Nếu không nhìn bảng tên ngoài đường lớn, không ai biết bên
trong con hẻm sôi động nhất khu phố Tây có một ngôi chùa. Lúc mới đặt chân đến
mình đã hoài nghi tôn nghiêm sao có ở chốn này. Mùi rượu bia, thức ăn, nước
hoa, son phấn. Tiếng nói cười, cãi cọ Anh, Pháp, Đức, Nga, Hoa… Nhạc disco,
pop, rap, rock, bolero… âm thanh này chồng chéo âm thanh kia. Thứ không khí trần
tục không thể nào hơn. Thế nhưng sau hai cánh cổng khép lại là một thế giới
khác hẳn. Phật lặng lẽ trên chánh điện không sơn son thếp vàng. Kinh tiếng Phạn
nhỏ nhẹ hòa cùng tiếng mõ. Chuông đảnh lễ từng hồi, từng hồi thong thả vang xa.
Có người hỏi sao lễ chùa xa không lễ chùa gần, biết trả lời thế nào, tùy duyên
vậy!
Mình không phải là người mộ đạo. Mỗi năm chỉ đến chùa vài
ba lần vào những ngày năm mới, Phật Đản, Vu Lan. Hồi trước còn thỉnh thoảng đi
chùa Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm mười năm gần đây ngôi chùa ở khu phố Tây trở thành địa
chỉ quen thuộc của mình. Xuất phát từ cơ duyên nào không rõ, chỉ biết tìm thấy ở
ngôi chùa này một thứ tĩnh giữa muôn vàn thứ động.
Lần đầu tiên mình bước vào chánh điện là một ngày cuối năm.
Không gian im ắng đến lạ thường. Độ vài mươi phật tử quì trước kệ kinh đợi giờ
hành lễ. Trên bàn thờ Phật nhang trầm thi thoảng vờn quanh mấy nụ mai. Giữa Phật
đường một chậu đào phai còn nguyên những búp. Thầy trụ trì từ phía sau tiến lên
cất tiếng: “Hôm nay là ngày 23 tháng chạp. Ở các vùng quê Bắc bộ xưa, ngày này
trước cổng nhà người ta bắt đầu dựng cây nêu. Trong nhà phụ nữ chuẩn bị đậu, nếp,
lá dong để gói bánh. Ngoài triền đê hoa đào nở thắm không ngại trời giá rét. Đường
làng lao xao tiếng người cười nói, tiếng trẻ con bi bô theo mẹ ra chợ sớm.
Trong không khí ấm áp ngày xuân đất phương Nam, giờ là lúc chúng ta giở hồi
kinh cuối năm”. Không thuyết giảng cao xa, không một lời giáo huấn. Mùa xuân
kinh Bắc năm xưa bình yên đến đỗi lòng mình suýt tan chảy.
Từ khúc dạo đầu hồi kinh cuối năm, người chẳng có chút giáo
lý nhà Phật, chỉ thuộc mỗi câu “Nam Mô A Di Đà Phật” là mình ngộ ra rằng: Phật
không ở đâu xa, ở điều giản dị và những người quanh ta. Thật ra ý nghĩ này đến
từ rất sớm chỉ có điều chưa kịp nhận ra thôi. Ông ngoại và những ngôi chùa tuổi
ấu thơ là điều giản dị đầu tiên mình được biết.
Nhà mình và nhà ngoại cách nhau một đường luồn ngắn. Lúc nhỏ
tan học mình thường ghé vào nhà ngoại. Đẩy cái cổng tre, xua con chó Vàng quẩy
đuôi quấn quít, bưng chén cháo đậu ngự ông ngoại để sẵn trên bàn mình vừa ăn vừa
ngồi đong đưa hai chân nhìn ra sân. Này nhé nắng vàng, này nhé hoa mận trắng rụng
đầy sân, có tiếng chim sẻ ríu rít ngoài gốc trầu cạnh giếng. Ở nhà trên ông ngoại
ngồi xếp bằng trước bàn thờ Phật, tay lật kinh, tay gõ mõ, miệng tụng niệm râm
ran. Thỉnh thoảng có một vị khách đến thăm ngoại, sư thầy Giác Lâm. Hồi đó còn
quá nhỏ để biết sư thầy từ đâu đến, tu ở chùa nào chỉ biết đó là người ông ngoại
rất kính trọng. Cuộc viếng thăm của vị sư già bao giờ cũng bắt đầu bằng tiếng
guốc lộc cộc nơi đầu ngõ, tiếng “Chào ông Hai, tôi mới đến.” Sau một tuần trà,
một hồi kinh cầu an cho gia chủ, sư thầy lại lên tiếng “Chào ông Hai tôi về”.
Nhiều hôm trong giấc mơ trưa của người 60 tuổi, mình nghe văng vẳng tiếng tụng
kinh của ngoại, tiếng guốc lộc cộc của vị sư già lông mày bạc trắng, dáng cao
cao, cắp tay nãi màu xám đi về phía dốc Ba Râu.
Lớn lên một chút mình được theo ngoại đi lễ chùa đầu năm.
Cuộc hành hương của mấy ông cháu bắt đầu từ ngôi chùa nhỏ trên tháp Nhạn. Con
đường đất ngoằn ngoèo lên núi sáng mồng một Tết dường như ngắn lại. Mình nhớ
tam quan chùa hướng về dòng sông. Thành phố, cây cối, dòng sông Chùa như một dải
lụa nằm im lìm dưới chân núi. Trong chùa ông ngoại thắp nhang khấn nguyện.
Ngoài tháp cổ đám cháu nhỏ chạy loanh quanh. Một lát sau ông dắt cháu xuống núi
băng qua đường rầy xe lửa, đi men theo quốc lộ xuống xóm Chùa, một xóm nhỏ dọc
bờ sông có ba ngôi chùa Kim Cang, chùa Tàu, Kim Long cùng mấy chục nóc nhà tựa
lưng vào vách núi. Điểm đến cuối cùng bao giờ cũng là chùa Kim Long nằm ẩn sâu
trong núi. Lối lên chùa là những bậc tam cấp bằng đá có thời gợi cho mình nhớ đến
chùa Long Giáng của Khái Hưng.
Mùa thu đến. Khi những cánh đồng lúa chín vàng quanh chùa Hồ
Sơn cũng là lúc bọn mình theo ông ngoại đi gặt lúa. Trong lúc ngoại xem thợ gặt,
mấy đứa cháu rủ nhau vào chùa. Quà của sư trụ trì lúc nào cũng là chè đậu đen nấu
nếp, món quà quê đơn giản mà ngọt lịm đến tận giờ. Rồi chuông chùa ngân nga,
gió thì mát, hương lúa ngạt ngào, thềm tam quan láng ơi là láng mình nhớ hôm
nào cũng ngủ quên.
Cách đây mấy năm mình có trở lại con đường hành hương cũ.
Tháp cổ vẫn uy nghi, sông Chùa vẫn chảy, thành phố rộng hơn bên dưới nhưng ngôi
chùa sau tháp không còn nữa. Rặng tre già thơ mộng ngăn cách đôi bờ xóm Chùa và
Ngọc lãng được thay bằng bờ kè xi măng lạnh lùng. Đứng trước chùa Kim Long thì
cứ ngóng hoài mấy bậc đá cũ quên là hai cánh cổng đã che kín lối đi. Muốn tìm
ai đó để hỏi thăm nhưng thành phố bây giờ người quen ít hơn người lạ. Những
ngôi chùa tuổi ấu thơ, chồng kinh cũ và nụ cười đôn hậu của ông ngoại đã thật sự
phủ bụi mờ.
Sau ông ngoại, người thứ hai phả vào tâm hồn mình sự dung dị
của Phật giáo là vú già. Từ lúc ý thức được sự hiện diện của vú cũng là lúc biết
được vú quan trọng với mình nhường nào. Trong khi người lớn bận rộn việc mua
bán thì bọn trẻ trong nhà xem vú già như một báu vật. Mình, đứa nhỏ nhất nhà
khi ấy được độc quyền vú trong một thời gian dài. Đến tận giờ mình vẫn không hiểu
trong đầu của người đàn bà không biết chữ, nói lắp rất nặng ấy lại đầy ắp những
giai thoại Tam Tạng thỉnh kinh, Mục Liên Thanh Đề, Quan Âm Thị Kính và cả Tam
Quốc Chí nữa. Mình chỉ lờ mờ nhận ra đó chính là những hạt giống đầu tiên trong
vườn ươm tâm hồn mình. Ngoài những mẫu chuyện cổ tích kể hoài không hết, chiều
đến vú hay dắt mình đi chùa. Đứa bé năm tuổi ngày ấy cứ tròn mắt nhìn vú kính cẩn
quì trước bàn thờ Phật, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ, thỉnh thoảng lại giục lạy
Phật đi con! Mấy táng lá rộng cây bồ đề trước sân chùa Long Quang, mùa Phật Đản
với điệu múa lục cúng huyền bí, tấm lòng mộ đạo của vú già là những bước chập
chững đầu tiên đưa mình đến với sự huyền diệu của tín ngưỡng. Phật giáo kể cũng
lạ, có thể rộng cửa đón nhận bất cứ ai từ người tinh thông kinh kệ như ông ngoại
cho đến người không biết chữ như vú hay một đứa con nít như mình. Lần cuối mình
về thăm vú đã ngoài 90. Hai dòng lệ ứa ra từ đôi mắt mù như muốn nói, Bảy phải
không con! Mình ngồi trên bậc thềm nhà vú suốt buổi chiều. Vú nằm im trên giường
hai tay lần chuỗi tràng hạt. Tiếng chuông chùa Long Quang gần đó vẫn lặng lẽ
rót vào thinh không.
Việc tôn sùng Phật giáo của ông ngoại và vú đối với mình
như một dòng chảy tự nhiên, giống như việc một tháng ăn chay hai ngày mồng một
và rằm lâu ngày trở thành nếp nhà. Nhưng việc xuất gia của T, em bà con của
mình quả là một cú sốc. Hôm mở video ghi lại lễ xuất gia của T tim mình như thắt
lại. Từng sợi ngắn, sợi dài mái tóc một thời thiếu nữ lã chã rớt trên vai em.
Tiếc nuối, hụt hẫng mình bàng hoàng trước quyết định có vẻ như trái chiều, ngược
dòng với đám đông của em. Tốt nghiệp đại học ở Mỹ, có việc làm tốt thu nhập
cao, sống tại một đất nước bao nhiêu người mơ ước, từng đặt chân đến nhiều nơi
trên thế giới. Chưa hết ngạc nhiên, một thời gian sau mình lại được tin T có mặt
ở Việt nam, tại một thiền viện ở Long Thành.
Hôm đến thăm T thiền viện đang vào xuân, trời se lạnh. Sân
trước, vườn sau hoa thi nhau nở. Thấp thoáng bên ao sen, đám mía, vườn rau bóng
mấy chiếc áo nâu. Gặp T giữa ruộng dưa lòng mình bỗng ấm lại. Em vẫn hồn nhiên,
trong sáng như ngày mấy chị em còn bé. Nhờ người chụp vài tấm ảnh. Đứng bên
mình T đầu trần, áo lam, dép thô mà vẫn đẹp, có thứ gì đó hơn cả cái đẹp toát
ra từ tâm hồn em. T dắt mình đi một vòng thiền viện. So với những vật chất tiện
nghi từ bỏ, phía sau cuộc sống hiện tại của T sao thấy thấp thoáng bóng dáng
thái tử Tất Đạt Đa!
Chia tay T trời đã xế trưa. Nắng vẫn vàng trên hai cánh cổng
thiền viện. Em đứng đó dáng cao gầy, nón lá, áo lam, tay khẽ vẫy. Xe chạy rồi
mình ngoái đầu nhìn lại, T đã quay lưng thong thả bước về phía thiền đường. Người
lái xe hỏi muốn đi đâu, rẽ trái là Vũng Tàu, rẽ phải về Sài Gòn. Bâng khuâng giữa
đôi ngã mình lại nghĩ về T, về cõi bình yên em đã chọn.
Từ suy nghĩ chân phương của những người thân khi tìm đến với
Phật giáo, quan niệm chùa chiền phải vắng vẻ, thanh tịnh hình thành trong mình
lúc nào không hay. Hôm sang Nhật, sau khi đi viếng mấy ngôi chùa ở Tokyo chị bạn
hỏi mình thích chùa nào nhất. Câu trả lời chùa Enjoin làm chị ngạc nhiên. Đó là
một ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn ở ngã ba đường, cách khu Yashio chừng 15’ lái
xe. Từ đường lớn nhìn vào không ai nghĩ giữa Tokyo hiện đại và náo nhiệt lại có
một ngôi chùa cổ xưa và tĩnh mịch như thế. Những mái ngói cong vút màu xám đen,
con dốc cao uốn cong từ bên dưới, hàng cây trước cổng đang vàng lá mùa thu. Nơi
góc phải của chùa là một giếng cổ bằng gỗ, ai đó đã gác một cái gáo nhỏ lên
thành giếng, mặt nước khẽ khàng lay động vì gió thu. Đi len qua một vườn hồng
sai trái chín đỏ, mình bước vào Phật đường. Sự yên tĩnh ở đây gần như tuyệt đối,
chỉ có tiếng tụng kinh à…um…à…um…à…um xa lạ chưa nghe bao giờ của mấy vị sư người
Nhật. Từ trên cao nhìn xuống, Phật vẫn là Phật quen thuộc của muôn người.
Chiều muộn. Mình và chị bạn bước vào phòng khách của chùa.
Trong lúc ngồi chờ sư trụ trì, một chú tiểu bưng lên khay trà và đĩa mứt. Nhâm
nhi một ít mứt bên tách trà bốc khói, ngôi chùa nhỏ và mùa thu Tokyo mãi mãi
khó quên.
Với suy nghĩ như thế mình rất ngại khi đến những ngôi chùa
to lớn, đông đúc. Đã có lần mình chùn chân khi bước vào một ngôi chùa thuộc
hàng kỷ lục Guinness VN. Cơ man nào là lễ vật. Tiền lẻ nhét không sót chỗ nào
giữa kẻ hở trăm vị La Hán. Nam thanh, nữ tú nói cười ồn ã giữa chốn linh thiêng.
Bất giác mình nhìn lên chánh điện, Phật hiền từ song có chút gì đó cô đơn. Rồi
hàng năm đến mùa lễ hội của một ngôi chùa nổi tiếng. Những hình ảnh phản cảm
như dòng sông đầy rác, chen chúc xô lấn ở cáp treo, thịt thú rừng bày bán ê hề
trên đất Phật lại tràn đầy mặt báo. Ngôi chùa “Réo rắt suối đưa quanh. Nhịp cầu
xa nho nhỏ. Cảnh đẹp gần như tranh” và cô bé 15 tuổi miệng Nam Mô A Di Đà trong
thơ Nguyễn Nhược Pháp ngày nào giờ chỉ còn là huyền thoại. Cuộc tọa đàm về chùa
Việt đăng trên báo TN mới đây, người ta lo ngại về thực trạng “ồ ạt xây chùa
to”, đánh mất bản sắc Việt đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Người
không am hiểu chút gì về kiến trúc, Phật pháp như mình thì trộm nghĩ, niềm tin
liệu có cần thiết phải đặt để trong những ngôi chùa to lớn, hoành tráng kia!
Còn mình, lạc lõng giữa phố phường đông đúc. Sáng nào mở mắt
dậy cũng ngán ngẩm với mấy cái tin cướp giật, tông xe, chém giết, tranh giành… Đôi
lúc muốn tìm một ngôi chùa thanh tịnh nào đó để tĩnh tâm, lắng lòng e rằng hơi
khó. Thôi thì cứ bằng lòng với những gì đang có. Giũ sạch bụi đường tìm đến với
cái tĩnh hiếm hoi của ngôi chùa nhỏ ở khu phố Tây. Hay mỗi khi bất an nghĩ đến
ông ngoại, vú già hay em T là bình yên, là thấy Phật!
QUANG ĐẶNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét