ kiểm điểm trận phục kích. Cô Ba cứ ray rức chuyện mình ra tay giết chính cậu ruột. Cô hối hận ngồi trong bóng tối khóc âm thầm. Viên chỉ huy biết được câu chuyện kêu gọi cô Ba "phản tỉnh", phân biệt ta và kẻ thù! Cô phải viết kiểm điểm cho đến khi nguôi ngoai. Sau Mậu Thân, nhiều trận đánh ác liệt xảy ra, cô lao vào cuộc chiến như một cái máy. Con số người chết hai bên cứ gia tăng hàng tuần. Chuyện ông cậu bị giết bởi cô cháu cũng lọt đến tai mợ Tám. Mợ buôn bán nhỏ trên chợ quận phải nuôi một đàn con sáu đứa quá vất vả khi chồng chết trận. Nghe tin này, mợ than khóc mãi. Có ai ngờ con cháu lại giết chính cậu ruột của mình!. Chiến tranh gây ra biết bao nhiêu thảm cảnh và ai là kẻ gây ra cuộc chiến tranh tương tàn giữa những người cùng dòng máu Việt?! Cô Ba cũng chẳng cần biết. Cứ như cái máy xông vào cuộc tương tranh ác liệt!

Mợ Tám đâm ra oán hận cô Ba và phía bên kia không xiết! Bà không cho các con mình được nói đến cái tên cô Ba trong bất cứ lúc nào. Thằng Nung được gia đình cậu Tám cưu mang cho đi học đàng hoàng. Năm mười lăm tuổi, không đậu vào trường công lập, Nung xin cậu cho đi học nghề phụ sửa xe gắn máy trên quận. Một hôm có một người lạ đem thư của cô Ba gửi cho Nung nói nó về làng gặp chị tại địa điểm bí mật. Nung nghe lời chị đi về làng qua nhiều điểm hẹn khác nhau do giao liên chỉ lối. Hai chị em xa cách bấy lâu giờ gặp nhau ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Sau khi hàn huyên, cô Ba kêu gọi em tham gia vào cứ với mình. Thằng Nung cũng nghe chuyện cái chết của cậu Tám, nó là người ít suy nghĩ nên lúc đầu có chút áy náy giờ thì chẳng còn nhớ đến chuyện đó nữa! Nung cũng biết thái độ lạnh nhạt của mợ Tám nên cũng không muốn làm nghề trên quận. Hắn về lại làng cũ tham gia bộ phận giao liên của đơn vị cô Ba. Trong một lần đi liên lạc, hắn dẫm phải mìn do đơn vị cô Ba gài đặt ven đường chờ địch. Xác hắn tung tóe khắp nơi. Cô Ba và đồng đội phải đợi đêm xuống thu nhặt xác Nung đem chôn cất trên một cái gò cao rậm ven chân núi. Lòng thù hận và cuộc chiến đã làm cho nước mắt cô ráo hoảnh. Cô chỉ buồn chuyện mất em trai ít bữa rồi lại cùng các đơn vị chi viện ngoài bắc vào cùng nhau phối hợp nỗ lực các trận đánh trong vùng núi xa. Cô đã chôn rất nhiều đồng đội, lập nhiều chiến công giết thù nên được thưởng nhiều danh hiệu anh hùng!.. . Tâm hồn cô giờ chai sạn như bàn tay đen rám cầm súng của mình!

o0o

Cuộc chiến tranh tương tàn cũng tới hồi kết thúc. Mỹ rút về nước, chẳng chiếm một thước đất nào, đảo Hoàng Sa của tổ quốc bị người anh em hữu nghị phương bắc cướp đoạt nhân miền bắc lo tập trung chiếm cho bằng được miền nam dưới sự hỗ trợ ào ạt đủ loại vũ khí và quân lương của Nga Tàu! Tháng ba năm bảy mươi lăm, cô cùng đồng đội theo đơn vị lính chính quy ngoài kia về lại quận. Cô nghe bà con cũ khuyên đừng ghé thăm nhà người mợ vì bà đã tuyên bố không hề có đứa cháu nào tên là Thảo cả! Thảo là tên đi học của cô Ba. Cô Ba lặng lẽ tìm phần mộ của ông cậu trong nghĩa địa thắp hương xin tha thứ! Cô về làm việc tại bộ phận thương binh xã hội. Nhờ có thành tích và từng học lớp đệ ngũ tức lớp tám đươc gọi là có trình độ nên cho vào đảng, cơ cấu ban lãnh đạo cơ quan! Ban ngày cô làm chức trưởng phòng, tối đến cắp sách vở học bổ túc văn hóa cấp tốc nên chỉ ba năm sau cô đậu tốt nghiệp phổ thông được đề bạt làm phó giám đốc sở. Về sau, chức vụ này cần có bằng đại học!. Thế là cô được cơ quan cho đi học đại học tại chức ngành lý luận chính trị tại Đà Nẵng. Với cách học nhanh, học hấp tấp theo lối tại chức, chỉ hai năm rưỡi cô cùng các cán bộ đương chức có ngay tấm bằng gọi là cử nhân lý luận chính trị  bậc đại học!  Mỗi lần đến kỳ thi cuối khóa, cô và các cán bộ đương chức góp nhau chung một bì thư và quà cáp cho ông thầy môn học! Thế là tất cả đều đậu đạt! Chuyện mua chuộc người gọi là làm thầy vẫn thường xảy ra trong cái xã hội bát nháo này! Và chuyện có tấm bằng cử nhân coi cũng dễ òm, bất kể là loại cử nhân gì!. Nhiều người còn tham lam, với nhiều thứ thủ đoạn hay ho hơn, lấy cho được tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ gì đó cũng dễ ợt để cho có oai danh với thiên hạ và có cơ sở thăng quan tiến chức!

Ít lâu sau cô Ba Thảo giờ đã ba mươi hai tuổi quen biết với một đồng đội cũ đóng lon trung tá thương binh xin hỏi cưới. Hai người có nhau một đứa con gái đầu kháu khỉnh nhưng khi cháu lên năm tuổi, một cơn bệnh nặng đã đem cháu đi qua thế giới khác. Cô được cấp một lô đất trong khu qui hoạch dành cho cán bộ lãnh đạo và xây một căn nhà gạch hai tầng khang trang. Cách mấy năm sau, cô sinh đôi được hai bé trai nhưng bất hạnh thay hai đứa trẻ sinh ra đã bị bại liệt. Cô Ba Thảo và ông chồng quá đau khổ phải ráng sức nuôi hai trẻ. Họ không thiếu tiền của nhưng họ cảm thấy nỗi bất hạnh đang đổ ập lên gia đình họ. Những người quen ai cũng tội nghiệp cho gia đình cô Ba. Cô gạt đau khổ sang một bên nuôi nấng hai trẻ. Buổi sáng cô nhờ xe sở chở hai trẻ gửi trường khuyết tật, chiều tan sở đến đón về. Cứ thế, chúng cũng lớn lên nhưng đầu óc ngu ngơ! Ông chồng của cô do những vết thương của các trận đánh ngày trước cùng với căn bệnh ung thư gan đã ra đi ở tuổi gần năm mươi. Bà con bên ngoại nội hầu như không mấy ai muốn thân cận với cô Thảo. Quá khứ của cô có cái gì đó không ổn. Cô về làng cũ thăm họ hàng nhưng họ lãng tránh. Nhiều người thân của họ đã chết vì những họng súng thù địch của đơn vị cô nên họ làm sao quên cho được! Cô Ba bây giờ mới thấm thía. Một buổi tối cơn mưa xối xả, gió mạnh làm cây ngã đứt dây điện nên cả khu vực có nhà cô tối om. Cô đi ngủ sớm nhưng vừa chợp mắt đã nghe tiếng ai đó bước vào phòng. Cô nghe tiếng dép lê trong phòng và một gương mặt hiện ra trong bóng tối. Gương mặt cậu Tám! Cô thắp ngọn đèn cầy. Gương mặt biến mất! Phải hai cây đèn cầy thắp lên tàn ngún cô mới chợp mắt chút đỉnh và lại mơ màng thấy ông cậu hiện về, mình mẩy máu me. Ông trừng trừng nhìn cô Ba tức giận chẳng nói chẳng rằng! Cô Ba toát mồ hôi tỉnh dậy chong đèn cầy ngồi co ro trong góc giường không dám nằm xuống. Thế rồi, cách một vài tuần ông Tám lại hiện về. Căn bệnh mất ngủ của cô bắt đầu, chữa trị khắp nơi không khỏi được. Cô nhờ một cô nhân viên trẻ ở huyện đang làm ở sở cô về ở sát phòng cho đỡ sợ. Nhưng một thời gian sau cô nhân viên cũng nằm thấy nhiều oan hồn hiện ra quấy phá. Cô nhân viên phải khéo léo xin cô thủ trưởng cho về lại chỗ trọ cũ! Nhìn hai đứa con trai sinh đôi giờ đã trên hai mươi nằm co quắp trên giường cọ quậy chân tay do bại liệt, cô thấm thía nỗi đau khổ. Nhờ tiền bạc biếu xén thong thả, cô thuê người ở trong nhà chăm lo ăn uống, tắm rửa cho hai thanh niên nằm ngọ nguậy trên giường! Những giọt nước mắt của người làm mẹ cũng lăn nhẹ trên khuôn mặt mới năm mươi đã già xọm đi. Cô bắt đầu lặng lẽ đi chùa cầu xin chư Phật giúp cho tâm hồn được yên ổn. Cô chịu khó ngồi nghe các thầy giảng về luật nhân quả, luân hồi trong những ngày vía, ngày lễ ở chùa. Những bài giảng dần dần giúp cô thấy được phần nào những tai ương mà cô phải gánh chịu bấy lâu nay. Tiền của thu góp được trong chức việc, cô theo các đoàn từ thiện giúp cho các hộ nghèo ở vùng xa. Cô mua nhiều sách về đạo Phật loại phổ thông để tìm học. Dần dần, cô thấy lòng mình không còn u ám như trước. Những oan hồn và cậu Tám cũng không còn hiện về nữa. Tuy làm cán bộ lãnh đạo, cô vẫn ăn chay thường xuyên chỉ trừ khi đi dự họp ăn tiệc cô ăn lấy lệ trước mọi người thôi. Có người trong đảng hỏi vì sao cô ăn chay, cô đáp là tôi ăn kiêng cho đỡ mập!

o0o

Khi cô năm mươi ba tuổi, hai chàng thanh niên tật nguyền của cô bỗng dưng bỏ ăn, gầy mòn rồi ít lâu sau lên cơn co giật và lần lượt ra đi cách nhau mấy ngày đến cõi khác. Cô Thảo rất đau đớn nhưng nhờ nghe kinh kệ nên cô hiểu được nghiệp duyên của mình và các con. Nấn ná đến năm mươi lăm tuổi, theo chính sách cô được về hưu. Ở trong vùng quê sát chân núi có một am tranh lợp ngói sơ sài thờ Phật. Cô âm thầm bán nhà đem tiền về quê sửa sang cái am thành một ngôi chùa nhỏ trang nghiêm và xin một hòa thượng ở một ngôi chùa trong tỉnh để qui y và xuống tóc đi tu. Sau những khóa học, ni cô Thảo với pháp danh Thích Nữ Thảo Như do hòa thượng trụ trì đặt, xin trở về ngôi chùa mới xây dựng xong để tu tập và phát huy chánh pháp. Cô đã mời các lương y có lòng cùng chùa lập phòng khám chữa trị đông y giúp cho xóm làng. Bây giờ, cô ít nhiều đã nghiệm ra được mọi sự đều vô thường, chỉ có con đường tu tập để dần dần thấy được lẽ đạo, lần hồi tu chỉnh cho cái tâm của mình được lắng đọng mới có thể đạt được sự an lạc cho mình và cho người. Đồng thời, cô bắt đầu hiểu được là một khi mình thực sự hòa giải với chính con người của mình mới mong hòa giải được với bà con cô bác trong làng và xa hơn nữa. Mợ Tám và các em con của ông cậu  ruột bây giờ nhìn cô Ba đã khác trước nhiều!

Saigon, tháng 9/2016
Dương Anh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét