- Phản ứng ngược làm cho quốc tế càng quan tâm
Mạch Sống, ngày 16 tháng 2, 2025 http://machsongmedia.org Ngày 11 tháng 2 vừa qua, tổ chức CSW có trụ sở trung ương ở Anh Quốc đã phát đi lời phát biểu của vị Chủ Tịch Sáng Lập, Ông Mervyn Thomas, về sự việc nhà nước Việt Nam cấm xuất cảnh 3 chứng nhân được mời tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế: “... có 3 người Việt đã từng bị bách hại vì đức tin ở Việt Nam. Họ bị ngăn cản không thể đến hội nghị này ở DC. Tại phi trường ở Việt Nam, họ bị bắt quay lui vì nhà nước không muốn họ đến hội nghị này. Điều đó nói lên tầm quan trọng của sự kiện. Các quốc gia quanh thế giới công nhận, đặc biệt những quốc gia vi phạm tự do tôn giáo quốc tế hay niềm tin, họ công nhận tầm quan trọng của hội nghị này. Họ muốn bịt miệng các tiếng nói đó.” 
Hình 1 – Ông Mervyn Thomas, Chủ Tịch Sáng Lập tổ chức CSW, lên tiếng tại hội nghị thượng đỉnh Ba chứng nhân đó là Đại Đức Thích Nhật Phước thuộc Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, nữ Chánh Trị Sự Cao Đài Nguyễn Xuân Mai và nam Chánh Trị Sự Cao Đài Nguyễn Ngọc Diến. Trước đó, cựu Đại Sứ Lưu Động của Hoa Kỳ cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Sam Brownback, đồng chủ tịch Ban Chỉ Đạo của hội nghị thượng đỉnh, được trích dẫn trong bản thông báo ngày 3 tháng 2 của tổ chức CSW: “Điều này sẽ không qua mắt được chính phủ Hoa Kỳ. Việt Nam đã ở trong tình thế khó khăn liên quan đến cách đối xử với những người theo đạo. Đây có thể là tất cả những gì cần thiết để đưa họ trở lại danh sách Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC). Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam cho phép những cá nhân này đến với Hội nghị thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế hoặc chúng tôi sẽ nêu bật hành vi của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh IRF.” Bản thông báo của CSW cũng trích lời Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS và là thành viên nguyên thuỷ của Ban Chỉ Đạo này: “Nhà nước Việt Nam đã ngăn cản cả 3 nạn nhân làm nhân chứng cho sự đàn áp tôn giáo tham gia Hội nghị thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế, là diễn đàn để nêu bật môi trường đàn áp mà các tôn giáo và cộng đồng tôn giáo không được nhà nước công nhận phải đối mặt khi họ thực hành đức tin của mình. Chúng tôi sẽ bảo đảm rằng cộng đồng quốc tế sẽ có hành động thích ứng.” Ngày 5 tháng 2, từ hội nghị thượng đỉnh Đại Sứ Robert Rehak của Cộng Hòa Séc, Chủ Tịch Liên Minh Điều 18, đã gửi văn thư cho Ông Tô Lâm, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, và những người đứng đầu nhà nước và Bộ Công An việt Nam: “Tôi trân trọng yêu cầu Ông [Tô Lâm] xét lại các hạn chế này và tạo thuận lợi cho sư tham gia của mọi người dấn thân phát huy quyền con người, bất chấp cách nhìn hoặc mối liên hệ về tổ chức của họ. Bảo đảm các tiếng nói đa dạng được lắng nghe là điều thiết yếu cho sự tiến bộ có ý nghĩa để đáp ứng các đòi hỏi trong các xã hội của chúng ta trong lĩnh vực tự do tôn giáo hay niềm tin.” Khi phát biểu trong chương trình khai mạc hội nghị thượng đỉnh trước cử toạ hơn nghìn người, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển cũng nêu sự việc 3 chứng nhân bị nhà nước Việt Nam chặn tại phi trường. Trong bản tuyên bố ngày 3 tháng 2 của CSW, Ông Thomas chỉ ra phản ứng dội ngược: “Sự vắng mặt của những người lẽ ra tham dự này chỉ làm tăng thêm sự chú ý vào những vụ vi phạm đang diễn ra đối với các nhóm tôn giáo. Chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm và tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.” Quả vậy, hành vi cấm xuất cảnh của nhà nước Việt Nam càng làm cho quốc tế quan tâm hơn nữa đến tình trạng bách hại tôn giáo ở quốc gia này. Không một ai ở quốc gia nào khác bị ngăn cản tham gia hội nghị tầm vóc quốc tế vừa qua. Dù bị cấm xuất cảnh, cả 3 chứng nhân từ Việt Nam vẫn có tiếng nói tại hội nghị. “Trong kỷ nguyên tin học, cấm xuất cảnh để bịt miệng chứng nhân là hạ sách vì họ vẫn có thể phát biểu trực tuyến; và chúng tôi luôn luôn thu hình sẵn để phát lại trong trường hợp bị cắt mạng internet,” Ts. Thắng giải thích. “Chúng tôi đã làm vậy từ hơn chục năm qua; nhà nước Việt Nam luôn luôn bị phản ứng ngược nhưng họ không học bài học này.” Ts. Thắng nhận định rằng cách tốt hơn là nhà nước Việt Nam thực sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân theo đúng các cam kết quốc tế; khi ấy các chứng nhân sẽ làm chứng cho thực tế tốt đẹp: “Là người theo đạo, có sao họ nói vậy.” 
Hình 2 – Ông Mervyn Thomas cùng với Ông Nguyễn Bắc Truyển và vợ tại Thượng Viện Hoa Kỳ ngày 06/02/2025 Thông tin liên quan: Phát biểu trực tuyến của Đại Đức Thích Nhật Phước: https://www.facebook.com/VNFoRB/videos/1380449119615780 Phát biểu trực tuyến của 2 chánh trị sự Cao Đài: https://www.facebook.com/VNFoRB/videos/999855211990098 Tuyên bố của CSW ngày 3 tháng 2, 2025: https://www.csw.org.uk/2025/02/03/press/6426/article.htm Toàn văn lời phát biểu của Ông Mervyn Thomas ngày 5 tháng 2, 2025: https://x.com/CSWadvocacy/status/1889359042625098032 “Tôi đang ở Washington DC, tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế nơi đang có 2000 người từ khắp thế giới đến để nói về và lập kế sách về tự do tôn giáo quốc tế. Đây là sự kiện lớn nhất loại này từ trước đến nay, bất kỳ ở đâu trên thế giới. Đó là sự kiện mang tính lưỡng đảng [được ủng hộ bởi cả đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hoà ở Hoa Kỳ] – những người của mọi đảng, những người thuộc mọi đức tin và không tôn giáo. Và chúng tôi ở đây để nói rằng tại sao và cách nào chúng tôi sẽ đem lại tự do tôn giáo toàn cầu. Chúng tôi lắng nghe từ những nạn nhân đang sống qua đàn áp tôn giáo. Chúng tôi lắng nghe từ những người đã trải nghiệm sự đàn áp nơi họ sống. Quả vậy, có 3 người Việt đã từng bị bách hại vì đức tin ở Việt Nam. Họ bị ngăn cản không thể đến hội nghị này ở DC. Tại phi trường ở Việt Nam, họ bị bắt quay lui vì nhà nước không muốn họ đến hội nghị này. Điều đó nói lên tầm quan trọng của sự kiện. Các quốc gia quanh thế giới công nhận, đặc biệt những quốc gia vi phạm tự do tôn giáo quốc tế hay niềm tin, họ công nhận tầm quan trọng của hội nghị này. Họ muốn bịt miệng các tiếng nói đó.” Mạch Sống
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét