Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Áo Dài Ơi!


Xin vui lòng click vào tất cả hình trong bài để xem

Chủ nhật. Siêu thị X. Đang sắp hàng trước quầy thu ngân, người khách phía trước loay hoay rớt đồ tứ tung. Tôi cúi xuống nhặt giùm rồi ngoảnh lên. Trời đất! Xuân Lan, về hồi nào? Khỏi phải nói cuộc trò chuyện sau đó của chúng tôi rôm rả cỡ nào vì cả hai từng có chung một thứ: tiếng cười của lớp học toàn con gái. Lục tung trí nhớ. Chịu. Tôi chẳng thể nào nhớ hết 54 cái tên trên sơ đồ gia đình 9A. Lướt qua lướt lại mấy vòng đành dừng lại ở con số gần 30. Phải thán phục Xuân Lan! Trải qua rất nhiều biến động, chồng con, chỗ ở. Hết Việt Nam rồi Mỹ, di chuyển từ tiểu bang này sang tiểu bang khác vẫn giữ nguyên những tấm hình từ thời tiểu học đến cấp ba và giờ lại một trang web đầy ắp kỷ niệm.

Trường Nguyễn Huệ cũ nằm trên con đường cùng tên dẫn ra biển. Con đường hẹp, dài có hai hàng phi lao chạy từ ga xe lửa ra đến tận những cồn cát cao. Mùa hè, hàng phi lao trước trường reo vui như hát. Mùa đông, từ cửa sổ phòng học ngó ra mưa lướt thướt trên hàng cây, buồn ơi là buồn! Từ cổng chính dẫn vào văn phòng trường là một con đường đất nhỏ, hai bên hai cái sân rộng và thấp. So với trừng Nữ tiểu học vừa chia tay thì ngôi trường này phải nói là vô cùng tầm cỡ.

Lớp thất 1 (lớp 6) tôi theo học có đến 2/3 đám bạn cùng lớp, cùng trường từ hồi tiểu học nên chúng tôi hòa nhập rất nhanh vào ngôi trường mình vừa là ma mới, vừa là ma cũ. Giã từ bộ đồng phục trắng tiểu học, chúng tôi hăm hở mặc áo dài. Nữ sinh trường Nguyễn Huệ thứ hai mặc áo dài xanh thiên thanh, các ngày còn lại mặc áo dài trắng. Lúc mới mặc cũng lúng túng vụng về. Sau quen dần, giờ ra chơi u quạ, năm mười, xi banh… trò chơi nào cũng rượt đuổi nhau áo dài bay tung tóe. Khối lớp 6 năm đó cũng có lớp nam, nữ học chung, không hiểu trường chia sao lớp tôi chỉ toàn con gái. Trong cái hàng thứ 3 của nhất quỉ, nhì ma đừng nghĩ chỉ ám chỉ bọn học trò con trai, con gái tập trung lại không chừng còn nhỉnh hơn rất nhiều. Điều này có thể kiểm chứng ở lớp tôi, từ 6A đến 9A bốn năm đình đám khó quên nhất. 

Tôi đắn đo không biết nên sử dụng tên thật hay viết tắt. Dùng tên thật, các nữ sinh ngày ấy giờ đã là bà nội, bà ngoại sẽ la oai oái. Còn viết tắt sẽ không tạo ấn tượng. Thôi thì cứ nửa kín nửa hở, xét cho cùng kỷ niệm đâu có tội tình gì. Cả lớp hồi đó hầu như không đứa nào được gọi đúng tên thật của mình. Ngoại trừ hai tên Hồng A và Hồng B trùng cả họ, tên lẫn chữ lót còn thì tên chẳng trùng nhau cũng được đặt thêm một từ cho dễ nhớ như Xuân Lan Bé Tí (tên ở nhà), Vui Diễm Trang (tiệm may Diễm Trang), Hạnh chè lạnh (nhà bán chè), Phụng y tá (ba làm y tá), Liệu Xóm Đường (nhà ở Xóm Đường)… còn tôi không được trắng lắm bị đặt là Quang Chà (đen như Chà Và). Mỗi khi nhắc đến một cái tên nào đó y như rằng sẽ hình dung ngay hình dáng ra sao, nhà ở đâu, con ông bà nào, làm nghề gì…

Tên của bọn con trai thì được soi kỹ hơn. Tên dẫu đẹp cỡ nào chỉ cần qua vòng sơ tuyển của lớp tôi là nhận ngay một biệt danh. Ví dụ chàng cao to, đẹp trai, nước da trắng bóc lại bị gọi “ sốt rét rừng”, chàng có dáng thư sinh khi đi đầu hơi cúi về phía trước thì bị gọi là “lúi”. Cũng có những cái tên chẳng dính líu gì đến tên tuổi, vóc dáng như “hoa lá nở thắm” do anh chàng này khi qua lớp tôi bán báo xuân đã hát tặng khách hàng 9A bài Cánh Thiệp Đầu Xuân.

Ngoài mấy chàng ở trường Nguyễn Huệ, con gái cỡ lớp 8, lớp 9 cũng có mấy anh trường khác lạng qua, lạng lại. Tìm hiểu mấy anh cũng có những cái tên cực kỳ ấn tượng như: T bida, H nem, L Cu Tím, H lác… Bida, nem thì hiểu ngay, riêng tím hay lác thì hơi thắc mắc tại sao tím hay lác chỗ nào?

Đường chạy thẳng xuống biển

Khó nhất là tên các thầy, những biệt danh nhỡ tới tai. Tuy chỉ là ý tưởng nghịch ngợm thời tuổi nhỏ, nhưng đã là học trò thì muôn đời vẫn cứ sợ bị quở phạt. Đầu năm lớp 6, thầy T vừa dạy văn vừa làm giáo sư hướng dẫn. Thầy người Huế môi đỏ như con gái. Vẫn thói quen thời tiểu học, cả lớp ồn như cái chợ. Thầy T hay đỏ mặt la: Ê! Ê! Lên bảng. Nghĩa là phải quay mặt vào tường suốt giờ học, cả lớp không đứa nào thoát. Chúng tôi lén bỏ cát vào bình xăng xe vespa, giờ tan học thầy đạp văng khói xe vẫn không nổ. Chắc thầy không ngờ thủ phạm là mấy con nhóc 6A.

Gần gũi với lớp tôi nhất là thầy Quát. Chưa bao giờ thầy gọi chúng tôi, em hay trò như các thầy cô khác mà kêu bằng bà. Thay vì trách cứ, các bà lại khoái mới chết chứ! Nghe là lạ, dzui dzui thế nào ấy! Đến giờ văn, bà nào bà nấy cười nghiêng ngửa vì cách dạy trực quan sinh động của thầy, ngoài đời có cái gì là thầy đem ứng dụng vào sách vở. Dạy truyện Kiều, thầy chỉ vào mặt hoa khôi 9A, bà này đẹp giống Thúy Kiều coi chừng hồng nhan đa truân. Chỉ người có khuôn mặt tròn trịa nhất lớp, bà này mặt bánh bèo giống Thúy Vân sau này chắc hạnh phúc. Kim Trọng thì muốn thuê nhà cạnhThúy Kiều, thấy bảng “ House for rent” gần đó mừng quá tấp dô. Cách la rầy của thầy cũng không giống ai. Có lần một bạn to con đi học trễ, lững thững bước vào lớp thì thầy la lớn: bà kia! bà muốn nói cho mọi người biết tui mập lắm đây, tui mập lắm đây phải không! Cũng có lúc lớp ồn quá thầy bực mình vỗ bàn: Nè, mấy bà 9A! lấy băng keo dán miệng lại, còn không mai mốt tui sẽ gả mỗi bà một thằng binh nhì! Máu tiếu lâm của chúng tôi có sau này chắc cũng thừa hưởng chút ít từ thầy.

Có thầy không trực tiếp giảng dạy nhưng lại nắm số phận học sinh trong tay là mấy thầy giám thị. Tổng giám thị khi ấy là thầy Toản. Thầy Toản lưng đi thẳng tắp, giọng Bắc sang sảng, sáng thứ hai phát biểu dưới cờ cả trường sợ xanh mặt. Hai phụ tá của thầy là thầy Nhi và thầy Trĩ. Thầy Trĩ hiền, ăn mặc xuề xòa, lưng quần cái nào cũng rộng đóng thùng áo không lòi trước cũng lòi sau. Ngược lại thầy Nhi tóc luôn chải brillantine bóng mượt, mắt thường đeo kính đen. Thầy Nhi có lối nói chuyện tưng tửng, nhiều lúc đang bị phạt nhịn cười không nổi.

Đầu năm lớp 7, chúng tôi bị dính vào một scandal động trời. Kim Nghĩa, cô bạn nhỏ con trong lớp không hiểu sao lại sáng tác một thông báo chết người: Ngày mai trường Nguyễn Huệ có cuộc họp quan trọng. Tất cả giáo sư phải đi họp đúng giờ. Giáo sư nào đến trễ hay vắng mặt sẽ bị phạt 5 hèo. Ký tên: Hiệu trưởng Đặng Thị Kim Nghĩa. Bên dưới là chữ ký của 10 giáo sư dỏm trong đó có tôi.

Hôm đó thầy Nhi tình cờ đi ngang lớp, tờ thông báo rơi xuống vào tay thầy:
- Tụi này hỗn láo dám đem các thầy cô ra giễu cợt, lên văn phòng gấp!

Cả ban giám hiệu dỏm mặt mày méo xệch, tim đập thình thịch nặng nề rời lớp. Những đứa còn lại thì thầm:

- Kỳ này tụi mày… chết… chết!

Cả bọn đứng dồn cục trước cửa văn phòng, thầy Nhi ra lệnh:

- Sắp hàng một! Không! Quỳ thành hàng một!
Nhìn đứa này dúi mặt vào lưng đứa kia, không đứa nào dám chường mặt ra, thầy to tiếng:
- Hiệu trưởng quỳ trước, giáo sư quỳ sau. Đã vậy thầy còn đế thêm:
- Ông Trĩ à! Ông Giang đang làm hiệu trưởng, trên lại đổi bà hiệu trưởng mới về sao mình không hay biết vậy cà?

Đang rầu thúi ruột, tụi tôi cũng không nhịn cười được dù chỉ cười khục khặc không ra tiếng. Hôm sau, ban giám hiệu dỏm bị ban giám hiệu thật cảnh cáo toàn trường và mỗi giáo sư bị chép phạt 100 lần: Em không được đem thầy cô ra giễu cợt. Phạt cũng nhẹ. Hú vía!

Trường Nữ Tiểu Học

Lớp toàn con gái chẳng một mống con trai cứ thế bày đủ trò không chút mắc cỡ. Đến lớp 9 thì những trò quậy phá tăng dần theo cấp số nhân. Hai dãy bàn đầu, chúng tôi lập ban hợp ca Hoa Hồng. Ra chợ Tuy Hòa mua một cặp bông tai kết bằng hoa hồng vải, tách ra mỗi đứa cài một cái trên ngực (nói cho oai, chứ ra khỏi trường mới dám cài cũng chỉ để lấy le với đám nhóc lớp 6, 7). Giờ ra chơi, thay vì chạy nhảy ngoài sân chúng tôi kéo cả lớp ở lại chia làm hai phe hợp ca, không chỉ hát ong óng, còn đập mạnh hai tay trên bàn khỏi phải nói ồn cỡ nào. Các bài tủ của chúng tôi lúc bấy giờ là: Khỏe vì nước, Dừng bước giang hồ, Túp lều lý tưởng… Nói chung bài nào giựt càng nhiều càng tốt.

Bên A hát: Khỏe vì nước, bánh ướt chấm nước tương.

Bên B phụ họa: Nước tương. Nước tương.

Hay bên B: Chiều nay sương gió, lữ khách dừng bên quán xưa.

A phụ họa: Quán xưa. Quán xưa.

………………………………….
Hát trong giờ ra chơi thì không sao, nhưng có một sự cố buộc chúng tôi phải chừa luôn trò hợp ca. Hôm đó thầy Quát dạy văn nghỉ đột xuất, lớp lại chia làm hai phe và lần này là bài Túp lều lý tưởng.
A: Từ ngày hai đứa yêu nhau mộng ước thật nhiều.
B: Thật nhiều. Thật nhiều.
A: Từ ngày hai đứa yêu nhau lòng ước bao nhiêu.
B: Bao nhiêu. Bao nhiêu.

Đến đoạn giữa cao trào cả A lẫn B cùng rống: Túp lều lý tưởng… 54 cái miệng há to hết cỡ, gân cổ kéo chằng chịt, tay đập ầm ầm mặt bàn thì thầy Nhi cầm cây thước dài xuất hiện, bám sát theo sau là thầy Trĩ hét: tụi bay phá trường? Cả lớp tông hai thầy lạng quạng suýt té, chạy ù ra sân. Sân rộng, chỗ nào cũng thấy áo dài trắng hai thầy hoa cả mắt chẳng bắt được đứa nào. Thầy Toản thì đứng ở văn phòng cầm micro hét lớn:
-Mấy con kia đứng lại! Tụi bay chạy như đèn cù, chóng mặt quá.
Kết quả, cả lớp bị quỳ suốt hai tiếng dưới cột cờ. Nghĩ lại thấy tội mấy đứa hiền thường bị phạt oan uổng vì bọn tôi.

Dàn đồng ca chưa lên đã bị quì, Xuân Lan, Minh Vui và tôi lại thành lập ban tam ca Sao xẹt. Những giọng ca không tên không tuổi, điếc không sợ súng đi hát cùng khắp thị xã. Tôi có cậu em họ tên Vinh cũng học trường Nguyễn Huệ. Văn nghệ trường, hai chị em thường hát song ca. Mỗi khi nghe xướng tên, đây đôi song ca Quang Vinh là khoái chí, mũi nở to như trái cà chua, tưởng tượng mình là Lê Uyên Phương dù giọng thường đi trước, nhịp trật đường rầy theo sau.

Không chỉ bày trò trong lớp, đến lớp 9 chúng tôi vẫn còn cãi nhau chí chóe với bọn con trai. Đối tượng hay trêu chọc lớp tôi lúc bấy giờ là 9D, một lớp toàn con trai giống như lớp tôi toàn con gái. Việc tập trung giới tính vô tình biến hai lớp trở thành đối thủ của nhau, hễ có dịp là sẵn sàng nghênh chiến.

Lúc đầu bọn hắn tưởng chúng tôi “liễu yếu đào tơ” nên ra sức bắt nạt, giờ ra chơi thường hè nhau ôm một tay 9D nhỏ con quăng vô lớp tôi. Chúng tôi tức cành hông nhưng chưa biết trả đũa bằng cách nào. Một hôm sau khi 9D diễn lại trò cũ thì Thúy Nga lớp trưởng của tôi từ phía dưới đi lên dõng dạc nói: để tao. Cùng lúc đó một tay 9D nữa được quăng vào, ngay lập tức Thúy Nga chụp gọn và thảy hắn ra vũng nước trước mặt. Kẻ chiến bại sau đó được đồng bọn dìu về với bộ đồ dính sình hứa hẹn mấy ký bột giặt chưa chắc đã sạch trong tiếng vỗ tay reo hò mừng chiến thắng của lớp tôi. Thúy Nga, quả là một lớp trưởng không chỉ gương mẫu trong học tập mà còn dày dạn cả trong chiến đấu nữa.

Áo dài trong Hội Ngộ NHHN 2016

Tết năm lớp 9 trường tổ chức cắm trại, duyên tiền định hay sao trại của 9A và 9D lại đối diện nhau. Trong khi trại của 9A xộc xệch, trang hoàng đơn giản thì phía đối phương hoàn toàn ngược lại. Lều bạt của 9D cái nào cái nấy đẹp mắt, thẳng tắp nhất là cổng trại hoành tráng với cái trẹt treo tít trên cao vẽ hình con dê bằng phấn trắng và số 9 to tướng. Sau một hồi chỉ trỏ, ngắm nghía lớp tôi đồng ý lấy phương châm “được làm vua, thua làm giặc”, chờ giờ G là hành động. Đêm đó đợi họ nhà Dê ngủ say (với giấc mơ đoạt giải trại đẹp nhất), chúng tôi cử hai em cao nhất 9A cõng nhau giựt sập cổng trại của 9D. Trước khi rút lui, hai em chân dài còn kịp chùi lia lịa hình con dê và léo nhéo: Dê nè! Dê nè! Kỳ này cho hết Dê luôn!

Sau này đi ngang lớp 9D, chúng tôi thường vu vơ hát: “Không phải tại anh, cũng không phải tại em. Tại trời xui khiến hai lớp mình sát… sát… sát… nhau”. Chữ sát kéo dài cộng thêm mấy tà áo dài ngúng nguẩy, đối phương tức không chịu nổi. Thay vì bắt nạt như trước, họ hàng nhà Dê chỉ biết gương những đôi mắt mang hình viên đạn nhìn theo.

Giữa năm lớp 9, các trò nghịch ngợm thưa dần vì chúng tôi phải học kèm toán và sinh ngữ hai là pháp văn chuẩn bị lên lớp 10. Thầy Hưởng (ba của thầy Ngô Liên Phương) không dạy ở trường Nguyễn Huệ nhưng nổi tiếng dạy giỏi hai môn này. Chủ nhật hàng tuần chúng tôi thường đạp xe xuống đường Lê Lợi, đi qua mấy cái ngõ quanh co đầy dâm bụt đỏ mới tới nhà thầy. Không chỉ dạy dễ hiểu, lũ nhóc thường ôm bụng cười vì cách nói chuyện thâm thúy, đặc biệt tiếu lâm của thầy. Có lần đang giải toán, chúng tôi nhai kẹo Chewing gum chách chách. Đập mạnh cây thước trên bàn đến lần thứ ba vẫn còn tiếng chách chách, thầy từ tốn nhìn xuống:
- Các trò có biết đang nhai gì không? Đó là da của mấy thằng Mỹ. Hên thì trúng da mặt, da tay. Vô phúc đứa nào trúng chỗ nách, chỗ…chỗ…đó chết cha tụi bay. Thừa biết Chewing gum làm bằng gì nhưng bọn nhóc cũng phun không kịp thở.
Học kèm ở nhà thầy Hưởng còn có bọn con trai. Đức bồi giỏi toán, nhưng pháp văn thì thuộc hạng trời ơi nghĩa là dở tệ. Hôm nào giải toán bí hỏi Đức không trả lời, giờ pháp văn tụi tôi trả thù không thèm nhắc. Một lần lên bảng trả bài, thay vì chào thầy bonjour monsieur, Đức lại quýnh quáng xổ tiếng bồi bonjour me xừ. Thầy Hưởng vỗ vai Đức:

- Trò có bà con với một thằng!

Cả lớp nhao nhao: Thằng nào, thằng nào? Thầy Hưởng tủm tỉm:

- Bồi bàn bưng ra con gà. Khách hỏi: Bộ lòng đâu? Bồi trả lời:

- Mè xừ chút chít manger- Mõi ne pas động đậy! (chuột nó ăn, tôi không đụng đến).
Cả lớp cười ầm ĩ, Đức quay xuống nhìn chúng tôi lầm bầm:
- Đồ phẻn bậu! (phản bội).

Tuổi 14,15 trôi đi êm đềm dù đang thời chiến. Mỗi đêm tiếng đại bác từ đỉnh núi Chóp Chài vẫn ầm ì vọng về thị xã. Chiến tranh hằn lên trong ánh mắt lo âu của người lớn còn bọn con nít chúng tôi mặt trận như ở đâu đó xa xa lắm. Thế giới của chúng tôi chỉ là lớp học nhỏ nhưng đầy tiếng cười lớn. Không gian vừa đủ để yêu thương. Ngày nay dù có kẻ giàu người nghèo, kẻ thành đạt người lận đận nhưng tất cả nữ sinh lớp 9A ngày trước đều thành người lương thiện. Nếu thời gian có quay trở lại chưa chắc các con nhóc tuổi teen ngày ấy quậy thua teen bây giờ. Đó là cái quậy sạch, trong trẻo hồn nhiên của bất kỳ đứa trẻ nào trong độ tuổi ấy, còn teen bây giờ…

Chỉ cần gõ bốn từ nữ sinh đánh nhau, chưa tới một giây đã hiện ra vô số hình ảnh nói về hiện tượng này. Không chỉ một vài trường hợp cá biệt, hầu như địa phương nào cũng có những trận hỗn chiến giữa các nữ sinh. Nhìn nạn nhân mặc chiếc áo dài trắng bị xé rách nham nhở, một áo dài trắng khác giơ điện thoại ghi hình, nhóm áo dài còn lại cổ vũ: đánh đi! đánh nữa đi! Nghe mà sợ hãi. Ai dám chắc những tà áo dài bị vấy bẩn bạo lực kia sẽ trở thành mẹ, thành bà lương thiện ngày mai? Nhưng lỗi hình như không phải hoàn toàn nơi các em.

Áo dài trong Hội Ngộ NHHN 2016

Thế hệ chúng tôi không có internet, iphone, ipad… là điều thiệt thòi hay may mắn? Bây giờ, các phương tiện hiện đại mở toanh cánh cửa thế giới bên ngoài nên các em giỏi hơn nhưng đồng thời cũng tiếp cận cái xấu với vận tốc cực nhanh. Việc sàng lọc cái tốt lại vượt ngoài khả năng những con người còn non nớt. Ngay cả người lớn chúng ta cũng bội thực vì các tin bạo lực dày đặc trên mạng, thì làm sao bịt được mắt các em.

Sự hơn thua và vô cảm của không ít người lớn cũng vô tình tiếp tay cho bạo lực. Khi nào còn những phụ huynh cố đạp sập cổng trường lấy cho bằng được một suất học tốt nhất cho con. Khi nào còn những bà mẹ có con gái gây thương tích cho người khác lại phát biểu chuyện con nít tôi không biết gì, thì việc dùng nắm đấm để khẳng định tao phải thắng, tao là số 1 hay thản nhiên quay phim, vỗ tay khi người khác bị hạ nhục sẽ còn xuất hiện dài dài, không chừng vụ sau còn tàn bạo hơn vụ trước.

Trường học cũng không còn là chỗ an toàn cho các em. Chỉ cần một cái nhìn đểu, giựt bồ của nhau, điện thoại xịn hơn… những lý do lãng nhách này cũng được giải quyết, thanh toán nhau như giang hồ thứ thiệt. Cổng trường nào cũng đông đúc phụ huynh đưa đón con. Quản thì quản nhưng nhiều lúc cũng không ngờ được bạo lực lắm lúc lại xảy ra tại lớp học ngay dưới cái bảng “tiên học lễ, hậu học văn”.

Không thể so sánh tuổi mới lớn ngày xưa với tuổi mới lớn bây giờ. Các em có nhiều thứ trước đây chúng tôi chưa từng có: lớn lên trong thời buổi không có chiến tranh, công nghệ thông tin hiện đại, điều kiện học tập tốt… Không chừng các em còn giễu cợt, thời của mấy người lớn sao cổ lỗ sĩ, we we, pun we (Quê quá! Buồn quá!). Bù lại chúng tôi có một thứ mà phụ huynh hôm nay luôn khao khát cho con em mình: lớp học không có bóng dáng bạo lực. Tôi e ngại những tà áo trắng đã nhuốm màu tội ác, mỗi khi nghĩ về bạn, về trường chỉ còn là nỗi ân hận, ám ảnh suốt đời. Còn chúng tôi 20 năm, 30 năm hay hơn thế nữa nhưng khi nhớ về bạn cũ trường cũ đều trìu mến thốt lên: thương lắm áo dài ơi!

QUANG ĐẶNG (7/2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét