Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

Ngày Này Năm Xưa

GIỚI THIỆU
Ngày 30-4-1975 Miền Nam Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay cộng sản Bắc Việt, chấm dứt chính thể tự do nhân bản VNCH. Đánh dấu ngày lịch sử đau thương của dân tộc Việt. 
Xin mời quý Thầy Cô và quý Anh Chị đọc một đoạn hồi ký của Minh Vũ do đồng hương Khánh Đặng ghi lại.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN



Tiếng đập cửa dồn dập, bầm... bầm... bầm, hối thúc, làm thằng bé giật nẩy mình, choàng tỉnh.

Tôi, thằng bé, đang lim dim, thấp thỏm giấc ngủ trong tiếng súng lẫn tiếng pháo đầy đe dọa vọng về từ phi trường Tân Sơn Nhất, vẫn không nén nổi sự tò mò, ngóng theo bóng anh cả phóng ra khỏi cửa hầm cát, vội vã kéo cánh cửa sắt xếp nặng nề. Tiếng cửa rít lên kinh hãi trong đêm, hé mở vừa đủ cho chiếc xe Honda phóng vào phía sau nhà, ngay sát hầm bao cát kiên cố mà ba tôi đã cực nhọc xây lên, ngay sau khi Huế thất thủ.

Sự sụp đổ ở Cao Nguyên, rồi đến Huế, rồi đến các tỉnh duyên hải, khiến những tia hy vọng cùng những lời xì xầm, tính toán của Ba tôi và các bác, các chú từ từ nhỏ dần, rồi mất hẳn sau khi mất Xuân Lộc.

Chung quanh phi trường Tân Sơn Nhất là những làng Công Giáo di cư thời 1954, sự sợ hãi với cách trả thù tàn khốc và dã man của cộng sản như Tết Mậu Thân, như chiếc thòng lọng xiết chặt dần, theo những hung tin tới tấp bay về Sài Gòn. Nhưng khi dồn vào đường cùng thì những người dân hiền hoà, hiếu đạo trở thành những người hùng hung mãnh và liều lĩnh. Trong số đó có những người hùng như chú Ba và chú Út của tôi.

Gia đình và hàng xóm ai cũng biết, hai chú tôi hiền như thầy tu khi còn đi học. Nhưng cũng như các thanh niên miền Nam khác, khoác lấy chiến y là họ đã được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, thành những quân nhân kiên cường, dũng cảm. Hai chú tôi, những sĩ quan trẻ may mắn vượt qua những thử thách khốc liệt của chiến tranh, thay đổi hẳn sau những trận chiến của Muà Hè Đỏ Lửa. Đặc biệt trong mắt trẻ con của tôi, chú Ba như chiến sĩ trong tranh, hiên ngang trên lưng ngựa khi xưa, loang loáng gươm thiêng vạt bay quân thù như vạt cỏ.

Gia đình chú Ba tôi đã lãnh tiền tử hơn ba lần vì bị thương nặng, bị bắt, bị bỏ bom lầm khi đi trinh sát. Sau trận chiến đẫm máu Ban Mê Thuật, chú chạy thoát, bổ sung về bảo vệ Xuân Lộc, rồi bị thương nặng được tải về Sài Gòn. Chú Tư, người sĩ quan trẻ đầy nhiệt huyết luôn tin tưởng vào sự quyết thắng của chính nghĩa. Trưởng thành qua các chiến trường Quảng Trị, Chu Lai rồi được điều về tử thủ Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH.

Chiều 29-4, chú Ba về tới nhà Ba tôi, vết thương trên bụng và vai còn rỉ máu lại vội vã phóng xe đi khi biết chú Út đã vào trại dù Hoàng Hoa Thám hơn một tuần rồi.

Tiếng súng đạn và tiếng cầu kinh rền vang, vọng theo tiếng xe hối hả của chú Ba. Hai trái pháo rơi vào xóm tôi, một trái rơi trong xóm trong giết trọn một gia đình, trái khác rơi cách nhà tôi một con hẻm, không biết có ai mất không? Miểng pháo văng khắp nơi, làm lủng lỗ chỗ nóc nhà tôi. Một trong những miểng pháo này ghim trúng đùi Ba tôi, bác y tá hàng xóm phải qua rút miểng pháo bằng kìm và băng bó vết thương cho Ba tôi.

Mùi khói súng quen thuộc nồng nặc khi hai chú tôi xuống xe, chú Út hét vang:
- Tại sao bắt em về, mình còn đủ súng đạn cầm cự thêm vài ngày mà.
- Họ (Bộ Tổng Tham Mưu) bỏ đi hết rồi, chú tử thủ cho ai. Chú phải về lo cho gia đình. Chú Hai và gia đình đã lên tàu Hải Quân được hai hôm rồi.
Giọng Ba tôi run rẩy vì mất máu, mất niềm tin.
- Mất tất cả rồi, mình đã hết trách nhiệm. Giờ chú phải lo cho gia đình và phải sống. Còn sống thì còn hy vọng. Đừng hy sinh vô ích. Chú Ba nghiêm nghị hơn.

Nét lo âu và thất vọng chợt hằn lên trong ánh mắt chú Út. Với luyến tiếc, chú chậm rãi tháo bỏ súng ống, băng đạn quanh người và chiếc áo giáp nặng nề đầy lựu đạn, rồi từ từ khuỵu xuống như kiệt sức. Chú Ba cũng qùy xuống bá cổ em mình, rồi thì thầm những gì không rõ, để rồi cả hai cùng ngước lên với ánh mắt quắc sáng nỗi bất khuất, nhưng hằn học trong niềm uất hận vô biên...

Nhìn hai chú tôi quỳ bên nhau giữa súng đạn ngổn ngang, hai vòng tay rắn chắc, quyện mùi thuốc súng như cố vực nhau lên, bên vực sâu đổ vỡ.
Trong đầu óc non dại của tôi lúc ấy, đã mường tượng một tương lai thật đen tối và đầy tuyệt vọng.
Chú Ba sau vượt ngục tù cộng sản, và mất tích năm 1978. Chú Út hiện đang sống ở Pháp.

Anh Minh Vũ gởi tôi bài viết này, và muốn chia sẻ với bạn bè những đau thương mất mát của gia đình anh nói riêng, của người dân miền Nam nói chung khi cộng sản tràn vào hơn 42 năm về trước.

Khánh Đặng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét