NĂM DẬU NÓI CHUYỆN GÀ
Trong mười hai con giáp, con
gà đứng hạng thứ mười, có nghĩa là không cao lắm nhưng được liệt vào danh sách
mười hai con vật tên tuổi thì đâu có tệ. Trên thế gian này, con gà rất quen thuộc
với con người, gà để đẻ trứng, gà để ăn thịt, gà để đá (gà), và gà để làm giống...
Vì vậy nói về gà là một việc rất bình thường, ai cũng biết cả, vậy sao bài viết
này lại để ý với việc gà nhỉ?
Ngày xửa, ngày xưa, khi Thượng
Ðế sinh ra muôn loài, trong đó có con gà. Gà lúc này, chỉ là giống gà sống
trong rừng núi, tự kiếm ăn và đấu tranh cho sự sống còn của mình, cực lắm!
Chung quanh bao là thú dữ, quà quạ, kên kên... luôn luôn đe dọa mạng sống của
giống gà nhưng gà không dễ gì mà tuyệt giống.
Ðến một hôm, có một giống vật
thông minh lanh lợi hơn, chợt nghĩ đến việc phải tìm nuôi vài giống vật hiền
lành, có ích lợi cho đời sống của mình. Giống vật thông minh lanh lợi ấy không
ai khác hơn là con người. Con người đã trải qua một thời gian tìm hiểu, gần gũi
với thú vật và chọn một số để đem đời sống của chúng đến gần với con người hơn
như: con chó để giữ nhà, con mèo để bắt chuột, con trâu, con bò để kéo cày, con
heo để ăn thịt, con dê để lấy sữa... và con vịt, con gà cũng được chọn.
Thế là gà nhà ta cũng biến
thành một loại gia súc. Việc tuyển chọn, tuy nhiên, vẫn có sự thiếu sót, và một
vài chú gà sót lại ở rừng cho đến bây giờ, chúng ta gọi là gà rừng. Gà rừng hay
gà nhà gì thì đời sống vẫn có phần giống nhau, hình thái như một, cũng hai
chân, hai cánh cả. Thôi hãy để việc đó qua một bên, bây giờ chúng ta thử cùng
nhau tìm vài cái có ở con gà mà chúng ta thường thấy. Nuôi gà để đẻ trứng thông
thường, không giống như việc nuôi gà đẻ hiện đại như ở các nông trại lớn. Nói đến
đây, không biết là mình nên bắt đầu bằng con gà hay cái trứng vì thật là khó để
chọn cho sự khởi đầu này! Nhưng chợt nhớ ra, lúc nhỏ ở nhà bà ngoại, hình ảnh
con gà mái nhảy ra từ cái ổ rơm và kêu cục tác; ờ, thì thôi, cho tôi tạm bắt đầu từ con gà mái thủa còn ở quê ngoại
nhé!
Trong bầy gà vừa lớn, bà ngoại
chọn vài con mái tốt tướng và một con gà trống tạm coi là tốt giống để duy trì
đàn gà. Khi đến tuổi cập kê, thì anh gà trống “oai hùng” lần mò làm thân với
các chị gà mái “diễm kiều” quanh vườn nhà. Rồi một hôm, hai con gà gà mái bắt đầu
kêu “cục tác”, bà ngoại lấy hai cái
thúng (đan bằng tre) rồi lót một lớp rơm khô vào đó, làm cái chỗ trũng ở giữa
thúng vừa cho thân hình con gà mái nằm vào. Có khi buổi sáng, có khi buổi trưa
xế, hai chị gà đều nhảy ra khỏi thúng kêu cục tác, và trong mỗi cái thúng đều
có thêm một cái trứng màu ngà thật xinh.
Mười mấy ngày sau, mấy chị gà
biếng ra khỏi thúng, bà ngoại biết là chúng không còn đẻ nữa và bắt đầu ấp trứng,
chờ ngày nở con. Bà ngoại mới nói: “chỉ cần một con ấp lấy gà con thôi, còn ổ
kia thì để lấy trứng”. Thế là bà chỉ để một ổ cho một con gà ấp, còn con kia
thì bà đem nhốt tạm vào giỏ, và bà đem mười mấy cái trứng ra chợ bán. Và cứ thế,
việc nuôi gà của bà mấy năm sau lớn dần, đàn gà trở nên đông hơn, trứng cũng lấy
được nhiều hơn. Ðó là chuyện gà đẻ trứng.
Một hôm, ông cậu lớn đi lính ở
xa về, bà ngoại liền bắt mấy con gà giò đem ra mần thịt, cắt tiết gà xong, bà
đem mấy con gà nhúng vào nồi nước sôi rồi bảo lũ cháu chúng tôi vặt lông. Có bốn
con tất cả. Một con, bà chặt ra thành mấy khúc nhỏ, đem ướp gia vị rồi nướng. Mấy
bộ lòng thì bà đem xào với bún tàu và nấm mèo. Ba con còn lại bà cho vào nồi
cháo. Sau khi gà vừa chín tới, bà vớt ra (nồi cháo đủ ngọt rồi) và đem xé phay
với rau răm chấm muối ớt... Chén cháo gà nóng hổi, thịt gà phay với rau răm muối
ớt, lòng gà xào nấm mèo với bún tàu xúc bánh tráng nướng; gà nướng cầm tay nhâm
nhi với ly rượu đế ngâm chuối khô, thật là tuyệt! Ðó là chuyện nuôi gà để ăn thịt.
Một ngày nọ, ông bác tôi đến
thăm nhà ngoại, thấy vườn rộng, điều kiện tốt, bèn bàn với cậu út là sao không
nuôi gà nòi (gà đá). Vì bác là một tay chơi gà đá quanh năm nên đã thuyết phục
cậu út nuôi gà đá một cách dễ dàng. Và bác hứa sẽ mang cho một cặp “gà giống” tốt,
với điều kiện là sau này bác xin một con gà con.. Bác còn nói nếu gà đá nuôi kỹ,
giống tốt thì bán được nhiều tiền, gấp mấy lần gà thường. Cậu út nghe bùi tài,
ngày hôm sau chặt tre về đan mấy cái lồng lớn để chuẩn bị cho việc nuôi gà đá.
Vài tuần sau, bác tôi mang đến
một cặp gà đá giống, một con trống, một con mái, lông con nào cũng đen mượt. Gà
tơ nhưng trông tốt tướng lắm. Bác còn nói là gà lấy giống ở Hòa Ða (Quận Tuy
An, tỉnh Phú yên, nơi có giống gà đá khá nổi tiếng trong tỉnh). Bác đi rồi, cậu
tôi ôm cặp gà nhốt vào chiếc lồng thật lớn, cho ăn uống đầy đủ, chăm sóc kỹ
càng.
Vài tháng sau, gà lớn, cậu
tôi làm một cái lồng khác, thật lớn, bao cả một khu đất rộng bên cạnh chuồng
trâu, chỉ dành cho hai con gà nòi này thôi. Rồi gà đẻ trứng, ấp con, cậu út có
một bầy gà nòi nhỏ, thật dễ thương. Chúng lớn dần, bây giờ cậu mới thả cho
chúng tha hồ chạy nhảy khắp vườn. Tuy là gà đá, có ngón, có đòn; vì cùng một mẹ, chúng chẳng bao giờ đá nhau cả;
các đòn ngón đó chỉ dành cho địch thủ.
Sau đó không lâu, bác tôi trở
lại, như đã hứa, cậu tôi để bác tùy tiện lựa một con gà trống mà bác thích nhất
(sau khi coi giò, coi cẳng). Thấy con gà có cái mồng nghiêng về một bên, bác đặt
cho nó cái tên là Mồng Lái. Con Mồng Lái về sau nổi tiếng đá hay, bác kiếm được
mớ tiền; nhờ thế mà cậu út tôi có tiếng là nuôi được giống gà nòi thuộc hàng
cao thủ. Dân đá gà tìm đến mua gà của cậu út không ít.
Sau đó gần một năm, bác tôi
trở lại thăm ngoại và cậu út đồng thời bác bế con Mồng Lái theo và biếu cho cậu
út làm giống, bù lại, cậu tôi biếu bác một chú gà tơ khá tốt. Từ dạo ấy, chú Mồng
Lái được thả tự do trong khu nuôi gà nòi của cậu út. Mồng Lái và vài chú gà giống
khác đã giúp cậu tôi “sản xuất” hàng loạt các “võ lâm cao thủ” khác cho các trường
gà ở những vùng lân cận.
Giống gà của cậu tôi quả là
“danh bất hư truyền”, thả ra trường đá là cho địch thủ nếm đòn ngay, nhiều khi
chưa qua tới “hồ liếu” (một khoản thời gian đầu để thử cựa, khoảng vài phút,
cháy một đoạn nhang, sau đó mới tính ăn thua cho một cuộc đá gà) thì địch thủ
đã “rót” rồi (rót: chưa tới hồ liếu mà đã chạy rồi, coi như cuộc đá không tính
ăn thua, con gà thua khi chưa tới hồ liếu là gà “rót”). Ðó là chuyện nuôi gà để
lấy giống, để đá.
Bẵng đi một thời gian, vì đi
học xa, tôi không có dịp gần gũi với với những đàn gà nhà ngoại, đến gần hai
năm tôi mới trở lại. Ðàn gà nhà ngoại đông hơn, gà nòi của cậu út nổi tiếng hơn
và tôi thấy vui hơn nhiều lắm, nhất là được ở gần ngoại. Gần hai tháng ở nhà
ngoại, tôi tha hồ được ăn thịt gà, trứng gà, nhìn những “cô” gà mái dẫn con đi
ăn, nhìn những quả trứng trắng ngà xinh xắn nằm gọn trong những chiếc ổ rơm ấm
áp, nhìn những lần cậu út cho gà “xổ” (đá thử) với gà của những người làng
bên... Tôi thích lắm.
Có một buổi chiều, cùng ngoại
đứng trước sân nhìn những chú gà chuẩn bị vào chuồng, bà ngoại chỉ và nói: “
đàn gà này được hai tháng, gần lẻ mẹ, đàn gà kia có con mái tốt, sẽ giữ làm giống,
đàn nọ có con cồ tốt sẽ giữ lại, không bán...”; tôi ngậm ngùi nghĩ đến tôi, tôi
đã “lẻ mẹ” từ lâu... Rồi bà tôi nhìn quanh vườn và nói: “con biết không? Nhà
này vườn rộng, cây cối um tùm mà chẳng bao giờ có rắn, rết, bò cạp chi cả, có
bao nhiêu thì đàn gà của bà bắt ăn hết rồi, hễ có con rắn con, rết bò ra là coi
như toi mạng, gà nhào tới mổ ngay giữa mình, lắc mấy cái là rắn con, rết mẹ đứt
làm hai. Các thứ độc hại đó đâu sống nổi với đàn gà của bà. Ðừng thấy con gà hiền
mà chỉ nghĩ đến việc chúng chỉ đẻ trứng, cho thịt; không đâu, đôi khi cũng có
ích cho việc trừ rắn rết đấy con ạ”. Bà ngoại có lý thật!
Giờ đây, bà ngoại đã về với tổ
tiên, ngày bà ra đi, tôi đã biệt xứ; cậu út không nuôi gà nữa “từ khi ấy”; bác
tôi cũng theo ông bà; và đàn gà nhà ngoại chỉ còn là dĩ vãng xa xôi, một kỷ niệm
trong đời. Bên này, ở phương trời lạ, tôi nhớ quá phương trời cố hương, nơi đã
mang hình bóng bà ngoại kính yêu, có bác gà đá, có cậu út gà nòi, và nhớ nhất
là câu chuyện của một buổi chiều ở vườn nhà ngoại: “khó mà tìm ra rắn rết độc hại
quanh nhà” vì đã có đàn gà dễ thương kia ơi!
Trần Hoàng Phước Hậu
Casino889 tặng 100% tiền nạp khi đang ký tài khoản ca cuoc bong da
Trả lờiXóaChi tiết mời truy cập cá cược bóng đá