Điểm tham quan tiếp theo
của chuyến đi là cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. Chiều đã muộn khi bọn mình đặt
chân lên sàn gỗ chiếc cầu biên giới vang bóng một thời. Vài tia nắng còn sót lại
cùng tiếng chim chíp của một, hai con chim lẻ bạn khiến chiều như buồn hơn. Đến
giữa cầu mình và bạn dừng lại. Vô tình bạn đứng phía thành cầu sơn xanh, mình đứng
phía sơn vàng. Chúng ta không đứng ngoài dòng chảy của lịch sử phải không? Kẻ ở,
người đi, 40 năm xa cách. Chỉ có một thứ bất biến, mãi tồn tại là tình bạn. Mười
tuổi hay mấy lần 10 tuổi nữa, mình tin tình cảm này không bao giờ phải đôi bờ chia
cắt.
Bọn mình chơi thân nhau
từ hồi tiểu học. Mỗi lần nghe ai hát: “Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh …”
trong đầu mình lại hiện lên hình ảnh hai
con nhóc đen nhẻm mặc bộ đồng phục trắng, ngôi trường có cây bàng xòe tán rộng
và bà già miệng móm giờ ra chơi bán bánh hột xoài. Mình vẫn nhớ bánh làm bằng bột
nếp rất mềm, cắn một cái nhân dừa, nhân đậu phụng, nước đường tứa ra hai bên
mép, lấy lưỡi liếm qua liếm lại ngon ơi là ngon.
Lên cấp 2 rồi cấp 3 bọn
mình vẫn thân nhau. Mùa xuân đi guốc mới, mặc áo xanh, áo đỏ rủ nhau lên núi xuống
biển. Mùa hè đạp xe một mạch xuống biển, tắm khi nào đen như cột nhà cháy mới
thôi. Mùa thu xúng xính áo dài trắng dưới hàng phượng đỏ, kể cho nhau nghe mối
tình đầu… Mình không nhớ chúng ta đã trải qua bao mùa nắng, bao mùa mưa. Mình
chỉ nhớ đó là những tháng ngày êm đềm và rất đẹp.
Lên đại học tuy khác
trường nhưng bọn mình vẫn thân nhau. Giữa Sài Gòn rộng lớn, quê hương và tuổi
nhỏ khiến bọn mình xích lại gần nhau hơn. Trường bạn, trường mình cùng nằm trên con đường đẹp nhất của
thành phố và chiếc xe đạp Peugeot màu đỏ cùng chiếc PC xanh màu lá lại bên
nhau. Cả hai đã nói rất nhiều về tương lai, về giấc mơ của một kỹ sư và một nhà
báo, giấc mơ hồng bạn còn nhớ không? Nhưng giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ…
Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải
Một ngày cuối tháng
4/75 giữa sân trường đại học Văn Khoa bạn cầm tay mình ngơ ngác hỏi: Về đâu? (Bạn
hỏi mình, mình biết hỏi ai). Bề bộn trước sự đổi thay, mỗi người dạt về một hướng
mất dấu nhau. Sau 10 năm không tin tức, mình bất ngờ nhận được một lá thư.
"Chuyến
vượt biên của mình do một người Việt sống lâu năm ở Campuchia dẫn đường. Hai
ngày đầu tiên vào Sài Gòn phải tá túc ở nhà của họ, không được liên lạc hay
thăm viếng người nhà, bà con của mình. Sau đó họ đưa gia đình mình (hai vợ chồng
và một con gái 3 tuổi) ra bến xe đi Châu Đốc. Đến Châu Đốc sau khi nghỉ chân ở
quán cóc gần bến xe một lúc lâu, gia đình mình phải di chuyển bằng xe Honda thồ.
Xe chạy băng băng hơn một tiếng đồng hồ trên những con đường nhỏ xuyên qua những
thôn làng. Dân cư hai bên đường thưa thớt, nhà cửa nằm ẩn khuất sau những hàng
cây xanh bọc kín. Chiều xuống thật nhanh. Cuối cùng xe dừng lại, bọn mình bắt đầu
đi bộ tới một lạch nước nhỏ cách đồn công an biên phòng chừng một cây số dọc
theo bờ nước. Không gian nơi đây thật im vắng và tĩnh mịch, chỉ nghe tiếng lá
cây rì rào và tiếng vỗ nhẹ của mái chèo tam bản trong nước giữa buổi chiều tà
nhạt nắng. Cả đoàn 16 người (gồm gia đình mình, đám thanh niên nam nữ tuổi dưới
20 cộng thêm hai tài công người Campuchia) im lặng
không dám thở mạnh, rón rén bước xuống một
chiếc xuồng cực nhỏ chờ sẵn, để đưa từng người một lần lượt qua bên kia bờ (thuộc
đất nước Campuchia). Trong phút giây nghiêm trọng đó, tim mình như có ai bóp chặt.
Mình thì thầm: Vĩnh biệt quê hương nghèo nàn, đơn sơ, yêu dấu của tôi… mong
ngày trở lại… vĩnh biệt… vĩnh biệt…
Đêm
đó đoàn người ngủ trên một chiếc ghe bên bờ lạch, để sáng hôm sau đi sang bến cảng,
từ đó đi dọc theo sông Mekong tiến thẳng lên thành phố Phnompenh rồi sang biên
giới Thái Lan. Cho đến bây giờ nghĩ lại mình vẫn thấy kinh hãi và khiếp sợ...
dũng cảm hay liều mạng? 16 nhân mạng trên chiếc ghe thủy lợi có gắn đuôi tôm,
giống y như một trái banh trôi lềnh bềnh trên biển cả, không biết sóng lớn sẽ
đánh tan hay lật úp lúc nào…”*
Đọc nửa chừng bức thư,
mình đã biết bạn về đâu. Còn mình, số phận đã đẩy về chốn buồn nhiều hơn vui. Đó
là những năm tháng không thể nào quên. Cơ cực và thiếu thốn đã biến giấc mơ hồng
ngày nào thành xám. Có những hôm lụt lớn, từ thôn về xã mình công tác phải băng
qua một cây cầu duy nhất. Dù biết nước đã khỏa lấp thành cầu, dù biết con sông
này sẽ dẫn ra biển và bánh xe chỉ cần chệch đi một chút…nhưng mình vẫn phom
phom đạp tới vì đó là con đường độc đạo. Cuộc đời mình cũng y như thế, không có
sự chọn lựa nào khác. Điều đáng buồn hơn cả là tuổi 20 mình chưa sẵn sàng để bước
vào đời. Thẳng thắn, chân thật và thơ ngây đã khiến mình nhiều lần hụt bước.
Nhiều đêm ở một vùng quê xa xôi hẻo lánh, trên chiếc chõng tre, dưới ngọn đèn hột
vịt leo lét mình thầm nghĩ đến bạn. Nhưng bạn và kỷ niệm như ở một tinh cầu xa
xôi không có thật. Choán đầy trong đầu mình khi đó là ý nghĩ: làm sao để thoát khỏi
đói nghèo.
Phải mất một thời gian
dài mình mới thích nghi với thực tại và bài học đầu tiên là phải quên những gì
cần phải quên. Bạn cũng không nằm ngoài vùng quên lãng. Cơm áo buộc mình phải xếp
bạn vào một ngăn của ký ức. Có lần về lại thị xã, đến một ngã tư chân mình bỗng
bước ngập ngừng. Nơi đây đã từng có cây bàng xòe tán rộng? Có tiếng cười rúc
rích của hai con nhóc giành nhau cái bánh hột xoài? Nhìn thì quen thuộc nhưng
tìm đỏ mắt không ra trường cũ. Mới hay cây có đời của cây, phận người thì hữu hạn,
sao phải loay hoay kiếm tìm những thứ chỉ còn trong cổ tích?
Dạo này mình hay tìm đọc
tác phẩm của các nhà văn lớn lên cùng thời với mình. Không hiểu sao những tác
phẩm này cuốn hút mình đến lạ. Có lẽ đó là niềm an ủi vô bờ cho những ai từng trải
qua buổi giao thời khốn khó. Âm nhạc, điện ảnh, tình bạn, tình yêu…dường như
đâu đâu cũng thấp thoáng bóng mình trong những trang sách. Hóa ra đâu phải mỗi
mình trăn trở, vô số người tuổi 20 ngày ấy cũng đau đáu vì thời cuộc như mình.
Đôi khi mình tự hỏi sức mạnh nào đã giúp mình vượt qua giai đoạn gập ghềnh ấy. Nếu
phải bắt đầu lại từ bây giờ, mình e rằng không chịu nổi. Nghị lực và sức chịu đựng
chỉ có khi người ta còn trẻ.
Năm tháng qua đi, người
ở lại thì cũng đã yên phận theo một cách nào đó. Còn kẻ ra đi, đường xa vạn dặm
đã nghĩ gì? Sau lá thư viết vội từ một trại tị nạn ở Thái Lan năm 1985, một
ngày đầu năm 2015 mình nhận được một cái mail chỉ vỏn vẹn câu hát: “ Cuộc
đời là hư vô, bôn ba chi xứ người khi mình còn đôi tay…” Cuối cùng thì bạn
đã trở về.
Động Thiên Đường
Gần một tháng ở Việt
Nam, bạn và mình đi qua rất nhiều địa danh trên mảnh đất mà 30 năm trước bạn nói
câu vĩnh biệt. Mình thấy mắt bạn rươm rướm khi đứng trước ngôi nhà bạn cất tiếng
khóc đầu tiên. Bạn ôm thật chặt và cười rất nhiều khi gặp lại bạn bè thời thơ ấu.
Bạn xách giày đi chân trần trên bãi biển tắm mát ngày tuổi nhỏ. Bạn xuýt xoa
khi ăn lại những món quen cũ và bạn nói nhỏ vào tai mình: “hạnh phúc thật đơn
giản phải không?”. Có nằm mơ cả bạn, cả mình đều không nghĩ có ngày hôm nay.
Câu vĩnh biệt ngày nào chỉ là câu tạm biệt.
Sáng nay bọn mình đến
điểm tham quan cuối của chương trình là động Thiên Đường. Trời vẫn còn mờ sương
khi xe chạy dọc bờ sông Nhật Lệ. Trên bờ nhập nhòa bóng những người đi tập thể
dục sớm. Giữa dòng vài con đò nhỏ neo lửng lơ. Chưa bao giờ mình thấy giòng sông nào đẹp và yên bình đến thế! Những
dãy núi đá vôi hùng vĩ lô xô nằm cạnh
nhau khi xe tiến gần đến cửa động. Sương vẫn còn giăng mù trên đỉnh núi dù mặt
trời sắp lên. Xe ngừng trước tấm bảng Đường Lên Động, mọi người trong đoàn xốc lại ba lô sẵn sàng chinh
phục độ cao. Leo gần hết con dốc cao nhất mình đưa mắt tìm bạn. Đứng trước cửa
động, tựa lưng vào vách đá bạn đưa tay vẫy: nhanh lên đến thiên đường rồi! Mình
bước thêm vài bước vỗ vai bạn: có thiên đường nào cho mỗi chúng ta?
QUANG
ĐẶNG
*Trích thư của Minh Vui
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét