Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2025

Tân Niên Hội Ngộ

 


TÂN NIÊN HỘI NGỘ 
Lê Đức Luận 

Cách nay năm mươi năm hay nói cách khác là đúng nửa thế kỷ cho có vẻ xa xưa, một cuộc chia tay trong ngậm ngùi của năm người bạn tri kỷ. Năm ấy - năm 1975 - họ vào lứa tuổi trên ba mươi, cái tuổi đầy năng lực và ước mơ… Vậy mà thời thế đã đưa đẩy họ đến bước đường cùng với bao gian khổ… Tưởng rằng cuộc đời đã tàn trong ngõ hẹp.

Nhưng Trời cho họ còn sống sót!

Bây giờ sắp bước vào độ tuổi tám mươi, cái tuổi đợi chờ xa rời trần thế, họ hẹn gặp lại nhau nơi “Thiên đàng hạ giới”- Hawaii - vào dịp đầu năm 2025 này.

Năm người bạn tri kỷ đó đã trải qua tuổi thơ êm đềm và vui chơi với nhau nơi làng quê trù phú - đánh bi, đánh đáo, câu cá, thả diều… và cùng học ở một ngôi trường làng.

Những kỷ niệm đó còn hằn in trong ký ức…

Lớn lên họ cùng ra Thị xã Tuy Hòa học lên bậc Trung học - đứa vào được trường công lập Nguyễn Huệ, đứa vào trường tư thục:

Đặng Đức Tuấn, Bồ Đề… Và sau bao năm cố gắng học hành, tất cả năm đứa đều lấy được bằng Tú Tài 2 và cùng vào Sài Gòn học tiếp.

Như những con chim đủ lông đủ cánh, tự chọn cho mình một hướng bay - những mong tạo nên sự nghiệp để giúp đời và đền đáp công ơn cha mẹ. Nhưng bất hạnh thay đất nước lâm vào cảnh chiến tranh - họ phải bỏ lại sau lưng “khung trời Đại học” đi vào chiến trường khốc liệt xuất phát từ cái “ý thức hệ chính trị” oái oăm.

Năm người bạn tri kỷ ấy - ba người gia nhập Quân đội Việt Nam Cộng Hòa với lý tưởng: chiến đấu chống lại sự xâm lược của Cộng sản để bảo vệ nền Tự do, Dân chủ cho Miền Nam; một người vô bưng theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam với lý tưởng: “Đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào” để xây dựng chế độ theo Chủ nghĩa Xã hội; còn một người không đủ tiêu chuẩn gia nhập quân đội VNCH vì lý do sức khỏe thì vào trường Dược.

Trải qua hơn mười năm trong lửa đạn, đến ngày 30-4-1975, Cộng sản Miền Bắc đánh chiếm toàn bộ Miền Nam. May mắn thay, năm người vẫn còn sống sót! Nhưng một tháng sau cái ngày “đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào”, chỉ có một người hân hoan, còn bốn người “thọ nạn”.

Tuy không còn đối mặt với chiến trường đẫm máu, nhưng ba người phục vụ trong Quân đội Việt Nam Cộng Hòa lại “nếm” cảnh huynh đệ tương tàn trong trại tù “tập trung cải tạo” của cộng sản gần bảy năm.

Một người học ra Dược sĩ, mở được hai tiệm thuốc tây (Pharmacies) bị đánh tư sản và đuổi đi vùng kinh tế mới - sống đời cơ cực và bi thảm: vợ chết, con đau… được người bạn “ra bưng” can thiệp trở lại thành phố, rồi ngày ngày ra chợ trời chạy mối buôn bán thuốc tây - kiếm sống qua ngày.

Người “ra bưng” hân hoan được vài năm thì bị các đồng chí miền Bắc cho “ra rìa” sau ngày Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị giải tán (4-2-1977) nên bất mãn, rồi gia nhập vào “Câu lạc bộ những người kháng chiến Nam Bộ cũ” cho bớt nỗi thất vọng ê chề… thì lại bị các đồng chí miền Bắc “đì” cho đến bến - may là chưa đưa vào trại “cải tạo” ở chung với “Ngụy quân, Ngụy quyền”. Từ đó, người bạn “ra bưng” lang thang cơ cực như một cùng đinh Nam Bộ - được người bạn Dược sĩ hướng dẫn cách “chạy chợ trời” - lây lất kiếm sống: bữa đói, bữa no…

Rồi một buổi chiều, chợ trời vắng khách, anh chàng Dược sĩ lượm trang giấy báo gói xôi in tiếng Pháp đọc chơi đỡ buồn…

Không ngờ trong đó có bản tin: “Nước Côte d’ Ivoir rất dễ dãi và tốt bụng - sẵn lòng giúp đỡ những kẻ khốn cùng đến định cư…

Đêm hôm ấy anh chàng Dược sĩ ngồi viết bức thư gởi đến Tổng Thống Houphouet, một người nổi tiếng nhân từ đang lãnh đạo đất nước này. Thư anh viết như lời tâm sự của một người tù đang sống trong xà lim tăm tối, mơ ước được thấy ánh sáng tự do… gởi đến cho một người thân.

Thư gởi đi, anh không hy vọng nhiều, nhưng vẫn ước mơ. Và chuyện xảy ra như phép lạ: Hai tháng sau, anh ta nhận được visa và vé máy bay cho ba cha con đến nước Côte d’Ivoir.

Mặc dù biết các nước Phi châu chưa phát triển, nhưng muốn thoát khỏi cái chế độ khắc nghiệt ở Việt Nam, anh ta bán chiếc nhẫn cưới dấu được khi bị đánh tư sản để lo giấy tờ xuất cảnh.

Ba cha con anh ta rời Việt Nam đến Côte d’Ivoir, gây ngỡ ngàng cho nhiều người, nhất là với người bạn “ra bưng”.

Khi ba người bạn phục vụ cho chế độ cũ được ra tù, bốn người bạn tri kỷ còn lại gặp nhau trong hoàn cảnh bi đát… Và họ lại chia tay, đi tìm cuộc sống tự do.

Hai người âm thầm vượt biên - một người được tàu Đan Mạch vớt, một người được vào nước Úc; còn một anh được sang Mỹ theo diện HO vào năm 1991.

Những bước đầu trên đất khách, anh Dược sĩ làm “nghề viết mướn”, mấy đứa con chiên chả giò đi bán dạo, vài năm sau mấy cha con mở một tiệm phở - rất đông khách…

Anh đến Úc làm việc ở nông trại một thời gian ngắn, rồi sang một tiệm bán đồ ăn trưa (Lunch Bar) - rất khấm khá…

Một anh qua Mỹ theo diện HO được hưởng trợ cấp một thời gian, rồi xin vào làm việc trong hãng sản xuất máy bay Boeing - cuộc sống ổn định…

Riêng anh chàng được tàu Đan Mạch (Danmark) vớt và cho định cư ở nước này - mô tả nôm na “như chuột sa bồ nếp”. Đan Mạch được xem là một nước hạnh phúc nhất, nhì trên thế giới - một xứ không có người nghèo. Những người xin định cư ở Đan Mạch, khi nhận được thẻ thường trú được hưởng phúc lợi xã hội đầy đủ về mọi mặt như người dân bản xứ - đời sống chất vật chất và bảo hiểm sức khỏe coi như nhất cõi nhân gian. Vậy mà đôi khi anh ta tự hỏi:

“Những con chim được nuôi trong lồng son gác tía và những con chim đang tung bay tìm mồi trong trời đất bao la… không biết con nào sẽ hạnh phúc hơn con nào?”

Câu hỏi đó cho ta thấy hạnh phúc chỉ là một khái niệm tương đối và sự phức tạp của con người khi cảm nhận về nó.

Bây giờ bước vào tuổi tám mươi, mỗi người một cảnh, không còn bận tâm với chuyện “cơm áo gạo tiền” vì con cái đã học hành thành đạt và có cuộc sống ổn định, không cần đến sự phụ giúp của cha mẹ, nên năm người bạn tri kỷ muốn gặp lại nhau - gặp nhau, không phải để bàn tính chuyện quốc gia đại sự, cũng chẳng phải xem mặt các bạn già đến cỡ nào vì ngày nay với chiếc điện thoại thông minh, chỉ vài cái bấm là nhìn thấy mặt nhau, tha hồ tâm sự… Nhưng họ muốn gặp nhau cho “thỏa tấm lòng”.

Mong được gặp nhau cho “thỏa tấm lòng”, nhưng khi gặp nhau rồi lại thấy “lòng thêm bận”.

Những người đang sống ở nước ngoài bận lòng với tâm trạng “một cảnh hai quê” - cái quê hương gắn bó quá nửa đời người, biết bao kỷ niệm thân thương… nơi đó còn mồ mả cha ông và những người thân yêu ruột thịt cứ mãi canh cánh trong lòng; còn nơi quê hương thứ hai đang sống thì nặng mối ân tình, nên bận lòng chưa biết chọn nơi nào là chốn dung thân tốt đẹp cho tuổi già?

Còn người “bám trụ” với quê hương cũng không khỏi bận lòng.

Quê hương yêu dấu ngày nào, bây giờ bị lung lạc bởi ý niệm: “Yêu quê hương là phải yêu xã hội chủ nghĩa!” Yêu quê hương thì đã sẵn lòng, nhưng yêu cái “xã hội chủ nghĩa” thì rất khó lòng! Vì cái chủ nghĩa ấy đã làm mất dần tình tự dân tộc và đưa đất nước đến chỗ bần cùng. Thực tế cho thấy các nước theo Xã Hội Chủ Nghĩa đều lụn bại. Cái chủ nghĩa ấy cũng tạo nên một “giai cấp thống trị mới” đặt quyền lợi của đảng Cộng sản trên quyền lợi Quốc gia Dân tộc và chỉ có thiểu số đảng viên cộng sản được hưởng đặc quyền, đặc lợi còn hạnh phúc của người dân thì “được chăng hay chớ”. Việt Nam không tránh khỏi cái hệ lụy đó. Cho nên trên năm mươi năm xây dựng chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở Miền Nam và hơn ba phần tư thế kỷ ở Miền Bắc vẫn còn rất nhiều người không yêu nổi cái chủ nghĩa ấy và mong muốn tìm cuộc sống tự do ở nước ngoài.

Đó là nỗi lòng trăn trở đối với quê hương của những người đã trải qua trong cuộc “chiến tranh huynh đệ tương tàn”. Những người còn sống sót, nay cũng đến tuổi bảy, tám mươi. Họ nhìn lại và suy ngẫm: “Quê hương chỉ có một, nhưng sao lòng người cứ mãi phân ly?”

Ông già đang sống trong nước hỏi các bạn:

- Chừng nào người Việt mình ở nước ngoài và người trong nước mới nhìn cùng một hướng về việc xây dựng quê hương?

Ông già ở Úc:

- Khi những người này quên đi hoài niệm.

Ông già ở Mỹ:

- Khó đấy! Cuộc chiến mấy mươi năm giữa những người theo chủ nghĩa Cộng sản và những người theo chủ nghĩa Quốc gia Dân tộc đều chưa đem lại cho quê hương sự yên bình thịnh vượng. Nhưng hoài niệm về sự tranh đấu và hy sinh của họ rất khó phai mờ trong ký ức.

Ông già ở Phi châu:

- Vậy khi nào thế hệ “đi làm cách mạng giải phóng quê hương” và thế hệ chiến đấu “bảo vệ lý tưởng Tự do, Dân chủ cho Quốc gia Dân tộc” đi chầu Diêm Vương thì quê hương mới được bình an và người Việt Nam mới đoàn kết được.

Ông già ở Đan Mạch phát biểu:

- Chưa đâu! Dù cho đám già này không còn hiện hữu, nhưng câu:

“Hy sinh đời bố, củng cố đời con” còn được “truyền thừa” cho thế hệ trẻ có cha ông là đảng viên cộng sản.

Ông già ở Việt Nam than:

Vậy thì còn lâu dân tộc ta mới “hòa giải hòa hợp” được?

Ông già ở Mỹ:

- Nếu mọi người Việt Nam ý thức được rằng: “ Quyền lợi Quốc gia Dân tộc là trên hết. Đảng phái chỉ là phương tiện trong một giai đoạn lịch sử. Tình tự dân tộc là chất keo gắn bó toàn dân để tạo nên nội lực quốc gia, chứ không đến từ sức mạnh của một đảng phái. Hiểu như thế thì sự đoàn kết sẽ đến.

Ông già ở Úc quay sang ông già đang sống ở Việt Nam:

- Vậy ông về bảo chúng nó vứt cái câu thần chú: “Còn Đảng còn ta” đi cho tương lai dân tộc được tốt đẹp hơn.

Ông già ở Việt Nam:

- Đấy! Trời sinh ra cái miệng để ăn và nói - ăn sao cho khỏi bệnh, nói sao cho khỏi ở tù. Đó là nỗi khổ tâm của dân ta ở trong nước hiện nay. Bây giờ đồ ăn, thức uống của Trung Quốc tràn ngập thị trường - giá rẻ nhưng tẩm nhiều hóa chất độc hại nhằm đầu độc dân ta, nên ăn phải coi chừng; còn nói cũng phải coi chừng - nói mà không đúng chính sách sẽ bị ghép vào tội phản động.

Ông già ở Côte d’Ivoir hỏi:

- Nghe nói Việt Nam bây giờ kinh tế phát triển và chính trị cũng được đổi mới nhiều lắm kia mà?

Ông già ở Việt Nam, trả lời:

- Phát triển kinh tế thì có - từ nền kinh tế quốc doanh sang kinh tế thị trường - bắt chước theo mô hình Tư bản chủ nghĩa, giúp đời sống của người dân khá hơn trước. Hy vọng khá hơn các nước ở Phi châu một chút!?

- Còn “đổi mới chính trị” - các cán bộ cộng sản bây giờ thường hay nói “đổi mới tư duy”. Đây là một tiếng thời thượng ở trong nước hiện nay, nhưng ta cứ nói “đổi mới suy nghĩ” cho dễ hiểu. “Đổi mới tư duy” hay “đổi mới suy nghĩ” cũng phải theo “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đòi hỏi đổi mới theo kiểu khác sẽ bị coi là “âm mưu của các thế lực thù địch”, là “đứng bên lề trái” - chống phá cách mạng. Cổng “trại tập trung” luôn thấp thoáng trước mắt những người muốn đổi mới theo cách khác.

- Nói về “đổi mới” và “phát triển” của Việt Nam hiện nay, có nhiều nhận định khác nhau tùy theo góc nhìn của từng người. Nhưng có một điều nói ra không bị coi là phiến diện là: “đổi mới” đã làm mất đi “cái hồn của quê hương dân tộc”. Bây giờ người ta khó tìm thấy cái êm ả ở phố biển Nha Trang, cái nên thơ ở thành phố cao nguyên Đà Lạt, cái hồn hậu của người Sài Gòn, cái lễ phép của trẻ thơ ngày trước, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa và bây giờ cũng ít nghe thấy tiếng cảm ơn, xin lỗi...

Ông già ở Úc thêm vào:

- Có người phát biểu thế này: Sự phát triển ở Việt Nam ngày nay giống như sự phát triển của cây tầm gởi. Nhìn mặt nổi thấy có phát triển, nhưng xét theo thời gian thì xem như không có gì đáng kể.

- So sánh với nước Nhật ta sẽ thấy: Sau khi bại trận trong Thế Chiến Thứ Hai, họ xây dựng lại nền công nghiệp trên đống tro tàn, nhưng chỉ hai mươi năm sau trở thành cường quốc.

- Với Nam Hàn: Khi ông Park Chung Hee lên cầm quyền 1961, ông đã khóc trước sự nghèo đói của dân chúng - lúc đó bình đầu người (GDP) ở Nam Hàn là 94 USD/người. Mười tám năm sau, năm 1971 Nam Hàn được xem là Con Rồng Á châu - bình quân đầu người đạt đến 1784 USD, đến năm 2023 là 33.147 USD *

- Còn Việt Nam trải qua năm mươi năm xây dựng “xã hội chủ nghĩa” có lúc bị xếp vào một trong các nước nghèo nhất thế giới.

Bây giờ Việt Nam có phát triển - từ nghèo đói tiến lên bình quân đầu nguời (GDP) năm 2023 là 3.462 USD - hơn Lào (2.567USD) và Campochia (1.572 USD) * Nhưng trong thời gia qua, con dân nước ta phải tìm cách đi làm công nhân hay đi làm đầy tớ (osin) ở các nước mà trước năm 1975 được xem là kém phát triển hơn Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có Nam Hàn.

So sánh con số bình quân đầu người GDP giữa Việt Nam và Nam Hàn ngày nay và sự bươn chải của dân ta mà thấy đau lòng!

Rồi cứ thế niềm đau dân tộc tuôn tràn!

Một ông bạn nhắc lại: Sau Đệ Nhị Thế Chiến, các nước Á Phi lần lượt giành được độc lập không phải tốn hao xương máu, trong khi Việt Nam phải trải qua chín năm kháng chiến gian khổ để rồi đưa đến cảnh: Đất nước chia đôi! Độc lập không vẹn toàn!

Đến khi thế giới bước vào thời kỳ chiến tranh lạnh - hai phe Cộng sản và Tư Bản tranh giành quyền lực thống trị thế giới - cụ thể là giữa Nga và Mỹ. Lãnh tụ một số quốc gia Á Phi họp hội nghị ở Bandung, Indonesia ngày 24-4-1955 đề ra đường lối “Trung lập phi liên kết” để bảo vệ nền độc lập tự chủ và phát triển kinh tế cho quốc gia của mình thì ở Việt Nam các nhà lãnh đạo Miền Bắc xung phong “đi làm nghiã vụ quốc tế vô sản” để bành trướng chủ nghĩa Cộng sản theo chỉ thị của Nga, Tàu; còn các nhà lãnh đạo Miền Nam theo Mỹ “làm tiền đồn” cho thế giới Tự do chống lại sự bành trướng của Cộng sản để bảo vệ nền Tự do Dân chủ cho Miền Nam và các nước Đông Nam Á.

Máu của người Việt Nam đã đổ, quê hương Việt Nam điêu tàn!

Ngẫm ra mà thấy đau lòng cho thân phận quốc gia nhược tiểu của mình đã bị các cường quốc xâu xé, lợi dụng và áp đặt và tiếc cho dân tộc mình không có những lãnh tụ tài ba lèo lái đất nước và nhân dân qua cơn “địa chấn chính trị” sau Thế Chiến thứ hai.

Các cường quốc cung cấp vũ khí cho người Việt hai miền Nam - Bắc đánh nhau đến trời long đất lở! Vũ khí là của các cường quốc, còn xương máu là của người Việt Nam cùng chung nòi giống.

Đến khi các cường quốc thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam vì quyền lợi của họ. Miền Nam bị Đồng Minh Mỹ bỏ rơi - xóa sổ cái “tiền đồn chống cộng”. Và khi chế độ Cộng sản ở Liên Xô sụp đổ và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu tan rã thì đoàn quân “đi làm nghĩa vụ quốc tế” ngẫm ra mới thấy sai lầm. Tiếp theo Miền Bắc bị đàn anh Trung Cộng “dạy cho bài học” với cuộc chiến tranh biên giới 1979 thì cái mơ tưởng “tiến lên thế giới đại đồng” của chủ nghĩa Cộng sản tan theo mây khói.

Thực chất cuộc chiến tranh là thế! Nhưng còn có nhiều người Việt Nam chưa thức tỉnh, chưa thấy vết nhơ lịch sử trong cuộc nội chiến tương tàn trong hơn hai mươi năm đã làm đất nước điêu tàn, nhân dân thống khổ…

Đến bây giờ vẫn còn những người hãnh tiến tung hô chiến thắng! Còn mê muội cố tình loại bỏ, đố kỵ, thanh trừng những thành phần yêu nước nhưng không cùng chính kiến.

Biết đến khi nào mọi người Việt Nam ý thức được rằng: Quốc gia Dân tộc là trên hết. Dân tộc là điểm tựa duy nhất cho sự đoàn kết toàn dân để đưa quốc gia đến hùng cường, nhân dân được hạnh phúc?

Một ông bạn nhắc đến câu nói rất xưa, nhưng ngàn đời vẫn còn giá trị: “Làm thầy thuốc mà sai lầm thì giết một người; làm chính trị mà sai lầm thì tàn hại cả nước; làm văn hóa mà sai lầm thì gây tai họa cho muôn đời.”

Hơn ba phần tư thế kỷ, ở Việt Nam đã có nhiều người làm chính trị sai lầm, khiến đất nước tụt hậu. Nhìn sang các nước lân bang như Thái Lan, Đại Hàn, Singapore, Nhật Bản… thấy họ vượt xa Việt Nam trên nhiều phương diện. Biết bao giờ Việt Nam mới theo kịp?

Sau hơn hai tuần họp mặt, năm người bạn tri kỷ chia tay nhau ở phi trường quốc tế Honolulu - trong lòng còn vương vấn tình bạn, tình người và cảnh đẹp trên hòn thần tiên mang danh Thiên Đàng Hạ Giới và mang trong lòng một niềm mơ ước: “Mong cho dân ta thức tỉnh - cùng phát huy tinh thần Dân tộc để tạo được sự đoàn kết toàn dân - đưa đất nước tiến lên ngang tầm với các quốc gia lân bang và đem lại bình an, hạnh phúc cho mọi người.”

LÊ ĐỨC LUẬN

(Tháng 1- 2025)

*Số liệu tham khảo từ IMF (International Monetary Fund).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét