ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Thầy Dương Anh Sơn
PHẦN HAI
CHƯƠNG III
KHÁI QUÁT VỀ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH (Tiếp theo)
Mục 2: CỖI NGUỒN CŨNG Ở LÒNG NGƯỜI MÀ RA
Với những nhận xét như trên, chúng ta thấy dù dưới nhãn quan của nguồn tư tưởng nào có ảnh hưởng trong Đoạn Trường Tân Thanh, ý nghĩa sự chứng đắc nơi tâm thức rộng mở của Kiều vẫn chỉ là một. Gọi bằng danh từ gì thì thực tại vẫn là thực tại, chân tính vẫn là chân tính. Tuy nhiên, chỉ dưới một nhãn quan cởi mở, không chấp trước đúng như tinh thần Thiền, chúng ta mới dễ dàng nhận ra điểm đồng qui của ba nguồn tư tưởng Nho, Lão, Phật trong sự soi tỏ ý nghĩa cuộc đời mà Thúy Kiều chỉ là hình ảnh tượng trưng. Vai trò của đạo Phật, qua tinh thần của Thiền là nhằm nối liền những dị biệt tư tưởng, những mối mâu thuẫn chắc chắn phải có giữa ba nguồn tư tưởng lớn của triết học Trung Hoa có ảnh hưởng quan yếu trong Truyện Kiều. Nhưng nếu trong “Dị “có “Đồng”, thì trong “Đồng” cũng có “Dị”. Vì thế, tuy có nhiều điểm then chốt tương đồng với hai tư tưởng Nho và Đạo gia, đạo Phật vẫn đóng một vai trò vượt hẳn lên trên để xác định những điều mà Nho và Đạo gia không thể giải quyết hợp tình, hợp lý và rõ nghĩa như chúng ta đã tìm hiểu ở các mục bên trên. Riêng trong các phần sau của Đoạn Trường Tân Thanh, đạo Phật cũng cho thấy đóng góp của mình trong việc giải quyết và xác định những điều mà Nho,Đạo gia còn đang ở trạng thái lấp lửng, nửa vời trên tiến trình biện chứng:
+ Nho : Tài → Mệnh → (Trung Hòa) → Tâm
+ Lão : Họa → Phúc → (Dương Hòa) → Tâm
Vậy chúng ta thử hỏi cái gì làm nền tảng cho sự Trung Hòa và Dương Hòa ? Đó chính là cái Tâm mà Đạo Phật thường đề cập đến. Chính vì thế, Nguyễn Du đã nhiều lần xác nhận:
“..... Phúc họa đạo trời (c. 2656)
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra"
Tố Như đã dành rất nhiều câu thơ để nói về nghiệp kiếp khổ đau này của nàng Kiều như chúng ta đã đề cập trong những phần về trước. Việc nhận ra và thấy được cuộc đời khổ lụy của mình (KHỔ ĐẾ) qua những suy nghĩ của nàng Kiều cũng chỉ là việc nhận ra và thấy sự thật ở một cấp độ NGỘ ở hạng thấp (Tục Đế). Nhưng nhờ cái Thấy (Ngộ) như thế, Thúy Kiều đã từng bước đi đến “CỘI NGUỒN”của cái thấy, cái NGỘ dẫu vẫn còn mức độ của Tục Đế. Để khi chọn cái chết nơi sông Tiền Đường và được cứu sống bởi Giác Duyên, nàng mới thấy rõ hơn ,sâu hơn và cao hơn là Chân Đế. Đó là sự chứng đắc: “Cỗi nguồn cũng ở lòng này mà ra” (c.2656) như Tam Hợp đạo cô [Nguyễn Du một cách nào đó đã gián tiếp cho rằng những người theo đạo gia và tu tập theo đạo Phật có sự pha trộn ,gần gũi khi ông đã viết câu bên trên (c.2651) gọi là Tam Hợp đạo cô nhưng qua câu 2655, 2679 lại đổi thành “sư” Tam Hợp: “Sư rằng phúc họa đạo trời...., Sư rằng: “Song chẳng phận gì! Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều..” - xem từ câu 2651-2690] đã chỉ rõ. Đức Phật đã từng giảng dạy cho các đệ tử: “Người nào thấy rõ được dukkha cũng thấy luôn nguyên nhân của dukkha, cũng thấy luôn sự diệt dukkha và cũng thấy luôn con đường đưa đến sự diệt dukkha“ [1]. Từ con nhà trâm anh để rồi do “thằng bán tơ kia dở dói ra” (Nguyễn Khuyến), Thúy Kiều bước vào cõi đoạn trường với lầu xanh, tiếp xúc bọn vô lại cùng biết bao nhiêu nỗi khổ nhục khác... Trong chốn đoạn trường đó, Thúy Kiều đã nhận ra sự vô thường của đổi thay cùng biết bao sự khổ của cuộc sống từ chốn này của bọn Tú Bà hoặc nơi khắc nghiệt của Hoạn thư và chốn doanh trại phong trần của Từ Hải... v.v... Đó là dukkha hay là Khổ đế. Nhận ra được khổ lụy từ thực tiễn và tâm thức để dần dần nàng đi tìm nguyên nhân của nỗi khổ đau mà mình phải gánh chịu trong chốn phong trần nằm ngay trong những nỗi khổ như thế là do tại lòng mình hay là cái Tâm của của bản thân! Chúng ta có thể phân tích và tóm tắt ba nguồn suối tư tưởng Nho, Lão và Phật đã đi qua những suy nghiệm của Thúy Kiều trong chặng đường đoạn trường như sau:
+ Nho : Tài → Mệnh → (Trung Hòa) → Tâm
+ Lão : Họa → Phúc → (Dương Hòa) → Tâm
+ Phật : Thân → Nghiệp → (Bình Đẳng) → Tâm và Vô tâm
Đạt đến Tâm bình đẳng là đạt đến tâm thái an nhiên tự tại, tấm lòng ngay chính tĩnh lặng, không còn bị ngoại cảnh lôi kéo cuốn hút vào bánh xe của nghiệp lực, của tham sân si ,của vô minh như chúng ta đã thấy hình ảnh "Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa" nơi Thúy Kiều được cảm nhận bởi Kim Trọng! Nói khác đi, Tâm bình đẳng là sự Vô tâm không còn bị quay cuồng của cuộc sống khổ lụy nữa!
Mục 3: MUA VUI CŨNG ĐƯỢC MỘT VÀI TRỐNG CANH
Nhìn chung ,cả ba nguồn tư tưởng Nho, Lão và Phật đã gặp gỡ nhau ở chỗ chữ Tâm, nhưng tinh thần “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Không có chỗ nào để trụ mới có thể sinh cái tâm kỳ diệu /Kim Cang Kinh) của Thiền gia lại phá chấp một lần nữa và vượt lên hẳn hai nguồn tư tưởng Nho và Lão để cho thấy: “Toàn cảnh đều là không, nào làm gì có hình tướng” (Mãn cảnh giai không hà hữu tướng - Đề Nhị Thanh Động) như Tố Như tiên sinh đã viết trong một bài thơ chữ Hán đã đề cập bên trên. Cho nên, ta có thể thấy tinh thần này đã phá bỏ những thành kiến thông thường về chữ Tâm trong đạo Phật, vì “kinh không chữ mới là chân kinh” (xem "Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Phật Đài" - Bắc Hành Tạp Lục).
Ngay trong Đoạn Trường Tân Thanh, cuối cùng của câu chuyện, Nguyễn Du tiên sinh đã thể hiện điều đó khi viết:
“Lời quê góp nhặt dông dài, (c. 3253)
Mua vui cũng được một vài trống canh !"
1/- Khi dùng câu thơ này để kết thúc tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh (c.3254), Tố Như tiên sinh đã đề cập đến một nguyên lý quan trong đạo Phật: Nguyên Lý vô thường. Những khổ đau mà Thúy Kiều phải chịu đựng khi từ nhà Viên Ngoại, con nhà gia giáo sống trong cảnh êm ấm bị đẩy vào chốn đoạn trường như một định nghiệp đen tối mà nàng phải bước vào theo dòng chảy của nó. Đức Phật đã từng dạy: "Bất cứ cái gì vô thường đều là Dukkha....đời người cũng thế ,giống như một dòng thác" "Vũ trụ là dòng tương tục và vô thường " [2]
2/- Mặt khác ,khi Tố Như viết: “Mua vui cũng được một vài trống canh”, tiên sinh đã đứng trên tinh thần phá chấp để nói về công trình sáng tạo của mình. Thêm vào đó , nhìn kỹ hơn ,mười lăm năm đoạn trường tuy dài cũng chỉ là như cái chớp mắt hay một "sát na" mà đạo Phật thường nói đến . Nguyễn Du cũng nói một cách tương ứng:
"Tưởng bây giờ là bao giờ , (c.3012)
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!”
Hoặc:
"Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm!" (c.3020)
Đó là giấc mộng huyễn của vòng xoáy vô thường . Đứng trước sự đổi dời ,tấm lòng tiên sinh vẫn “thường định không rời thiền” (Thử tâm thường định bất ly thiền - Đề Nhị Thanh Động ,BHTL). Nếu đọc kỹ nhiều bài thơ chữ Hán của Tố Như ,chúng ta sẽ nhận thấy ông rất thấm nhuần tư tưởng Thiền tông của đạo Phật .Tinh thần cởi bỏ và phá chấp là một trong những tư thái mà thiền tông vẫn sử dụng để thắng ngã mạn cũng như giúp tiến đến nhận thức chân lý cao hơn. Dùng nơm bắt cá, được cá quên nơm. Dùng thuyền qua sông, qua sông phải bỏ lại thuyền.... Để rồi Thúy Kiều mới nhận ra: “Tẻ vui bởi tại lòng này” (c.3209) thông qua sự cảm nhận từ Kim Trọng. Như thế, ta có thể tóm tắt tiến trình biện chứng của ba nguồn tư tưởng Nho, Lão và đạo Phật đã đề cập bên trên:
+ Nho gia: Tài → Mệnh → Trung Hòa --> Tâm
+ Đạo gia: Họa → Phúc → Dương Hòa → Tâm
+ Đạo Phật: Thân → Nghiệp → Bình Đẳng → Tâm --> Vô Tâm
<----------------Tục Đế------------------------------------><-Chân Đế->
3/-Tiến trình thứ tư với chữ Tâm đã là Chân Đế so với những Tục Đế đi trước cho thấy vị thế của tư tưởng đạo Phật trong Truyện Kiều khi Thúy Kiều đi thêm một bước để nhận ra THÂN và từ đó đi đến chỗ thấy và ngộ ra Thân luôn gắn liền với Nghiệp. Song phải bước nữa bằng tinh thần của Thiền, tư tưởng đạo Phật trong Đoạn Trường Tân Thanh mới đạt đến chỗ cốt yếu ở chỗ phải buông bỏ để chỉ còn VÔ TÂM của Tánh Không rỗng lặng, sâu xa:
+ Thân ---> Nghiệp ----> Tâm (Tục Đế) → TÂM VÔ TÂM (Tánh Không) (Chân Đế Rốt Ráo)
[ 身 業 心 心無心 (性空) ]
Đạt đến chỗ Tánh Không này tức là Tố Như tiên sinh đã thấu rõ được Nguyên lý Vô Thường ("mua vui cũng được một vài trống canh") trong đạo Phật. Thấy được nguyên lý vô thường, cũng thấy được ý nghĩa cuộc đời mà Kiều với bao nỗi đắng cay của giai đoạn khổ lụy đoạn trường chỉ là một biểu tượng trong muôn ngàn biểu tượng khác nhau của kiếp người! Và ở đây tưởng cũng nên nhắc lại Cái Thấy (hay là Ngộ) của Thúy Kiều ở giai đoạn tái hợp ,sum họp một nhà... v.v... cũng tịch lặng như Tánh Không vì Kiều không hề nói đến niềm an lạc mà nàng đang có. Hình tượng Kim Trọng mà Tố Như xây dựng trong câu chuyện được sử dụng như là một kẻ làm chứng để xác nhận sự thay đổi của tâm thức Thúy Kiều sau khi trải qua bao Sự Khổ, bao nỗi đoạn trường và phải Chết đi và để được Sống lại bên dòng Tiền Đường như chúng ta đã trình bày ở các phần trên. Chúng ta hãy nghe những gì Kim Trọng cảm nhận được từ hình ảnh của Thúy Kiều đã đổi khác và khởi sắc sau cuộc đoạn trường ròng rã mười lăm năm:
"Trời còn để có hôm nay, (c.3121)
Tan sương ngoài ngõ,vén mây giữa trời.
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa!
Có điều chi nữa mà ngờ!"
Những cụm từ "tan sương", "vén mây", "hoa tàn", "thêm tươi", "trăng tàn", "hơn mười rằm xưa".... nối tiếp nhau để tô điểm cho sự an vui mà Thúy Kiều đạt được. Thêm vào đó khúc đàn "đầm ấm dương hòa", "êm ái xuân tình", "trong", "ấm", "lọt tai", "xôn xao" (c.3199 - 3206) xác tín sự an vui thật sự mà Thúy Kiều đạt đến. Ba câu thơ kế tiếp lại tô đậm sự xác tín này qua lời của Kim Trọng:
Chàng rằng: "Phổ ấy tay nào? (c.3207)
Xưa sao sầu thả giờ sao vui vầy?
Tẻ vui bởi tại lòng này,
Hay là khổ tận đến ngày cam lai?!
Mặt khác, khi trả lời Kim Trọng, Thúy Kiều của Tố Như đã định ra con đường tu tập, con đường mình nên chọn sau mười lăm năm đoạn trường:
"Từ rày khép cửa phòng thu, ( c.3107)
Chẳng tu mà cũng như tu mới là“
Đó là sự giải thoát khỏi những ràng buộc và hệ lụy: Tu mà lại chẳng tu; chẳng tu mà lại tu...... là pháp môn của những bậc đạt đến lẽ đạo theo tinh thần Thiền tông với tư thái ung dung tự tại!
* * *
Những hình ảnh liên tiếp chất đầy niềm an lạc toát ra từ Thúy Kiều hay thông qua tiếng đàn của nàng đã được Kim Trọng nhận ra không còn gì để nghi ngại (Có điều chi nữa mà ngờ -c.3125). Như thế, chính giai đoạn mới của Cái Thấy, của tâm thức Thúy Kiều mà chúng ta có có thể xem như Chân đế hay là Cái Thấy chân thực cao hơn khi bước qua Sự Khổ. Dĩ nhiên, trong tư tưởng đạo Phật, chúng ta đều hiểu rằng đạt đến Chân Đế trong quá trình tu tập và chứng ngộ của đạo Phật chỉ là bước đầu của quá trình chứng đắc Tứ Diệu Đế. Nếu không nỗ lực tu tập và chứng đắc tiếp tục, Chân Đế rồi sẽ trở thành Tục Đế! Kẻ tìm cầu chân lý lại phải nỗ lực nhiều hơn để đạt đến Chân Đế cao hơn trước. Quá trình biện chứng đi đến chỗ rốt ráo như thế có thể tóm tắt:
TÂM -------------> VÔ TÂM----------> TÁNH KHÔNG
(Tâm: Tục Đế ---> Vô Tâm: Chân Đế ----> Vô Tâm: Tục Đế ----> Tánh Không: Chân Đế....)
Nếu hỏi rằng TÂM là gì, TÁNH KHÔNG là gì cũng ví như hỏi: Làm thế nào để định nghĩa rốt ráo một bông hoa đẹp? Làm thế nào để tìm cái đẹp khi chẻ một bông hoa để tìm kiếm ?! – Tố Như trong Đ.T.T.T. chưa bao giờ định nghĩa hay phân tích tâm là gì hay định hình, định tướng của nó như thế nào. Nhưng với tinh thần phá chấp của Ba La Mật Đa Tâm Kinh mà Tố Như đã thâm ngộ (“Kinh không chữ mới là chân kinh” /Nguyễn Du /Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài /Bắc Hành Tạp Lục) việc thấy hay là ngộ ra chân tâm với cái nhìn “Vô tâm” chỉ được thể hiện qua vẻ mặt hay tiếng đàn của Thúy Kiều mà chàng Kim đã nhận ra, còn Thúy Kiều không hề nói đến niềm an lạc như một bông hoa rạng rỡ này!
* * *
Chỉ dưới lối nhìn và tinh thần của Thiền, chúng ta mới nhận ra và chấp nhận sự tương hợp giữa ba nguồn tư tưởng kể trên. Giá trị thực sự của tư tưởng Thiền đóng góp trong Truyện Kiều cũng chỉ nhằm giúp ta nhận chân sự kiện đó. Và cuối cùng, có lẽ chúng ta phải lặng im để ngôn từ của chính Đoạn Trường Tân Thanh lên tiếng thổ lộ ý nghĩa của nó. Ngoài sóng không có nước, ngoài nước không có sóng, ngoài ngôn từ không đâu có ý nghĩa thâm sâu và ngụ nghĩa. Và ngoài ý nghĩa sâu lắng, ngôn từ chỉ là một mớ chữ được sắp đặt khéo léo văn hoa mà thôi nếu không tìm thấy cho rốt ráo ý nghĩa đích thực hay ngụ nghĩa của tác giả khi biên soạn tác phẩm giàu tính chất văn chương như Đoạn Trường Tân Thanh
------------------
[1] W. Rahula, Con đường thoát khổ, dịch giả Thích Nữ Trí Hải, Ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh XB, Saigon 1966, tr.47
[2] W.Rahula, Sđd, tr. 45, 46
(Lần đến: PHẦN BA: NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT QUA NGUYỄN DU VÀ TRONG Đ.T.T.T, CHƯƠNG I)
Dương Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét