Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Lê Trọng Nguyễn

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài LÊ TRỌNG NGUYỄN ... của CHS Huyền Chiêu với đôi dòng tâm tình như sau: 
"xin anh đừng gọi HC là "nhà Văn" HC chỉ là một người viết nghiệp dư. HC chưa đủ tài, đủ tác phẩm để được gọi là nhà văn.
Anh Nhượng chỉ cần giới thiệu bài viết của HC Cựu HS NH là  đủ.
Xin thán phục đức tính khiêm nhường của tác giả.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN

Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn (1926-2004)


Sau nửa năm khô hạn, sáng nay đã lắc rắc cơn mưa đầu mùa. Tạ ơn trời vẫn còn thương người dân miền Trung thường bị "trời hành". TV, báo nhà nước đang đăng tin chính quyền và người dân tưng bừng chào đón Tổng Thống nước cựu thù, Obama.

"Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(ND)

Hỡi ôi! Khi nhạc sĩ Văn Cao viết bài "Mùa Xuân Đầu Tiên" năm 1976, bài hát đã bị cấm phổ biến vì ông đã dám nói lên niềm mong ước chân thật rằng "từ đây người biết quê người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người". Mãi đến sáu năm sau bài hát mới được cấp phép. Có lẽ Văn Cao bị khép tội mỉa mai chế độ? Tội nghiệp cho Văn Cao. Ông không còn sống để nhìn thấy mọi người vỗ tay hoan hô Obama khi ông nhắc đến câu hát ấy trong bài diễn văn dài 30 phút tại Hà Nội ngày 23 tháng 5-2016.

Chạnh lòng thương mấy triệu người Việt Nam, mấy trăm ngàn lính Mỹ đã chết vì Obama ra đời muộn quá.

Tắt TV, vào hộp thư đọc cho đỡ buồn.
Nguyệt Mai có gửi bài Sao Đêm của Lê Trọng Nguyễn do Thu Vàng hát.
Một buổi sáng ý nghĩa khi gặp lại cả hai người mình mến mộ.



Sao Đêm

Lê Trọng Nguyễn sáng tác

Thu Vàng hát

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan


Lê Trọng Nguyễn sáng tác không nhiều nhưng ca khúc của ông hay và lạ.
Lạ vì lời bài hát của nhạc sĩ có khi mang nỗi buồn rất nhẹ nhàng có khi lại chất chứa một nỗi đau nặng nề... khó hiểu.


Nắng Chiều

Lê Trọng Nguyễn sáng tác

Mai Hương và Phạm Anh Dũng hát

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan


Nắng Chiều là bài hát thuộc xóm nhẹ nhàng.

Nắng Chiều kể lại một chuyện tình có đầu có đuôi. Và nhờ cái đuôi không vui lắm khi cô em "dáng gầy gầy" "dịu dàng nhìn anh, em nói mến anh" nhưng giờ "biết đâu mà tìm". Nắng Chiều đã làm xót xa, tê tái hàng triệu con tim người nghe.

Chuyện tình trong Nắng Chiều buồn nhưng đẹp quá trong bối cảnh một làng quê có "mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi","nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ".

Không hiểu sao, cũng là Lê Trọng Nguyễn, cũng "bến nước xưa lá hoa về chiều" ấy, "Bến Giang Đầu" vẫn được tác giả gọi là "Nắng Chiều Hai" lại mang nỗi đau vô cùng khúc mắc.

Có lẽ ngoài bản dịch ca khúc "Sombre Dimanche" Phạm Duy viết "Bước chân về với gian nhà với trái tim cùng nặng nề" chỉ có Lê Trọng Nguyễn dùng chữ "nặng nề" trong  Bến Giang Đầu:

"Bước nặng nề qua thềm nhà vắng vương xác hoa
Khi nắng chiều nghiêng, ghé bên vai, ướp vào má".

Không gian thì hoang vắng tiêu điều, không khí thì rờn rợn.

Chữ "Lách" mà Lê Trọng Nguyễn dùng để viết lời ca cũng thật ít ai dám dùng:

"Lách cỏ vườn xưa, tìm lại chỗ ta vẫn đùa"

Kỷ niệm thì cũng mang chút gì đau xót giận hờn:

"ngắt hoa anh cười, nhưng em trách rồi lệ ứa"

Vậy mà tôi thích Bến Giang Đầu hơn vì nhịp điệu và từ ngữ đều trúc trắc, lạ như "bước", "lách", "ngắt", "trách", "lệ ứa".

Tôi có cảm giác chữ có dấu huyền hay không dấu thường dành cho những cảm xúc nhẹ nhàng như "bâng khuâng", "buồn buồn", "rì rào", "thì thầm", "chiều chiều"... Còn nỗi đau đớn thường dành cho các chữ có vần trắc như "uất ức", "oán trách", "khóc lóc", "mất mát", "bức xúc"...


Bến Giang Đầu

Lê Trọng Nguyễn sáng tác

Thái Châu hát


Bến Giang Đầu đối với tôi là một bài thơ lạ nằm ở vần trắc.
Nhưng bài hát của Lê Trọng Nguyễn mà tôi thích nhất là "Cát Biển".

Cát Biển

Lê Trọng Nguyễn & Y Vân sáng tác

Quang Tuấn hát

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan


Đó là một bài hát có lời rất ngây thơ, giản dị nhưng gợi niềm xúc động cho những đứa trẻ mới lớn, tâm hồn mơ mộng vu vơ như tôi thuở ấy:

- Thuở ấy là thuở đất nước tuy bị chia làm đôi nhưng chưa có ai muốn giải phóng ai và súng đạn của Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc chưa đổ vào đất nước tôi.

- Thuở ấy những ca khúc của Lê Trọng Nguyễn, Nguyễn Hiền, Phạm Đình Chương... êm đềm dịu dàng như tâm hồn của người miền Nam sống vô tư yêu hòa bình.

- Thuở ấy mọi người dân miền Nam được sống tự do, suy nghĩ tự do.

Cát Biển ghi dấu một thời của mơ mộng tự do mà không bị khép tội "có tư tưởng lãng mạn tiểu tư sản".
Một chàng trai "tuổi mộng ước chưa tròn", đi dạo trên bờ cát và "thường hay mơ ước tìm người bạn đường".
Câu chuyện thật đẹp:

"Rồi một chiều vàng bóng
Nàng là cánh mây ngàn
Chẳng hẹn mà cùng đến
Bên bờ cát hoang"

Một mình đi dạo trên bãi biển bỗng có một người trong mơ xuất hiện. Rồi hai người cùng bước đi trên cát, rồi cùng nhìn những con dã tràng (còn có tên cúng cơm là Còng) xe cát, rồi sóng xô vào xóa đi những dấu chân.

Ôi, dễ thương quá những mơ mộng thuở ban đầu.
Nhưng rồi "hợp tan có lâu gì", "buồn vui cách nhau không xa".

Tôi yêu "Cát Biển" vì lời giản dị nhưng đẹp:

"Thành xưa xây đắp đổ một nụ cười
Bàn chân trên cát thủy triều dập vùi"

Và tôi cũng yêu "Cát Biển" vì ít ai hát bài này và mình có cảm giác nó là một kỷ niệm dễ thương của riêng mình.

Người ta viết được những điều hiền lành thơ mộng như trong "Cát Biển" không hiểu sao có lúc lại nghĩ ra được những lời lẽ xé da, xé thịt như trong "Sao Đêm".

"Còn gì nữa? Bầu trời rạn nứt rồi
Mà ôi tâm tư đen tối chơi vơi
Đâm nát phím ngà người yêu tàn phá
Chờ qua năm tháng rũ áo trần gian"
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
"Còn gì nữa, tuổi vàng qua mất rồi
Mà ôi thương đau theo mãi không thôi
Thân xác héo mòn đời ta lạnh trống
Đôi mắt tiên nâu chờ ta giữa trời sao"
Thân xác héo mòn đời ta lạnh trống

Đôi mắt tiên nâu chờ ta giữa trời sao


Lê Trọng Nguyễn, nghe qua Nắng Chiều, Cát Biển cứ ngỡ tâm hồn ông "Dịu dàng mền đưa trong nắng lưa thưa" hay "Dã tràng ngoài biển cát hồn mộng vẫn se hoài"
Nhưng có những lúc trong lòng ông như có ngọn lửa đau đớn âm ỉ cháy.

"Có phải vì anh bềnh bồng mãi trong gió sương
Trong lúc đời em dưới hiên tranh, khói lạc hướng"

Giờ này ông đã "rũ áo trần gian" mong rằng ông đã trở thành một ngôi sao bình yên.

Huyền Chiêu
Ninh Hòa, 24 tháng 5 - 2016


Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Nhập Cuộc

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu
Họp mặt thân mật tiếp đón Nhóm Bạn Trẻ tham gia vào sinh hoạt của Diễn Đàn NHHN và Gia Đình CHS Nguyễn Huệ Bắc Cali do Trần Hoàng ghi lại.
Trân trọng Giới thiệu.
NHHN


Xin mời click vào tất cả hình để xem lớn

NHẬP CUỘC
Trần Hoàng

Được tin anh Chris Phan (Phan Long Hưng) là người đứng đầu cùng với một nhóm bạn trẻ thành lập và điều hành website Cựu Học Sinh Phú Yên từ Litle Saigon, thủ đô của người Việt lưu vong đến San Jose thăm bà con và có nhã ý muốn thăm Gia Đình CHS Nguyễn Huệ Bắc Cali.

Một buổi họp mặt (bỏ túi) trong phạm vi Ban Điều Hành được tổ chức vào lúc 5 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 21-5-2016 tại tư gia của anh chị Nguyễn Đình Cai & Phan My ở Milpitas để đón tiếp anh.

Điều đặc biệt và vui mừng hơn nữa là không chỉ anh đến một mình mà còn có 4 bạn trẻ tháp tùng theo nữa, tất cả đều là đồng hương, là CHS Phú Yên đang sinh sống tại Bắc Cali: Anh Tăng Hùng đến từ Fresno, anh Mạnh Đình Trọng đến từ Sacramento, hai bào huynh của anh Chris Phan là Phan Long Thiên và Phan Long Vinh đến từ San Jose.

Phía chủ nhà (gia đình NH) gồm có: gia chủ anh Nguyễn Đình Cai và chị Phan My, quý anh Đặng Duy Nhượng, Hà Công Trí, Trần Hoàng Thân, Huỳnh Học, quý chị Phạm Lan Anh, Hoàng Thanh Phước, Lưu Phúc Phương, Kim Hoàng, Võ Minh Vui, Lê Lan Hương và Trần Bích Đào (đến từ San Francisco).

Anh Đặng Duy Nhượng BTC

Tuy là buổi chiều nhưng ở vào mùa này mặt trời vẫn còn trên cao (đến 8:30 pm mới tối), nắng vàng chiếu xuống rực rỡ, có lẽ do ảnh hưởng của mấy trận mưa rào bất thường đổ xuống làm cho không khí dịu lại và càng lúc càng lạnh hơn qua những đợt gió liên tiếp thổi đến vì thế sau khi chụp được một số hình lưu niệm, mọi người kéo nhau vào nhà.

Trong căn phòng ấm cúng, khách và chủ gần 20 chục người quây quần bên nhau, chào hỏi, ăn uống, vui đùa trong không khí thân thiện, vui vẻ đậm tình đồng môn, đồng hương.

Cả 5 vị khách quí có mặt hôm nay, ít nhất đã có một lần hiện diện, tham gia vào sinh hoạt của CHS hoặc sinh hoạt của đồng hương Phú Yên tại Bắc Cali nhưng hôm nay mới là lần đầu tiên "tay bắt mặt mừng" trực diện với nhau.

Anh Trần Hoàng Thân, phó trưởng ban Ngoại Vụ thay mặt BĐH chào mừng 5 vị khách quý đã dành thì giờ quí báu cuối tuần đến họp mặt hôm nay. Anh Hà Công Trí, Phó TB Nội Vụ trình bày một số sinh hoạt và sự liên kết với nhau trong tình đồng môn và đồng hương Phú Yên tại Bắc Cali. Anh Đặng Duy Nhượng trong vai trò huynh trưởng và chủ nhà (BTC) trình bày những thuận lợi, khó khăn, khách quan và chủ quan trong việc thành lập và xây dựng diễn đàn NHHN (nói chung) và Gia Đình CHSNH Bắc Cali (nói riêng). Cơ cấu tổ chức tuy đã hình thành và đi vào sinh hoạt thuận lợi, tuy nhiên nhân sự và phương tiện vẫn còn hạn hẹp nên rất cần đến sự góp tay của nhiều người. Anh thay mặt BĐH mời 5 bạn trẻ hiện diện hôm nay trực tiếp tham gia vào BĐH trong tương lai để phát triển diễn đàn NHHN và CHSNH Bắc Cali mỗi ngày thêm thăng tiến.

Anh Chris Phan (ĐD Giới trẻ)

Anh Nhượng tâm tình: "tuy không phải là người sinh ra tại Phú Yên nhưng anh đã sinh sống tại Tuy Hòa một thời gian khá dài (trên 10 năm) và nhận Phú Yên là quê hương thứ hai nên sẵn sàng đóng góp hết khả năng của mình cho Phú Yên. Anh làm việc với cả con tim và tấm lòng một cách bất vụ lợi. Anh kêu gọi mọi người cùng chung lưng đấu cật xây dựng một Phú Yên ngoài Phú Yên. Anh cho biết, hiện thời một số các anh chị trong BĐH tuổi tác đã cao, sức khỏe đã yếu nên cần có các bạn trẻ tham gia vào sinh hoạt để dần dần thay thế lớp đàn anh, đàn chị gánh vác công việc của tổ chức nên hôm nay có sự hiện diện của 5 bạn trẻ, anh rất vui mừng, đặt hết niềm tin và hy vọng vào các thế hệ trẻ sẽ đảm nhận, gánh vác công việc trong tương lai.

Đại diện về phía khách, anh Chris Phan thay mặt cho các bạn (trẻ) của mình hứa sẵn sàng tích cực tham gia và ủng hộ hết mình vào các sinh hoạt của Nguyễn Huệ Bắc Cali và diễn đàn NHHN. Anh khuyến khích và thúc đẩy BĐH mạnh dạn đưa sinh hoạt của diễn đàn NHHN và sinh hoạt NH bắc Cali đi lên. Là một người trẻ làm truyền thông có "bề dầy" kinh nghiệm, năng động và tháo vát, anh hứa với phương tiện và khả năng sẵn có, anh hết mình giúp đỡ và tiếp tay với BĐH. Các anh trao đổi ý kiến và cùng thảo luận một số sinh hoạt trong tương lai như việc tổ chức kỷ niệm 1 năm thành lập diễn đàn NHHN và Hội Ngộ Thế Giới CHSNHHN.

Gia đình CHSNH Bắc Cali và BĐH diễn đàn NHHN xin ghi nhận các ý kiến xây dựng và rất hoan nghênh tấm lòng, tinh thần của anh Chris Phan và các bạn trẻ.

Anh Nguyễn Đình Cai gia chủ (đứng)

Về phần gia chủ, anh Tổng Thư Ký Nguyễn Đình Cai đã nói lên sự vui mừng của anh chị khi được đón tiếp 5 người bạn trẻ, sau phần thăm hỏi nhau anh chị mới biết "à thì ra chẳng ai xa lạ". Anh nói, như những lần tổ chức đón tiếp đồng môn, đồng hương trước đây, anh mong muốn chúng ta vui vẻ đến với nhau bằng tình thương yêu chân tình, mừng cho nhau những thành công trên xứ người, chúc cho nhau gia đình hạnh phúc, và nếu có thể xin hãy làm những điều lợi ích gì đó cho quê mình. Anh còn cho biết anh đã đóng góp hết mình cho tổ chức Gia Đình Nguyễn Huệ Hải Ngoại bằng những khả năng hiểu biết rất giới hạn của anh, do đó anh kêu gọi mọi người nên cùng chung vai góp sức, nhất là lớp người trẻ như các anh hiện diện hôm nay, gia đình Nguyễn Huệ Hải Ngoại chắc chắn sẽ lớn mạnh trong tình thân thương đoàn kết.

Vì thời gian có hạn và nhóm bạn trẻ có hẹn đến một nơi khác nên đã tạm biệt chia tay vào lúc 9:00 pm, khách và chủ nhà siết chặt tay nhau trước khi tạm biệt với những lời cầu chúc tốt lành.
Tiễn khách ra về xong, phía chủ nhà lại tiếp tục câu chuyện còn dang dở rồi sau đó chuyển qua mục văn nghệ "ta đàn ta hát cho ta nghe". Sau cùng chỉ còn lại mấy anh chị trong BTC ngồi lại với nhau. Câu chuyện cứ tiếp diễn... tiếp diễn không ngừng cho đến khi đồng hồ đã chỉ 00:30 am của ngày hôm sau mới chịu tan hàng.

Chuyện trò thân mật

Buổi họp mặt đón tiếp anh Chris Phan và các bạn trẻ tuy đơn giản về hình thức nhưng lại mang tính cách quan trọng về nội dung. Kết nối được hai thế hệ "già - trẻ" hòa hợp với nhau. Giới trẻ đã NHẬP CUỘC chung tay xây dựng đưa sinh hoạt của NHHN ngày thêm phát triển vững mạnh.

Nhân đây cũng không quên cám ơn các bạn trẻ trong buổi họp mặt không những đã mang đến "luồng gió mới" mà còn có nhã ý tặng cho BTC 100 USD tiền mặt "lấy hên" (anh Phan Long Vinh). Ngoài ra còn có một bạn trong nhóm (tạm giấu tên) hứa sẽ bảo trợ tài chánh cho sinh hoạt của NHHN và NH Bắc Cali trong tương lai.
Xin cám ơn! cám ơn rất nhiều.

Xin tạm biệt nơi đây và hẹn tái ngộ trong sinh hoạt lần sau.

Trần Hoàng











Chào Mừng Họp Mặt Vui Vẻ

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Bí Quyết Hồi Xuân Tây Tạng


Một góc Tây Tạng.
Một góc Tây Tạng.

Bí quyết 2.500 năm

Suối nguồn tươi trẻ được biết đến lần đầu tiên vào năm 1939, trong cuốn sách "Con mắt khải huyền" của Peter Kelder.

Cuốn sách mở đầu bằng cuộc gặp gỡ tình cờ giữa tác giả và đại tá Bradford, một cựu quân nhân người Anh gần 70 tuổi, lưng còng, tóc bạc, đi lại phải chống gậy.

Vị sĩ quan này kể cho Peter Kelder về ý định đến Ấn Độ tìm một tu viện bí ẩn, nằm ở một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó trong dãy Hymalaya. Theo những câu chuyện truyền tụng của dân du mục, 2.500 năm trước, các Lạt ma ở đây đã tìm ra Suối nguồn tươi trẻ, một bí quyết hồi xuân kỳ diệu.  

Cuộc gặp thứ hai diễn ra sau đó 4 năm, khi đại tá Bradford trở về sau chuyến phiêu lưu.

Không còn dấu vết gì của ông lão già nua, mệt mỏi khi trước. Thay vào đó là một người đàn ông trung niên nhanh nhẹn, thần sắc hồng hào, lưng thẳng, mái tóc dày chỉ điểm vài sợi bạc. Suối nguồn tươi trẻ không phải là đồn đại mà hoàn toàn có thật.

Và ngạc nhiên thay, bí quyết màu nhiệm này lại vô cùng đơn giản, chỉ là một bài tập gồm 5 động tác, hay gọi theo cách của các Lạt ma Tây Tạng là 5 thức.

Trong những ấn phẩm được xuất bản sau này dựa trên cuốn sách của Peter Kelder, người ta cho rằng, 7 trung tâm năng lượng mà các Lạt ma nhắc đến chính là 7 luân xa theo quan niệm của y lý học cổ truyền phương Đông. Liên hệ với y học hiện đại phương Tây, các luân xa được một số nhà nghiên cứu coi là đối chứng siêu hình của các tuyến nội tiết, với vị trí và vai trò tương đương.

Cũng theo quan điểm phương Tây, hoạt động của các tuyến nội tiết đóng vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí là chi phối quá trình lão hóa.

Từ sau tuổi 30, hệ nội tiết bắt đầu suy yếu, lượng hormon giảm dần, tác động trực tiếp lên tinh thần và thể chất, gây ra 12 nhóm triệu chứng rối loạn và các bệnh của người già như da nhăn, tóc bạc, mất ngủ, loãng xương...

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, khôi phục sự cân bằng nội tiết có thể làm chậm quá trình lão hóa, trả lại cho cơ thể nhiều trạng thái của tuổi thanh xuân. Như vậy, tư tưởng chủ đạo của 5 thức tập Suối nguồn tươi trẻ xuất phát từ phương Đông cũng phù hợp với tinh thần của các nghiên cứu khoa học phương Tây. 

70 trẻ lại thành 40?

Trong cuốn "Con mắt khải huyền", 5 thức tập của các Lạt ma đã giúp đại tá Bradford trẻ lại đến mức những người mới biết ông sau chuyến viễn du đến Tây Tạng đều nghĩ rằng vị sỹ quan này chỉ khoảng 40, trong khi tuổi thực của ông lúc đó đã là 73.

Qua lời kể của đại tá Bradford, người ta còn biết rằng, khi ở tu viện, ông đã gặp một người phương Tây cũng học Suối nguồn tươi trẻ. Người này đã ngoài 50, nhưng ngoại hình chỉ khoảng 35 và phong thái thì trẻ trung như một thanh niên mới 25 tuổi.

Hiệu quả hồi xuân của Suối nguồn tươi trẻ còn được khẳng định qua nhiều phản hồi từ người tập. Có người cho biết, họ trông trẻ ra đến cả chục tuổi chỉ sau hơn 1 năm tập ,Suối nguồn tươi trẻ. Người khác tiết lộ, nhờ 5 thức tập mà mái tóc của họ mọc dày đen trở lại khi đã ở lứa tuổi ngoài 70.
Trên các diễn đàn sức khỏe, không khó để tìm thấy những lời ca ngợi tác dụng kỳ diệu của Suối nguồn tươi trẻ như sáng mắt, đẹp da, cải thiện trí nhớ, bệnh tật thuyên giảm.

Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, hiệu quả của 5 thức tập đã được đề cao quá mức. Carolinda Witt, một chuyên gia nổi tiếng về Suối nguồn tươi trẻ tại Australia cho biết, trong hàng trăm học viên mà bà đã trực tiếp giảng dạy, chỉ duy nhất một người "nghĩ rằng" tóc mình đen trở lại sau khi tập 5 thức này. Không ai nhờ Suối nguồn tươi trẻ mà trẻ lại 20 - 30 tuổi. Các nếp nhăn cũng không vì thế mà biến mất.

Theo kinh nghiệm cá nhân của Carolinda Witt, những lợi ích thực tế của Suối nguồn tươi trẻ bao gồm: sinh lực dồi dào; tinh thần minh mẫn, an nhiên, thư thái; cơ bắp săn chắc;  ngủ tốt; thở sâu; sức khỏe toàn diện nâng cao, ít ốm vặt; vóc dáng trẻ trung, linh hoạt; giảm cân; cải thiện sinh hoạt vợ chồng. Tuy không đến mức thần diệu, song những kết quả này cũng là rất ấn tượng đối với một bài tập mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện chỉ trong 10 phút mỗi ngày.         

Bí ẩn và kỳ lạ

Khi "Con mắt khải huyền" được xuất bản, Peter Kelder là một tác giả hoàn toàn vô danh cả trong giới nghiên cứu lẫn giới văn chương. Và cho đến nay, người ta vẫn hầu như không biết gì về ông.

Bức màn bí ẩn cũng bao phủ thân phận của đại tá Bradford, người được coi là có công đưa Suối nguồn tươi trẻ đến với thế giới hiện đại. Mặc dù Peter Kelder luôn khẳng định nhân vật này có thật, song nhiều người đã từng đọc tác phẩm của ông cho rằng, vị sĩ quan có thể chỉ là hư cấu, được tạo ra  để tăng tính khách quan, cũng như sự ly kỳ, hấp dẫn của câu chuyện.

Nguồn gốc của 5 thức tập cũng là điều gây tranh cãi. Suối nguồn tươi trẻ chưa từng được các Lạt ma Tây Tạng công nhận là bí quyết mà các vị tổ sư của họ sáng tạo ra. Người ta cũng chưa tìm thấy tu viện đã truyền dạy Suối nguồn tươi trẻ cho đại tá Bradford. Thông tin trong cuốn sách của Peter Kelder quá sơ sài.

Hơn nữa, qua thăng trầm lịch sử, nhiều tu viện Phật giáo Tây Tạng đã trở thành hoang phế, nên việc tìm kiếm nơi phát tích của bí quyết hồi xuân này càng khó khăn, thậm chí là không thể. 
Lưu ý trước khi bắt đầu luyện tập 5 thức tập Suối nguồn tươi trẻ

Có một số điểm khác biệt nhỏ giữa 5 thức tập Suối nguồn tươi trẻ được giới thiệu trong sách của các nhà xuất bản khác nhau.

Các hướng dẫn dưới đây được trích nguyên văn từ cuốn "Con mắt khải huyền" xuất bản lần đầu tiên vào năm 1939.

1. Thức thứ nhất

Đứng thẳng, 2 tay dang ngang bằng vai. Sau đó xoay tròn theo chiều từ trái sang phải cho đến khi cảm thấy hơi chóng mặt.
a
 Lưu ý: Khi mới tập, hầu hết mọi người chỉ xoay được nhiều nhất khoảng 6 lần là cảm thấy chóng mặt. Khi đó, nên ngừng tập, nằm hoặc ngồi nghỉ để cơn chóng mặt qua đi.

Không nên cố gắng quá sức, vì ngay cả những người thể lực tốt và người thường xuyên tập yoga cũng có thể phải mất đến 6 tháng mới xoay được đủ 21 lần.
a
 Một số mẹo giảm chóng mặt, buồn nôn:

- Trước khi tập, không nên ăn no hoặc dùng đồ uống có cồn. Nên uống một chút nước nóng có thả một lát gừng tươi hoặc một chén trà bạc hà. 

- Sau khi tập, nếu thấy chóng mặt nhiều có thể dùng ngón cái bấm huyệt Nội quan trong khoảng 1-2 phút. Huyệt này nằm ở trên nếp gấp khớp cổ tay 2 đốt ngón tay, trong khe giữa gân của 2 cơ nổi rõ khi gấp bàn tay vào cẳng tay và nghiêng bàn tay vào trong.

2. Thức thứ hai

Nằm ngửa, thẳng người trên sàn, 2 tay đặt xuôi theo thân mình, lòng bàn úp, ngón tay chụm lại, đầu các ngón tay của 2 bàn tay hơi hướng vào nhau.

a
Nâng đầu lên, đồng thời nhấc 2 chân lên cho đến khi tạo thành đường thẳng đứng. Nếu có thể, hãy vươn 2 chân về phía đầu, nhưng vẫn phải giữ 2 đầu gối thẳng.
a
Sau đó từ từ thả đầu và 2 chân xuống sàn, nghỉ một chút cho các cơ bắp được thư giãn rồi lặp lại thức này.

Lưu ý: Trong một số sách về Suối nguồn tươi trẻ được biên tập lại và tái bản sau này, người tập được khuyên nên hít vào thật sâu khi nhấc đầu và 2 chân lên, sau đó thở ra toàn bộ khi hạ đầu và chân xuống.

3. Thức thứ ba

Quỳ trên sàn, thân mình thẳng, hai tay buông xuôi, bàn tay đặt vào sau đùi. Ngả đầu và cổ về phía trước càng xa càng tốt, đồng thời đầu cúi xuống sao cho cằm tựa trên ngực.
s
Tiếp đó, ngửa ra phía sau càng xa càng tốt, đầu ngả xuống thật thấp. Trở về tư thế ban đầu và tiếp tục lặp lại thức này.

a
Lưu ý: Trong một số tài liệu, người tập được khuyên nên hít vào thật sâu khi ngửa ra sau và thở ra khi trở về tư thế thẳng người.

Những người bị bệnh về xương khớp không nên cố gắng quá mức khi thực hiện động tác ngửa về sau. Nếu thấy chóng mặt do thiếu oxy não khi động mạch đốt sống bị chèn ép thì không nên ngả đầu quá thấp về phía sau.

4. Thức thứ tư

Ngồi trên sàn, 2 chân duỗi thẳng về phía trước, bàn chân cách nhau khoảng 20cm; 2 tay xuôi theo thân mình, lòng bàn tay úp trên sàn, cạnh mông; đầu hơi cúi sao cho cằm ngã trên ngực.
d
x
Tiếp đó, ngã đầu ra sau càng xa càng tốt, rồi nâng thân mình lên trong khi đầu gối gập lại sao cho 2 cẳng chân từ đầu gối trở xuống thẳng đứng, 2 cánh tay cũng thẳng đứng, còn phần thân từ vai đến đầu gối nằm ngang, song song với sàn nhà. Trở về tư thế ngồi và thư giãn một chút trước khi lặp lại các động tác của thức này. 


s
Lưu ý: Trong một số tài liệu, người tập được khuyên nên hít sâu khi nâng người lên và thở ra khi hạ người xuống.

5. Thức thứ năm

Chống 2 tay xuống sàn, bàn tay cách nhau khoảng 60cm, khom người, duỗi 2 chân về phía sau, bàn chân cũng cách nhau 60cm. Đẩy thân mình, đặc biệt là phần hông lên cao nhất có thể, tạo thành hình chữ V úp ngược, trọng lượng cơ thể dồn lên bàn tay và các ngón chân.

Đầu hơi cúi để cằm tựa lên ngực. Sau đó, cong cột sống, hạ thấp thân mình sao cho cơ thể võng xuống. Đồng thời ngóc đầu lên, để nó ngả ra sau càng xa càng tốt. Tiếp tục đẩy hông lên cao để lặp lại thức này. 

s
Lưu ý: Trong một số tài liệu, thức này được hướng dẫn theo trình tự ngược lại. Đầu tiên, chống tay, cong cột sống để cơ thể võng xuống. Sau đó mới nâng hông lên cao để tạo thành chữ V ngược.

Để đạt hiệu quả, nên tập đều đặn, mỗi ngày 21 lần cho một thức.  Khi mới bắt đầu, trong tuần lễ thứ nhất, chỉ nên tập mỗi thức 3 lần trong một ngày. Sau đó, cứ mỗi tuần tiếp theo tăng thêm 2 lần tập cho một thức.

Cứ như vậy cho đến tuần thứ 10, bạn sẽ tập đủ 21 lần mỗi thức trong một ngày. Nếu có sức khỏe tốt, bạn sẽ chỉ mất 10 phút mỗi ngày cho cả 5 thức.  Khi thư giãn giữa các thức, nên đứng thẳng, tay chống vào hông và thở sâu 1, 2 nhịp.

Sau khi tập, nên lau người bằng khăn ẩm, sau đó lau lại bằng khăn khô. Cũng có thể tắm bằng nước mát hoặc nước ấm. Tuyệt đối không được tắm bằng nước lạnh hoặc lau bằng khăn lạnh, vì như vậy bài tập sẽ mất tác dụng.  

Bất chấp mọi mơ hồ, hoài nghi và tranh cãi, bất chấp việc chưa từng được kiểm chứng bởi các nghiên cứu khoa học, 5 thức tập Suối nguồn tươi trẻ vẫn cho thấy một sức thu hút đặc biệt. Cuốn sách của Peter Kelder được chính tác giả tái bản một lần vào năm 1946.

Từ đó cho đến nay, nó đã được một số nhà xuất bản biên soạn lại và tái bản nhiều lần dưới những tên gọi khác nhau. Trong 70 năm qua, hàng triệu bản sách bằng gần 40 ngôn ngữ đã mang 5 thức tập đi khắp thế giới.

Nguyễn Tất Nhiên Và Duy Quang

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài NGUYỄN TẤT NHIÊN VÀ DUY QUANG ... của nhà văn Huyền Chiêu (CHS Lương Lệ Huyền Chiêu). Dưới đây là đôi dòng tâm tình của tác giả:

Chào các bạn Nguyễn Huệ,
Càng đọc Nguyễn Huệ Hải ngoại, Huyền Chiêu càng thấy vui và khâm phục các bạn đồng môn, các thân hữu đã  có những bài viết rất  thú vị, rất sâu sắc.
Có lần HC có đọc một bài viết trên NHHN, bạn nói bạn luôn  "siêng" đọc bài nhưng ngại và lười viết. Rồi sau đó có bạn nói. "Anh đọc bài người khác viết mà không gửi bài  là không công bằng" Nhờ vậy anh đã mạnh dạn viết và gửi bài.
Có lẻ HC cũng phải siêng gửi bài và yên lòng rằng gia đình Nguyễn Huệ luôn chào đón, vui vẻ bỏ qua những sai sót của bạn mình.
Thân mến
HC

Trân trọng giới thiệu.
NHHN


Tác giả Huyền Chiêu (ảnh Duy Nhượng)

Tôi nhìn thấy Duy Quang lần đầu trên màn hình TV đen trắng khoảng năm 1971.
Chàng con trai đầu của nhạc sĩ lừng lẫy Phạm Duy đang nghêu ngao hát khúc Bình Ca của cha mình:

“mang giày vớ tốt

mang khăn áo lành
tôi chào đất nước tôi nay thái bình
tôi cúi lưng tôi chào anh
tôi đứng lên tôi chào em
tôi vói lên cao chào đức tin
……………………………..”

Bổng dưng tôi thấy tồi tội cho chàng trai này.

Chàng quá lu mờ trước cái bóng quá lớn của người cha Phạm Duy, người Bác Phạm Đình Chương, người cô Thái Thanh.

Vóc dáng chàng gầy yếu, khuôn mặt buồn bã , giọng hát không hay, không dở.

Tôi nghĩ ông bố Phạm Duy chắc phải khổ công lắm mới “gò” được chàng hát được đến mức đó.

Phạm Duy không là người chồng chung thủy nhưng là người chủ gia đình rất có trách nhiệm. Những nghệ sĩ thực sự thường quá mơ mộng và hay lâm vào cảnh nghèo túng.

Phạm Duy thì không. Thuở ấy ông là một nhạc sĩ biết cách kiếm tiền và có xe hơi riêng.

Các con ông được nuôi dạy đầy đủ. Chỉ tiếc rằng vợ ông thì đẹp mà con thì không xinh bằng mẹ, không tài bằng cha (cảm nhận riêng của người viết).


Dù sao, làm con Phạm Duy sung sướng thật. Được đi học ở những trường danh tiếng, được học viết nhạc, học hát và được bố sắm sửa nhạc cụ, tập dợt để thành lập ban nhạc trẻ The Dreamers. Rồi bố lại còn sáng tác những ca khúc dành cho các cô gái tuổi mới lớn cho con cái cưng Thái Hiền .Có lẽ khi phổ nhạc thơ Nguyễn Tất Nhiên Phạm Duy cũng muốn cùng con trai sống lại những cảm xúc tuyệt đẹp của tình yêu thuở mới lớn.

Tình yêu thương của Phạm Duy dành cho các con thật mênh mông.
Nhưng trông Duy Quang vẫn cứ buồn bã và yếu đuối.



Sau năm 1975, nhạc Phạm Duy bị cấm hát. Rồi tôi không còn nhớ gì về Duy Quang và cũng chẳng biết đại gia đình Phạm Duy đi đâu, về đâu .
Lịch sử đang nhấn chìm người dân Việt xuống vũng bùn của cái đói và dần mất đi những nhu cầu tinh thần.
Cho đến một hôm tôi nghe lại giọng ca Duy Quang ở hải ngoại qua một băng cassette.

“năm năm rồi không gặp

Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mãi
Đời chia những nhánh sông”(****)

Không ngờ bây giờ giọng Duy Quang chửng chạc và hay đến vậy.

Ngoài bài “Lời Tình Buồn” do Phạm Duy phổ thơ Phạm Văn Bình, giọng ca nhũn nhặn, thủ thỉ của Duy Quang như được sinh ra để kể lể tâm trạng của những chàng trai mới lớn, hoang mang, tuyệt vong vì những mối tình đầu đầy bất trắc trong những ca khúc phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên.

“Em bây giờ có lẽ

Toan tính chuyện lọc lừa
Anh bây giờ có lẽ
Xin làm người tình thua” (**)

Duy Quang mang dáng vẻ hiền lành, nhút nhát. Chàng gần với Nguyễn Tất Nhiên hơn người cha tự tin, mạnh mẽ.

Và chắc Phạm Duy cũng không ngờ rằng cuộc đời của Duy Quang, tâm trạng bi thương của Duy Quang dường như cũng bị thơ của Nguyễn Tất Nhiên vận vào.

Trong ca khúc Kiếp Đam Mê, Duy Quang đã thố lộ :


“tôi không cần và nghi ngại chi

Ai chê bai thân tôi khờ dại” (*).

Công nhận chàng “khờ dại” là rất thương Duy Quang . Thực ra người đàn ông này “ngu” lắm và cũng chân thật lắm mới dám nói rằng:


“Tôi xin người cứ gian dối

Khi tôi hỏi người có yêu tôi
May ra còn được thấy đời vui
…………………………………
Tôi xin người cứ gian dối
Nhưng xin người đừng lìa xa tôi” (*)

Mà đâu có sao.


“Khôn đường cờ bạc là khôn dại

Dại chốn yêu đương ấy dại khôn”
(nhại thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm)


Ca sĩ Duy Quang

Cái “ngu” dễ thương của Duy Quang chỉ có thể sánh với cái “khùng” của Nguyễn Tất Nhiên.
Duy Quang sinh năm 1950, Nguyễn Tất Nhiên sinh năm 1952. Tuy là vai đàn em nhưng Nguyễn Tất Nhiên cuồng si, khùng điên vượt xa đàn anh.
Đọc thơ của Nguyễn Tất Nhiên ai cũng hiểu được câu chuyện lòng vòng của một cậu học trò ở Biên Hòa yêu một cô Bắc di cư .
Cô rất ngây thơ, trong sáng, chưa biết yêu và chẳng để ý gì đến chàng thi sĩ “vô đạo” (***).

Nàng kính yêu Chúa, siêng đi nhà Thờ.

Vậy là chàng thi sĩ ghen với Chúa.
Ghen quá phát rồ.
Chàng hùng hồn phân tích:

“dù sao thì Chúa cũng

Một thời làm trai tơ
Dù sao thì Chúa cũng
Là đàn ông…dại khờ”(**)

Cũng giống như họa sĩ Đinh Cường thích vẽ nhà thờ hơn vẽ chùa, hình ảnh liên quan đến nhà thờ , tượng chúa, thánh giá được nhắc nhiều trong thơ Nguyễn Tất Nhiên dù các cô gái mà chàng si mê không phải cô nào cũng có đạo. Chàng thích nhìn người yêu của mình trong hình ảnh một ma soeur và Nguyễn Tất Nhiên có lúc là linh mục.


“Vì tôi là linh mục

Tưởng đời là hạnh phúc
Nên tin vào thiếu nữ”(**)

Linh mục “khùng” này chỉ có một tín đồ và tín đồ ác ôn đó đã giam hãm chàng trong tín đồ.:


“Tín đồ là người tình

Có ngờ đâu người tình là ác qủy”(**)

Làm linh mục chưa vừa ý chàng lại đòi trèo lên làm :


“cây thánh giá

Trên nóc cao nhà thờ”(**)

Trong bài thơ “Duyên Tình Con Gái Bắc” Nguyễn Tất Nhiên đã làm cho chúng ta phải bật cười vì tính trẻ con của một chàng trai đang chịu đựng nỗi đau của một tình yêu vô vọng.


Chàng không dấu được vui mừng khi nghe nàng thi rớt trường luật (vì chàng đã thi hỏng tú tài 2):


Nghe nói em vừa thi rớt luật

Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời
Mắt công nương thầm khép mộng chân trời
Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng

(Dù thật sự cũng đáng đời em lắm
Rớt đi Duyên , rớt để thương người)
Ta-thằng ôm hận tú tài đôi
Không biết tìm ai mà kể lể.



Nhưng đằng sau những khùng điên, dại dột và trẻ con, Nguyễn Tất Nhiên đã làm ta kinh ngạc về một cõi hồn ngập tràn cô đơn , bi thiết và hoảng loạn.

“người từ trăm năm

Về qua sông rộng
Ta ngoắc mòn tay
Trùng trùng gió lộng”(**)

Sau khi ngoắc mòn tay mà chẳng ai dừng lại, chàng bèn chạy theo :


“ta chạy lòng vòng

Ta chạy mòn hơi
Qụy té trên đường đời
Sợi tóc vương chân người.(**)

Tưởng tượng cảnh chàng thi sĩ chạy té lên, té xuống mà thương.

Để xem chàng sẽ làm gì sau khi té rất đẹp, rất khôn, té mà để tóc quấn lấy chân người ấy như các nam diễn viên chuyên nghiệp trong kịch của Shakespeare.

Nhưng chàng không chịu đứng dậy, chàng nằm vạ và khao khát được nàng đâm mình một nhát cho xong đời.:


“người từ trăm năm

Về như dao nhọn
Ngọt ngào vết đâm
Ta chết âm thầm
Máu chưa kip đổ.(**)

Nhiều nam ca sĩ hát “Thà Như Giọt Mưa”, “Hai Năm Tình Lận Đận” do Phạm Duy Phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên nhưng với tôi chưa ai hát hay như Duy Quang.


Hai chàng “khùng” này làm tôi nhớ đến tác phẩm “Tình Sầu Của Chàng Werther” của Goethe. Chìm đắm trong cơn mê tình yêu, chàng Werther cuối cùng quyên sinh trong buồn đau, tuyệt vọng.



Nhưng tôi không nghĩ rằng Werther hay Nguyễn Tất Nhiên quá bi lụy vì tình đến không đứng vững nổi trong cuộc đời này. Nổi đau vì tình chỉ là một cửa sổ nho nhỏ cho ta nhìn vào trái tim dư thừa cảm xúc của họ.

Tôi cho rằng kiếp người không phù hợp với một số người. Và họ chọn ra đi sớm để được trở về một tinh cầu bình yên hơn.


Còn Duy Quang , chàng vẫn muốn sống cuộc đời bình thường được mãi hát ca cùng trái tim yếu đuối.


Vì vậy, khi Duy Quang gĩa biệt cõi đời, chắc chắn Phạm Duy, ông già chẳng biết sợ ai, đã suy sụp.


Tôi tin rằng nếu Duy Quang chưa ra đi, Phạm Duy vẫn còn rán sống để nâng đỡ đứa con trai mà ông yêu thương nhất.


Bây giờ, chỉ còn lại chúng ta và những tác phẩm âm nhạc là sự kết hợp tuyệt vời của Phạm Duy, Nguyễn Tất Nhiên và Duy Quang.


Huyền Chiêu, Tháng Giêng 2016


(*)Trong Kiếp Đam Mê của Duy Quang

(**) Thơ Nguyễn Tất Nhiên
(***)Chữ dùng của Nguyễn Tất Nhiên
(****) Trong Chuyện Tình Buồn Ca khúc Phạm Duy phổ thơ Phạm Văn Bình