Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Hai Tiếng Lưu Vong

GIỚI THIỆU
Sau ngày mất nước 30-4-1975, hàng triệu người Việt bỏ quê hương, xứ sở ra đi tìm tự do vì không thể nào sống dưới chế độ độc tài đảng trị cộng sản. 
Xin mời quý Thầy Cô và quý Anh Chị đọc bài HAI TIẾNG LƯU VONG của đồng hương Khánh Đặng. Tác giả tuổi đời tuy còn non trẻ khi bỏ nước ra đi nhưng đã sớm ý thức được vai trò của mình là con dân của VNCH. Luôn xác định vị trí của mình là người "Lưu Vong".
Trân trọng giới thiệu.
NHHN



Cái ngày định mệnh ấy rồi cũng đã đến. Ngày mà cộng sản Bắc Việt mang đau thương phủ khắp miền Nam. Một ngày đen tối của lịch sử. Ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày mà Saigon chỉ còn ngự lại ở trong tim của hàng triệu người như chúng tôi. Ngày mà Nước Việt đã chìm trong trang huyết lệ.
Chúng tôi, không còn sự lựa chọn nào khác, đành lòng, đứt ruột, bỏ quê hương xứ sở, bỏ mồ mả ông bà, để lặng lẽ ra đi.
Chúng tôi ra đi, mà lòng quặn đau như cắt. Tâm can nặng trĩu một cõi lòng... Rồi dòng người cứ tiếp nối, nối tiếp ra đi. Chúng tôi ra đi mà không biết sẽ đi đâu, sẽ về đâu. Nhưng chúng tôi vẫn phải ra đi. Đi để thoát khỏi bàn tay của loài quỷ dữ. Đi để tránh sự tận cùng khốn nạn của bọn cộng nô.
Ra đi, cũng có nghĩa là ra đi mãi mãi. Không ai biết được, có bao nhiêu người bị hải tặc hãm hiếp, giết chết. Không ai có thể biết được có bao nhiêu người đã nằm lại ở đáy đại dương. Người đời có câu: "một là con nuôi má, hai là má nuôi con, ba là con nuôi cá". Nghe mà đau xót biết chừng nào. Cứ ba người ra đi, thì một người không bao giờ đến được bến bờ tự do. Lúc này đây, khi nghĩ tới những năm tháng đen tối đó, lòng thổn thức một nỗi buồn xót xa vô hạn.
Chúng tôi ra đi, không ai nói với ai nhưng trong mỗi chúng tôi khi ra đi chắc chắn mang theo trong tim mình cả một vùng trời bao la quê hương thân thương yêu đấu. Làm sao mà chúng tôi quên được nơi chôn nhau cắt rốn kia chứ. Làm sao mà chúng tôi quên được bà con xóm giềng. Chúng tôi dù sống bất cứ nơi nào, máu đang chảy trong người vẫn là máu của người Việt Nam.
Những ngày đầu tha phương ở xứ người, chúng tôi nhớ nhà lắm!. Nhớ lắm!!!. Chúng tôi khóc hoài. Nước mắt cứ chảy dài từ khoé mắt đỏ hoe. Hình ảnh quê nhà, người thân, làng xóm luôn hiện ra trong tâm trí. Thêm nỗi đau mất mát người thân trên đường vượt biển. Gia đình ly tán, nát tan. Kẻ còn - người mất. Nhiều lúc cứ tưởng chừng như chúng tôi không còn sức lực để có thể đứng lên bước đi tiếp được nữa.
Nhưng rồi vòng xoay của cuộc sống cơm áo gạo tiền nơi đất khách quê người buộc chúng tôi phải cố giấu đi những nỗi niềm, những thổn thức trong tim để xây đắp một tương lai tốt đẹp cho con cháu. Chúng tôi chịu khó chịu thương, việc gì cũng phải làm. Chúng tôi không cần biết việc gì sang, việc gì hèn. Miễn là đừng có lừa dối , trộm cắp hay gây hại đến ai. Chúng tôi vất vả làm ngày, làm đêm, cố gắng lo cho con cái và gia đình. Và cũng có lẽ để quên đi những đau thương của quá khứ.
Rồi những thùng quà thi nhau tới tấp gởi về quê nhà. Rồi những đồng tiền mồ hôi nước mắt cũng được gởi về để giúp người thân còn ở lại. Chúng tôi không dám than thở. Chúng tôi không dám nói những khó khăn khi gặp phải. Mà nói ra để làm gì, để được gì. Âm thầm chịu đựng, giữ ở trong lòng tự mình biết mình mà thôi. Thế rồi chúng tôi được cái bọn mà từng truy cùng diệt tận. Từng nói chúng tôi là "ngụy quân ngụy quyền". Chính bọn họ lại gọi chúng tôi là việt kiều yêu nước. Khúc ruột ngàn dặm.
Không ai có thể đếm chính xác được con số người Việt thành công nơi xứ người. Hầu như ở lãnh vực nào cũng có tên người Việt của mình trong đó. Như chính trị, xã hội, ngành y, ngành luật, kiến trúc, cho đến học đường, phim ảnh, thể thao... và còn rất nhiều, nhiều lắm. Chúng tôi luôn mãi vươn lên không ngừng nghỉ. Chúng tôi tự đi trên đôi chân của chính mình. Chúng tôi không bao giờ dùng máu của người khác để lót đường. Và chúng tôi rất tự hào, hãnh diện ngẩng cao đầu về những gì mà chúng tôi tạo dựng nên và có được những thành quả của ngày hôm nay.
Rồi có những con người thật cao quý. Họ đã âm thầm trở về với hy vọng cứu nguy cho dân tộc, giành lại ‪quê hương. Họ đã bị cầm tù, và bị giết chết. Họ chấp nhận hy sinh cho ai và vì ai?
Rồi có những thế hệ tiếp nối, tiếp tục con đường dấn thân, ngày đêm đấu tranh cho một Việt Nam được tự do dân chủ. Đời sống của người Việt ở hải ngoại luôn bận rộn, ai cũng có gia đình riêng. Ai cũng có cuộc sống riêng. Nhưng họ vẫn cố gắng, cất lên tiếng nói trên các trang mạng xã hội, đưa những thông tin chân thật về đến tận quê nhà. Họ biết rằng, chắn chắn sẽ bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt bớ cầm tù. Nhưng nếu chỉ vì nỗi sợ hãi đó, mà họ im lặng thì ai, ai sẽ là người làm những công việc đó chứ?
Người Việt xa xứ vẫn dạy cho con cháu nói tiếng Việt. Vẫn có tết Trung Thu, tết Nguyên Đán hàng năm. Vẫn có hoa mai, hoa đào. Vẫn có tiếng pháo đì đùng. Vẫn có áo dài khăn đóng, chiếc nón bài thơ. Vẫn có bánh chưng bánh tét, kẹo mứt thắm đượm hương vị quê nhà. Vẫn có lời chúc tết và bao lì xì. Chúng tôi ra đi luôn mang trong lòng một nỗi niềm da diết. Đó chính là hai chữ QUÊ HƯƠNG.
Quãng một thời gian dài, 10 năm, 20 năm, hay 30 năm, và hơn 40 năm trôi qua. Mỗi người Việt xa xứ, ai cũng trân quý hai tiếng lưu vong ấy. Nó thiêng liêng, nó ý nghĩa, nó nhân bản biết dường nào. Chỉ có những Việt người xa xứ như chúng tôi mới hiểu hết, mới cảm nhận hết, và trân trọng những điều tốt đẹp đó mà thôi.
Xin đừng bất cứ ai xúc phạm, miệt thị, khinh khi hai tiếng lưu vong ấy. Xin đừng vì lòng tự tôn tự đại, mạt sát, chà đạp lên người Việt xa xứ như chúng tôi nữa. Xin hãy dừng lại trước khi quá muộn.
Chúng tôi một lần nữa, người Việt xa xứ, đã khổ đau quá nhiều vì chế độ cộng sản rồi. Xin bất cứ ai đừng khơi lại nỗi thương đau, đừng đâm sâu vào vết thương lòng của chúng tôi thêm một lần nào nữa.
Mong lắm thay.
Khánh Đặng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét