Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Định Mệnh

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu,
Bài ĐỊNH MỆNH của CHS Hoàng Thanh Phước, một trong những cây viết "cây nhà lá vườn", tác giả viết lại câu chuyện này để đáp lại bài "Thế Giới Siêu Hình" (Phải Chăng Có Một Thế Giới Siêu Hình) của thầy Nguyễn Đức Giang.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN

Click vào tất cả hình để xem lớn

Hôm nay được nghỉ 2 ngày cuối tuần không phải giữ cháu nên tôi có chút thời giờ rảnh rỗi vô xem Blog Nguyễn Huệ Hải Ngoại (NHHN).
Bài Thế Giới Siêu Hình (Phải Chăng Có Một Thế Giới Siêu Hình) do thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang viết. Mặc dù tôi đã đọc vài lần nhưng hôm nay vẫn thích đọc lại vì nghe bạn bè khen "nức nở". Nào là "đọc bài của thầy em rơi nước mắt", nào là "sao em thấy thương thầy mình quá chị ơi!", nào là "thầy chỉ kể chuyện của thầy và những điều mắt thấy tai nghe nhưng sao giống như những nhà văn lớn viết vậy. Thật hấp dẫn, lôi cuốn người đọc nhưng rất thật".
Mà quả đúng như vậy, chính tôi cũng đã đọc đi đọc lại mấy lần nhưng lần nào cũng long lanh ngấn lệ. Có lẽ do hoàn cảnh của chúng tôi cũng tương tựa giống như hoàn cảnh của thầy. Cũng có một người con đã bỏ chúng tôi mà ra đi. Và cũng có những chuyện khó tin mà có thật. Tôi xin phép hầu kể quí vị nghe sau đây.

Kính thưa quí thầy cô, kính thưa quí vị.

Những ai từng sống ở Saigon trước 1975 chắc ít nhiều đều có biết đến danh tiếng của nhà tướng số Gia Cát Hồng nhà ở đường Trần Quốc Toản, gần Việt Nam Quốc Tự. Ông vừa hốt thuốc chữa bệnh nan y vừa chấm tử vi.
Vào năm 1969, chúng tôi có một người anh kết nghĩa tên là Phạm Văn Vinh, bút hiệu Phạm Đà Giang, chủ tiệm đồng hồ Kim Hồ ở quận Hiếu Xương, Phú Yên. Hiện giờ gia đình anh Vinh đang cư ngụ tại Úc Châu. Chúng tôi thỉnh thoảng vẫn liên lạc qua điện thư  và điện thoại.

Đặng Hoàng Chương (kính đen, 5 tuổi)

Một hôm, nhân dịp anh Vinh vào Saigon cất hàng, anh có gợi ý với nhà tôi rằng: "nghe nói trong này có thầy tướng số hay lắm, anh em mình đi chấm tử vi thử xem sao Nhượng nhé". Nhà tôi nói: "em cũng có nghe danh nhưng giá đắt lắm, không rẻ đâu". Anh Vinh trả lời: "Nhượng chở anh đi, anh bao đừng lo".
Thế là hai anh em hăng hái "cất bước lên đường". Đâu phải dễ dàng gì!, đâu phải đi một lần là xong (thời ấy điện thoại chưa thông dụng như bây giờ).
Lần đầu đến ghi tên lấy hẹn, lần thứ hai thầy xem mặt, xem tướng, xem chỉ tay rồi ngày sanh tháng đẻ, cha mẹ, tông ti họ hàng phải khai vanh vách rõ ràng. Xong đâu đó rồi đi về, khoảng hơn một tháng sau mới đến lấy Lá Số Tử Vi Trọn Đời. Nói là lá số chứ thực ra nó là một cuốn sách, cũng không phải, gọi là cuốn sổ thì đúng hơn, trong đó ghi chép tử vi trọn đời của gia đình tôi.

Tôi không còn nhớ rõ giá bao nhiêu nhưng biết là mắc lắm, khoảng một cây vàng lúc bấy giờ. Nếu anh Vinh không bao thì chắc chắn chúng tôi không trả nổi. Cho nên chúng tôi nhớ ơn anh chị Vinh cho mãi đến bây giờ.
Có một điều khi đi lấy lá số vui vẻ hớn hở bao nhiêu thì khi về nhà mở ra xem lại buồn bã bấy nhiêu. Phần của anh Vinh chúng tôi không dám hỏi mặc dù tò mò cũng muốn biết nói gì trong đó. Riêng lá số của chúng tôi không được suông sẻ cho lắm nếu không muốn nói là "xấu". Duy ở phần chót có mấy câu an ủi: "vợ chồng sẽ sống qua tuổi 70, được 5 người con, hậu vận khá, có xe hơi, ở nhà lầu, nhờ con cái. Nên ăn ở hiền lành, tạo phúc đức vì đức năng thắng số".
Suy cho cùng, đoạn kết cũng có phần đúng, bên Mỹ ai mà chẳng có xe hơi, còn nhà lầu thì vợ chồng tôi cũng có nhưng là nhà mướn.

Đặng Hoàng Chương (15 tuổi)

Chuyện khó tin mà có thật

Thời gian này tôi ở vào tuổi 23, nhà tôi 26, chúng tôi có được 2 con trai, đứa 5 tuổi, đứa 3 tuổi. Theo tử vi nói -  vợ chồng chúng tôi có một thời gian sẽ phải chia lìa nhau, không cách này cũng cách khác, có thể có thêm một gia cảnh nữa (có vợ bé), hoặc là bị tù tội. "Không sanh ly cũng tử biệt. Tin hay không thì đến năm 32 tuổi sẽ biết".
Thật tình ngày đó anh Vinh và nhà tôi đều nghĩ là xem thử cho vui thôi chứ cũng không tin lắm.
Chúng tôi, hai vợ chồng buồn buồn nói với nhau: Anh à! chắc là thời gian đó anh thuyên chuyển đi làm xa còn em ở nhà với các con, lâu lâu anh về thăm chứ đi đâu mà cách biệt. Nhà tôi thấy tôi có vẻ lo lắng quá nên trấn an: "chuyện bói toán em tin làm gì, xem cho vui, quên đi đừng nghĩ đến nữa mà thêm buồn phiền".
Tôi dạ dạ vâng vâng cho anh yên lòng chứ thật ra đàn bà mà, không tin dị đoan sao được, nhất là bói toán cho nên ban ngày chồng đi làm, lo cơm nước xong, nằm võng đong đưa ru con ngủ tôi lại lấy sổ tử vi ra xem, riết rồi gần thuộc lòng. Cứ thế, vẫn buồn vẫn tiếp tục lo lắng.
Chưa hết, tử vi còn nói cậu con trai cả của chúng tôi (cháu khắc mạng cả hai ông bà) đến năm 15 tuổi phải thật đề phòng, coi chừng sông nước hoặc ra đường xe cộ. Lúc đó cháu mới lên 5 tuổi thôi, thấy thời gian còn dài lại nửa tin nửa ngờ nên cũng phôi pha, không để ý đến nữa.

Sau tháng 4 năm 1975 nhà tôi bị đưa đi "tập trung cải tạo" không biết ngày về. Con trai cả của chúng tôi tên trong khai sinh là Đặng Hoàng Chương  nhưng ở nhà gọi là Vũ; năm cháu 15 tuổi trong một lần từ Vũng Tàu về thăm dì dượng ở La Hai, quận Đồng Xuân trong lúc tắm sông bị dòng nước chảy siết cuốn trôi khá xa, sau nhờ bám vào được một nhánh cây sát mặt nước nên đã thoát chết đuối trong gang tấc. Hú hồn!.

Bạn cải tạo: Ngô Đình Thiện, Nguyễn Hữu Vượng (áo trắng)

"Cách mạng" về!. Thời cuộc đổi thay, thay luôn cả một kiếp người, đói khổ hoành hành, cơm không đủ no, thuốc không đủ uống, cháo rau đắp đỗi qua ngày đâu còn hơi sức để ý đến cuốn sổ tử vi nữa, điều dữ điều lành cũng đều quên hết.
Thời gian thắm thoát qua mau cho đến ngày 21-10-1981 trong lúc tôi chuẩn bị từ tiệm may trở về nhà ăn cơm trưa cùng với các con thì nhận được hung tin báo cho biết con trai cả của chúng tôi bị tai nạn và cháu đã được chở xuống nhà thương Vũng Tầu (lúc đó con tôi 17 tuổi).
Tôi bàng hoàng run rẩy, lảo đảo đứng không vững, dắt chiếc xe đạp mi ni ra đạp đi nhưng bị té. Mấy người hàng xóm thấy thế vội gọi xe Honda ôm chở tôi đi cho an toàn.
Nhà tôi ở Rạch Dừa cách Vũng Tầu 7 cây số, ngồi trên xe tôi lâm râm khấn nguyện mặc dù tôi chưa rõ tình trạng con tôi bị như thế nào. Lậy ơn Trên cứu con của con, cho con của con được sống dù con có bị tàn tật đến đâu con cũng xin cam chịu. Khi đến phòng cấp cứu họ không cho tôi vào, tôi thoáng thấy bóng dáng của mấy ông bác sĩ tôi quỳ xụp xuống sàn nhà, nước mắt như mưa, lậy lấy lậy để như tế sao, xin bác sĩ cứu dùm con của tôi. Cứ thế, lập đi lập lại nhiều lần.
Trong cơn đau đớn tột cùng tôi không thể tự chủ được mình và cũng không rõ mình đang làm gì, có giúp được gì cho con mình không...

Các bác sĩ lần lượt đi ra, họ nói với tôi: "sẽ chuyển cháu đi gấp lên bệnh viện Chợ Rẫy Saigon". Tôi hốt hoảng vì biết rằng chuyển lên Saigon chắc không thể nào qua khỏi. Xe cấp cứu hú còi, họ không cho tôi theo cùng, tôi vội về nhà ôm ít quần áo của cả hai mẹ con rồi cùng đứa con thứ hai đón xe đò lên bệnh viện Chợ Rẫy. Ba đứa con nhỏ còn lại tôi gởi nhờ hàng xóm trông hộ (lúc này tôi có được 5 đứa con, 4 trai 1 gái như lời thầy tử vi đã nói).

Di quan đến nhà thờ (lễ an táng)

Giòng nước mắt biệt ly

Khi tôi và đứa con thứ hai lên đến bệnh viện Chợ Rẫy, vào tận phòng cấp cứu thì đã thấy con trai tôi nằm bất động trên chiếc bàn, phía trên là một ống thở. Linh tính cho tôi biết con tôi không thể nào qua khỏi. Tôi thất vọng hỏi thăm mấy cô y tá đi qua đi lại:

- Cô ơi! có ai gắn ống thở mà tỉnh lại không cô?

Cô y tá nhìn tôi ái ngại nhưng rồi cũng trả lời:

- Hiếm hoi lắm

Tôi nghe ruột mình quặn đau, vội trở lại chỗ con tôi nằm và cảm thấy giây phút này thật ngắn ngủi.
Suốt một đêm thức trắng bên cạnh con trai đầu, tôi mân mê đôi bàn tay rồi đôi bàn chân của cháu hy vọng sẽ chuyền chút hơi ấm cho con, lúc này tay chân con tôi đã lạnh ngắt. Tôi vội tìm người nhờ chạy mua dùm chai dầu "bác sĩ Tín", hồi ấy chưa có dầu xanh và tôi cứ thế thoa dầu, bóp tay bóp chân cho con tôi với hy vong nó sẽ được ấm lên. Nhưng vô vọng, chai dầu đã hết, đôi bàn tay nhỏ bé yếu duối của tôi đành bất lực không thể làm cho con tôi ấm được chút nào.
Tôi đau đớn cúi xuống sát mặt con tôi, ghé tai thầm thì: "con ơi! con bỏ má mà đi trong lúc ba con không có nhà, một mình má với 4 đứa em nhỏ dại làm sao sống nổi đây con...". Tôi còn nói thêm nhiều, thật nhiều nữa, tôi không nhớ hết với hy vọng con tôi sẽ nghe và hiểu được. Lạ lùng thay, khi tôi ngước mặt lên thì thấy hai dòng nước mắt của con tôi từ từ chảy xuống hai bên thái dương. Tôi nghĩ rằng con tôi đã nghe và đã hiểu những gì tôi nói.
Lúc này, có những ca cấp cứu đầy máu me kèm theo những tiếng rên la liên tục đẩy vào nhưng tôi không còn tâm trạng nào để ý đến những gì chung quanh vì còn nỗi đau nào, nỗi thống khổ nào hơn nữa khi người mẹ chứng kiến giây phút con mình từ giã cõi đời. Bấy giờ tôi mới thực sự thấu hiểu được thế nào là "ruột đau như cắt, đứt từng đoạn ruột".

Di quan đến nghĩa trang (đoàn người đi bộ dài khoảng 1 km)

Bên ngoài trời đã hừng đông, nhiều tiếng chân vội vã và những bóng áo trắng chạy tới chạy lui, có hai người nữ y tá còn trẻ lắm đến chỗ con tôi, họ từ từ tháo ống thở, tháo dây, tôi biết rằng họ sẽ làm như thế khi trời sáng nhưng cũng van xin hết lời. Xin các cô làm ơn cho cháu thêm chút nữa nhưng một cô lắc đầu không nói gì còn cô kia trả lời: "không giúp được gì đâu". Tôi thấy lờ mờ họ phủ chiếc khăn mầu trắng trên người con tôi chuẩn bị đẩy đi. Tôi nghe nhiều tiếng nói của người chung quanh (họ là thân nhân của người đang cấp cứu nơi đây): "coi chừng họ mổ xẻ tử thi để học hỏi đó". Tôi vội vàng chạy nối gót theo sau. Cuối cùng họ dừng nơi phòng lạnh (và cũng là nhà xác). Tôi nhìn thấy người đàn ông trạc tuổi 40, mặc áo choàng trắng, không rõ giữ chức vụ gì nhưng tôi cũng chấp tay lại xá liên tục. "Lạy ông, lạy ông xin đừng mổ xẻ con tôi, tội nghiệp cháu lắm ông ơi!". Có lẽ người đàn ông này thấy tôi không còn hơi sức nên nói lại rằng: "bà cứ an tâm, chúng tôi không làm gì đâu" rồi họ đưa con tôi vào bên trong. Tôi ngồi bệt trên sàn nhà thật lâu như muốn được gần con thêm tí nữa đến khi có một ông (có lẽ là lao công) nói mau mau đi làm thủ tục đưa thân nhân về nhà. Tôi chợt tỉnh, đứng lên tìm văn phòng lo giấy tờ.

Chỉ có một tờ giấy chứng tử để đưa thân nhân về nhà mai táng thôi mà cũng phải chạy qua 5 "cửa khẩu", nơi này chỉ sang bên kia, bên kia chỉ sang bên nọ, cứ thế lòng vòng không ai chịu ký. Không biết làm cách nào, tôi lại lâm râm khấn vái, cầu cứu đến con trai: "con ơi! làm sao đây con!. Kiểu này chắc phải ngày mai mới về đến nhà được". Vừa nói xong tôi liền đứng lên chạy đi hỏi khắp nơi thì mới hiểu ra cớ sự là họ muốn đòi tiền "lót tay" mới giải quyết. Ôi! con người đến lúc thác vẫn chưa được buông tha, vẫn còn bị sách nhiễu khó khăn trăm bề.

Cuối cùng giấy tờ cũng được ký xong, tôi thất thểu bước ra khỏi phòng, lúc đó có một người đàn bà hỏi tôi: "ký được rồi hả chị!". Tôi dạ dạ cho qua rồi hối hả bước đi, người kia nói vói theo: "này này khoan đã!", tôi đứng lại xem chị nói gì, chị bảo tôi qua bên kia đường có mấy tiệm bán áo quan mua đem lại đây nếu có người nhà thì tự lo liệu lấy (tẩm liệm) còn không thì ở trong này cũng có người lo dùm nhưng phải mất tiền, phải xong xuôi hết họ mới cho chở về. Tôi cám ơn chị rồi chạy băng qua đường, vừa đi vừa nghĩ: vẫn còn nhiều người tốt bụng quá.
Không còn kịp giờ để lựa chọn, tôi bước vô ngay tiệm đầu tiên, có nhiều loại giá biểu khác nhau, tôi mở cái ví nhỏ đựng ít tiền xem có đủ không, đảo mắt nhìn quanh, giờ phút cuối tôi vẫn mong ước mua cho con tôi một chiếc áo quan thật tốt, thật đẹp. Tôi dừng lại bên một chiếc đẹp lắm và chắc là gỗ tốt, đưa tay sờ sờ vuốt vuốt, tôi thầm nghĩ: nếu được cái này chắc con tôi sẽ thích và vui lắm nhưng khi xem lại giá thì than ôi! đắt thế này làm sao có tiền để mua. Ở đây xa lạ đâu quen biết ai mà vay mà mượn. Tôi lại thầm thì với con trai: mẹ con mình xem thôi con ạ. Nhà mình nghèo đâu có tiền để mua, thôi đừng buồn nghe con. Mẹ thương con nhiều, thương con nhiều lắm. Tôi nghiệp con tôi. Cuối cùng tôi cũng chọn mua được cỗ quan tài hạng trung bình vừa với túi tiền của mình.

Tiễn biệt cuối cùng

Tình người

Xe về đến nơi trời cũng vừa sập tối, nhìn vào nhà cửa mở toang, tôi thấy rất đông người trong đó, họ đến để hỏi thăm và chờ tin tức của mẹ con tôi. Nhiều người chạy ra họ đã nhìn thấy quan tài, không ai nói gì hỏi gì, chỉ có những tiếng khóc và những bàn tay lau nước mắt.
Trong sinh hoạt hằng ngày, họ là những người thường đi qua nhà tôi hoặc thỉnh thoảng gặp ở ngoài phố, ngoài chợ, hỏi thăm nhau vài câu xã giao cho phải phép nhưng hôm nay họ đến với mẹ con tôi vì tình người với cả tấm lòng, vừa thương vừa tội nghiệp cho hoàn cảnh đơn chiếc của gia đình tôi.

Biết gia đình tôi ở đây không có họ hàng thân thuộc, các con còn nhỏ dại, những vị chức sắc có trách nhiệm trong xứ đạo và hàng xóm đã tự động chia nhau mỗi người một việc giúp tôi hoàn tất mọi thủ tục cả đạo lẫn đời một cách chu toàn, suông sẻ và trọn vẹn.
Điều an ủi lớn nhất cho tôi là tang lễ của con trai tôi được cha chánh xứ và giáo dân xứ Xâm Bồ cử hành thật trọng thể, đầy đủ nghi thức tại thánh đường và nghĩa trang công giáo. Số người tham dự rất đông, có nhiều người nhận định đây là một trong số những đám tang lớn nhất tại địa phương lúc bấy giờ. Điều đặc biệt nhất và cảm động nhất mà cho đến bây giờ sau hơn 30 năm gia đình chúng tôi vẫn không thể nào quên được đó là hầu hết những bạn tù của nhà tôi tại Rạch Dừa được tha về trước đều có mặt, trực tiếp hoặc gián tiếp phụ giúp tang lễ, tiễn đưa con tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng trong lúc nhà tôi, ba của cháu đang còn ở trong trại cải tạo. Cho đến tận bây giờ gia đình chúng tôi vẫn luôn nhớ ơn tất cả mọi người đã thương yêu, giúp đỡ và mãi mãi không bao giờ quên được.

Ngẫm nghĩ lại, ở vào hoàn cảnh của gia đình chúng tôi lúc bấy giờ mới thấy câu cha ông mình nói quả thật là rất đúng: "bán bà con xa, mua láng giềng gần".

An nghỉ tại nghĩa trang Xâm Bồ

Định mệnh

Qua hai sự việc vừa kể ở trên, năm 1975 là năm nhà tôi 32 tuổi, cùng với vận nước nổi trôi, nước mất nhà tan, vợ chồng tôi phải xa lìa nhau hơn 7 năm trời. Con trai cả của chúng tôi năm 15 tuổi thoát chết vì sông nước nhưng đã qua đời vì tai nạn năm 17 tuổi. Như vậy làm sao tôi có thể không tin là có định mệnh. Định mệnh đã an bài cho mỗi con người từ khi lọt lòng mẹ cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay từ giã mọi người thân thương trở về với bụi tro.

Chính vì tin có định mệnh và tin mọi sự trên đời này đều do bàn tay Thiên Chúa quan phòng cho mỗi con người nên tôi sống rất vô tư, thoải mái và luôn vui cười. Tôi ý niệm: "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên". Tuy nhiên trong tâm trí tôi cũng không bao giờ quên câu cha ông khuyên dậy: "đức năng thắng số", "ở hiền, gặp lành" và lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình.

Tôi ước mong trong giờ phút lâm chung được ra đi thật nhẹ nhàng thanh thoát, mắt môi thoang thoảng nét cười và để lại trong lòng người thân, bạn hữu sự nhớ thương vô vàn.

San Jose, mùa lễ Mẹ 2016
Hoàng Thanh Phước


Di ảnh Đặng Hoàng Chương


Click vào Link ở dưới để nghe nhạc


Sắc Màu - Trần Thu hà - YouTube

https://www.youtube.com/watch?v=lTvZDYDCNg4


6 nhận xét:

  1. Bài viết của chị Thanh Phước thật cảm động. Dù câu chuyện xãy ra đã quá lâu, HC vẫn thấy ngậm ngùi thương cảm.
    Chúc anh chị mọi sự bình an
    HC

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn anh Nhượng đã gửi trang nhà NHHN cho xem
    Mới đọc bài của chị Ph xong. ...biết anh chị đã mất một cháu khi xưa. thành thật chia buồn ...trễ. Đúng lả mỗi người có , một phần số, khó ...cãi.
    chúc anh chị khỏe.
    lpt

    http://lethihoainiem.blogspot.com

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những giòng tâm sự đẫm lệ của chị Thanh Phước khiến TT không ngăn được cảm xúc. Sau thời gian đổi đời năm 1975, mỗi người trong chúng ta đều chịu một số phận nghiệt ngã. Nhưng niềm vui bao giờ cũng mau phai tàn hơn nỗi đau thương mất mát, dù thời gian có qua bao lâu và vẻ bên ngoài không lộ ra nhưng luôn âm ỉ trong lòng. Xin cám ơn chị đã không ngại chia sẻ điều thầm kín riêng tư. Người ra đi sẽ để lại nhớ thương vĩnh viễn, mong rằng cháu đã được an nghỉ nơi không có khổ đau sầu hận. Chúc anh chị an vui và luôn giữ được nụ cười tươi.
      TT

      http://khoitim.blogspot.com/


      Xóa
  4. Chuyện xảy ra lâu rồi, đọc lại rất rung động. Kính chúc anh chị bình an và nguôi ngoai.

    Trả lờiXóa
  5. Phước ơi,

    Dù thời gian có làm thuyên giảm nỗi thương lòng, nhưng mỡi lần nghĩ đến sự mất mát một người thân, nhất là một đứa con còn trẻ tuổi thì ruột vẫn đau như cắt, mình đà trải qua nên rất thông cảm nỗi đớn đau này.
    Mong Phước luôn dồi dào sức khỏe để có sức lo cho ông xã và các con cháu.

    Hằng

    Trả lờiXóa