Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài BỂ DÂU Phần 2 của tác giả Nguyễn Tuyết Lộc. Tốt nghiệp Cử Nhân Triết Đại Học Đà Lạt. Cựu Giáo Sư trường Trung Học Phan Châu Trinh và Cao Đẳng Sư Phạm Đà Nẵng.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
Năm 1975
Lý lịch của tôi có hai anh ở nước ngoài, một ở Pháp và một
ở Mỹ, lẽ ra tôi bị “mất dạy” ngay khi Ty giáo dục tiếp quản trường lớp. Nhưng
có anh Hòa, nên họ xét lại.
Tôi nhờ đài phát thanh đưa tin tìm anh Hòa, đồng thời viết
thư ra Đại học Giảng Võ Hà nội nhờ trường tìm giúp, họ cho biết anh Hòa đã đổi
vào làm Hiệu phó trường Cao Đẳng Sư phạm Quảng Bình. Cuối cùng hai anh em đã gặp
nhau ở Đà nẵng, thức suốt đêm nói chuyện. Lòng tôi hớn hở như ngày mở hội. Anh
Hai, Anh Thạch đã đi không biết bao giờ gặp lại nay có anh Hòa trở về tôi xem
như mình có chỗ dựa tinh thần. Tôi lục tục dẫn anh đi mua sắm áo quần, mua một
lần hai chiếc xe đạp một cho chị một cho anh và quà cáp để anh đem ra Quảng
Bình cùng chiếc radio cassette để anh nghe nhạc.
Ba Mẹ tôi vẫn ở Huế trong ngôi biệt thự cũ. Mẹ đã bỏ vườn
hoa xây thêm một nhà nhỏ khá khang trang dùng làm nơi thờ tự. Biệt thự của anh
Hai thì ông chủ tịch quân quản tiếp thu. Hàng rào
hoa ti gôn đã héo úa thay vào đó ông chủ tịch cho trồng khoai sắn.
Ngày nào Mẹ tôi cũng ra đường mong ngóng anh Hòa, trông đứng
trông ngồi. Theo Mẹ, thì anh Hòa khi chia tay 17, 20 tuổi như thế nào, bây giờ
trong trí nhớ của Mẹ, anh vẫn vậy không lớn lên, không già đi tí nào. Cho nên
người đi qua kẻ đi lại, cao gầy, mặt mày sáng sủa, là mẹ nhìn họ chăm chăm, họ
nhìn lại thì bà nghi trong bụng hay đây là thằng Hòa? Nhưng nó đâu biết mình ở
đây? Cứ thế, cho đến ngày tôi đưa anh ra Huế, không báo trước. Mẹ tưởng là mơ,
nhìn con trai từ đầu đến lưng rồi khóc, rồi kể chuyện anh Hai, anh Thạch, Thanh
Tịnh và tôi. Anh Hòa chưa biết Tịnh. Ngày anh đi Tịnh chưa có mặt trên đời. Cuộc
gặp gỡ tưởng chừng như không bao giờ có thể xảy ra nhưng nó đã xảy ra không cần
phép mầu nào cả.
Chỉ hai tháng sau anh Hòa được chuyển vào làm hiệu phó
Cao đẳng Sư phạm Huế, giảng dạy bộ môn triết và đưa gia đình vào luôn. Chị Hòa
làm ở phòng căng tin trường. Tất cả vào sống cùng nhà với Ba Mẹ.
Trường Cao Đẳng Sư Phạm Huế
Khổ nổi anh Hòa tôi một chút sợ tổ chức đảng phê bình,
hai chút sợ đồng chí có ý kiến. Ở với Mẹ cạnh nhà anh Hai chứ không phải ở nhà
anh Hai, vậy mà anh vẫn không an tâm, sợ ảnh hưởng đến đường thăng tiến của
mình, anh xin vào ở tập thể. Khu tập thể giảng viên Cao Đẳng Sư Phạm là trường
Jean D’arc cũ. Tịnh học môn Anh Văn ở Đại học Huế anh cũng không bằng lòng, vì
học tiếng Anh e rằng “người ta’’ cho là bộ môn phản động. May mà tôi bị chuyển
sang môn Địa lý “vô thưởng vô phạt’’. Anh chỉ có cái “bệnh sợ phê’’
và cái gì dính líu đến “ngụy quân ngụy quyền’’ đều là phản động.
Gia đình anh nhập chung hộ khẩu với Ba Mẹ, mỗi lần Ba Mẹ
cầm hộ khẩu lãnh quà của anh Hai hay anh Thạch anh cũng “sợ’’. Ngoài “bệnh sợ’’
đó ra, anh rất thương em út và Ba Mẹ. Nói thật, vào thời kỳ đó ai mà không sợ,
chỉ cần diễn đạt không đúng đường lối là bị đi học tập “mút mùa Lệ Thủy’’
luôn. Tôi biết một giáo viên đang hồ hởi
chuẩn bị kết nạp đảng vô tình gọi Tổng Thống Sài Gòn là “Ông’’ Nguyễn Văn Thiệu,
kể từ đó không cầm được thẻ đảng trong tay. Một chị bạn đồng nghiệp có chồng là
trung úy hậu cần của quân đội Sài Gòn vừa khăn gói đi học tập trên núi, ngay
ngày hôm sau sợ không được đi dạy, trước micro cô chưởi “ngụy quân’’ không còn
manh giáp.
Ty giáo dục cho tôi ra Hà Nội học triết Mác Lênin 6 tháng
mới được tiếp tục dạy, đồng nghiệp nói đùa là tôi đi “học tập cải tạo’’. Vì tôi
làm chủ nhiệm lớp tốt nên Trung Ương Đoàn mời báo cáo chuyên đề về cách chủ nhiệm
một lớp đạt hiệu quả. Thấy tôi viết sách Địa lý địa phương Quảng Nam Đà Nẵng,
chưa ai làm việc nầy nên Viện Nghiên Cứu Khoa Học Giáo Dục mời báo cáo về
“Phương pháp tiến hành viết Địa Lý Địa Phương’’ như thế nào để đưa
vào chương trình giảng dạy Địa Lý Địa Phương cho cấp hai, ba. Hoặc những lần Đại
học Giảng Võ mời thuyết giảng về chuyên đề… Tất cả những lần ấy tôi phải “nhảy
tàu’’ ngay ra Huế “thụ giáo’’ anh Hòa tôi trước khi bay đi Hà Nội. Anh tôi dạy
triết Mác Lênin rất hay, rất dễ hiểu. Tôi thích lắm. Như vậy, có hai thứ triết
chảy trong tôi, khi dạy học hay khi thuyết trình cứ đem ra so sánh, dẫn chứng,
bài thuyết trình trở nên phong phú, sống động. Tôi có tính làm việc gì thì làm
đến cùng, không cần biết trong nhà còn gạo hay đã hết, nhịn đói mà làm.
Nói “cường điệu’’ vậy thôi chứ đâu đến nổi. Từ đó dạy lớp thì ít mà “bỏ lớp’’
đi dạy mẫu thì nhiều. Cũng có thể cảnh tôi cứ “bay’’ lung tung, cứ đi tìm kiếm
“danh ảo’’ trong thời điểm giáo viên Miền Nam chân trong chân ngoài vừa dạy học
vừa đi xe ôm, đạp xích lô kiếm tiền cho gia đình, đã góp một phần làm không khí
gia đình buồn bả u ám. Nhưng thiệt tình, có một điều làm tôi căng thẳng, ray rức
hơn cả chuyện riêng là sự bình an của Ba Mẹ tôi ở buổi xế chiều có chỗ bất như
ý. Cuối cùng tôi quyết định “tự giải phóng’’ bỏ nhà cửa, ôm cha mẹ, em út chạy
vào Sài Gòn dạy luôn.
Còn Thanh Tịnh?
Tính của Tịnh ai làm gì thì làm không để ý chuyện người
khác, lại nhỏ tuổi nhất trong nhà, nên hai anh ít để ý trò chuyện. Đôi khi có
phần thiệt thòi so với tôi. Anh Hai đặt cho tôi là “Mụ O nhọn mồm”. Người Huế vẫn
thường nghĩ em chồng hay kiếm chuyện với bà chị dâu, đâm vào thọc ra nên gọi em
chồng bằng chữ “mụ O nhọn mồm”.
Nói thế không có nghĩa là hai anh bỏ bê Tịnh. Anh Thạch
lo cho Tịnh ăn học khi Ba Mẹ đi đây đó. Đến tuổi quân dịch anh Hai gửi bạn bè
cho Tịnh khỏi ra chiến trường. Nhưng Tịnh thích làm những gì mình muốn. Tịnh
xin gia nhập đội phóng viên chiến trường. Tính cậu rất nghệ sĩ. Vừa tốt nghiệp
Đại học Anh văn ở Huế Tịnh vào ngay Đà Nẵng đưa tôi một tập thơ mới hoàn tất và
bảo tôi bỏ tiền ra in.
– Chị Lộc in cho Tịnh
đi, khi nào có tiền Tịnh trả cho chị Lộc gấp đôi.
“Phương Đuối Mộng”, là tập thơ đầu tay của Tịnh. In xong, hai chị em đợi tối
khuya đi dán quảng cáo ở các gốc cây, ngày thì tôi mang theo vào lớp “dụ” học
trò mua. Giờ nghĩ lại, thật buồn cười. Bài thơ Tịnh ghi: Tặng Anh Nguyễn Văn
Hai có câu đầu tiên: “Trên đỉnh núi cao
ta vén quần đứng đái”, anh Hai chưa đọc hết đã la lên : Thơ với thẩn,
viết tầm bậy tầm bạ. Tịnh cho rằng bài đó muốn nhắc đến tính kiêu ngạo của anh
Hai.
Anh Hai học “dễ sợ”, học “kinh khủng”, học giỏi thiệt, và
người ta đã gán cho anh Hai là “nhà học phiệt”. Ở miền Nam vào thời điểm những
năm 60, chỉ anh Hai có bằng Tiến sĩ Toán học đầu tiên, lại tốt nghiệp danh dự ở
Đại học Sorbonne, đại học nổi tiếng nhất nước Pháp. Mấy năm sau, ông Trần văn Tấn
ở Đại học Sài Gòn mới có bằng Tiến sĩ Toán. Anh Hai có phần kiêu ngạo là vì thế.
Nhưng anh lại rất có tấm lòng. Sinh viên nghèo, học giỏi, anh giúp đỡ. Những
ngày bộ đội sắp tràn vào Sài Gòn, một số sinh viên đang học năm thứ tư là năm
cuối Đại học Huế gặp anh Hai ở Sài Gòn, anh đã ký bằng tốt nghiệp cho họ. Đến
nay gặp tôi, họ vẫn còn nhắc chuyện đó và rất nhớ ơn anh Hai.
Khi Tịnh vào Đại học muộn màng là lúc anh Hai đã định cư ở
Mỹ. Vào Sài Gòn Tịnh theo em họ Nguyễn Bá Nghiêm xuống Vũng Tàu làm việc. Dạy
tiếng Anh cho Nghiêm, dạy guitar, sáng tác nhạc… nên Tịnh được Nghiêm xem là “thần
tượng”. Nhưng Nghiêm chuyên xây dựng, Tịnh không thích hợp nên về lại Sài Gòn ở
với Ba Mẹ và tôi. Nói là ở chung, chứ ít khi thấy Tịnh. Tịnh được nhận vào dạy
các trung tâm ngoại ngữ, rồi mở lớp dạy riêng cho người xuất cảnh… rất bận rộn,
với chiếc xe đạp cộc kệch, ngày càng cũ kỹ đến nỗi lấy chân mà thắng, nhưng đi
đâu cũng đến. Tịnh chơi Guitar rất điêu luyện, biểu diễn với bạn bè hay sinh
viên ở Trung Tâm Văn Hóa Phú Nhuận, tiền làm ra bao nhiêu cũng mua sách, mua
đàn “xịn”, đổi xe cà rịch nầy, mua xe cà tàng khác, tóc để dài, ăn mặc lôi thôi
lếch thếch. Tịnh là người đi hỏng chân trên mặt đất. Anh Thạch gửi tôi hai
thùng thuốc tây, thì Tịnh cũng có một thùng, nhưng chỉ một tuần là về xin, mượn.
Có lần Tịnh từ đâu chạy rần rật lên tận lầu ba, miệng gọi lớn:
- Chị Lộc ơi Tịnh
tìm được cây đàn violon của Nhật rồi. Đẹp lắm.
Rồi ôm tôi hôn lia lịa nói tiếp:
Có violon Tịnh sẽ kéo bản Tristesse của Chopin cho chị Lộc
nghe. Cho Tịnh mượn tiền đi. Anh Thạch, anh Hai gửi về Tịnh bao nhiêu Tịnh cho
chị Lộc hết luôn.
Rầy la Tịnh nhưng cũng thấy thương em. Vì thật ra tính
tôi cũng bốc đồng như Tịnh. Cả nhà ai cũng mong Tịnh lấy vợ để bớt cái tính
lang bang và có người thông dịch cho một văn phòng luật sư Mỹ, tiền lương khá
cao, có cả bảo hiểm nhân mạng theo tiêu chuẩn quốc tế. May mắn cho Tịnh, sau
khi chia tay với Phú Tịnh gặp Thúy một cô giáo rất hiền, nhất là làm rễ một gia
đình có nề nếp đạo đức từ Bắc di cư vào năm 54. Bố của Thúy tốt nghiệp đại học
sư phạm Toán, đại học Luật, có nhiều bằng cấp khác của Mỹ và Pháp. Ông giỏi tiếng
Pháp và Anh. Ông là kiểm soát viên không lưu hàng không dân dụng. Sau 75, nhà
nước đã giữ ông lại làm việc, dạy cho cán bộ ngành Hàng Không. Mấy anh chị em của
Thúy trước 75 đều học trường Pháp. Lọt vào gia đình đó Tịnh chẳng giống ai
nhưng lại được họ thương mến vì tính… nghệ sĩ. Cái chết bất ngờ của Tịnh trong
một chuyến đi chơi với nhóm Bác sĩ Dương Đình Hùng tại Long Hải đã làm anh Hai,
anh Thạch bị “sốc”. Và tôi, ngoài Tịnh ra không còn ai ruột thịt của mình ở Việt
Nam nữa. Tuy Tịnh đã mất, nhưng gia đình Thúy vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với
tôi. Riêng tôi rất thương yêu Thúy, xem Thúy cũng như gia đình Thúy là chỗ dựa
tinh thần của tôi.
Trở lại lúc đang ở nhà anh Hai, cứ đến 7 giờ tối sau giờ
ăn cơm chị Lãnh hỏi ba anh em muốn ăn chè gì? đậu ngự hay hột sen, hay đậu
xanh… Có đêm anh Hai và anh Thạch thức đến gần sáng mới đi ngủ. Anh Hai nói về
đạo Phật về những sách anh viết như “Duyên Khởi”, “Trung Quán Luận”, “Nhân Quả
và Đồng Thời”, “Nhận thức và Không tánh”… Anh Thạch thì nói về Thiên Chúa Giáo,
cách kiến trúc của Tòa Thánh Vatican… Hai anh nói thao thao bất tuyệt, đưa ra vấn
đề rồi say mê tranh luận, bên hỏi, bên đáp… Tôi nằm kê đầu trên chân anh Thạch
nghe rồi ngủ lúc nào không biết. Đêm nào không nói về triết lý thì cả nhà xem
phim. Những phim của Đài Loan sản xuất từ thập niên 60, Minh Hà, con gái đầu của
anh chị Hai tìm mua gửi cho anh Hai xem. Nhất là những phim dựa theo cốt truyện
Quỳnh Giao: “Hải Âu Phi Xứ”, “Mùa Thu lá Bay”… Ai ngờ anh Hai lại “mê” truyện
Quỳnh Giao như thế.
Đêm cuối ở Louiseville
Một tháng trôi qua rất nhanh đối với ba anh em tôi sau 27
năm xa cách. Cuộc hội ngộ nầy như một phép mầu, làm sống lại quãng đời đẹp, thơ
mộng và bình an nhất của tôi dưới sự đùm bọc thương yêu của Ba Mẹ và hai anh
trong một mái nhà. Tôi cảm thấy mình vẫn còn bé bỏng, được nũng nịu, yêu chiều.
Sáng nay, anh Hai chu đáo lấy hết tiền lẻ của tôi lên ngân hàng đổi thành tiền
chẵn, mệnh giá 100 đô. Anh nói ở Việt Nam tiền 100 hay 50 đô mới có giá và đưa
tôi một phong bì:
- Số tiền anh cho em vào ngày cuối là để em về Việt Nam
tiêu. Những ngày vừa rồi đã có anh chị lo. Còn đây là tiền các cháu gửi biếu O
Lộc. Việt Châu nhờ anh nói lại, khi nào O Lộc muốn sang Mỹ, Việt Châu sẽ lo mọi
thứ. Mấy đứa nó làm việc nhiều tiền, trong số đó Việt Châu giàu nhất O Lộc đừng
ngại. Ở Mỹ mà chúng nó học hành nên anh cũng mừng lắm. Nhà mình có phước mới được
vậy.
Bữa cơm tối bình thường như mọi hôm không có vẻ gì gọi là
tiệc chiêu đãi chia tay, vẫn cười nói vui vẻ nhưng trong lòng ba anh em ai cũng
bùi ngùi. Giọng anh Hai bỗng chùng xuống nghiêm nghị:
- O Lộc từ nhỏ đến lớn chỉ biết ăn học vui chơi, chưa bao
giờ lo lắng chuyện chi, rứa mà em đã làm được một việc lớn, đó là đổi một giá rất
đắt cho cuộc sống riêng tư thay anh chị chăm sóc Ba Mẹ. Anh chị là con trưởng,
lẽ ra hầu hạ chăm sóc Ba Mẹ lúc tuổi già đau yếu, là bổn phận của anh chị chứ
không phải để em một mình vừa lo Ba Mẹ vừa lo con cái, nhất là vào Sài Gòn đất
lạ quê người.
Người ta nói: thân gái dặm trường rất đúng với hoàn cảnh
em bấy giờ. Tôi chưa kịp nói thì anh Hai tiếp, giọng càng lúc càng nghẹn lại:
- Trong thư anh gửi cho em sau khi Ba Mẹ vừa mất anh có
viết: anh quỳ xuống lạy em một lạy, đền ơn em đã thay anh báo hiếu Ba Mẹ. Và
cho dù còn hay không còn Ba Mẹ, anh vẫn tiếp tục lo cho em.
Nói đến đó anh bỗng òa khóc thật lớn như bị ức chế từ
lâu:
- Ba Mẹ tha thứ cho con tội bất hiếu không được nhìn Ba Mẹ,
ở cạnh Ba Mẹ lúc lâm chung. Anh Thạch ôm lấy anh Hai khóc, và tôi quỳ xuống dụi
đầu vào lòng các anh tôi khóc theo.
- Anh ơi, anh đừng nghĩ rứa. Lo cho Ba Mẹ cũng là trách
nhiệm của em khi không có hai anh bên cạnh mà.
Khi cơn đau buồn nhớ thương Ba Mẹ, thương em út lắng xuống
anh Hai nói:
- Em đã lo tang lễ cho Ba Mẹ rất chu đáo trang nghiêm.
Bên nầy, anh xem hình mà không tưởng được. Nhân đây cho anh kính gửi lời đến Ôn
Trí Quang. Anh luôn ghi nhớ ơn đức Ôn đối
với gia đình mình.
Khuya lắm hai anh chuẩn bị ngủ. Tôi chạy sang phòng anh
Thạch, anh đang cầu kinh:
- Anh ơi em vào được không?
- Lộc đó hả? Em vào đi.
Tôi quỳ mọp xuống chân anh:
- Anh ơi, anh tha thứ cho em đã làm anh luôn lo lắng. Em
đâu biết anh phải qua Châu Phi dạy để có nhiều tiền gửi cho Ba Mẹ và chúng em.
Anh vuốt đầu tôi:
- Không, em không có lỗi chi hết. Anh mới có lỗi đã để em
một mình chịu bao nhiêu cơ cực. Anh thương em lắm. Anh sẽ về thăm em bất cứ khi
nào có thể. Còn anh Hai chắc không về Việt Nam được vì anh đã trên 80 rồi. Hai
anh em mình phải gắng thu xếp để sang thăm anh thôi, em hí. Sáng mai anh đi sớm,
5 giờ đã có mặt ở phi trường. Em 7 giờ phải không? Như rứa là cả nhà phải dậy từ
3 giờ sáng để anh Hai đưa anh đến terminal của anh rồi mới sang terminal của
em. Em ngủ đi, đừng nghĩ ngợi chi nữa nghe. Anh luôn ở bên em. Ba Mẹ sẽ phù hộ
cho mấy anh em mình mà.
Từ ngôi nhà ấm cúng 6 & 8 Lê đình Dương Huế, Ba Mẹ,
anh em quấn quít sum họp mỗi ngày, chỉ trong nháy mắt Ba Mẹ, anh Hòa rồi Tịnh về
phương trời khác, ba anh em còn lại mỗi người lưu lạc mỗi nơi. Từ ước mơ ngày
nào đó gặp lại các anh cùng dưới một mái nhà, giấc mơ đã thành hiện thực và giờ
đây hiện thực như mơ đó không còn nữa, nhớ thương nhau đành thông qua con đường
ảo của máy móc điện tử. Đường xa vạn dặm, tuy biết có tiền là mười mấy tiếng đồng
hồ sẽ nhìn thấy nhau nhưng sao khó khăn quá để thực hiện một giấc mơ khi càng
ngày lực càng bất tòng tâm!
Tôi và các anh chợt im lặng, mỗi người theo đuổi một ý
nghĩ riêng. Dòng đời như dòng sông có sóng có mạch ngầm. Chỉ có điều chúng tôi
không ngờ rằng có lúc những con sóng lăn tăn, khá bình lặng của dòng Hương
Giang lại dâng cao, phá bờ ngập tràn gần như tất cả. Không phải chỉ tuổi thơ bị
đánh cắp ở Quảng Bình mà khu vườn mộng mơ một thời tuổi xuân của Huế cũng chịu
bao tang thương dâu bể. Nhưng anh em chúng tôi còn may mắn, nhờ cái gien Phật
Pháp Ba Mẹ chúng tôi để lại với lời dạy « Vạn pháp giai không » và phần
nào có lẽ cái ngành triết mà tôi theo đuổi trước 75, thấm thía cái ý thức về
thân phận không thể chối từ của những kẻ bị lưu đày mà lòng dù muốn dù không
cũng dần dịu lại.
Một ước mơ không ngăn nổi về một ngày mai «người biết yêu
người» sau chừng đó bi thương tan nát khi đã chứng kiến và nếm trãi những chất
ngất khổ đau, bi kịch cho cả một đất nước, đồng bào họ tộc… và cùng với hy vọng
mơ hồ đó là ký ức rưng rưng về một dân tộc đã bao đời cứ hễ âm thầm ươm được một
giấc mơ là vội kèm theo thất vọng có khi là tuyệt vọng. Nhưng biết nói gì hơn
được, con người vẫn phải sống cùng với tuyệt vọng và những giấc mơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét