GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài BỂ DÂU của cô Nguyễn Tuyết Lộc, cựu giáo sư trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Bài này hơi dài nên chia làm 2 phần (được sự đồng ý của tác giả). Xin quý vị vui lòng đọc tiếp Phần 2 (kỳ tới) để theo dõi "trọn vẹn" câu chuyện. Xin chân thành cám ơn.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
Đây là lần đầu tiên tôi đi Mỹ thăm anh Hai tôi sau 22
năm xa cách kể từ 75.
Vào thời điểm nầy, không dễ dàng gì lấy được visa vào
nước Mỹ. Thời Việt Nam đã “đổi mới” nhưng những ngăn trở, nghi ngại ở cả hai
phía đối phương cũ chưa thể xóa nhòa. Những người vượt biên trước đây được xóa
án, thậm chí được tiếp đón nồng hậu khi trở về thăm quê nhà với danh xưng rất đẹp:
Việt kiều yêu nước. Mà họ yêu nước yêu dân thật sự đấy chứ. Thứ nhất, hầu hết
ra đi vì bế tắc kinh tế và mối lo cho tương lai học hành nghề nghiệp của con
cái chứ không hẵn vì chính trị chính em gì, vì những con em trong gia đình có
người thân làm cho “ngụy quân, ngụy quyền”, hay thuộc diện “học tập cải tạo” (Ở
tù không biết ngày về) – không được đến trường. Thứ hai, họ cũng lao động hết sức
mình nơi quê người để kiếm tiền gửi cho thân nhân, đỡ một phần đất nước phải
gánh vác.
Những năm 80 - 90, khi đưa tiễn thân nhân sang Mỹ theo diện HO hay ODP đoàn tụ gia đình người ta khóc lóc thảm thiết, đôi khi ngất xỉu. Họ nghĩ rằng sẽ không bao giờ còn thấy được người thân. Người ngoài, người trong, cách nhau chỉ một lằn vạch đỏ 5cm mà như xa muôn trùng, như ở hai thế giới khác nhau.
Những năm 80 - 90, khi đưa tiễn thân nhân sang Mỹ theo diện HO hay ODP đoàn tụ gia đình người ta khóc lóc thảm thiết, đôi khi ngất xỉu. Họ nghĩ rằng sẽ không bao giờ còn thấy được người thân. Người ngoài, người trong, cách nhau chỉ một lằn vạch đỏ 5cm mà như xa muôn trùng, như ở hai thế giới khác nhau.
Anh chị Hai tôi đón tôi ở phi trường Kentucky, không
có màn ôm nhau khóc hu hu, không mừng mừng tủi tủi, một phần tính anh Hai
nghiêm khắc, phần khác hai anh em cách nhau hơn 20 tuổi, nhưng nhìn cách anh
chuẩn bị đón em út rất chu đáo cũng biết là anh thương em lắm. Anh Hai cho biết
anh Thạch cũng đang trên đường từ Paris bay qua New York rồi từ New York về
thành phố nầy, chiều mai anh Thạch sẽ đến,
ba anh em sẽ được ở chung một nhà như hồi tôi còn nhỏ. Thích quá. Cuộc hội ngộ
nầy chỉ có trong giấc mơ.
Trên đường về anh Hai lái xe “ngon lành” lắm, viu viu
như thanh niên lái vậy. Tôi nhìn anh, nhìn chị. 22 năm! Tóc anh nhuốm màu muối
tiêu, anh gần tám mươi tuổi rồi. Bỗng dưng mắt tôi hoe hoe đỏ, mũi tôi phập phồng,
có cái gì đó chặn nghẹn cổ tôi. Tôi muốn khóc òa lên nhưng không dám khóc. Tôi
thương anh tôi quá. Một thời vang bóng, năng động, sôi nổi nay sống nơi quê người
chỉ hai vợ chồng già, con cháu mỗi người một bang chỉ gặp nhau trên điện thoại.
Anh Hai tốt nghiệp tiến sĩ toán với bằng danh dự tại đại học Sorbone, tiến sĩ
giáo dục học tại Mỹ.
Đây rồi xe dừng trước số nhà 2408 - Calm Lane –
Louiseville, địa chỉ mà tôi thường thấy
trên những bức thư anh Hai tôi viết gửi về cho tôi với nét chữ thân thương.
Không bao giờ anh viết thư cho tôi bằng vi tính, anh viết bằng bút máy mực đen.
Anh chị dẫn tôi đi một vòng quanh nhà rồi bảo tôi lên phòng nghỉ ngơi.
Phòng anh chị ở basement, ba phòng ngủ tầng trên thì
hai phòng dành cho tôi và anh Thạch. Anh Hai đã tự tay thay drap giường sạch sẽ
tươm tất. Chuyến bay thật xa, mệt, tôi chỉ trông chui vào phòng để ngủ một giấc
thẳng cẳng cho sướng cái đời, nhưng trăn qua trở lại ngủ không được.
Đêm Louiseville thật yên tĩnh, mọi người chung quanh đang chìm trong giấc ngủ. Trời se lạnh. Tôi choàng
mền ngồi xem truyền hình bỗng thấy ngoài sân có tia sáng chớp chớp xanh đỏ. Tôi
chồm người khỏi ghế nhìn ra cửa sổ. Cách nhà anh Hai một căn, chiếc xe cấp cứu
to giống xe cứu hỏa, ba chiếc xe nhỏ của cảnh sát giống xe taxi, cảnh sát chạy
lui chạy tới điện đàm, một người nằm trên chiếc băng ca được người ta đẩy vào
xe cấp cứu, cô gái tóc dài mặc đầm ngắn, quàng khăn ấm chạy theo
sau. Tôi vội xuống basement báo anh Hai biết, anh nói mở kênh địa phương xem lằn
tin tức dưới ti vi thế nào họ cũng đưa tin, ở đây có chuyện gì xảy ra tivi đưa
tin nhanh chóng lắm, dân địa phương thường theo dõi để kịp thời đối phó như sắp
có mưa đá, lốc xoáy…
Đúng như anh Hai nói, tivi cho biết tại nhà 2412 Calme
Lane, Louiseville, một thanh niên 37 tuổi chích ma túy quá liều rồi dùng súng bắn
vào thái dương tự sát.
Đó là đêm đầu tiên tôi ở Mỹ.
Gần 12 giờ trưa thức dậy, tôi mở cửa đi bộ vòng vòng
quanh nhà. Tất cả đều im ắng bình thường như không có chuyện đêm qua một người
đã tự tử xảy ra. Rất nhiều cây xanh trồng thành hàng ngăn nắp. Nhà nầy biệt lập
với nhà kia bằng những khoảng sân cỏ rộng không có hàng rào ngăn cách, trước nhà là đường một làn dành cho xe hơi, sau lưng nhà nào cũng có một
khoảng vườn lớn, người thì dùng khoảng đất trống nầy để dựng hồ bơi di động,
hình dáng đủ kiểu thật đẹp mắt được lắp ráp bằng những thanh gỗ, keo gắn kết,
dây kẽm to bảng niềng lại rồi bơm nước vào, vườn nhà anh chị Hai thì để cỏ mọc
hoang. Cuối biên vườn là rãnh sâu như con rạch nhỏ.
Tiếng lao xao gọi nhau trước sân nhà, khoảng năm sáu
trẻ em độ chừng mười lăm tuổi, da đen có da trắng có, cả da vàng nữa đang chơi
bóng chuyền, tôi cũng gia nhập, cũng hò hét. Bỗng tiếng anh Hai gọi:
- Tuyết Lộc, vô
ăn sáng rồi đi mall.
Tôi ngồi vào
bàn ăn nghe anh dặn tiếp:
- Chiều ni cả nhà đi đón chú Thạch, tối mới về. Ở đây
O không nên lang thang ngoài đường gặp bọn da đen kiếm chuyện nó đánh. Da trắng
kỳ thị lắm, thấy da vàng hay đen nó khinh, cũng kiếm chuyện. O không được vào
nhà người lạ cho dù họ có mời vào mình cũng đừng vào. Mình vào rồi họ đóng cửa
lại gọi police tới, bảo mình đã vô nhà họ bất hợp pháp là O bị còng tay dẫn đi
ngay. Tóm lại, muốn đi đâu O nói với anh, anh đưa đi. Nghe O và chú Thạch qua, anh đã lên chương trình cho ba anh em rồi,
nơi nào cần đi anh sẽ dẫn đi để biết về văn hóa ở đây. O biết không, ở đây nhiều
thứ căng thẳng lắm, ví dụ như trời đang nắng, ti vi báo sắp có mưa đá là mình
phải lo tìm chỗ trú ẩn ngay. Vừa rồi anh được bảo hiểm đổi chiếc xe mới toanh
vì trần xe của anh bị mưa đá làm lủng hết. Nhà phần nhiều làm bằng thứ dễ cháy
chất liệu nhẹ, nếu cháy thì phải nhanh chóng thoát thân trước chứ ham lấy của cải
thì cháy luôn cả người, cũng vậy nếu có lốc xoáy thì tìm góc nào đó dưới
basement ngồi niệm Phật, nhưng không may lốc đã đến nhà thì chỉ có cách cuốn
theo nó mà thôi, Phật không kéo lại nổi. Mưa cũng vậy, O thấy nhà cửa đẹp đẽ
sang trọng ri chứ mưa lớn một trận là như lũ, nước tràn cả xuống tầng hầm, nước
rút đi anh chị phải múc nước tát ra ngoài. Ống nước hư hay đường dây điện có vấn
đề anh chị phải gọi người tới sửa chữa, tốn kém đã đành mà rất phức tạp khi thấy
họ tháo banh mọi thứ ra, khi họ đi mình dọn dẹp cực lắm. Lúc còn trẻ, mình chịu
được, lớn tuổi rồi cái chi cũng thấy mệt nên anh chị dùng đồ đạc phải rất cẩn
thận, không hà tiện cũng như người hà tiện. Những ngày O và chú Thạch ở đây chị
sẽ nấu cho cả nhà ăn, vì chỉ có chị dùng bếp ga, hỏng đâu chị biết đó. Tuyết Lộc
đừng đụng vào bếp ga. Áo quần cũng để chị, cứ hai ngày chị bỏ máy giặt một lần,
O rửa chén bát, anh làm tài xế nếu ngày đó anh không đi dạy, chú Thạch ưa cắt cỏ
với anh thì cắt… Cỏ ở khu vườn sau nhà lên cao lắm rồi, anh chờ chú Thạch qua cắt
đó.
Anh lên chương trình xong cả nhà cùng lên xe đến mall
gần nhất. Mỗi người mua chi tùy thích. Anh nói đi chợ một lần để ăn hai ngày.
Anh Thạch vừa ra khỏi máy bay là đã có anh chị Hai và
tôi đứng đón. Chị Hai cầm máy ảnh chụp lia lịa, tác nghiệp như nhà báo. Chị chụp
nhiều kiểu để bảo đảm ba anh em Nguyễn văn Hai nhà tôi có ảnh đẹp lưu niệm, tôi
luôn dành đứng giữa. Trên xe hai anh bỏ rơi tôi và chị Lãnh, hỏi chuyện nhau
không ngớt. Anh Thạch cũng phải 25 năm mới gặp lại anh Hai. Anh là tiến sĩ vật
lý đại học Toulouse. Từng giảng dạy ở đại
học Huế và khoa trưởng khoa học đại học Cần Thơ. Năm 1972 anh Thạch từ Đại học
Cần Thơ đi tu nghiệp ở Pháp đến 1975 không về được phải làm giấy tờ bảo lãnh vợ
con, 10 năm sau chị Ngọc Bích, tiến sĩ hóa và ba cháu qua Pháp định cư.
Tối đến cả nhà xúm nhau kể chuyện – chuyện cũ ôn lại
là chính – rồi khóc cười với nhau, mà cũng không cần chuyện đời dâu bể loạn lạc,
cứ nhớ tới ngày Ba Mẹ tôi ra đi cách nhau có 7 tháng, và nhìn mái tóc bạc của
hai anh sau 20 năm xa cách, tôi không cầm được nước mắt.
Tôi nhắc lại chuyện chạy giặc năm 75 ở Đà Nẵng cho hai
anh nghe. Bấy giờ chỉ còn thành phố và phi trường, quân đội Miền Bắc chưa tiếp
quản. Các gia đình công chức đổ xô vào sân bay. Binh lính tự động tan hàng tùy
nghi di tản. Dân chúng bỏ nhà cửa mang theo đồ đạc chạy xuống bến tàu. Người chạy
đằng nầy kẻ chạy đằng khác, chạy lui chạy tới chứ không biết chạy đâu. Sự hỗn
loạn đến với Đà Nẵng nhanh không thể tưởng, cướp bóc như rươi. Quân thất trận,
dân lánh nạn từ các nơi đổ về đây chật cả đường sá. Đà Nẵng giống như lòng chảo
nằm chịu trận.
Tôi và Tịnh, em trai út của tôi, đưa Ba Mẹ đến nhà anh
Ngô Đồng, viện trưởng Viện Đại học Quảng Nam Đà Nẵng, nhưng chị Thanh Châu vợ
anh Ngô Đồng bảo anh bị kẹt trong sân bay từ tối hôm qua, pháo kích “rát” quá
anh không ra ngoài được, cả nhà đang chuẩn bị lên xe cam nhông do một trung úy
binh vận quen biết cho quá giang xuống bến
tàu. Cả nhà tôi cùng gia đình chị xuống sông Hàn. Tại đây nhiều xà lan đã chất
người quá tải nhưng họ vẫn chen nhau xuống. Xà lan theo đợt sóng giao động, xáp
vào rồi dạt ra. Có người đang bước qua, hay đang chuyền con trẻ, gặp lúc xà lan
dạt ra, người rơi xuống sông, xà lan xáp vào lại thế là họ bị kẹp ở giữa hai xà
lan mà chết. Không ai để ý đến ai cứ thế đạp lên nhau tìm đường sống. Có người
nói tướng lên cứ cắt dây là xà lan tự động trôi ra biển sẽ có hạm đội của Mỹ vớt.
Họ đâu nghĩ rằng ngay cả lính Mỹ ở Đà Nẵng còn không kịp “xa chạy cao bay”, mặc
quần tà lỏn mà chạy, nói gì chuyện chờ người Mỹ lo cho dân “An Nam” nhà mình.
Xà lan trôi thật nhưng trôi qua cảng Tiên Sa bên kia
sông Hàn. Chúng tôi phụ nhau cõng Mẹ rời xà lan đi khoảng 2 cây số thì vào một
trường học, ở đây dân đứng rất đông ngoài sân, hai tay đưa lên đầu, mặt mày tái
xanh không còn chút máu. Chúng tôi cũng líu ríu tấp vào, vội vã đưa hai tay lên
đầu … hàng. Trước mặt chúng tôi là hai chiếc xe tăng đang trờ đến.
- Trời ơi, Việt Cộng! Trốn Việt Cộng bên kia lại gặp
Việt Cộng bên nầy.
Một bà hoảng hốt kêu lên.
Hai nòng súng xe tăng từ từ quay về hướng chúng tôi.
Thế là hết đời, tôi hoảng hốt nghĩ và bỗng ớn lạnh cả xương sống, chân tay run
lẩy bẩy muốn khụy xuống, miệng mồm méo xệch, nước đái chảy cả quần, liếc qua thấy
Ba Mẹ vẫn thản nhiên không chút sợ hãi. Một vị chỉ huy xe tăng chạy lên phía
trước nhìn đám đông, giọng Quảng Nam:
- Các mẹ các chị, đồng bào đừng sợ, chúng ta đã hoàn
toàn chiến thắng. Các em học sinh tình nguyện sẽ đưa gạo, sữa cho đồng bào rồi
ai ở đâu thì về đó trình diện địa phương.
Đêm đó tiếng pháo kích không còn, tiếng súng chỉ lác
đác xa xa. Chúng tôi vào trường học sau khi dùng tạm mấy gói cơm ăn liền, kê ghế
sát nhau mà ngủ.
Dọc theo Tiên Sa người chết nằm la liệt, nhiều binh
lính sĩ quan quân đội Sài Gòn cởi trần chỉ mặc chiếc quần đùi, ngồi bệt giữa đường,
nét mặt thất thần. Hai chị em tôi thuê được một chiếc xe lam với giá cắt cổ đưa
Ba Mẹ về lại nhà. Cửa nhà bị mở toang hoang nhưng
trong nhà chẳng mất gi. Việc đầu tiên của tôi là đến trường Phan Châu Trinh
trình diện. Còn Ba Mẹ tôi và Tịnh chờ nghe tin Huế im tiếng súng mới dám về lại
Huế. Huế nói riêng và miền Nam Việt Nam đã thực sự sang trang.
Hai anh tôi ràn rụa nước mắt khi nghe tôi kể lại đoạn cả
gia đình không biết sống chết thế nào cũng theo người ta nhảy đại lên xà lan chạy
giặc. Theo lời anh Hai kể thì những ngày cuối cùng ở Sài Gòn cũng như Đà Nẵng mọi
người nhốn nháo chạy xuôi chạy ngược. Anh phải lên Bộ Giáo dục ở đường Lê Thánh
Tôn nhờ anh Tôn Thất Thứ là học sinh cũ trường Bán Công Huế làm việc tại Bộ, lục
tìm bằng Tiến sĩ tốt nghiệp tại Mỹ của anh. Bằng cấp học vị của một người bấy
giờ được xem như tờ giấy bảo lãnh, một điều kiện để người Mỹ “bốc” đi bằng máy
bay. Và anh Hai đã đi cùng với gia đình bay đến đảo Guam bằng phi cơ vận tải
quân sự.
Đảo Guam
Theo anh Hai kể lại thì Đảo Guam là chặng dừng chân đầu
tiên trước khi chính phủ Hoa kỳ đồng ý cho định cư ở một nơi nào đó trên đất Mỹ.
Khi đến Guam, mọi người đều dồn vào trại tị nạn dựng quanh phi trường gọi là
“Thành phố lều” (Tent city), được phát áo quần của các hội từ thiện gửi đến
cho, đủ màu sắc, đủ kiểu, rộng thùng thình mặc vào chẳng giống ai.
Anh chị và mấy cháu được ở trong một căn nhà dài, hẹp,
cùng với những người khác. Hai bên kê hai dãy ghế bố, mỗi người một cái, giữa
là lối đi. Gia đình ai nhiều người thì đặt ghế bố gần nhau, muốn che chắn kín
đáo thì dùng màn. Sáng, trưa, mọi người đến điểm phát thức ăn, cầm bát sắp hàng
dài dưới cái nắng gay gắt của đảo mỗi ngày hai buổi, đồ ăn được cung cấp rất đầy
đủ. Ai có tiền thì vào quán. Nhiều người mang theo đô la, nhưng họ không biết
mình sẽ ở đây bao lâu nên xài rất dè sẻn. Tối nào cũng chiếu phim trên bãi biển.
Có báo in tại đảo bằng tiếng Việt, không dấu, nhưng chỉ đưa tin sinh hoạt, đời
sống của người tị nạn chứ không có tin thế giới, làn sóng điện ở đây không bắt
được đài VOA hay BBC.
Người nào muốn định cư ở Pháp, Úc, Canada, Đức, Mỹ… thì
đăng ký. Ai có thân nhân ở các nước đó bảo lãnh thì đi nhanh hơn. Nhiều người
đăng ký cả tháng vẫn chưa nghe gọi đến tên mình. Có người chờ quá lâu, mà ở trại lại thiếu thốn tiện
nghi nên họ nghĩ chẳng thà đi khỏi đây, đến được đất liền của Mỹ rồi ưa đi đâu
thì đi. Có người chọn ở lại, gầy dựng cuộc sống mới tại Guam.
Người di tản đến đây ngày càng đông bằng thuyền hay bằng máy bay. Ca sĩ Kim Vui đóng trong phim Chân trời tím, lấy chồng Mỹ, định cư ở
đây từ lâu. Cô làm tờ báo “Chân trời mới”.
Anh Hai cũng gặp nhạc sĩ Phạm Duy di tản đến Guam bằng máy bay. Anh Hai không
chịu nổi nắng gắt nên bị đau, bị kiết lỵ, người ốm tong teo tưởng chết ở Guam rồi,
may sao hôm các cháu đưa anh lên trạm xá cấp cứu, một sĩ quan người Việt nhận
ra anh Hai trước đây là thầy cũ của ông ta nên Ông hứa lo cho anh Hai định cư sớm. Một gia đình
đạo Tin Lành ở Mỹ đứng ra bảo lãnh gia đình anh Hai. Sau khi phỏng vấn xong
chính quyền Guam cấp cho gia đình anh Hai mỗi người một tấm thẻ nhỏ I-94. Anh bảo đây là bùa hộ mạng duy nhất cho người
tị nạn Việt Nam được cấp khi vào Mỹ tạm trú, ai có tấm thẻ nầy là có thể xin việc
làm nhanh chóng. Nhưng không chỉ có người tị nạn Việt Nam từ Việt Nam qua đâu,
mà có cả người Việt Nam từ Lào qua Thái lan, rồi từ Thái Lan qua Guam.
Máy bay đáp xuống phi trường quân sự Eltoro, Nam Cali.
Mỹ cũng đã mở cửa một số trại binh trong đất liền để đón người tị nạn. Vài hôm
sau, gia đình người bảo lãnh đến đón gia đình anh Hai. Việc đầu tiên khi đến Mỹ
là anh Hai gấp rút đi nộp bằng cấp xin dạy các trường Đại học, bất cứ bang nào.
Anh Hai nói, gia đình người Mỹ theo Tin Lành nầy rất tốt, họ lo đầy đủ mọi thứ,
chỉ có việc làm anh Hai lúng túng là sáng nào họ cũng dẫn anh đến nhà thờ Tin
Lành gần đó, hoặc để cầu nguyện hoặc để gặp gỡ các vị chức sắc. Chỉ một tuần
sau Đại Học Kentucky nhận anh Hai vào dạy. Cả gia đình anh bay sang Louiseville
ngay không chần chờ nữa, một là tránh khỏi áp lực việc họ giúp đỡ mình để muốn
mình phải theo đạo của họ, hai là ổn định việc học hành cho các cháu, Minh Hà,
Minh Phương, Hoài Nhơn, Việt Anh, Minh Huyền. Còn Việt Sơn, du học từ 1970, đã
xong Tiến sĩ Kinh tế và Việt Châu đang soạn luận án Tiến sĩ. Việc học hai cháu
lớn xem như mỹ mãn.
Thời điểm anh em tôi gặp gỡ nhau sau 22 năm các cháu
đã lập gia đình, có công ăn việc làm, có con cái hết. Anh Hai nói Việt Sơn lấy
vợ người Mỹ, nó ăn rồi thích ở nhà chơi đàn piano, chứ không ưa đi làm. Anh
phàn nàn mỗi lần anh chị đến thăm nó không biết rót ly nước mời cha mẹ. Ngược lại,
vợ nó lại rất hồn hậu biết chăm sóc cha mẹ chồng. Còn Việt Châu, giàu nhất
trong bảy anh chị em. Dưới quyền Việt Châu, Giám đốc sản xuất linh kiện máy
tính các loại, có khoảng 125 nhân viên. Châu hiện đang ở và làm việc ở Silicon
Valley, có vợ người Mỹ. Việt Châu hiếu thảo với cha mẹ, nhưng vợ Việt Châu theo
anh mô tả không cần biết cha mẹ chồng là ai. Tôi định đùa với anh là “Thế gian
được vợ mất chồng, được chồng mất vợ” như các cụ xưa hay nói, nhưng sợ anh nghĩ
tôi muốn bênh cháu, lại nghĩ bụng có khi kiểu sống Đông Tây không dễ gì gặp nhau
như ông nhà văn Kipling từng cảnh báo nên thôi không dám có ý kiến. Minh Phương
xinh đẹp nhất nhà, tươi vui, dí dỏm là Giám Đốc một công ty lớn, mỗi lần hai đứa
con của Minh Phương học piano, Minh Phương đưa con qua Canada, thuê khách sạn ở
vài hôm rồi về lại Mỹ, mỗi tháng hai ba lần như vậy. Hoài Nhơn ít nói nhất nhà,
tốt nghiệp ngành dược và làm ở phòng thí nghiệm, hằng ngày tiếp xúc nghiên cứu
toàn những chất độc nên tiền lương rất cao nhưng luôn bị stress. Việt Anh áp út
chỉ học hết cử nhân. Minh Huyền là út, tốt nghiệp hạng ưu Đại Học Havard bác sĩ
khoa tim mạch nên được giữ lại trường giảng dạy. Xem ra dù với anh chị vẫn là cảnh
“đất khách quê người”, nhưng còn hơn bao nhiêu gia đình trong nước, ngoài nước,
anh chị thấy được sự trưởng thành, thành công của con cái.
Chị Hai kể: có lần nửa đêm chị mệt tim, anh Hai đưa cấp
cứu bệnh viện thành phố Louiseville, bang Kentucky và báo cho Minh Huyền biết.
Minh Huyền vội điện thoại gửi gắm mẹ cho Bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại đây.
Vì cùng ngành với nhau nên bác sĩ rất quan tâm. Bác sĩ bảo chị Hai ngồi trên xe
đạp, đạp thật nhanh đến khi nào quá mệt không thể đạp nổi nữa thì nghỉ, lúc ấy
họ sẽ kiểm tra nhịp đập của tim. Anh Hai thấy chị xanh mét mặt mày, còn mệt hơn
khi chưa vào bệnh viện nên xin bác sĩ cho về. Bác sĩ không cho về bảo là còn kiểm
tra nhiều thứ nữa, phải đúng nguyên tắc y khoa. “Một lần cho tởn tới già” hễ
đau thì ráng chạy chữa ở nhà chứ không “dại” gì nhờ con cái gửi gắm đồng nghiệp
vào bệnh viện nữa, càng quen biết càng bị hành hạ thân xác, đau nhẹ thành nặng
thêm. Từ đó chị Hai không “dám” đau tim nữa.
Còn anh Hai, anh là người sợ bác sĩ nhất chỉ khi nào
đau chịu không nổi mới tìm đến bác sĩ. Anh thường cẩn thận đọc toa thuốc, mở mạng
xem tác dụng phụ của thuốc rồi bớt đi những thứ không cần thiết. Thuốc có hiệu
quả ngay mà để lại hậu quả lâu dài, anh không uống. Kèm theo toa thuốc là một tờ
giấy ghi danh sách dài lòng thòng các thứ không được ăn, thứ gì cũng”độc hại”,
phải ăn những thứ bác sĩ cho phép. Anh bảo cử hết thì còn gì để ăn, cứ ăn,
không sợ. Tụi bên nầy vậy đó. Hôm nay nó bảo Tylenol là độc dược, ngày mai
Tylenol uống được không sao. Hôm nay cấm ăn đậu phụng, ngày mai nói đậu phụng tốt…
Ui chao, đừng tin nhiều vào mấy cha bác sĩ bên nầy, họ chỉ hơn bên mình ở chỗ
máy móc hiện đại thôi. Máy móc hổ trợ cho bác sĩ nhiều thứ lắm, chứ khám bệnh
và cho thuốc, có khi lại thua bác sĩ Việt Nam.
Tôi cười, nói với anh Hai, anh đừng vội khen bác sĩ ở
Việt Nam. Không phải ai mang danh xưng bác sĩ cũng giỏi, cũng có tâm giống nhau
đâu. Tôi nhớ hồi đó đang đứng trên bục giảng bài thì lên cơn đau dạ dày dữ dội,
đau tái mặt, mồ hôi lạnh vã ra. Học sinh đưa vào cấp cứu ở Bệnh Viện C Đà Nẵng.
Bác sĩ Tưởng giám đốc bệnh viện, tốt nghiệp y khoa tại Liên Xô cũ, chẩn đoán
tôi đau vùng thượng vị, phải chụp quang tuyến. Nhìn những tấm phim để trong
khung đèn, bác sĩ Tưởng lấy cây bút và tờ giấy vẽ hình bao tử rồi cười nói với
tôi:
- Không có gì để cháu lo. Cái bao tử của cháu chỉ cần
cắt bỏ một phần ba thôi. Chú sẽ đục một lổ nhỏ bên hông, nối ruột già vào đó để
cháu có thể đi cầu, tức là là hậu môn giả. Bây giờ là 11giờ trưa, cháu về thu xếp
việc nhà chiều đầu giờ đến đây, tự tay chú sẽ giải phẫu cho cháu. Bây giờ hiện
đại lắm, mổ ruột như cắt cổ gà không cần gây mê, chỉ chích thuốc tê vùng cần
thiết. Chú mổ phần dưới bụng, cháu vẫn có thể trò chuyện được. Cháu đừng để
lâu, đau lên đau xuống, mặt mày nhăn nhó, mất hạnh phúc gia đình.Tôi bị “sốc”
khi nghe bác sĩ nói vậy, chỉ trong chốc lát, người tôi rệu rã, không còn chút sức
sống nào nữa.
Bệnh viện C Đà Nẵng
Trên đường về tôi nghĩ mọi cách, cuối cùng tôi quyết định
trốn qua Bệnh Viện Đa Khoa, nơi chuyên khám cho cán bộ công nhân viên, gặp Bác
sĩ Thưởng là giám đốc bệnh viện. Tôi đưa hết mấy tấm hình X quang vừa chụp tại
Bệnh Viện C cho bác sĩ xem. Bác sĩ Thưởng bảo tôi phải chụp X quang lại cho rõ
ràng hơn rồi ký giấy cho tôi đi thử phân. Sau khi hội đủ giấy tờ xét nghiệm,
phim ảnh dạ dày, bác sĩ Thưởng gọi hết bác sĩ khoa nội vào họp đột xuất. Ông chỉ
từng tấm hình và nói:
- Nè, mấy anh xem nè, cái dạ dày của con người ta không
bị chi hết mà chẩn bệnh trên lâm sàng xong, bảo đem con người ta lên bàn mổ.
Làm ăn kiểu ni là chết con người ta còn chi. Thấy chưa.
Các bác sĩ vừa theo dõi phim vừa hỏi:
- Ai vậy thưa bác sĩ Giám đốc?
- Hừ, anh Tưởng tui coi bên Bệnh viện C chứ còn ai vô
đây nữa.
Mọi người trố mắt nhìn nhau, lắc đầu không dám có ý kiến.
Bấy giờ tôi mới biết, hai vị bác sĩ Giám đốc hai bệnh
viện lớn nhất Đà Nẵng, Tưởng và Thưởng là hai anh em ruột.
Quay sang tôi, Bác Thưởng nói:
- Cái dạ dày của cháu không đau chi hết, không mổ xẻ
chi hết. Cháu bị con sán móc nó hành, bây giờ chỉ xổ sán là xong!
Ba anh em trò chuyện đến hơn 2 giờ sáng mà trời ngoài
kia còn ánh nắng như mới 5 giờ chiều. Louiseville mùa nầy ngày dài hơn đêm. Anh
Thạch xem bộ đã thấm mệt vì phải đổi qua mấy chuyến bay, hai mí mắt tôi cũng
trĩu nặng. Chúng tôi chia tay về phòng ngủ.
Đến 12 giờ trưa cả nhà mới bắt đầu dậy. Thay vì ăn
sáng chị Hai sửa soạn bữa ăn trưa luôn. Anh Hai lên chương trình ăn xong sẽ đi
ngân hàng đổi tiền lẻ cho chú Thạch. Ngày mai chủ nhật, anh Hai sẽ chở anh Thạch đến nhà thờ làm lễ lúc 5 giờ sáng.
Anh Thạch rất cảm động khi thấy anh Hai chu đáo lo cho em từng cái nhỏ. Đến nhà
thờ, nơi nào cũng vậy, người ta đi quyên tiền từng dãy ghế với cái túi vải có cần
dài, con chiên kín đáo bỏ tiền vào đó tùy hảo tâm. Nhà thờ ở đây không lớn lắm
giống Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng Sài Gòn, nhưng khung cảnh chung quanh rộng,
thoáng, nhiều cây xanh rất đẹp, yên tĩnh. Vài ba người Việt đi lễ, còn hầu hết
là dân bản xứ, thành phố nầy ít người Việt sinh sống. Trong nhà tôi chỉ mình
anh Thạch theo đạo Thiên Chúa. Từ 75 anh qua dạy ở Côte D’Ivoire vì ở đây họ trả tiền cho giáo sư thỉnh giảng về các môn
khoa học cao hơn. Vào thời điểm đó anh Thạch cần nhiều tiền vừa để gửi về cho
Ba Mẹ, hai em, vừa để phụ chị Thạch nuôi mấy cháu đang học Trung học, mặc dù chị
Thạch vẫn tiếp tục dạy ở Đại học Cần Thơ từ ngày đất nước thống nhất. Khi chị
qua Pháp, chị được nhận vào giảng dạy tại Đại học Paris ngay, anh Thạch cũng
nghỉ dạy ở Côte D’Ivoire trở về dạy tại Pháp. Đến tuổi hưu trí, chị thường
xuyên đi làm việc đạo. Ngoài Tiến sĩ khoa học, anh Thạch còn có tiến sĩ Thần học.
Anh được cử làm Thầy Sáu có nhiệm vụ đến thăm nhà giáo dân nào đang cần sự giúp
đỡ tinh thần, đôi khi anh ngồi lắng nghe họ nói giờ nầy qua giờ khác, rồi động
viên an ủi tinh thần họ.
Anh Thạch kể:
- Có một bà lớn tuổi chồng vừa mất, Anh được cử đến đó để an ủi, chia xẻ nỗi đau của bà. Vừa bước chân vào nhà anh Thạch tự giới thiệu mình, chưa kịp ngồi xuống bà đã không ngừng kể lể, bao nhiêu tính xấu của ông bà khai vanh vách, chưởi ông không ra gì như muốn trút hết cơn giận ông vào anh Thạch. Ngày nào anh cũng đến chỉ để ngồi im nghe hằn học nói. Khi nào quá mệt bà không chưởi nỗi nữa thì thôi, anh về rồi mai lại đến nghe bà chưởi tiếp. Một tuần trôi qua, tật xấu của chồng bà kể đã hết, chưởi ông cũng đã chưởi quá nhiều rồi không còn gì để chưởi nữa, bà bắt đầu dịu giọng:
Anh Thạch kể:
- Có một bà lớn tuổi chồng vừa mất, Anh được cử đến đó để an ủi, chia xẻ nỗi đau của bà. Vừa bước chân vào nhà anh Thạch tự giới thiệu mình, chưa kịp ngồi xuống bà đã không ngừng kể lể, bao nhiêu tính xấu của ông bà khai vanh vách, chưởi ông không ra gì như muốn trút hết cơn giận ông vào anh Thạch. Ngày nào anh cũng đến chỉ để ngồi im nghe hằn học nói. Khi nào quá mệt bà không chưởi nỗi nữa thì thôi, anh về rồi mai lại đến nghe bà chưởi tiếp. Một tuần trôi qua, tật xấu của chồng bà kể đã hết, chưởi ông cũng đã chưởi quá nhiều rồi không còn gì để chưởi nữa, bà bắt đầu dịu giọng:
- Thầy ơi, lúc còn sống ông ấy tệ bạc với tôi lắm nên
khi ông ta chết, tôi tức quá mới nặng lời. Ngày nào không whisky không được,
ông ấy uống say nhèm, nôn ọe cả nhà rồi đập bàn xô ghế. Uống đến nổi bị xơ gan
cổ trướng. Tôi chịu hết nổi. Chỉ có cái tật đó thôi chứ nghĩ đi nghĩ lại ông ta
lo cho tôi nhiều thứ lắm. Khi tôi đau ông lái xe đi chợ một mình, rồi tự tay nấu
cho tôi ăn. Tôi muốn gì ổng cũng chìu. Nghĩ lại mà thương ông, tội nghiệp ông lắm
thầy ơi.
Bà bắt đầu khóc khi nhắc đến những kỷ niệm đẹp hơn bốn mươi năm chung sống - Tôi nói thật với Thầy, nếu bây giờ còn sống, ông ấy cứ say mèm tôi cũng chịu còn hơn lẻ loi một mình tôi biết sống với ai? Con cái ở xa, nó có gia đình riêng của nó, lo cho gia đình nó còn không đủ nữa làm sao lo cho tôi.Anh Hai nghe vậy quay qua nói với chị Lãnh:
Bà bắt đầu khóc khi nhắc đến những kỷ niệm đẹp hơn bốn mươi năm chung sống - Tôi nói thật với Thầy, nếu bây giờ còn sống, ông ấy cứ say mèm tôi cũng chịu còn hơn lẻ loi một mình tôi biết sống với ai? Con cái ở xa, nó có gia đình riêng của nó, lo cho gia đình nó còn không đủ nữa làm sao lo cho tôi.Anh Hai nghe vậy quay qua nói với chị Lãnh:
- Đó, mụ thấy chưa. Mụ cứ cằn nhằn tui hoài. Nè, có
chú Thạch với O Lộc đây anh mới nói. Chuyện cha mẹ hai bên trong lúc trà dư tửu
hậu, sắp đặt cho anh với cô Diệu hứa hôn lúc anhcòn nhỏ anh đâu có biết. Rứa mà
mấy chục năm ở với mụ, có 7 đứa con mụ vẫn còn ghen. Có hôm 2 giờ sáng, anh
đang ngủ ngon, ngày mai phải dậy sớm đi dạy rứa mà mụ không để anh ngủ yên, mụ
nằm một bên rền rền, lí nha lí nhí. Chú Thạch biết rồi đó, mùa đông tuyết đóng
băng lái xe phải rất chậm, rất cẩn thận không thì xe trượt, xe quay mòng mòng rồi
lật mà chết. Anh tức quá dậy choàng áo ấm lái xe đi, mụ chạy ra đứng giữa tuyết
gọi anh ơi ới. Anh phải ra khỏi nhà mụ mới thỏa bụng. Mà dạy ở bên nầy không giống
bên mình, phải đúng giờ không được viện lý do nào đến lớp trễ. Chỉ cần sinh
viên phàn nàn là họ cho nghỉ ngay. Sở dĩ đến tuổi nầy anh còn được mời dạy vì bộ
môn của anh khó, ít người dạy, sinh viên rất thích anh dạy nhưng không vì thế
mà để chúng muốn làm chi thì làm. Anh từng đuổi con của ông viện trưởng vì nó
vào học mà miệng nhai kẹo cao su, ngồi gác chân lên bàn. Không được. Phải dạy
cho chúng biết lễ độ với người đang đứng trên bục cao hơn chúng. Giữa cái bục
ông thầy đứng và cái bàn chúng ngồi học có một khỏang cách, đó là khoảng cách
Thầy và Trò. Sau chuyện nầy, ông viện trưởng cám ơn anh rối rít. Ông còn nói,
chưa có giáo sư nào như anh Hai vừa dạy học vừa dạy tư cách làm người giữa một
đất nước nổi tiếng tự do như nước Mỹ. Nhìn anh Thạch mặt mày nghiêm trang, tôi
cũng làm bộ nghiêm nhưng vẫn lạ về vụ giận hờn của anh chị ở tuổi 80.
Chị Lãnh được dịp trút hết “bầu tâm sự” mà từ lâu chị
chẳng có thể nói với ai:- O Lộc với chú Thạch biết giùm cho chị. Từ khi các
cháu lập gia đình mỗi đứa ở mỗi bang khác nhau, nhớ con cũng không đi thăm được.
Vì anh bận dạy lại không biết nấu cơm nước, ăn uống lại khó khăn, nấu ngon ăn
nhiều, anh nói chị “ác”, muốn anh mập lên cho mau chết, mà nấu dỡ thì anh không
ăn, vừa đói anh đã run tay run chân rồi.
Anh Hai chen vào cải chính:
- Tại mụ bắt anh phải ăn hết không được để thừa. Cái bụng
của anh đâu phải thùng rác!
Chị tiếp tục:
- Từ khi ở với anh, anh cứ đi hoài. Hết đi công tác thì
du học, học với học. Ở nhà không lúc nào tay anh rời cuốn sách và cây bút. Chị
chỉ biết sinh con, chăm con, giữa hai vợ chồng chỉ nói chuyện về con, rồi thôi.
O Lộc đã từng thấy rồi đó, trong chén cơm có lẫn một hột thóc là anh lùa từ đầu
bàn tới cuối bàn rồi đứng dậy bỏ vào phòng, chị phải cúi xuống lượm từng mảnh vụn.
Con cái thường ăn cơm với nước mắt. Qua đây, hằng ngày anh đi dạy chị ở nhà,
lui tới, lên xuống như một bóng ma, trở thành người tịnh khẩu. Gọi điện thoại
cho đứa nầy thì nó đang ngủ, không dám gọi, gọi cho đứa khác, nó đang làm việc.
Mình thụ động chờ đứa nào gọi thì trả lời chứ không dám gọi. Cái nhà nầy, O Lộc,
chú Thạch không biết rồi trách chị, mỗi lần có bạn hay học trò cũ gọi cho anh,
anh mừng tíu tít cứ như là con nít gặp mẹ đi chợ về. Anh bảo họ cúp máy để anh
gọi lại. Anh sợ người ta tốn tiền gọi mình, không nói lâu dài, thoải mái, để họ
trả lần sau họ không gọi nữa mình biết nói chuyện với ai, chơi với ai. Mỗi
tháng chỉ tiền điện thoại thôi cũng ngán rồi. Với con cái thì anh bảo để chúng
gọi, chúng còn trẻ làm có tiền. Vừa nghe anh bệnh, vợ chồng giáo sư Nguyễn Văn
Trường và Hồ Đắc A Trang, vợ chồng anh cựu viện trưởng Viện Đại học Huế Lê
Thanh Minh Châu và Tăng Thành Trai, vài cặp vợ chồng khác nữa hẹn nhau cùng bay
qua thăm anh. Họ quý mến nhau lắm.
Chưa hết mô, con cái đến thăm phải ở khách sạn. Anh sợ mệt,
sợ mất tự do với cháu với dâu hay với rể.
Khi chúng đến phải báo trước giờ giấc xem anh có tiếp được hay không. Còn bạn,
anh mời bạn đến ở lại chơi. Với chị không răng hết, ở mấy tuần mấy tháng cũng
được miễn anh vui, nhưng anh đuổi chị ngủ phòng khác để bạn nằm với anh trên
cái giường của hai vợ chồng, ai mà chịu được. Anh bảo lâu ngày gặp bạn hiền,
nói chuyện cả đêm cho đã. Anh quý bạn còn hơn quý vợ.
Chị nói thật, anh có chuyện gì chị còn ở với con cái
không đứa nầy thì đứa khác hay về Việt Nam ở với em út, gia đình của chị được,
chứ chị đi trước anh, chắc anh vào nhà dưỡng lão đó. Nghe chị nói, tôi cảm thấy
bồi hồi. Thương anh chị quá.
Ngoài anh Hai ở Mỹ, anh Thạch ở Pháp, tôi có một người chị
đầu xuất gia lúc 7 tuổi tu tại chùa Sư Nữ Huế, pháp danh Thích Nữ Vi Diệu, chị
đã mất. Một người anh ở Huế, và một em trai nữa ở Sài Gòn.Sau chị Vi Diệu và
anh Hai, là anh Hòa tôi.
Ngày đầu tiên quân đội tiếp quản Đà nẵng tôi đang dạy ở
trường Phan Chu Trinh. Nhìn các chú bộ đội khoác tấm áo mưa bằng nilon tôi nhớ
đến hình ảnh anh Hòa ngày tôi còn nhỏ, ở Mỹ Lộc, Lệ Thủy - Quảng Bình. Tôi và Mẹ
theo Ba chuyển công tác từ Huế ra Mỹ Lộc – huyện Lệ Thủy. Anh Hòa và anh Hai đều
cùng đi Vệ Quốc Quân theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp, rồi anh Hai về
thành tiếp tục học trường Lycée Khải Định Huế, trường Polytechnique Hà Nội.
Không biết anh Hòa đóng quân ở đâu mà thỉnh thoảng tôi thấy anh về nhà thăm Ba
Mẹ khi trời chập choạng tối. Dáng anh cao, gầy, nét mặt thư sinh, mặc áo quần bộ
đội, nón tai bèo, mang dép đen quai chéo gọi là dép Bình Trị Thiên. Anh lẩn quẩn
bên tôi, Ba Mẹ một lát rồi đi, mang theo thức ăn và tiền Mẹ cho, quàng vội chiếc
áo tơi bằng lá dày, mưa bên nào quay bên đó. Nụ cười hiền hòa, anh kể chuyện
huyên thuyên, luôn là chuyện vui, không bao giờ nghe anh kể chuyện buồn khổ,
khó khăn. Anh về chỉ một ít thời gian hạn hẹp mà trong nhà như ấm hẵn lên, như
vui hẵn lên. Mẹ biết con mình thoát ly đi kháng chiến là trăm bề thiếu thốn, gần
gủi với cái chết của bom đạn. Mẹ không nói ra nhưng Mẹ lo ngày lo đêm, nhất là
mỗi khi nghe tiếng súng Tây bắn qua, Việt Minh bắn lại. Cậu Nguyễn Ngọc Lễ cũng
hay về thăm. Cậu là em nuôi của Mẹ, con nhà nghèo Mẹ đem về nuôi cho ăn học. Cậu
đi lính Khố Xanh Khố Đỏ rồi mang lon trung úy - sau nầy là trung tướng Nguyễn
Ngọc Lễ, người vợ đầu tiên chính thức của cậu Lễ do Mẹ đứng ra lo cưới hỏi là
em gái của Ông Võ Nguyên Giáp - Có khi lính Tây và bộ đội Việt Minh gặp nhau
trong một nhà, ăn cơm chung một mâm, ngồi chung một chiếu, chuyện nổ như bắp
rang, xưng hô cậu cậu cháu cháu thân mật. Cậu còn đùa:
- Khi mô hành quân thấy người nào lùn, đen thùi lùi là cậu
đó, con đừng bắn cậu nghe chưa?
- Còn con thì răng ? Anh Hòa cười. Bộ đội đứa nào
cũng còm cỏi như con làm răng cậu nhận ra con mà chừa không bắn? Rứa thì cậu thấy
bộ đội, cậu tránh đừng bắn bộ đội hí. Lần về cuối cùng anh Hòa không còn vui
như trước. Khi chia tay anh ôm Mẹ mếu
máo khóc, bồng tôi ngồi trên chân anh, ôm chặt tôi, giọng nghẹn lại:
- Anh thương em lắm. Ở nhà nghe lời Mẹ hí, mai mốt anh về.
Từ đó tôi không còn thấy anh, anh Hòa không về nhà nữa
cho đến 30 năm, sau hai cuộc chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ.
Những năm anh Thạch du học Pháp, liên lạc được với anh
Hòa biết anh đã tập kết ra Bắc được nhà nước cho đi học triết ở Mátxcơva, về dạy
Đại học Hà Nội. Thời đó thư từ giữa Pháp và Hà nội không khó lắm nên anh Thạch
thường gửi carte-postale cho biết tin tức Ba Mẹ, gia đình nhưng tuyệt đối không
nhắc anh Hai vì anh Hòa là đảng viên, vấn đề lý lịch rất khắt khe đã đành mà
liên lạc với “người trong đó’’ càng khắt khe hơn nữa nhất là anh Hai khi ấy giữ
những chức vụ lớn trong chính quyền Ngô đình Diệm. Anh Thạch báo tin lại Ba Mẹ.
Ba Mẹ rất vui mừng biết con mình còn sống và cũng ở trong ngành giáo dục. Anh
Thạch còn cho biết anh Hòa đã có vợ, hai con khi tập kết vào Quảng Ngãi nhưng
khi ra Bắc thì mất liên lạc với vợ. Anh Hòa cho anh Thạch địa chỉ tại Quảng
Ngãi nhờ gia đình giúp đỡ tìm vợ con. Khi anh Hai ứng cử dân biểu quốc hội Bình
Định, nhờ người tìm em dâu và hai cháu, nhưng hai con anh Hòa bị bệnh thương
hàn, không thuốc men đã chết. Còn chị Hòa được anh Hai đưa về ở với Ba Mẹ khoảng
ba năm. Ba Mẹ cho chị đi học may rồi chị xin phép về quê sinh sống. Biết tin vợ
quá trễ, anh Hòa chuyển công tác dạy Quảng Bình, đã lập gia đình với một chị hoạt
động ở Lào. Anh chị có ba người con.
Nguyễn Tuyết Lộc
(Xin đón đọc Phần 2 vào kỳ tới - Xin chân thành cám ơn)
(Xin đón đọc Phần 2 vào kỳ tới - Xin chân thành cám ơn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét